Ngài Lý Bỉnh Nam (sư phụ của lão pháp sư Tịnh Không) nói rằng: Sáu chữ Hồng danh là vua trong các câu chú. Sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật là bí mật không phiên dịch, đều chẳng phải văn tự Trung Hoa. Pháp này cao tột, hơn trì bất cứ lời chú nào.
Thế mới biết một câu A Di Đà Phật đã bao gồm tất cả mọi câu thần chú trong ấy rồi. Sau khi liễu ngộ điều này, chúng ta nên buông bỏ mọi câu thần chú khác và chỉ chuyên nhất niệm câu A Di Đà Phật.
Một điều rất quan trọng chúng tôi xin thành tâm khuyên hành giả niệm Phật: đó là phải phát bồ đề tâm. Bồ đề tâm nói nôm na cho dễ hiểu là tâm thường nghĩ đến những điều lợi cho người, tức lợi tha. Đừng nghĩ đến lợi ích của riêng cá nhân mình mà mọi việc mình làm đều nên suy xét sao cho lợi chúng sanh.
Để tâm dần thanh tịnh, ngoài công phu chánh là niệm Phật chúng ta cần phải có trợ công phu nữa. Trợ công phu giúp chúng ta tiêu dần nghiệp chướng và bớt vọng tưởng vì chính những nghiệp chướng sâu dầy của chúng ta mà sinh ra vọng tưởng. Chúng cứ dồn dập kéo đến dễ làm cản trở lớn đến việc niệm Phật khi ta ngồi tĩnh toạ niệm Phật. Trợ công phu gồm có:
1- Thường xuyên sám hối nghiệp chướng của mình. Thường ngày chúng ta chỉ nên xem xét hành động của mình và tìm lỗi của mình mà sửa. Đừng bao giờ tìm hoặc chỉ lỗi người. Càng thấy mình có lỗi thì chúng ta càng nổ lực tu sửa và càng phải sám hối thì nghiệp chướng dần dần tiêu bớt đi. Chúng ta sinh nhằm thời mạt pháp này nên phước rất mỏng nhưng nghiệp chướng chắc chắn là sâu dầy nên không thể chỉ dùng câu A Di Đà Phật trong một thời gian ngắn mà có thể đoạn trừ chúng được. Vừa niệm Phật kết hợp với sám hối sẽ giúp chúng ta tiêu nghiệp mau hơn. Thấy người làm điều tốt mình cũng nên phát tâm hoan hỉ, vui theo thì công đức của mình cũng lớn như vậy. Dùng công đức ấy mình hồi hướng cho việc vãng sanh là điều rất nên làm.
2- Chúng ta nên sinh tâm chán ghét thế gian Ta Bà này và một lòng muốn về Tây Phương Cực Lạc. Nếu chúng ta muốn vãng sanh về thế giới của Phật A Di Đà mà lòng vẫn còn ham thích nhà lớn, xe mới đẹp ở thế gian này thì đó là chướng ngại lớn kéo chúng ta lại nơi này. Mỗi khi ra đường nhìn thấy nhà lầu đẹp chúng ta hãy nghĩ ở Tây Phương Cực Lạc lầu các bằng bảy báu đẹp hơn nhiều. Nếu nghe bài nhạc hay chúng ta hãy nghĩ nhạc ở đây dù hay cách mấy cũng làm sao sánh bằng âm thanh vi diệu phát ra từ cây báu, chim quý nơi cõi Cực Lạc? Khi chúng ta ngửi mùi thơm từ xa thoảng đến liền tự nhắc mình hương thơm ở Ta Bà này làm sao sánh bằng hương thơm ở Tây Phương? Đồ ăn cao sang mỹ vị dọn ra trước mắt chúng ta cũng nghĩ rằng thức ăn nơi thế gian này sao ngon bằng ở Cực Lạc quốc? Áo quần mô-đen dù đẹp đến đâu ở đây cũng không thể nào sánh bằng y phục của Thế Giới Cực Lạc. Có tâm chán ghét nơi thế gian Ta Ba này chúng ta mới thật lòng muốn về Tây Phương Cực Lạc. Thế cho nên mới có câu:
Thân tuy ngự ở Ta Bà
Mà lòng đã gửi ở toà Hoa Sen
