Thường thường khi hộ niệm có cái phần ”Khai-Thị, Dẫn-Giải“. Điểm chính yếu của khai-thị, dẫn-giải chính là nhắc nhở người bệnh buông cho hết tất cả những gì thế trần xuống, gọi là “Buông xả“. Phải buông cho hết đừng có để bị vướng:
Cái tâm mình mà còn thấy khó chịu cái gì, thì còn vướng cái đó.
Cái tâm mình mà còn ghét việc gì, thì vướng việc đó.
Cái tâm mình mà còn ghét một người nào, thì vướng người đó.
Bất cứ cái gì cũng vậy, hễ ghét cái gì thì vướng cái đó! Lạ lắm! Thường thường có nhiều người nói, là để tới lúc đó rồi tôi sẽ bỏ. Không phải dễ vậy đâu!
Ngài Lý Bỉnh Nam nói rằng, trong cuộc đời chúng ta làm cái gì, thì trước những giây phút chúng ta ra đi, tất cả những cái đó nó hiện lại hết, mà nó hiện càng mạnh nữa. Ví dụ, như mình thấy khó chịu một điều gì thì lúc đó ta có muốn quên, quên cũng không được. Mà thật ra lúc đó dù chúng ta có muốn quên đi, thì oan gia trái chủ cũng tạo cơ hội cho chúng ta nhớ cái chuyện đó. Lạ lắm! Mà chỉ người đó bị nạn, chứ người bên cạnh hay người hộ niệm không biết. Chính vì vậy, hộ niệm là giúp cho nhau buông xả. Phải tập buông xả.
Mấy ngày hôm trước chúng ta nói chuyện về “Người Hiền“. Thực sự là tập thành người hiền. Người hiền là người buông xả. Người ta buông xả vì người ta hiền. Ví dụ, có một sự việc như vậy, người hiền thì người ta vui vẻ, không cần để ý đến, còn người cố chấp thì người ta để trong lòng. Mà để những điều khó chịu trong lòng, thì nó sẽ thành cái chủng tử “Khó Chịu“. Rồi cái chủng tử đó càng ngày nó càng phát triển, nó càng lớn lên, đến khi nằm xuống thì cái chủng tử đó, cái nhân đó, nó hiện ra trong đầu của họ. Chủng tử này có lúc có thể giải được, còn hầu hết thì chịu thua, giải không được!
Chính vì vậy mà phải tập buông xả. Tập tối đa. Ví dụ như mình lỡ gặp điều gì rắc rối, thì theo như Chư Tổ dạy, hãy ráng cố gắng phát tâm niệm Phật liền. Nhớ tới câu A-Di-Đà Phật, nhìn tới câu A-Di-Đà Phật, tự nhiên câu A-Di-Đà Phật nó lấn lần, lấn lần… nó liệng những cái chấp ra. Tập được như vậy, thì đến lúc mình nằm xuống, bắt đầu bịnh là mình lo niệm Phật liền, chứ không lo cái gì khác hết.
Tôi xin kể ra đây một câu chuyện có thực, để rút thêm một chút kinh nghiệm cho cả người hộ niệm và cả cho người vãng sanh luôn. Ở tại Việt Nam có anh đó trong ban hộ niệm, hôm trước anh có điện thoại qua hỏi tôi. Cứ mỗi lần có chuyện khó khăn gì về hộ niệm thì anh liền điện thoại qua hỏi. Nhưng thực ra xét về khả năng, thì Diệu Âm này thầm nghĩ rằng, anh đó có khả năng hộ niệm ngon hơn mình, nhưng tại vì đầu tiên mình chỉ dẫn cho anh hộ niệm, nên bây giờ anh mến lắm… Thì anh ta báo cáo rằng từ đầu năm tới bây giờ, anh hộ niệm được 31 người, 31 ca, thành công được 21 ca, còn lại 10 ca là coi như bị thất bại. Anh nói ngon lắm: “Bây giờ tôi biết rồi anh Diệu Âm ơi, tôi biết người nào vãng sanh, người nào không rồi, chứ không phải thấy mềm mềm là tôi nói vãng sanh đâu”.
Anh ta nói với tôi có vẻ vững vàng lắm, và anh kể lại một câu chuyện, làm cho tôi cũng trực nhớ lại… Câu chuyện đó như thế này, vui lắm!…
Có một Ông đó, nói niệm Phật thì chịu niệm Phật. Bảo phát nguyện vãng sanh thì chịu phát nguyện vãng sanh. Nhưng mà Ông đó nghĩ như thế này nè. Ông nói:
“Như mình ở đây muốn qua nước Mỹ thì mình phải có cái hộ chiếu. Mình ở đây muốn đi qua Singapore thì mình phải có cái hộ chiếu. Mà hộ chiếu thì phải có công an, có nhà nước đóng dấu đàng hoàng. Thế thì, bây giờ nếu mình ở tại nước Việt Nam này mà muốn đi về Tây Phương thì mình cũng phải có “Hộ Chiếu” mới đi được… Vậy bây giờ phải làm sao cho tôi có cái “Hộ Chiếu” đi về Tây Phương đi”.
Ban hộ niệm đã giảng giải cho ông ta rằng không phải vậy đâu. A-Di-Đà Phật dạy là mình nguyện vãng sanh cho đàng hoàng, rồi thành tâm niệm Phật thì tự nhiên được đi. Nhưng ông không chịu tin! Nói gì nói ông cũng không chịu tin. Ông nói: “Không bao giờ có cái chuyện đó!” . Tại vì ông ta là nhà quê mà. Ông nói:
“Đi đâu cũng phải có hộ chiếu… thì bây giờ cách gì đi nữa cũng phải đem ra công an ký giấy cho tôi, để tôi đi…”.
Sau khi hộ niệm cho ông đã ba-bốn tuần rồi mà sao vẫn còn vướng! Lúc nào ông cũng đòi cho được cái hộ chiếu để đi về Tây Phương. Đối với ông hình như chỉ còn vướng một chút này nữa thôi. Người ta hỏi ông:
– Có đem con theo không?
– Không! Tôi không đem con theo.
– Có đem vợ theo không?
– Không! Không đem vợ theo.
– Cái gia tài này có đem theo không?
– Không! Không đem theo cái gì hết.
Ấy thế mà nhất định phải đem cái hộ chiếu theo!…
Ông đòi giấy hộ chiếu đó phải có công an ký vào và A-Di-Đà Phật cũng phải ký vào nữa… Trời ơi! Người ta khuyên gì khuyên, nhưng ông ta cũng không nghe!…
………..
Chấp như vậy đó!… Anh đó mới điện thoại qua hỏi, ”Anh Diệu Âm ơi, làm sao giải quyết giùm tôi” .
Thì lúc đó tôi nói:
“Thôi được rồi, bây giờ anh về nói với ông đó, viết lời nguyện vãng sanh ra: Tôi tên là gì đó, pháp danh là gì đó, ở tại thôn này, bao nhiêu tuổi, hôm nay Tôi phát nguyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, nhờ A-Di-Đà Phật ấn ký”.
Viết đàng hoàng như vậy, rồi anh bắt ông đó quỳ trước bàn Phật, kêu cả gia đình cùng quỳ sau ông, rồi ban hộ niệm cũng quỳ theo luôn. Bảo ông ta tự khấn nguyện, cầu xin Phật ấn chứng cho con. Rồi mình bảo ông ta để tờ phát nguyện trên bàn thờ. Giảng nghĩa cho ông biết rằng, A-Di-Đà Phật có cách ấn chứng khác, Ngài không ký tên, mà mình để trên bàn thờ rồi khấn nguyện, Ngài sẽ phóng quang ấn chứng vô đó. Như vậy tức là ông đã được ấn chứng. Nhờ như vậy thôi!…
Rồi ông còn hỏi:
– Có chắc không?
– Chắc chứ. Sao mà không chắc được.
