Quan Thế Âm tiếng Phạn là “Avalokitesvara” dịch sang tiếng Hán là Quan Thế Âm hay Quán Tự Tại… Danh hiệu Quan Thế Âm, nghĩa là quan sát tiếng kêu than của chúng sanh trong thế gian để độ cho họ thoát khổ.
Kinh Bi Hoa cho biết ở vào đời quá khứ có đức Phật ra đời hiệu là Bảo Tạng Như Lai. Thời đó có vua Chuyển Luân Thánh Vương là Vô Chánh Niệm, vua có quan đại thần là Bảo Hải, phụ thân của đức Bảo Tạng khi chưa xuất gia đối trước Đức Phật Bảo Tạng phát ra 48 đại nguyện. Do đó, Đức Bảo Tạng thọ ký cho Vua (khi đó đã là Pháp Tạng Tỳ Kheo) sau này thành Phật hiệu là A Di Đà ở vào thế giới Cực Lạc. Vua Chuyển Luân có nhiều con, con cả là Thái Tử Bất Tuấn cũng do ngài Bảo Hải khuyến tấn. Thái Tử cũng đi xuất gia theo cha và đối trước Đức Bảo Tạng Như Lai phát ra đại nguyện đại bi thương xót, cứu độ tất cả các loài hữu tình chúng sanh bị khổ não. Vì vậy Đức Bảo Tạng thọ ký cho Thái Tử thành Bồ Tát hiệu là Quan Thế Âm, còn Bảo Hải là tiền thân của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Đức Bảo Tạng thọ ký cho Thái Tử rằng: “Vì lòng đại bi Ông muốn quán niệm cho tất cả chúng sanh được cùng về cõi Cực Lạc. Vậy từ nay đặt tên cho Ông là Quan Thê Âm….”
Theo Kinh Thủ Lăng Nghiêm thì có chép lời Ngài bạch với Đức Thế Tôn rằng: “Con nhớ cách đây vô số hằng hà sa kiếp về trước có Đức Phật ra đời hiệu là Quan Thế Âm, từ Đức Phật kia dạy con, do nghe, nghĩ và tu mà vào Tam Ma Đề”. Do đó nên biết: Ngài đã phát tâm Bồ Đề từ đời Đức Phật Quan Thế Âm trong vô số hằng hà sa kiếp về trước do nghe Phật truyền pháp, Ngài đã nhận định pháp tu Viên Thông về nhĩ căn là hơn tất cả, do Ngài đã chứng viên thông ở nhĩ căn nên được Đức Phật thọ ký cho Ngài danh hiệu Quán Thế Âm, một danh hiệu mà chúng sanh ở mười phương cung kính chấp trì, nhất là trong những lúc nguy hiểm, đau khổ.
Như Kinh Quán Âm Tam Muội có nói: “Xưa kia Ngài Quán Thế Âm đã thành Phật hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai. Tiền thân Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật hồi ấy đã từng ở dưới pháp tòa, sung vào trong số đệ tử khổ hạnh để gần gũi”. Ngày nay Đức Bổn Sư thành Phật, thời Ngài trở lại làm đệ tử để gần gũi lại, cho nên có thể nói: ”Một Đức Phật ra đời thì hàng ngàn Đức Phật phù trì”.
Còn trong Kinh Đại Bi Tâm Đà Na Ni thì chép lời Ngài bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn ! Con nhớ vô lượng ức kiếp trước có Đức Phật ra đời hiệu là Thiên Quan Vương Tĩnh Trụ Như Lai. Đức Phật ấy vì thương đến con và tất cả chúng sanh nên nói ra môn Đại Bi Tâm Đà La Ni. Ngài lại dùng cánh tay sắc vàng xoa đầu con mà bảo:”Thiện Nam Tử ! Ông nên thọ trì tâm chú này và vì khắp tất cả chúng sanh trong cõi trược ở đời vị lai mà làm cho họ được sự lợi ích yên vui lớn.””
