Đại sư húy Tế Tĩnh, tự Nột Đường, hiệu Mộng Đông, người ở huyện Phong Nhuận, Kinh Đông,Trung Quốc; họ Mã, cha húy Vạn Chương, mẹ họ Cao. Đại sư là Tổ thứ 12 của tông Tịnh độ. Lúc nhỏ Sư rất thông minh, dĩnh ngộ. Lớn lên Sư theo Nho học, làu thông kinh sử. Năm 22 tuổi, sau một cơn bệnh nặng, Sư ngộ được thân này là vô thường, nên phát chí xuất thế. Hết bệnh, Sư đến huyện Phòng Sơn lễ ngài Vinh Trì ở am Tam Thánh xuất gia, năm sau đến chùa Tụ Vân cầu Luật sư Hằng Thật thọ giới Cụ túc. Từ đó về sau Sư tham học với các vị Long Nhất chùa Hương Giới, Huệ Ngạn chùa Tăng Thọ, Biến Không chùa Tâm Hoa, đạt được yếu chỉ Kinh Viên Giác, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Kim Cang và pháp Tam Quán Thập Thừa. Mùa Đông niên hiệu Càn Long 33 (1768), Sư đến chùa Quảng Thông tham yết Thiền sư Túy Như Thuần Ông phát minh tâm địa, được ấn khả nối đời 36 dòng Lâm Tế, đời thứ 7 phái Khánh Sơn.
Sau Sư kế thừa ngài Thuần Ông ở chùa Quảng Thông lãnh chúng tham thiền suốt 14 năm không hề mỏi mệt, tiếng tăm vang khắp hai vùng Nam Bắc. Có lần, Ngài nghĩ rằng: “Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ là một bậc tông tượng trong Thiền môn mà còn hướng tâm về Tịnh độ, cầu sanh An Dưỡng, ta là ai mà chẳng dám hướng tâm về?” Từ đó Ngài chủ trương Liên Tông chuyên tu tịnh nghiệp. Niên hiệu Càn Long năm 57 (1793), Sư đến chùa Giác Sanh trụ trì 8 năm, trùng tu điện đường, xây dựng phòng xá, chấn hưng Tịnh tông. Năm Gia Khánh thứ 5 (1800) Sư lui về ẩn tu ở chùa Tư Phước tại Hồng Loa, dự định đến hết đời, nhưng bốn chúng luyến mộ theo về rất đông. Sư tùy pháp thuận người nên lưu chúng, khiến nơi đây không bao lâu trở thành Tịnh độ tòng lâm nổi tiếng. Sư thông đạt yếu chỉ Thiền Tịnh, nghiêm khắc với mình, tha thiết với người, biện tài vô ngại, là bậc nhất của Phật môn đương thời.
Trước lúc thị tịch nửa tháng, Ngài biết thân hơi có bệnh, bảo đệ tử trợ niệm danh hiệu Phật, thấy trong hư không vô số tràng phan bảo cái từ phương Tây hiện đến. Ngài bảo chúng rằng: “Tướng Tịnh độ đã hiện, ta sắp về Tây”. Đến giờ Thân ngày 17 tháng 12 Ngài đoan tọa, mặt hướng về phương Tây, chắp tay nói rằng: “Niệm một tiếng Hồng danh thấy một phần tướng quý và vẻ đẹp”, rồi kiết ấn Di-đà, an nhiên thị tịch, hương thơm lan tỏa khắp nơi. Để nhục thân cúng dường bảy ngày, tóc trắng biến thành đen, diện mạo như lúc còn sống, tươi nhuận lạ thường. Ngày thứ mười bốn nhập khám, ngày thứ hai mốt trà-tỳ, thâu được hơn trăm viên xá-lợi tôn thờ ở tháp Phổ Đồng.
Ngài sanh vào giờ Mùi ngày 14 tháng 10 niên hiệu Càn Long thứ 6 (1741), thị tịch giờ Thân ngày 17 tháng 12 niên hiệu Gia Khánh thứ 15 (1810), hưởng thọ 70, pháp lạp 48.
Tất cả pháp môn lấy việc minh tâm làm đầu, tất cả hành môn lấy việc tịnh tâm làm trọng yếu, mà pháp trọng yếu để minh tâm không gì bằng niệm Phật. Hiện tại niệm Phật thì mai sau nhất định thấy Phật, chẳng nhờ vào phương tiện mà tâm tự khai ngộ. Như thế, niệm Phật chẳng phải là pháp trọng yếu để minh tâm ư? Lại, pháp trọng yếu để tịnh tâm cũng không gì bằng niệm Phật, một niệm tương ưng tức một niệm Phật, niệm niệm tương ưng tức niệm niệm Phật. Như hạt châu thủy thanh bỏ vào trong nước đục thì nước đục chẳng thể chẳng trong; danh hiệu Đức Phật đặt vào loạn tâm thì loạn tâm chẳng thể chẳng Phật (vắng lặng). Như thế, niệm Phật chẳng phải là pháp trọng yếu để tịnh tâm ư? Một câu danh hiệu Phật gồm thâu yếu chỉ của hai môn Ngộ và Tu. Toàn ngộ thì tín ở trong ngộ, toàn tu thì chứng ở trong tu. Tín, giải, tu, chứng gồm thâu; yếu chỉ của tất cả kinh điển Đại Tiểu thừa, đều hàm nhiếp. Vậy, một câu Di-đà, há chẳng phải là Đạo chí yếu ư?
