Thiền chính là Chân Như Phật tánh vốn sẵn có của chúng ta. Trong nhà Thiền gọi đó là “bản lai diện mục trước lúc cha mẹ sanh ra”; nhưng nhà Thiền chẳng nói toạc ra, nhằm làm cho người khác tham cứu tự chứng ngộ nên mới nói như vậy. Ðó chính là tâm thể thuần chân, không Năng, không Sở, vừa tịch, vừa chiếu, linh tri ly niệm vậy (Linh tri ly niệm nghĩa là trọn chẳng có ý niệm nhưng luôn nhận thức rõ ràng cảnh vật hiện tiền).
Tịnh Ðộ là tín nguyện, trì danh, cầu sanh Tây Phương, chứ chẳng phải chỉ nói đến “Duy Tâm Tịnh Ðộ, Tự Tánh Di Ðà”. “Có Thiền” là tận lực tham cứu đến cùng cực, niệm tịch, tình vong, thấy thấu suốt cái bản lai diện mục trước khi cha mẹ sanh ra, minh tâm kiến tánh.
“Có Tịnh Ðộ” là chân thật phát Bồ Ðề tâm, sanh tín, phát nguyện, trì danh hiệu Phật, cầu sanh Tây Phương. Thiền và Tịnh Ðộ chỉ là ước theo giáo, ước theo lý. “Có Thiền” và “có Tịnh Ðộ” là ước theo căn cơ, ước về tu. Về giáo lý thời hằng nhiên như thế; Phật chẳng thể tăng, phàm chẳng thể giảm. Xét về căn cơ, tu hành thì phải nương vào giáo để khởi hạnh; hành cho đến khi chứng ngộ tột cùng lý, sao cho thật sự có mới thôi!
Điều thứ hai là xét về văn từ, tuy tương tự nhưng thật ra rất khác nhau, phải suy xét kỹ càng, chớ có lẫn lộn! Nếu như tham Thiền nhưng chưa ngộ hoặc ngộ chưa triệt để thì đều chẳng được gọi là Có Thiền. Nếu như niệm Phật nhưng thiên chấp duy tâm, không có tín, nguyện; hoặc có tín nguyện nhưng chẳng chân thành, thiết tha, lơ là, hờ hững, làm cho lấy có; hoặc hành tuy tinh tấn nhưng tâm mến luyến trần cảnh, hoặc cầu đời sau sanh trong nhà phú quý để hưởng vui ngũ dục, hoặc cầu sanh lên trời để hưởng phước lạc cõi trời, hoặc cầu đời sau xuất gia làm Tăng, nghe một ngộ cả ngàn, đắc Đại Tổng Trì, hoằng dương pháp đạo, phổ lợi chúng sanh thì đều chẳng được gọi là Có Tịnh Độ.
Có Thiền, có Tịnh Ðộ.
Như cọp mọc thêm sừng.
Hiện tại làm thầy người,
Ðời sau làm Phật, Tổ
Nghĩa là: Người ấy triệt ngộ Thiền tông, minh tâm kiến tánh, lại còn thâm nhập Kinh tạng, hiểu trọn vẹn các pháp môn Quyền, Thật của đức Như Lai; nhưng trong các pháp lại chỉ chọn lấy một pháp Tín Nguyện Niệm Phật để làm chánh hạnh chung nhằm tự lợi, lợi người. Bậc Thượng Phẩm Thượng Sanh đọc tụng Ðại Thừa, hiểu Ðệ Nhất Nghĩa như đã nói trong Quán Kinh chính là hạng người này vậy. Người ấy có đại trí huệ, có đại biện tài; tà ma, ngoại đạo nghe tên vỡ mật. Người ấy như cọp đeo thêm sừng oai mãnh không chi sánh bằng.
