Đức Như Lai khuyên tất cả chúng sanh phải thường tư duy và y theo lời kinh Phật dạy mà chuyên ròng, siêng năng tu thiện, bỏ ác làm lành, xả bỏ trần cảnh, hướng đến giác ngộ giải thoát. Phật dạy, đối với thiện pháp, dù là pháp thế gian hay xuất thế gian, cũng đều là của báu vô thượng nên phải kính trọng, không được bài xích hủy báng; lại phải nhân ái, từ bi cứu giúp tất cả mọi người, thì năm sự thiêu đốt, năm sự đau khổ mới hòng có lúc dứt tận.
Phật khuyên chúng sanh nên đoan chánh thân tâm cho tương ứng với điều thiện mình làm. Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Thế Tôn đã chỉ thẳng cách làm lành bậc nhất: “Nếu gặp việc thiện, trước nhất làm gì? Tâm phải tự đoan, thân phải tự đoan, mắt tai miệng lưỡi, đều phải tự đoan. Thân tâm đều giữ, thanh tịnh trong sạch, cùng thiện tương ưng, đừng theo tham dục, không phạm điều ác, sắc mặt lời nói, phải nên nhu hòa, hành thân phải chuyên, cử chỉ ngó nhìn, an định từ tốn, làm việc cẩn trọng, sau khỏi hối hận, vì không chân thật, luống uổng công phu”.
Nếu hiểu một cách thô thiển, “việc thiện” là làm việc lành; nhưng nếu xét theo Thật Ðế thì “việc thiện” chính là “tâm này làm Phật”.’
Nếu hiểu một cách thô thiển, thì câu “tâm phải tự đoan, thân phải tự đoan, mắt tai miệng lưỡi, đều phải tự đoan” có nghĩa là thân tâm đoan chánh như “điều phi lễ chẳng nhìn, việc phi lễ chẳng nghe”.Nhưng nếu phân tích ở mức độ sâu xa hơn nữa thì “tai đều tự đoan chánh” chính là pháp Nhĩ Căn Viên Thông “xoay trở lại nghe nơi tự tánh” của Quán Âm đại sĩ. Ðại Sĩ chẳng đuổi theo thanh trần mà xoay lại nghe nơi tự tánh; ấy chính là “đoan chánh nhĩ căn”. Cứ thế mà suy rộng ra thì không rong ruổi theo sắc trần, quay trở lại quan sát (thấy) tự tánh chính là “đoan chánh con mắt”. Thậm chí cho đến cả sáu căn chẳng rong ruổi theo sáu trần, chiếu rạng nguồn tâm thì mới thật là “tự đoan” bậc nhất.
Nếu hiểu một cách cạn cợt, thì “thân tâm đều giữ, thanh tịnh trong sạch, cùng thiện tương ưng” nghĩa là thân tâm ly cấu vô nhiễm, việc làm nơi thân, lời lẽ nơi miệng, sự suy nghĩ nơi ý đều là thiện lành cả. Nếu hiểu sâu hơn thì Thỉ Giác Trí khế hợp khéo léo với Bổn Giác Lý mới thật sự là cùng thiện tương ưng. Lại nữa, nếu suy xét đến mức rốt ráo thì điều thiện bậc nhất này cũng không ngoài ý nghĩa “chẳng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành”.
Trong Tịnh tông, điều thiện bậc nhất chính là pháp môn Niệm Phật của Ðại Thế Chí Pháp Vương Tử – Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, tự được tâm khai. Một tiếng Phật hiệu nhiếp trọn sáu căn nên sáu căn đều đoan chánh như Linh Phong đại sư từng bảo: “Phật hiệu gieo vào tâm loạn, tâm loạn chẳng thể chẳng thành tâm Phật”.
Tâm đã là Phật thì tự nhiên sáu căn đều là Phật; một tiếng Phật hiệu khiến cả sáu căn đều tự nhiên đoan chánh, tự nhiên thân tâm đều thanh tịnh trong sạch, tương ưng với tất cả các điều thiện; đấy chính là “tâm này là Phật”.
Phật khuyên răn chúng sanh nên bỏ lòng tham dục, dứt điều ác, an hòa, chuyên tinh, thành thật. Nếu tâm chẳng thường luôn niệm Phật thì tâm sẽ liền nhiễm ái trần cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) và phát khởi tham đắm ngũ dục làm phá hoại hết các thiện sự mà mình đã từng tu tập và tích lũy. Vì thế, đức Thế Tôn khuyên răn chúng sanh đừng theo tham dục mà phạm điều ác. Vả nữa, trong các món dục, dâm dục là độc hại nhất nên Phật buộc người xuất gia chú trọng đoạn dâm. Nếu có thể ly dục thì sẽ không phạm những điều ác khác.