Một niệm tâm hiện tiền của chúng sanh vốn toàn chân mà thành vọng, nhưng toàn vọng tức chân, suốt ngày chẳng biến đổi, mà suốt ngày tùy duyên. Nếu chẳng thuận cảnh Phật mà niệm cảnh Phật thì liền niệm chín cõi; chẳng niệm Tam thừa thì liền niệm Lục phàm; chẳng niệm cõi trời người thì liền niệm Tam đồ; chẳng niệm ngạ quỷ, súc sanh thì liền niệm địa ngục. Phàm đã có tâm thì không thể vô niệm. Vì tâm thể vô niệm chỉ chư Phật mới chứng đắc, còn từ Đẳng giác trở về trước đều thuộc hữu niệm. Phàm khởi một niệm, nhất định sẽ rơi vào mười cõi, vô niệm thì vượt ngoài mười cõi. Vì không một niệm nào vượt ra khỏi mười pháp giới. Cho nên, vừa khởi một niệm tức đã có một duyên thọ sanh. Người biết rõ lý này mà không niệm Phật thì chưa từng có vậy. Nếu tâm này tương ưng với lòng đại từ đại bi bình đẳng, công đức y chánh cho đến Hồng danh vạn đức tức đã niệm pháp giới Phật vậy. Nếu tâm này tương ưng với tâm Bồ-đề, Lục độ vạn hạnh tức đã niệm pháp giới Bồ-tát vậy. Nếu tâm vô ngã tương ưng với mười hai nhân duyên tức đã niệm pháp giới Duyên giác. Nếu tâm vô ngã quán xét Tứ đế tức đã niệm pháp giới Thanh văn. Hoặc tâm này tương ưng với Tứ thiền, Bát định cho đến Thập thiện thượng phẩm tức đã niệm pháp giới thiên. Nếu tâm tương ưng với ngũ giới tức đã niệm pháp giới người. Nếu tu tập các pháp Ngũ giới, Thập thiện mà trong tâm còn sân hận, kiêu mạn, thắng thua tức rơi vào pháp giới Tula. Nếu dùng tâm yếu kém niệm Thập ác hạ phẩm tức rơi vào pháp giới súc sanh; nếu dùng tâm nửa yếu kém nửa mạnh mẽ tương ưng với trung phẩm Thập ác thì liền rơi vào pháp giới Ngạ quỷ; nếu với tâm mạnh mẽ tương ưng với thượng phẩm Thập ác thì liền rơi vào pháp giới Địa ngục. Thập ác tức là sát sanh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, ỷ ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt, tham, sân, tà kiến. Trái lại là Thập thiện. Các ông nên thầm xét kỹ, những tâm niệm khởi lên hằng ngày tương ưng với pháp giới nào mạnh nhất thì nơi an thân lập mạng ngày sau tự có thể biết được, chẳng cần phải nhọc hỏi người.
Tất cả cảnh giới chỉ do nghiệp chiêu cảm, chỉ do tâm hiển hiện, đương thể cảnh giới ấy tức không. Phàm có tâm thì không thể không có cảnh. Cho nên, không hiển hiện cảnh Phật thì hiển hiện chín cõi, không hiển hiện cảnh Tam thừa thì hiển hiện cảnh Lục phàm, không hiện cảnh trời, người, ngạ quỷ, súc sanh thì hiện cảnh địa ngục. Cảnh giới Phật và Tam thừa tuy có hơn kém khác nhau, nhưng cũng đều thọ hưởng pháp lạc. Cảnh giới chư thiên trong ba cõi chỉ thọ dụng niềm vui ngũ dục từ thiền định. Cảnh giới nhân gian thì khổ vui lẫn lộn, mỗi mỗi tùy theo nghiệp lực của mình mà lãnh chịu hoặc hưởng thọ khác nhau. Cảnh giới ngạ quỷ, súc sanh khổ nhiều vui ít; cảnh giới địa ngục chỉ thuần vô lượng khổ. Như núi sông, người vật thấy trong mộng đều nương vào tâm mộng mà hiện, nếu không có tâm mộng thì không có cảnh mộng, không có cảnh mộng thì không có tâm mộng. Cho nên biết ngoài tâm không có cảnh, ngoài cảnh chẳng có tâm. Toàn cảnh tức tâm, toàn tâm tức cảnh. Nếu từ nhân mà xét quả thì nên quán tâm, nếu nơi quả mà nghiệm nhân thì nên quán cảnh. Cho nên nói: “Chưa có cảnh vô tâm cũng không có tâm vô cảnh”. Quả ắt phải từ nhân, nhân ắt phải kết quả. Nếu người biết được đạo lý tâm cảnh, nhân quả nhất như bất nhị mà còn không niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, thì tôi không tin.
Nếu chân thật vì sanh tử mà phát tâm Bồ-đề, dùng tin sâu nguyện thiết trì niệm danh hiệu Phật, thì chỉ mười sáu chữ Nam mô Tây phương Cực Lạc thế giới đại từ đại bi A-di-đà Phật đã là đại tông chỉ của pháp môn Niệm Phật. Nếu chẳng phát tâm chân thật vì sanh tử thì tất cả những lời khai thị đều là hý luận. Tất cả những khổ não sâu rộng ở thế gian không gì hơn sanh tử. Nếu chẳng thấu suốt sanh tử, thì sanh tử tử sanh, sanh sanh tử tử không bao giờ dừng nghỉ, ra khỏi bào thai này lại vào bào thai khác; bỏ đãy da này lại giữ đãy da khác, còn không kham nhận nổi những thống khổ ấy. Huống gì chưa thoát luân hồi thì khó tránh khỏi đọa lạc; bào thai heo, thai chó nơi nào chẳng chui vào; đãy da lừa, da ngựa cái nào chẳng giữ lấy. Thân người khó được mà lại dễ mất, một niệm lỗi lầm thì liền rơi vào đường ác. Tam đồ dễ vào mà lại khó ra, địa ngục dài lâu mà khổ não vô lượng. Từ Thất Phật đến nay còn làm loài trùng kiến, tám vạn kiếp sau chưa thoát thân bồ câu. Đường súc sanh đã dài lâu mà cõi địa ngục, ngạ quỷ còn lâu dài gấp bội. Trải qua kiếp số như hằng sa bao giờ liễu thoát, bao giờ dừng nghỉ. Vạn khổ nấu nung không nơi trở về, không ai cứu vớt. Mỗi lần nói đến việc ấy thì lông tóc dựng ngược, mỗi lần nghĩ đến việc ấy thì ngũ tạng như đốt như thiêu. Vì thế, ngay hôm nay phải thống thiết nghĩ đến sanh tử như mất cha mẹ, như cứu lửa cháy đầu.