Ðối với kẻ đến học sẽ thuyết pháp tùy theo căn cơ: Thấy nên dùng Thiền Tịnh Song Tu để tiếp dẫn thì sẽ dùng Thiền Tịnh Song Tu tiếp độ; chỉ nên dùng chuyên tu Tịnh Ðộ để tiếp dẫn thì sẽ dùng chuyên tu Tịnh Ðộ tiếp độ. Bất luận thượng, trung, hạ căn, không ai là chẳng được đội ơn, há chẳng phải là “bậc đạo sư của trời, người” hay sao? Ðến lúc lâm chung, người ấy được Phật tiếp dẫn vãng sanh thượng phẩm; trong khoảng khảy ngón tay hoa nở gặp Phật, chứng Vô Sanh Nhẫn; thấp nhất thì cũng chứng bậc Sơ Trụ trong Viên giáo; cũng có người đốn siêu các địa vị, đạt đến bậc Ðẳng Giác. Bậc Sơ Trụ trong Viên Giáo đã có thể hiện thân làm Phật trong trăm cõi, huống hồ là các địa vị kế tiếp đó lại càng lần lượt thù thắng hơn; nhất là địa vị Ðẳng Giác thứ bốn mươi mốt! Vì vậy Tổ mới nói: “Ðời sau làm Phật Tổ”.
Không Thiền, có Tịnh Ðộ.
Vạn người tu, vạn đỗ.
Nếu gặp Phật Di Ðà,
Lo gì chẳng khai ngộ
Nghĩa là: Hành nhân tuy chưa minh tâm, kiến tánh, nhưng đã quyết chí cầu sanh Tây Phương. Do vì trong kiếp xưa, đức Phật đã phát đại thệ nguyện nhiếp thọ chúng sanh như mẹ nhớ con; nếu chúng sanh thật sự có thể [nhớ Phật] như con nhớ mẹ, chí thành niệm Phật thì sẽ cảm ứng đạo giao, liền được đức Phật nhiếp thọ. Vì ra sức tu Ðịnh, Huệ nên được vãng sanh. Kẻ Ngũ Nghịch, Thập Ác lúc lâm chung bị các sự khổ bức bách bèn sanh lòng hổ thẹn lớn lao, xưng niệm danh hiệu Phật hoặc mười tiếng hoặc chỉ một tiếng rồi mất ngay trong lúc đó, họ đều được Phật hóa thân tiếp dẫn vãng sanh. Ðấy há chẳng phải là “vạn người tu, vạn đỗ” hay sao?
Những kẻ đó tuy niệm Phật chẳng lâu nhưng do niệm Phật cực kỳ mãnh liệt nên có thể đạt được lợi ích lớn lao ấy, chẳng nên so với kẻ tu hành lơ là hờ hững mà bàn luận niệm nhiều hay ít. Ðã sanh về Tây Phương thì tuy gặp Phật, nghe pháp có nhanh – chậm chẳng đồng, nhưng đều đã cao dự dòng thánh, trọn chẳng thoái chuyển. Tùy theo căn tánh sâu, cạn, hoặc tiệm hay đốn mà chứng các quả vị. Ðã được chứng quả thì cần gì bàn đến khai ngộ nữa. Ấy chính là: “Nếu gặp Phật Di Ðà, lo gì chẳng khai ngộ” vậy.
Có Thiền, không Tịnh Độ,
Mười tu, chín lần chần,
Ấm cảnh nếu hiện tiền,
Chớp mắt đi theo nó.
Nghĩa là: Hành nhân tuy triệt ngộ Thiền tông, minh tâm kiến tánh, nhưng Kiến Tư phiền não chẳng dễ đoạn trừ, phải trải qua nhiều duyên trui luyện để trừ sạch hết chẳng sót, mới có thể xuất ly phần đoạn sanh tử . Người chưa đoạn một mảy nào thì chẳng cần bàn đến nữa! Dẫu chỉ còn một mảy chưa đoạn sạch hết thì lục đạo luân hồi vẫn khó thoát y như cũ. Biển sanh tử sâu thẳm, đường Bồ Ðề xa vời vợi; còn chưa về được đến nhà thì đã mạng chung! Người đại ngộ mười người hết chín đều như vậy. Cho nên mới nói: “Mười người, chín lần chần”. Lần chần (tha đà) người đời thường nói là “chần chờ”. “Ấm cảnh” là cảnh của Trung Ấm thân; tức là những cảnh được hiển hiện trong khi lâm chung bởi nghiệp lực thiện – ác trong đời này và bao kiếp. Một khi những cảnh ấy hiện ra, trong chớp mắt sẽ liền theo nghiệp lực thiện hay ác nào mạnh mẽ nhất để đi thọ sanh trong đường thiện hay ác; chẳng thể làm chủ tình thế một mảy may nào! Giống như người mắc nợ, chủ nào mạnh sẽ kéo đi trước. Tâm tình lắm mối đa đoan, coi trọng chỗ nào sẽ rớt vào đấy.
Ngũ Tổ Giới lại sanh làm Tô Ðông Pha, Thảo Ðường Thanh lại sanh làm Lỗ Công, đều là do lẽ trên vậy! Bởi thế mới nói: “Ấm cảnh nếu hiện tiền, chớp mắt đi theo nó”. Chữ Ấm (陰): âm và nghĩa đồng với chữ Âm (蔭), nghĩa là che đậy; tức là: Do nghiệp lực này che lấp nên chân tánh chẳng thể hiển hiện. Miết (瞥), âm giống chữ Phiết (撇), nghĩa là nháy mắt, chớp mắt. Có người hiểu chữ Tha (蹉) nghĩa là “lầm lẫn”, Ấm Cảnh là Ngũ Ấm Ma Cảnh, chung quy vì chẳng hiểu chữ Thiền và chữ Có nên mới nói hồ đồ như vậy. Lẽ nào những bậc đại triệt đại ngộ mười người tu chín người lạc đường, đi theo Ngũ Ấm Ma nên bị ma dựa phát cuồng? Phàm những kẻ bị ma dựa phát cuồng đều là kẻ chẳng biết giáo lý, chẳng hiểu tự tâm, là giống tăng thượng mạn, tu mù luyện đui mà thôi. Sao chẳng biết hay – dở, lại đem gán cho bực đại triệt đại ngộ! Ðiều này quan hệ rất lớn, chẳng thể không biện luận rõ!
Không Thiền không Tịnh Ðộ.
Giường sắt và cột đồng.
Vạn kiếp cùng ngàn đời.
Không một ai nương dựa.
Có kẻ bảo “không Thiền, không Tịnh” tức là vùi đầu tạo nghiệp ác, chẳng tu pháp lành. Lầm to, lầm to! Dù pháp môn vô lượng nhưng chỉ có Thiền và Tịnh là thích hợp cho các căn cơ hơn hết. Hành nhân chưa được triệt ngộ, lại chẳng cầu sanh, lơ là, hời hợt tu các pháp môn khác, Ðịnh – Huệ đã chẳng thể quân bình để đoạn Hoặc chứng Chân, lại chẳng nương vào Phật từ lực để đới nghiệp vãng sanh; đem công đức trọn đời tu trì để cảm lấy phước báo đời sau sanh trong trời, người. Đời này đã không chánh trí thì đời sau ắt bị phước chuyển, mê đắm trong ngũ dục, tạo đủ các ác nghiệp. Ðã tạo ác nghiệp sẽ khó thoát ác báo. Khi một hơi thở chẳng hít vào được nữa thì liền đọa địa ngục, rành rành sẽ ở trong bao kiếp dài lâu nằm lăn nơi giường sắt, ôm ấp cột đồng để đền trả lòng tham thanh sắc, giết hại sanh mạng v.v… các thứ ác nghiệp. Tuy chư Phật, Bồ Tát rủ lòng xót thương, nhưng do ác nghiệp ngăn chướng, người ấy vẫn chẳng thể được hưởng lợi ích. Người xưa nói: “Người tu hành nếu chẳng chánh tín cầu sanh Tây Phương, tu hành đủ các việc thiện khác thì gọi là kẻ oán đời thứ ba”, chính là nói đến ý này.
