Cổ nhân đã nói rất hay: “Ưu phiền khiến con người già nua”, con người trở nên già nua [nhanh hơn bình thường]. Nói thật ra, ưu tư, phiền muộn là nhân tố hàng đầu làm cho con người già nua. Chúng ta phải buông xuống những chuyện phiền bực trong lòng, đó là những chuyện vướng bận, lo được lo mất, tất cả những chuyện phiền bực trong lòng đều buông xuống, phải buông bỏ hết. Chúng ta nhất định phải biết trên thế gian này chẳng có chuyện gì đáng để chúng ta bận lòng hết, vì sao? Người trong thế gian chẳng thoát ra khỏi vận mạng, vận mạng đã định sẵn, chúng ta còn phải bận lòng, lo lắng nỗi gì?
Nói theo luật nhân quả, trong cuộc đời mỗi người chúng ta, nói thật ra, số mạng quý vị đã được định trước, chẳng có cách nào vượt khỏi vận mạng! Vì thế, đại đa số con người khi đi xem tướng, quý vị thấy thầy tướng số đoán mạng rất chuẩn xác, người ta nói rành rọt quá khứ, hiện tại, vị lai chẳng sai chút nào, có thể thấy là đều đã được định sẵn! Quý vị đọc Liễu Phàm Tứ Huấn, sách Liễu Phàm Tứ Huấn vô cùng hay, có thể khiến quý vị khai ngộ, mới hiểu vận mạng suốt đời của mỗi người đã định sẵn, “một miếng ăn, một hớp uống, không gì chẳng được định trước”. Khổng tiên sinh đoán mạng cho Viên Liễu Phàm, mỗi năm ông Viên thu nhập bao nhiêu tiền, phê đoán Bát Tự [1] rành rẽ, kết toán [chi thu] mỗi năm chẳng sai tí nào, chẳng nhiều hơn, chẳng ít hơn, trong mạng đã định sẵn rồi. Trong mạng đã được định trước là có, sẽ luôn có. Trong mạng đã định sẵn không có, cầu cách nào cũng không được. Vì thế, Viên Liễu Phàm tin vào vận mạng, vọng tưởng gì cũng chẳng cần nghĩ tới, vì sao? Trong mạng đã định sẵn rồi, ta có muốn cũng chẳng được! Trong mạng là có thì ta chẳng muốn cũng không được luôn! Coi như xong, đơn giản là chẳng nghĩ tới nữa! Tâm ông ta thanh tịnh, đắc Định rồi, mà cũng đắc tam-muội. Ông ta và hòa thượng Vân Cốc hai người ngồi xếp bằng trong Thiền Đường suốt ba ngày ba đêm, trong tâm chẳng dấy lên một vọng tưởng nào! Hòa thượng Vân Cốc thấy vậy bội phục vô cùng: Một người có công phu Thiền Định sâu như thế chẳng dễ có, ba ngày ba đêm ngồi trên bồ đoàn chẳng dấy lên một vọng tưởng nào! Do vậy, hết sức ca ngợi ông ta. Ông ta mới cho biết: “Mạng tôi đã được Khổng tiên sinh đoán sẵn rồi, hết thảy đều biết”. Ông ta nói: “Tôi có suy tưởng cũng uổng công; nên đơn giản là chẳng nghĩ tới nữa”. Nghe xong, thiền sư Vân Cốc cười ha hả: “Tôi ngỡ ông là thánh nhân, [nào ngờ] vốn là phàm phu”. Thánh nhân là công phu thành tựu, còn ông ta là phàm phu, tin tưởng nhân quả, coi như chẳng cần nghĩ tới, có nghĩ tới cũng uổng công, suy tưởng đều là vọng tưởng, cớ gì chính mình phải chịu khổ? Vì thế, chẳng nghĩ tới. Vì thế, ông ta chưa phải là định, mà là hiểu rõ nhân quả.