Nhưng ta hôm nay có sanh tử thì ta mong cầu xuất ly, tất cả chúng sanh cũng đều có sanh tử, thì cũng nên cầu xuất ly. Họ và ta vốn đồng một thể, đều là cha mẹ nhiều đời. Chư Phật vị lai nếu chẳng nghĩ tới việc cứu độ chúng sanh mà chỉ mong cầu tự lợi thì lý này có chỗ thiếu sót, tâm có chỗ chưa an. Huống gì tâm đại bi chưa phát thì bên ngoài không cảm đến chư Phật, bên trong không khế hợp bản tánh; trên chẳng thể thành tựu trọn vẹn Phật đạo, dưới không thể làm lợi ích tất cả quần sanh. Đồng thời ái ân từ vô thủy làm sao dứt bỏ, oán hận từ ngàn đời lấy gì để giải trừ; thiệân căn gom nhóm từ lâu xa khó mà thành thục, pháp môn tu hành sẽ gặp nhiều chướng duyên, dẫu có thành tựu cũng sẽ rơi vào nhỏ hẹp. Cho nên cần phải xứng tánh mà phát tâm đại Bồ-đề. Đã phát đại tâm thì nên tu đại hạnh, tìm cầu một pháp môn nào dễ tu hành nhất, dễ thành tựu nhất, thỏa đáng nhất, cùng tột viên đốn nhất trong tất cả các pháp môn để hạ thủ công phu. Pháp môn ấy không gì bằng tin sâu nguyện thiết trì danh hiệu Phật. Tin sâu tức là tin vào Phạm âm của Thích-ca Như Lai nhất định không hư dối, tin tâm nguyện đại từ đại bi của Di-đà Thế Tôn nhất định không phải là nguyện suông. Vả lại dùng nhân niệm Phật cầu vãng sanh thì nhất định sẽ cảm được quả thấy Phật mà được vãng sanh. Như trồng dưa được dưa, tỉa đậu được đậu, vang ắt ứng theo tiếng, ảnh ắt tùy theo hình. Nếu nhân chẳng luống bỏ thì quả ắt không mất. Điều đó không cần đợi phải hỏi Phật, mà có thể tự tin nơi mình vậy. Huống gì một niệm tâm tánh hiện tiền của chúng ta toàn chân mà thành vọng, toàn vọng tức chân, suốt ngày tùy duyên, suốt ngày bất biến; ngang thì khắp mười phương, dọc thì suốt ba thời, Tịnh độ Di-đà không ngoài đương thể đều bao hàm trong đó. Dùng tâm có Phật nơi ta để niệm Phật nơi tâm ta, há Phật nơi tâm ta chẳng ứng tâm có Phật nơi ta ư?
Vãng Sanh Truyện có nói đến thụy tướng lúc lâm chung, minh bạch rõ ràng há lại dối ta ư? Tin như thế rồi thì tâm ưa thích càng mạnh mẽ, dùng niềm vui của Tịnh độ quán xét lại cảnh khổ Ta-bà thì tâm muốn xa lìa càng sâu nặng, như lìa hầm phân, như ra khỏi lao ngục. Dùng cảnh khổ Ta-bà quán xét cảnh an lạc ở Tịnh độ thì tâm vui thích chí thiết, như trở về cố hương, như hướng đến kho báu. Tóm lại, như khát nghĩ đến nước, như đói nghĩ đến cơm, như bệnh nặng nghĩ đến thuốc hay, như con thơ nhớ mẹ hiền; như bị kẻ thù cầm dao rượt đuổi, như rơi vào lửa nước mà gấp cầu cứu nạn. Nếu khẩn thiết như vậy thì tất cả cảnh duyên không thể dẫn dắt, xoay chuyển ta được. Sau đó dùng tâm tín nguyện này trì niệm danh hiệu Phật, niệm một tiếng là một chủng tử Cửu liên hoa, niệm một câu là một chánh nhân vãng sanh Tịnh độ. Tâm tâm cần tương tục, niệm niệm chẳng gián đoạn. Phải chuyên, phải cần, không xen tạp, càng lâu ngày thì càng kiên cố, càng trì niệm thì càng thiết tha. Lâu ngày chầy tháng tự thành khối, đạt được nhất tâm bất loạn vậy. Thật đúng như thế, nếu chẳng vãng sanh thì Thích-ca Như Lai trở thành người vọng ngữ, nguyện của Di-đà Thế Tôn trở thành nguyện suông. Há có lý này ư?
Pháp môn “Chỉ thẳng tâm người thấy tánh thành Phật” của Thiền tông so với pháp môn “Tâm này làm Phật, tâm này là Phật” trong Quán Kinh thì không thẳng tắt và mau chóng bằng. Vì sao? Vì thấy tánh thì khó mà làm Phật thì dễ. Thế nào là thấy tánh? Đó là xa lìa tâm ý thức, linh minh hiển lộ. Vì khởi đầu phải thấy tánh cho nên khó. Thế nào là làm Phật? Đó là trì niệm danh hiệu Phật, quán Y báo, Chánh báo của Phật cho nên dễ. Kinh ghi rằng: “Khi tâm các ông nghĩ đến Phật thì tâm này tức 32 tướng đại trượng phu, 80 vẻ đẹp tùy hình. Như thế há chẳng phải dùng tưởng Phật niệm Phật để được làm Phật sao? Phàm “thành Phật, là Phật”, theo lý không hai đường, nhưng “thấy tánh” và “làm Phật” thì khó dễ khác nhau rất xa. Như vậy há chẳng phải niệm Phật mau chóng và thẳng tắt hơn tham thiền ư? Một là lời của Chư Tổ, một là lời của Chư Phật, bên nào trọng bên nào khinh, lời nào nên lấy lời nào nên bỏ, người học cần phải biết rõ. Xa lìa thói quen cũ, lắng tâm bình khí thử kiểm điểm xem, ắt sẽ chấp nhận lời này là không sai lầm vậy!
Sau khi Thiền sư Thạch Sương viên tịch, đại chúng suy cử Thủ tọa Thái kế thừa trụ trì. Lúc bấy giờ ngài Cửu Phong Kiền làm thị giả nói rằng: “Nếu kế thừa, cần phải thấu rõ ý của Tiên sư!”
Thủ tọa Thái hỏi rằng: “Tiên sư có ý gì, ta chưa thể hội được!”
Thị giả Kiền Đáp:“Bình thường Tiên sư dạy mọi người rằng: Hãy dừng nghỉ đi, hãy dứt bặt đi, hãy lặng lẽ đi, hãy như lò hương trong ngôi miếu cổ đi, hãy như một dải lụa trắng đi, hãy vạn năm nhất niệm đi. Còn tất cả những điều khác thì không hỏi đến. Thế nào là như một dải lụa trắng?
Thủ tọa Thái đáp rằng: “Đó chỉ là nói về việc của một sắc”.
Thị giả Kiền nói rằng: “Ông chưa từng hiểu ý của Tiên sư”.
Thủ tọa Thái bảo rằng: “Hãy thắp hương lên, nếu khói hương vừa hết mà ta không đi được, tức không hiểu ý của Tiên sư”.
Mọi người liền thắp hương, khói chưa kịp tan thì Thủ tọa Thái đã thị tịch. Thị giả Kiền vỗ lưng Thủ tọa nói rằng: “Ngồi thoát hóa, đứng viên tịch tức chẳng phải không, nhưng ý của Tiên sư thì chưa từng mộng thấy”.
Ngài Tào Sơn đang ngồi ở tăng đường thì gặp Chỉ Y Đạo giả đi ngang qua, Tào Sơn nói rằng: “Chỉ Y Đạo giả đó ư?”
Chỉ Y Đáp:Không dám!
