Tây Phương Cực Lạc thế giới là trường học, là đạo tràng. Sự nghiệp của Phật là dạy học, sự nghiệp của đại chúng là cầu học. Phật dạy chúng ta niệm Phật, cầu vãng sanh là để đến đó làm học sinh, ngày ngày lên lớp. Với thọ mạng dài vô lượng kiếp tiếp nhận sự chỉ dạy của Phật Đà, đâu có lý nào không thành Phật? Quyết định sẽ thành tựu.
Tây Phương Cực Lạc thế giới là trường học, vãng sanh đến nơi đó không vì việc khác mà là để du học, trau dồi trí tuệ đức năng của mình cho viên mãn, sau đó quay về giúp đỡ những chúng sanh bị khổ nạn.
Tôn chỉ của Tây Phương thế giới là tập huấn thành Phật và Bồ Tát. Khi đã tập huấn viên mãn, các vị Phật và Bồ Tát phải đến mười phương thế giới để độ hóa chúng sanh, không phải ở Tây Phương để hưởng lạc. Cho nên, pháp môn Tịnh độ không tiêu cực, Tây Phương thế giới cũng quyết không phải là nơi để mình tị nạn.
Tây Phương Cực Lạc thế giới chỉ có một việc làm: làm thầy giáo hoặc là làm học sinh, ngoài việc đó ra không có việc khác. Quý vị xem lại tất cả các kinh khác, Tây Phương Cực Lạc thế giới còn có những việc khác không? Không có. Giảng kinh là thầy giáo, nghe kinh là học sinh. Đây mới hiểu rõ Tịnh độ thật sự thù thắng.
Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng không nghe nói nơi đó có người làm công, làm ruộng, buôn bán, những việc này đều không có. Họ làm những việc gì? Ngày ngày học tập, đọc những quyển sách mình ưa thích, làm những việc mình hoan hỉ làm. Quý vị xem, thật vui vẻ biết bao! Làm sao để đến được Cực Lạc thế giới? Chỉ cần Tín tâm kiên định, một lòng tin tưởng, một câu Phật hiệu niệm đến cùng, chuyên tu thì thành công.
Tây Phương thế giới là một trường đại học Phật giáo do thập phương chư Phật đồng sáng lập, cung thỉnh A Di Đà Phật làm hiệu trưởng, trong đó người phụ trách, thành viên của Đổng sự trưởng là mười phương chư Phật Như Lai. Cho nên, không có một vị Phật nào mà không giới thiệu về Tây Phương Cực Lạc và khuyên tất cả chúng sanh vãng sanh về nơi đó. Sanh đến thế giới đó, so với những vị tu học ở nơi thế giới khác thì đạo nghiệp của quý vị mới có thể trong một đời thành tựu, chắc chắn hơn và nhanh chóng hơn.
Trích Vô Lượng Thọ Kinh Giảng Ký
Lão pháp sư Tịnh Không giảng
A Di Đà Phật.
Mình mới nhập môn Tịnh Độ được 1 tuần. Lúc đầu niệm A Di Đà Phật xong thì mình ngủ rất ngon, nhưng dạo gần đây mình thường ngủ không ngon, đêm ngủ hay bị giật mình giữa đêm lại hay lo sợ. Nói thật từ nhỏ đến lớn mình hay sợ ma. Không biết có phải tâm ma mình trỗi dậy không. Mình biết niệm A Di Đà Phật sẽ có chư thiên long hộ pháp nhưng mình vẫn sợ.
Thầy mình dạy nói rằng ai gần Phật thì hay bị ma nó phá, càng đến gần thì nó càng phá mình, không cho mình gần Phật.Vậy bạn cố gắn niệm lục tự di đà đi nha.
Cho mình hỏi làm sao để trước khi lâm chung được về với Phật?