Phật bảo đại chúng, phải nên thường gìn giữ phong cách “hòa nhan, ái ngữ” đối với hết thảy hữu tình. Ngôn ngữ hòa nhã chính là Ái Ngữ trong Tứ Nhiếp Pháp; vẻ mặt hòa nhã chính là dùng từ quang chiếu soi người khác. Thân hạnh phải chuyên nhất, chuyên chú, ròng rặc tinh tấn, thẳng tắp, không xen tạp, một bề chuyên niệm “A Di Đà Phật” không gián đoạn cho đến lúc chết liền thấy Phật A Di Đà, vãng sanh Cực Lạc. Thấy được Phật A Di Đà rồi thì sợ gì mà không khai ngộ chứ!
Phật căn dặn đại chúng, trong mọi việc thiện lành, nhất cử nhất động đều phải an tường, điềm tĩnh, thung dung, chẳng nên hấp tấp; vì nếu làm việc bộp chộp, không thận trọng, dè dặt và chân thật thì ắt sẽ bị thảm bại, luống uổng công phu tu trì, khiến phải hối hận về sau.
Biên soạn: Diệu Âm Trí Thành (Canada)
(Tài liệu tham khảo: Chú Giải Kinh Phật Thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác do Kim Cang thừa tam muội da giới đệ tử Hoàng Niệm Tổ.)
Các bạn oi sao mình xem kinh sách nói là tu thiền định có thể đắc đạo nhưng tại sao lại có rất nhiều vị thầy nói tu thiền không đắc đạo được chỉ được tâm thanh thản thôi.ông đạc ma tổ sư cũng nói vậy nhưng tại sao đức phật thích ca mâu ni tu thiền lại đắc đạo không hiểu gì cả các bạn nào biết không
Kính gửi Đạo Hữu PhuCanh:
Khi Phật còn tại thế, Ngài chỉ dạy rằng Phật pháp trong thế gian này nơi đời vị lai (sau khi Phật nhập Niết Bàn) sẽ trụ thế 12 ngàn năm, và được chia làm 3 thời kỳ: 1000 năm Chánh Pháp, 1000 năm Tượng Pháp, và 10.000 năm Mạt Pháp. Nhưng theo Luận Tỳ Bà Sa – Q18, vì Phật muốn độ cho nữ giới xuất gia nên Chánh Pháp bị giảm còn 500 năm.
* Thời kỳ Chánh Pháp: là sau khi Phật diệt độ, mới bắt đầu 500 năm Chánh pháp. Chánh pháp có nghĩa là ‘Chứng Pháp’. Thời kỳ này có giáo, có pháp, có hạnh, có người tu và có người chứng được pháp đã tu. Có đủ Giáo Hạnh. Chánh pháp tồn tại 500 năm, hết 500 năm là qua thời tượng pháp.
* Thời kỳ Tượng Pháp: là sau Chánh pháp, Tượng pháp tồn tại được 1.000 năm. Tượng có nghĩa là “Tương tự như Chánh pháp”, cũng có giáo, có pháp, có hạnh, có người tu nhưng ít người chứng ngộ. Hết 1.000 năm Tượng pháp là bước vào thời mạt pháp.
* Thời kỳ Mạt Pháp: là thời kỳ khởi đầu trước khi chuyển thành “vi mạt” hay “diệt tận”. Mạt Pháp tồn tại 10.000 năm. Lúc ấy vẫn còn có giáo pháp của Phật tồn tại, còn người tu nhưng không còn hạnh! Mạt pháp là thời kỳ Phật pháp bị hao mòn, teo tóp, suy vi, chánh tà lẫn lộn… cho đến khi Phật pháp bị tận diệt trên trái đất này. Khi chánh pháp của Phật bị tận diệt, tà thắng chánh, ác thắng thiện, chúng sanh lầm than khốn khổ, ăn nuốt lẫn nhau tạo ra bao ác nghiệp; cho đến khi Phật Di Lặc thị hiện mở hội Long Hoa trên thế gian này, hóa độ quần mê, tái lập lại Chánh pháp của Phật.
Phật dạy: Thời chánh pháp tu giới luật thành tựu, thời tượng pháp tu Thiền thành tựu, thời mạt pháp tu Tịnh độ (niệm Phật) thành tựu. Chúng ta phải tin nơi trí không thể nghĩ bàn, trí vô đẳng vô luân, trí rộng đại thừa, oai đức rộng lớn, trí tối thượng của Phật thì sẽ được lợi lớn.
Ngày nay Tượng pháp cũng đã qua lâu rồi. Mạt Pháp cũng trôi qua hơn 1.000 năm, và chỉ còn không quá 9.000 năm nữa thì “Mạt Pháp” cũng chấm dứt. Hiện nay Giáo pháp của Phật tuy còn, nhưng hạnh tu của chúng sanh quá thấp kém, hàng trăm triệu người tu chẳng tìm ra một người chứng ngộ.
Trong kinh Đại Tập, đức Phật nói rằng: “Thời đại mạt pháp hàng trăm triệu người tu hành, ít có một người đắc đạo, chỉ nương vào pháp môn niệm Phật sẽ qua được biển sinh tử”.
Thời đại mạt pháp, căn khí chúng sinh ngu si yếu đuối. Không nương tựa vào sức đại từ, đại nguyện của Đức Phật A Di Đà để có thể vượt qua biển sanh tử, thì trong ức ức vạn người tu khó có một người chứng ngộ. Vậy hãy cẩn thận tuân theo lời chỉ dạy của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật mà hết lòng chuyên nhất niệm hồng danh của Phật A Di Đà cầu sanh về Tịnh Độ.
Diệu Âm Trí Thành
Chú Diệu Âm cho Hạnh hỏi rằng:
Cách niệm Phật của Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông là “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”
Vậy khi trì danh niệm Phật đã là ý căn và thân (lưỡi) đã động rồi. Ý nghĩa chữ “ Niệm” khác với chữ “đọc niệm”. Vậy có phải Niệm Phật chỉ là 1 phương tiện thiện xảo giúp người sơ cơ được định tâm, lâu ngày khi gần thành thục, câu Niệm Phật cũng phải buông, đến Phật Pháp cũng buông. Lúc đó mới là niệm Phật vô tướng mà Đại Thế Chí dạy trong Kinh? Ý niệm Phật trong đầu không phải là “Tịnh Niệm” mà chỉ là “Thiện niệm”?
A Di Đà Phật.
Mong Diệu Âm giải đáp thắc mắc.
Nam Mô A Di Đà Phật
Kính thưa Liên Hữu Hạnh
Theo lý của Bát Nhã Tâm Kinh: Thật Tướng chẳng phải là vô tướng (sắc bất dị không), cũng chẳng phải là bất tướng (không bất dị sắc), nên mọi thứ hiện ra trong cõi Cực Lạc đều là Trung Đạo Thật Tướng, đều là diệu tướng vô lậu.
Toàn bộ hết thảy các kinh Tịnh độ vốn phát sanh từ 48 bi nguyện của Phật A Di Đà; và 48 bi nguyện này thu gọn lại chỉ còn sáu chữ hồng danh “Nam Mô A Di Đà Phật”. Vậy, câu Phật hiệu “A Di Đà Phật” chính là phương tiện thiện xảo giúp cho hành nhân từ nơi tướng (niệm Phật) mà nhập vào đạo vô tướng, từ nơi sự (niệm Phật) mà thấy chân. Cho nên pháp môn niệm Phật này chính là pháp môn vô tướng theo tinh thần của Trung Đạo Thật Tướng, Đệ Nhất Nghĩa Đế, chẳng bị rơi vào chấp “Có” của phàm phu và cũng chẳng thiêng lệch vào lý “thiên không” của Nhị Thửa Thanh Văn.
“Niệm Phật” gồm có hai nghĩa: “Niệm” là năng niệm, “Phật” là điều được niệm. “Phật” lại có hai thứ: Thứ nhất – Di Ðà bổn nguyện là tha lực đại đạo; chẳng cậy vào tự lực để tu thiện, nhất siêu trực nhập, nên “Niệm Phật” còn gọi là niệm đạo tự nhiên; Thứ hai – Niệm Phật được chứng bởi tam thừa là “vô vi tự nhiên”, tánh chẳng tạo tác, nên cũng gọi là niệm đạo tự nhiên.
Tuy “Niệm Phật” có hai nghĩa như trên đã nói, nhưng chủ yếu là nghĩa thứ nhất: Niệm Phật một cách tự nhiên, tự nhiên được vãng sanh chính là “niệm đạo tự nhiên”. “Trực chỉ xưng danh niệm Phật” là dùng tha lực của Phật A Di Đà để vượt thẳng ra khỏi tam giới là điều chánh yếu của Tịnh tông. Chổ vi diệu của pháp môn này là từ sự trì mà đạt đến lý trì, nên hành nhân chỉ cần ròng rặt niệm Phật thì tự nhiên đạt được những điều như “vô tác, vô vi” của Ngài Đại Thế Chí Pháp Vương Tử: “Nhiếp Trọn Sáu Căn, Tịnh Niệm Tiếp Nối, Tự Được Tâm Khai (thành Phật)”. Cho nên, Phật, Tổ mới bảo “niệm Phật là cách làm lành bậc nhất”.
Ở đây, “tự nhiên” chẳng có nghĩa là tự nhiên không do nhân gì như ngoại đạo thường nói, mà “tự nhiên” trong nhà Phật có nghĩa là pháp vốn như vậy. “Tự” là tự tánh, “nhiên” được hiểu là “bản nhiên thanh tịnh”. Tự tánh vốn sẵn thanh tịnh như vậy chính là Chân Như, Thật Tướng, như Lục Tổ Huệ Năng dạy: “Tự tánh vốn sẵn thanh tịnh”.
Như vậy, “niệm Phật tự nhiên” chính là niệm Thật Tướng, cũng chính là: hoàn toàn, chuyên chí chỉ nương vào tha lực của Phật A Di Đà để vượt thẳng ra khỏi tam giới. Tại sao? Bởi do Di Ðà bổn nguyện là tha lực đại đạo; nên chẳng cậy tự lực để tu thiện, nhất siêu trực nhập, nên Phật bảo là “niệm Phật tự nhiên”. Vì vậy, “vô vi vô tác” chính là “niệm Phật tự nhiên”. Những điều như vậy, đều là nói lên ý chỉ chánh yếu của Trung Ðạo. Nương theo tín, nguyện, trì danh là nương vào tha lực đại đạo, liền được vãng sanh Cực Lạc.
Sách Di Ðà Yếu Giải đã giảng: “Thật Tướng vô nhị mà cũng vô bất nhị. Vì thế, toàn thể làm y báo, chánh báo, làm pháp thân, làm báo thân, làm tự, làm tha, cho đến người nói, pháp được nói, kẻ độ, người được độ, người tin, vị Phật được tin, người phát nguyện, điều phát nguyện, người trì danh, danh hiệu được trì, người vãng sanh, cõi được vãng sanh về, người khen ngợi, vị Phật được khen ngợi. Không gì là chẳng được chánh ấn Thật Tướng in vào”.
Tóm lại, chuyên chí trì danh hiệu Phật, hoàn toàn nương vào tha lực của Phật A Di Đà để vượt thẳng ra khỏi tam giới, chính là niệm Thật Tướng, là con đường trang nghiêm để nhất siêu trực nhập. Con đường như vậy, pháp tánh của nó vốn sẵn “tự nhiên”.
Vì thế đức Thích Ca Mâu Ni Phật dạy:- “Ông nay khéo trì cẩn thận chớ để quên mất. Quá khứ, hiện tại, vị lai tam thế chư Phật đều nói Niệm Phật tam muội như vậy. Ta và thập phương chư Phật và ngàn đức Phật trong Hiền kiếp từ lúc mới phát tâm đều do sức của Niệm Phật tam muội mà đắc Nhất Thiết Chủng Trí”.
Ngài Linh Phong Đại Sư giảng rằng: Pháp môn Tịnh độ này hoàn toàn là ở chỗ hiểu rõ: tha Phật chính là tự Phật. Nếu chấp dính vào “tha Phật”, thì chính là “tha kiến” chưa hết. Nếu thiên trọng “tự Phật”, lại là vì còn “ngã kiến” điên đảo.
Nếu chẳng thể hoàn toàn tin ưa sâu xa nơi thế giới Cực Lạc, thì hai thứ lợi ích “vui Tịnh Ðộ, chán Sa Bà” còn chẳng phát sanh nổi, huống là “ngộ nhập được đức Phật nơi lý tánh”. Chỉ có người hoàn toàn tin tưởng và nương tựa vào “Phật Tha Lực”, thì mới có thể phát huy được sự trì tinh tấn, ngày đêm không gián đoạn; do sự trì như thế ấy mà tự nhiên thấu đạt lý trì; tức “thu nhiếp sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, tự được, tâm khai”.
“Thấu đạt lý trì” là hiểu rõ: Phật A Di Ðà hiện tiền trong tâm mình chính là bổn tánh của mình đang hiện rõ. Người hoàn toàn nương vào “Phật tha lực” siêng năng ròng niệm Phật, thì tự nhiên ngầm thông được với Phật trí, thầm hợp đạo mầu; sau khi vãng sanh cõi kia, thấy Phật nghe pháp, liền thành tựu huệ thân, chẳng do người khác mà ngộ, mà do mình tự ngộ; nên Linh Phong Đại Sư mới bảo là: “Pháp môn Tịnh độ này hoàn toàn là ở chỗ hiểu rõ: tha Phật chính là tự Phật”.