Ngoài ra, chúng ta cũng đã nghe nói về hạnh nguyện của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát qua Phẩm Phổ Môn, Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Ngài cũng đã nhiều lần thị hiện nơi cõi Ta Bà, dùng phương tiện thiện xảo để dẫn dắt chúng sanh, khiến cho tất cả đều lìa khổ được vui, phá mê khai ngộ qua các mẫu chuyện như: Quan Âm Bán Cá, Quán Âm Diệu Duyên, Quan Âm Diệu Thiện, Quan Âm Thị Kính… Nói chung thì Những Mẫu Chuyện Linh Ứng Của Quán Thế Âm Bồ Tát hãy còn rất nhiều.
Nói tóm lại, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát trong đời quá khứ lâu xa về trước đã thành Phật rồi nhưng vì lòng đại từ đại bi thương yêu hết thảy chúng sanh nên Ngài nguyện làm bồ tát để cứu khổ cứu nạn và tiếp dẫn vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc với những ai thành tâm tin tưởng và trì niệm danh hiệu Ngài. Ngài nguyện khi nào độ hết chúng sanh thì mới thành Phật. Do đó đoạn phim sau đây sẽ trình bày tường tận về việc Ngài được thọ ký thành Phật ở Tây Phương Cực Lạc sau khi Đức Phật A Di Đà nhập Niết Bàn. Chuyện này còn rất lâu vì phải độ hết chúng sanh hơn nữa Đức Từ Phụ A Di Đà Phật còn gọi là Vô Lượng Thọ Phật nên thọ mạng rất là dài, không thể tính đếm được.
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Kim Quang Sư Tử Du Hí Như Lai
Nam Mô Phổ Quang Công Đức Sơn Vương Như Lai
Nam Mô Thiện Trụ Công Đức Bảo Vương Như Lai
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát!
Nguyện cho con sớm lên thuyền Bát Nhã.
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát!
Nguyện cho con sớm lên thuyền Đại Bi.
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát!
Nguyện cho con sớm nhất tâm niệm Phật.
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát!
Nguyện cho con sớm vãng sanh Cực Lạc.
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát!
Nguyện cho con sớm chứng quả Vô Sanh.
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát!
Nguyện cho con sớm thành tựu Bồ Đề.
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát!
Nguyện cho con sớm độ hết chúng sanh.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Xin chào Viên Trí
Nhân mùa vu lan tháng 7 mình muốn làm mâm cơm chay cúng trong nhà vào ngày rằm ( tức 15 âm lịch ) và tự đọc kinh vu lan báo hiếu hây mình có thể mở kinh trên mạng do thầy tụng rồi mình lạy theo có được không ? Trước là cúng trong nhà có thờ quan âm và cửu huyền và sau mời ba, mẹ lai dùng cơm. Mình không có làm gì nhiều nên không thỉnh thầy chỉ làm 1 mâm cúng xong rồi dùng vậy thôi. Sau khi đọc hoặc mở máy trên mạng thầy tụng xong mình có thể hồi hướng cho cha, mẹ và oan gia trái chủ của mình trong nhiều đời nhiều kiếp được siêu sanh, có được không ? Mình không hiểu biết nhiều mong viên trí chỉ dẩn thêm. Rất mong hồi âm. A Di Đà Phật
Đọc Kinh hay lạy Phật với tâm chân thành, thanh tịnh đều có công đức như nhau, tùy bạn chọn lựa, hoặc làm cả hai đều tốt.
Phần cúng cơm phải cúng chay bạn nhé. Cúng đồ mặn trên bàn thờ là chẳng phải hiếu mà còn gán thêm cái tội sát sanh cho cửu huyền thất tổ. Bản thân lại còn bị tổn giảm phước đức rất nhiều mà ko hay…
Cuối cùng, tu hành là việc nỗ lực của cá nhân mỗi người, công đức có được hay ko là do sự dụng công tu tập của mỗi người, chứ không nên ỷ lại vào máy tụng Kinh hay máy niệm Phật, máy móc không có thay cho tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với cha mẹ được, chỉ có thật làm, thật tu mà dùng công đức đó hồi hướng cho cha mẹ và chư vị oan gia thì mới hợp đạo lý, mới đúng như pháp.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Xin cám ơn phúc đáp của cư sỉ tịnh thái. Mình theo dõi chờ phúc đáp hoài mà không thấy nên mình tự làm cơm chay cúng và vừa tụng kinh vu lan vừa lạy phật luôn và sau khi hồi hướng cho cửu huyền thất tổ và oan gia trái chủ xong thì mình lui ra và mở kinh trên mạng do thầy tụng và để đó cho đến khi hết đĩa thì mới dùng cơm. A Di Đà Phật
Nếu có người cúng dường vô số bồ tát khắp mười phương thì công đức ấy cũng bằng cúng dường một mình bồ tát Quán Thế Âm.