Ngài Tào Sơn Hỏi:Thế nào là việc của Chỉ Y?
Đáp: Áo lông cừu vừa khoác lên thân thì vạn pháp đều Như.
Hỏi: Thế nào là dụng của Chỉ Y?
Chỉ Y dạ một tiếng rồi thị tịch. Ngài Tào Sơn nói rằng: “Ngươi chỉ biết đi như thế mà chẳng biết đến như thế”.
Chỉ Y liền mở mắt hỏi rằng: Khi chơn tánh linh minh không nương gá bào thai thì thế nào?
Ngài Tào Sơn nói: Cũng chưa phải là kỳ diệu.
Phàm ngồi thoát hóa, đứng yên thị tịch mà chưa rõ được đại pháp thì chắc chắn chưa liễu ngộ. Nhưng công phu tham học nào phải dễ dàng. Nếu có thể xoay chuyển một mảnh tinh thần này, chuyên tâm niệm Phật, cầu sanh Tịnh độ, thì nhất định sẽ đạt được Thượng phẩm thượng sanh, há phải cần gặp người để ấn chứng sao? Như Chỉ Y Đạo giả hỏi rằng: “Thế nào là kỳ diệu?” Ngài Tào Sơn Đáp:“Chẳng nương gá”. Chỉ Y liền từ biệt mà thị tịch.
Ôi! Nói chẳng nương gá mà lại nương gá vào bào thai xú uế, chẳng bằng nói chẳng nương gá mà nương gá nơi hoa sen thanh tịnh. Như luận đến bào thai xú uế và hoa sen thanh tịnh, thì hơn kém đã cách xa. Huống gì xuất thai cách ấm, chẳng dễ dàng làm chủ. Còn khi hoa sen vừa nở, thì đã đầy đủ thắng duyên. Vậy kiếp và ngày lâu mau, đất trời xa cách, cũng đâu đủ để dụ cho việc hơn kém ấy. Cho nên chẳng lạ gì khi nghe Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ nói rằng: “Có Thiền mà không có Tịnh, mười người lầm lạc hết chín, không Thiền mà có Tịnh thì vạn người tu vạn người đạt.” Đó là lời chân thật, là lời thống thiết phát xuất từ tâm đại từ bi; xin người học chớ bỏ qua.
Đầu tiên mê chân khởi vọng thì gọi là một niệm vọng động; cuối cùng phản vọng trở về chân thì gọi là một niệm tương ưng. Thế thì, sau khi khởi vọng và trước khi trở về chân, khoảng giữa đó lại có pháp gì bên ngoài một niệm này? Vì thế một niệm ngộ tùy theo duyên Tịnh, tức pháp giới Phật. Một niệm mê tùy duyên nhiễm tức chín pháp giới. Mười phương hư không là tại một niệm mê muội này; tất cả Tịnh độ là từ một niệm lắng trong này. Tứ sanh chánh báo cũng từ một niệm tình tưởng này hợp tan mà được. Tứ đại y báo cũng là từ một niệm này động tịnh, thuận nghịch mà có. Nương vào một niệm này mà biến hiện các pháp, lìa một niệm này thì không pháp nào có được. Một niệm này vốn là pháp giới theo duyên mà khởi; duyên không có tự tánh thì toàn thể là pháp giới. Cho nên ngang thì cùng khắp mười phương, dọc thì xuyên suốt ba thời; lìa lỗi bặt lầm, chẳng thể nghĩ bàn. Pháp nhĩ đầy đủ oai thần này, đầy đủ công dụng này. Nay dùng niệm này mà niệm Đức Phật Di-đà, cầu sanh Tịnh độ, thì đang lúc niệm, y chánh của Tây phương đã ở trong tâm ta, đồng thời tâm ta cũng đã ở trong y chánh của Tây phương vậy. Như hai gương đối diện soi chiếu lẫn nhau. Đó là tướng ngang cùng khắp mười phương vậy. Nếu theo nghĩa dọc xuyên suốt ba thời thì khi niệm Phật, tức khi thấy Phật cũng là lúc thành Phật, khi cầu vãng sanh tức là lúc vãng sanh cũng là khi độ sanh. Ba thời cùng lúc, không có trước sau. Như ánh sáng của hạt châu trên lưới trời Đế Thích, cũng khó sánh đồng toàn thể; nhưng sự việc trong giấc mộng Nam Kha thì tạm cho cùng thời. Ngộ lý này thật khó, nhưng tin thì rất dễ, chỉ cần ngay đó thừa đương thì cuối cùng nhất định được toàn thân thọ dụng. Đến đây có thể cho rằng việc tham học đã mãn, việc làm đã xong. Hoặc chưa thể đạt được thì chỉ cần tùy thuận quán xét, tùy phần thọ dụng vậy.
Tâm tạo nghiệp thì tâm cũng chuyển được nghiệp. Nghiệp do tâm tạo thì nghiệp tùy tâm chuyển. Nếu tâm chẳng chuyển được nghiệp, tức bị nghiệp trói buộc. Nếu nghiệp chẳng chuyển theo tâm tức nghiệp trói buộc tâm. Vì sao tâm chuyển được nghiệp? Vì tâm hợp với đạo, tâm hợp với Phật. Vì sao nghiệp trói buộc được tâm? Vì tâm nương gá theo trần cảnh, mặc tình tạo tác, mặc tình lãnh thọ. Tất cả cảnh giới hiện tiền và quả báo vị lai đều do nghiệp cảm nên, đều do tâm hiển hiện. Do nghiệp cảm, thì cảnh giới hiện tiền và quả báo vị lai đều nhất định, vì nghiệp trói buộc tâm. Do tâm hiển hiện thì cảnh giới hiện tiền và quả báo vị lai đều bất định, vì tâm chuyển được nghiệp. Người tu hành, nếu đang lúc nghiệp trói buộc tâm, cảnh giới hiện tiền và quả báo vị lai nhất định mà bỗng nhiên phát tâm rộng lớn, tu hạnh chân thật, khiến tâm hợp với đạo, hợp với Phật thì tâm chuyển được nghiệp. Bấy giờ cảnh giới hiện tiền và quả báo vị lai vốn nhất định trở thành bất định. Nếu đang lúc tâm chuyển nghiệp, cảnh giới hiện tiền và quả báo vị lai bất định mà bỗng nhiên đại tâm lui sụt, hạnh chân thật thiếu sót thì nghiệp trở lại trói buộc tâm. Bấy giờ cảnh giới hiện tiền và quả báo vị lai vốn bất định trở thành nhất định. Nhưng nghiệp đã tạo ở quá khứ thì nay không biết làm sao? Có mong cầu mà phát tâm hay không? Cốt yếu là tại nơi ta, vì ta tạo nghiệp thì ta chuyển nghiệp, chứ chẳng phải do người khác. Nếu ngay hôm nay ta phát tâm niệm Phật cầu sanh Cực Lạc, hoặc quán y báo, chánh báo, hoặc trì niệm danh hiệu Phật. Niệm niệm liên tục, quán và niệm đến chỗ rốt ráo thì tâm hợp với Phật; hợp rồi lại hợp, hợp đến chỗ cùng tột thì tâm chuyển được nghiệp. Bấy giờ cảnh giới Ta-bà hiện tiền chuyển thành Cực Lạc; quả báo vị lai trong thai mẹ chuyển thành thai hoa sen, liền được làm người tự tại ở Lạc bang. Nếu đang lúc ấy tâm kia bỗng nhiên mất đi sức quán chiếu, hoặc bỗng sanh lui sụt, khiến tâm không hợp với Phật thì nghiệp trói buộc tâm; cảnh hiện tiền vẫn như cũ, quả báo vị lai vẫn y nhiên, trở lại làm chúng sanh khốn khổ ở Uế độ. Thế thì chúng ta đã có tâm xuất ly, cầu sanh Tịnh độ há chẳng kinh sợ mà cảnh giác, phấn chấn mà phát tâm ư?
