Lúc bấy giờ, Tịnh Pháp Bồ Tát lại bạch cùng đức Phật:
– Khi trước đức Như Lai thuyết pháp dạy các chúng sanh chỉ cần tịnh tâm mình, nếu ai tâm tịnh thì cõi Phật tịnh. Lại nói: “Hết thảy chúng sanh niệm danh hiệu A Di Ðà Phật quyết định sanh Tịnh Ðộ”. Nếu như tâm tịnh cõi Phật sẽ tịnh thì tịnh tâm lập địa thành Phật, cần gì phải niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ? Nếu để tịnh cõi nước cần phải niệm Phật thì sao Như Lai lại bảo: “Hết thảy tâm tịnh thì cõi Phật tịnh?” Xin giảng về hai pháp môn này để người học Thiền Na và chúng sanh niệm Phật không còn khởi lên nghi hoặc, gièm báng lẫn nhau, trở ngại nẻo tu hành.
Phật dạy:
– Này thiện nam tử! Khi xưa, lúc Như Lai thuyết pháp từng đã nói hai thứ phương tiện như thế, nhưng chúng sanh kia chẳng hiểu ý nghĩa niệm Phật Như Lai đã nói, cũng chẳng thông đạt ý chỉ “tâm tịnh thời Phật độ tịnh” của Như Lai đã giảng, chỉ chấp trước văn tự, cho rằng: Niệm Phật chỉ là khẩu niệm, chẳng biết niệm bằng tâm niệm. Niệm niệm chẳng tạp, niệm niệm chẳng đoạn, niệm niệm là Phật. Phật ở trong tâm ông, tâm ông làm Phật, ngay nơi sắc thân của chính mình thành tựu huệ thân. Tu Tịnh Ðộ cũng phải nên như thế.
Nay chúng sanh điên đảo, miệng tuy niệm Phật, tâm chẳng khế hợp với Phật, mình cùng Phật sai khác thì Tịnh Ðộ càng xa. Còn như Duy Tâm Tịnh Ðộ vốn là để dạy các chúng sanh tu tập Thiền Ðịnh nhất tâm bất loạn. Buông bỏ hết thảy lợi dục trần lao, phiền não vọng tưởng, một tấc linh đài rỗng rang, thông suốt, thầm thầm, lặng lặng, trạm tịch vô vật. Ðó gọi là “tịnh tâm”. Do tâm thanh tịnh nên đạo tràng của đức Phật chơn thật sẵn có của ta chẳng nhiễm, chẳng uế. Như nay chúng sanh tu tập Thiền Ðịnh, vọng tưởng Nhân, Ngã rối bời trong tâm, hợm mình, khinh người, thích a dua, xu lợi, cậy mình thế cả, giàu to, thích kết giao người quyền quý. Cái niệm ban đầu của việc tọa thiền chẳng biết, chẳng hay, sa vào lưới tục, dù cho có những khổ hạnh từ trước cũng đều thành căn nguyên phú quý. Tâm đã chẳng tịnh, làm sao tịnh cõi Phật được? Vì thế, trước kia, Như Lai nói trang nghiêm cõi Phật tức là chẳng phải là trang nghiêm.
Này thiện nam tử! Nếu kẻ nào tu tập Thiền Ðịnh mà thật sự có thể nhập Phật tri kiến, duy tâm Tịnh Ðộ thì Phật biết là người ấy quyết định thành Phật. Người niệm Phật kia duy tâm niệm Phật quyết định sanh về Tịnh Ðộ. Còn nếu cả hai điều ấy đều chẳng đạt được thì đường Bồ Ðề xa vời, tự mất công đức, chớ báng Như Lai!
Nhận định:
Dùng kinh này để chứng minh thì Thiền lẫn Tịnh đều thuộc Duy Tâm, đều là phương tiện nhập môn, nhưng niệm danh hiệu Phật thật là phương tiện tối thắng trong các phương tiện, so ra thật khế cơ. Xin hãy thâm nhập một môn, chẳng cần phải song tu, thật chẳng thể gièm báng lẫn nhau.
Trích Niệm Phật Pháp Yếu
Trích dẫn Thiền Tông Bí Mật kinh
Đời Tống, Tư sĩ Vương Trọng Hồi làm quan đến chức Tư sĩ Tham quân ở Quang Châu. Một hôm, ông hỏi Vô Vi Tử Dương Kiệt: Vì sao trong kinh dạy người cầu sinh Tịnh độ, nhưng Tổ sư lại dạy tâm là Tịnh độ, không nhất định phải cầu?
Dương Kiệt đáp: “Ông thử tự suy nghĩ, nếu ở cõi Phật thì không có tịnh, không có uế, cần gì phải cầu sinh? Còn ngược lại, nếu chưa thoát khỏi cảnh chúng sinh, đâu thể không chí tâm niệm Phật để xa lìa cõi uế mà cầu sinh về cõi tịnh!” Tư Sĩ vỡ lẽ vui vẻ cáo từ.
Hai năm sau, lúc Dương Kiệt làm Thái thú ở quận Đan Dương, bỗng một hôm, ông nằm mộng thấy Tư sĩ Vương Trọng Hồi nói: “Trước kia nhờ ông chỉ bảo, nên tôi đã được vãng sinh, hôm nay đặc biệt đến tạ ơn ông”. Vài ngày sau có tin báo tang đến, nội dung nói: “Tư sĩ Vương Trọng Hồi biết trước bảy ngày nữa sẽ mạng chung nên ông từ biệt bà con họ hàng rồi qua đời”. Quả thật, đúng như những gì Dương Kiệt mộng thấy!
Trích Vãng Sanh Tập
mình niệm phật gần 3 năm rồi, mình cũng tu tịnh độ, bữa nay mình thấy giảm bớt xung đột trong gia đình và bớt có xung đột với người khác, chỉ bớt thôi chứ chưa hết, đó có phải là do mình niệm phật ko, dần dần có hết hẳn đc ko, mỗi lần có xung đột mình cũng thấy buồn và tự trách mình học phật chưa có đc tốt, cảm ơn hồi đáp của các bạn đông tu
Chào bạn HVTP ! Tôi có nghe Thầy giảng là : các nghiệp Bất thiện mà ta đã gieo ở quá khứ và hiện tại được ví như muối, còn các nghiệp Thiện ta gieo là nước .Khi lượng nước càng nhiều, càng Tinh Khiết thì vị Mặn sẽ càng nhạt đi, cuối cùng sẽ không còn thấy vị của muối nữa. Không chỉ riêng niệm Phật, mong là ” nước ” đó ” đầy đủ tám công đức ” là bạn đã càng gần đến Tây Phương rồi. Bạn không nên buồn và tự trách ( như thế đâu có giải quyết được vấn đề ). Cơ bản giải quyết xung đột, mâu thuẫn là ” tứ niệm ” : Từ,Bi, Hỷ, Xả . ( xả bỏ lỗi lầm của người khác, và cũng nên tha thứ cho bản thân – cho mình có thêm một cơ hội nữa). Mỗi lần bạn cảm thấy có lỗi, hãy tự bù đắp bằng 3 việc tốt khác nhé ( cười ).
Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát !
A Di Đà Phật
Bạn HVTP,
Sẵn duyên bạn hỏi đến đề tài liên quan đến việc Niệm Phật, mình xin trích một đoạn trong Ấn Quang ĐSGNL sau:
—
* Niệm Phật phải khéo phát tâm. Tâm làm chủ việc tu trì. Tâm nếu phù hợp với bốn hoằng thệ nguyện thì niệm Phật một câu, làm một điều lành, công đức vô lượng vô biên; huống hồ là ba nghiệp thân – khẩu – ý luôn đặt nơi niệm Phật lợi sanh?