Điều cuối cùng chúng tôi muốn chia sẻ với liên hữu đồng tu về vấn đề nhất tâm. Là hành giả niệm Phật cầu sanh Tây Phương chúng ta không nên đặt nặng về chuyện này khi niệm Phật. Cứ chuyên cần niệm nhưng đừng trông mong và gián đoạn. Cầu nhất tâm và gián đoạn là 2 điều tối kị sẽ đưa đến không thành. Xin quý vị đừng lo niệm Phật không được nhất tâm mà điều chúng ta nên quan tâm đến bây giờ là phải niệm Phật sao cho thành phiến. Niệm Phật thành phiến tức là câu trước câu sau dính liền nhau, ở giữa các câu không có ý nghĩ nào khác chen vào. Tâm chỉ đặt trên câu Phật hiệu, ngoài ra không còn một ý nghĩ nào khác. Niệm Phật thành phiến người niệm ít thì được mười mấy câu, nhiều thì được vài mươi xâu chuỗi. Ban đầu chúng ta chỉ bắt đầu niệm từ 2 câu vừa niệm vừa nghe cho rõ ràng từng âm từng chữ rành rọt không có một tạp niệm nào xen vào, rồi cố đến 3 câu, rồi 4 câu, lâu dần sẽ được nhiều. Vọng tưởng có kéo đến cũng đừng để ý đến chúng. Đây là điều bình thường đối với người niệm Phật không có gì đáng ngại. Điều đáng quý là chúng ta phải chuyên niệm, hễ có thời gian hay một chút rãnh rỗi là phải đề xướng câu Phật hiệu. Hãy niệm không ngừng nghỉ ngày cũng như đêm, đứng cũng như ngồi, ăn cũng như nghỉ, nằm cũng như đi chúng ta đều phải niệm Phật. Niệm thầm hay niệm ra tiếng công đức cũng đều như nhau. Có nhiều vị cho rằng mỗi khi vào nhà xí làm vệ sinh hay khi thay y phục chúng ta không nên niệm Phật vì như thế mắc tội không tôn kính. Thật ra vào những hoàn cảnh như thế chúng ta cũng không nên ngưng niệm Phật nhưng chỉ nên niệm thầm trong lòng. Lúc nằm cũng vậy chúng ta không nên niệm ra tiếng vì niệm Phật ra tiếng lúc nằm lâu ngày sẽ mang bệnh và lại không nghiêm trang.
Chúng ta hãy bền bỉ niệm Phật nhưng đừng trông mong. Bởi khi lâm chung dù chúng ta chỉ đạt ở trình độ niệm Phật thành phiến, Phật quang A Di Đà chiếu đến thân chúng ta thì công phu của chúng ta sẽ được nâng lên một bậc là Nhất Tâm Bất Loạn. Nếu công phu của chúng ta đã đạt đến Sự Nhất Tâm Bất Loạn thì khi lâm chung được Phật A Di Đà phóng quang đến chúng ta sẽ có được Lý Nhất Tâm Bất Loạn. Đây là lời của lão pháp sư Tịnh Không nói chứ chúng tôi chẳng dám bịa ra. Vì thế xin quý hành giả niệm Phật hãy nên kiên trì niệm Phật đừng để cho gián đoạn chờ ngày vãng sanh quyết đoạt đài vàng nơi miền An Dưỡng quốc.
Hữu Minh
A DI ĐÀ PHẬT
Em xin cảm ơn nhưng bài viết thật là hay của quý anh, chị,cô, bác…
Em học được rất nhiều điều bổ ích từ trang web này. em cũng không có gì hơn là lời chúc sức khỏe, và mong chúng ta cố gắng tu học và sớm đạt được thành tựu viên mãn.cảm ơn rất nhiều.
A DI ĐÀ PHẬT
A DI ĐÀ PHẬT
Khi niệm Phật vẫn phải mong cầu. Sự mong cầu ấy phải thực sự thiết tha, thực sự cấp bách và được thể hiện bằng tiếng: “Nam mô A Di Đà Phật”. Sự mong cầu ấy phải như một đứa trẻ thơ đang khát sữa, đang gặp phải điều nguy hiểm mong về với mẹ, xong sự mong cầu của nó chỉ được thể hiện bằng “Tiếng khóc”. Bạn hãy so sánh hai câu trên? Cầu mong cho tất cả chúng ta cùng về với PHẬT.
Khi tu hành thì chỉ lo chú trọng dụng công, ngày đêm đều tinh tấn tu hành, bình dị như chuyện ăn cơm, mặc áo, đi ngũ, lòng không ý niệm mong cầu. Phải dụng công như thế, ngày cũng vậy, đêm cũng vậy, bất biến tùy duyên, tùy duyên bất biến. Đến khi quý vị tu đến tột điểm, cho dù không câù giác ngộ, quý vị sẽ được giác ngộ, cho dù không câù thành Phật, quý vị sẽ thành Phật. Cho dù không muốn làm Bồ tát, quý vị sẽ chứng quả thập điạ. Cho nên, có tu thì có đắc, kết quả tự nhiên sẽ đến. Không cần cầu. Tâm mong cầu chỉ là lòng tham, vẫn còn là vọng tưởng.
Hòa Thượng Tuyên Hóa
Xin chân thành cám ơn cư sĩ Hữu Minh. Bài viết rất là hay.