NGUYỆN là điều kiện tối quan trọng trong pháp môn Tịnh độ, phàm đã Nguyện cuối cùng ắt sẽ mãn nguyện. Như ông Uất-đầu-lam-phất tu tập định Phi phi tưởng bên bờ suối trong rừng sâu, mỗi khi định sắp thành tựu, phần nhiều bị các loài chim cá kinh động. Do đó ông ấy phát lời nguyện ác rằng: “Ngày sau ta sẽ làm con chồn bay vào rừng ăn chim, xuống sông bắt cá”. Quả thật về sau thành tựu định Phi phi tưởng sanh lên cõi trời thọ tám vạn đại kiếp, phước trời hết đọa làm con chồn bay, vào rừng ăn chim, xuống sông bắt cá. Đó là nguyện ác trái với chân tánh mà còn có lực dụng lớn, sau tám vạn kiếp mới thành tựu, huống gì nguyện thiện hợp với chân tánh?
Thần Tăng Truyện chép rằng: Một vị tăng ở trước tượng Phật đá phát nguyện đùa rằng: “Nếu đời này ta không liễu ngộ được sanh tử, nguyện đời sau làm một Đại thần uy vũ”. Quả thật đời sau vị này là một Đại tướng quân. Đây là nguyện đùa mà còn được thỏa mãn, huống gì nguyện do tâm chí thành phát khởi? Lại chép rằng: Có một vị tăng làu thông kinh luận, nhưng đến nơi đâu cũng không được đãi ngộ, bèn buồn rầu than thở. Vị tăng bên cạnh thấy thế nói rằng: “Ông học Phật pháp, há chẳng nghe nói khi chưa thành Phật, trước phải kết duyên với mọi người. Tuy ông thông biểu Phật pháp, nhưng vì sao vô duyên với chúng sanh?” Vị tăng kia nói rằng: “Ta ở nơi đây suốt đời ư?” Vị tăng bên cạnh nói: “Ta sẽ thay ông làm việc ấy”. Lại hỏi rằng: “Ông còn cất giữ vật gì chăng?” Đáp: “Chỉ một chiếc y, chứ không còn gì khác”. Vị tăng nói: “Chừng ấy cũng đủ rồi”.Vị tăng liền bán chiếc y mua thực phẩm, dẫn vị tăng kia vào một khu rừng sâu, nơi có nhiều cầm thú côn trùng sinh sống, đặt thực phẩm trên đất, bảo vị tăng kia phát nguyện. Sau đó dặn rằng: “Hai mươi năm sau ông mới nên khai pháp”.
Vị tăng kia làm đúng theo như lời dặn, sau hai mươi năm mới khai pháp. Bấy giờ người đến thọ giáo phần lớn đều là những thiếu niên. Bởi vì họ đều là hậu thân của những loài cầm thú côn trùng thọ thực khi xưa. Nguyện lực này chẳng thể nghĩ bàn, có thể dùng nguyện của người khác nhiếp hóa loài côn trùng cầm thú thoát khỏi thân dị loại, sanh vào cõi người. Vậy nguyện của chính mình há chẳng độ được mình ư? Đức Di-đà do bốn mươi tám nguyện mà chứng đắc Phật quả, nguyện của ta nếu hợp với nguyện độ sanh của chư Phật, thì chỉ cần phát nguyện liền được vãng sanh, huống gì Phật có sức đại từ đại bi chẳng thể nghĩ bàn?
Như Oánh Kha là người tham đắm rượu thịt vô độ, khi đọc Vãng Sanh Truyện, mỗi lần đọc qua một truyện thì mỗi lần gật đầu. Sau đó ông nhịn ăn niệm Phật, đến bảy ngày cảm đức Phật hiện thân an ủi rằng: “Tuổi thọ của ngươi còn mười năm, nên chuyên tâm niệm Phật, sau mười năm ta sẽ đến đón”. Oánh Kha bạch rằng: “Cõi Ta-bà nhiều ác trược, dễ mất chánh niệm. Con xin được sớm vãng sanh Tịnh độ, phụng sự chư thánh”. Đức Phật dạy rằng: “Chí của ngươi đã như thế, ba ngày sau ta sẽ đến đón”.Quả thật, ba ngày sau Oánh Kha được vãng sanh.
Thiền sư Hoài Ngọc siêng tu tịnh nghiệp. Một hôm, thấy Phật và Bồ-tát hiện đầy khắp trong hư không. Một vị tay cầm đài bạc bước vào, sư Hoài Ngọc nghĩ rằng: “Ta một đời siêng năng tu tập, ý muốn đài vàng, hôm nay vì sao chẳng được?” Vừa suy nghĩ xong thì đài bạc liền ẩn mất. Sư Hoài Ngọc càng siêng năng tu tập, hai mươi mốt ngày sau lại thấy chư Phật và Bồ-tát hiện đầy khắp hư không. Vị cầm đài bạc khi trước, nay đổi cầm đài vàng hiện đến. Sư Hoài Ngọc lặng yên thị tịch.
Lưu Di Dân nương Kết xã niệm Phật ở Đông Lâm, một hôm đang niệm Phật, bỗng thấy chư Phật hiện thân. Di Dân nghĩ rằng: “Ước gì được Như Lai lấy tay xoa đầu?” Đức Phật liền lấy tay xoa đầu. Lưu Di Dân lại nghĩ: “Ước gì được Như Lai lấy y phủ lên thân?” Đức Phật liền lấy y phủ thân.
