Đây là một câu chuyện vãng sanh có thật tại Mỹ do thầy thích Phước Tiến kể tại đạo tràng niệm Phật chùa Hoằng Pháp, theo lời thuật của một Phật tử từ Mỹ về thăm thầy. Câu chuyện hoàn toàn bình dị nhưng nói lên một sự thật không thể phủ nhận, đó là sự tiếp dẫn chúng sanh của Phật A Di Đà về thế giới Tây Phương Cực Lạc là có thật. Câu chuyện này sẽ giúp hành giả tu theo pháp môn Tịnh Độ thêm vững niềm tin vào pháp môn tu của mình, quyết định một đời thành tựu lý tưởng giải thoát luân hồi ngay kiếp này. Sự lợi ích của pháp môn Niệm Phật thật bất khả tư nghì, dường như đến khó tin vì chỉ cần niệm 4 chữ “A Di Đà Phật” cho đến trọn đời là được giải thoát. Vì thế đức thế tôn Thích Ca Mâu Ni Phật gọi đây là pháp môn Nan Tín Chi Pháp (pháp khó tin). Nếu một người nào đó nghe đến pháp môn này nhưng không tin, đó là điều bình thường. Nhưng nếu người nào nghe rồi sanh tâm hoan hỉ, tin tưởng và chịu chấp trì câu Phật hiệu, phải biết rằng người ấy từ nhiều đời nhiều kiếp đã gieo căn lành với Phật A Di Đà. Do vậy kiếp này khi nhân duyên đã đầy đủ mới có thể tin và thực hành được. Vì vậy những ai hữu duyên sau khi nghe, xin hãy phát tâm từ nay cho đến trọn đời quyết giữ câu Phật hiệu trong lòng đừng quên. Lúc đi, đứng hay khi nằm, ngồi đều niệm câu A Di Đà Phật rồi hồi hướng công đức niệm Phật ấy về Tây Phương Cực Lạc, người ấy nhất định sẽ được vãng sanh sau khi xả bỏ báo thân người.
Hữu Minh
HẰNG NGÀY LÀ LUYỆN BINH, LÂM CHUNG LÀ ĐÁNH TRẬN.
NIỆM SAU CÙNG LÀ A DI ĐÀ PHẬT LIỀN ĐƯỢC VÃNG SANH.
Ngoài tịnh độ ra chúng ta còn học pháp môn khác, chúng ta đi không thông được, chúng ta không có năng lực này. Pháp môn này chúng ta cầu vãng sanh, thì cửa này chúng ta đi thông suốt, chúng ta nắm chắc được, vì sao vậy? Vì những pháp môn này thật sự phải đoạn phiền não, đoạn phiền não khó! Pháp môn này không cần đoạn phiền não, đới nghiệp vãng sanh. Chỉ cần chúng ta có năng lực chế phục phiền não là có thể vãng sanh. Chế phục so với đoạn phiền não dễ hơn nhiều. Chế phục như thế nào? Một câu A Di Đà Phật. Biết niệm, khi khởi tâm động niệm, bất luận là hoan hỷ hay ưu tư, sợ hãi hay oán hận. Ý niệm này vừa sanh, A Di Đà Phật áp chế nó. Ý niệm gì cũng đều quy về A Di Đà Phật. Đây chính là chế phục phiền não, tức là có thể đới nghiệp vãng sanh, nên Phật A Di Đà cần điều kiện này, nếu không chế phục được thì không còn cách nào khác.
Chế phục phiền não, khi lâm mạng chung mới chế phục, như vậy là trễ, không kịp nữa. Bình thường phải tập luyện, trong cuộc sống hằng ngày chính là tập luyện. Thuận cảnh, thiện duyên không khởi tham tâm, không khởi tâm tham luyến. Tâm ham thích khởi lên A Di Đà Phật, dùng câu A Di Đà Phật để thay thế nó. Nghịch cảnh ác duyên, khi xung đột sân nhuế sân khởi, A Di Đà Phật, đều đoạn tận nó. Tất cả đều quy về câu A Di Đà Phật này, đây gọi là biết niệm. Trong cuộc sống hằng ngày như luyện binh vậy, khi lâm mạng chung là đánh trận. Niệm sau cùng là A Di Đà Phật liền được vãng sanh.
Nguyện thứ 18 trong 48 lời nguyện, khi lâm mạng chung nhất niệm mười niệm đều có thể vãng sanh. Nhưng bình thường chúng ta không luyện, đến khi lâm mạng chung, nếu ngũ dục thất tình xuất hiện phải làm sao? Lập tức đi vào tam đồ, có thể vãng sanh hay không là niệm sau cùng này. Bình thường không tinh tấn không được, bình thường không buông bỏ không được. Bình thường xem nhẹ mọi thứ thì tất cả đều có thể buông bỏ được, như vậy phiền não của chúng ta giảm nhẹ rất nhiều. Câu Phật hiệu này rất dễ khiến nó chuyển đổi, nên nhất định phải buông bỏ, biết thế gian này tất cả đều là giả, tan như bọt nước. Thật sự chúng ta xem nó như giấc mộng. Trong mộng được hoàng kim cũng không thích, khi tỉnh dậy tất cả đều không. Trong mộng gặp oán thân trai chủ, muốn giết quý vị, không sao, khi tỉnh dậy cũng không có gì, tất cả đều không có. Xem thế gian này như cảnh mộng, Xem thế giới này như cái gì? Xem như chỗ chúng ta tham quan du lịch, nơi này mọi thứ không phải của tôi, hai ngày sau tôi đã đi.
HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG