Hoà-Thượng Thích-Thiện-Tâm có kể chuyện một nhà Sư Việt-Nam hồi đời hậu Lê ở chùa Quang-Minh. Công hạnh niệm Phật của vị Sư này tuy có, mà nguyện tâm không chí thiết, nên chẳng được Vãng Sanh.
Tại sao không chí thiết? Vì nhà sư tưởng đâu mình là người xuất gia, ở chùa và niệm Phật mỗi ngày là đủ rồi, nên không quan tâm đến vấn-đề chí thiết phát nguyện Vãng Sanh. Đến chừng lâm chung, nhà Sư Việt thọ sanh làm Vua Nhà Thanh bên Tàu, nhớ có nhiều phước đức.
Một hôm, nhơn nhà Vua dùng nước giếng của một ngôi chùa, rửa vết chữ son ghi tiền kiếp trên vai, nhà Vua bỗng ngộ biết kiếp trước của mình, bèn cảm khái làm hai câu thơ:
Ngã bằng Tây Phương nhứt Phật tử
Vân hà lạc tại Đế-vương gia?
Ý nói:
Ta vốn là con của Phật A-Di-Đà ở Tây-Phương
Cớ sao lại lạc vào nhà Đế-vương như thế nầy?
Cho nên điểm cần yếu nhứt vẫn là chữ Nguyện. Muốn Vãng Sanh Cực-Lạc phải phát-nguyện Vãng Sanh trước nhứt, đồng phát tâm Bồ-đề, nguyện niệm Phật để thành Phật.
Khi Tín và Nguyện vững chắc rồi thì tới công hạnh. Dù đủ Tín và Nguyện, mà thiếu công phu trì niệm hồng danh Phật A-Di-Đà cũng chẳng thành tựu.
Trích Niệm Phật Cách Nào Chắc Được Vãng Sinh? của cố cư sĩ Tịnh Hải
Lời bình:
Ngẫu Ích đại sư, một bậc tôn túc về Tịnh Độ đã dạy: “Được vãng sanh cùng chăng toàn do Tín, Nguyện có hay không, phẩm vị thấp cao, đều bởi hành trì sâu hoặc cạn”. Ngài lại bảo: “Nếu không Tín, Nguyện, dù trì niệm câu hồng danh cho đến gió thổi không vào, mưa sa chẳng lọt, vững chắc như tường đồng vách sắt, cũng không được vãng sanh”. Người niệm Phật tinh chuyên mà thiếu Tín, Nguyện, tùy công phu sâu cạn kết quả chỉ được hưởng phước báu nhơn thiên, khi hết phước vẫn phải bị luân hồi như cũ.
Tuy vua biết kiếp trước mình là vị sa môn niệm Phật ở chùa Quang Minh, nhưng vì trong ngôi vị đế vương, cảnh phước lạc quá nhiều, nên cũng không tu hành được. Niệm Phật mà thiếu Tín, Nguyện kết quả là như thế! Cho nên, xét kỹ lại lời của Ngẫu Ích đại sư, ta thấy phẩm vị cao thấp không phải là vấn đề, mà vấn đề chính là: “được vãng sanh cùng chăng”. Mà muốn được vãng sanh, Tín Nguyện là điều kiện phải có, và điểm cần yếu nhất lại là chữ Nguyện. Đại sư lại nhấn mạnh: ” Nếu Tín Nguyện bền chắc, khi lâm chung, chỉ xưng danh hiệu mười niệm hay một niệm, cũng quyết được vãng sanh. Trái lại, công hành trì tuy vững như vách sắt tường đồng, mà Tín Nguyện yếu, kết quả chỉ hưởng được phước báo nhơn thiên mà thôi”. Lời này chỉ rõ: thà Tín, Nguyện bền chắc, dù phần Hạnh kém ít cũng được vãng sanh giải thoát. Xem đây ta thấy, đối với người tu Tịnh Độ, tâm Nguyện chơn thiết có tánh cách trọng yếu là dường bao!
Trích Niệm Phật Thập Yếu
Cố Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
Con chào thầy.
Con có nhiều điều chưa rõ nên con xin thầy hoan hỉ giúp con. Con biết pháp môn niêm Phật là pháp môn có thể giúp ta giải thoát sinh tử trong một đời nhung con không biết niệm như thế nào mới đúng. Con niệm theo bài: cách niệm Phật hằng ngày nhưng phần nguyện và hồi hướng có cần thay đổi không thầy. Có cần đọc pháp danh của mình ra không? Và con muốn hồi hướng công đức cho người nào thì phải làm sao? Xin thầy chỉ cách con nguyện và hồi hướng luôn cho những oan gia trái chủ. Thành tâm cám ơn thầy. A Di Đà Phật.
