Tôi ở huyện Bảo Thanh, tỉnh Hắc Long Giang, là một phụ nữ mắc bệnh ung bướu nan y. Vào năm 37 tuổi, tôi bị bướu mật thời kỳ cuối. Mật của tôi hiện đã được cắt bỏ, nhưng do cắt bỏ mật vào giai đoạn bệnh đến thời kỳ cuối, nên tình trạng không ổn như lúc mới phát. Bởi vào thời kỳ cuối, những tế bào ung bướu đã phát tán khắp thân, nên dễ tái phát tràn lan. Sau khi cắt bỏ túi mật rồi, thì tử cung tôi lại mọc thêm ba ung bướu, tiếp đến buồng trứng bên trái sinh một bướu, chưa đầy nửa năm buồng trứng bên phải cũng có một bướu nữa. Tiếp theo là cổ họng lại sinh bướu, mọi người nghe tôi nói chuyện giọng khàn khàn.
Sức khoẻ tôi cực suy, không thể tiếp nhận những cuộc đại phẫu thuật, do vậy mà chẳng thể mổ tử cung, buồng trứng v.v… Riêng yết hầu tôi bị bướu, chỉ cần hả miệng dùng kính soi cũng thấy rõ, nhờ vậy mà bướu ở yết hầu đã cắt được. Hiện tại giọng nói vẫn còn khàn khàn. Sau đó bao tử cũng sinh bướu, trực tràng cũng bị bệnh, mọi người thường gọi là bệnh trĩ, nhưng thực chất không đúng, nơi đó cũng bị ung bướu nốt.
Những thống khổ tôi phải chịu vẫn chưa hết, vì bệnh lại lan đến phổi, cực kỳ ác liệt: nửa phần trên phổi trái có tới 5 ung bướu. Tôi bị bệnh khổ hành hạ, giày vò… đến hôn mê bất tỉnh.
Tôi thường ho ra máu, máu lẫn đầy tạp chất lợn cợn, ho ra từng bụm, từng bụm máu.
Tất cả bệnh này của tôi đều do ác nghiệp sát sinh tạo thành. Tôi chuyên bán các ngư cụ đánh bắt hải sản và cung ứng đủ loại thuỷ tộc cho mọi người dùng.
Tôi làm việc từ năm 1981, tuy hộ khẩu ở huyện Bảo Thanh, nhưng phạm vi buôn bán mở rộng đến khắp nơi, từ miền quê cho đến thành thị…
Khắp người tôi giờ mắc bệnh ung bướu thống khổ, thấy đều do sát nghiệp (sau này học Phật pháp rồi tôi mới hiểu).
Lúc chưa biết đạo, tôi đã phá thai hai lần, đây là đại ác nghiệp. Khi bệnh vật tôi ngã quị trên giường, nằm thở thoi thóp… Tôi nếm đủ mùi khổ, vì hễ phía trên vừa ho sù sụ, là phía dưới nước tiểu bắn ướt ra quần, do vậy mà tôi phải lót băng, bởi vừa ho là són tiểu ngay, hơn nữa còn bị các bệnh khác giày vò hành hạ, khổ hết chỗ nói.
Lúc này bác sĩ tuyên bố tôi chỉ còn sống được một tháng.
Tóc tôi bạc trắng hết, do dùng thuốc và trị hoá chất. Sau đó không thể hoá trị nữa, bởi tôi quá suy yếu hết tiếp nhận nổi. Do hoá trị một nửa diệt tế bào ung bướu, một nửa là diệt tế bào lành. Mà tình trạng sức khoẻ tôi như thế, không thể trị hoá chất tiếp được nữa. Tôi yếu đến không thể đi đứng, chỉ cần nói chuyện vài câu là chóng mặt muốn xỉu. Tôi không thể nói mà cũng không còn sức lực chi.
Sau đó, nghe con tôi kể có Hoà Thượng Thể Huệ đang tổ chức Phật thất, nghe đồn gia trì của Phật thất này rất mạnh… thế là tôi ngỏ ý muốn tham dự thử… Nhưng ông xã và mẹ chồng lẫn mẹ ruột tôi đều không cho đi. Nhất là mẹ ruột tôi, bà rất cưng tôi, khăng khăng tuyên bố thà để tôi nằm nhà trị bệnh mà chết, chứ nhất quyết không cho tôi đi vào con đường mê tín như vậy!… Bà bảo nếu tôi cứ liều lĩnh đi thì với tình trạng sức khoẻ suy như thế này, e rằng tôi chưa đến nơi thì đã… bỏ xác trên hoả xa!
Sau đó con trai tôi ra sức thuyết phục, nó thưa với mẹ tôi:
– Ngoại ơi, xin đừng ngăn cản mẹ cháu nữa, bà yêu con gái thì cháu cũng biết thương mẹ mình vậy? Nếu cứ để mẹ cháu nằm nhà chờ chết… thì chi bằng hãy cho mẹ thoả nguyện, được toại ý đến với Phật pháp, làm cuộc thí nghiệm thử xem sao?
