Pháp môn niệm Phật của chúng ta cũng là tu chỉ quán. Trong niệm Phật đường thường hay nhắc nhở mọi người “buông xả vạn duyên”, đó là “chỉ”; “đề khởi Phật hiệu”, đây chính là “quán”. Từ đó cho thấy, “chỉ quán” chính là Thiền định. Niệm Phật đâu có phải là không tu Thiền? Thế Tôn ở trong kinh Đại Tập nói cho chúng ta biết, pháp môn niệm Phật là “vô thượng thâm diệu Thiền”, đạo lý là ở chỗ này. Cho nên không có Thiền định thì chắc chắn không thể khai trí tuệ. Chúng ta biết, pháp môn niệm Phật thật sự là “vô thượng thâm diệu Thiền”, bạn còn khởi tâm động niệm muốn đi học Thiền, muốn đi ngồi Thiền, vậy là sai rồi. Bạn đã và đang tu “vô thượng thâm diệu Thiền” nhưng bạn không biết, không biết sự thù thắng của pháp môn mình đã tu…
Phật ở trong Kinh Đại Tập nói được rất rõ ràng “trì danh niệm Phật là vô thượng thâm diệu thiền”: Chỉ dùng câu Phật hiệu này để dập tắt hết tất cả vọng niệm. Thật biết dụng công thì phải dùng như thế nào? Khi ý niệm vừa khởi lên, cho dù cái ý niệm này là niệm thiện hay là niệm ác, chỉ cần một ý niệm vừa khởi lên thì A Di Đà Phật, liền quay lại với A Di Đà Phật, đó gọi là biết niệm, không để cho ý niệm của bạn tiếp nối, cho nên người xưa nói “không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”.
Niệm là ý niệm khởi lên, thiện niệm ác niệm đều không hề gì, nó sẽ khởi tập khí nhưng khi nó vừa khởi lên lập tức liền giác ngộ, cái gì gọi là giác ngộ? Một câu A Di Đà Phật chính là giác ngộ, đánh chết cái ý niệm này đi, đổi thành A Di Đà Phật, khi không khởi niệm thì không khởi A Di Đà Phật cũng không hề gì, vừa có ý niệm, cái ý niệm thứ hai thì là A Di Đà Phật, con người này công phu liền có lực, con người này niệm Phật thì nắm chắc vãng sanh Thế Giới Tây Cực Lạc, cho nên chúng ta có thể vãng sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc hay không, chỉ cần xem chính chúng ta nghĩ lại xem có được cái công phu này không? Không có công phu này thì vọng niệm nối nhau, niệm niệm tiếp nối vậy thì phiền phức, vậy thì làm sao? Do công phu niệm Phật của chúng ta chưa đủ, tâm cảnh giác của chúng ta chưa cao, vẫn chưa có cách gì thay thế được, nỗ lực đem câu A Di Đà Phật niệm cho quen thuộc, thuần thục rồi thì tự nhiên cảnh giới này liền hiện tiền.
Chỉ cần ý niệm khởi lên, chính là A Di Đà Phật. Cho nên dùng 1 niệm, chính là 1 niệm A Di Đà Phật này, đánh bạt hết tất cả các vọng niệm, bạn phải nên biết chỉ cần là ý niệm đều là vọng niệm. Cái gì gọi là chánh niệm? Không có ý niệm gọi là chánh niệm, không có ý niệm mà rõ ràng tường tận, thông suốt, thấu đáo thì mới gọi là chánh niệm, nếu như không có ý niệm, cái gì cũng đều không biết, mê hoặc, điên đảo thì đó gọi là vô minh. Vậy thì cũng sai lầm, cho nên Phật dạy chúng ta chấp trì danh hiệu thật là rất hay vậy! Mỗi niệm là A Di Đà Phật, đó là giác quán, có giác có quán, không khởi tất cả vọng niệm, không có bất cứ ý niệm nào, đó gọi là định, đó là thiền định. Cho nên trong định có huệ, trong huệ có định thì niệm câu A Di Đà Phật làm sao không phải là thâm diệu thiền chứ!
