Có nhiều lý do để chúng sanh thời nay không dễ tin vào pháp môn Niệm Phật. Đơn giản là vì pháp ấy giản tiện quá. Đi-đứng-nằm-ngồi-ăn-uống-ngủ-nghỉ, thậm chí cả những nơi bất tiện, ô uế cũng vẫn có thể niệm niệm được. Từ người ngu si, dốt nát cho đến có học vị; từ người giàu có cho đến nghèo cùng kiệt; từ người nhà quê cho đến người thành phố… đều có thể hành được. Dễ làm như thế mà hiệu quả, phẩm hạnh lại cao, đường tu lại cực ngắn: một đời đã có thể thành Phật, vĩnh ly sanh tử, chuyển phàm thành Thánh. Không dễ tin! Không thể tin! Chả cứ gì chúng sanh thời nay không tin, mà ngay cả thời Đức Phật còn tại thế, nhiều hàng Bồ-tát cũng còn chưa tin hoặc chưa thật tin. Chính vì thế Phật Thích Ca mới nói: “Xá Lợi Phất! Phải biết rằng ta ở trong đời ác ngũ trược đã thật hành việc khó này đặng thành ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác và vì tất cả thế gian nói kinh Pháp khó tin này, đó là rất khó.” (Phật nói Kinh A Di Đà)
Khó tin là phải, bởi tâm chúng sanh thời nay muốn làm cái gì, muốn thấy cái gì cũng phải thật rối rắm, tối tân, đồ sộ, hoành tráng… mới chịu tin, cho đó là hay và mới chịu học hỏi. Ngược lại dễ bị đổ thừa, bị cho là những chuyện của những người yếm thế hay những chuyện thiếu logic, mơ hồ…
Nhưng thôi, khi nói chuyện Phật Pháp, đặc biệt là pháp môn Niệm Phật (Tịnh Độ) chúng ta nên đặt cái duyên lên hàng đầu. Người mà duyên chưa tới, chưa chín mùi tất không thể miễn cưỡng. Người lại cố tình đoạn tuyệt tất cả những duyên lành của chính mình thì lại càng không thể nói hay bàn thêm. Vậy những ai được coi là có duyên với pháp môn Niệm Phật? Người thực Tín, thực Nguyện, và quyết tâm Hành. Tín-Nguyện-Hành là chìa khoá để người tu Niệm Phật một đời này được vĩnh ly sanh tử; một đời này được chuyển phàm thành Thánh. Nhưng tin rồi, nguyện rồi mà khi hành vẫn còn có nhiều điều bất cập. Ví thử: Niệm Phật; lạy Phật, nhưng vẫn phải kèm theo trì chú thật nhiều mới an tâm? Niệm Phật, lạy Phật nhưng vẫn phải tụng thật nhiều bài Sám mới đủ tiêu tội? Câu hỏi chúng ta nên đặt ra: Niệm Phật có phải là sám hối không? Huệ Tâm xin khẳng định ngay cùng quý vị: Niệm Phật chính là sám hối.
Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Tổ Huệ Năng dạy: “Sao gọi là Sám? Sao gọi là Hối? Sám nghĩa là ăn năn các tội trước của mình. Những tội do các nghiệp ác ngu mê, ngạo dối, ganh ghét đã tạo ra từ trước, tất cả ăn năn, hằng chẳng gây lại nữa. Ấy gọi là Sám. Hối nghĩa là ăn năn các lỗi sau của mình. Những tội do các nghiệp ác ngu mê, ngạo dối, ganh ghét tạo ra, nay đã giác ngộ rồi, tất cả đều dứt bỏ đời đời, ngày sau chẳng gây lại nữa. Ấy gọi là Hối”.
Vậy khi chúng ta cất lên một tiếng: A Di Đà Phật! Hay Nam Mô A Di Đà Phật! Có phải là chúng ta đang Sám Hối không? Xin thưa cùng quý vị: Chính xác là chúng ta đang Sám Hối đấy. Vì sao? Hãy lấy một ví dụ nhỏ để ta cùng quán chiếu. Trong gia đình, hay ngoài xã hội, công sở, có những lúc vợ, chồng, con cái, bố mẹ, ông bà, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm… đột nhiên nổi nóng, rồi không tự kiềm chế được hành vi, lời nói của chính mình. Những lúc đó sẽ thốt ra những lời sân hận, thật khó nghe. Ví thử: Sao mày ngu thế? Mày mù à? Mày là đồ vô vị. Mày là thứ càng nuôi ăn càng ngu dốt, đồ trâu bò; đồ heo nái; đồ mặt cầy… Hay vợ chồng giận dỗi, mắng nhiếc nhau: Ông, bà (thậm chí xưng mày, tao) là đồ khốn nạn; đồ dở hơi, đồ chó má, đồ đê tiện… Nếu lúc ấy là người không biết niệm Phật, tất đối cảnh sẽ khó mà kiềm chế được, và đương nhiên cũng chẳng tội gì mà không gân cổ lên để cãi, để mắng, để đối đáp, hay để chửi lại dăm ba câu cho hả dạ, và nếu cần sẽ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay nhau cho bỏ tức… Nhưng với một người biết niệm Phật, năng niệm Phật và thường hành niệm Phật, gặp những cảnh huống như thế, một câu Phật hiệu: “A Di Đà Phật” hay “Nam Mô A Di Đà Phật” được cất lên. Ngay lập tức đã có thể hoá giải được tất cả những sân hận có nguy cơ bùng phát trong tâm. Tại sao câu Phật hiệu lại có được khả năng trị sân tối hiệu như vậy? Bởi trong Phật hiệu A Di Đà đã chứa đựng vô lượng công đức, vô lượng trí tuệ, vô lượng từ bi… Vì thế mỗi khi chúng ta cất lên (cho dù là thầm niệm) “A Di Đà Phật” chúng ta đã tự đánh thức vị Phật tâm của mình. Phật là tự tánh thanh tịnh nên ta điều chế được tính nóng giận, đem lại sự thanh tịnh của tự tánh. Phật là vô lượng công đức, vì thế ta niệm Phật là ta đang gìn giữ, đang bồi đắp thêm công đức cho chính mình. Phật là vô lượng từ bi nên khi ta niệm Phật là ta đang trải lòng từ bi ra trước người đối diện, rộng hơn là ra khắp chúng sanh muôn loài. Vì thế khi bị ai đó mắng chửi, nhục mạ mà ta có thể cất lên hồng danh của Đức Phật A Di Đà là chúng ta đang Sám Hối và biết Sám Hối. Người quấy ta chẳng quấy. Ta quấy lỗi kề bên (Lời của Tổ Huệ Năng).
Một ví dụ nữa đúc kết từ bản thân: Đầu năm 2013 Huệ Tâm có đi mua chút đồ. Giá trị món đồ khoảng gần 100 Euro. Lúc ra quầy tính tiền, không biết vì cô bé tính tiền sơ ý hay máy kiểm tra giá hôm đó có vấn đề mà hai mặt hàng Huệ Tâm mua, nhưng lại chỉ tính có một. Vì cửa hàng hôm đó rất đông, nên Huệ Tâm trả tiền xong là cầm túi đồ bước ra ngoài. Nhưng đi chừng vài bước chợt nhẩm lại giá tiền hai món đồ mình mua phải trả cả gần 100 Euro, vậy sao khi trả tiền lại ít đi một nửa? Huệ Tâm bèn móc tờ biên lai coi lại, thì quả là trên tờ biên lai chỉ ghi giá một món đồ. Vậy là món đồ thứ hai không được tính. Lúc đó Huệ Tâm chợt nghĩ: Không ổn rồi! Phải trở lại thôi! Ý nghĩ ấy vừa trỗi dậy, ngay lập tức con ma Tham lên tiếng liền: “Đừng quay lại! Tiếp tục đi thật nhanh đi! Đâu phải lỗi của mày! Mày đã trả tiền đàng hoàng chứ mày đâu có gian lận? Đi đi.” Những câu nói ấy lặp đi lặp lại liên tục. Quả thật trong Huệ Tâm lúc ấy có sự đấu tranh dữ dội lắm. Một: mình đi cũng chả sao, vì đó không phải lỗi của mình, và cũng chẳng ai biết (hợp với ý của ma Tham quá). Hai: mình đi là phạm tội ăn cắp. Mình đã nguyện thọ trì ngũ giới, vậy mà vì một chút lợi nhỏ đã cố tình bỏ qua thì khác gì ăn cắp? Hai chữ “ăn cắp” đã thực sự thức tỉnh được Huệ Tâm và ngay lúc đó Huệ Tâm đã vội vàng niệm A Di Đà Phật không ngừng. Hồng danh Phật A Di Đà đã giúp Huệ Tâm an định trở lại. Không chần chừ, Huệ Tâm đã trở lại quầy tính tiền. Theo phản xạ nghề nghiệp, cô gái tính tiền khi nãy thấy khách hàng trở lại tức thì, nên cô đoán chắc có sự nhầm nào đó, nên khách hàng trở lại để khướu nại, vì thế cô đỏ mặt, vẻ ngượng ngùng hỏi:
– Có chuyện gì thế, thưa ông?