Ổng viết đàng hoàng, viết tên… tuổi… họ hàng… ở tại xã nào, thôn nào… như vậy đó để lên, rồi mới nguyện. Ông ta nguyện như vầy:
– Nam Mô Di Đà Phật, hôm nay con xin để “Giấy Hộ Chiếu vãng sanh” nơi đây, con nguyện cầu Phật ấn chứng cho con…
Rồi để trên đó đàng hoàng há, bắt ông đó để lên bàn thờ bảy ngày để cầu xin… (Mình phải làm cho có vẻ quan trọng và kiểu cách một chút…). Có như vậy mà sau đó ông ta mới yên lòng. Bây giờ ông phải giữ cho cẩn thận tờ giấy này nghen, đây tờ hộ chiếu có Phật ấn chứng rồi đó. Nhờ cái tờ giấy đó… mà ông an lòng không hỏi nữa. Và sau đó, nghe nói ông cũng được vãng sanh, vãng sanh cũng ngon lành lắm…
Câu chuyện này kể ra giống như một chuyện tiếu lâm, nhưng có thật như vậy. Cả cái ban hộ niệm đó không biết cách nào mà giải quyết, khuyên gì khuyên ông vẫn nói nhất định là đi đâu cũng phải có tờ giấy, phải chứng nhận đàng hoàng, ấn chứng đàng hoàng mới được. Đây cũng là một câu chuyện vừa vui mà vừa có thực…
Chuyện này thật ra chỉ vì thói quen. Cái thói quen trong cái tâm, nó nhập sâu vào tâm hồi nào không hay, đến nỗi khi đi về Tây Phương cũng nghĩ rằng phải có như vậy mới đúng… Tất cả chính là cái chấp của người đó!
Nếu một người tu hành muốn về Tây Phương, mà giả sử như chúng ta còn mắc kẹt cái chỗ nào, ví dụ như ghét một người nào đó, xin thưa thực, Diệu Âm thường đi nói chuyện về hộ niệm, có nói: Ví dụ như, quý vị mà ghét cái màu đen: “Đời tôi ghét nhất là màu đen“… cũng không được nữa, đừng nói chi là ghét người! Tại vì khi mình ghét màu đen, thì nhiều khi lúc lâm chung, người ta mở đèn sáng trưng à, người ta còn sơn cái nhà trắng hết à, mà oan gia trái chủ tới họ phù phép hay sao đó không biết làm cho đen thui à! Nhìn thấy màu đen, mình ghét vô cùng ghét! Mình bị vướng liền. Chính vì cái vướng này mà làm cho tâm hồn của họ điên đảo, không cách nào niệm Phật được. Cũng giống như ông Cụ đó muốn về Tây Phương, vợ không đem theo, nhà cũng không đem theo, con cái cũng không đem theo, tiền bạc không đem theo, mà quyết định là phải đem miếng giấy theo. Tại vì miếng giấy đó là giấy có ấn chứng đàng hoàng có ký đàng hoàng!
Thấy không? Nếu mình cứ nói: “Bác buông xả đi, bác buông xả đi”. Nói hoài không bao giờ ông cụ đó buông xả. Nhưng làm một cái trò giống như trò xiệc vậy, trò gạt vậy thì ông ta lại chịu nghe. Đây gọi là “Thiện xảo phương tiện”.
Cho nên đây cũng là một cái kinh nghiệm rất hay để khi đi hộ niệm, muốn khuyên người ta buông xả, nhiều lúc mình cũng bày cái phương tiện nào đó thì người ta mới buông xả. Và nói như vậy thì bây giờ chúng ta hãy biết tập buông xả trước, buông xả cho trụi lủi. Hòa Thượng nói, phải buông xả trụi lủi trụi lui thì quý vị mới dễ dàng an nhiên tự tại vãng sanh. Nếu mà buông xả nhiều thật nhiều, còn lại chút chút nào đó thì những vị hộ niệm mới khuyên mình bỏ được, chứ nếu mình buông xả ít quá, tức là chấp nhiều quá, sau cùng nó vướng… nó vướng tới… tới… tới kỳ cùng luôn!
Mình nhớ là trong cái lá thư của ngài Ấn Quang, có một người niệm Phật 25 năm trường, ngày nào cũng công khóa đàng hoàng, nhưng mà sau cùng rồi…. thì Ngài nói, “Không vãng sanh “. Nhìn hiện tượng xảy ra, Ngài nói, ”Không Vãng Sanh!”… Hỏi Ngài, ông này được vãng sanh về Tây Phương chứ? Ngài nói, không! Như vậy, niệm Phật lâu năm rồi, chắc có lẽ cũng được về tam thiện đạo chứ? Ngài nói, “Không!” luôn! Dễ sợ như vậy! Đây là do tình chấp mà bị kéo lại. Bên cạnh đó, mình phải hiểu rằng oan gia trái chủ sẽ lợi dụng cơ hội đó mà phá mất cơ hội vãng sanh của mình.