Đường Về Cõi Tịnh: Xin đạo hữu hoan hỉ tập gõ tiếng Việt có dấu để độc giả tiện bề theo dõi và tránh hiểu lầm. A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật chào bạn Đức Huy,
Chúc mừng bạn đã gia nhập vào CLB “A Di Đà Phật”. Nghe được pháp môn liền tin theo và hành trì chứng tỏ bạn rất có thiện căn.
Việc sợ ma bạn kể thì lúc nhỏ hình như ai cũng sợ ma hết Đức Huy à, nhưng mà nhờ nhân duyên gặp Phật pháp mới biết được người ta hay gọi “Ma” chính là một trong những cảnh giới lục đạo luân hồi (cõi ngạ quỷ). Vì không tu hay biết tu mà phút lâm chung không biết buông xả sẽ rơi vào cảnh giới này, thật nguy hiểm quá. Chính vì thế chúng ta mới tu, tập buông xả và niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc hầu thoát sanh tử.
Bạn biết không, trong kinh Phật có ghi: “Chí tâm niệm 1 câu A-Di-Đà, tiêu diệt được tội nặng sanh tử trong 80 ức kiếp (Quán Kinh).
Chí tâm niệm 1 câu A-Di-Đà, ánh sáng phát ra xung quanh mình 40 dặm, các loài ác ma đều sợ hãi xa lánh. Cho nên khi bạn niệm Phật chí thành không những có long thần hộ pháp mà còn có cả mười phương Chư Phật gia hộ cho bạn nữa. Bạn yên tâm mà hành trì nhé.
Còn khi bạn mới phát tâm niệm Phật mà tạp niệm (ý nghĩ sợ hãi cũng chính là tạp niệm) trỗi lên nhiều là vì lâu nay nó ẩn sâu trong Tâm bạn, bây giờ khi bạn gieo hạt giống Phật vào Tâm thì tự nhiên những ý niệm này nó bị đẩy lên trên nhiều hơn làm cho bạn bồn chồn thấy không yên, đâm ra nghi ngờ vì sao tự nhiên mình niệm Phật lại nảy sinh sự sợ hãi nhiều đến thế.
TLPT lấy ví dụ thế này để bạn dễ hiểu nhé: Trong một lọ nước đầy bụi cặn, khi bạn bỏ vào đây một viên minh châu thì cặn bụi đất nó sẽ bị đẩy lên trên, bạn bỏ càng nhiều viên thì cặn bụi càng trồi lên rất là nhiều. Nhưng bạn vẫn tiếp tục kiên trì bỏ hạt minh châu hoài mặc kệ bụi cặn thì đến khi nước trong không còn cặn bụi gì nữa. Niệm Phật được ví như viên minh châu. Bụi cặn chính là những ý niệm sai quấy (vọng niệm). Lọ nước bụi bặm chính là cái Tâm Tham Sân Si đầy dẫy phiền não của chúng ta. Chí tâm niệm hoài thì nghiệp chướng phiền não càng ít đi là ở chỗ này.
Khi bạn niệm Phật nảy sinh ý niệm này bạn hãy quán rằng mình niệm Phật có tới mười Phương Chư Phật gia hộ thì trong vòng 40 dặm không có ác ma xâm hại mình được. Hoặc một cách nữa là hãy tập niệm theo cách Thập Niệm Ký Số. Niệm đúng 10 câu quay lại từ đầu, cứ 10 câu quay lại niệm từ đầu và nhớ, chỉ 10 câu thôi nhé và ghi nhớ 10 lần thôi, nửa chừng quên thì đếm lại từ đầu. Khi tâm bạn tập trung vào việc nhớ câu niệm thì sẽ không còn tâm để lo sợ vẩn vơ nữa.
Vài chia sẻ cùng bạn, mong bạn vượt qua bước đầu thử thách này nhanh chóng.
Nam Mô A Di Đà Phật.