Huệ Tâm bèn vội đáp:
– Xin lỗi bà. Tôi phải trở lại, nhưng vì nghĩ tốt cho bà thôi!
Thấy vậy cô bé tính tiền bèn vội vàng xin lỗi đám khách hàng đang chờ tính tiền, tròn xoe mắt vội hỏi:
– Có chuyện gì thưa ông?
Huệ Tâm bèn cười rồi đáp:
– Vừa rồi tôi mua hai món đồ, nhưng bà chỉ tính có một. Tôi xin lỗi vì khi ra ngoài tôi mới phát hiện ra, nên tôi trở lại để trả tiền món đồ bà tính nhầm. Huệ Tâm nói chưa hết câu, cô bé tính tiền đã giơ hai tay, ôm hai thái dương mình, rồi mắt tròn xoe nói:
– Ông bảo sao? Tôi tính nhầm cho ông và ông quay lại trả số tiền thiếu?
Huệ Tâm đáp:
– Đúng thế!
Cô bé tính tiền vẫn hai tay ôm thái dương, nói:
– Oh Gott! Tại sao ông có thể làm điều đó được! Tôi không thể tin, nhưng ông đã làm, buộc tôi phải tin.
Nói rồi cô bé nhoẻn cười, nụ cười vừa thầm cảm ơn, vừa như hối lỗi. Những khách hàng đứng chờ Huệ Tâm trả thêm tiền hôm đó, nhiều người biểu lộ ánh mắt rất tán đồng, nhưng cũng có một vài ánh mắt, như mách bảo Huệ Tâm rằng: Thằng khờ, thằng ngu, thằng dở hơi, thằng mát dây… Chuyện như thế mà cũng trở lại.
Huệ Tâm đã trả nốt số tiền tính thiếu cho món đồ của mình, rồi chào cô bé tính tiền, hoan hỉ bước ra khỏi cửa hàng. Lòng thầm cảm ơn Phật A Di Đà, bởi hôm đó nếu HT không khẩn cấp niệm hồng danh của Ngài, điều chắc chắn rất có thể xảy ra: Huệ Tâm đã là người phạm Giới trộm cắp.
Huệ Tâm viết những ví dụ này ra để quý vị đồng tu cùng suy ngẫm: Chúng ta niệm Phật, xin vội đừng nghĩ những chuyện cao xa như bất niệm tự niệm, niệm tam muội, nhất tâm bất loạn, hay niệm để làm Thánh, làm Phật vội. Trái lại chúng ta niệm Phật chính là chúng ta đang niệm niệm cảnh tỉnh chính mình: đừng phạm giới. Thọ giới thì dễ nhưng giữ được giới thì vô cùng khó. Vì thế trong mọi hành trình của cuộc đời tu đạo, bất cứ lúc nào, nơi đâu, chỉ cần chúng ta lơ là một chút thôi, tất chúng ta đã kéo ngược mình trở lại cõi đời ô trược, ác thế này. Hơn nữa, Huệ Tâm cũng muốn thưa cùng quý vị đồng tu rằng chúng ta niệm Phật là chúng ta đang tự mình sám hối. Bởi mỗi khi câu Phật hiệu vang lên cho dù là to, nhỏ, hay kim cang niệm thì câu Phật hiệu ấy chính là ánh sáng hào quang của Phật A Di Đà soi rọi, thanh lọc cái tâm ngu mê, tâm tham, sân, si, ngã mạn, chấp trước của chúng ta, và hướng chúng ta đến con đường Chánh Đạo.
Huệ Tâm mong mỏi quý vị đồng tu hãy cùng tin tưởng sắt đá rằng: Chúng ta niệm Phật là chúng ta đang không ngừng sám hối.
Huệ Tâm
04.03.2014
Mình thấy có lỗi với mẹ mình nhiều lắm, mình sinh ra làm đứa con bất tài vô dụng để là gánh nặng của mẹ, các bạn đồng tu ơi do mình bất hiếu hay là do cái nợ kiêp trước của mẹ mình nợ mình vậy. Mình đang cố gắng hêt báo thân này được vãng sanh để đền đáp lại công ơn của mẹ không biết bao giờ có kết quả đây
Gửi Khát Vọng Tây Phương,
HT Tịnh Không nói: Con cái có 4 cái duyên:
1. Đến báo ơn
2. Đến báo oán
3. Đến đòi nợ
4. Đến trả nợ
Ngoài 4 cái duyên trên không còn duyên nào khác được. Quán xét theo những gì bạn nói, trong bạn hiện có cả hai cái duyên: vừa đòi nợ, vừa báo ơn. Đòi nợ: bạn cảm thấy mình bất tài, làm gánh nợ, khiến cho mẹ phải lo lắng; Báo ơn: Bạn muốn tu Đạo (niệm Phật vãng sanh) để chuyển hoá mẹ mình.
Tuy nhiên, bạn không nên quá chấp chết (dính kẹt) vào cái duyên đó. Bởi nghiệp do mình gây ra, thì nghiệp cũng chính mình có thể hoá giải. Ví thử trong một kiếp nào đó mẹ bạn đã gây ra cho bạn những nghiệp như bạn đang có hiện thời… và kiếp này, gặp lại, bạn gặp lại „người nợ cũ“ nên bạn cũng muốn làm y chang như thế cho công bằng. Hiểu Lý là thế, nhưng đi vào Sự (hành động) thì bạn nên quán chiếu sâu hơn: vì sao mình tạo gánh nặng cho mẹ. Ví thử: mình không có trí tuệ để học tập, làm việc; mình làm gì cũng thất bại; mình lười biếng không muốn học tập? hay làm việc; hay mình chuyên hướng đến những điều bất thiện, chuyên hành bất thiện? Hay mình luôn tìm mọi cách bứt ra khỏi những sự dạy dỗ của mẹ, thích làm những điều mình thích… Tất cả những điều nêu trên bạn phải tìm cho ra: mình đang kẹt nơi nào? Giả sử: bạn học tập cũng dở dang, rồi phải bỏ học; hay bạn ra làm việc công việc cũng còm cõi, không đủ sống, không ai kính trọng. Hai lý do trên nó có liên quan đến trí tuệ và phước báu của bạn trong tiền kiếp. Ví thử trong tiền kiếp: bạn không thích gần gũi Thiện Trí Thức, hay chê bai, phỉ báng Thiện Trí Thức; và không năng cúng dường, tạo phước (làm việc thiện); hay nói lời hai lưỡng thiệt… tất cả những thứ đó là cái Nhân bạn đã gieo cho kiếp hiện tại, và những gì bạn đang trải chính là Quả từ cái Nhân đó. Do vậy, người tu Đạo Phật phải nhình thấu Nhân-Quả, bởi nếu không thấu, mình sẽ hoài nghi chính mình. Đây là lý do, nhiều người sau khi tu Đạo một thời gian, không thấy gặt hái kết quả như mình mong muốn, nên hoài nghi những gì mình đang làm, và thậm chí chê bai những pháp mình đang tu học. Đây là điều bạn phải bình tĩnh và quán chiếu cho thật sâu sắc, và cẩn trọng. Bằng không nghiệp cũ không thể trả, nghiệp mới lại chất chồng.