Chúng ta phải tin sâu nhân quả, “một miếng ăn, miếng uống đều đã định sẵn”, có thể tin sâu chẳng nghi thì tự nhiên có thể buông xuống, sẽ dám buông xuống. Nhiều người chẳng dám buông xuống vì sợ nếu buông xuống hết tất cả thì ngày mai phải làm sao đây? Cứ luôn nghĩ trước, nghĩ sau, chẳng chịu buông xuống triệt để. Ðây là vì chẳng hiểu rõ Sự Lý, chẳng sanh khởi lòng tin. Nhưng sự thật là buông xuống càng nhiều thì thâu hoạch càng nhiều. Giàu sang từ đâu đến? Từ bố thí tài vật mà đến, đây là quả báo. Quả báo của bố thí pháp là thông minh trí huệ, quả báo của bố thí vô úy là khỏe mạnh, sống lâu, tóm lại càng bố thí thì được càng nhiều.
Nếu chẳng thay đổi từ tâm lý, hành vi thì niệm Phật sẽ chẳng được vãng sanh. Trong kinh nói rất rõ ràng, Tây Phương Cực Lạc thế giới là “nơi những người thiện nhất tụ hội”, nếu tâm hạnh của chúng ta chẳng thiện, làm sao có thể vãng sanh! “Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh”, tâm thanh tịnh là tâm thiện lành nhất. Hết thảy tai họa đều từ phiền não sanh khởi, đều từ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước sanh khởi; nếu tâm địa thanh tịnh, những tai nạn này sẽ tiêu trừ. Xa lìa hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì tâm mới được thanh tịnh. Trong kinh Kim Cang có dạy: “Chẳng chấp vào tướng, như như bất động”. “Chẳng chấp vào tướng” tức là khi sáu căn tiếp xúc cảnh giới bên ngoài chẳng bị dụ hoặc, đó gọi là “chẳng chấp tướng”. Ðương lúc tiếp xúc ngoại cảnh, nếu trong tâm chẳng khởi tham, sân, si, mạn, chẳng khởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đó gọi là “chẳng động tâm”. “Ngoài chẳng chấp tướng, trong chẳng động tâm” là tiêu chuẩn của tâm thanh tịnh. Ngàn kinh vạn luận, vô lượng pháp môn đều giảng về việc này, đều hy vọng chúng ta đạt đến mức này.
Nếu thật sự nhìn thấu (thấy thấu suốt), buông bỏ tự tư tự lợi, niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ, trong kinh Di Ðà nói: “Niệm từ một ngày đến bảy ngày” sẽ được thành công. Những người y giáo tu hành xưa nay niệm Phật vãng sanh rất nhiều, phổ biến nhất là từ hai đến ba năm đều vãng sanh. Tại sao có người chẳng nhiều hơn bảy ngày, có người lại phải niệm hai ba năm? Người tin sâu nguyệt thiết, thực sự niệm đến khi mất hết những tâm niệm tự tư tự lợi thì tự nhiên cảm ứng hiện tiền, công phu thành tựu.
Chúng ta nhìn thấy có nhiều người ra đi rất tiêu sái (tiêu sái nghĩa là nhàn hạ, chẳng vướng bận) tự tại, chẳng có bịnh khổ, [làm cho người khác] vô cùng hâm mộ. Tôi thường nhắc nhở mọi người, chúng ta nhất định phải làm được. Nếu làm chẳng được thì trong lúc bịnh nặng, thân thể chịu sự sắp đặt của người khác, tự mình chẳng thể làm chủ, sẽ chẳng nắm chắc việc vãng sanh, thế nên bây giờ phải dự bị cho tương lai. Phương pháp tốt nhất là chẳng cần người khác chăm sóc, có thể biết trước ngày giờ ra đi, muốn đi lúc nào thì ra đi lúc đó. Nhất định phải hạ quyết tâm làm việc này cho bằng được thì đời này mới chẳng luống uổng. Những việc còn lại toàn là giả, chỉ có việc này là thật mà thôi. Chúng ta nói về “tự lợi”, đây mới thực sự là tự lợi.