Nếu tâm chỉ cầu tự lợi, chẳng mong lợi người, dù làm nhiều việc vẫn đạt được công đức rất ít. Huống hồ lại còn có ý khuynh đảo người, hại người, và tâm tự khoe khoang, hợm hĩnh thì việc mình niệm Phật đó, việc mình làm đó dù chẳng phải hoàn toàn không công đức, nhưng trong trăm ngàn vạn ức phần, mình chỉ thật sự đạt được một phần rưỡi thôi! Thế nhưng tội lỗi của ác niệm cũng lại chẳng ít. Bởi vậy, người tu hành ai nấy phải khéo phát tâm, chứ chẳng riêng gì người niệm Phật!
* Phải biết rằng Phật pháp vốn chẳng lìa thế gian. Tất cả những bạn trong liên xã ai nấy đều phải trọn vẹn bổn phận của mình. Như cha hiền con hiếu, anh rộng lượng, em cung kính, chồng xướng vợ theo, chủ nhân từ, tớ trung thành v.v… Lại phải đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành, kiêng giết, phóng sanh, chẳng ăn mặn, uống rượu, ngăn điều tà, giữ lòng thành, khắc kỷ, giữ lễ, tự lợi, lợi tha; [lấy những việc như vậy] làm trách nhiệm của mình. Như thế thì nền tảng vững vàng, ngay ngắn, đáng thọ pháp nhuận. Nếu có đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, ắt sẽ vãng sanh thượng phẩm.
Kẻ ngu trong đời phần nhiều thường không tu hành thật sự, chỉ mong được cái hư danh là tu hành chân thật. Vì thế, bày ra đủ mọi cách tô son trát phấn thành ra những trò trông giống như thật nhưng chỉ là giả, chỉ mong người khác khen ngợi mình. Tâm hạnh họ đã dơ bẩn quá đỗi, dù có tu trì cũng bị tâm ấy làm bẩn, quyết khó được lợi ích chân thật. Đấy gọi là “háo danh ố thật” (thích danh ghét thật), là điều đại kỵ bậc nhất cho việc tu hành.
Nếu ai thực hiện những điều nên làm đã nói ở phần trước, không có những điều nên tránh như đã nói ở phần sau, người ấy là người hiền trong thế gian, là bậc Khai Sĩ trong Phật pháp. Dùng thân mình làm gương cho mọi người, từ trong nhà ra đến làng xóm, từ làng xóm đến thành ấp, cho đến toàn quốc và tứ thiên hạ thì lễ nghĩa hưng thịnh, can qua vĩnh viễn ngưng dứt, từ thiện nẩy nở, tai hại chẳng sanh, mới hòng thiên hạ thái bình, nhân dân an lạc!
* Đã niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì phải phát tâm từ bi, hành phương tiện sự, dứt tham – sân – si, tránh giết – trộm – dâm, tự lợi, lợi người mới hợp ý Phật. Nếu không, tâm trái với Phật, cảm ứng đạo giao bị gián cách, chỉ gieo nhân đời sau, khó được quả hiện đời. Nếu chí thành niệm Phật, hạnh hợp tâm Phật, tâm khẩu tương ứng thì người như thế đến lúc lâm chung, A Di Đà Phật và các thánh chúng tất nhiên hiện đến tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương.
Một phen sanh về Tây Phương liền siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, vĩnh viễn lìa khỏi các khổ, chỉ hưởng các vui. Đấy là toàn cậy vào Phật lực, chẳng bàn đến công đức là cạn hay sâu, có Hoặc hay không Hoặc! Chỉ đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, quyết định vạn người chẳng sót một.
—
Chúc bạn tinh tấn!
Nam Mô A Di Đà Phật
bạn nghĩ đi đâu rồi, niệm Phật cầu sanh Cực Lạc mà, quan tâm chi nhiều thế làm rối tâm mình, lại quên niệm Phật
Cố gắng buông xả, hết lòng niệm Phật, một người khờ khệt, chỉ tin Phật, hết lòng sống tốt, giúp người, khiêm nhường, tốt bụng, khờ khệt cũng chẳng sao, chỉ biết hành thiện, chỉ biết niệm Phật và niệm Phật, chỉ biết vì người chẳng vì ta, chỉ một câu A Di Đà Phật, chỉ cần như vậy chắc chắn sẽ không còn xung đột, chắc chắn sẽ cảm được Phật. Tây phương chắc chắn sẽ đến.
Niệm PHẬT cầu sanh TỊNH ĐỘ không có con đường thứ hai.tại sao có nhiều người vẫn niệm các vị PHẬT khác mà không phải A DI ĐÀ PHẬT?thưa thầy liệu có phải thiện căn phước đức,nhân duyên của họ chưa đủ?
A Di Đà Phật.
@Vô Trụ: Khi còn mắt phàm làm sao biết họ chưa đủ thiện căn, phước đức, nhân duyên?
“Thọ-giáo và phát tâm không hẳn là cùng lúc, vì phát tâm thì gặp duyên mà phát khởi.“
(Niệm Phật Tông Yếu — Pháp Nhiên Thượng Nhân)
Nam Mô A Di Đà Phật.
con cứ nghĩ nếu niệm danh hiệu A DI ĐÀ PHẬT. thì mười phương PHẬT đều hộ niệm.con cũng chẳng cần niệm PHẬT nào khác kể cả là PHẬT THÍCH CA
câu hỏi của thầy khiến con phải mở kinh A DI ĐÀ chép đoạn này:
Này XÁ LỢI PHẤT,những ai phát nguyện vãng sanh về cõi PHẬT A DI ĐÀ ,thì đều bất thoái vô thượng bồ đề.
con nghĩ nếu chẳng tin NGUYỆN của A DI ĐÀ PHẬT. thì đều là thiếu thiện căn,phước đức nhân duyên .con lại tò mò hỏi thầy HUỆ TỊNH.
thầy có nhân duyên gì với quyển NIỆM PHẬT TÔNG YẾU mà thầy tin tưởng và nói suốt như vậy?
Nếu thầy không tin nguyện của PHẬT A DI ĐÀ chắc thầy cũng không dùng quyển.này để giải nghĩa.
A Di Đà Phật.
Vô Trụ: “con lại tò mò hỏi thầy HUỆ TỊNH. thầy có nhân duyên gì với quyển NIỆM PHẬT TÔNG YẾU mà thầy tin tưởng và nói suốt như vậy?”
*** Niềm tin tưởng với Bổn Nguyện của Phật A Di Đà có thể đem ra để bàn luận nói đến hay sao?
*** Huệ Tịnh cũng không biết. Khi nào được vãng sanh về xứ Tây Phương Cực Lạc thì sẽ rõ ràng hơn thôi.
Kinh A Di Đà:
“Xá-Lợi-Phất! Bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc.”
*** Huệ Tịnh nghĩ “đa” thiện căn, phước đức, nhân duyên mới đắc sanh bỉ quốc, vốn do Bổn Nguyện của Phật A Di Đà vậy.
—————
“Nhìn lại thân nầy, khi thiện thì nghĩ rằng sẽ được vãng-sanh, đó cũng là một tâm-niệm khác; khi ác thì nghĩ rằng khó được vãng-sanh đó cũng làm một tâm niệm khác. Đừng để ý đến thiện ác, hãy biết rằng hễ Niệm-Phật thì tất được vãng-sanh. Do đó từ nay về sau, cho đến suốt đời, một mực xưng-niệm Nam-mô A-Di-Đà Phật. Dù cho tín tâm cạn mỏng, xưng danh yếu đuối đi nữa, cũng phải duy-trì tưởng-niệm quyết-định vãng-sanh. Nếu có tâm lo-lắng về chuyện vãng-sanh, đó cũng là một loại tâm-niệm khác.
Yếu-quyết là ở Niệm-Phật quyết-định vãng-sanh, chứ không phải ở tâm-tình, thể-nghiệm, thính-văn, hoặc truyền-thừa.”
(Niệm Phật Tông Yếu — Pháp Nhiên Thượng Nhân)
Nam Mô A Di Đà Phật.
con thường mơ ước đọc được càng nhiều kinh sách càng tốt.Cuối cùng một câ A DI ĐÀ PHẬT cũng quên.Đặc biệt là khi ngủ tất cả những gì gọi là bất thiện đều biến hoá ra. Ngày hôm sau có thể nhớ lại.Ở đây chắc không ít người đã từng trải nghiệm sự ràng buộc của gia duyên, nhà cửa,vợ con. Con cũng không muốn nếm chút mật ngọt trên lưỡi dao như chú THIỆN NHÂN nói đâu. Nhưng dù chỉ niệm ngắn gọn đến như là A DI ĐÀ PHẬT cũng không đơn giản chút nào. Kỳ thực cứ bảo nói: là niệm A DI ĐÀ PHẬT chứ gì? Dễ quá: AI DI ĐÀ PHẬT, A DI ĐÀ PHẬT, A DI ĐÀ PHẬT. Nhưng cuối cũng lại rơi rớt, rời rạc. Chướng nạn này là tự con nghiệm lấy.
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Vô Trụ,
*Tâm chưa định mà ráng học thật nhiều kinh Pháp sẽ gặp chướng ngại, bởi sẽ dẫn đến tán tâm: tâm phân biệt pháp này hay, pháp kia dở; pháp này cao, pháp kia thấp; pháp này vi diệu, pháp kia chẳng vi diệu…v.v… Vì thế theo thiện ý của TN, bạn chỉ nên khoanh vùng những bộ kinh nào thực sự có liên quan tới pháp môn bạn đang học và phát tâm học thật kỹ (học chứ không phải tụng) những bộ kinh đó, tất có lợi lạc; ngược lại sẽ rất dễ đi vào hý luận.
*Niệm Phật chẳng dễ, đặc biệt với hàng hạ căn chúng ta. Điều này chúng ta đã nhận ra khi đi vào hành trì pháp niệm Phật và đã có rất nhiều người gặp chướng ngại lớn. Lý do? Chúng ta bỏ qua nhân-quả (nền tảng vào cửa đạo), bỏ qua nhân-lễ-nghĩa-trí-tín (nền tảng làm người), kế đến là nghiệp chướng của chúng ta thời nay quá sâu dày, tâm quá uế trược. Hễ khởi tâm động niệm, hễ đối cảnh, tiếp vật là ngay lập tức nổi lên sự phân biệt, chấp trước, là nói chuyện thị phi, nhân ngã, cũng vì thế mà tâm chúng ta thường đắm nhiễm trong ngũ dục, lục trần… Đây là tâm phàm phu của chúng ta tích tụ từ vô thỉ kiếp tới nay, vì thế ngay khi bước vào tu học chúng ta phải nhận diện: chúng ta từ đâu tới? Nếu nói từ nghiệp uế trược mà tới thì ngay lúc khởi đầu chúng ta phải dùng pháp nào để trừ khử uế trược? Niệm Phật là một pháp, nhưng không phải ai niệm Phật cũng đều thành Phật cả, chưa nói tới niệm Phật cũng có từng giai đoạn, từ thô đến vi tế. Vì sao có thô, có vi tế? điều này chúng ta không thể không nhận biết. Vì thế chúng ta phải kiên định hành trì từng bước một, chẳng thể một tấc mà đã về Tịnh Độ như nhiều người tưởng nghĩ.
TN thường hay nhắc lời Phật: Quả muốn không tà thì nhân phải chánh. Nhân niệm Phật là tâm uế trược, quả chắc chắn là uế trược. Điều này giản đơn như trồng cà được cà, trồng bí được bí vậy. Vậy nhưng rất nhiều người chúng ta lại muốn trồng cà mà hái bí, đó thật là tâm uế trược, cần phải thay đổi cho bằng được.
*Chúng ta thường khuyến tấn nhau niệm Phật mọi nơi, mọi chốn, mọi hoàn cảnh, nhưng lấy tâm nào để niệm Phật? Hàng ngày niệm Phật chúng ta nên đặt ra câu hỏi: Ai đang niệm Phật? Nếu nói tôi niệm thì cái tôi ấy là gì? là thân, là khẩu hay là ý? Thân vốn chẳng thể niệm vậy nhưng hễ ai vô tình động đến thân ấy thôi, ngay lập tức thân ấy đã vùng lên rồi; Nếu nói miệng niệm nhưng hễ ai đó dèm pha, chửi mắng, nhục mạ, nói xấu về mình, lập tức khẩu ấy cũng thốt ra những lời cay nghiệt chẳng kém; nếu nói ý niệm, nhưng hễ niệm là đủ thứ cảnh giới ập tới, vậy thì đâu thể nói: tôi đang niệm Phật?
Hãy quán xét trong từng niệm niệm câu: Ai đang niệm Phật? Nhận ra được thì Phật hiệu lúc này mới thực có lợi lạc.
TN
con còn 1 quyển KINH A DI ĐÀ. tuy không hiểu nhưng con rất thích từ ĐƯỢC CHƯ PHẬT HỘ NIỆM. Điều này thật là vi diệu. Có gì không hiểu con sẽ hỏi từ KINH này.Con cám ơn THẦY THIỆN NHÂN,thầy TRUNG ĐẠO,thầy HUỆ TỊNH.
Chào bạn Vô Trụ, nói thành thật với bạn là cầu vãng sanh Cực Lạc có vô số vô lượng cách, nào là tụng kinh cầu vãng sanh, trì chú cầu vãng sanh, trì hồng danh chư Phật cầu vãng sanh,… vô biên như thế. Nhưng mình phải biết cõi kia là cõi của Phật A Di Đà, và thệ nguyện của Ngài thâm sâu nhiếp chúng sinh niệm Phật, nên nói niệm Phật là chánh hạnh vãng sanh, hạnh để vãng sanh Cực Lạc bậc nhất.
Còn về phần những người khác niệm Phật thì thật sự mà nói là nhân duyên chưa đủ để tạo thành quả “tín tâm trì danh Phật A Di Đà cầu vãng sanh”.
còn về phương diện thiện căn phước đức bao nhiêu để vãng sanh thì thành thật là tu các Pháp khác để vãng sanh mỗi mỗi sai biệt, mình không lường được, nhưng 1 câu Nam Mô A Di Đà Phật là đủ, vì sao, vì do nguyện lực của Phật A Di Đà đã thành tựu vậy.
Nam Mô A Di Đà Phật. Tài mọn chỉ tới đây, chúc bạn tinh tấn niệm Phật sớm ngày an ổn vãng sanh.