Lúc đó bác sĩ tuyên bố với cả nhà tôi rằng:
– Mạng sống cô này chỉ còn một tháng nữa thôi, cổ thích ăn gì thì cứ cho ăn.
Mẫu thân không cho tôi đi, là vì muốn trong thời gian cuối cùng này, được bày tỏ hết lòng yêu thương dành cho con gái… Khi mẹ đòi rửa chân cho, tôi thực chẳng nỡ để mẹ làm vậy, nhưng vì muốn làm cho bà vui, tôi đành để mẹ tuỳ ý… (không muốn bà phải ôm áy này sau khi tôi chết đi), vì vậy mà đành chia chân ra cho mẹ rửa… Lúc mẹ rửa chân cho, tôi rơi nước mắt đầm đìa…
Khi mẹ đồng ý, chịu cho phép tôi đi thì con trai tôi (lúc đó là sinh viên theo học ở Viện nghiên cứu), liền xin nghỉ học, để hộ tống tôi đến Phật thất.
Phật thất tổ chức tại Bảo Lâm Thiền Tự ở Cẩm Châu ( Liêu Ninh), tôi khi đó bước đi không vững, nhờ có con trai và một bà bạn ở Hắc Long Giang, đồng phụ đỡ dìu, đưa tôi đi.
Đến Phật thất, hằng ngày tôi phải bái Phật tới ngàn lễ, tu toàn là niệm Phật, lễ Phật… Vậy mà kỳ tích xuất hiện.
Tại Phật thất, sư phụ dạy tôi: “Khi niệm Phật, gì cũng không được nghĩ đến, tâm không tạp loạn, chỉ chú tâm niệm Phật thôi”…
Rồi sư dạy tôi lễ Phật, tôi thọ Bát quan trai giới, hành trì theo đoàn thể. Sau đó trong khoảng thời gian từ ba đến năm ngày, tôi rất mừng vì không còn ho nữa. Thấy tôi ngưng ho thì sư phụ bắt tôi lễ Phật, mỗi ngày phải lễ tới ngàn lạy, tôi đứng còn không vững thì nói gì đến lạy? Tôi nghĩ “Vì sao sư phụ vẫn bắt con lễ Phật chứ?” Thế là tôi khóc, vì lễ không nổi nên tôi bật khóc… Nhưng sư phụ vẫn không mềm lòng, ông cương quyết ép tôi phải lễ Phật! Dù lễ không nổi vẫn phải lễ! Nghĩa là có lễ được hay không, tôi vẫn phải lễ!
Tôi lễ Phật được một tuần thì sư phụ bèn đi thật nhanh quanh đạo tràng, tôi cũng phải “chạy” theo. Bởi vì tôi bệnh phổi, trong phổi ứ đầy tạp chất, không thông. Tôi không còn khí lực và nói chẳng ra hơi, vậy mà còn phải “chạy”, rất dễ bị ngạt thở chết… Tôi không dám chạy, nhưng sư phụ khuyến khích tôi, tôi bèn thí nghiệm chạy thử, bước từng bước thật nhanh. Ôi chao, từ từ tôi cảm thấy dễ chịu, thế là tôi yên tâm rảo bước theo sư phụ; lên lên xuống xuống, lòng rất vui.
Tiếp đến tuần thất thứ hai: Phải leo núi. Sư phụ hướng dẫn tôi đi. Thấy ngài leo núi, tôi không dám lên theo, vì sợ mình sẽ chết. Bởi tôi biết rõ sức khoẻ của mình khó kham nổi, nhưng sau đó sư phụ đến dìu tôi và nói: “Triệu Lệ Bình hãy ráng lên núi nhé!”
Tôi nghĩ “Phải nghe sư phụ thôi”, ngài dạy gì tôi đều vâng theo, thế là tôi ráng sức lên núi. Núi này cao, dốc đứng, đường toàn là dốc… tôi bò từng bước, lên được tới đỉnh tôi mừng đến lệ tuôn đầy mặt. Tôi đứng trên núi thầm nghĩ: “Thực là ngoài sức tưởng, không ngờ mình có thể leo lên và đứng được trên đỉnh núi”. Lặng ngắm màu trời biêng biếc, cây cối xanh tươi, tôi cảm động vô hạn, vì chính Phật thất của sư phụ đã cứu vớt và ban cho tôi mạng sống lần thứ hai.
Sau đó tôi tham dự từng đợt, từng đợt Phật thất của sư phụ tổ chức, mãi cho đến hiện tại. Hồi đó khi tôi bệnh đầu tóc bạc hết hai phần, còn một phần thì ngả màu tro xám xịt. Nhưng tôi vẫn một bề theo sư phụ đả thất. Đến bây giờ khi các bạn đạo gặp lại tôi, họ đều suýt soa: “Ôi chao! Tóc Lệ Bình đen lại rồi nè, hay thật đó nha!” Họ đứng trước tôi trầm trồ ngắm nghía và cứ khen mãi. Tôi thật là vui.