TLPT
A Di Đà Phật
Cám ơn bạn TLPT. Mình muốn hỏi thêm một việc là mình muốn ăn chay trường nhưng gia đình mình không cho nói mình còn trẻ mà ăn chay thì không đủ sức làm việc, nên bây giờ mình ăn mặn. Mình không dám cãi lời mẹ mình. Nhưng ăn mặn xong mà tụng kinh niệm phật có sợ bất kính với phật không. Ví dụ như trưa mình ăn mặn xong, mình không ngủ trưa mà tranh thủ ngồi niệm phật. Vậy có bất kính với phật không. Miệng niệm phật mà lại ăn mặn vậy là đúng hay sai?
A Di Đà Phật, bạn phát tâm ăn chay trường, tâm này là tâm tốt, tâm từ bi nhưng hoàn cảnh lại không thuận duyên cho bạn thì bạn nên tùy duyên vậy. Tuy nhiên không trường chay được nhưng bạn hãy cố gắng xin mẹ cho bạn ăn một tháng vài ngày thì có thể mẹ bạn sẽ chấp thuận chăng? Ví dụ một tháng 2-4 ngày gì đó.
Thật ra trường chay rất tốt, giúp cho tâm tăng trưởng lòng từ bi, cơ thể khỏe mạnh ít bệnh tật hơn ăn mặn nữa kìa nhưng vì đa phần người ta hay cho rằng ăn chay là không đủ sức, là thiếu chất…vì chưa hiểu tường tận. Bạn chắc biết nhà bác học nổi tiếng nhất thế giới Albert Einstein, ông là người trường chay. Một câu nói nổi tiếng của ông đã trở thành kim chỉ nam của nhiều người ăn chay trên thế giới: “Không có thứ gì mang lại lợi ích cho sức khỏe con người và làm tăng cơ hội sống còn trên thế gian này bằng phương pháp phát triển một chế độ ăn chay”. Nói vậy để khẳng định rõ ràng niềm tin của bạn về việc ăn chay hoàn toàn có lợi cho con người chúng ta nhiều lắm.
Bạn vừa niệm Phật vừa ăn chay thì cũng giống như đi thuyền mà nước chảy xuôi, con nước thuận theo chiều đi của thuyền giúp đẩy thuyền nhanh hơn. Còn không ăn chay mà niệm Phật thì thuyền cũng đi nhưng do nước ngược dòng hơi gặp khó khăn nên đi chậm hơn. Cho nên việc bạn ăn chay hay ăn mặn không ảnh hưởng gì đến việc bạn tụng kinh niệm Phật hết. Có điều để tránh tội khinh nhờn, bất kính thì trước khi chúng ta tụng kinh, niệm Phật, lạy Phật thì nên xúc miệng, tắm rửa sạch sẽ là được rồi bạn, ăn chay hay ăn mặn cũng đều làm cả.
Hi vọng giải đáp trên có thể giúp được bạn. Chúc bạn an lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật.
TLPT
A Di Đà Phật
Cảm ơn bạn TLPT. Bà nội mình năm nay đã già, thời gian không còn bao lâu. Mình có khuyên bà nên niệm A Di Đà Phật. Lúc đầu bà cũng nghe. Nhưng một hôm mẹ mình biết chuyện la mình. Nói mình không lo làm ăn, cứ làm chuyện không đâu nên làm bà nội mình đâm nản không niệm phật nữa.
Mẹ mình cũng là phật tử nhưng ngoài đi chùa buổi tối 2 tiếng ra thì không có niệm kinh, thỉnh thoảng cũng coi băng thuyết pháp của các thầy. Mình lo mẹ mình làm vậy sẽ cản đường vãng sanh của bà nội mình là tội nghiệp rất nặng. Mẹ và bà nội rất không hợp nhau. Không biết có phải oan gia trái chủ của nhau không. Mình rất muốn mau chóng tu thành chánh quả, có thần thông, có thể độ cho 2 người . Mong muốn có thần thông của mình có phải là mong muốn cá nhân không. Mẹ mình cũng không cho mình tu. Bắt mình làm ăn lấy vợ. mỗi ngày mình chỉ có khoảng 2-3 tiếng để niệm phật.