A Di Đà Phật, chào bạn Vô Trụ. Như bạn tự chiêm nghiệm lấy việc trì danh rất dễ mà ý người thành. Mình cũng mong góp chút sức.
Như trong văn kinh đầy đủ 3 tâm quyết được vãng sanh. 3 tâm ấy là gì?
1 là thâm tâm tức là chẳng có lòng nghi nơi oai thần Phật, vì chúng sinh nếu hội đủ 3 tâm thì việc đến rước hộ với sức Phật cũng dễ như hít thở thôi.
2 là nguyện thiết, là phải mong cầu vãng sanh, nếu chẳng cầu vãng sanh Phật chẳng ép bạn được.
3 là chịu trì danh.
nếu từ khi bạn phát tâm vãng sanh đến khi mạng chung 3 tâm này không thối mất thì vãng sanh là việc chắn chắn. nếu thối thất thì chỉ là gieo duyên.
Tín Thâm Nguyện Thiết rất quan trọng nếu đã thành rồi thì trì 1 câu cũng đủ, nếu chưa thành thì nên gắng trì danh, phát nguyện, vì sao, vì do oai thần Phật cả 3 hỗn tương tăng trưởng lẫn nhau.
Nếu nghiệp tội sâu dày, chướng nạn bủa vây, chẳng thể tự hoàn toàn đặt lòng tin, chẳng thể tự mình nguyện thiết tha, trì danh lại lơ là thì cấp thiết ngày ngày đối trước Tam Bảo cầu gia hộ, ráng xưng danh cầu Phật A Di Đà gia hộ, chỗ nào mình còn thiếu sót cho đầy đủ kiên cố, chưa tin sâu cầu được khiến tin sâu,… Nếu kiên trì thì tùy theo hoàn cảnh của mỗi người cảm ứng sẽ khác nhau mà khiến cho bạn được đầy đủ.
lại như bạn hỏi chẳng cần niệm Phật khác. lại nói trong kinh Phật Thích Ca khuyên tin niệm Phật A Di Đà, mười phương Phật cũng hộ niệm cho người niệm Phật A Di Đà, đó ý là mong bạn niệm Phật A Di Đà, tin lời chư Phật, làm thuận theo ý muốn chư Phật, nên chư Phật hộ niệm cho vậy. lại như cổ nhân hay nói chuyên nhất tất linh, phân chia tất tệ nên bảo chỉ nên niệm một vị.
Nam Mô A Di Đà Phật !
Xin chào các quý Đạo huynh. Mong các quý Đạo huynh vui lòng giúp đỡ cho tôi ý kiến
Nếu có người Tâm sinh lý hoàn toàn bình thường, ngoại hình, gia cảnh bình thường, nhưng tự nhiên số phận đưa đẩy, đến khi nhiều tuổi vẫn không có duyên ” kết hôn “. Đành buông xuôi sống một mình, cũng khong thấy cô đơn, buồn rầu, đau khổ hay bất mãn gì cả… Vậy có phải là người ấy đã trả hết nghiệp trong đời, không nợ ai, cũng không ai nợ, như thế là có duyên với Cửa Phật. Người đó nên xuất gia hoặc nên Tu Tại Gia ( khi đã làm tròn chữ Hiếu với Cha Mẹ ), đó là điều kiện thuận lợi …dễ giải thoát, dễ vãng sanh…
Tôi xin cảm ơn nhiều. Nam Mô A Di Đà Phật !
Có thể có nhân vợ chồng mà kiếp này chưa trổ ra, chứ vô lượng kiếp mà sạch hết, không nợ vợ chồng với ai thì có lý không? Nhân duyên Đức Phật và vợ Ngài vì Ngài xin vòng hoa từ thời Phật Tỳ Bà Thy xa xưa,nên tới giờ thành vợ chồng- Da Du Đà La và Tất Đạt Đa đó!
A Di Đà Phật
Chị Diệu Tiến,
Đúng như các Đạo hữu đã nói, nếu một người cả đời không kết hôn với ai đó là do nhân duyên vợ chồng với họ đời này không bắt gặp đựoc thôi. Nên duyên vợ chồng được là do có duyên nợ từ tiền kiếp, kiếp này gặp lại, duyên đến thì thành quả vợ chồng để ‘trả nợ’ nhau 🙂 Con cái cũng vậy, ân ân oán oán mà đến với nhau.
Một câu hỏi được đặt ra là không lẽ suốt cả cuộc đời này mà họ lại chẳng gặp được ‘duyên nợ’ với ai chăng? Trong khi chúng ta từ vô thủy kiếp đến nay trùng trùng duyên khởi, duyên nợ, nhân quả chằng chịt. Một đời người chúng ta thật ra sống vì sự chi phối của một số nghiệp lực nhất định mà thôi. Ví dụ chúng ta chọn một nghề nghiệp nào đó lúc trẻ tuổi rồi cứ thế làm việc với cái nghề mình đến già, hay chúng ta ‘chọn’ một người chồng (vợ) nào đó có duyên gặp nhau rồi sống với nhau đến suốt đời. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không có duyên với những người có duyên nợ khác trên đường đời, mà chính xác là nghiệp lực từ duyên đến trước đã chi phối chúng ta trước nên chúng ta ‘đành phải’ xuôi theo dòng đời thôi.
Nói đến đây để thấy rằng cái Duyên là hết sức quan trọng, cái gì đến trước sẽ lôi cuốn ta truớc, nhiều khi là cả cuộc đời này. Thế nên một người cả đời không đến với ai nhiều khi là bị chi phối trước bởi những nghiệp duyên nào đó trước, thế nên họ chẳng thể hoặc chẳng ‘buồn’ kết hôn với ai nữa. Ví dụ từ lúc trẻ tuổi họ đã có chí nguyện tu hành nên chẳng muốn có gia đình nữa, họ toàn tâm toàn ý vì Đạo, chẳng màng đến thế sự nữa, thế thì dù có gặp ‘duyên nợ’ đến họ cũng xem bằng không vậy. Họ đã hoàn tòan bị chi phối bởi duyên hành Đạo từ trước rồi.
Vì thế đến đây chúng ta mới thấy một vấn đề rằng, đời này chúng ta bắt gặp được Chánh Pháp là chẳng phải dễ dàng gì. Chúng ta bắt gặp, tin tưởng và hành trì theo là nhờ chúng ta có túc duyên nhiều đời nhiều kiếp huân tu rồi, đã đành là vậy, chúng ta còn gặp được cái duyên này sớm để còn đủ thời gian mà hành trì. Chúng ta thật may mắn lắm đó. Không phải nhiều người có cái duyên này. Nhiều người thế gian không phải là không có cơ hội bắt gặp được Pháp môn này nhưng do bị nhiều nghiệp lực khác mạnh hơn tới trước chi phối nên họ không còn đủ điều kiện thời gian tu tập. Họ mãi miết chạy theo những duyên trần danh lợi, tiền tài, con cái, còn duyên Chánh Pháp thì cứ ‘hẹn’ mãi. “Tôi còn trẻ, tôi chưa già, tôi còn phải lo con, rồi lo cháu nữa…tu thì từ từ sau này hãy tu, để lo xong mấy cái kia trước đã”. Họ đâu biết rằng vô thường đang ‘dõi theo’ với họ, nghiệp chướng đang xếp hàng đợi họ.