Phải nên biết một câu Nam Mô A Di Đà Phật này chính là Vô Thượng Thâm Diệu Thiền, chính là ở ngay chỗ này, chúng ta nói “Xuất thế gian thượng thượng thiền”, bạn không nên xem thường nó, vì sao vậy? Bạn nghĩ thử xem, thế gian thiền tu thành Tứ Thiền Bát Định, không chỉ là trời Sắc giới, trời Vô Sắc giới mà thôi, xuất thế gian thiền tu thành công cũng chẳng qua là pháp giới bốn thánh, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát, Phật mà thôi. Một câu A Di Đà Phật này bạn niệm thành công thì đến thế giới Cực Lạc. Thế giới Cực Lạc không ở mười pháp giới, nó cùng với trên Kinh Hoa Nghiêm đã nói Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa là bình đẳng, nó không phải xuất thế gian thượng thượng thiền là cái gì? Nếu như chúng ta hiểu rõ cái đạo lý này, hiểu rõ được chân tướng sự thật, thì kiên quyết một lòng niệm A Di Đà Phật. Thiên kinh vạn luận đều đang khuyên bảo chúng ta, đều là đang chỉ đạo chúng ta một phương hướng như vậy, một mục tiêu như vậy, nếu bạn có thể tiếp nhận thì bạn là người thượng thượng căn, vì sao vậy? Ngay đời này bạn thành Phật, cho nên bạn có thể nói niệm Phật không phải là thiền hay sao? Người tu thiền nếu không thể hồi hướng vãng sanh Tịnh Độ, vậy thì kém rất xa so với người niệm Phật, có so thế nào cũng không thể so được. Học giáo thì càng không cần phải nói, đó là ở giáo hạ. Các vị nghĩ muốn học Hoa Nghiêm, thật học Hoa Nghiêm họ tu cái gì? Ở trên Kinh Hoa Nghiêm, Bồ-tát Văn Thù, Bồ-tát Phổ Hiền đều là niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, làm tấm gương tốt cho chúng ta.
Chúng ta phải hiểu, có rất nhiều người nói Thiền nói Tịnh, tách Thiền và Tịnh ra, đó là gì vậy? Đó là họ đã không hiểu Thiền cũng không hiểu Tịnh. Nếu thật sự thông đạt hiểu rõ thì Thiền Tịnh là một, nhưng cách thức khác nhau, điều này phải hiểu.
Trích lời HT. Tịnh Không giảng từ:
– PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH (tập 75).
– Đại Sư Huệ Năng Giảng Về Nhập Môn Tu Thiền.
– Hoa Nghiêm Áo Chỉ (tập 20).
“- Tham Thiền cần phải lìa tưởng; niệm Phật lại chuyên tưởng. Vì chúng sanh trầm luân trong vọng tưởng đã lâu nên lìa vọng tưởng thật khó. Nếu có thể biến đổi nhiễm tưởng thành tịnh tưởng thì đó là dùng độc trị độc, là cách thay đổi mà thôi. Vì thế, tham cứu khó ngộ, niệm Phật dễ thành. Nếu tâm thật sự khẩn thiết vì lẽ sanh tử, dùng cái tâm tham cứu niệm Phật thì còn lo chi trong một đời chẳng giải thoát nổi sanh tử nữa?
– Niệm Phật chính là tham thiền, nào phải là hai pháp. Nghĩa là:
Trong lúc niệm Phật, trước hết, tưởng hết thảy phiền não, vọng tưởng, tham, sân, si, ái, các thứ ý niệm tạp loạn trong lòng mình đều buông bỏ hết, buông bỏ đến mức không còn gì để buông bỏ nữa. Chỉ đề khởi mỗi một mình câu A Di Ðà Phật vằng vặc phân minh chẳng đoạn trong tâm giống như sợi chỉ xuyên suốt qua từng hạt châu. Lại giống như mũi tên khi cắm ngập [vào đích] chẳng hở trống mảy may nào!
Dốc sức vào định như thế, trong hết thảy nơi chẳng bị cảnh duyên lôi kéo, đánh mất. Ðối với mọi sự động tịnh hằng ngày chẳng bị tạp loạn, ngủ thức đều giống hệt như nhau. Niệm cho đến lúc lâm chung, nhất tâm bất loạn thì chính là lúc siêu sanh Tịnh Ðộ vậy.”
Trích yếu Mộng Du Tập của đại sư Hám Sơn Ðức Thanh đời Minh
kính thưa các liên hữu, nhờ liên hữu nào có duyên thì chuyển những thắc mắc này của mình đến PS Tịnh Không hoặc ai đó giải đáp giùm mình với. mình chân thành cảm ơn trước nhiều nhé!
1. tới đến năm 2018 thì Phật lịch là 2561 năm. 5 năm ở cõi người bằng 1 ngày ở Cực Lạc (mình nghe nói như vậy). 2561 chia cho 5 sẽ bằng 512 ngày. khi Phật còn đang tại thế, Phật thuyết kinh A Di Đà thì chắc chắn có vô số người lúc đó đã vãng sanh về cõi Cực Lạc. mình thật sự không hiểu tại sao sau 512 ngày ở cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà, các vị ấy đã thành Phật chưa mà không thấy các vị ấy quay lại Ta Bà cứu độ chúng sinh? (trong khi tại thế gian, các ngài Mục Kiều Liên, Xá Lợi Phất theo Phật tu hành trong vòng 1 năm đã chứng A La Hớn).