Đây là kinh nghiệm! Chúng ta hãy cố gắng quyết lòng. Tất cả chúng ta ai ai cũng sẵn sàng chuẩn bị đi về Tây Phương. Đi về Tây Phương sướng quá, chấp ở đây làm gì mà chúng ta bị nạn. Thật sự oan uổng!
Cho nên tu hành là biết buông xả. Chúng ta phải thực hiện những bước này cho được thì sau cùng sẽ rất dễ dàng vãng vanh về Tây Phương để thành đạo.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
con xin cảm ơn lời khai thị này.con sẽ cố gắng hành trì theo.nguyện cho tất cả mọi chúng sinh dù ở cõi trời cõi a tu la, cõi người, cõi ngã quỷ, cõi súc sanh hay cõi địa ngục đều sớm về tây phương cực lạc.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Vẫn còn những bài viết “cũ” rất hay của ĐVCT.
Cảm ơn cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Đọc xong vẫn có chỗ chưa Hiểu cho lắm,mong cư sĩ chỉ bảo thêm, bây giờ con đang ghét 1 người mà người đấy đã ra đi đc 4 năm rồi,phải làm sao để buông xả đây,mà buông xả bằng cách nào đây chứ,trong khi 5 giới đều phạm hết rùi…
A Di Đà Phật,
Ghét 1 người mà người ta đã ra đi (chắc là đã qua đời??) rồi mà vẫn còn ghét…Việc này cũng thường thấy, ko lạ đâu. Nhà Phật gọi là oán chồng thêm oán, đời đời kiếp kiếp oán thù dẫn dắt, khổ không kể xiết…
Muốn buông xả được thì phải Nhìn Thấu: Khi bạn đang giận ai đó, dù người đó đã chết rồi, hay thậm chí còn sống mà họ ko có mặt ở gần bạn thì lúc bạn đang ghét giận họ thì ai là người khổ nhất?
Chắc chắn là bạn chính là người khổ nhất vì bị cơn giận hờn, oán ghét kia nó giày vò tâm bạn, khiến bạn ăn ko ngon ngủ ko yên, lại còn bị tăng huyết áp và trong máu sinh ra độc tố nữa! Chất độc đó chạy vào bộ phận nào thì bộ phận đó bị nhiễm độc, càng giận thì nội tạng của bạn càng bị tổn thương…lâu ngày thành bệnh nan y, khi đó ai là người khổ nhất?
Dại gì mà giận người mà tự hại mình đến khổ như vậy…Thấy rõ như vậy thì tự nhiên Buông được thôi…
Còn muốn giữ được Giới thì ko thể ko học Đạo Làm Con, ko thể ko đọc cuốn “Làm Chủ Vận Mệnh”:
Đạo Làm Con:
http://www.youtube.com/watch?v=OcawXXuzkZQ&list=PL52otoxLK6nPhJYXt0U-O9q7zurI-YZkf
Làm Chủ Vận Mệnh:
http://phapamgiaithoat.com/ebook/Lam-Chu-Van-Menh-TT-Thich-Minh-Quang-Dich.pdf
A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật.
Người niệm Phật tu hành phải liệng đi tất cả các tánh xấu vào hố thẳm trần gian thì Tây Phương Liên Hoa sẽ hiễn lộ trong tâm chúng ta hàng giờ hàng đêm, lâm chung chỉ là thời điểm để chào tạm biệt cõi Ta Bà thôi. Những tánh cố chấp thiện ác, tự ái, ích kỷ, thị phi, tình cảm… là những tánh phàm tình tư tưởng điên đảo, nếu người niệm Phật ngày nào vẫn chưa lấy nhãn “Trí Tuệ” ra soi nhìn thấu thực tướng phiền não của nó thì tức nhiên vẫn bị sanh tử luân hồi làm chủ.
Phiền não và Bồ Đề là hai thể đối lập nhau theo quan niệm con người. Vì chúng ta đắm chìm trong phiền não không nhận ra được chân tướng nó, nên mới có đối tượng Bồ Đề để ta y cứ vào đó vượt thoát. Thật ra nó đều hỗ tương với nhau, cái này lập nên cái kia cũng lập, vì thế trong phiền não vốn có Bồ Đề. Chỉ cần ta nhích mạnh lên câu A Di Đà Phật thì từng niệm phiền não chuyển thành Bồ Đề mà thật ra cả 2 đều từ tâm chân không của chúng ta.