Than ôi! Đức Phật thỏa mãn tất cả ước nguyện của chúng sanh, thật có thể cho là bậc cha mẹ đại từ đại bi vậy. Muốn chóng được vãng sanh liền cho chóng vãng sanh, muốn đài vàng thì liền đổi đài vàng, muốn xoa đầu liền được xoa đầu, muốn được y phủ thân liền được y phủ thân. Phật đã từ bi với tất cả chúng sanh, há chỉ không từ bi với ta sao? Phật đã thỏa mãn tất cả ước nguyện của chúng sanh, há chỉ không thỏa mãn ước nguyện của ta sao? Tâm đại từ đại bi không chọn lựa, thì đâu có lý này? Vì thế chân thật phát nguyện thì tín đã ở trong nguyện. Tín và Nguyện đã chân, thì hạnh không cầu khởi đã tự khởi. Thế thì ba món tư lương Tín, Hạnh, Nguyện chỉ một chữ Nguyện đã gồm thâu tất cả.
Ở thế gian, cái đáng quý trọng nhất là tinh thần, đáng mến tiếc nhất là thời gian. Một niệm thanh tịnh là duyên khởi của Phật giới, một niệm nhiễm ô là sanh nhân vào chín cõi. Phàm động một niệm tức tạo chủng tử mười cõi, như thế há chẳng quý trọng ư? Một ngày đã trôi qua, mạng cũng theo đó mà giảm dần, một tấc thời gian tức một đoạn thọ mạng, như thế há chẳng mến tiếc ư? Nếu biết tinh thần là cái đáng quý trọng, chớ nên uổng phí, phải nên niệm niệm chấp trì danh hiệu Phật. Thời giờ chẳng để luống qua, thì khắc khắc phải huân tu tịnh nghiệp. Ví như bỏ danh hiệu Phật mà tu Tam thừa Thánh hạnh, đó cũng là uổng phí tinh thần. Giống như dùng cây cung ngàn điếu mà bắn loài chuột nhắt. Huống gì tạo nghiệp Lục phàm sanh tử? Ví như bỏ Tịnh nghiệp mà giữ lấy Quyền thừa tiểu quả, đó cũng là uổng phí thời gian. Giống như dùng hạt châu như ý mà đổi lấy một mảnh áo, một miếng cơm, huống gì giữ lấy quả trời người hữu lậu?
Quý trọng như thế, mến tiếc như thế, thì tâm chuyên nhất mà Phật dễ cảm hiện, hạnh siêng năng mà đạo nghiệp dễ tinh chuyên. Nhất định được vãng sanh Tịnh độ, tự thân thấy Đức Phật Di-đà, tức thời thọ nhận khai thị, đối diện tuân phụng Từ âm, diệu ngộ tự tâm, chứng đắc pháp giới. Kéo một niệm làm trường kiếp, rút một kiếp thành một niệm. Kiếp và niệm viên dung, được đại tự tại. Điều đó há chẳng phải đã thọ nhận được diệu quả từ sự quý trọng và mến tiếc ư?
Phàm Kiến đạo rồi sau mới Tu đạo, Tu đạo rồi sau mới Chứng đạo. Đó là con đường chung của ngàn thánh, là định luận không đổi từ ngàn xưa. Nhưng Kiến đạo há dễ bàn đến ư? Nếu căn cứ theo Giáo thừa ắt phải tâm khai ý giải. Nếu y cứ theo Tông môn, phải vượt qua trùng quan. Sau đó mới được nói đến Tu đạo. Nếu không thì liền trở thành tu mù luyện chột, không tránh khỏi va tường đụng vách, rơi vào hầm, rớt xuống hố. Nhưng pháp môn Tịnh độ thì không như vậy, về phương Tây cách đây hơn mười vạn ức cõi Phật, có một thế giới tên là Cực Lạc. Đức Phật ở cõi ấy hiệu là A-di-đà hiện nay đang thuyết pháp. Chỉ cần tin sâu lời Phật, nương vào đó mà phát nguyện trì niệm danh hiệu Phật. Dùng tri kiến Phật làm tri kiến mình, bất tất phải cầu đốn ngộ. Các pháp môn khác trước tiên cần phải ngộ, sau đó y theo pháp đã ngộ mà tu tập. Nhiếp tâm thành định, nhân định phát huệ, nhờ huệ mà đoạn hoặc. Huệ đã phát có hơn kém, thì hoặc được đoạn có cạn sâu. Được như vậy mới có thể luận đến lui sụt hay không lui sụt. Còn trong pháp môn Tịnh độ, chỉ cần dùng tâm tín nguyện chuyên trì danh hiệu Phật cho đến nhất tâm bất loạn, tịnh nghiệp nhất định sẽ đại thành, mai sau nhất định vãng sanh. Một khi đã vãng sanh thì vĩnh viễn không còn lui sụt. Lại các pháp môn khác, trước cần sám hối hiện nghiệp, nếu không sẽ chướng đạo, không có đường tiến tu. Còn người tu tịnh nghiệp thì đới nghiệp vãng sanh, không cần sám hối. Vì một lời chí tâm niệm Phật có thể tiêu diệt được tội nặng sanh tử trong tám mươi ức kiếp. Các pháp môn khác cần phải đoạn trừ phiền não. Nếu còn mảy may phiền não Kiến Tư chưa đoạn thì chưa dứt được Phần đoạn sanh tử, chẳng thể xuất ly quốc độ Đồng cư. Chỉ có người tu tịnh nghiệp mới vượt ra khỏi ba cõi, không cần đoạn phiền não, mà từ cõi Đồng cư này sanh về cõi Đồng cư kia. Một khi đã sanh về, thì cội gốc sanh tử vĩnh viễn đoạn dứt, thời thời thấy Phật, khắc khắc nghe pháp; y phục thức ăn, phòng xá tự nhiên hiện ra mà thọ dụng. Nước, chim, cây cối đều thuyết pháp. Trong cõi Đồng cư gặp được các Thượng thiện nhân của ba Tịnh độ trên (Phương tiện hữu dư độ, Thật báo vô chướng ngại độ, Thường tịch quang tịnh độ) đồng tập hội một chốn, chứng đắc viên mãn ba bất thoái, được giai vị Nhất sanh bổ xứ. Thế thì pháp môn Tịnh độ, khởi đầu không cầu khai ngộ, cuối cùng chẳng đợi phát huệ, chẳng cần sám nghiệp, chẳng đoạn phiền não. Thật là vô cùng tiết lược, vô cùng thẳng tắt. Nhưng chứng nhập thì vô cùng rộng lớn, rốt ráo viên mãn. Người học nên lắng tâm suy nghĩ mà chọn lựa cho thật đúng, không vì một lúc cống cao mà mất đi lợi ích lớn lao thù thắng này.