Chúng ta nay được cả cái duyên làm người, lẫn gặp được Chánh Pháp Như Lai, lại cũng có điều kiện hành trì tu tập nữa, không bị chi phối bởi những túc duyên gì đến nổi si mê, vô minh mà phải ‘đợi’, phải ‘hẹn’ cả. Thế thì chúng ta phải tận dụng bằng được cơ hội này.
Vậy tận dụng triệt để nó thì phải như thế nào đây để không ‘duột’ mất? Pháp môn này nói ngay ra là chúng ta nếu Thật Tin – Thật Nguyện – Thành thật niệm Phật thì chắc chắn sẽ thành tựu. Cái này Chư Tổ nói quá nhiều, ai cũng biết rồi nên mình không muốn nhắc lại nữa. Niềm tin thì sau một thời gian hành trì huân tập được bồi đắp thì phần lớn sẽ thành tựu được niềm Tin. Tin lời Phật, tin Pháp môn này, tin Nguyện Lực của Phật. Họ đều tin, thật tin. Nhưng còn Nguyện thì sao? Liệu họ có Thật Nguyện? Câu trả lời là Có. Lại hỏi nếu có sao còn gia duyên nhiều bề thế sự? Trả lời rằng: Không lẽ bỏ mặc gia đình vợ con sao? Lại hỏi, thế thì ông có biết thọ mạng ông đến đâu không? ông còn sống được bao lâu? Trả lời, không biết. Hỏi, vậy sao ông không phát tâm tu ngay từ lúc này đi, ngộ nhỡ…?
Thế đấy, cái cốt lõi là có thật sự muốn về hay không thôi. Nếu thật sự có nguyện về thì không ai chẳng phát tâm tu hành chăm chỉ cả. Cái Nguyện này cũng rất phức tạp, có nhiều thứ lớp lắm. Thế nên Chư Tổ mới nói là Tin Sâu – Nguyện Thiết mới được. Vậy làm sao để thật sự muốn về? Không có cách nào hơn là chúng ta phải hiểu cho thật tường tận là: Lý do vì sao phải về? Phải trả lời cho thật rốt ráo câu hỏi này, càng rốt ráo tường tận nó thì cái chí nguyện về của ta càng mạnh, mới thật là Nguyện thiết như Chư Tổ yêu cầu. Chúng ta tu học về Lý phải nói được cho rõ ràng câu hỏi trên, vì sao rằng chúng ta phải thoát được vòng luân hồi sanh tử này mà về Tây Phương? Luân hồi là gì mà sao bằng mọi giá phải thoát ra nó?
—
Đôi dòng chia sẻ thôi. Đề tài trước sau nhiều khi viết một hồi lại không đồng nhất, mong Quý vị thông cảm nhé.
Nam Mô A Di Đà Phật
Chào bạn Diệu Tiến. Như bạn nói đó thì người tốt số thuận duyên tu hành đấy, hãy là kiếp trước có hồi hướng cầu hoàn cảnh tốt thế, chẳng vướng bận chi mà tu hành. Như tại gia hay xuất gia thì tùy hoàn cảnh tốt xấu, xuất gia tu được thì xuất gia, không thì hoàn tục tai gia, giữ đời tu được thì tu không thì trốn đời mà tu, miễn sao bạn thấy mình yên ổn được niệm Phật cầu vãng sanh là được. Như hiếu dưỡng Phụ Mẫu các bậc cao tăng khi xưa xuất gia rồi hãy còn chăm lo cho cha mẹ, huống chi tu tại gia. lại nói muốn tròn chữ Hiếu là phải khiến cha mẹ vãng sanh thì mới là tròn, có đâu để cha mẹ đọa lạc còn mình thảnh thơi tu thế. nhất là khi cha mẹ còn ở thế thì nên khuyên tu, không khuyên được thì mình tu thế cha mẹ luôn, nên gắng sức lấy niệm Phật làm trọng yếu, như tại gia cũng nên giữ 5 giới, cũng có thể làm thêm các việc công đức hồi hướng cho cha mẹ vãng sanh vậy. Đấy là mình gắng tu để cha mẹ hưởng lây phước phần với mình đó bạn ạ.
Nam Mô A Di Đà Phật
Chào bạn Diệu Tiến,
Đúng chính xác là như bạn nói, trường hợp như vậy thì nên rất tu Tịnh độ để được vãng sanh Cực Lạc. Tu hành xuất gia cũng được, mà tu tập tại gia cũng được. Đây được coi là rất có điều kiện thuận lợi, dễ giải thoát, dễ vãng sanh.
Phải nói thêm câu này nữa, thì mới làm rõ nghĩa hoàn toàn được.
Về điều kiện, thì rất thuận lợi cho việc tu tập. Nhưng đó chỉ mới là hoàn cảnh thuận lợi để trợ duyên, gọi là “DỄ TU TẬP” thôi, chứ không thể gọi là “dễ vãng sanh” đâu. Muốn đạt tới thành quả vãng sanh, thì trước nhất, người này phải có cái NGUYỆN, là yếu tố quan trọng nhất đứng hàng đầu. Sau đó, người này liệu rằng sẽ đạt phẩm vị cao hay thấp, là do: tu tập tinh tấn, tâm đức phúc báu, công phu hành trì sâu hay cạn.
Phải làm được như vậy, thì mới có thể khẳng định rằng: người này dễ vãng sanh, dễ giải thoát sanh tử.
A Di Đà Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật ! Cảm ơn Đạo huynh Hoàng Trí !
A Di Đà Phật,
Bạn Vô Trụ;
con cứ nghĩ nếu niệm danh hiệu A DI ĐÀ PHẬT. thì mười phương PHẬT đều hộ niệm.con cũng chẳng cần niệm PHẬT nào khác kể cả là PHẬT THÍCH CA?
Phật là gì? Là Giác. Nhờ đâu có Giác? Nhờ định. Nhờ đâu có định? Nhờ nhẫn nhục. Nhờ đâu nhẫn nhục? Nhờ tinh tấn. Nhờ đâu tinh tấn? Nhờ trì giới. Nhờ đâu trì giới? Nhờ bố thí.
Mười phương chư Phật đều thành tựu đạo quả từ lục độ ba la mật. Vì thế chúng ta niệm Phật chính là niệm mười phương chư Phật, trong đó có có Phật Thích Ca.
Người thường niệm Phật là người năng hành bố thí, nhờ bố thí mà xả được tâm tham. Tâm không tham, không sân, không si là năng dứt tâm tam ác đạo, tâm luân hồi, đó là năng trì giới. Nhờ năng trì giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống bia rượu, đó là năng tinh tấn. Nhờ tinh tấn nên quán được đời là vô thường, là sanh diệt trong từng hơi thở nên mọi sự đến đều là duyên. Duyên sanh, duyên tự diệt. Không chạy theo sự sanh diệt đó là năng nhẫn nhục. Nhờ năng nhẫn nhục mà tâm chẳng lăng xăng chạy theo ngũ dục lục trần nên tâm hằng định. Tâm hằng định trí tuệ tự khai thông. Thông là chẳng còn ngưng, bít nên thông cũng là giác.
Niệm Phật chính là niệm niệm thường giác.
TĐ
Các quý vị đồng tu hoan hỷ cho mình hỏi chút khi tâm hàng định trí huệ tự khai thông? vậy khai thông có suy nghĩ gì không? và tâm định rồi là tâm ở trạng thái suy nghĩ như thế nào? adidaphat
Đọc bài của chú TRUNG ĐẠO con lại nhớ đến THƯỜNG BẤT KHINH BỒ TÁT gặp các tỳ kheo tăng thượng mạn dù bị gạch đá ném NGÀI cũng nói TÔI KHÔNG DÁM KHINH CÁC NGÀI CÁC NGÀI CÁC NGÀI SẼ THÀNH PHẬT.
Ngày nay có thể tâm niệm chúng con ác nhiều lành ít nếu không niệm PHẬT, cầu TAM BẢO gia hộ thì không biết cái ác nó bùng dữ thế nào.
Con dùng câu PHẬT này niệm nhưng giờ vẫn yếu vô cùng. Thế mới biết người bị mắc nạn nhiều mà người vãng sanh ít.
Bạn Gia Bảo,
1. Thông là chẳng còn ngưng-bít. Đã không ngưng-bít còn đi tìm ngưng-bít làm chi? Ví như bịt mắt thì chẳng thấy vật, nhưng tánh thấy vốn chẳng mất, bởi nếu mất thì chẳng nhận biết không thấy vật. Còn có thấy-chẳng thấy là còn ngưng-bít. Thấy mà chẳng thấy, chẳng thấy mà thấy, đó là thông.
2. Định là chẳng còn lăng xăng. Tâm đã không lăng xăng còn đi tìm cái không lăng xăng làm gì? Phòng tối vốn chẳng thấy bụi trần lăng xăng; ánh sáng mặt trời rọi vào phòng, tất thấy lăng xăng bụi trần. Tối hay sáng tánh thấy vốn chẳng sanh-diệt. Vì chấp sanh-diệt nên mới có lăng xăng-chẳng lăng xăng. Chằng thấy lăng xăng, chẳng thấy chẳng lăng xăng đó là định.
TĐ
A Di Đà Phật. Đúng vậy! Vốn không dùng Nhị nguyên mà giải thích. Càng giải thích càng không thông! Định thì nhiều loại định, nên tu từ giữ giới. Niệm Phật nên hiểu rộng hơn là niệm danh hiệu Phật, mà là nhớ Phật, nhớ và làm theo lời Phật dạy, như vậy sẽ lợi ích hơn!
Nam Mô A Di Đà Phật !
Đầu tiên, tôi gửi tới Huynh lời tri ân của mình ( những câu hỏi nhỏ của tôi luôn được Huynh giảng giải rốt ráo khiến Tâm tôi ấm áp, sáng tỏ quá ). Vậy nên hom nay toi xin bày tỏ với Huynh vấn đề mà tôi vẫn áy náy trong lòng. Tôi mới học Phật chưa lâu, nên nhiều khi phải trả lời một vài câu hỏi của bạn bè ( bạn tốt ) tôi thường không nói được thấu đáo, hoặc nói không hết những gì mình nghĩ, mình biết. Một nửa là tôi sợ mình đang Lạm bàn về Phật Pháp cũng là sai, một nửa tôi sợ mình nói hết, mà người ta khong tin, khong hiểu , hoặc hiểu khong đúng, cũng là mình sai.
Ví dụ, hom ấy, bạn tôi có nói đại ý rằng, ” hàng ngàn người Tu Tịnh độ, chỉ có vài người đắc, đếm trên đầu ngón tay ; Cơ duyên của ban muốn gặp được Thày tốt hướng dẫn cũng là rất hiếm …”
Tôi chỉ trả lời rằng : ” mình có Duyên với Phật Pháp, cảm thấy cõi Tịnh độ rất phù hợp với mình, nay mình tiếp tục gieo Duyên, kiếp này chưa về, kiếp sau mình Tu tiếp “; ” Mình học trên trang web, nghe giảng trên Youtube thấy rất hay, rất tốt như Chương trình đào tạo từ xa vậy; Y pháp bất Y nhân( cười) . Bạn tôi rất vui vẻ, yên lòng với câu trả lời đó . Tuy trong thâm tâm tôi đầy đủ Tín – Nguyện – Hạnh tha thiết và đầy Tự Tin, nhưng tôi lại nói như vậy ( cũng để khong phải Giảng Giải cặn kẽ cho cô ấy, câu chuyện sẽ nhẹ nhàng được hoá giải và chuyển sang chủ đề khác ) . ( Thật ra, đây cũng là một phần thuộc về tính cách của tôi, dù là với người bạn thân nhất, tôi vẫn giữ kín 1 góc trong tâm hồn mình. ) Dưới góc độ Phật Đạo, tôi làm thế có sai không, tôi luôn e sợ mình vì quá nhiệt tâm mà rơi vào trạng thái Thuyết – Giảng tuỳ tiện không đúng người, đúng việc. Sau này, những lần gặp sau, mỗi lần tôi cũng chỉ thận trọng nói từng chút, từng chút thôi.
Khi nào có thời gian, Huynh giúp tôi một vài ý kiến nhé. Trân trọng !
Nam Mô A Di Đà Phật !
A Di Đà Phật
Chị Diệu Tiến,
Thật ra thì với Pháp môn này gặp người cũng khó khai thị, như Đức Phật nói trong Kinh. Phải là người có túc duyên thiện căn nhiều đời mới tin thích thọ trì.
Với trường hợp của chị, khi ngồi với bạn bè người thân, những lúc tâm tình, những đề tài liên quan đến tâm linh, nhân quả, nói chung là những đề nào gần gủi với Phật Pháp lúc ấy hẳn ‘mở lời’, tạm gọi là lúc ấy có chút duyên đến.
Vậy khai thị cho Người thế nào mới hiệu quả, không bị ‘phản tác dụng’, đâm ra đối đầu tranh cãi. Riêng mình thấy như thế này, với những người chưa có niềm tin Chánh Pháp thì mình khoan hãy nói lý về pháp môn này với họ, họ thường chẳng hiểu mà cũng chẳng tin đâu, trừ một số ít có túc duyên thực sự sâu dày. Vì sao họ không tin? Vì như Đức Phật đã nói đây là Pháp môn khó tin rồi cơ mà, thứ nữa là ‘trăm nghe không bằng một thấy’, họ có thấy gì đâu mà bảo họ tin. Chẳng hạn, giả sử họ được duyên chứng kiến người nhà hay người thân của họ tự tại mà ngồi mà hóa, vãng sanh, thì lúc đó dù chẳng một lời khai thị nào chắc chắn họ cũng sẽ tin tưởng mà phát tâm tu hành ngay. Đến cả gia đình cùng tin luôn đấy. Nhưng làm sao mà có duyên thấy được điều này, không dễ. Thôi thì cho bạn ấy thấy những câu chuyện Nhân – Quả , những chuyện Phật pháp nhiệm màu, niệm Phật cảm ứng trước, để dẫn dắt cho họ tin Lý nhân quả, tin sự nhiệm màu của Phật pháp qua những câu chuyện thật hay, thật lôi cuốn thực tiễn ngoài đời sống trước. Như thế thì họ dễ có niềm tin hơn. Vì sao vậy? Vì người thế gian thường thích nghe, thích thực hành những gì mà đem lại lợi ích trước mắt của họ thì họ tin ngay như công ăn việc làm, sức khỏe, trị bệnh, học hành, sinh con cái…nói chung là những thứ họ đang quan tâm trước mắt hàng ngày. Còn mình nói về ‘thoát ly sanh tử’, ‘vãng sanh’ thì hoặc họ không tin hoặc ‘hẹn’ bây giờ chưa phải lúc, tôi còn nhiều thứ phải lo lắm. Công việc tôi đang gặp khó khăn đây, con tôi đang cảm, mẹ tôi đang bị đau…chẳng hạn vậy. Trong đầu họ hiện giờ là những thứ ấy không hà, mình nói tới ‘tử’, ‘mất’, lâm chung, vô thường họ ái ngại lắm, chẳng muốn nghe đâu. Hãy cho họ đọc, họ thấy, họ tin những câu chuyện nhiệm màu ngay trong đời sống này, rồi từ đó dần dần họ bắt đầu có niềm tin nơi Phật Pháp, rồi đến Pháp môn Tịnh Độ này. Niềm tin phải được bồi đắp nuôi lớn dần dần như thế. Mình thấy có bộ sách Báo Ứng Hiện Đời của Hạnh Đoan dịch hay lắm, chị hãy tìm mua tặng bạn ấy đọc.
Một vấn đền nữa là người thế gian họ thường ‘xem bạn là ai’ đã rồi hãy tin, không dưng tự nhiên họ tin đâu. Rằng ông nói hay lắm, nhưng ông hãy thành tựu đi rồi tôi mới tin, chứ nói thì ai nói chẳng được. Thế nên ‘tự hành hóa tha’, một khi mình thành tựu thì cũng tự nhiên độ được nhiều người thân xung quanh thôi. Nên nếu nhiều lần ‘thuyết pháp’ không ăn thua thì thôi vậy, sau này mình sẽ biểu bằng cái Thân Pháp này. Một khi họ chứng kiến mình thành tựu thì chắc chắn họ sẽ tin theo ngay. Thế nên mới nói là hãy tự độ mình trước rồi hãy độ người.
Trở lại câu chuyện của chị và người bạn. Thực ra giữa hai người tin và chưa tin Chánh Pháp mà nói chuyện vui vẻ thì cũng tốt rồi, dù gì thì mình cũng có ý tốt muốn hướng bạn đến Chánh Pháp mà. Đôi lúc lỡ lời có nói không đúng như Pháp thì thôi, xin sám hối, cuối mỗi thời khóa công phu nên đọc kệ sám hối, thành tâm sám hối mọi lỗi lầm trong ngày. Vì chúng sanh cõi này khởi tâm động niệm dễ tạo nghiệp lắm. Rồi càng tích cực niệm Phật, lạy Phật hơn, hồi hướng về Tây, đó là những pháp Sám hối không chi bằng. Nhất loạt sám hối mọi động niệm trong ngày.
—
Vài chia sẻ đến chị. Chúc chị tinh tấn!
Nam Mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật.
Vô Trụ: “Nếu thầy không tin nguyện của PHẬT A DI ĐÀ chắc thầy cũng không dùng quyển.này để giải nghĩa.”
Tô Đông Pha nói: “Sách xưa chẳng chán trăm lần đọc. Đọc kỹ suy cùng ý vị sâu!”
*** Trong quyển Niệm Phật Tông Yếu, lời khai thị của Pháp Nhiên Thượng Nhân tuy đơn giản ngắn gọn nhưng khi đọc kỹ nhiều lần và đối chiếu trải nghiệm mọi thứ trong cuộc sống mới từ từ hiểu ra đôi phần ý nghĩa sâu của Tổ. Để hy vọng có lợi ích chung nên HT thường chia sẻ nhiều lần vậy.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Huệ Tịnh hiền giả mắt sáng đấy, nên gắng dụng công.
A Di Đà Phật
Nam Mô A Di Đà Phật ! Xin cảm ơn Đạo Huynh Hữu Nghĩa !
Nam Mô A Di Đà Phật ! Các Đạo Huynh giúp tôi với ! Mấy ngày hôm nay, được nghỉ lễ nhiều ngày liên tục, lại được đi nghỉ mát ( tinh thần thư thái hơn ngày thường). Nhiều lúc tôi bất chợt nhận ra mình đang ” niệm chú vãng sanh”, ( nghĩ thầm, khong ra miệng) chiều hom nay, ( 5/5 ) , khi đang lau nhà, tôi lại giật mình nhận ra mình đang niệm ” chú đại bi” ( khong niệm từ đầu, mà niệm vai câu nào đó ở giữa,) .Ngày thường, lên khoá lễ, tôi cũng chỉ tụng chú đại bi 3 lần thôi chứ khong nhiều. Lúc rảnh rỗi, đi tập thể dục buổi tối, trước lúc đi ngủ tôi vẫn niệm Nam Mô A Di Đà Phật . Hiện tượng như vậy , …có sao không ạ ? Có phải là mất ” chánh niệm ” ? Tôi có cần phải chăm chỉ công phu Niệm Phật hơn nữa không ? Nam Mô A Di Đà Phật !
A Di Đà Phật
Chị Diệu Tiến, chị có thể hoan hỉ chia sẻ với mọi người đây thời khóa công phu hàng ngày của chị như thế nào không? Nếu không thích thì thôi nhé 🙂 Cảm ơn chị.
A Di Đà Phật
Nam Mô A Di Đà Phật ! Xin chia sẻ với mọi người, mong nhận được ý kiến đóng góp ạ .
* Buổi sáng, thắp hương, 1 – quán niệm : ( gồm 9 câu kệ mà có lần tôi đã chia sẻ). Bởi đây là từ ” nơi sâu nhất của tôi ” : Con về nương tựa Phật, người đưa đường …
2 – Sám hối trước khi tụng kinh
3 – Nghi thức tụng chú đại bi ( trong đó có Đại bi phát nguyện và 12 đại nguyện của Bồ Tát Quán Âm, Có niệm Phật , Niệm Bồ Tát ) ; phát nguyện và hồi hướng.
* Buổi chiều, tụng Kinh A Di Đà , niệm Phật ( chỉ niệm được 3 chuỗi A Di Đà Phật , 1 chuỗi Quán Thế Âm và Các vị Bồ Tát khác thì ít hơn nữa.
Cuối tháng,tụng phát nguyện Vãng sanh
Đầu tháng, tụng giới và Tam tự quy
Giữa tháng, đọc Từ bi Thuỷ sám ( 1 bộ chia ba buổi sáng )
Bất cứ lúc nào nhớ ra, tôi đều niệm Phật, nhất là khi làm việc nhà,
Giờ cả nhà xem phim, tôi nghe giảng Pháp trên Youtube
Tôi cũng nhận thấy mình niệm Phật còn ít quá, Tôi sẽ cố gắng Tinh Tấn hơn
Nam Mô A Di Đà Phật !
A Di Đà Phật
Theo mình như vậy thì nhiều qúa,khó quản lý,bạn nên quy hoạch lại đơn giản cho đến mức là chỉ còn 1 bộ kinh A Di Đà và 1 câu A Di Đà Phật,như thế thì sẽ dễ quản lý,tức là bạn chỉ tập trung vào tụng 1 bộ kinh A Di Đà và niệm Phật,Những thứ khác thì ko tụng nữa,thay vào đó bạn hãy dùng thời gian để tham cứu kinh điển,vì bạn đang tụng kinh A Di Đà thì nên tham cứu bộ A Di Đà Sớ Sao của Liên Trì đại sư cho nó phù hợp
-Vài năm đầu,bạn hãy dùng một nửa thời gian trong ngày để tụng kinh,niệm Phật,còn một nửa là để tham cứu bộ A Di Đà Sớ Sao.Đừng sợ mất thời gian tham cứu thì mình sẽ niệm Phật ít đi,liệu có mất vãng sanh ko.Việc tham cứu sẽ hằn sâu từng câu chữ trong kinh A Di Đà trở nên hằn sâu,rõ ràng hơn trong tâm thức,khi đó việc tụng kinh sẽ trở nên đậm đà hơn,câu Phật hiệu niệm dần dần sẽ trở nên đậm đà hơn.
-Ngẫu Ich đại sư nói,được vãng sanh hay ko là do tín,nguyên,còn phẩm vị cao hay thấp là do trì danh sâu hạy cạn.Việc tham cứu A Di Đà Sớ Sao sẽ làm cho tín,nguyện vững chắc hơn,vì thế đừng tiếc thời gian vài năm tham cứu.
– A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa,HT.Tịnh Không giảng rất dài,ở đây mình chỉ rút ra phần đơn giản cho ngắn gọn để cho dễ đọc.Bạn có thể tham khảo tai đây
https://drive.google.com/file/d/0ByfaPxXhnuPoZ2JYczdMU2pZU0U/view
Tốt nhất là bạn in ra giấy mà đọc tham cứu cho thuận tiện hàng ngày,vì đọc trên máy hay bị bỏ chữ,ko kỹ,dễ mất tập chung,mà nghe video thì nghe 1 lần cũng ko nhớ được.Tự mình đọc,tự mình nghe,tự mình tham cứu thì sẽ hằn sâu hơn.Lúc đầu cảm thấy hơi khó,nhưng cứ đọc 3,4 lần thì sẽ trở nên dễ đọc
-Ngoài ra bạn có thể tham khảo tại đây nữa cho kỹ hơn
http://www.duongvecoitinh.com/index.php/doi-dong-to-bay/comment-page-8/#comment-23809
-Trên đấy là vài lời tham khảo,ko bắt buộc bạn phải làm như thế,bạn tự lấy bỏ sao cho phù hợp với mình.
A Di Đà Phật
A Di Đà Phật
Chị Diệu Tiến,
Chia sẻ của Đạo hữu HNADĐP là chí phải rồi. Trong thời khóa công phu chính trong ngày nên chỉ “Một bộ Kinh, một câu Phật hiệu” làm chính thôi. Ngoài ra nên niệm thêm Quán Thế Âm Bồ Tát, như Ngài Ấn Quang khuyên. Đặt biệt nếu có thể nên thêm một thời lạy Phật hàng ngày nữa càng tốt, HT Tịnh Không khuyên bảo các đồng tu là vậy, bởi chúng sanh thời nay phiền não tập khí quá nặng nề rồi.
Ngoài thời khóa nên nghe Pháp, nghiên cứu giáo lý, đọc sách Chư Tổ để liên tục bồi đắp Tín – Nguyện của mình cho thật sâu xa tha thiết, thật vì sinh tử, đừng vì cái gì khác. Dùng cái Tín Nguyện sâu xa, vì sinh tử này mà hành trì tu tập.
Chúc chị ngày càng tinh tấn!
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô A Di Đà Phật ! Cảm ơn Bạn Hãy Niệm A Di Đà Phật !
Mình cũng nghĩ như vậy, ” tham cứu kinh điển sẽ thấm đượm ý nghĩa từng câu,từng chữ. Hiểu kỹ, hiểu sâu giúp Tín, Nguyện được vững chắc, hằn sâu vào tâm thức…”
Tôi tụng niệm như vậy, mong các huynh đừng nghĩ là tôi ” tham lam”, hay tạp tu. Là vì…Đức Từ Bi và sự Bao dung cua Đức Quán Thế Âm đối với tôi: trong tận cùng Đau Khổ, Tận cùng Thất vọng, ngay cả khi Niềm Tin trong tôi sụp đổ, ( tôi đã từng như một Đứa trẻ Hờn Giận, quay lưng, nhắm mắt, bịt tai, ) Người vẫn không quên tôi, đã dang tay kéo dứa trẻ Bướng Bỉnh vào vòng tay Yêu Thương của Người
Còn về Từ Bi Thuỷ Sám, dẫu vẫn biết, “một câu niệm Phật diệt ngàn tội lỗi “, nhưng tôi vẫn muốn thỉnh thoảng thầm nhắc nhở mình cụ thể là những Tội gì , Nghiệp gì, Chướng gì, để biết rõ, đừng quên…Sau này, dần dần, tôi sẽ sắp xếp lại thời gian, nghi thức hành trì cho gọn gàng, cô đọng hơn.
Cảm ơn tất cả các Quý Đồng Đạo Huynh Muội. Mong rằng tôi sẽ tiếp tục nhận được nhiều ” trợ duyên ” tren con đường Tu Học . Nam Mô A Di Đà Phật !
Nếu Đức A Di Đà Từ Phụ đối với chúng sinh trong cõi Ta Bà này dùng xe Hươu, xe Nai, xe Trâu dụ cho các con ra khỏi Nhà Lửa , thì các bạn hãy hình dung câu chuyện của Tôi như thế này.
Có một cô bé Bướng Bỉnh ” bặm môi , dậm chân ” la hét ” Pháo, pháo của con “, người mẹ đã kiên quyết vứt cả đống pháo đó vào nước; ” tại sao, tại sao chúng nó đều có thể chơi ( đốt ), ( chúng nó đều được vui ), mà con lại không thể, mẹ bất công ! “. ” Con không yêu mẹ, không bao giờ yêu mẹ nữa” . Quay lưng, nhắm mắt, bịt tai , khóc lóc, đều vô dụng . Đợi cho cô bé đó bình tĩnh lại, người mẹ mới Yêu Thương ôm cô vào lòng, chỉ cho cô thấy, âm thanh đó, ánh sáng rực rỡ đó, ( niềm vui đó ) chỉ bùng lên trong nháy mắt ( rồi biến mất ), nhưng phần nhiều, bọn trẻ đã ném những quả pháo đó vào nhau, nhẹ thì cháy quần áo, nặng thì bỏng tay chân, có đứa Hỏng Mắt, hoặc ngồi xe lăn suốt đời . Trong khi đó, có một cô bé An Toàn trong vòng tay mẹ …
Nam Mô Đại Bi Quán Tự Tại Bồ Tát !
“– Này thiện nam tử! Khi xưa, lúc Như Lai thuyết pháp từng đã nói hai thứ phương tiện như thế, nhưng chúng sanh kia chẳng hiểu ý nghĩa niệm Phật Như Lai đã nói, cũng chẳng thông đạt ý chỉ “tâm tịnh thời Phật độ tịnh” của Như Lai đã giảng, chỉ chấp trước văn tự, cho rằng: Niệm Phật chỉ là khẩu niệm, chẳng biết niệm bằng tâm niệm. Niệm niệm chẳng tạp, niệm niệm chẳng đoạn, niệm niệm là Phật. Phật ở trong tâm ông, tâm ông làm Phật, ngay nơi sắc thân của chính mình thành tựu huệ thân. Tu Tịnh Ðộ cũng phải nên như thế.”
Xin cảm ơn DVCT đã chia sẽ một bài Pháp hay cho mọi người.
“Này thiện nam tử! Nếu kẻ nào tu tập Thiền Ðịnh mà thật sự có thể nhập Phật tri kiến, duy tâm Tịnh Ðộ thì Phật biết là người ấy quyết định thành Phật. Người niệm Phật kia duy tâm niệm Phật quyết định sanh về Tịnh Ðộ. Còn nếu cả hai điều ấy đều chẳng đạt được thì đường Bồ Ðề xa vời, tự mất công đức, chớ báng Như Lai!”