Trở lại chuyện khuyên mẹ bạn: Theo mình nghĩ, tạm thời bạn đừng nên làm điều đó. Phản ứng của mẹ bạn cho thấy (tạm thời) mẹ bạn chưa muốn nghe pháp. Lý do? Mẹ bạn cho rằng „người suốt ngày nghe kinh toàn là người ngu“. Lời nói này thật sự nguy hại. Sự nguy hại này một phần do bạn tạo cái duyên cho mẹ bạn buộc phải nói những lời đó (trong lòng mẹ không thích, nhưng bị ép phải thích, nên nổi sân, nói càn). Điều bạn nên làm: Muốn độ được người, buộc mình phải có phương tiện, và mình phải độ mình trước đã. Bạn thấy mình vô dụng=bạn tự nhìn ra mình là ai. Bạn tìm đến Phật pháp, học niệm Phật cầu vãng sanh=bạn đã có phương tiện và đang tự độ bạn. Tuy nhiên làm gì cũng phải có thời gian. Người niệm Phật mà chỉ vài ba ngày, thậm chí vài tháng đã tự tại vãng sanh, người đó hoặc là Pháp Thân Đại Sĩ (bậc thượng thượng căn) hay là người đã có tiền căn hội đủ, kiếp này chỉ biểu pháp cho người xung quanh xem mà noi theo. Do vậy việc bạn mong mỏi vãng sanh thật nhanh để quay lại độ mẹ, mình nghĩ nó là một chướng ngại. Nếu để lâu sẽ dễ gặp ma cảnh, bởi Phật nói: „Không thể nhờ vào một chút thiện căn, phước đức nhân duyên mà được sanh về cõi đó“. Có nghĩa là: Muốn về Tịnh Độ thì nhân-duyên phải tròn đầy, nghĩa là bạn phải đủ cả phước báu lẫn công đức. Phước báu phải thường và năng tạo (làm việc thiện, in kinh sách, tạo tượng…) công đức phải Tín-Nguyện-Hành để niệm Phật. Ngoài những thứ đó ra, mà bạn cứ mong cho thật chóng vãng sanh, phải coi chừng sẽ hướng về ma cảnh… Do vậy bạn hãy nên hoan hỉ, thong thả vừa tu, vừa quán chiếu và sửa mình vào tạo thêm phước đức. Những việc bạn làm hãy thật âm thầm mà làm, đừng chứng tỏ cho ai biết (kể cả mẹ bạn) rằng tôi thế này, tôi thế nọ; hay tôi vì thế này, vì thế nọ mà tôi làm. Nghĩ vậy là tuyệt sẽ không có công đức gì cả. Bởi đó là vì chính mình mà làm, chứ không phải vì tha nhân. Âm thầm làm được những điều như thế, làm thật rốt ráo, một ngày nào đó mẹ bạn sẽ được cảm hoá. Bạn đừng nghĩ những gì bạn làm, mẹ bạn không để ý hay không quan tâm. Sở dĩ mẹ bạn nổi sân nói những lời khó nghe như vậy là vì bạn đi chưa đúng đường; tu chưa đúng pháp; hành chưa nhất tâm, nhưng lại muốn độ người khác.
Điều này quả thật nên tránh.
Về báo ơn: Việc bạn niệm Phật cầu vãng Sanh để độ mẹ chính là hành động báo ân mẹ. Tuy nhiên phải thật hệ trọng, bởi như trên đã phân tích: Mình chưa có phương tiện, tất không thể độ người. Đơn giản: Bạn muốn qua sông, bạn phải có thuyền và biết chèo thuyền. Hai thứ đó bạn đều thiếu, hoặc mới chỉ có một, tất không ai dám bước, hay theo bạn cả.
Vạn sự khởi đầu nan! Bạn hãy tập buông xả – buông xả cả những việc thiện mà bạn đã, đang và sẽ làm. Làm được như thế một cách nhuần nhuyễn, ngày về Tịnh Độ sẽ ở ngay trước mắt…
Cầu chúc bạn tinh tấn, dõng mãnh, tỉnh táo để tu hành.
Thiện Nhân
cảm ơn Thiện Nhân đã khuyên mình, mình cũng sợ bị rơi vào ma cảnh nên cũng gửi bài viết này vì lâu lắm rồi mình ko được nghe Pháp Phật mấy hôm nay có tí thời gian mình mới vào mạng được chút thôi, mình đang ở nước ngoài nơi này cuộc sống tốt đẹp hơn ở nước mình nhiều nhưng chẳng ai học Phật hết, người VN ở bên này cũng vậy chỉ lo kiếm tiền thôi chứ ko ai niệm Phật hết, nên mình cảm giác mình đang sống ở thời kỳ pháp diệt người tu học ở đây dễ bị ma cảnh là điều dễ hiểu
Chỉ là góp ý xin miển chấp
Bản thân tự thấy lổi lầm bất hiếu nghĩa là tâm bạn rất hiếu .Nhưng nói rằng mẹ nợ mình kiếp trước thì là sai lầm nghiêm trọng ( chỉ có mẹ của bạn mới có quyền suy nghĩ như vậy ) .hảy làm việc gì đó cho mẹ vui lòng đó là hiếu ,hay nói đúng hơn là không để mẹ buồn .
Việc tu để mong vản sanh trả hiếu cho mẹ là lối suy nghĩ mang đầy vọng tưởng vì thế giới của người thì ai tu nấy Đắc ,.Trời Phật ,Chúa cũng muốn con người lên Thiên đàng ,nhưng có muốn cũng không được vì có tội thì xuống địa ngục ,xưa đệ nhất thần thông c.ủa Phật Thích Ca Mục kiền Liên muốn cứu mẹ còn không được huống chi định lực công phu của bạn chỉ là một phàm nhân có duyên với Phật Pháp còn lắm u mê .
A Di Đà Phật, Chào Khát Vọng Tây Phương
Bạn sinh ra đã trở thành gánh nặng cho mẹ giải thích theo nhà Phật có nghĩa là bạn từng là chủ nợ của mẹ bạn ở một tiền kiếp nào đó. Tuy nhiên bạn thật sự có lòng hiếu thảo, hướng Phật rất mạnh mẽ qua cái tên “Khát Vọng Tây Phương” và muốn được vãng sanh để đền đáp công lao dưỡng dục, thật là đáng ngưỡng mộ với tấm lòng chí hiếu của bạn lắm.
Bạn hãy đem cái tâm hiếu này niệm Phật thiệt là nhiều, thành tâm khấn nguyện sau khi mãn báo thân vãng sanh Tây Phương, sau đó quay trở về Ta Bà cứu độ cho nhiều chúng sanh khác nữa không hẳn chỉ là mẹ. Tâm hiếu của bạn chân thành sẽ có cảm ứng rất mạnh, đừng quan tâm đến khi nào bởi nếu như tâm nôn nóng cũng là tâm tham, tâm mong cầu chứ không thanh tịnh. Cứ niệm Phật kiên trì chí thành chí kính, công đức đủ tự nhiên thành.
Nếu như để cho hiếu này trọn vẹn, bạn hãy tìm cách hướng dẫn mẹ đi theo con đường Phật pháp, niệm Phật cầu sanh Cực lạc sẽ còn tuyệt vời hơn nữa.
Chúc bạn tinh tấn, an lạc và luôn là điểm tựa tinh thần cho mẹ bạn.
Nam Mô A Di Đà Phật.
TLPT
cảm ơn Tìm Lại Phật Tánh đã động viên mình, mình ko chỉ cho mẹ mình được con đường Phật Pháp đâu mình đã làm thử rồi nhưng thất bại mình thấy nghiệp của mẹ mình nặng lắm, mẹ mình ko thích nghe Phật đâu, khuyên thì mẹ cáu như muốn đánh mình, bật giảng Pháp thì mẹ cố tình bỏ đi, mẹ mình chỉ thích xem những tin tức thời sự thể hiện sự thông minh hiểu biết và nói những người suốt ngày nghe kinh toàn những người ngu không làm được việc gì, chắc cũng có nhiều bạn đồng tu có tâm trạng giống mình ở điểm thấy người thân ko giác ngộ mà thương
À mà mình có điều này khó hiểu muốn hỏi tìm lại phật tánh. Bạn bảo mình nôn nóng cũng là tâm tham. Thực ra mình chỉ tham vê thế giới của đức Phật thôi đó là mình phát tâm chán ta bà, mình thấy thầy Tịnh Không giảng phải tha thiết mong vãng sanh, coi ta bà này như hầm phân và nhà tù mình nghĩ đã coi ta bà này là hầm phân thì ai cũng phải khiếp sợ mà muốn chui ra từng ngày thì sao lại là tâm nôn nóng mang tính tham. Đấy là mình khó hiểu mình cần sự giải thích rõ ràng thích đáng có gì bạn bỏ qua cho mình nhé.