A Di Đà Phật
A DI ĐÀ PHẬT
A DI ĐÀ PHẬT
A DI ĐÀ PHẬT
…
Xin chào các Cô và các chú! Con mới đọc và làm quen với Phật pháp được ít thôi và con cảm thấy vô cùng hoan hỷ khi nghe các bài giảng về Phật pháp. Cho con hỏi nếu muốn bắt đầu niệm Phật thì các bước thực hiện như thế nào? Con xin cám ơn! Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Chào bạn Cao Thủy!
Mình xin giới thiệu mình cũng là người mới học Phật pháp. Vì vậy kinh nghiệm của mình chắc sẽ có nhiều điều thiếu xót. Nhưng mình cũng mạn phép xin chia sẽ với bạn kinh nghiệm niệm Phật của mình như sau:
Truớc tiên bạn nên nghe giảng hoặc đọc qua bộ kinh Vô Lượng Thọ để thấy đuợc nguyện lực to lớn của Đức Phật A Di Đà và cảnh Cực Lạc thù thắng vi diệu. Từ đó mà sanh tâm hoan hỷ và tin sâu vào nguyện lực tiếp dẫn chúng sanh của Phật A Di Đà và cảnh Cực Lạc thù thắng vi diệu đó (cái này rất chi là quan trọng) từ đó bạn phải phát nguyện dõng mãnh muốn thoát khỏi thế giới Ta Bà đầy ư khổ não này mà nguyện sanh về cõi nước Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà. Từ đó bạn phải từ từ buông xã cảnh đời… Tham lam,sân giận,si mê,lỗi mình,tại người…nên suy xét về chính bản thân mình đừng bắt lỗi người…Nên nhớ khi nổi lên tham,sân,si thì phải niệm Phật để giằng lòng xuống (điều này sẽ giảm các phiền não rất nhiều khi bạn niêm Phật). Tốt nhất là lúc tập trung làm việc thì thôi chứ những lúc khác như đi,đứng,nằm,ngồi đều nên niệm Phật.
Nếu có thời gian rảnh niệm Phật thì bạn nên ngồi ở chỗ nào khá yên tĩnh và xoay về hướng Tây nhé. Và khi niệm Phật cần chú ý:
– Vọng tuởng sẽ nổi lên nhưng bạn cứ mặc nó,cứ chuyên chú niệm Phật rồi dần sẽ giảm. (Và cố gắng các ngày rằm,mồng một,ngày vía nên ăn chay để tâm được thanh tịnh nếu bạn chưa ăn chay nhé)
– Khi niêm thì ý phải hướng đến Phật.
– Thu nhiếp các căn-niệm Phật ra tiếng vừa phải(tuỳ hơi của bạn).
– Bạn phải lắng tai để nghe chính tiếng niệm Phật của mình. Như thế bạn sẽ khởi ít vọng tuởng hơn mà công đức lại đuợc nhiều nữa!
– Bạn không nên làm gián đoạn niệm Phật(điều này rất tối kị)
Khi niêm xong thì hãy hồi huớng công đức đó về thế giới cực lạc. Có thể hồi huớng theo bài kệ sau:
Nguyện đem công đức này
Trang nghiêm Phật tịnh độ
Trên đền bốn ân nặng
Dưới cứu khổ ba đường
Nếu có ai nghe thấy
Đều phát bồ đề tâm
Hết một báo thân này
Đồng sanh cực lạc quốc.
Hãy nhớ là mục đích cuối cùng của niệm Phật là để cầu sanh Tây Phuơng chứ đừng cầu điều chi khác. Nếu có điều kiện thì hãy nghe các bài giảng về kinh A Di Đà do hoà thượng Tịnh Không giảng giải để tăng thêm tín tâm.
Đôi lời chia sẽ trên đây còn nhiều thiếu xót nên bạn thông cảm và mong các thầy chỉ bày thêm.
Chúc bạn luôn tinh tân niệm Phật và hẹn sẽ gặp nhau bên kia Tây Phương Cực Lạc thế giới nhé!
Nam mô A Di Đà Phật.
a di đà phật chúc các bạn tin tấn tu tập sớm giải thoát
Có công mài sắt có ngày nên kim.
Một câu A Di Đà Phật cứ dùi mài mãi ắt có ngày thành tựu vãng sanh.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam mô A di đà phật
Kính chào cư sĩ Hữu Minh
Kính chào các anh em trên diễn đàn
Tôi xin hỏi, ý tưởng “Lúc lâm chung công phu tăng gấp bội khi Phật quang chiếu đến” là ý của HT Tịnh Không hay là dựa vào kinh văn nào vậy?
Xin cám ơn
A Di Đà Phật Cổ Âm Thanh Vương Đà La Ni Kinh nói: Tây phương an lạc, tức thế giới Cực Lạc, ở cõi nước này hiện có Phật, hiệu là A Di Đà. Nếu có bốn chúng, có thể thọ trì danh hiệu Phật này, đem công đức này, khi sắp mạng chung, Phật A Di Đà cùng với đại chúng đến chỗ người này, khiến họ được thấy. Thấy xong, sanh khởi hỷ duyệt, công đức tăng gấp bội. Do nhân duyên này, nơi họ sanh ra, xa rời hình tướng bào thai uế dục, tự nhiên hóa sanh vào trong hoa sen báu vi diệu thuần khiết, đầy đủ đại thần thông, quang minh xán lạn.