Cho dù rất thương mến con cái và người thân của mình, cái tâm phàm phu ấy cũng không thể gọi là từ bi, vì nó có chứa đựng tâm niệm khống chế, chiếm hữu trong đó. Mỗi khi khởi lên một tâm niệm gì đều muốn điều khiển, khống chế [muốn người ta làm theo ý mình], muốn chiếm lấy tất cả người, sự, và vật, như vậy là sai lầm. Sai ở chỗ nào? Ðức Phật dạy chúng ta: “Năng sở giai không, liễu bất khả đắc” (năng và sở đều là không, trọn chẳng thể lấy được, có được). Trong sáu trăm quyển kinh Bát Nhã, ba chữ “bất khả đắc” (không thể lấy được, có được) đã lập đi lập lại trên ngàn lần, đó là muốn cho chúng ta ghi nhớ kỹ “bất khả đắc” là chân tướng sự thật, nếu cứ tưởng tất cả có năng đắc, có sở đắc (có cái làm chủ thể để đạt được, có cái để mình lấy được), đó đều là ngu si, vô minh.
Nếu hiểu thấu tất cả pháp đều không thể có được, năng và sở đều không thể đạt được thì quý vị sẽ giải thoát. Dùng danh từ hiện nay để nói thì “giải thoát” tức là tâm lý không có ràng buộc, lo lắng, bận bịu, tâm của quý vị được tự tại, buông xuống hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Nguyên nhân khiến cho chúng ta việc gì cũng không buông xuống được chính là vì ngu si chưa bị phá trừ, vẫn còn cho là “có năng đắc, có sở đắc”, trong tâm còn bị ràng buộc, còn lo âu, cho nên sống rất khổ sở, công phu tu học cũng không đắc lực.
Do vậy đừng nên có tâm riêng tư, dục vọng, tâm niệm muốn chiếm hữu (chiếm đoạt), tâm niệm chiếm hữu này là căn bản của sanh tử luân hồi, là nguồn gốc của hết thảy tội nghiệp; chúng ta phải nhổ trừ tội căn này. Tại sao chớ nên chiếm hữu? Phật dạy: “Hết thảy pháp đều không”, ngạn ngữ cũng nói: “Sanh chẳng mang đến, chết chẳng mang theo”, vậy thì tại sao có thể chiếm hữu cho được? Ðây là nói theo hiện tượng thô thiển, xét sâu hơn thì như Phật dạy: “Nhất thiết chư pháp, nhân duyên sở sanh, vô hữu tự tánh, đương thể tức không, liễu bất khả đắc” (Hết thảy các pháp do nhân duyên sanh, chẳng có tự tánh, đương thể tức không, trọn chẳng thể được). Không chỉ các vật ngoài thân chẳng thể được, mà ngay cả thân thể này cũng chẳng thể được. Chẳng có tâm chiếm lấy, chiếm hữu những vật ngoài thân, đối với thân thể cũng chẳng có ý niệm là thân “của mình”, như vậy thì vấn đề sẽ được giải quyết. Lúc đó “Một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật”, quyết định sẽ sanh Tịnh Ðộ. Ðó là giải thoát, ra khỏi lục đạo luân hồi, ra khỏi mười pháp giới.
Nguyên nhân khiến cho người đời nay niệm Phật không bằng người xưa cũng là vì không thể “nhìn thấu, buông xả”. Chữ nhìn thấu (thấy thấu suốt) là trình độ hiểu rõ đối với trạng thái sanh hoạt hiện thực; nếu chúng ta không hiểu rõ, ham mê luyến tiếc thế gian thì đương nhiên sẽ không thể buông xuống. Cho nên quá nửa những người niệm Phật vãng sanh là những người già bảy tám chục tuổi, vì họ nhìn thấy nhiều, từng trải nhiều, biết hết thảy những việc trong thế gian đều là hư ảo không thật, bất luận sống trong cảnh thuận hoặc nghịch, trải qua một thời gian dài sẽ chán chường, cảm thấy chán ghét cuộc sống, không muốn ở lại thêm nữa, đến lúc ấy sẽ buông xuống hết, đây là một yếu tố rất quan trọng. Nếu cảm thấy thế gian này còn rất đẹp đẽ, vẫn còn muốn sống thêm vài năm nữa, thậm chí muốn sống thêm vài chục năm, vài trăm năm nữa, họ không thể buông xả, buông xuống thì công phu làm sao có thể đắc lực cho được! Phật pháp nói đến chuyện giác ngộ tức là giác ngộ việc này.
[1] Bát Tự còn gọi là Tứ Trụ hoặc Tử Bình, là một cách đoán vận mạng dựa trên Thiên Can và Địa Chi của năm, tháng, ngày, giờ sanh, đem phối hợp Ngũ Hành Âm Dương tương sanh, tương khắc để luận đoán. Quan niệm này đã có từ rất lâu đời, được bổ sung và hệ thống hóa bởi Lý Hư Trung vào đời Đường và Từ Tử Bình vào đời Ngũ Đại. Người có công hệ thống hóa cũng như bổ sung lý luận thấu đáo nhất là Từ Tử Bình nên môn này được gọi là Tử Bình Bát Tự từ đó.
Trích từ sách Nhìn Thấu Là Trí Tuệ Chân Thật
Trích lục từ giảng ký của Lão Hòa Thượng Thượng Tịnh Hạ Không
Minh Trí và Mẫn Đạt chuyển ngữ
Như Hòa nhuận văn
A di đà phật
Chư vị đạo hữu xin chỉ dạy cho con cách phát được tín nguyện chân thật, xoá bỏ hoài nghi.
Tri ân
A Di Đà Phật, Tịnh Hòa thân mến
Nếu như muốn phát ra được Tín Nguyện chân thật thì bạn hãy nên xem nhiều lần những bài pháp ngữ của Đại Sư Ấn Quang (hóa thân của Đại Thế Chí Bồ-tát), những bài giảng của Lão Pháp sư Thượng Tịnh Hạ Không hàng ngày. Xem xong rồi tự tư duy quán chiếu cõi thế gian vô thường, đời người vô thường, toàn là khổ, không, vô thường….Mạng người chỉ trong hơi thở, quán chiếu lời Phật dạy: Sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết còn đau khổ hơn….quán sát cuộc sống, mọi người xung quanh…từ từ bạn sẽ thấy lãnh đạm với thế giới này mà tâm cầu sanh Tây Phương trở nên quyết định.
Muốn tiếp tục xóa bỏ hoài nghi, tăng thêm tín tâm kiên định thì hãy tham gia vào cuộc hộ niệm lâm chung, tức trợ niệm câu phật hiệu cho người sắp mất. Tự bạn sẽ giác ngộ ra mọi thứ, những gì Phật dạy là hoàn toàn chính xác, chân thật. Chứng kiến trực tiếp vài lần tự nhiên thấy sợ hãi sanh tử luân hồi, oan gia trái chủ, bệnh khổ…v.v…. Từ đó bạn cố gắng làm theo lời dạy của Ngài là Tin sâu, nguyện thiết, lão thật niệm phật mà cầu vãng sanh Tây Phương.
Hãy thân cận những vị thiện tri thức, có thể ra vào thường xuyên trang duongvecoitinh để đọc những bài pháp ngữ Tịnh độ để tăng trưởng thiện căn của mình.
Vài chia sẻ. Chúc bạn thường tinh tấn và an lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật. _()_
A Di Đà Phật.
Trích từ “Sống trong Bổn Nguyện của Phật A Di Đà”.
Niệm Phật là thả mình vào công cuộc chuyển hóa của bổn nguyện, trút những xác chết của khổ đau phiền não không thể nguôi ngoai vào đại dương của bổn nguyện và để cho đại dương đó chuyển hóa cho. Như Phật Thích Ca đã nói “trong đại dương (Niết Bàn) không dung chứa xác chết”, đại dương ánh sáng và Đại Bi của Phật A Di Đà cũng không chứa những phiền não khổ đau của chúng sinh mà sẽ chuyển hóa chúng thành những phẩm tính của Tịnh độ. Một bài kệ của Thân Loan (1173-1263), vị Tổ thứ hai Tịnh Độ tông Nhật Bản, đã viết :
Khi nhiều dòng sông phiền não chảy vào
Đại dương của lời nguyện đại bi
Của ánh sáng vô ngại, soi sáng mười phương
Chúng trở thành một vị với nước của trí tuệ.
Và như thế, không chỉ khổ đau phiền não của chúng sinh mà toàn bộ hiện sinh của con người được đặt trên nền tảng ban sơ và tối hậu của sự chuyển hóa : cuộc đời bấp bênh dễ vỡ như bọt biển (“bọt trong biển cả uổng chìm nổi” Tuệ Trung Thượng Sĩ) được an trú vào đại dương bổn nguyện của A Di Đà; tâm thức chúng ta tiếp thông với ánh sáng vô lượng, cuộc đời hữu hạn nhỏ nhoi của chúng ta tìm ra nền tảng của chính nó là đời sống vô lượng, sức sống của chúng ta cắm rễ vào lòng Bi không cùng.
Lúc ấy, thế giới này không còn là khổ đau sanh tử mà tất cả đều được chuyển hóa để trở thành sự biểu hiện của Phật A Di Đà như cõi Tịnh độ (giai thị A Di Đà Phật dục linh tuyên lưu biến hóa sở tác với kinh A Di Đà). Lúc đó là sự hợp nhất bất khả phân, ánh sáng hòa trong ánh sáng, hương thơm hòa trong hương thơm, như Saichi (1850-1933) nói :
Lòng tôi là lòng Ngài
Lòng Ngài là lòng tôi
Chính lòng Ngài trở thành tôi;
Không phải tôi trở thành A Di Đà
Mà A Di Đà trở thành tôi
Nam Mô A Di Đà Phật.
Trong ánh sáng vô lượng có sự chuyển hóa hoàn toàn, tất cả đều trở thành ánh sáng, vẫn Saichi nói:
– 84.000 phiền não
– 84.000 ánh sáng
– 84.000 niềm vui tràn ngập
———————————————
Quyết định TIN NGUYỆN sống trong ánh sáng câu “A Di Đà Phật” thì đừng nghi ngờ. Bạn hãy xem mình còn có con đường nào để lựa chọn trong kiếp sanh tử luân hồi hay không? Chúng ta vốn từ hoa sen mà hoá sanh ra chứ không phải bầu thai bất tịnh dơ dáy.
Đức Phật dạy rằng: “Tất cả các loài chúng sanh đều có Phật tánh”. Tin hay nghi?
Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật
Chào bạn Tịnh hòa.
Tín có nghĩa là phải tin Phật-đặc biệt là pháp môn niệm Phật
Từ Tín này đến từ trong tâm của bạn,không ai có thể nói cho bạn từ không Tín thành Tín.
Mọi thứ đều có nhân qủa.Nhân của Tín là gì.Nếu bạn có thể tin được lời Phật là bởi vì trong đời qúa khứ bạn đã từng cúng dường hằng hà sa chư Phật.Nếu bạn không có được cái nhân này thì hôm nay không một người nào trên thế gian nói cho bạn tin được pháp môn này.Lời của người khác nói chỉ là duyên không phải là nhân.
Nhưng bạn đã thắc mắc câu hỏi này thì chắc bạn đã có được cái nhân này rồi.Nếu đã có cái nhân này rồi sao vẫn cảm thấy không thực sự Tín.Có thể là vấn đề là nằm ở phần Nguyện,tức là không thực sự muốn vãng sanh vê Cực Lạc.
Sở dĩ phần Nguyện này vấn đề là vì trong vô lượng kiếp ân oán tình thù với chúng sanh qúa nhiều.Tình thù ấy làm vẩn đục đi Nguyện,lôi kéo lại trong tam giới.
Cho nên không trực tiếp chuyên niệm danh hiệu Phật được thì phải làm thêm một số trợ hạnh
-Để khôi phục lai chữ Tín bị lãng quên,bạn hãy đọc kinh,nghe bài giảng của hòa thượng Tịnh Không, rồi dần dần chữ Tín sẽ thức tỉnh.
-Để giải quyết phần Nguyện hãy bố thí,phóng sanh hồi hướng cho các chúng sanh.Lâu dần các tình thù sẽ bị vơi,họ sẽ không làm khó mình nữa,họ sẽ ủng hộ mình việc vãng sanh.Khi ấy tâm sẽ tự nhiên nguyện tha thiết vãng sanh vì mình và vì tất cả chúng sanh.
-Tín,nguyện đã có rồi thì danh hiệu Phật cứ như dòng chảy vào trong tâm thức không chướng ngại.Khi ấy,Chẳng ai bảo niệm mà mình cứ thế niệm.
A Di Đà Phật
Cho con hỏi là sao mỗi lần gia đình con đi phóng sanh về ai cũng bệnh này bệnh nọ, con nghe nói công đức phóng sanh sẽ hóa giải bệnh tật, tại sao gia đình con cứ phóng sanh là bệnh? Nói chung là bệnh cũng chừng 1 vài ngày…Mẹ con thì bị đau khớp, chị con thì sốt, con thì cảm và sốt.
Mọi người hoan hỉ chia sẻ cho con biết về việc này ạ.
Con xin cảm ơn.
A Di Đà Phật
Bạn Kiệt,
Bạn và gia đình chớ lo âu hay hoảng loạn khi thấy mình làm thiện mà nghiệp xấu lại ập trên thân. Có hai lý do:
1. Các oan gia trái chủ trong gia đình bạn thấy hoảng sợ khi họ thấy gia đình bạn đang phát tâm tu đạo và hành thiện đạo, vì thế họ tìm cách để gây khó dễ, hay gây trở ngại cho việc tấn tu của gia đình bạn.
– Đó cũng có thể là một thử thách nhỏ của chư Thiện thần, Hộ pháp đối với gia đình bạn, muốn kiểm chứng tấm lòng tu đạo của mọi người và muốn nhắc nhở bạn cùng gia đình về những nỗi đau trên thân mà các chúng sanh khác đang phải gánh chịu.
Phóng sanh là bố thí vô uý: đem lại sự an lạc cho người khác, cũng vì thế gia đình bạn chớ khởi tâm vì mình mà phóng sanh, bởi công đức đó nhỏ nhoi lắm. Trái lại hãy dũng mãnh phát tâm tu đạo và làm các phước thiện để hồi hướng tận hư không giới chúng sanh (trong đó có cả oan gia trái chủ của gia đình bạn), nguyện cho các chúng sanh đồng sanh về Tịnh Độ. Công đức đó mới thực là vô cùng tận.
Nếu ngay lúc này, một chút bệnh trên thân khởi lên thôi, bạn và gia đình đã hoảng sợ, rồi thoái tâm, cho thấy việc làm của gia đình bạn chỉ mang tính vụ lợi, nhất thời; niềm tin của bạn và gia đình với chánh pháp còn quá ít ỏi, cũng vì thế, con đường giác ngộ và giải thoát sẽ rất xa vời.
Hy vọng bạn cùng gia đình khởi niềm tin vững chắc, tin sâu nhân-quả và tinh tấn tu đạo.
TĐ
Lời chia sẻ của Hãy Niệm A Di Đà Phật thật rất hay và ý nghĩa.
Đường Về Cõi Tịnh: Xin đạo hữu hoan hỉ tập gõ tiếng Việt có dấu để độc giả tiện bề theo dõi và tránh hiểu lầm. A Di Đà Phật.