Xưa có vị khách đến hỏi Thiền Sư. Thế nào là Phiền Não; Thế nào là Bồ Đề? Thiền Sư bèn quát lên một tiếng và chê trách anh ta. Thế là vị khách nổi giận rút gươm ra định chém. Thiền Sư từ tốn bảo: Phiền não là thế đó. Anh ta bỏ gươm xuống, Thiền Sư nói tiếp Bồ Đề là thế đó.
Đừng chấp tụng kinh niệm Phật mỗi thời khoá hàng ngày cho là chứng đắc thành tựu vãng sanh vì đó chỉ lả trong những phương tiện căn bản trong 24h mỗi ngày để nhắc nhỡ chúng ta cái tâm tín nguyện hồi hướng công đức tu tập vãng sanh Cực Lạc đừng có bao giờ thối chuyển. Thật sự tu tập chuyển hóa tâm thức phàm tình cho đến khi nào nó yếu mòn tiêu diệt luôn là những giờ sau khi thời khoá chúng ta đối diện phiền não chuyển thành Bồ Đề hàng ngày mới đem lại kết quả tốt đẹp. Lý sự viên dung.
==========================================
Thí dụ như viên ngọc châu lưu ly, muôn ngàn năm lăn lóc nơi chỗ nhơ bẩn, uế tạp, mà chẳng nhiễm ô, vì bản tánh của lưu ly vốn luôn luôn trong sạch. Cũng như thế, Bồ Tát Sơ phát tâm ngày đêm thủ hộ thân tâm bằng danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật mà chen lộn nơi cõi dục ác trược, vẫn chẳng bị ngu si, tà kiến làm cho loạn nhiễm. Bởi vì bản chất của Nam Mô A Di Đà Phật vốn thanh tịnh như pháp giới tánh, vô cấu như hư không tánh.
Trích từ Phẩm thứ tư Xưng tán danh hiệu.
Kinh Niệm Phật Ba La Mật.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Nam Mô Quán Tự Tại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Xin chư vị cho con hỏi là vừa niệm phật trong tâm vừa phát nguyện vãnh sanh như vậy có phải là vọng niệm ( mong cầu) không?
Xin thầy hoan hỷ trả lời giúp con với
Bạn niệm Phật thì chỉ chú tâm vào câu niệm Phật thôi,ko nghĩ đến điều gì khác,nghe cho rõ câu Phật hiệu.
Vừa niệm Phật vừa phát nguyện thì ko tập trung được
Lúc phát nguyện thì phát nguyện.
Lúc niệm Phật thì chỉ niệm Phật.
Nam mô A Di Đà Phật.
Xin cho NH hỏi đây có phải là oan gia hay không khi cùng sống chung 1 nhà mà đứa trẻ đó ghét chồng sau của NH như thế mặt dù anh ấy không có la nó hay ghét bỏ gì nó . Hể nó gặp là nó quay mặt bỏ đi không chào hỏi một tiếng , NH cũng có nói nó anh ấy đả làm gì mà con ghét như vậy ? Nó nói không có làm gì hết nhưng nó nói nó không muốn nói chuyện và không muốn dính liếu gì với anh ta , NH cũng đứng ra khuyên giải 2 bên nhưng rồi anh ta thì muốn làm hoà cho gđ vui vẽ còn nó thì không , NH đứng giửa rất là khổ sở . không biết bây giờ phải làm thế nào .
Mỗi ngày sao thời khoá công phu đều hồi hướng cho 2 bên hoà giải .
Xin LH Huệ Tịnh , Tịnh Thái , Trung Đạo giúp dùm .
Xin cảm ơn
A Di Đà Phật
Chào Ngọc Huệ!