“Nếu có các thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân lòng tin trong sạch được nghe danh hiệu vô lượng vô biên công đức chẳng thể nghĩ bàn của Phật Vô Lượng Thọ và thế giới Cực Lạc công đức trang nghiêm như vậy, nghe xong tư duy: hoặc một ngày đêm, hoặc hai, hoặc ba, hoặc bốn, hoặc năm, hoặc sáu, hoặc bảy ngày, hệ niệm chẳng loạn thì các thiện nam tử, hoặc thiện nữ nhân đó lúc lâm chung Vô Lượng Thọ Phật và vô lượng Thanh Văn đệ tử, Bồ Tát chúng của ngài vây quanh trước sau đến đứng trước mặt, từ bi gia hựu khiến tâm chẳng loạn. Xả mạng xong theo Phật chúng hội sanh vào thế giới Cực Lạc, cõi Phật thanh tịnh của Vô Lượng Thọ Phật.”
(Theo “Kinh Xưng Tán Tịnh Ðộ Phật Nhiếp Thọ”)
A DI ĐÀ PHẬT
Bạn Hoàng Thịnh thân mến,
Nguyên văn:
“Bởi khi lâm chung dù chúng ta chỉ đạt ở trình độ niệm Phật thành phiến, Phật quang A Di Đà chiếu đến thân chúng ta thì công phu của chúng ta sẽ được nâng lên một bậc là Nhất Tâm Bất Loạn. Nếu công phu của chúng ta đã đạt đến Sự Nhất Tâm Bất Loạn thì khi lâm chung được Phật A Di Đà phóng quang đến chúng ta sẽ có được Lý Nhất Tâm Bất Loạn. Đây là lời của lão pháp sư Tịnh Không nói chứ chúng tôi chẳng dám bịa ra“.
Bạn chú ý dòng chữ in nghiêng để hiểu rõ hơn nhé.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT!
(Trích từ Bản Nguyện Niệm Phật)
Đại sư Thiện Đạo đã nói:
“Những hạnh khác, tuy gọi là thiện, nhưng nếu so với việc niệm Phật, thì hoàn toàn chẳng thể nào so sánh được”.
Đại sư Thiện Đạo có một bài kệ:
“Cực Lạc là vô vi, Niết Bàn
Tùy duyên tạp thiện, e vãng sanh
Bởi thế Như Lai chọn pháp yếu
Dạy niệm Di Đà chuyên lại chuyên”.
Bài kệ này của Đại sư Thiện Đạo nói “Dạy niệm Di Đà chuyên lại chuyên”, “dạy” chính là chỉ cho Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy chúng ta phải “chấp trì danh hiệu, nhất tâm bất loạn”. “Nhất tâm”chính là không hai, không hai chính là chuyên. “Bất loạn” chính là không tạp loạn, không tạp loạn cũng là chuyên, cho nên Đại sư Thiện Đạo nói “Niệm Phật Di Đà chuyên lại chuyên”.
Danh hiệu A Di Đà Phật là hồng danh có đầy đủ muôn công đức: Nếu có chúng sanh nào không vãng sanh thì Phật không thành Chánh Giác, lấy hồng danh này làm hạnh nghiệp vãng sanh của chúng sanh. Một khi chúng sanh quy mạng niệm Phật thì lập tức có hạnh này, cho nên cũng gọi là tín hạnh không hai, căn cơ và giáo pháp đồng một thể:
1. Danh hiệu A Di Đà Phật thì đầy đủ nguyện hạnh:
Nguyện là đại nguyện cứu độ chúng sanh, cũng tức là đại nguyện của Phật A Di Đà lúc ở nhân vị trong năm kiếp tư duy phát khởi.
Hạnh là hạnh nghiệp đã thành tựu nguyện này, cũng tức là đại hạnh trong thời gian lâu dài vô tận của Đức Phật A Di Đà khổ công tu tập mới thành tựu.
Nguyện hạnh viên mãn rồi thành tựu Nam Mô A Di Đà Phật, công đức đại hạnh và đại nguyện trong nhân vị đều đầy đủ ở trong danh hiệu, cho nên sáu chữ danh hiệu đầy đủ nguyện và hạnh không thiếu một mảy may.
2. Tín tâm quy mạng đầy đủ nguyện hạnh:
Khi chúng sanh nghe uy đức danh hiệu Phật, danh hiệu trở thành tín tâm của chúng sanh, đây gọi là Tha lực tín tâm. Tín tâm này tự nhiên đầy đủ nguyện hạnh bao hàm trong danh hiệu, cho nên nói tín tâm đầy đủ nguyện hạnh.
3. Xưng danh niệm Phật có đủ nguyện hạnh:
Chúng sanh đã đầy đủ tín tâm thì có thể liên tục xưng danh. Sự xưng danh này chính là sự xưng danh hoàn toàn do tín tâm hiện khởi, cũng tức là ngay danh hiệu đó là thể của tín tâm, hiển hiện ra khẩu nghiệp, cho nên xưng danh từng tiếng từng tiếng đều đầy đủ nguyện hạnh.
Đại sư nói rõ trong danh hiệu thì đầy đủ nguyện hạnh. Danh hiệu Phật A Di Đà đã đầy đủ nguyện hạnh thì tin nhận như vậy mà xưng danh, từng tiếng từng tiếng đều đầy đủ nguyện hạnh, chứ chẳng phải chúng sanh tự lực tích lũy công đức rồi sau mới đầy đủ.
Pháp môn Tịnh Độ vi diệu khó lường, như Tổ Ấn Quang từng nói:
“Pháp môn Tịnh Độ, rộng lớn không gì hơn, trùm khắp cả ba căn, lợi căn và độn căn đều tiếp nhận, chúng sanh trong cửu giới nếu bỏ pháp môn này thì trên không thể viên thành Phật quả; mười phương chư Phật nếu rời pháp môn này thì dưới không thể độ khắp chúng sanh. Tất cả pháp môn, đều từ pháp giới này lưu xuất; tất cả hạnh môn, đều quay về pháp giới này. Vì đó là pháp môn Tổng Trì thành thủy thành chung, trên thành Phật đạo, dưới độ chúng sanh của tất cả các Đức Phật trong mười phương ba thời. Vì thế, được chín cõi đồng qui hướng, mười phương cùng khen ngợi, nghìn kinh đều xiển dương, muôn luận đều truyền bá. Dưới từ ngũ nghịch thập ác, trên đến Bồ Tát Đẳng Giác, đều phải tu tập, đều có thể hiện đời siêu phàm nhập thánh. Tất cả những pháp cao sâu mầu nhiệm khác phần nhiều là khế lý, nên tuyệt nhiên không thể khế hợp hết thảy ba căn cơ là thượng, trung và hạ. Chúng ta từ vô thỉ cho đến ngày nay, còn lẩn quẩn mãi trong vòng luân hồi, đều do bởi đời trước hoặc vì ngu muội không dám gánh vác, hoặc vì cuồng si không chịu tin nhận pháp môn này mà đến nỗi như thế”.
8. Niệm Phật là Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đà, nên mười phương hằng sa Chư Phật đều chứng thành. Các hạnh khác chẳng phải là Bổn Nguyện, nên Chư Phật chẳng chứng thành. Bởi thế, nên thường Niệm Phật để mười phương Chư Phật hộ niệm và quyết định vãng sanh.
27. Trong khi Niệm Phật mà tâm vọng động là thông bệnh của tất cả hạng phàm phu. Nhưng hễ có chí nguyện vãng sanh mà Niệm Phật thì tuyệt đối không chướng ngại. Ví như chỗ thâm tình của cha con, dù có bất hòa đôi chút, thì chỗ thâm tình đó vẫn không thay đổi, vẫn là cha con.
24. Đã sanh làm người trong cõi dục giới tán địa nầy thì tâm đều tán loạn cả. Nếu bảo rằng phải bỏ cái tâm tán loạn mới vãng sanh được thì thật là vô lý.
Tán tâm Niệm Phật mà được vãng sanh, đó là chỗ đáng quý của BỔN NGUYỆN vậy.
25. Chẳng phải thanh tịnh cái tâm của mình, trừ đi nghiệp chướng nầy rồi mới Niệm Phật, mà do thường Niệm Phật thì tội chướng tiêu diệt.
26. Tuy trọng tội vô gián (ngũ nghịch) cũng không thể thắng công đức Xưng Danh. Thanh bảo kiếm là danh hiệu Đức Phật A Di Đà, hễ trì niệm thì ma duyên không gần được. Thường xưng niệm danh hiệu Ngài thì tội chướng tiêu diệt.
29. Không cần để ý đến vọng niệm, tán loạn v.v… mà chỉ chuyên cần xưng danh hiệu. Nếu thường xưng danh hiệu thì do công đức của Phật Danh, vọng niệm tự dừng, tán loạn tự yên, tam nghiệp (thân, khẩu, ý) tự điều hòa, nguyện tâm tự phát.
Bởi thế:
“Khi nguyện tâm còn yếu, cũng Nam Mô A Di Đà
Phật.
Khi tâm tán loạn nhiều, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi vọng niệm sanh khởi, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi thiện tâm phát sanh, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi bất tịnh, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi thanh tịnh, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi tam tâm còn thiếu kém, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi tam tâm đầy đủ, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi tam tâm hiện khởi, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi tam tâm thành tựu, cũng Nam Mô A Di Đà Phật”.
Đây là phương tiện để chắc chắn được vãng sanh, xin ghi khắc vào tâm can chớ quên.