A Di Đà Phật, Khát Vọng Tây Phương thân mến
Bạn thường nghe pháp của HT Tịnh Không quả nhiên là rất có lợi ích. Hiện tại Ngài đang là bậc thiện tri thức tốt nhất ở thế gian.
Timlaiphattanh xin giải thích để bạn không hiểu nhầm rằng: HT Tịnh Không khuyên chúng ta nên có cái tâm cầu thoát ly sanh tử vãng sanh về Tây Phương Cực lạc, cái tâm này nên tha thiết, càng tha thiết chừng nào thì nguyện vãng sanh càng tha thiết chừng đó, và cũng từ đó mà hạnh niệm Phật càng lúc càng tinh chuyên là rất đúng, rất chính xác.
Mục đích tu hành của tất cả các pháp môn theo lời Ngài dạy đều là tu tâm thanh tịnh. Hễ thanh tịnh thì niệm Phật dù ít một chút cũng được vãng sanh. Chúng ta khi tu học, tin sâu, nguyện thiết rồi mọi thứ đều buông, hàng ngày mỗi nhất cử nhất động đều niệm A Di Đà Phật là tương ưng với bản nguyện A Di Đà Phật. Cứ vậy mà niệm cho đến khi nào Phật rước thì thôi. Còn nếu như mình niệm Phật mà tâm cứ nôn nóng vãng sanh (dục tốc bất đạt) thì trở thành tâm tham, tâm mong cầu – mà cầu không được hay chưa được thì sẽ thấy khổ, thấy nghi – mà nghi lại là chướng ngại cho việc vãng sanh. Cho nên hễ tin sâu, phát nguyện đầy đủ rồi thì cứ ôm mãi một câu A Di Đà Phật niệm dứt khoát không buông là được. Vì vậy cho nên Ngài Pháp Nhiên Thượng Nhân mới dạy: “Niệm Phật là chuyện mình làm. Vãng sinh là chuyện Phật làm. Vãng sinh là do Phật Lực ban cho, lại cứ tính toán trong tâm mình thì đó là tự lực. Chỉ nên xưng danh để chờ Phật lai nghinh” chính là đạo lý này. Tin sâu, nguyện thiết rồi thì cứ tha thiết xưng danh hiệu A Di Đà Phật, công đức đầy đủ tự nhiên thành. Khi nào đủ Phật rước, nghĩ vậy tâm sẽ rất hoan hỷ, tự tại.
Vài chia sẻ cùng bạn và các liên hữu. Nếu có gì hiểu sai, kính xin Quý đồng tu và liên hữu chỉ dạy.
Nam Mô A Di Đà Phật.
TLPT
Xin chào các vị đồng tu
Hiện nay mình đang trên bờ phiền não, công việc không được như ý, xin nghỉ thì ba mẹ không cho. Mình đã quá mệt mỏi và quyết tâm xin nghỉ, sau khi nghỉ sẽ tìm một ngôi chùa để tu hành. Mình nghe mẹ bảo có thể lên chùa thầy Giác Nhàn, nhưng mình vốn quen niệm phật 6 chữ, chùa thầy dạy niệm phật 4 chữ, như vậy có nghịch duyên không? Và theo quý vị mình quyết định như vậy là đúng đắn chưa? xin cảm ân.
Bạn sơn thân mến.
Theo mình nghĩ, niệm Phật 4 chữ hay 6 chữ đều không quan trọng, chủ yếu là mình có lòng thành mà thôi.
Bạn không nói rõ là chuyện gì mà bạn lại còn phiền não, dù là ngịch cảnh gì mình nghĩ bạn hãy nên buông bỏ và vui vẽ chấp nhận nó không để cho nó trói buộc. Đời là giả thôi, con người cũng là giả thôi(do tứ đại hợp thành) không có gì là thật cả.
Ba,mẹ bạn không cho bạn nghĩ làm âu cũng là có nguyên nhân bạn nên xét lại việc này. Bạn nói là tìm một ngôi chùa để tu hành, mình không hiểu ý bạn là xuất gia hay chỉ đến đó để học hỏi cách thức tu tập, rộng kết thiện duyên. Nếu bạn xuất gia theo mình bạn nên tự xét lại xem có thật sự phù hợp với hoàn cảnh của mình chưa hay còn phải bận bịu ràng buộc các việc của thế gian (như vợ, con,hoàn cảnh gia đình…) Nếu mình đi xuất gia mà vợ, con còn nhỏ không có thu nhập ổn định,cha mẹ già yếu không ai phụng dưỡng.. hoặc các lý do ràng buộc khác thì chi bằng vẫn đi làm phụ giúp gia đình nhưng vẫn tu học tinh tấn, Pháp môn niệm Phật rất thuận lợi dù đi, đứng, nằm, ngồi đều niệm Phật được cả. Đâu đâu cũng có thể gọi là Đạo tràng để mình tu học.
” Ta là Phật, Phật là ta
Tìm chi nơi tận chốn non xa
Ngay trong tâm cảm ta ngài ngự
Đâu cần lặn lội chốn trời xa”.
Chúc bạn luôn tinh tấn.
Nam mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật
Gửi Khát Vọng Tây Phương,
Hồi âm của bạn đã giúp cho Thiện Nhân định hình được phần nào về bạn.
1. Người có Khát Vọng Tây Phương mà “lâu lắm mới nghe Phật Pháp” thì Tây Phương còn xa lắm bạn ơi.
2. Bạn đang hướng tầm nhìn của bạn vào những người xung quanh, thay vì hướng vào chính mình: Nhìn lại mình, soi rọi nội tâm chính mình để sửa mình. Chúng ta Tu-Hành là để sửa chính mình, hoàn thiện chính mình chứ không phải để hoàn thiện người khác đâu bạn ơi. Bạn được ở nước ngoài đó là phước báu lớn lắm đó bạn ơi. Đừng nghĩ người trong nước mới chịu tu (tu nhiều) hơn người ngoài nước. Nghĩ thế là kẹt lắm. Tu hành là sự giác ngộ của cá nhân: Giác ngộ về Nhân-Quả, về Vô Thường. Ấn Quang Đại Sư luôn thường khuyến tấn hành giả Tịnh Độ: Phải luôn thường quán chiếu cõi Ta bà này là khổ, kịch khổ; Cõi Tây Phương Cực Lạc là sung sướng, cực sướng. Vì thế khi nghĩ đến Ta Bà phải thường quán những nổi khổ sau và phải muốn đoạn lìa bằng được trong kiếp này: Sanh-lão-bệnh-tử khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ. Vì nó kịch khổ như vậy, nên ta phải nguyện Sanh Về Thế giới Cực Lạc để được vĩnh ly sanh tử – Vĩnh ly sanh tử=Đoạn hết ái dục=sống lâu vô lượng, vô biên kiếp=chỉ còn tạo phước thiện=sống với các bậc Thượng Thiện Nhân=Cực Sướng… Quán chiếu được như thế, dẫu cho xung quanh bạn, hoặc dẫu đó có thể cả một quốc gia không giác ngộ, nhưng trong đó có một mình ta giác ngộ để tu theo Phật pháp thì đó là phần phước của chính mình, và mình phải biết trân trọng và nắm giữ cho thật chặt cái phần phước đó bạn ơi. Bằng không, mình cứ mải lo nhìn xem xung quanh mình, mọi người có tu không? cái quốc gia mình đang cư ngụ họ có chịu tu không? nếu họ tu, mình mới tu, thì kẹt vô cùng. Bởi tu như thế là tu theo phong trào, mà phong trào thì chỉ nhất thời, chứ không phải là sự nghiệp thiên thu bạn ạ.