Có người nghèo khổ nhìn từ xa thấy một xâu tiền, liền chạy đến định nhặt lấy, bỗng thấy là một con rắn, liền trố mắt đứng nhìn. Lại có một người khác chạy đến nhặt lấy xâu tiền mang đi. Đó chính là tiền chứ không phải là rắn, sở dĩ thấy thành rắn là do nghiệp cảm nên, do tâm biến hiện. Thấy rắn từ xâu tiền, nhất định là do tâm hiện nghiệp cảm. Vậy thấy tiền từ rắn há chẳng phải do nghiệp cảm, tâm hiện ư? Rắn biến từ tiền do nghiệp riêng của một người vọng thấy; còn tiền thành từ rắn là do nghiệp đồng phần của nhiều người vọng thấy. Vọng thấy của một người, thì hư vọng dễ biết; còn vọng thấy của nhiều người thì hư vọng thật khó biết. Dùng dễ biết để so sánh với khó biết, thì khó biết cũng trở thành dễ biết. Thế thì rắn chắc chắn là rắn, tiền cũng là rắn. Do đó biết căn thân bên trong, cảnh giới bên ngoài từ một phương, mười phương, bốn đại châu cho đến tam thiên đại thiên thế giới cũng đều như rắn hiện từ xâu tiền. Nhưng rắn do tâm đã hiện thì liền có thể cắn người, tiền do tâm đã hiện thì liền có thể thọ dụng được. Chẳng nên cho rằng chỉ do tâm mà không có cảnh bên ngoài. Vả lại, uế khổ ở Ta-bà hay là tịnh lạc của cõi An Dưỡng đều do tâm hiện. Uế khổ do tâm hiện thì liền bị bức bách; tịnh lạc do tâm hiện thì được thọ dụng. Uế khổ hay tịnh lạc đều do tâm hiện, vì sao lại không bỏ uế khổ do tâm mà giữ lấy tịnh lạc bởi tâm, để cam chịu trải qua hằng sa số kiếp bị tám khổ nấu nung bức bách?
Sự sanh tử của con người chỉ do hai lực tạo nên, một là tâm lực thật nhiều mối, bên nào nặng thì nghiêng về. Hai là nghiệp lực, như người mang nợ, mạnh thì kéo dắt trước. Nghiệp lực rất lớn mà tâm lực còn lớn hơn. Vì nghiệp lực không có tự tánh, chỉ hoàn toàn nương vào tâm. Tâm hay tạo nghiệp, thì tâm cũng chuyển được nghiệp. Tâm lực có nặng, nghiệp lực có mạnh thì mới dẫn dắt thọ sanh. Nếu dùng tâm nặng này mà tu tịnh nghiệp thì tịnh nghiệp rất mạnh. Tâm nặng nghiệp mạnh thì chỉ một bề nghiêng về Tây phương mà thôi.Thế thì mai sau thân chung mạng tận nhất định vãng sanh Tây phương chứ chẳng thể sanh vào chốn khác. Như cây lớn, tường cao bình thường đã nghiêng về hướng Tây, mai sau nếu có đổ hẳn sẽ không đổ về hướng khác. Thế nào là tâm sâu nặng? Như chúng ta chuyên tu tịnh nghiệp, trong đó Tín quý ở chỗ sâu bền, Nguyện quý ở chỗ tha thiết, không bị bất cứ tà thuyết nào mê hoặc hay làm giao động, không bị tất cả cảnh duyên nào xoay chuyển. Nếu đang lúc chuyên tu Tịnh nghiệp, dẫu có Đại sư Đạt-ma bỗng nhiên hiện đến nói rằng: “Ta có pháp Thiền chỉ thẳng tâm người thấy tánh thành Phật, ông hãy lìa bỏ niệm Phật, ta sẽ trao pháp Thiền này cho ông”. Bấy giờ ta nên đảnh lễ Tổ sư mà bạch: “Trước, con đã lãnh thọ pháp môn Niệm Phật của Thích-ca Như Lai, phát nguyện tu trì suốt đời chẳng thay đổi. Tuy Tổ sư có pháp Thiền thâm diệu, nhưng con chẳng dám trái với bổn nguyện”. Dẫu có Đức Thích-ca Như Lai bỗng hiện thân đến dạy rằng: “Trước kia ta đã thuyết môn niệm Phật, đó chỉ là phương tiện nhất thời. Nay ta lại có pháp môn thù thắng khác siêu việt hơn. Ông nên lìa bỏ pháp niệm Phật, ta sẽ nói thắng pháp cho ông nghe”. Cũng như thế, ta cúi đầu lễ Phật mà bạch rằng: “Trước kia con đã lãnh thọ pháp môn Tịnh nghiệp của Thế Tôn, dù chỉ còn một hơi thở, con quyết cũng chẳng đổi thay. Tuy Như Lai có thắng pháp, nhưng con chẳng dám trái với bổn nguyện. Dù Phật, Tổ hiện thân còn chẳng thay đổi được tín tâm, huống gì Ma vương, Ngoại đạo, tà thuyết hư vọng mà có đủ năng lực mê hoặc ta ư? Tín được như thế mới gọi là sâu vậy. Nếu có bánh xe sắt nóng đỏ xoay chuyển sát đầu ta, cũng chẳng lấy sự khổ này mà lui sụt tâm nguyện vãng sanh. Nếu năm dục thắng diệu của Luân vương hiện trước mặt, cũng không vì niềm vui này mà lui sụt tâm nguyện vãng sanh. Dù thuận nghịch cùng tột cũng không đổi được tâm nguyện, huống gì cảnh giới thuận nghịch nhỏ bé của thế gian mà xoay chuyển được ta sao? Nguyện như thế mới thật là nguyện chí thiết. Tin sâu Nguyện thiết, đó là dùng tâm sâu nặng mà tu Tịnh nghiệp thì nghiệp nhất định mạnh. Vì tâm nặng thì dễ chuyên nhất, nghiệp mạnh mẽ thì dễ thuần thục. Nếu tịnh nghiệp Cực Lạc thuần thục thì nhiễm duyên Ta-bà liền dứt. Nếu nhiễm duyên Ta-bà đã dứt, khi lâm chung, dù muốn cảnh giới luân hồi trở lại hiện tiền thì cũng chẳng thể được. Nếu tịnh nghiệp đã thuần thục, khi lâm chung dù muốn tịnh độ Di-đà chẳng hiện thì cũng không thể được. Nhưng Tín và Nguyện này lúc bình thường cần phải kiên cố, thì khi lâm chung mới không rơi vào đường nhỏ hẹp. Như Cổ đức lúc lâm chung, chư thiên cõi Dục đến tiếp dẫn, nhưng các ngài chẳng chịu đi, chỉ một lòng đợi Phật. Sau đó chư Phật hiện, liền nói rằng: “Chư Phật đã đến”, rồi chắp tay thị tịch.