Pháp Hoa Kinh: “Nhược hữu nhân thọ trì lục thập nhị ức Hằng hà sa Bồ Tát danh tự, phục tận hình cúng dường; nhược phục hữu nhân, thọ trì Quán Thế Âm Bồ Tát danh hiệu, nãi chí nhất thời lễ bái cúng dường, thị nhị nhân phước, chánh đẳng vô dị” (Nếu có người thọ trì danh hiệu của sáu mươi hai ức Hằng hà sa Bồ Tát và lại suốt đời cúng dường; rồi lại có người thọ trì danh hiệu của Quán Thế Âm Bồ Tát, cho đến lễ bái, cúng dường trong một lúc thì phước của hai người ấy giống hệt như nhau không sai khác).
Quán Thế Âm Bồ Tát Bổn Tích Cảm Ứng Tụng
Nam Mô A Di Đà Phật
Kính thưa thầy, thưa chư vị thiện tri thức,
Con có một thắc mắc thế này: Con hàng ngày đều qua chùa thắp nến thơm cúng dường đèn Quán Thế Âm Bồ Tát. Nhưng con phát hiện ra hàng ngày đều thấy những con vật nhỏ bị chết trong cây đèn cây nến đó, con đoán là do mùi hương mà tụ lại rồi bị lửa làm cháy cánh. Ngày nào con cũng thấy hôm thì ruồi hôm thì nhện hôm thì kiến,… Một số ngày đầu tiên thấy như vậy thì con cũng thay cốc nến mới. Nhưng sau vẫn có nhiều con vật bị như vậy. Vậy:
+) Đó là nến cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát nên con cũng không dám bỏ đi hay cúng dường vị khác. Khi có con vật bị chết trong đó rồi thì con nên làm thế nào ạ?
+) Con rất muốn cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát nhưng cứ như vậy thì lại có nhiều con vật chết hơn,tiếp như vậy thì không khác nào cố ý sát sanh vậy ,con nên xử lý thế nào ạ?
+) Nhân của việc này là thế nào ạ, nến cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát mà cũng có con vật vị sa vào đó mà mất mạng, Con không hề đem lòng nghi ngờ nhưng con đoán chắc hẳn có nhân gì ở đây mà những con vật đó bị như vậy ạ?
Vậy mong chư vị thiện tri thức từ bi hoan hỉ trả lời giúp con, con xin muôn phần biết ơn
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát Tầm Thanh Cứu Khổ Cứu Nạn Quảng Đại Linh Cảm Bạch Y Quán Thế ÂM Bồ Tát
Nam Mô A Di Đà Phật
Kính thưa thầy, chư vị thiện tri thức,
Hôm nay con bị ốm, sốt. Con đành ngồi quán sát, suy xét lại những việc con làm. Chợt nhận ra con đặt câu hỏi bên trên thật không đúng, trong lúc mê muội, chưa suy nghĩ kĩ mà đặt câu hỏi. Như vậy không tốt, là không hiểu chánh pháp. Suy xét sâu xa sẽ làm một số chư vị mất tín tâm,vân vân… Không mang lại lợi ích cho mọi người. Con đã thấy lỗi.
Vậy kính mong chư vị, chư thiện tri thức từ bi, hoan hỉ cho con sám hối. Xin sám hối, xin sám hối,… Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát.!
Trong lúc quán sát, suy xét, con đã tìm ra câu trả lời cho câu hỏi trên của con.
Con chân thành cảm ơn,
Chúc quý đạo hữu an lạc, tu tập được lợi ích.