3. Phật nói: Thời chúng ta là thời Mạt Pháp đây là lời cảnh báo của Phật để hậu thế luôn biết thức tỉnh và giác ngộ mà tự cứu mình. Chứ tuyệt nhiên Phật không bảo chúng ta: Cái thời của các ngươi nó Mạt pháp như thế, các ngươi có vũng vẫy mười mươi chăng nữa, cũng không thoát ra khỏi cõi ấy. Hiểu như thế là thì kẹt lắm, là hiểu sai (không hiểu) lời Phật dạy. Rất nhiều người hiện giờ cũng dựa vào cụm từ „Thời Mạt Pháp“ để biện minh, huyễn hoặc cho những hành vi lệch lạc, sai quấy của chính mình, và coi đó là xu thế tất yếu nó phải thế. Và như thế thì Thời thì Mạt một, mà ta, chúng ta lại là tác nhân, những tác nhân khiến cho nó Mạt (suy vong) lên gấp 10 lần…
4. Trong „Những lời dặn dò cuối cùng của Phật, Phật có nói như sau: „Nếu các con nhận ra được là tâm thức các con đang có xu hướng bám víu hay vướng mắc vào ham muốn, các con phải gạt bỏ ngay sự ham muốn và chận đứng cám dỗ đó. Các con phải làm chủ được tâm thức các con. Tâm thức có khả năng biến một con người thành một vị Phật hay một con thú. Khi rơi vào sự lầm lẫn, ta có thể trở thành quỷ sứ, nhưng khi Giác ngộ ta sẽ thành Phật. Vì thế, các con phải kiểm soát lấy tâm thức các con và không đi lạc ra ngoài Chánh Đạo…“
Bạn-Tôi-Chúng ta sẽ phải làm gì khi nghe lại lời giáo huấn đó?
Thiện Nhân
Thiện Nhân có thể giải thích cho mình hiện tượng này được ko, gần đây mình hay mơ thấy oan gia đánh mình, dù có lớn tiếng niệm Phật vẫn bị họ đánh là sao vậy, đêm qua mình mơ thấy họ đánh mình sợ lắm, mãi đến lúc mình nhắm mắt niệm vừa niệm vừa tưởng tượng ra đức A Di Đà thì trên bầu trời có vệt sáng tròn oan gia mới bỏ đi, ở bên này mọi người ko niệm Phật mình chỉ thấy thương vì họ ko biết đường giải thoát thôi chứ mình vẫn lo cho đường tu của mình và hồi hướng cho họ, giờ thì ko lúc nào mình quên câu Phật hiệu trong tâm, mình đang mang bầu, ngày nào mình cũng nói chuyện về Phật và cố gắng giúp đứa bé giác ngộ khuyên nó niệm Phật khi ở trong bụng, tâm mìn ko được vui vì lúc nào cũng ở nhà chằng gặp gỡ ai rất tù túng, lại thấy mẹ hay nói những câu khẩu nghiệp rất nặng suốt ngày nóng tính tâm bất tịnh làm mình thấy tâm cũng chán theo, càng vậy mình càng thấy ta bà này khổ mà muốn đi cũng ko hẳn là mong vãng sanh sớm cho mẹ thấy, mà đứa bé trong bụng có bị ảnh hưởng tiêu cực ko vì mẹ ko được vui vẻ, lâu lắm rồi ko được tiếp xúc với Phật Pháp nên mình hỏi hơi nhiều, cảm ơn bạn đã thành tâm giúp mình trong vướng mắc
Nam mô A Di Đà Phật , đệ tử con muốn sám hối mọi tội lỗi của con , giờ con không biết phải làm thế nào cả , ngay từ đầu con đã sai giờ con muốn sửa sai thì phải làm thế nào bây giờ , con đã mất hết niềm tin vào cuộc sống , con thấy mình thật vô dụng quá
A Di Đà Phật, Diệu Hoa thân mến
Bạn đã làm điều gì đó mà nhận biết mình sai, cần phải sửa lại, lần sau không dám làm lỗi nữa thì đây gọi là tu hành. Tu là sửa, hành là hành vi. Tu hành là sửa đổi những hành vi xấu, ác trở thành những hành vi tốt đẹp. Hễ nhận biết được lỗi mình phạm và chân thành sám hối thì mới có tiến bộ.
Trên thế gian này ngoài những bậc Thánh ra thì phàm phu chúng ta ai cũng đều có phạm sai lầm hết, không lớn thì nhỏ, đều có hết nhưng biết sai thì sửa, hàng ngày hàng giờ. Phật pháp dạy chúng ta luôn phản tỉnh lại mình, tự kiểm điểm lại bản thân để sửa đổi cho tốt, đây mới chính là tu hành.
HT Tịnh Không có dạy:
” ….Thưa các bạn, chúng ta hãy phát lòng sám hối, vì sám hối là cam lồ, sám hối có thể rửa sạch ô uế quá khứ của tâm linh để trong quá trình đó sẽ đạt được tịnh hóa và tái sanh không ngừng nghỉ. Một người không sám hối, tính linh sẽ không thể tiến triển và tiến hóa, vì không sám hối nên tính linh tiếp tục bị ô nhiễm, trái tim tiếp tục vọng tưởng chấp trước. Không sám hối thì không nhìn nhận và tiêu trừ sai lầm quá khứ, vọng tưởng sai lầm mới sẽ tiếp tục tạo ra.
Khi một người không tái phạm lỗi lầm lần thứ hai, chúng ta đã sám hối quá khứ. Chúng ta không những phải sám hối tội nghiệp đã biết, càng phải sám hối cho những tội nghiệp không biết, luôn luôn sám hối. Cổ đức nói: “Tội từ tâm khởi dùng tâm sám, nếu tâm diệt thời tội cũng không. Tâm vọng tội diệt cả hai đều không, đó chính là chân thật sám hối”. Một người biết sám hối là người được phước, lại càng được cứu. Sám hối chính là ánh hào quang của tâm linh, là vốn liếng lương thực trên con đường vãng sanh Tây Phương.
Vì vậy khi có tâm sám hối, thề không tái tạo, tức là đã sám hối. Khi đã có căn bản này, phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, nhất định sẽ thành Phật. Phàm phu chúng ta có thể làm được nếu phàm phu không làm được, Phật đã không tuyên dương pháp môn này. Vì vậy, tôi đối với pháp môn Niệm Phật, không hoài nghi, không xen tạp, tranh thủ không gián đoạn, khi đã thành tựu hãy nhanh chóng tiếp cứu vô lượng vô biên chúng sanh, trong đó có cha mẹ vô lượng kiếp của chúng ta. Nghĩ đến họ đang quằn quại trong dầu sôi lửa bỏng, tim của ta thật sự tan nát, đặc biệt tưởng niệm đến tất cả họ còn đang chìm đắm trong khổ hải, vươn hai tay lên, hít thở một hơi thở, mới phát ra được tín hiệu cầu cứu. Còn rất nhiều vô lượng vô biên chúng sanh tất cả đều đang kêu cứu, nếu tôi không tinh tấn mau thành tựu đi cứu hộ, thì tôi là người ác, là một người có tội lớn, họ đang mong đợi và kỳ vọng tôi, cho dù lửa ngập tam thiên cũng phải vượt qua, cũng phải đem pháp môn Niệm Phật thành Phật này, giới thiệu cho họ để họ được chóng thành Phật.
…..”
Diệu Hoa bạn hãy đọc kỹ lời khuyên của HT Tịnh không vài lần bạn sẽ biết được cách sám hối và hóa giải tội lỗi nghiệp chướng của mình. Đừng bi quan, đừng nghĩ tiêu cực vì người nào tự tử (tự sát hại thân màng mình do cha mẹ sinh ra tội rất nặng). Phàm hễ sai thì sửa, chỉ sợ không chịu sửa tội càng nặng hơn, một mai khi mất thân người không biết tu hành lại bị trôi lăn vào tam ác đạo chịu khổ vô lượng kiếp.
Chúc bạn nhiều sáng suốt và nghị lực vượt qua chướng ngại này.
Nam Mô A Di Đà Phật.