MD từng rơi vào hoàn cảnh như con của bạn hiện tại, cảm giác rất sợ mẹ thân mật với người đàn ông nào đó, thậm chí là tỏ thái độ khá gay gắt khi thấy ông nào cười nói thân thiết với mẹ. Đó là tâm lý chung của con cái khi thấy gia đình đỗ vỡ, và cha/mẹ sẽ cập bến khác. Khi bố mẹ chia tay, sự thương tổn con cái phải gánh chịu là rất nhiều: chịu đựng mặc cảm, chịu đựng sự cô đơn, mất đi tình thương trọn vẹn; và nếu cha/mẹ tái hôn sẽ là cảm giác của nguy cơ bị mất đi tình thương của cha/mẹ (vì san sẻ cho người thứ ba). MD là từng rơi vào hoàn cảnh ấy, từng nếm sự bất hạnh ấy. Vậy nên mong bạn hãy đứng bên cạnh con, dùng tình thương bao la của người mẹ mà san sẻ những lo âu, những nỗi khổ khó giải bày của con, đừng xem con là oan gia trái chủ mà tội nghiệp cho cháu. Hãy lắng nghe con nhiều hơn, đưa con đi làm việc thiện và hồi hướng công đức các việc thiện ấy cho con, dần dà hãy đem Phật pháp mà nói cho con nghe… Đời thay đổi khi ta thay đổi, tất nhiên không thể có kết quả ngay, cần cho con thời gian để con có thể hiểu và chấp nhận.
Hành trì Phật pháp hồi hướng công đức cho con cũng là một cách, tuy nhiên tình thương và sự bao dung đó chính là công đức vô hình mà tất cả chúng ta hay bỏ qua hoặc lãng quên đi. Quả thực có rất nhiều người đi chùa đấy, tụng Kinh đấy, nhưng gặp việc không vừa ý liền nổi sân, “nhất niệm tam thiên”, công đức niệm Phật, tụng Kinh cháy hết cả rồi.
Vài dòng chia sẻ. Chúc gia đình bạn an vui!
Nam Mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật
Xin cảm tạ Mỹ Diệp đả chia sẽ , được bên này mất lòng bên kia . Mình có nói với người sau này của minh , làm gì thì làm nó cũng là con ruột của mình . Cho dù nó có lầm lồi gì hay đối với NH ra sao thì mãi mãi vẩn là con . NH sẽ không bao giờ bỏ nó .
NH cũng dành thời gian cho nó nhưng tánh nó trầm lặng lắm , lại ích nói , nó lại bê bối hay bày rồi mình lại dọn , cái đó không thành vấn đề nhưng mình muốn tập cho nó phải gọn gàng , nó nay 14 tuổi rồi .
Trở lại vẩn đề tối qua lúc đang ngồi niệm Phật khoãng 9 giờ tối , trong vòng 1 tiếng 1 câu Phật hiệu cũng không vào được , vọng tưởng phiền não nỗi lên và tự nhiên lúc đó trong tâm lại có ý nghĩ vô cùng ngu sỉ dại dột , ý nghĩ ” tự tử ” tự nhiên lại nỗi lên làm cả người NH run lên và nghĩ tại sao mình lại nghĩ như vậy , không hiểu tại sao NH lại có ý nghĩ điên rồ ngu sỉ như vậy , gì làm như vậy sẽ không bao giờ được siêu thoát rồi cứ 7 ngày thần thức lập lại rất là đau khổ , và con của mình sẽ ra sao gì nó cũng cần có mẹ . rồi sao đó NH như cái lò so quỳ thẵng và chấp 2 tay lại niệm Phật nhanh không ngừng và khoãng 15′ sau đó thì lắng xuống , và câu Phật hiệu mới từ từ vào .
NH không biết minh đả ” đốt ” bao nhiêu lần rồi , mới vừa được chút ít thì tham sân sỉ phiền nào nỗi lên , nhiều lúc xuống trừ luôn
Lúc trước NH cũng trì Chú Đại Bi nhưng bây giờ buông xuống chỉ còn Kinh Vô Lượng Thọ và câu A Di Đà Phật , NH đang đọc Kinh Địa Tạng để hồi hướng cho cha chồng mới mất , không biết như vậy có phải xen tạp không ?
Xin cảm ân tất cả chư liên hữu trong DVCT , trang Phật Pháp rất là tuyệt vời .
Cảm tạ Mỹ Diệp đả trả lời , chúc bạn tinh tấn
NH dở ăn nói và viết lắm , chỉ nghĩ sao viết vậy mong tha thứ nếu có gì sai trái .
NH xin sám hối gì ý nghĩ con là oan gia
Xin cảm tạ Mỹ Diệp