50. Niệm Phật là Bổn Nguyện độc lập không cần phụ trợ. Nói phụ trợ nghĩa là thêm vào trì giới, phát Bồ Đề Tâm, trì chú, tu tâm dưỡng tánh v.v… người tu thêm phụ trợ chỉ được sanh sang cõi Hóa Thổ Cực lạc.
64. Người Niệm Phật mà có lòng cầu vãng sanh và không nghi Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đà thì khi lâm chung không bị điên đảo. Sở dĩ được như vậy là nhờ Phật lai nghinh.
Phật lai nghinh là để người tu Niệm Phật lúc lâm chung được chánh niệm, chứ không phải lúc lâm chung cần phải chánh niệm thì Phật mới lai nghinh.
Người không biết nghĩa nầy đều cho rằng lúc lâm chung cần phải chánh niệm Niệm Phật, Phật mới lai nghinh. Kiến giải như vậy là không tin vào Phật Nguyện và cũng không hiểu kinh văn nữa.
80. Một đệ tử hỏi: “Nếu trí tuệ là điều cần yếu để vãng sanh thì con nguyện cần mẫn theo Thầy học. Còn nếu chỉ cần xưng danh là đủ thì không mong gì khác. Xin Thầy từ bi khai thị cho, con sẽ tuyệt đối vâng theo như lời Phật dạy vậy”.
Ngài đáp: “Chánh nghiệp vãng sanh thì trọng yếu là xưng danh. Rõ ràng là chẳng phân biệt có trí tuệ hay không có trí tuệ, cần gì phải học hành cho lắm! Chi bằng cứ lo Niệm Phật, thì sẽ mau được vãng sanh Tịnh Độ, gặp mặt Thánh Chúng, được nghe pháp môn. Hơn nữa cõi kia trang nghiêm, ngày đêm thuyết pháp sâu xa, do đó sẽ tự nhiên khai phát thắng giải mà chứng Vô Sanh Nhẫn. Nếu chưa biết ý nghĩa của Niệm Phật vãng sanh thì học cho biết, đơn sơ là đủ. Nếu ham học rộng, biết bao nhiêu cho cùng. Hãy siêng năng Niệm Phật là hơn cả”.
84. Niệm Phật là chuyện mình làm. Vãng sanh là chuyện Phật làm. Vãng sanh là do Phật Lực ban cho, lại cứ tính toán trong tâm mình thì đó là tự lực. Chỉ nên xưng danh để chờ Phật lai nghinh.
86. Hỏi: Vấn đề tự lực và tha lực nên hiểu như thế nào?
Đáp: Pháp Nhiên nầy, tuy không phải là loại căn khí có thể ra mắt Điện Hạ (Thiên Hoàng) nhưng do Điện Hạ triệu vào. Hai lần vào ra mắt không phải là do khả năng của tôi, mà do sức của Thiên Hoàng, huống gì là sức của Đức Phật A Di Đà!
Chuyện Ngài lai nghinh để tiếp dẫn những người xưng danh là Bổn Nguyện của Ngài, điều nầy thật dễ hiểu.
Những người tội chướng vô trí không nên hoài nghi vãng sanh. Nếu mà nghi ngờ là hoàn toàn không biết gì về Phật Nguyện cả. Bổn Nguyện được phát ra là để cứu những người tội chướng vậy. Bởi thế hãy nỗ lực xưng danh chớ khá nghi ngờ! Chỉ sợ không ưa cõi Cực Lạc, không tin Niệm Phật thì sẽ chướng ngại vãng sanh. Vì vậy gọi là “Tha Lực Nguyện”, là “Siêu Thế Nguyện”.
87. Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đà phát ra không phải vì hạng thiện nhân có phương tiện, có thể dùng tự lực để thoát ly sanh tử mà là vì hạng ác nhân tội chướng không có phương tiện để giải thoát.
Nhưng hàng Bồ Tát, Thánh Hiền cũng có thể nương vào đó mà cầu vãng sanh. Hạng thiện nhân phàm phu cũng hướng về lời nguyện nầy mà được vãng sanh, huống gì hạng ác nhân phàm phu lại càng nên nương vào Tha Lực nầy.
Chớ nên hiểu sai lầm mà bám chấp vào tà kiến. Hãy nhớ: Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đà căn bản là vì hạng phàm phu mà gồm luôn cả Thánh Nhân nữa. Xin hiểu rõ lý nầy.
89. Muốn mau thoát sanh tử
Trong hai loại thắng pháp
Bỏ qua Thánh Đạo Môn
Mà chọn Tịnh Độ Môn.
Muốn vào Tịnh Độ Môn
Trong hai hạnh Chánh, Tạp
Hãy bỏ các Tạp Hạnh
Mà quay về Chánh Hạnh.
Muốn tu nơi Chánh Hạnh
Trong hai Chánh, Trợ Nghiệp
Chớ dính nơi Trợ Nghiệp
Hãy nên chuyên Chánh Định.