Ấy là vì đời nay tu hành, đời sau hưởng phước; vì ỷ phước làm ác nên liền bị đọa lạc. Ðạt được cái vui giả tạm trong đời kế mà muôn kiếp phải vĩnh viễn chịu khổ. Ví dù nghiệp địa ngục tiêu tan thì lại chuyển sanh làm ngạ quỷ, súc sanh; muốn lại được thân người thì thật là điều khó nhất trong những điều khó. Vì vậy, Phật lấy tay bốc đất rồi hỏi A Nan rằng: “Ðất trong tay ta là nhiều, hay đất trong đại địa là nhiều?” A Nan bạch Phật: “Ðất trong đại địa nhiều”. Phật nói: “Ðược thân người như đất trong tay, mất thân người như đất trong đại địa”. [Xét theo lời Phật] thì “muôn kiếp, ngàn đời, không một người nương dựa” vẫn là lời luận định rất nông cạn.
Ôi! Hết thảy pháp môn chuyên cậy vào tự lực; pháp môn Tịnh Ðộ chuyên nhờ Phật lực. Trong hết thảy pháp môn, phải trừ sạch Hoặc nghiệp mới liễu sanh tử; còn trong pháp môn Tịnh Ðộ: do đới nghiệp vãng sanh liền dự dòng thánh. Ðại sư Vĩnh Minh sợ cõi đời chẳng hiểu biết nên mới đặc biệt phân định để chỉ bày cho tương lai. Liệu Giản đáng gọi là chiếc bè báu nơi bến mê, là đạo sư (người dẫn đường) nơi đường hiểm. Ðáng tiếc người trong cõi đời hờ hững đọc lướt qua, chẳng chịu nghiên cứu kỹ. Có phải là do chúng sanh ác nghiệp đồng phận nên xui khiến như thế chăng?
Chúng ta thường thường nghe đến Hoạnh Tài-Hoạnh Tử, vậy cái gì là Hoạnh Tài? Hoạnh Tài là tài lộc rất lớn bạn đột nhiên có được mà không phải dùng công sức lao động chính đáng để có. Trong xã hội ngày nay, chúng ta rất dễ dàng thấy được như: trúng vé số độc đắc, hoặc lừa gạt tiền tài của người khác, hoặc do làm ăn phi pháp mà có, hoặc do trộm cắp được của người khác mà có, những tiền tài này đều gọi là của Hoạnh Tài.
Cổ Đức thường nói: _ “Miếng ăn, miếng uống đều đã được định sẵn”.
Là ai đã định? Là do những tạo tác là thiện, là ác của chính mình trong đời quá khứ đã định. Nếu đời quá khứ bạn bố thí tài vật nhiều thì đời này bạn được của cải rất nhiều, nếu bạn bố thí ít thì bạn được ít. Cho dù trong đời này bạn dùng nhiều thủ đoạn không chính đáng để đạt được, thì cũng là những gì vốn đã có sẵn trong vận mạng của bạn. Nếu trong vận mạng của bạn không có, thì dùng thủ đoạn gì bạn cũng chẳng đoạt được.
Vậy thế nào là Hoạnh Tử? Thọ mạng chưa hết nhưng vẫn phải chết đi, thì gọi là Hoạnh Tử. Ví dụ như: của cải trong mạng của bạn có thể dùng trong 80 năm, đây là bạn có 80 năm mạng lộc, nhưng đến năm 40 tuổi bạn dùng thủ đoạn không chính đáng để phát tài ngay tức khắc, là bạn gom tất cả tài lộc trong 80 năm lại dùng hết một lần, vậy thì 40 năm phía sau của bạn sẽ chẳng còn tài lộc nữa. Khi tài lộc này bạn hưởng dùng hết rồi, thì thọ mạng của bạn cũng hết luôn. Giống như ngạn ngữ có nói:
_ ” Lộc tận, người mất”.