2. không biết PS Tịnh Không nghĩ như thế nào về câu :”bất ly thế gian giác”.
3. mình cũng không hiểu tại sao, Phật, Bồ Tát không đến cõi Ta Bà này để cứu độ tất cả chúng sinh mà muốn chúng sinh niệm Phật để về Cực Lạc rồi mới độ?
4. ngày xưa thái tử Tất Đạt Đa thành Phật khi ngài 35 tuổi. trong kinh nói niệm Phật là pháp môn tối thắng, thù thắng nhất trong tất cả pháp môn. Phật có dạy:” Tránh làm việc ác/ Siêng làm việc lành/ Giữ tâm thanh tịnh” . sao Phật không bảo :Tránh làm việc ác/ Siêng làm việc lành/ Giữ tâm niệm Phật?
A Di Đà Phật
Gửi bạn Võ Quân,
TN xin được chia sẻ cùng bài đôi điều:
1. tới đến năm 2018 thì Phật lịch là 2561 năm. 5 năm ở cõi người bằng 1 ngày ở Cực Lạc (mình nghe nói như vậy). 2561 chia cho 5 sẽ bằng 512 ngày. khi Phật còn đang tại thế, Phật thuyết kinh A Di Đà thì chắc chắn có vô số người lúc đó đã vãng sanh về cõi Cực Lạc. mình thật sự không hiểu tại sao sau 512 ngày ở cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà, các vị ấy đã thành Phật chưa mà không thấy các vị ấy quay lại Ta Bà cứu độ chúng sinh? (trong khi tại thế gian, các ngài Mục Kiều Liên, Xá Lợi Phất theo Phật tu hành trong vòng 1 năm đã chứng A La Hớn).
*tới đến năm 2018 thì Phật lịch là 2561 năm:
Năm nay là Phật Lịch 2562 chứ không phải 2561. Đây là tính từ ngày Phật Thích Ca nhập niết bàn.
*5 năm ở cõi người bằng 1 ngày ở Cực Lạc (mình nghe nói như vậy). 2561 chia cho 5 sẽ bằng 512 ngày:
Trong Kinh Hoa Nghiêm QUYỂN BỐN MƯƠI LĂM PHẨM NHƯ LAI THỌ LƯỢNG THỨ BA MƯƠI MỐT có nói về thời gian ở Ta Bà và Cực Lạc như sau: “Bấy giờ, đại Bồ Tát Tâm Vương, ở trong chúng hội bảo các Bồ Tát rằng: Lúc đó, vị đại Bồ Tát Tâm Vương ở trong pháp hội Hoa Nghiêm, bảo các Bồ Tát rằng. Phật tử! Thế giới Ta Bà này, cõi của đức Phật Thích Ca một kiếp, thì ở thế giới Cực Lạc, cõi của đức Phật A Di Đà, là một ngày một đêm. Các vị đệ tử của Phật! Thời gian một đại kiếp ở thế giới Ta Bà (kham nhẫn), cõi của Phật Thích Ca Mâu Ni (Năng nhân tịch mặc), thì ở thế giới Cực Lạc, cõi của Phật A Di Đà (Vô Lượng Thọ), là một ngày một đêm”.
*khi Phật còn đang tại thế, Phật thuyết kinh A Di Đà thì chắc chắn có vô số người lúc đó đã vãng sanh về cõi Cực Lạc. mình thật sự không hiểu tại sao sau 512 ngày ở cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà, các vị ấy đã thành Phật chưa mà không thấy các vị ấy quay lại Ta Bà cứu độ chúng sinh? (trong khi tại thế gian, các ngài Mục Kiều Liên, Xá Lợi Phất theo Phật tu hành trong vòng 1 năm đã chứng A La Hớn):
Trong Kinh Vô Lượng Thọ Phẩm 42 Bồ Tát Vãng Sanh khi Bồ Tát Di Lặc hỏi Phật Thích Ca về số lượng Bồ tát bất thối trong thế giới ta ba và mười phương sanh về cõi nước Cực Lạc, Phật nói như sau: “Trong thế giới này có bảy trăm hai mươi ức Bồ Tát đã từng cúng dường vô số chư Phật, trồng các cội đức, được sanh cõi ấy. Bồ Tát tiểu hạnh, tu tập công đức sẽ được vãng sanh, số không thể tính. Chẳng những các hàng Bồ Tát cõi này vãng sanh, mà trong các cõi Phật khác cũng giống như vậy. Từ cõi Viễn Chiếu Phật có mười tám câu-chi na-do-tha Bồ Tát Ma Ha Tát sanh về cõi nước ấy. Cõi Bảo Sát Phật ở phương Ðông Bắc có chín mươi ức Bất Thối Bồ Tát sẽ sanh về cõi ấy. Từ cõi Vô Lượng Âm Phật, cõi Quang Minh Phật, cõi Long Thiên Phật, cõi Thắng Lực Phật, cõi Sư Tử Phật, cõi Ly Trần Phật, cõi Ðức Thủ Phật, cõi Nhân Vương Phật, cõi Hoa Tràng Phật, các vị Bất Thối Bồ Tát sẽ vãng sanh hoặc số đến mười trăm ức, hoặc số đến trăm ngàn ức, cho đến vạn ức.