A Di Đà Phật bạn Đức Huy thân mến,
Người xưa từng có hai câu đối mà TLPT thấy tâm đắc lắm:
“Vợ chồng do duyên tiền định, có thiện duyên, có ác duyên, không duyên không đến
Con cái do mắc nợ, có đòi nợ, có trả nợ, không nợ sẽ không tìm”
Quan sát mọi người trong một gia đình ở thế gian chúng ta đều thấy y như thế. Nếu là thiện duyên ắt sẽ hỗ trợ cho nhau trên con đường tu học, còn nếu là ác duyên thì oan gia đối đầu. Hầu như thân bằng quyến thuộc chúng ta cũng giống như vậy. Ví dụ bạn với bà nội là thiện duyên, bạn tìm cách giúp đỡ, khuyên bà niệm Phật cầu sanh Tây Phương; nhưng giữa bà nội và mẹ bạn lại là oan gia đối đầu, là ác duyên nên mẹ mới ngăn cản bạn khuyên bà niệm Phật.
Trường hợp như vậy thì bạn nên lựa lúc mẹ bạn vui vẻ bạn giải thích cho mẹ hiểu được Nhân – Quả (vì bà cũng là Phật tử nên nói nhân quả có lẽ bà tin). Nhân ngăn cản người khác niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ thì quả báo đến lúc lâm chung tự nhiên mình gặp chướng duyên không được vãng sanh mà còn dễ sa vào đường ác đạo. Với lại nếu như nói về thế gian pháp thì bà đối xử với mẹ chồng thế nào thì tương lai bà sẽ gặp y một cô con dâu làm thế đối với bà, thậm chí đối xử còn “ác” hơn nữa kìa (Chuyện này thì TLPT đã gặp rất nhiều ở lân cận mình). Với mẹ thì bạn làm như thế, sau đó để tăng thiện duyên cho bà nội thì một mặt bạn tìm cách giúp bà bằng cách tặng cho bà nghe đĩa Khuyên người niệm Phật (CS Diệu Âm Minh Trị) hoặc tặng bà máy niệm Phật để khi không có bạn bà vẫn niệm theo được, tai nghe được. Mặt khác sau mỗi lần làm việc thiện hay niệm Phật bạn đem công đức này hồi hướng cho bà nội và mẹ sớm hóa giải được mối oan gia.
Bạn cứ kiên trì làm hết sức mình mà không cần phải suy tính gì hết, được hay không thì còn phải xem thiện căn, phước đức, nhân duyên của bà nội nữa. Bạn cố gắng khuyên bà niệm Phật là quá tốt rồi, cho dù hiện tại bà có gặp chút chướng duyên, đời này nếu bà hóa giải được oan kết và lão thật niệm Phật, đến lúc lâm chung có phước duyên được trợ niệm vãng sanh thì không còn gì để nói. Còn nếu như bạn đã làm hết sức mà vẫn không hóa giải được thì hạt giống Phật cũng đã gieo vào ruộng Tâm thức của bà, cho dù đời này bà không được vãng sanh thì khi nào đủ nhân duyên thuận lợi ở một kiếp nào đó bà cũng sẽ được vãng sanh. Cho nên bạn vì lòng hiếu thuận với bà nội thì cứ dốc hết khả năng của mình, nếu không được thì cũng chớ vì chuyện này mà gây phiền não cho mình.
Đức Huy à, hai chữ tu hành rất giản dị, sửa xấu thành tốt, sửa mê thành ngộ, “tâm bình thường chính là đạo”. Bạn khi tu hành mà mong cầu chứng đắc thần thông coi chừng gặp ma chướng. Khi niệm Phật đừng khởi lên tâm này, nếu có thì hãy nghĩ rằng nó hoàn toàn không giúp ích gì được cho mình, dễ làm mình đi vào đường tà đạo.