Lại nữa, người nhất tâm, ức niệm danh hiệu Phật, chẳng xen tạp một pháp trợ tu nào khác, tự nhiên gây lực cảm ứng với Bổn Nguyện của Phật A Di Đà, cho nên “quả đức đã thành tựu của A Di Đà Phật” liền trở thành cái nhân hạnh của mình; do đó sẽ mau chóng thành tựu các đức và được vãng sanh.
Vậy, câu “chỉ nương tựa hoàn toàn vào tha lực Phật” trong Tịnh tông cũng có ý nghĩa là: “chuyên tu pháp Trì Danh, không xen tạp”, phế bỏ các pháp tu trợ hạnh khác, chỉ lập một hạnh Trì Danh niệm Phật, từ sự trì này mà đạt được lý trì, tức lý “Nhất Tâm”.
“Nhất tâm” là cái nhân chân chánh của thanh tịnh báo độ; cho nên, người đạt được công phu “Niệm Phật Nhất tâm”, cũng chính là đạt được kim cang chân tâm, vượt ngang khỏi năm đường tám nạn, vãng sanh Cực Lạc, chứng ngay địa vị A-bệ-bạt-trí. Như vậy, “Phật Tha Lực” bổng dưng biến thành “Phật Tự Lực” của chính mình; đây là chổ vi diệu cùng cực của Pháp môn Tịnh độ, còn gọi là “Tha Lực Môn”.
Dựa trên những lý luận trên, ta thấy: Từ nơi Tự Lực nhất tâm niệm Phật mà có thể chiêu cảm được Phật Tha Lực. Ngược lại, từ nơi Phật Tha Lực mà đắc thanh tịnh tâm và thành tựu Phật Trí. Vậy Tự lực có khác gì với Tha lực! Nên cổ đức mới nói: “Tự vốn chính là tha, tha cũng chính là Tự”.
Kính chào quý Thầy! Con là Phật tử tại gia, mỗi khi niệm phật là con không nghĩ ngợi gì cả. Lâu dần, mọi người cứ nói con ngơ ngơ ngẩn ngẩn, phản xạ chậm chạp.Gỉa dụ khi nhóm than củi, các tàn lửa bắn ra, con thấy bình thản, chẳng có gì lo sợ. Kính hỏi quý Thầy con niệm Phật như trên đã đúng cách chưa? Xin lỗi vì đã làm phiền quý Thầy! Con xin cảm ơn!
Chào bạn, tu tập đúng pháp 1 thời gian thì với những việc thường tình của thế giam thấy dần tan nhạt, đến đi đều bình thản. Vì vậy nếu người thân bạn nói “ngơ ngẩn” thì bước đầu có thể coi là tốt. Tuy nhiên, để kết luận có tốt thật không thì quan trọng là bạn phải xem các nghĩa vụ hàng ngày bạn “phải” làm bạn có làm được tốt và tốt hơn hay không: ví dụ hoàn thành việc học hoặc công việc như thế nào, chăm lo gia đình con cái/nhà cửa thế nào, và ứng phó với các tình huống “khó nhằn” có bình tĩnh, trôi trảy hơn hay không.
Tất nhiên cái này phải khéo quán sát: cái gì là nghĩa vụ phải làm, cái gì là không cần thiết. Cái không cần thiết mà cứ làm thì đó lại là phan duyên/chuốc lấy phiền não (ví dụ như việc làm từ thiện vậy, rất nhiều Phật tử chỉ vì nhất quyết muốn tu bố thí mà thành ra phan duyên, tâm luôn để nơi làm thế nào để bố thí cho người nghèo. Đây là lòng từ bi chưa có trí huệ và chỉ đem lại phước báo hữu lậu thôi. Bố thí đúng pháp là sẵn sàng làm hết mình khi có cơ hội/nhân duyên, không để tâm tìm & cưỡng cầu, không đánh giá Phật tử khác không bố thí như mình là không từ bi, v.v).
Tu tập có định lực với cư sĩ tại gia phải được thử thách trong đời sống hàng ngày: hòa quang đồng trần với đại chúng, không nghĩa vụ chi không làm mà trong tâm dần không “ghi” lại. Những cái này người tu hiểu lẽ phải tự quán sát, không cần thiết phải nghĩ tới nhiều & hỏi tới. Bạn nghe bài giảng về 10 hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền để rõ thêm nhé. Nghe đi nghe lại.
A Di Đà Phật!