Chuyên tu Chánh Định Nghiệp
Tức là xưng Phật Danh
Xưng danh tất vãng sanh
Bởi nương Phật Bổn Nguyện.
94. Nghi ngờ thì ở nhà sinh tử
Tín tâm thì vào thành Niết Bàn.
95. “Sống thì Niệm Phật tích lũy công đức,
Chết thì vãng sanh Tây Phương Cực Lạc”.
(1) Hồi hướng, không hồi hướng. Không hồi hướng, nghĩa là nếu tu tập hai hạnh chánh và phụ, thì không cần phải hồi hướng riêng biệt, mà tự nhiên trở thành nghiệp vãng sinh, cho nên Quán Kinh Sớ nói: Trong Quán Kinh, niệm danh hiệu Phật mười lần, tức là có đủ mười nguyện, mười hạnh. Niệm “A Di Đà Phật” tức là hạnh, do ý nghĩa này “ắt sẽ được vãng sinh”.
Kế đến, hồi hướng, nghĩa là nếu tu tập tạp hạnh, cần phải hồi hướng thì mới thành nghiệp vãng sinh, nếu như không hồi hướng, thì sẽ không trở thành nhân duyên cho sự vãng sinh
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT!
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT!
(Trích từ Bản Nguyện Niệm Phật)
Tổ Ấn Quang nói:
“Hòa thượng Thiện Đạo là hóa thân của Đức Phật A Di Đà, có đại thần thông, có đại trí huệ. Hòa thượng hoằng dương pháp môn Tịnh Độ, không chuộng nghĩa lý huyền diệu, chỉ chân thành khẩn thiết giáo hóa mọi người tu trì. Còn về việc khai thị hai hạnh chuyên tu và tạp tu, lợi ích ấy không thể cùng tận. Chuyên tu nghĩa là thân chuyên lễ lạy Đức Phật A Di Đà, miệng chuyên xưng danh hiệu Đức Phật A Di Đà, ý chuyên nhớ danh hiệu Đức Phật A Di Đà. Như thế thì muôn người tu muôn người vãng sanh Tây phương Cực Lạc, không sót một người nào. Tạp tu nghĩa là tu thêm các pháp môn khác rồi hồi hướng vãng sanh Tịnh Độ, do dụng tâm không chuyên nhất, nên rất khó được lợi ích; trong trăm người tu thì hiếm có được một hai người, trong nghìn người tu thì hiếm được ba bốn người vãng sanh Cực Lạc. Đây là lời nói chân thật từ kim khẩu của Thế Tôn, là lời dạy muôn đời không thay đổi vậy”.
Tổ Ấn Quang dạy:
“Một câu danh hiệu Phật, bao trùm cả tạng giáo, thu hết không cùng tận. Người thông tông và thông giáo, mới có thể làm người chân thật niệm Phật; nhưng người không biết gì, người không có tài năng gì, chỉ cần miệng xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà cũng có thể làm người chân thật niệm Phật. Trừ hai hạng người này ra, thì chân hay chẳng chân, đều do nỗ lực của chính mình có y vào giáo hay không?
Ở thế gian có người thích cầu cao, hiếu thắng, thường dùng lời lẽ khoa trương tự lực, miệt thị Phật lực. Họ không biết rằng từ khi sanh, đến khi chết, không có việc gì là không nương nhờ sức lực của người khác mà lại không lấy làm hổ thẹn. Đâu riêng gì đối với việc lớn sanh tử, ngay cả Phật lực họ cũng không muốn tiếp nhận, mắc bệnh tâm cuồng loạn đến mức như thế. Hành giả tu tập pháp môn Tịnh Độ cần phải hết sức cẩn thận đối với điều này”.
Người an tâm niệm Phật, do đâu không nhiều, đó là do không có ai không bị các tập khí làm chướng ngại, không bị tri kiến vây hãm. Rốt cuộc gốc của các tập khí ấy, chúng ta không thể tự mình thấu rõ điểm then chốt của nó. Quán sát tệ nạn đương thời, ngài nói: “Tập khí của chúng sanh, mỗi người thiên về một tính. Người ngu thì thiên về thấp hèn, người trí thì thiên về cao thượng. Nếu người ngu an phận là mình ngu, không dụng tâm tạp, chuyên tu tịnh nghiệp, thì hiện đời nhất định vãng sanh Cực Lạc, người ngu ấy được gọi là không ai sánh bằng. Nếu người trí mà không ỷ lại trí mình, lại còn hành theo một môn “nương nhờ từ lực của Phật A Di Đà, cầu vãng sanh Tịnh Độ”, người trí đó gọi là đại trí. Nếu người trí ỷ lại kiến giải của mình, xem thường pháp môn Tịnh Độ, thì sẽ bị đắm chìm trong các đường ác, từ kiếp này đến kiếp khác, muốn trở lại học theo bọn người ngu hôm nay, nhưng không thể được. Những người tinh thông tông, giáo, tướng, tánh kia, tôi thật sự rất quý mến và ngưỡng mộ họ, song không dám nghe theo! Tại sao? “Vì dây gàu ngắn không thể múc nước ở giếng sâu (Vì căn cơ thấp kém không thể diệu ngộ tự tâm), tấm giấy nhỏ không thể gói được vật lớn, (Phàm phu tội nghiệp sâu nặng không thể ra khỏi sanh tử)”. Ấn Quang tôi không thể kêu gọi tất cả mọi người đều phải tu tập pháp môn niệm Phật theo tôi. Nếu người thấp kém như tôi, lại muốn học hạnh tu của bậc đại thông gia, ngay đó muốn diệu ngộ tự tâm, vượt qua biển học, tôi e rằng bậc đại thông gia kia không thể giải quyết xong sanh tử, trở lại bị bọn đàn ông, đàn bà ngu dốt, chân thật niệm Phật vãng sanh Tây phương Cực Lạc xót thương. Chẳng lẽ không phải “muốn khéo lại trở thành vụng, muốn bay lên cao mà lại rơi vào vực thẳm”. Than ôi! Một lời khai thị mà bao trùm hết, đó là tự mình phải hiểu căn cơ của mình mà thôi”.
Đại sư Ấn Quang sống vào thời loạn lạc, nên đối với điều này ngài có cảm xúc rất sâu đậm. Đại sư nói:
“Thế giới hiện nay, dẫu cho Cổ Phật thị hiện thành Chánh Giác, nhất định cũng không dạy điều gì khác hơn là giữ trọn luân thường, làm hết bổn phận, ngoài việc chú trọng pháp môn Tịnh Độ ra thì cũng không đề xướng pháp môn nào khác. Giả sử, Đại sư Đạt Ma thị hiện vào thời đại này, cũng phải dùng pháp môn Phật lực để giáo hóa chúng sanh. Thời cơ và nhân duyên quả thật là căn bản, trái với thời cơ, nhân duyên thì cũng như mùa đông mặc áo vải, mùa hè mặc áo lông, đói thì uống nước, khát lại ăn cơm, chẳng những không có lợi ích mà còn bị tổn hại”.
Đại sư Thiện Đạo nói: “Tâm thâm tín này cứng chắc như Kim Cang, một dạ nhất tâm, một lòng chính trực, không bị những kiến giải, những môn học khác, hay những người tu theo hạnh khác… làm lay động hay phá hoại được”.
Đại sư Liên Trì nói: “Xưng niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà là thiện trong thiện, là phước trong phước”. Lại nói: “Chấp trì danh hiệu, nguyện thấy Đức Phật A Di Đà là đa thiện căn, là thiện căn tối thắng, thiện căn bất khả tư nghị”, đây là lời giải thích của Đại sư Liên Trì.
Đại sư Ngẫu Ích giải thích: “Chỉ cần tin nhận Di Đà, nguyện sanh Cực Lạc, chấp trì danh hiệu thì mỗi niệm, mỗi niệm đều đầy đủ đa thiện căn, đa phước đức”
Thật ra, đa thiện căn, đa phước đức vốn đã được chứa đựng hết trong câu danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật, mà Ngài đã hoàn thành cho chúng ta. Nếu trong tâm chúng ta tin nhận, ngoài miệng xưng niệm, thì tự nhiên chúng ta sẽ được đầy đủ đa thiện căn, đa phước đức.
Vì thế, xét trên phương diện này thì đa thiện căn, đa phước đức không phải do chúng ta tích lũy, mà là do Đức Phật A Di Đà tích lũy. Chúng ta chỉ cần xưng niệm danh hiệu Ngài, nguyện sanh về cõi Tịnh Độ của Ngài là được rồi.
Tông Tịnh Độ có hai loại hồi hướng:
Một là vãng tướng hồi hướng, tức là đem công đức mà ta đã tạo tác chuyển tặng cho tất cả chúng sanh, hi vọng tất cả cùng đồng được vãng sanh về quốc độ của Đức Phật A Di Đà.
Hai là hoàn tướng hồi hướng, là sau khi vãng sanh về Tịnh Độ, thành tựu tất cả công đức, vị Bồ Tát này sẵn lòng quay lại thế giới giới Ta Bà để giáo hóa chúng sanh, giúp họ quay về Tịnh Độ.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT!
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT!
Xin nguyện rằng hễ ai “thấy, nghe”: những lời Chư cổ đức khuyên dạy hay những pháp ngữ tinh yếu trên đây, đều phát khởi tín tâm, Niệm Phật mà được vãng sanh Cực Lạc.
Có điều gì sơ xuất, con xin sám hối cùng Tam Bảo.
Nếu có chút công đức nào, con nguyện hồi hướng cho Pháp Giới chúng sanh đồng sanh Cực Lạc, chóng thành Phật đạo.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT!