Sau khi mạng chung, tùy theo nghiệp nhân đã gây tạo của mỗi người mà có biểu hiện lâm chung và tái sinh vào những cảnh giới khác nhau. Các cảnh giới ấy là gì? Biểu hiện khi lâm chung ra sao? Đó là những vấn đề quan yếu cần lưu tâm trong hành trang tu tập của mỗi người con Phật.
Nghiệp – nhân tố quyết định
Động lực dẫn dắt con người tái sinh trong ba cõi, sáu đường, theo đạo Phật, đó là nghiệp. Nghiệp là những hành động có tác ý. Bốn loại nghiệp sau đây chi phối sự tái sinh của con người: Cực trọng nghiệp là những nghiệp cực nặng như ngũ nghịch, thập ác… Tập quán nghiệp là những nghiệp thường tạo tác, trở thành thói quen. Tích lũy nghiệp là những nghiệp do tích lũy nhiều đời. Cận tử nghiệp là nghiệp biểu hiện ra lúc lâm chung. Nếu không có Cực trọng nghiệp hay Tập quán nghiệp nào làm điều kiện cho sự tái sinh thì Cận tử nghiệp hoặc Tích lũy nghiệp sẽ dẫn dắt thọ sinh.
Các cảnh giới tái sinh
Có hai hướng vận hành đối với thần thức sau khi chết. Nếu người nào hiện đời nỗ lực tu hành, đạt đến cảnh giới nghiệp sạch, tình không tất được giải thoát; hoặc như thành tựu thiền định sẽ sinh về các cõi thiền (Sắc và Vô sắc); hay người nào hiện đời phát tâm tín nguyện niệm Phật thì khi lâm chung sẽ được vãng sinh về cảnh giới Tây phương Cực lạc.
Còn lại đa phần chúng ta đều phải tái sinh vào một trong sáu cảnh giới luân hồi. Sáu cảnh giới đó là Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh, A tu la, Người và Trời. Tùy theo nghiệp lành hay dữ mà thần thức tái sinh vào một trong sáu cảnh giới ấy.
1 – Sinh vào Địa ngục
Địa ngục là cảnh giới tăm tối, khổ đau. Người nào tạo các nghiệp cực ác như ngũ nghịch, thập ác… lâm chung sẽ đọa vào cảnh giới đau khổ này. Biểu hiện của người sắp đọa vào địa ngục như sau: Nhìn ngó thân quyến với ánh mắt giận dữ; nằm úp mặt hoặc che giấu mặt, thân hình và miệng mồm hôi hám; cơ thể co quắp, tay chân bên trái ấn xuống đất.
2 – Sinh vào Ngạ quỷ
Ngạ quỷ là cảnh giới mà chúng sinh thường xuyên bị đói khát và sợ hãi. Những ai hiện đời tạo các nghiệp ác cùng với tánh tham lam, keo kiệt… sau khi chết sẽ đọa vào cảnh khổ này. Người lâm chung đọa vào Ngạ quỷ có biểu hiện sau: Thân nóng như lửa; thường lo đói khát, hay nói đến việc ăn uống; không đại tiện nhưng tiểu tiện nhiều; đầu gối bên phải lạnh trước; tay bên phải nắm lại (biểu hiện lòng bỏn xẻn).
3 – Sinh vào Súc sinh
Súc sinh hay bàng sinh là các loại sinh vật có hình thù đa dạng, tâm thức tăm tối. Người nào hiện đời tạo các ác nghiệp cộng với tánh si mê, ngu độn… sau khi chết đọa vào Súc sinh. Những biểu hiện tái sinh vào cảnh giới này như sau: Yêu mến vợ con, đắm đuối không bỏ; ngón tay và ngón chân đều co quắp; toàn thân toát mồ hôi; tiếng nói khò khè; miệng thường ngậm đồ ăn.
4 – Sinh vào A tu la
A tu la còn gọi là Phi thiên, đây là hạng chúng sinh có hình tướng hung dữ, tâm luôn sân hận. Người nào hiện đời tuy có tu tập ngũ giới nhưng tâm còn nhiều sân hận và lòng dục nhiễm, sau khi chết sẽ đọa vào cảnh giới này. Có thể nói A tu la là một dạng khác của ngạ quỷ. Do vậy, biểu hiện lâm chung của người nào sắp tái sinh về cảnh giới A tu la gần giống như chúng sinh sắp tái sinh về ngạ quỷ.
5 – Sinh vào cõi Người
Cõi người là cảnh giới chúng ta đang sống, thọ hưởng hạnh phúc lẫn khổ đau. Loài người có đầy đủ những thuận duyên để tu học giáo pháp của Đức Phật. Những ai hiện đời có niềm tin đối với Tam bảo và thọ trì năm giới, sau khi chết sẽ được tái sinh vào cõi Người. Nếu được tái sinh làm người, lúc lâm chung có những biểu hiện sau: Khởi niệm lành, sinh lòng hòa dịu, ưa việc phước đức; sinh lòng chánh tín, thỉnh Tam bảo đến đối diện quy y; thấy bà con trông nom sinh lòng vui mừng; tâm chánh trực không ưa dua nịnh; dặn dò giao phó các công việc cho thân quyến rồi từ biệt ra đi.
6 – Sinh vào cõi Trời
Cõi Trời tức sáu tầng trời của Dục giới, chúng sinh ở cảnh giới này thân tướng trang nghiêm, hưởng phước lạc tự nhiên, sự ăn mặc thọ dụng đều tùy niệm hóa hiện. Người nào hiện đời tu Thập thiện sau khi lâm chung được tái sinh về cõi Trời. Khi lâm chung được sinh về cõi Trời sẽ có những biểu hiện sau: Phát khởi tâm lành; chánh niệm rõ ràng; đối với vợ con, tài sản lòng không lưu luyến; không có những sự hôi hám; ngửa mặt lên và nghĩ tưởng Thiên cung.
Trên đây là những biểu hiện lâm chung của sáu cảnh giới trong lục đạo. Tuy vậy, không phải mỗi trường hợp đều biểu hiện đầy đủ, mà đôi khi chỉ biểu lộ những điểm thiết yếu. Mặt khác, có người khi chết không biểu hiện tướng lành dữ. Muốn dự đoán cảnh giới tái sinh của họ, phải dựa theo hơi nóng lưu lại trên thân mới có thể quyết đoán được.
Vãng sinh về Tịnh Độ
Người nào hiện đời tu hành phát tâm tin sâu, nguyện thiết, chuyên trì Thánh hiệu Phật, khi thân hoại mạng chung thần thức sẽ được Phật và Thánh chúng hiện thân tiếp dẫn về Tịnh Độ. Lâm chung được vãng sinh về Cực lạc có những biểu hiện sau: Tâm không loạn động; biết trước giờ chết; tự mình niệm Phật; mùi thơm lạ tỏa khắp nhà; có hào quang; tự nói kệ để khuyên dạy đệ tử; nhạc Trời trổi giữa hư không. Nếu có đầy đủ các điểm tốt kể trên thì chắc chắn được phẩm vị cao. Nếu chỉ được một vài điểm tốt thôi, cũng được vãng sinh về Tịnh Độ.
Sáu cảnh giới mà chúng sinh sau khi mạng chung sẽ tái sinh vào, trong đó bốn cảnh trước hoàn toàn khổ đau, hai cảnh giới Trời và Người tuy có hạnh phúc hơn nhưng vẫn bị khổ đau chi phối. Do vậy, cần nỗ lực tu tập để thoát ly sinh tử hoặc phát tâm thọ trì danh hiệu Phật để lúc lâm chung được tiếp dẫn, vãng sinh về nước Phật.
Theo Giác Ngộ
A-Di-Đà Phật. Xin quý thầy cho biết ở kinh nào đức Phật nói chi tiết về các cảnh giới chư Thiên,Địa-ngục? Xin đa tạ quý thầy
Kính cẩn Nhất Tâm
Kinh Địa Tạng nói về Địa Ngục Vô Gián
Kinh Vô Lượng Thọ nói về cõi nước của đức Phật A Di Đà
Hòa thượng Thích Nguyên Liên nói về cõi trời trong tập Lâm Chung Những Điều Cần Biết như sau:
Thiên đạo là nẽo trời, chữ Thiên có nghĩa là thiên nhiên, tự nhiên, lại chữ thiên ở đây còn có bốn nghĩa ẩn: Tối thắng, tối thiên, tối lạc, tối tôn. Chúng sanh ở cảnh giới này thân tướng trang nghiêm hưởng phước lạc tự nhiên, sự ăn mặc thọ dụng đều tùy niệm hóa hiện.
b.1 Cảnh giới thọ dụng :
* Khổ lạc thọ dụng :
Chúng sanh ở cảnh giới này khổ ít vui nhiều. Chư thiên ở cõi dục thọ dụng nhiều phần vui, có ít phần khổ về sự suy não đoạ lạc. Chư thiên ở cõi sắc giới từ sơ thiền đến tam thiền lấy định cảnh làm vui, sự vui cùng cực duy ở cõi tam thiền. Từ tứ thiền cho đến chư thiên cõi vô sắc thì không có khổ lạc thọ.
* Ẩm thực thọ dụng :
Chư thiên ở cõi dục thọ dụng những trân vị như cam lồ, tô đà. Tuy nhiên, tuỳ theo phước báu của mỗi vị sai khác mà có vị thọ dụng đầy đủ có vị thọ dụng không đầy đủ, đồng thời mùi vị của thức ăn có sự hơn kém. Chư thiên ở cõi sắc giới thọ phần tư thực, dùng sự vui thiền định để nuôi sắc thân. Còn chư thiên ở cõi vô sắc thì chỉ có thức thực.
* Dục nhiễm thọ dụng :
Chúng sanh ở cảnh thiên đạo, chỉ có chư thiên ở dục giới là có sự hành dâm, còn chư thiên ở cõi sắc và vô sắc giới đều tu phạm hạnh không có dục nhiễm thọ dụng.
Thiên chúng ở dục giới khi gần gũi với nhau không có chảy ra chất bất tịnh, chỉ nơi căn môn có hơi gió nhẹ thổi ra dục niệm liền tiêu. Trời Tứ thiên vương và Đao lợi có sự giao cảm cũng như loài người. Trời Dạ ma nam nữ chỉ ôm nhau là đã thoả mãn dâm dục. Trời Đâu suất hai bên nắm tay nhau dục niệm liền tiêu. Trời Hoá lạc hai bên nam nữ chỉ chăm nhìn nhau cười là dục sự đầy đủ. Trời Tha hoá chư thiên chỉ liếc mắt nhau là đã xong rồi dục sự.
b.2 Nghiệp nhân tái sanh và biểu hiện lâm chung :
* Nghiệp nhân tái sanh :
Người nào hiện đời tu Thập thiện và chứng đắc các thiền định, sau khi lâm chung sẽ được tái sanh về cảnh trời. Trong đó người nào thành tựu mười nghiệp lành, sẽ tái sanh về cảnh giới Dục giới, người nào tu mười nghiệp lành cọng với chứng đắc một trong bốn thiền định ( tứ thiền) sẽ tái sanh về cảnh trời Sắc giới, người nào tu mười nghiệp lành cọng với chứng đắc một trong bốn không định (tứ không) sẽ tái sanh về cảnh trời Vô sắc.
* Biểu hiện lâm chung :
Nếu ai lâm chung được tái sanh về cảnh trời sẽ có những biểu hiện sau :
– Phát khởi tâm lành.
– Chánh niệm rõ ràng.
– Đối với của cải, vợ con…lòng không lưu luyến.
– Không có những sự hôi hám.
– Ngữa mặt lên và mỉm cười, mà nghĩ tưởng thiên cung đến rước mình.
Trong tất cả các cảnh giới, đức Phật Thích Ca chỉ khuyên đệ tử của ngài nên nguyện sinh về cõi Tây Phương Cực Lạc vì nơi đó thù thắng hơn tất cả các cõi Phật khác hay cõi trời nào khác.
Chào quý thầy ạ!
con muốn hỏi có bao nhiêu tầng trời? Và chi tiết về cõi trời vô sắc giới được không ạ??
A Di Đà Phật,
Xin gửi bạn lời giảng của HT. Tịnh Không:
“… Trong Phật Kinh nói ba cõi sáu đường, có Dục Giới, có Sắc Giới, có Vô Sắc Giới; người cõi Trời Dục Giới và Sắc Giới đều có thân thể, hay nói cách khác, không thể nào tránh khỏi được cái khổ; thiên nhân của Vô Sắc Giới không có thân, họ biết được thân là gốc khổ, thân là tích chứa, thân là đại hoạn, cho nên họ không cần thân. Thiên nhân tầng trời thứ tư là Vô Sắc Giới không có thân tướng, chúng ta gọi họ là “linh giới”, đó là phàm phu cao cấp nhất trong phàm phu. Họ có được xem là giác ngộ không? Được! Không thể nói họ không giác ngộ, thế nhưng các vị phải nên biết, họ không phải chánh giác. Trong Phật pháp chúng ta, giác ngộ là chánh giác. Chữ “chánh” này chỉ riêng nhà Phật có. Người thế gian tuy giác nhưng không chánh, chúng ta nhìn từ người Trời Tứ Không thì có thể thấy được rất rõ ràng. Không cần cái thân này có thể giải quyết được vấn đề hay không? Vẫn là không thể giải quyết được vấn đề, cho dù sanh đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Thiên, tuổi thọ tám vạn đại kiếp, nhưng tám vạn đại kiếp vẫn là có kỳ hạn, tám vạn đại kiếp đến rồi thì họ liền phải đọa lạc. Trong ngạn ngữ thường nói: “Leo càng cao, té càng nặng”, họ vừa đọa thì liền đọa vào trong địa ngục, hơn nữa tuyệt đại đa số đọa lạc trong Vô Gián địa ngục. Ở đây có nguyên nhân, không phải vô cớ. Những người này đều là người tu hành (người không tu hành không đến được cảnh giới cao đến như vậy), tu đến được cảnh giới này thì cho rằng chính mình đã thành Phật, cho rằng chính mình chứng được Đại Niết Bàn. Niết Bàn là không sanh không diệt, đó là thật không phải là giả. Họ đem Trời Tứ Thiền, Trời Vô Tưởng, Tứ Không Thiên cho rằng là Niết Bàn, đó là sai lầm, ngộ nhận. Lỗi lầm là ở chính họ, quyết không phải là do Phật Bồ Tát. Phật Bồ Tát ở trong Kinh điển nói rất tường tận, rất rõ ràng, chúng ta không thể hiểu lầm ý này…”
“…Người sức định càng sâu, họ biết được thân thể này vẫn là một việc phiền phức. Sắc tướng, người Trời Sắc Giới có thân thể, tuy là không có khổ khổ, nhưng họ có hoại khổ, thân hình sẽ có một ngày hoại đi, hoàn cảnh lầu các cung điện nơi ở cũng sẽ có một ngày bị hủy diệt, cho nên họ có hoại khổ. Thế là một số người thông minh, biết được hoại khổ từ do đâu mà có. Bởi vì có thân, bởi vì có sắc tướng nên mới có hoại khổ, vì vậy họ còn tiến thêm một bước nữa là không cần đến cái “thân”, sắc tướng cũng xả bỏ luôn, tiến vào Vô Sắc Giới. Vô Sắc Giới đương nhiên không có hoại khổ và khổ khổ, nhưng họ vẫn có hành khổ. Hành khổ chính là cảnh giới này tuy là tốt, nhưng không thể vĩnh viễn giữ gìn, khi thời gian đến thì họ không thể giữ được. Đó là tầng thứ cao nhất trong tầng trời, không có cao hơn, nên họ không giữ gìn được thì liền phải hướng xuống đọa lạc, đây gọi là hành khổ.
Phật nói với chúng ta, tam giới thảy đều là khổ. Trong “Kinh Pháp Hoa” hình dung ba cõi như nhà lửa, cũng giống như một tòa nhà lớn vậy, bên trong đã bị cháy, không có nơi nào là an toàn. Cho nên chúng ta nhất định phải nên biết, trong sáu cõi chỉ có khổ, không có vui. Cái gọi là vui là gì vậy? Vui là cái khổ tạm thời đình chỉ. Bạn cảm thấy được rất vui, kỳ thật đó là cái thấy sai lầm của bạn. Phật nói rất có đạo lý. Thí dụ nói, con người mỗi ngày không thể ăn ít hơn ba bữa cơm, ba bữa ăn no rồi thì cảm thấy rất an vui, một bữa không được ăn thì đói thấy rất khổ, hai bữa không được ăn thì sẽ càng khổ hơn, có thể thấy được khổ là thật. Ăn uống là gì? Là trị bệnh đói của bạn. Cái thân này có gì tốt, có cái gì vui đâu? Đến lúc thì phải trị một chút, nếu không trị một chút thì chịu không nổi. Đây là chân tướng sự thật. Có mấy người nghĩ đến, mấy người chú ý đến chân tướng sự thật này? Cho nên tỉ mỉ mà nghĩ, lời Phật đã nói mỗi câu đều là chân thật…”
(Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh – tập 31 & 35)
Nam Mô A Di Đà Phật.
Gửi bạn mô tả về các cõi trong Tam giới của dịch giả HT Thích Thiền Tâm:
“1. Trong cõi Dục gồm có năm chủng loại ở. 2. Trong mỗi chủng loại lại có các chủng loại khác ở lẫn lộn, như nơi cõi trời cũng có Súc-sanh, Quỷ-thần, nơi cõi người có Súc-sanh, Ngạ-quỷ, Địa-ngục. Nếu nói đại khái theo thứ bậc thấp cao, thì trong Dục-giới có ba loại: loại ác thú, loại người, loại trời. Loại ác thú có bốn: A-tu-la, Súc-sanh, Ngạ-quỷ, Địa-ngục. Loại người gồm có nhơn chúng ở bốn nơi: Nam-Thiệm-Bộ-Châu, Tây-Ngưu-Hóa-Châu, Đông-Thắng-Thần-Châu và Bắc-Câu-Lư-Châu. Loại trời có sáu cõi từ thấp đến cao: trời Tứ-Vương, trời Đao-Lợi, trời Dạ-Ma, trời Đâu-Suất, trời Hóa-Lạc và trời Tha-Hóa-Tự-Tại. Trong cõi Dục, về hữu-tình giới thì kể từ cõi Tha-Hóa đến ngục Vô-Gián; nếu về khí thế-giới, phải kể đến phong luân.
Trên Dục-giới là Sắc-giới, gồm nhiếp-hữu-tình và khí-thế-gian. Sở dĩ gọi Sắc-giới, vì chúng-sanh ở cõi nầy lìa sự nhiễm dục, từ thân đến cảnh đều là sắc chất trang nghiêm, thanh tịnh. Cõi nầy chia ra làm 18 thiên vức khác nhau; ba Thiền-thiên trước mỗi nơi có ba, đệ tứ thiền có chín. Ba thiên vức ở Sơ-thiền Ly-sanh-hỷ-lạc-địa là: Phạm-Chúng-Thiên, Phạm-Phụ-Thiên, Đại-Phạm-Thiên. Ba thiên vức ở Nhị-thiền Định-sanh-hỷ-lạc-địa là: Thiểu-Quang-Thiên, Vô-Lượng-Quang-Thiên, Quang-Âm-Thiên. Ba thiên vức ở Tam-thiền Ly-hỷ-lạc-địa là: Thiểu-Tịnh-Thiên, Vô-Lượng-Tịnh-Thiên, Biến-Tịnh-Thiên. Chín thiên vức ở Tứ-thiền Xả-niệm-thanh-tịnh-địa là: Vô-Vân-Thiên, Phước-Sanh-Thiên, Quảng-Quả-Thiên, Vô-Tưởng-Thiên, Vô-Phiền-Thiên, Vô-Nhiệt-Thiên, Thiện-Kiến-Thiên, Thiện-Hiện-Thiên, Sắc-Cứu-Cánh-Thiên. Trong chín thiên vức, năm cõi ở sau cùng tên là Ngũ-Tịnh-Cư-Thiên, cũng gọi là Ngũ-Bất-Hoàn-Thiên, vì là chỗ ở của bậc thánh A-na-hàm.
Theo các đại luận-sư ở xứ Ca-Thấp-Di-La thì Sắc-giới chỉ có 16 thiên vức, vì Đại-Phạm-Thiên nguyên là một vùng lâu các rộng lớn ở cõi Phạm-Phụ, chớ không phải biệt trí nơi khác. Còn trời Vô-Tưởng thì nhiếp về Quảng-Quả-Thiên, vì hai thiên chúng nầy đồng một thân lượng và thọ lượng.
Trên Sắc-giới là Vô-sắc-giới. Được mệnh danh là Vô-sắc, vì nơi đây không có sắc uẩn chỉ có thọ, tưởng, hành, thức bốn ấm mà thôi. Cõi nầy do không có sắc pháp biểu hiện, nên không có phương sở đời quá khứ vị lai đều như thế, lý đã quyết định. Nhưng về phần dị thục sanh sai khác thì có bốn bậc: Không-Vô-Biên-xứ, Vô-Sở-Hữu-xứ, và Phi-Tưởng-Phi-Phi-Tưởng-xứ. Bốn bậc nầy không phải có riêng xứ sở cao thấp, mà do nghiệp chúng-sanh hơn kém khác nhau. (Luận Câu-Xá, Lục-Đạo-Tập)”
Trích từ Phật Học Tinh Yếu – Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
A Di Đà Phật! chào quý thầy?
Con rất có niềm tin vào Đức Phật A Di Đà.Hàng tháng,con có đi chùa vào ngày mùng 1 và ngày rằm để cầu cho gia đình con mạnh khỏe,làm ăn phát đạt.Nhà con có 5 chị em gái,trước con và chị sinh đôi của con là có 3 chị lớn,bố con muốn có con trai để nối dõi nên đã quyết định để thêm nhưng khi sinh con và chị con lại là con gái.Từ đó,bố con sinh ra uống nhiều rượu và quát mắng mẹ con.Con rất thương mẹ,me con phải nuôi năm chị em con ăn học và chồng lại hay say rượu.Nhiều lúc con chị muốn không sinh ra làm cõi đời này,hay là ước gì sinh ra là con trai để không phụ lòng mong mỏi của bố,để mẹ đỡ khổ,nhưng con biết rằng con cái đều sinh ra vì bởi vì có duyên phận vói bố mẹ.Hiện tại,con không muốn bộ con uống nhiều rượu vì có hại cho sức khỏe,và muốn mẹ bớt khổ.Con nghĩ là bố mẹ con kiếp trước có sinh nghiệp nên giờ mới khổ như thế Thầy cho con hỏi con có thể niệm phật để hồi hướng công đức cho bố mẹ con được không ạ? con cảm ơn thầy!
Giang Đinh muốn niệm Phật hồi hướng cho bố mẹ là rất tốt. Cứ làm như vậy đi.
A DI ĐÀ PHẬT
Thầy ơi cho con hỏi , con đang tập ngòi thiền , nhưng con chỉ toàn thấy những hình đôi mắt hoặc những khuôn mặt nhìn con rất dữ hay đang bị hư hoại , đôi khi mới thấy một vẻ hiền từ , nhưng con không sợ , con tự an mình rằng đó chính là tâm hoặc tính cách của mình trước và hiện tại và ma tướng đang doạ nạt mình … Nên con lai nghĩ đến những câu Phật dậy , con không sợ nhưng chúng luôn xuất hiện , như thế là con thiền sai đúng không ạ , mong thày chỉ giáo và giúp con .
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
A DI ĐÀ PHẬT!
Gửi bạn Trần Phượng Oanh,
Đó là vọng cảnh, bạn chớ hoảng sợ. Khi ngồi thiền, mắt nên khép hờ sao cho hai mi mắt tạo thành đường thẳng vuông góc 90° với chóp mũi, lưng thẳng, không ưỡn cũng không gập về trước. Kế đó bạn ráng nhiếp tâm thực hành quán niệm hơi thở theo cách sau: Hít vào niệm: A Di; Thở ra niệm: Đà Phật.
Quan trọng: Hơi thở thật nhẹ, nhịp nhàng không thô, ồn (không to hay gấp). Ráng nhiếp tâm chỉ chú ý hơi thở ra-vô (A DI ĐÀ PHẬT) ít ngày sẽ khắc phục được tình trạng trên.
TN
Xin mọi người thường niệm: Nam mô A Đi Đà Phật.
Dạ.thầy.sanh về cõi trời thì bao lâu tái sinh ạ
Kinh NIKAYA có tất cả, từ đời thường đến TU HÀNH do Hòa thượng Thích Mình Châu dịch từ tiếng Pali. Tùy bạn chọn