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát Tầm Thanh Cứu Khổ Cứu Nạn Quảng Đại Linh Cảm Bạch Y Quán Thế ÂM Bồ Tát
A Di Đà Phật
Chào bạn Nguyễn Đạt!
Bạn có lỗi chi đâu nhỉ! Mấy ngày qua thật tình là MD không đọc comment của bạn, nếu đọc thì trong giới hạn sự hiểu eo hẹp MD đã phúc đáp lại rồi. Có nghi ngờ thì hỏi, biết thì phúc đáp, nhân đó vừa giải tỏa được mối nghi vừa lại giúp những người khác tăng trưởng tín tâm, đều lợi lạc cả.
Về thắc mắc trên, MD xin hỏi ngược lại: khi con ruồi sa vào đĩa mật thì tại cái đĩa mật hay tại con ruồi? Con người hay các con vật dù nhỏ đều có số mạng chung, vì vậy cho dù đĩa mật không đặt ở đó, con ruồi cũng phải sa vào chỗ khác mà chết, đĩa mật chỉ là cái cớ không phải là nguyên nhân gây ra cái chết. Nguyên nhân chết là mạng sống đã hết.
Cúng dường Phật- Bồ Tát có công đức rất lớn, khi đốt đèn dâng Phật nhờ ánh sáng tôn nghiêm mà có rất nhiều linh hồn vất vưởng nhìn thấy được ánh sáng mà thức tỉnh khỏi u mê.
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Xin cảm ơn Mỹ Diệp Đã phúc đáp.
Nam Mô A Di Đà Phật
Nhân đây, rằng Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Linh Cảm thật chẳng mảy may sai một chút nào. Điều này chắc chắn đúng, không sai khác, chúng ta phải thực sự tin tưởng, thần lực nhiệm mầu của Bồ-tát Quán Thế Âm, có đủ khả năng giúp chúng sinh tai qua nạn khỏi, đạt được kết quả như ý muốn.
Quan Thế Âm Bồ Tát là đại từ đại bi đại linh cảm. Quan Thế Âm không phải là một vị Bồ tát thông thường, chưa thành Phật. Khi xưa kia Ngài đã thành Phật hiệu là “Chánh Pháp Minh Như Lai”. Ngài thị hiện làm Bồ Tát vì muốn đảm đương công tác cứu khổ ban vui cho chúng sanh.
Ý nghĩa Quán Thế Âm Bồ Tát là:
Quán là quan sát, tìm hiểu và biết rõ ràng về chúng sinh, sự việc.
Thế là cuộc đời, cuộc sống dân gian.
Âm là tiếng cầu cứu, tiếng thỉnh cầu phát ra từ những nơi khổ đau.
Bồ Tát là độ thoát cho loài hữu tình, giải cứu, hướng đạo cho chúng sanh, giúp vượt qua những điều cơ cực, hiểm nguy trong cuộc đời.
* Nghĩa là Bồ Tát quán chiếu, suy xét, lắng nghe tiếng kêu cứu, tiếng đau khổ của thế gian mà hiện ngay nơi đó để cứu độ chúng sanh thoát hiểm nguy.
12 Đại Nguyện Của Quán Thế Âm Bồ Tát
Nguyện Thứ Nhất:
Khi thành Bồ Tát
Danh hiệu tôi: Tự Tại Quán Âm
Mười hai lời nguyện cao thâm
“Nghe tiếng cứu khổ” Quán Âm thề nguyền.
(Được xưng tặng là hiểu biết đầy đủ thông dong hoàn toàn, Ngài đem pháp tu hành mà khuyên độ khắp cùng ).
Nguyện Thứ Hai:
Không nài gian khổ
Quyết một lòng cứu độ chúng sanh
Luôn luôn thị hiện biển đông
Vớt người chìm đắm, khi dông gió nhiều.
(Ở trong một niệm tâm được tự tại vô ngại, Ngài nguyện thường ở biển phương Nam (Nam Hải)để cứu độ chúng sanh ).