Xin được trả lời vài ý trong câu hỏi của Ngọc Trang:
– Về cách niệm Phật hằng ngày bạn cứ làm theo hướng dẫn, kể cả phần nguyện và hồi hướng, không cần thay đổi, nhưng quan trọng là phải nguyện và hồi hướng nhiếp tâm như lúc niệm Phật nhé.
– Pháp danh thì theo mình nên đọc ra. Con/đệ tử, Pháp danh …, nguyện đem hết thảy công đức này hồi hướng cho oan gia trái chủ đời đời kiếp kiếp của con (hoặc cho người nào đó trong phần ‘hồi hướng’ này tùy vào ý muốn của bạn trước khi kết thúc thời khóa niệm Phật).
Quan trọng là cái tâm chánh định, phần văn tự bạn cứ tìm hiểu thêm rồi áp dụng cho phù hợp.
A Di Đà Phật! Chúc Ngoctrang thân tâm an lạc, viên mãn mọi công đức để vãng sinh về Tây Phương Cực Lạc quốc của Đức Từ Phụ A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật! Nguyện khẩn thiết là sao ạ tức là lâm chung mình có cần nguyện lại không, mong mọi người hoan hỷ chỉ bảo.
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Tây Phương,
“nguyện khẩn thiết” là ý nói tâm chân thành, thanh tịnh, không vụ lợi, không dối gạt của hành giả. Tâm này là yếu tố cần thiết trong mọi thời, mọi khắc cho tới lúc lâm chung, chứ không phải chỉ khi đối bàn thờ Phật mới khẩn thiết, rời bàn thờ Phật lại tà tà. Nếu huân tập thứ tâm này, chắc chắn khi lâm chung sẽ chẳng thể chánh niệm=nghiệp lực bất thiện sẽ lôi kéo đi vào tam ác đạo.
Chúc bạn tỉnh giác tu học.
TN
Nam Mô A Di Đà Phật! Con xin cảm ơn Thầy Thiện Nhân ạ.
Chào các bạn. Tôi từ xưa đến nay, tôi rất thích xem bài viết này. Xem để rút kinh nghiệm, đừng để bị phạm phải. Bài viết này được trích từ trong quyển sách Niệm phật thập yếu của Ht Thích Thiền Tâm. Mà cụ thể là phần: tiết 7. Tôi xin copy thêm một đoạn nữa như sau:
Có sự tích về ngài Viên Quán, là một cao tăng, do chưa sạch nghiệp, nên vào bào thai làm con của nàng Vương Thị.
Truyện về ngài Pháp Vân, là một vị tỳ kheo, từng làm một vị đại pháp sư, nhân vì tham lợi dưỡng, bỏn sẻn Phật pháp, nên bị đọa làm thân con trâu.
Truyện về ngài Hải Ấn, cũng là một vị tăng sư có danh tiếng, vì thọ của người cúng dường, phải chuyển sanh đầu thai làm con gái cho nhà thí chủ.
Truyện ngài Mạt Sơn lai lịch phi phàm, nhưng bởi túc nghiệp từ vô lượng kiếp hiện đến, nên luân hồi làm kẻ ngu khờ, ghét người tu niệm.
Truyện ngài Đoạn Nghĩa Nhai tham thiền đã được khai ngộ, kiếp sau chuyển sanh làm một vị tăng sư, được người lễ bái cúng dường, tham hưởng phước mà quên đường giải thoát.
Truyện đệ tử của ngài Tuyệt Học Thành Công, thiền định đã tỏ suốt nguồn tâm, bởi chưa đắc đạo nên thân sau làm ông Sư thông minh, động tâm xa hoa kiêu mạn, rồi từ đó không nghiệp ác gì chẳng làm.
Truyện một ni cô tụng kinh Pháp Hoa ba mươi năm, vì tâm còn chưa dứt niệm sắc thinh, nên kiếp sau đọa làm thân ca kỹ, tiếng thanh sắc đẹp nơi miệng thường bay ra mùi thơm hoa sen.
Truyện vị cao tăng non Nhạn Đăng, bởi chưa chứng đạo, kiếp sau là Tần Cối, do tiền căn đã có công tu niệm nên thông minh đỗ cao làm quan đến ngôi cực phẩm, song vì mê quyền quí, tạo điều gian ác để nhiều kiếp đọa tam đồ.
Nam Mô A Di Đà Phật
Nguồn copy 1: http://www.tuvienquangduc.com.au/tinhdo/14niemphat01.html
Nguồn copy 2: http://thuvienhoasen.org/p27a452/chuong-i-niem-phat-phai-vi-thoat-sanh-tu