“Dục tốc bất đạt”, việc gì cũng cần có thời gian, bạn phải cố gắng tự mình tu sửa cho tốt, chân thật niệm Phật, mình vãng sanh Tây Phương rồi mới giúp được tất cả chúng sanh. Bạn phải tự độ mình trước rồi mới lo độ người (cũng giống như người muốn cứu người khác chết đuối mà bản thân mình không biết bơi, lại không biết phương pháp cứu hộ thì có nhảy xuống cứu thì không những không cứu được mà chìm hết cả hai).
Niệm Phật thì cứ lập định khóa hàng ngày rồi y theo đó mà làm, chỉ có tăng thêm không giảm. Có cơ hội thì khuyên người niệm Phật, không có cơ hội thì ở nhà nghe pháp niệm Phật. Trong khi làm việc chân tay thì đầu óc rảnh rỗi cũng có thể niệm được. Cho nên pháp niệm Phật rất dễ thực hành, chỉ có nhớ niệm hay không mà thôi. Hoàn cảnh nào cũng có thể niệm được, tùy duyên bất biến.
Mẹ bạn không muốn bạn tu hành mà bắt lập gia đình thì bà cũng là chướng duyên của bạn, vậy bạn niệm Phật ngoài việc hồi hướng cho bà nội cũng nên hồi hướng cho mẹ nữa. Hãy dùng tình thương mà khuyên giải bà dần dần (trước hết trong mắt bà, bạn phải làm một người con tốt, hiếu thuận nữa thì khi bạn chọn lúc vui vẻ khuyên giải bà mới chịu nghe).
Bạn mới phát tâm niệm Phật thì đã gặp vài chướng duyên rồi, nhưng hãy cố gắng từng bước mà vượt qua, kiên nhẫn một chút nhé bạn vì vạn pháp đều vô thường, không gì mãi mãi đâu, sẽ thay đổi tốt nếu bạn bền lòng vững chí. Bạn vượt qua được thì lực tu học của bạn được tiến bộ thêm một chút. Mỗi chướng ngại cứ xem như là một kỳ thi, tự điều chỉnh lại chính mình vậy.
Chúc bạn đủ nghị lực để vượt qua mọi kỳ thi trên bước đường tu học.
Nam Mô A Di Đà Phật
TLPT
Mình muốn gia nhập CLB A Di Đà Phật, rất mong được sự giúp đỡ của các anh chị em, mình không rành về các bước gia nhập, xin hay chỉ bảo và giúp đỡ.
Chào đạo hữu,
TLPT ở trên khi nói đến CLB A Di Đà Phật thật ra phải hiểu theo nghĩa bóng là nơi hội tụ những người có duyên với pháp môn Tịnh Độ, yêu thích niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương. Nếu hiểu theo nghĩa đen thì đạo hữu cũng đã tham gia CLB A Di Đà Phật rồi đấy. Vì đạo hữu đã đến được nơi này thì ít nhiều cũng hữu duyên với pháp tu này. Vậy thì đạo hữu hãy cố gắng bồi đắp thêm cái duyên thù thắng ấy để mai này tất cả chúng ta đều hội ngộ tại CLB của Phật A Di Đà nơi cõi Tây Phương Cực Lạc nhé.
A Di Đà Phật.
Kính thưa Thầy,
Con rất hay ngủ mơ thấy đất nước bị xâm chiếm…cảnh chiến tranh rất kinh khủng, con rất sợ. Trong mơ con chạy mà ko thoát nên chỉ ngồi niệm A Di Đà Phật.
Cũng có lúc con mơ thấy Bố (bố con mất từ khi con 3 tuổi), bố nói chết xuống dưới chưa phải hết, xuống dưới đó còn phải sống tiếp 1 kiếp, rồi hết 1 kiếp lại có người phải xuống dưới tầng sâu hơn nữa…Dưới đó người làm ác phải bị đánh đập rất đau đớn…hơn nữa ai giết người thì bị đẩy xuống 9 tầng địa ngục…dưới đó khổ đau ko thể nói hết được…
Những giấc mơ như vậy có ý nghĩa gì ko Thầy?