Phật thứ mười hai, hiệu Vô Thượng Hoa. Ngài có vô số các vị Bồ Tát, đều bất thối chuyển, trí huệ dũng mãnh, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, đủ đại tinh tấn, hướng đến Nhất Thừa, trong vòng bảy ngày có thể nhiếp thủ tất cả các pháp mà bậc đại sĩ tu hành kiên cố trong trăm ngàn ức kiếp. Các Bồ Tát ấy đều sẽ vãng sanh.
Phật thứ mười ba, hiệu là Vô Úy, Ngài có tất cả bảy trăm chín mươi ức đại Bồ Tát; các tiểu Bồ Tát và các Tỳ Kheo sẽ đều vãng sanh, số không thể đếm. Mười phương thế giới, danh hiệu chư Phật và hàng Bồ Tát sẽ được vãng sanh dù chỉ kể tên thì hết cả kiếp cũng chẳng kể hết”.
Như vậy bạn có thể biết số bất thối Bồ tát của cõi Ta bà này thôi đã không thể tính kể. Hạnh nguyện của chư Phật và Bồ tát là độ sanh để đưa về cực lạc. Do vậy cõi này chư Bồ tát cũng tuỳ lúc hoá thân, tuỳ cơ nói pháp là vô số kể. Chỉ có điều chúng ta đều là phàm phu nên không thể nhận ra quý ngài thôi.
2. không biết PS Tịnh Không nghĩ như thế nào về câu: ”bất ly thế gian giác”:
Nguyên văn câu này là “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”. Câu này đại ý đơn giản là: các pháp Phật chỉ bày giúp cho thế gian (chúng sanh) phá mê-khai ngộ, lìa khổ-được vui, chuyển phàm-thành Thánh. Một niệm mê thì Phật là chúng sanh. Phật này là Phật trong tâm chúng sanh. Một niệm giác thì chúng sanh là Phật, tức tâm chúng sanh lúc này đã đồng tâm Phật. Do vậy các pháp vốn lấy chúng sanh gốc, giúp chúng sanh giác ngộ để giải thoát nên nói “bất ly thế gian giác”.
3. mình cũng không hiểu tại sao, Phật, Bồ Tát không đến cõi Ta Bà này để cứu độ tất cả chúng sinh mà muốn chúng sinh niệm Phật để về Cực Lạc rồi mới độ?
Như phần 1 đã nói, Phật, Bồ tát thị hiện thế gian bằng nhiều thân tướng mà người phàm chúng ta không thế thấy biết, nếu có thể thấy biết thì đó không phải là Phật và Bồ tát. Sở dĩ Phật khuyên chúng ta nên niệm Phật cầu sanh tịnh độ là có tâm ý rất sâu xa, bởi Ngài đã quán chiếu thấy được chúng sanh chúng ta thời mạt phát huệ phước cạn kiệt, nghiệp chướng quá sâu dày. Ở cõi này để tu mà giác, đắc đạo như thời Phật tại thế là khó trong muôn khó. Vì vậy Ngài mới khuyên tất cả những ai có niền tin chân chánh nơi lời Phật dạy: Phát bồ đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật cầu sanh tịnh độ. Chỉ có về Tịnh độ mới thoát khỏi sanh tử luân hồi, chỉ có về đó mới có cơ hội để Phật, Bồ tát hoá độ cho tới đắc quả vị Phật.
4. ngày xưa thái tử Tất Đạt Đa thành Phật khi ngài 35 tuổi. trong kinh nói niệm Phật là pháp môn tối thắng, thù thắng nhất trong tất cả pháp môn. Phật có dạy:” Tránh làm việc ác/ Siêng làm việc lành/ Giữ tâm thanh tịnh” . sao Phật không bảo :Tránh làm việc ác/ Siêng làm việc lành/ Giữ tâm niệm Phật?
Bạn đã quá chấp chước vào ngôn từ nên không nhận ra: Người muốn có tâm thanh tịnh, ắt phải thường niệm Phật=người thường niệm Phật. Bởi Phật tức là giác. Niệm Phật tức là niệm giác. Tâm thường giác, đồng nghĩa tâm thường tịnh=tâm thường niệm Phật. Do vậy “giữ tâm thanh tịnh” hay “giữ tâm niệm Phật” xét cho cùng chỉ là một niệm giác.
TN