TLPT
Con xin tạ ơn cư sỹ
A Di Đà Phật
Gửi Khát Vọng Tây Phương,
Những vướng kẹt của bạn đã dần dần hé mở. Trước hết Thiện Nhân chúc mừng bạn vì đã có oan gia trái chủ đến „hỏi thăm“. Tại sao lại chúc mừng? Bởi chỉ khi nào mình bước vào thực tâm tu-hành thì những cảnh giới đó mới xuất hiện. Ngược lại khi mình và họ giống hệt nhau: cùng tâm Ma giống nhau thì họ chưa cần (chẳng cần) gây sự vội.
1. Có hai lý do khiến các oan gia đến „hỏi thăm“ mình:
a. Các oan gia trái chủ (những sinh linh từ tiền kiếp, và cả kiếp hiện tiền). Trước hết chúng ta phải hiểu họ là ai? Họ là những chúng sanh (người và những súc sanh đã khuất) – những chúng sanh vô hình này bao gồm cả những thân quyến của mình. Thời hiện tiền họ và chúng ta đã có những đối kháng (gọi chung là oán thù), vì thế khi họ qua đời, họ quyết tìm ngày trở lại để thanh toán „nợ cũ“ này. Vì vậy khi họ thấy mình đột nhiên chuyển hướng (ăn chay, niệm Phật, phóng sanh, chuyên hành việc thiện…) gọi đơn giản là: chuyển từ Tà sang Chánh, và thấy chúng ta tinh tấn tu hành, thường là họ rất lo âu và hoảng sợ. Điều này cũng tương tự như tâm chúng ta hiện nay vậy. Nếu ta sống trong vô minh (tham-sân-si-ngã mạn-chấp trước) chúng ta cũng luôn lo âu và hoảng sợ. Vì thế họ sẽ tìm mọi cách để quậy phá, khiến chúng ta phải thoái lui, để cùng đồng với họ.
b. Các chúng Ma vương: Họ cũng là những chúng sanh vô hình nhưng tu theo con đường Tà Đạo. Những chúng sanh này họ có những thần lực nhất định (có thần thông) và chuyên ngăn cản, phá hoại chánh Pháp của Phật. Vì thế người tu theo chánh pháp của Phật họ sẽ thường đến „hỏi thăm“. Tuy nhiên vì họ có thần thông, nên họ sẽ chỉ „hỏi thăm“ chúng ta, khi họ thực thấy định lực tu hành của chúng ta đã tiến bộ tột bậc, khiến cho nhiều chúng ma vương khác bị chuyển hoá, và làm họ mất đi quyến thuộc… tất lúc này họ mới thực sự đến „hỏi thăm“. Do vậy trường hợp của bạn, có lẽ ta nên khoanh vùng: đó mới chỉ là oan gia trái chủ đến gây sự thôi.
Khắc Chế (không phải Đối phó, bởi đối phó sẽ tạo thêm oán thù) bằng cách nào? Trước hết bạn đừng khởi tâm lo âu hay sợ hãi và tuyệt đối không được khởi tâm sân hận với những đối tượng này. Lý do: bởi đó sẽ là những động lực thúc đẩy họ quyết tâm hơn, mãnh liệt hơn trong việc trả thù mình. Do vậy, như bạn đã làm: Khi đối cảnh đó phải Nhất Tâm và Thành Tâm niệm Phật. Muốn làm được thì hàng ngày, niệm niệm chúng ta phải nhất tâm và thành tâm làm thì khi đối cảnh, câu Phật hiệu sẽ thức tỉnh và mách bảo chúng ta phải làm gì. Thứ nữa: tuyệt đối không nên dùng bùa ngải, hay trì Chú để yểm, hay triệt tiêu họ. Làm thế sẽ tăng thêm oán đối. Thay vào đó là nhất tâm Niệm Phật và Thành Tâm hồi hướng tất cả công đức cho họ… Ngày nối ngày, họ được cảm hoá từ sự chân thành của mình và họ sẽ được phục thiện. Kế đó họ sẽ chuyển hướng rồi cùng mình tu hành, xa hơn họ sẽ quay lại để hộ pháp, giúp cho mình tiến tu… Do vậy trước khi đi ngủ, bạn nên niệm Phật và nguyện cho các oan gia trái chủ cũng đồng niệm theo mình. Niệm xong rồi thì hồi hướng cho họ, nguyện cho mình và họ cùng được vãng sanh. Lâu ngày những ác mộng trên sẽ giảm đi, thế vào đó các cảnh giới lành sẽ xuất hiện…
2. Chuyện mọi người xung quanh bạn không niệm Phật đó là chuyện của họ, bạn đừng đừng để tâm tới làm gì. Trong bài của Huệ Tâm có viết: „Người quấy ta chẳng quấy, ta quấy lỗi kề bên“. Họ chưa niệm Phật là họ chưa (chưa muốn) giác ngộ, chứ không phải họ không có Phật tánh. Nhưng vì họ còn bị mê loạn bởi những tham luyến, dục vọng trần tục, nên họ tạm cho đó mới là ý nghĩa đích thực của sự sống. Nhưng mình đừng thấy đó làm lo, lo là làm sao mình tu hành thật rốt ráo, khi công đức tròn đầy mình có thể hồi hướng cho họ. Hai chữ Hồi Hướng rất quan trọng, bởi nếu chúng ta không nắm rõ, hồi hướng lúc này sẽ trở thành Lòng Thương Hại (còn tâm ái dục) = thích, quý, mến, yêu thì cho, cho nhiều hơn bình thường; ngược lại thì: Dẹp! Đó là sự hồi hướng của người đời, của phàm phu. Còn hồi hướng của người tu đạo, người giác ngộ là không có sự phân biệt, chấp trước, không có sự tính toán, thiệt hơn=Lòng Từ Bi. Nếu chúng ta chân thành làm được như thế tất có ngày những người xung quanh chúng ta sẽ tự hồi đầu.
3. Trường hợp mẹ bạn không phải là cá biệt. Bạn nên tỉnh giác, đừng gượng, ép hay khuyên mẹ bạn vội. Hãy nhất tâm tu đã, hàng ngày, sau mỗi thời công phu (nên sắp xếp khi mẹ bạn vắng nhà), hay mỗi khi làm được việc thiện cho dù là nhỏ nhất cũng nhất tâm, âm thầm hồi hướng cho mẹ bạn. Nếu bạn làm đúng pháp, mình khẳng định chỉ trong vòng 3-6 tháng, mẹ bạn sẽ dần dần tự hồi đầu. Sự hồi đầu nhanh hay chậm phụ thuộc vào công đức tu hành của mình, và những nghiệp lực của mẹ bạn. Nhưng bạn phải có niềm tin, và phải dùng Tâm Từ Bi (trải lòng Từ) để hoá giải những bất đồng giữa bạn và mẹ, và mỗi khi đối diện với mẹ và các chúng sanh tương đồng.
Ví thử: khi mẹ bạn nổi sân, hay mắng, chửi, nói nọ, kia… thay vì bạn giải thích cho mẹ bằng Phật pháp, hay nói chuyện đúng-sai, phải-quấy… bạn hãy quán chiếu: Mẹ là Bồ-tát đang biểu diễn cho mình thấy cái khổ sở của một người sống trong sân hận như thế nào? Vào lúc ấy bạn hãy dùng 4 câu: A Di Đà Phật để khắc chế những nguy cơ muốn bùng nổ, muốn chống đối mẹ, đang trỗi dậy trong tâm bạn. Kinh nghiệm là: khi đối cảnh tham-sân-si-ngã mạn… hãy niệm Phật liên tục (dĩ nhiên đừng niệm to trước mặt mẹ), bởi như thế sẽ như chút dầu vào lửa. Mà hãy thầm niệm. Nếu làm đúng cách, chỉ trong vòng 3 niệm bạn sẽ dứt ra khỏi loạn cảnh đó, và tâm sẽ như như. Cách điều Tâm bằng niệm Hồng danh Phật A Di Đà là thế, và đương nhiên đứa trẻ trong bụng bạn cũng sẽ học được và thụ hưởng sự an lạc từ nơi bạn phát ra. Nói như Pháp sư Tịnh Không: Bạn đang biểu pháp cho con mình học. Ngày qua ngày bạn đã, đang gieo cho con bạn một cái Nhân vô cùng Lành và Thiện: Biết Niệm Phật để chế Động.
4. Chuyện bạn đang có bầu đó là đại sự rồi. Con cái đến với chúng ta như Thiện Nhân có nói phần trước: Báo ân, báo oán, trả nợ, đòi nợ. Giả sử nếu con của bạn đến Báo ân (đến từ ánh sáng) nhưng hàng ngày nó phải tiếp xúc với những cảnh sân hận, buồn phiền, oán thù… tất những nghiệp lành, thiện từ kiếp trước sẽ bị chao đảo, rồi bị ảnh hưởng; Ngược lại nếu đến báo oán (đến từ bóng tối), thì những cảnh giới trên sẽ là cái nhân, làm động lực thúc đẩy đứa trẻ tạo những nghiệp oán mãnh liệt hơn. Điều này cũng tương tự cho trả nợ và trả thù.
Đạo Phật là đạo giáo dục con người ta bỏ ác, hành thiện; dùng trí tuệ để hàng phục ngu si; dùng tâm Từ để hoá giải oán thù; dùng tâm tịnh độ để khắc chế động loạn…
Bạn có duyên với đạo Phật, với pháp môn Niệm Phật, hãy ráng nắm giữ cái duyên ấy thặt chặt, gieo duyên ấy với con bạn và những người xung quanh khi nhân duyên chín mùi… Bởi ngoài duyên đó ra không còn con đường nào khác có thể giúp cho chúng ta thoát khỏi sanh tử luân hồi.
Tặng bạn bài Kệ Tụng Vô Tướng của Tổ Huệ Năng để cùng suy ngẫm:
Tâm bình không nhọc giữ giới
Hạnh thẳng không cần tu thiền
Ân thì nuôi dưỡng cha mẹ
Nghĩa thì trên dưới thương nhau
Nhường thì trên dưới hoà mục
Nhẫn thì các ác không ồn
Nếu hay dùi cây ra lửa
Trong bùn quyết mọc sen hồng
Đắng miệng tức là thuốc hay
Nghịch tai là lời ngay thẳng
Sửa lỗi ắt sanh trí tuệ
Giữ quấy trong tâm không hiền
Mỗi ngày thường hành lợi ích
Thành đạo không do thí tiền,
Bồ đề chỉ hướng tâm tìm
Đâu nhọc hướng ngoại cầu huyền
Nghe nói y đây tu hành
Cực Lạc chỉ ngay trước mắt.
Chúc bạn vững tin nơi chánh Pháp.
Thiện Nhân
Cảm ơn Thiện Nhân nhiều lắm, những lời khuyên của bạn rất có ích đối với mình, mong 1 ngày ko xa mình và bạn cùng các bạn đồng tu gặp nhau ở Tây Phương Cực Lạc
Nam Mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật
Gửi Khát Vọng Tây Phương,
Rất hoan hỉ khi thấy Khát Vọng Tây Phương đã thông tỏ vấn đề. Vãng Sanh Tây Phương là cái đích mà chúng ta nguyện đến. Tuy nhiên chúng ta cùng phải thấu hiểu: Chỉ khi nào phước đức và nhân duyên hội đủ thì lúc ấy chúng ta mới có thể, hoặc tuỳ ý để lên đường… Do vậy điều quan trọng của người tu Tịnh Độ là phải: Tin Sâu – Nguyện Thiết – Thực Tâm Hành. Điều cấm kỵ là háo tâm vãng sanh (háo thắng). Thứ nữa là vì bất mãn, hay vì muốn chứng tỏ với ai đó, cho ai đó biết (người thân, bạn bè…) mình chẳng cần thân mạng này; Mình sẽ vãng sanh cho biết mặt… Bởi khi tâm ấy thường trỗi dậy, hoặc lâu ngày duyên trong các cảnh đó, nhẹ thì sanh bệnh, nặng là Bị Ma Dựa Tới Phát Cuồng (chữ của Ấn Quang Đại Sư). Chúng ta từ vô thỉ tới nay ác nghiệp do Thân-Khẩu-Ý tạo ra vô số kể, vì vậy một mặt chúng ta phải không ngừng thanh lọc những ác nghiệp cũ; mặt khác phải không ngừng ngăn chặn những ác nghiệp mới để chúng không có cơ hội dấy khởi, hay nảy sinh. Do vậy không phải nói: Con nay xin phát nguyện vãng sanh! Cúi xin Đức Từ Bi tiếp độ! Là chúng chúng ta đã có thể một sớm, một chiều vãng sanh và Phật A Di Đà sẽ lập tức rước chúng ta về Tịnh Độ.
Mong bạn và quý vị liên hữu đồng tu nhận chân được điều này.
Vì bạn nói mình đang mang thai, nên Thiện Nhân mạo muội chép lại những lời chỉ dạy của Tổ Ấn Quang dành cho giới nữ khi mang thai, sanh đẻ, có con và nuôi dạy con cái… Khẩn mong các Ưu Bà Di hoan hỉ đọc và suy tư thật kỹ những lời chỉ dạy quý báu này, âu cũng là tạo thêm phước báu, nhân duyên cho chính mình và các vị Phật tương lai…
Nguyện hồng ân Tam Bảo và ánh sáng từ quang của Phật A Di Đà giúp cho mẹ con bạn và người thân của bạn vượt qua mọi khổ ách và luôn được sống trong niềm hỉ lạc của tự tánh.
Lời Dạy của Tổ Ấn Quang (Trích từ Ấn Quang Đại Sư Văn Sao Tinh Hoa Lục)
* Dạy con cái phải bắt đầu từ căn bản. Cái căn bản vừa nói đó chính là hiếu với cha mẹ, giúp đỡ mọi người, nhẫn nhục, tận tụy, lấy thân làm gương, lấy đức làm khuôn phép; như nung chảy vàng hay đồng, đổ vào khuôn. Khuôn ngay ngắn sẽ đúc ra vật ngay ngắn, khuôn méo mó sẽ đúc ra vật méo mó. Lớn – nhỏ, dày – mỏng, trước khi đổ khuôn đã có thể biết trước, huống gì lúc đã trút khỏi khuôn!
Gần đây con người đa phần chẳng biết điều này. Vì thế, những con em có thiên tư đa số là cuồng vọng, trái nghịch; những đứa không có thiên tư lại thành ra ương bướng, hèn tệ. Đó là do lúc nhỏ đánh mất khuôn phép, như vàng lỏng rót vào khuôn hư trở thành đồ hư hỏng. Cố nhiên vàng là một, nhưng đồ vật lại sai khác một trời một vực! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Thư trả lời cư sĩ X… ở Vĩnh Gia – 5)
* Khéo dạy dỗ con cái, khiến cho chúng nó đều là người hiền, mềm mỏng, nho nhã, [đấy mới] quả thật là kẻ giữ vẹn luân thường lớn lao! Bởi lẽ, con cái đã đều hiền thiện thì anh em trai, chị em gái, chị em dâu, con cháu đều nhìn theo nhau làm lành. Từ đấy [đời nào cũng] nối tiếp nhau là người hiền thì người hiền sẽ đông, kẻ xấu sẽ ít. [Do vậy] kẻ xấu cũng có thể bị cảm hóa trở thành người hiền, người lành. Nền tảng khiến cho thiên hạ thái bình, nhân dân yên vui đều nằm trong sự dạy dỗ con cái. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 1, Thư trả lời cư sĩ Thần Hiểu Viên)
* Nữ nhân khi sanh nở thường đau đớn chẳng kham nổi, [nếu] mấy ngày chưa sanh rất có thể bị mất mạng. Lại có người sanh xong bị băng huyết, đủ mọi nỗi nguy hiểm, và con cái mắc chứng kinh phong chậm hay gấp, đủ mọi nỗi nguy hiểm. Nếu nhằm lúc sắp sanh, hãy chí thành khẩn thiết niệm ra tiếng rõ ràng “nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát”, chớ nên niệm thầm trong tâm, bởi niệm thầm tâm lực nhỏ, nên cảm ứng cũng nhỏ. Lại do lúc ấy dùng sức đẩy đứa con ra, nếu thầm niệm thì rất có thể do bế khí mà thành bệnh.
Nếu chí thành khẩn thiết niệm, chắc chắn chẳng bị đau đớn, khó sanh và băng huyết sau khi sanh, đứa con mắc các chứng kinh phong v.v… Dẫu cho khó sanh đến tột bậc, người đã sắp chết, hãy nên dạy sản phụ ấy và những người chăm sóc chung quanh đều cùng niệm Quán Thế Âm ra tiếng, người nhà dẫu ở phòng khác cũng đều có thể niệm, chắc chắn công phu chưa đến một khắc liền được an nhiên sanh nở.
Ngoại đạo chẳng hiểu lý, chấp chết vào một pháp cung kính, chẳng biết căn cứ vào sự để luận lý, đến nỗi những bà cụ niệm Phật coi sanh nở là chuyện đáng sợ, dẫu là con gái ruột, con dâu [sanh nở] cũng chẳng dám nhìn đến, huống là dám dạy họ niệm Quán Âm ư? Phải biết Bồ Tát mang tâm cứu khổ, lúc sắp sanh tuy lõa lồ, bất tịnh, nhưng là chuyện không thể nào tránh được, chứ không phải là do cố ý luông tuồng, chẳng những [niệm Quán Âm khi ấy] không có tội lỗi gì, mà lại còn gieo được đại thiện căn cho cả mẹ lẫn con. Nghĩa này đức Phật dạy trong kinh Dược Sư, chứ không phải là ý kiến ức đoán của tôi, chẳng qua tôi chỉ đề xướng mà thôi! (Kinh Dược Sư nói về thệ nguyện công đức Phật Dược Sư, cho nên dạy niệm Phật Dược Sư. Nhưng danh hiệu Quán Âm ai nấy đều biết cho nên bất tất phải niệm Phật Dược Sư, cứ niệm Quán Âm cũng được). (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Một Lá Thơ Gởi Khắp)
Nữ nhân hễ cấn thai chớ nên nổi nóng. Hễ nổi nóng đùng đùng sẽ bị sẩy thai; cũng như tánh tình ngang ngược, hung dữ ấy sẽ truyền qua đứa con khiến cho tánh tình nó trở thành hung ác. Thêm nữa, khi cho con bú, ắt phải tâm bình khí hòa. Nếu nổi nóng đùng đùng, sữa liền biến thành chất độc. [Trẻ bú sữa ấy] nặng là chết ngay, nhẹ là nửa ngày hay một ngày sau mới chết, quyết chẳng có trường hợp nào không chết! Nếu hơi nổi đóa thì chất độc ít, tuy con chẳng chết cũng sẽ sanh bệnh. Vì thế, con cái của nữ nhân ưa nổi đóa bị chết nhiều lắm, bệnh tật nhiều lắm! Chính mình cho con bú hoặc mướn vú em cho con bú đều giống như nhau. Hễ nổi nóng đùng đùng, muôn vàn chớ nên cho trẻ bú, trong lúc ấy phải nên buông xuống. Đợi cho tâm bình khí hòa, qua nửa ngày rồi mới cho bú.
Lúc cho bú, trước hết phải vắt sữa ra chừng nửa chén trà đổ đi, lau chùi đầu vú rồi mới cho trẻ bú [thì trẻ] sẽ không bị họa ương gì. Nếu trong tâm vẫn nóng giận bừng bừng thì cả ngày hôm ấy cũng không được cho trẻ bú. Cho bú thì trẻ không chết cũng bị bệnh nặng! Chuyện này sách y học xưa nay đều chưa chỉ rõ. Gần đây, do từng trải, tôi mới biết mối họa này!
Nữ nhân từ nhỏ phải học tánh nhu hòa, khiêm tốn; sau này sanh con ắt nó dễ tính, ắt hiền lành, ắt chẳng bị chết, ắt chẳng đổ bệnh. Phàm con cái chết từ lúc bé hay bệnh tật quá nửa là do mẹ nổi nóng mà ra, chỉ có một số ít là do chính số mạng nó phải chết sớm. Thiên hạ xưa nay do sữa độc giết hại con trẻ, chẳng biết bao nhiêu Hằng hà sa số, chẳng đáng buồn ư? Do ông làm vui lòng cha mẹ nên tôi nói tường tận với ông. Hãy nên khuyên mẹ ông ăn chay niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Ông và vợ ông cũng đều nên như thế. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 2, Thư trả lời cư sĩ Trương Đức Điền – 1)
Thiện Nhân
Mình năm nay 34 tuổi, biết Phật Pháp đã lâu nhưng chưa từng nghĩ đến Niệm Phật Cầu Vãng Sanh, gần đây thấy sức khoẻ của mình kém hẳn, lòng tự bảo ko biết thọ mạng của mình có dài lâu đc ko, nên phát tâm niệm Phật trên đường đi làm và về nhà, ngày 2 thời như vậy tương đương 2 tiếng mỗi ngày. Rất mong mọi người đóng góp cho mình ý kiến, mình làm như vậy có được ko?
Con người thì ai cũng phải chết thôi RIver! Hãy tin thật chắc câu Nam Mô A Di Đà Phật, hãy tin chắc nơi Tây Phương Cực Lạc và phát nguyện vãng sanh về đó.
Nam Mô A Di Đà Phật
Gửi các bạn đồng tu,
Sám hối này mình cần phải đọc như thế nào? Xin chỉ giúp mình.
Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật Song Trang thân mến,
Hàng ngày đối trước Phật Bồ Tát, đối trước Tam Bảo bạn sám hối:
“Xưa đệ tử đã gây nhiều vọng nghiệp
Đều do vô thủy tham, sân, si
Từ thân, miệng, ý trót sinh ra
Hết thảy hôm nay đều sám hối
Nam Mô Cầu Sám Hối Bồ Tát (3 lần)”
Sau đó bạn cứ lão lão thật thật niệm Phật ra tiếng (hoặc A Di Đà Phật hoặc Nam Mô A Di Đà Phật đều được), miệng niệm tai nghe rõ ràng từng chữ (niệm thế này dễ đi vào tâm). Bạn niệm được càng nhiều càng tốt. Sau khi niệm xong bạn phát nguyện:
“Con nguyện lâm chung không chướng ngại
A Di Đà đến rước từ xa
Quán Âm cam lồ rưới nơi đầu
Thế Chí kim đài trao đỡ gót
Trong một sát na lìa ngũ trược
Khoảng tay co duỗi đến liên trì
Khi hoa sen nở thấy Từ Tôn
Nghe tiếng pháp sâu lòng sáng tỏ
Nghe xong liền ngộ vô sanh nhẫn
Không rời an dưỡng lại Ta Bà
Khéo đem phương tiện lợi quần sanh
Hay lấy trần lao làm Phật sự
Con nguyện như thế Phật chứng tri
Kết cuộc về sau được thành tựu”
Sau cùng bạn hồi hướng:
“Nguyện đem công đức này
Trang nghiêm Phật Tịnh độ
Trên đền bốn ơn nặng
Dưới cứu khổ ba đường
Nếu có ai thấy nghe
Đều phát tâm Bồ đề
Hết một báo thân này
Đồng sanh nước Cực lạc”
Nam Mô A Di Đà Phật.
Vậy là xong rồi đó bạn. Chúc bạn tinh tấn an lạc nhé.
TLPT
Nam Mô A Di Đà Phật , tín chủ con thành tâm cảm tạ các vị cư sỹ trong suốt thời gian qua đã cho con những lời khuyên có ích về Phật pháp , hôm nay con rất vui vì có người nói không tốt về con nhưng con lại không nổi giận , không ghét bỏ họ mà con lại thấy thanh tâm của con thanh tịnh con không có để bụng chuyện họ nói , con cuời nhiều hơn và giúp đỡ mọi nguời nhiều hơn , con rất vui con cảm ơn các vị cư sỹ đã giúp con biết trân trọng và thương yêu cuộc sống này hơn
Nam Mô A Di Đà Phật. Con trót phạm giới nói dối . Trước Phật và trong tâm con xin sám hối và mong mọi người làm chứng cho con : Từ giờ con xin sám hối tội nói dối của mình và hứa sẽ không phạm phải nữa. Nam Mô A Di Đà Phật