A Di Đà Phật
Gửi bạn Vũ Thị Hậu,
Nếu TN nhớ không lầm thì hồi 04.2014 bạn đã có chia sẻ cùng ĐVCT về những giấc mơ và chuyện ông cụ thân sinh ra bạn đã mất nhưng vì quá thương bạn nên thường hay về nhập vào bạn?
Diễn tiến câu chuyện của ông cụ thân sinh nay đã chuyển sang chiều hướng khác: Ông cụ đã báo mộng cho bạn biết việc ông đang phải chịu lưu đày nơi địa ngục và phải gánh chịu những nhục hình rất thảm khốc. Điều này bạn nên tin tưởng. Bởi căn cứ vào kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, đức Địa Tạng đã nói về những cảnh giới và những cảnh khảo tra, ngục hình nơi địa ngục rất rõ ràng, vì thế những chuyện ông cụ thân sinh ra bạn báo cho bạn biết giống như một thông điệp: Một: Ông cụ đang phải sống rất khổ sở nơi địa ngục. Hai: Ông cụ muốn nhắc nhở bạn phải ráng tu hành và tránh xa những nghiệp bất thiện.
Trong Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, Phẩm thứ 7 – Lợi Ích Cho Kẻ Còn Và Người Mất đức Địa Tạng đã chỉ cho chúng ta cách thức làm sao để cứu người thân đã qua đời nhưng chưa được siêu thoát và đang bị lưu đày nơi địa ngục. Bạn nên đọc thật kỹ quyển kinh này (Nếu bạn không có cơ hội thỉnh quyển kinh này, xin bạn hoan hỉ liên lạc về ĐVCT) kế đó tuỳ theo duyên hiện tại để làm những việc phước thiện hồi hướng cho ông cụ.
Phước thiện lớn nhất dễ hành nhất và hiệu quả cao nhất chính là việc bạn phát tâm hàng ngày trì tụng Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, kết hợp niệm Phật, khuyên ông cụ phải nhất tâm buông xả vạn duyên, nhất tâm niệm Phật, bởi trong Kinh đã nói người sắp qua đời; người đã qua đời đang bị đoạ, nếu khởi được một niệm để niệm hồng danh bất cứ đức Phật hay Bồ tát nào, người đó sẽ được Địa Tạng Vương độ thoát. Điều này hết sức quan trọng, bạn phải hàng ngày khai thị cho ông cụ hiểu. Bản thân bạn cũng đừng níu kéo tình cảm cha-con nữa, mà hãy dũng mãnh tu đạo để tăng trưởng công đức, có vậy mới có thêm cơ hội để cứu những người thân quá cố của mình.
Về giấc mơ bạn gặp chiến tranh, hiểu theo lời Phật dạy: chúng ta từ vô thỉ kiếp tới nay sanh-tử, tử-sanh không ngưng nghỉ, vì thế không có điều gì chúng ta chưa từng làm và chưa từng tham gia. Điều quan trọng bạn rút ra được từ giấc mơ là: Bạn đã niệm được Phật khi gặp cảnh chiến tranh rất kinh khủng. Điều này cho thấy hàng ngày bạn đã có sự huân tập rất tốt, vì vậy khi đối cảnh bạn đã có thể khởi tâm để niệm Phật.
Giấc mơ dù đẹp đến mấy cũng chính là vọng cảnh – Những cảnh giới biến hiện trong tâm, vì thế nó thực thực-hư hư. Chấp cảnh thì nó là thực. Giấc mơ là thực, nhưng là thực của vọng thức, vì thế khi tỉnh dậy thì những vọng thức đó biến mất. Nếu bạn nương chấp những vọng thức đó sẽ khởi sanh những lo âu, phiền não. Do vậy có thể nói: Chẳng chấp cảnh thì nó là hư giả. Chấp hư giả=phiền não sanh.
Chi bằng bạn buông xả tất thảy những chuyện buồn phiền đó, nhất tâm niệm Phật. Mọi chuyện trong cuộc sống cứ hoan hỉ, tuỳ duyên và làm trọn bổn đạo của mình=tâm thường an lạc.
Chúc bạn tinh tấn tu hành.
TN
Xin hỏi thầy, tôi muốn tụng kinh thì phải sắp lễ như thế nào?
Nếu con quá thương cha mẹ, một lòng về đó học hành để phù độ cho cha mẹ, chúng sanh thì liệu có dc không ạ? Nhưng nếu về đó quá lâu liệu con có quên ba mẹ mình hoặc xa rời họ mãi mãi không ạ?
Bạn Thanh Thảo! Bạn k cần phải đi đâu cho xa, bạn nên chuyên tâm tu pháp Môn Tịnh Độ niệm danh hiệu A Di Đà Phật. hoặc Nam mô a di đà phật là bao hàm tất cả. niệm phật là để báo ơn cha mẹ. thân bằng quyến thuộc. bạn ở nhà niệm phật là hay nhất. cho dù bạn có học phật pháp. đọc kinh điển cho giỏi dến đâu thì cũng k bằng 1 câu phật hiệu.
Kính nguyện mọi người cùng niệm Phật: Nam mô A Di Đà Phật.
Hồi bữa mồng 1. Mình có đi chùa và cầu rằng: con nguyện hồi hướng về tây phương miền cực lạc, nhưng nếu kiếp này con trả nghiệp chưa xong thi con nguyện kiếp sau kiếp sau nữa về tây phương cực lạc vậy có sai không ạ. Có phạm giới của phật không ạ. Em cám ớn mọi người nhiều ạ
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Thị Đoan,
*Bạn hiểu sai về Giới và Nguyện rồi. Giới Phật chế ra cho Phật tử tại gia gồm 5 Giới:
– Không sát sanh
– Không trộm cắp
– Không tà dâm
– Không nói dối
– Không uống bia rượu (hay dùng chất kích thích).
Năm giới này nếu bạn đã thọ, bạn cần nên giữ cho cẩn trọng để tăng thêm phước-đức tu hành. Còn nguyện vốn là sự hồi hướng những công đức tu hành.
*Lời nguyện của bạn rất nguy hiểm, ngoại trừ bạn đã đạt được chánh định tức đã có thể quyết định cho mạng sống của mình và vì chúng sanh mà lưu lại cõi này, ngoại lý do này ra việc nguyện để kiếp sau mới về Tịnh Độ đó là việc không thể, nếu không nói là sai lầm. Lý do? Bởi nếu bạn chưa đủ thiện căn, phước đức, nhân duyên trong kiếp này thì ngay khi vô thường tới, bạn sẽ đi theo nghiệp đã tích tụ từ vô thỉ tới nay. Nếu tham nhiều=đi vào ngạ quỷ; sân nhiều=đi vào địa ngục; si nhiều=đi và súc sanh; Thiện nhiều sẽ đi vào cõi trời, người hoặc a tu la.
Phật dạy: Muốn biết nhân đời trước, xem quả báo đời này, muốn biết quả đời sau hãy xem nhân hiện tại.
Bạn ráng quán chiếu lại xem hạnh nguyện của mình đã thực đúng đắn chưa để kịp thời chuyển hoá kẻo chễ đó.
TN
Đúng như thầy Thiện Nhân nói, lời nguyện của bạn rất nguy hiểm. Kiếp này được làm người, được biết đến đạo Phật nhưng ai dám khẳng định với ta là kiếp sau ta còn biết đến Phật nữa? Nếu bạn muốn trả hết nợ cho oan gia trái chủ thì sau khi bạn về Tây Phương, thành Phật Bồ Tát rồi thì bạn chắc chắn sẽ độ cho họ được. Phật nói việc vãng sanh không thể nào trì hoãn được. Bạn cứ từ đó mà suy ngẫm. Chúc bạn tinh tấn!