Nguyện Thứ Ba:
Ta Bà ứng hiện
Chốn U Minh nhiều chuyện khổ đau
Oan oan tương báo hại nhau
Nghe tiếng than thở, mau mau cứu liền.
(Luôn ở cõi Ta Bà và cõi U-Minh, Ngài cứu độ kẻ nào kêu cầu tới Ngài ).
Nguyện Thứ Tư:
Hay trừ yêu quái
Bao nhiêu loài ma quỉ gớm ghê
Độ cho chúng hết u mê
Dứt trừ nguy hiểm, không hề nhiễu nhương.
(Trừ khử loài tà ma, yêu quái, Ngài có đủ sức cứu người gặp nguy hiểm ).
Nguyện Thứ Năm:
Tay cầm Dương Liễu
Nước cam lồ rưới mát nhân thiên
Chúng sanh điên đảo, đảo điên
An vui mát mẻ, ưu phiền tiêu tan.
(Ngài nhành dương liễu dịu dàng nhúng vào nước ngọt mát trong cái bình thanh tịnh để rưới tắt lửa lòng của chúng sanh ).
Nguyện Thứ Sáu:
Thường hành bình đẳng
Lòng từ bi thương xót chúng sanh
Hỷ xả tất cả lỗi lầm
Thường hành bình đẳng, chúng sanh mọi loài.
(Thương xót người đói và sẵn lòng tha thứ, Ngài không phân biệt kẻ oán người thân, tất cả đều coi như nhau).
Nguyện Thứ Bảy:
Dứt ba đường dữ
Chốn ngục hình, ngạ quỉ, súc sanh
Cọp beo . . ., thú dữ vây quanh
Quán Âm thị hiện, chúng sanh thoát nạn.
(Đêm ngày đi khắp đó đây để cứu giúp chúng sanh ra khỏi các sự tổn hại, Ngài nguyện cứu vớt chúng sanh ra khỏi ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, và súc sanh ).
Nguyện Thứ Tám:
Giải thoát còng la
Nếu tội nhân sắp bị khảo tra
Thành tâm lễ bái thiết tha
Quán Âm phò hộ, thoát ra nhẹ nhàng.
(Nếu ai quay về núi hướng nam mà hết lòng cầu nguyện thì dầu có bị gông cùm xiềng xích cũng được thoát khỏi ).
Nguyện Thứ Chín:
Cứu vớt hàm linh
Trên con thuyền Bát Nhã lênh đênh
Bốn bề biển khổ chông chênh
Quán Âm độ hết, đưa lên Niết Bàn.
(Dùng phép tu hành để làm chiếc thuyền, Ngài đi cùng trong biển khổ để độ hết chúng sanh ).
Nguyện Thứ Mười:
Tây Phương tiếp dẫn
Tràng hoa thơm, kỹ; nhạc, lộng tàn
Tràng phan, bảo cái trang hoàng
Quán Âm tiếp dẫn, đưa đàng về Tây.
(Nếu ai cầu nguyện và tu hành theo Ngài chỉ dẫn, khi rời bỏ xác thân này thì sẽ có phước dài đi trước, tàng lọng quý giá theo sau, để rước về Tây Phương).
Nguyện Thứ Mười Một:
Di Đà thọ ký
Cảnh Tây Phương, tuổi thọ khôn lường
Chúng sanh muốn sống miên trường
Quán Âm nhớ niệm, Tây Phương mau về.
(Ở giới của Đức Vô Lượng Thọ (tức Phật A Di Đà), Ngài đã được cho biết trước là về sau Ngài sẽ thay thế Đức Phật A Di Đà ở ngôi vị đó ).
Nguyện Thứ Mười Hai:
Tu hành tinh tấn
Dù thân nầy tan nát cũng đành
Thành tâm nghiêm chỉnh thực hành
Mười hai câu nguyện độ sanh đời đời.
(Được thân hình nghiêm trang không ai so sánh được với Ngài, ấy là kết quả của sự tu theo mười hai lời nguyện lớn ấỵ ).
-Trích chuagiachoang.com –
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát Tầm Thanh Cứu Khổ Cứu Nạn Quảng Đại Linh Cảm Bạch Y Quán Thế ÂM Bồ Tát