Lúc lâm chung tứ đại phân ly, đây là thời khắc nào? Chư thiên cõi Dục đến tiếp dẫn, là cảnh giới nào? Nếu bình thường tín nguyện chưa đạt đến mười phần kiên cố, thì đến lúc này, gặp cảnh này mà gượng làm chủ tể được sao? Như bậc Cổ đức kia đáng gọi là tiêu biểu cho những người chuyên tu Tịnh nghiệp xưa nay.
Có một Thiền sư hỏi rằng: “Tất cả các pháp đều như mộng, Ta-bà ắt hẳn là mộng, vậy tịnh độ Cực Lạc cũng là mộng. Đồng là cảnh mộng, tu tập có ích gì?” Tôi đáp rằng: “Bồ-tát từ Thất địa trở về trước, ở trong mộng mà tu đạo; đại mộng vô minh, Bồ-tát Đẳng giác vẫn còn mê. Chỉ có chư Phật mới gọi là Đại giác. Khi còn trong mộng chưa tỉnh thức, thì khổ vui rõ ràng. Mộng lãnh thọ cực khổ nơi Ta-bà đâu bằng mộng lãnh thọ diệu lạc ở cõi Tịnh độ. Huống gì mộng ở Ta-bà là từ mộng vào mộng, mộng rồi lại mộng, mãi mãi trầm mê. Còn mộng ở cõi Cực Lạc là từ mộng để vào giác, giác rồi lại giác, dần dần đạt đến Đại giác. Thế nên, mộng tuy đồng mà nguyên nhân của mộng thì chưa từng đồng. Há có thể luận một cách khái quát ư?
Biển lớn Phật pháp chỉ có Tín mới vào được. Đối với pháp môn Tịnh độ thì Tín lại càng trọng yếu. Vì trì danh niệm Phật là hành xứ sâu xa của chư Phật, chỉ có Bồ-tát Nhất sanh bổ xứ mới biết được ít phần, còn tất cả các Hiền thánh khác thì chỉ nên tin thuận mà thôi. Bởi đó chẳng phải là chỗ nhận biết của trí, huống gì phàm phu hạ liệt mà biết được ư? Trong mười một pháp thiện thì Tín là đầu tiên, trước Tín không có pháp thiện nào khác. Trong năm mươi lăm giai vị, Tín vị là đầu tiên. Trước Tín vị không có thánh vị nào khác. Cho nên Bồ-tát tạo Luận Khởi Tín, Tổ sư soạn Tín Tâm Minh. Dùng một pháp Tín tâm làm yếu môn vào đạo. Khi xưa, Vương Trọng Hồi hỏi Dương Vô Vi: “Niệm Phật như thế nào mới không gián đoạn?” Dương đáp rằng: “Sau khi đã tin thì không còn nghi”. Vương vui vẻ ra về. Không bao lâu Dương nằm mộng thấy Trọng Hồi đến cảm tạ: “Nhờ ơn ngài chỉ dạy mà được lợi ích lớn, nay tôi đã vãng sanh Tịnh độ”. Về sau, Dương gặp con của Trọng Hồi, hỏi thăm về quang cảnh và thời gian Trọng Hồi ra đi. Thật đúng vào ngày Vương mộng thấy. Ôi! Khi đã tin thì lợi ích rộng lớn đến như vậy ư?
Vào thời quá khứ, Tỳ-kheo Pháp Tạng đối trước đức Phật Thế Tự Tại Vương phát bốn mươi tám đại nguyện. Trải qua vô lượng kiếp, Ngài nương vào nguyện này tu tập đại hạnh, đến lúc nhân viên quả mãn, thành tựu Phật đạo lấy hiệu là Di-đà, thế giới tên là Cực Lạc. Sở dĩ gọi là Di-đà bởi vì Ngài đã chứng đắc sâu xa lý Duy tâm tự tánh. Vậy Cực Lạc Di-đà này chẳng phải là tự tánh Di-đà, Duy tâm Cực Lạc ư? Vì tâm tánh này bình đẳng nơi Phật và chúng sanh, không chỉ thuộc về Phật cũng không chỉ thuộc về chúng sanh. Nếu cho tâm thuộc Di-đà thì chúng sanh là chúng sanh trong tâm Di-đà. Nếu cho tâm thuộc chúng sanh, thì Di-đà là Di-đà trong tâm chúng sanh. Dùng chúng sanh trong tâm Di-đà để niệm Di-đà trong tâm chúng sanh, há Di-đà trong tâm chúng sanh chẳng ứng chúng sanh trong tâm Di-đà sao? Chỉ vì Phật ngộ tâm này, giống như người lúc tỉnh; chúng sanh mê tâm này giống như người trong mộng. Rời người lúc tỉnh thì không có riêng người trong mộng. Vậy lìa người trong mộng, há có riêng người khi tỉnh ư? Nhưng người trong mộng chẳng nên tự nhận là chân, cũng chẳng nên lìa người trong mộng mà tìm cầu một người tỉnh nào khác. Chỉ cần luôn nhớ nghĩ đến người lúc tỉnh, nhớ nghĩ rồi lại nhớ nghĩ, thì sẽ thấy đại mộng dần dần tỉnh thức, mắt mộng rộng mở. Tức người hay nhớ nghĩ trong mộng liền trở thành người tỉnh được nhớ nghĩ, mà người lúc tỉnh chẳng phải là người trong mộng. Người trong mộng thì nhiều, người tỉnh thì chỉ một. Các Như Lai ở mười phương đồng một Pháp thân, một tâm, một trí huệ; mười lực, bốn vô úy cũng như thế. Đó chính là Tức một tức nhiều, Hằng đồng hằng biệt, Pháp nhĩ tự diệu. Ý nghĩa của niệm Phật sơ lược như thế.
Trích từ Triệt Ngộ Thiền Sư Ngữ Lục
Thích Nguyên Chơn dịch
Trích: Tập San Suối Nguồn số 08 và số 09 (TVHQ)
Biên tập: Trang nhà Huệ Quang
Các Phúc Đáp Gần Đây