DẠ cho con hỏi ! Niệm phật nhất tâm bất loạn là như thế nào ạ ?
A Di Đà Phật! Niệm Phật nhất tâm bất loạn có nghĩa là dồn hết tâm trí vào câu niệm, tai phải nghe rõ từng chữ, trong lúc niệm không có tạp niệm lẫn vào. Hơn nữa việc niệm Phật phải liên tục, không được đứt quãng, xao động bởi niệm khác (ngay cả khi làm việc cũng nên niệm Phật, không niệm ra tiếng nhưng niệm thầm). Chúc bạn tu hành tinh tấn!
A Di Đà Phật
Bạn Bảo thân mến,
“Nhất tâm” nghĩa chẳng có hai tâm. Bởi hai tâm là loạn tâm, tức vừa niệm Phật vừa nghĩ đến những chuyện phiền não. Nhưng nhất tâm nghĩa chỉ có tâm tha thiết, chí thành, chí nguyện, chí kính để niệm Phật, ngoải tâm nảy ra không còn tâm nào khác, được vậy tâm sẽ chẳng loạn. Muốn vậy tâm phải đoạn ác, tu thiện đó chính là tâm luôn trì giới.
TĐ
Chào chú TĐ, chú có thể cho con biết đc là tâm tha thiết là như thế nào ko ạh, chí nguyện là thế nào ko ạ. Con có mấy câu nhờ chú TĐ trả lời cho con. Và con rất muốn liên lạc với chú đểcó mấy câu hỏi chú cần chú giải đáp ạ, mong chú liên hệ với con qua email này đc ko ạ [email protected].
Mong sẽ sớm có hồi đáp của chú TĐ.
A Di Đà Phật
A Di Đà Phật
Bạn Fullname thân mến,
a. Tha thiết là như thế nào? Nói đúng nghĩa chính là tâm không giải đãi, không buông lung. Tâm này giống như người con lưu lạc ở nơi xa, tâm luôn hướng, nhớ về cha mẹ, và nguyện mong sẽ được về đoàn tụ bên cha mẹ. Cha Mẹ ví như Phật A Di Đà. Người con là ví cho chúng ta. Người niệm Phật nếu tâm không tha thiết sẽ thường sanh tâm giải đãi và buông lung nghĩa là thích thì niệm, không thích thì bỏ, hay hôm nay bỏ, mai, mốt niệm bù hay hôm nay tu pháp này, mai, mốt chán lại bỏ, tìm tu pháp khác. Niệm như vậy ắt không có ích lợi. Thiền Sư Hư Vân dạy niệm Phật như sau: Người niệm Phật giống như chuột gặm thùng gỗ. Chỉ nhằm đúng một chỗ rồi cứ thế mà gặm, ắt có ngày sẽ tìm thấy lối thoát. „Thùng gỗ“ ý Ngài ví như cái tâm phiền não và đầy thô trược đã huân tập từ vô lượng kiếp tới nay; „gặm“ ý dạy ở sự tha thiết niệm Phật. „Một chỗ“ ý chỉ một môn thâm nhập trường kỳ huân tu. Lối thoát chính là ngày đủ phước duyên để về cõi Phật.
b. Chí nguyện là như thế nào? Chí ý nói tới quyết tâm không sợ gian khổ, không chùn bước, không lui sụt. Nguyện là sự phát tâm đi theo đúng con đường mà mình đã chọn. Chí nguyện là vượt qua mọi thử thách, gian khổ trên đường đạo để đi đến con đường giải thoát về Cực Lạc.
TĐ
TB. bạn có thể hoan hỉ liên lạc với TĐ theo mail sau: [email protected]