Tuy là bạn vẫn còn thọ mạng, tức là tuổi thọ vẫn còn, nhưng lộc đã hết, là bạn đã hưởng hết lộc, thì phước cũng hết luôn, phước đã hết thì dù vẫn còn thọ mạng bạn cũng phải chết đi. Xem như 40 năm thọ mạng sau cùng của bạn cũng oan uổng mà mất đi. Vậy có cách nào tránh miễn được không? Có, chỉ cần bạn chịu tiếc phước và chịu tu phước, đây là bạn đang kéo dài phước báo của mình ra, không để cho nó hao tổn mất đi, thì tuổi thọ theo đó mà kéo dài ra, kéo dài trong bao lâu? Đến khi nào bạn hưởng hết phước báo trong đời này của bạn.
Đối với chân tướng sự thật này, người thế gian chẳng hiểu được, nên đã gây tạo rất nhiều tội nghiệp, niệm niệm chỉ mong cướp đoạt thật nhiều của cải của người khác về túi mình, thủ đoạn cướp đoạt thì nhiều vô lượng vô biên, tất cả đều là tổn người lợi mình. Họ cứ luôn cho rằng mình thông minh, mình tài giỏi, thật ra đều hoàn toàn sai cả. Đâu biết rằng thiên địa quỷ thần ngày ngày đều nhìn thấy rất rõ ràng, thời gian để chính mình chạy đi lánh nạn còn không kịp, lấy đâu ra phước báo mà mong cầu.
Pháp sư Tịnh Không
Chúng ta thường nói, tổ sư đại đức cũng thường hay giáo huấn chúng ta, nên ghi nhớ những gì không mang đi được thảy đều phải buông bỏ.
Những thứ nào không mang đi được? Danh vọng lợi dưỡng không thể mang đi, năm dục sáu trần không thể mang đi, bạn bận tâm những thứ này làm cái gì? Bạn sai rồi. Thân không thể mang đi, tài sản không thể mang đi. Không thể mang đi thì nên buông bỏ. Buông bỏ không phải nói trên sự với bạn, sự không hề gì, là nói cái tâm của bạn, trong lòng của bạn quyết định không thể có những thứ này.
Cái gì có thể mang đi được? Thiện nghiệp mang đi được, tịnh nghiệp mang đi được, câu A Di Đà Phật này mang đi được, mười đại nguyện vương đã nói trong phẩm Hạnh Nguyện mang đi được, mười Ba La Mật của Bồ-tát Phổ Hiền mang đi được. Mang đi được thì phải nỗ lực mà làm, không mang đi được thì thảy đều bỏ hết.
Hiện tại người thế gian bị mê nghiêm trọng nhất là tiền, cái thứ này không thể mang đi được, nhất định phải đem nó xả bỏ sạch sẽ, cho nên Thế Tôn dạy bảo chúng ta “lấy giới làm thầy, lấy khổ làm thầy”, đời sống thanh đạm một chút thì tốt, tốt ở chỗ nào này vậy? Không có lưu luyến đối với thế gian này, đời sống quá dư giả sẽ thấy chỗ này cũng không tệ, thế giới Cực Lạc tuy là nghe nói qua, ai có thể chứng minh nó là thật? Họ sẽ có hoài nghi này. Nếu như ở thế gian này bị nhiều khổ, bị nhiều nạn, vậy thì đối với thế giới Cực Lạc vừa nghe nói thì thật ngưỡng vọng, thật muốn đi, tâm tình của họ sẽ không giống như chúng ta.
Do đây có thể biết, Phật dạy bảo chúng ta là rất có đạo lý, chúng ta phải thường hay nghĩ đến sáu cõi khổ, mười pháp giới cũng khổ, vô lượng kiếp đến nay đời đời kiếp kiếp không thể ra khỏi phạm vi này, bạn nói xem có thật đáng thương không!
Lão Pháp Sư TỊNH KHÔNG