Trước đây ở nhà mỗi khi dùng bữa, tôi đều phải ăn cháo. Vì vậy khi đến dự Phật thất tôi rất lo, bởi ở đây toàn ăn cơm, tôi nghĩ “bao tử mình bệnh nặng như thế, làm sao ăn cơm được?” Nhưng sau khi tôi theo dự Phật thất rồi, hiện nay nếp sinh hoạt chẳng hề khác người, tôi ăn dễ dàng, hơn nữa mặt mày khí sắc còn rất hồng hào, thật đó! Bây giờ, khi theo mọi người nhiễu Phật, niệm Phật, tôi rất muốn niệm lớn tiếng. Hồi trước lúc mới tham dự, tôi niệm chẳng có hơi, khó thành tiếng, giờ đây tôi đã có thể niệm ra tiếng và còn niệm lớn. Về các bệnh khác như ung bướu tử cung, buồng trứng v.v… hiện tại tôi chẳng thèm đi khám hay kiểm tra chi, tôi tự biết nó đã ổn, vì sao ư? Tôi ba mươi mấy tuổi bắt đầu bị ung bướu, bặt kinh nguyệt đã ba năm… Trước đây bác sĩ từng nhắc tôi phải lưu ý: “Hễ thấy có hiện tượng ra máu lần nữa, thì coi như tiêu ma!”
Tôi hỏi:
– Tại sao?
Ông đáp:
– Tử cung bà đầy bướu, nó mọc chen chúc dồn ép, nếu mà vỡ ra, ắt là đại xuất huyết, thì phải chết thôi! Lại thêm hai buồng trứng bà đều có bướu, cực kỳ xấu…
Sau khi tôi tham gia Phật thất của sư phụ, rồi dự các Phật thất kế tiếp nữa, thì đột nhiên trong thời gian này tôi cảm thấy bụng mình rất đau, đau dữ dội. Xong Phật thất thì sư phụ quay về Đài Loan. Còn tôi thì về quê mình ở huyện Bảo Thanh, thầm nghĩ: “Nếu sư phụ mở Phật thất nữa thì tôi sẽ tham dự tiếp”. Về nhà rồi, tôi bỗng thấy phần bụng của mình cực kỳ nóng. Như có luồng điện đang nung nấu và toả khí nóng khắp bụng dưới, khiến tôi cảm giác có chút đau. Tôi nghĩ thầm: “Vì sao lạ như vậy?” Tôi thấy tình cảnh mình có thể giống như lời bác sĩ từng cảnh báo là: “Mạng sống sẽ… tiêu ma, e xảy ra đại xuất huyết”… nên vội lao vào nhà vệ sinh, bỗng nghe hạ thể kêu “xoà” một tiếng lớn, rồi trong bụng có vật gì tuôn ào ra… tiếp theo là cảm giác thư thái dễ chịu… Khi tôi đứng dậy, nhìn vào bô, thấy toàn màu đỏ, trong có một khối hình tròn cỡ cái chén nhỏ, mặt bằng phẳng, nhưng xung quanh giống như hoa sáu cánh.
Sau đó, tôi chẳng biết bệnh tình mình tốt hay xấu liền đi bệnh viện siêu âm: “Rốt cuộc là chuyện gì xảy ra đây?” Bác sĩ kiểm tra xong, bảo:
– Bệnh bà lành rồi, không sao hết
Từ đó, tôi hồi phục như người bình thường. Chỉ còn bệnh phổi, nhưng tôi dứt khoát không đi khám trị gì nữa, bởi tôi nghĩ: “Đầu tóc mình đã đen lại, bệnh dù không lành hoàn toàn thì thể lực tôi cũng rất tốt, khoẻ như thế này là đủ rồi”. Hiện giờ, tôi đã có thể làm việc, sinh hoạt bình thường như bao người.
Nhờ cơn bệnh khốc liệt này của tôi mà bố chồng, mẹ chồng, mẹ ruột, chú Út, thím Út, em trai, em gái… tất cả thân nhân từng chứng kiến cảnh tôi từ bệnh thoi thóp đến khoẻ an và bây giờ việc gì cũng có thể làm được thì ai nấy đều tán thán: “Phật pháp thực vi diệu, không thể nghĩ lường!” Không chỉ khen như vậy thôi đâu, mà tất cả bọn họ đều xúm nhau ăn chay niệm Phật hết ráo. Bố chồng tôi năm nay 81 tuổi, trước 1949 ông là nhà cách mạng lão thành, lập chiến công, huân chương nhiều, ông chỉ tin chủ tịch Mao thôi, ngoài ra không tin gì khác. Nhưng bây giờ tất cả đều làm giống nhau: quay sang ăn chay niệm Phật, tu tinh tấn.
Chú Hai (em chồng tôi) trước đây là chủ tiệm ăn Bảo Thanh nổi tiếng. Vì đây là nhà hàng bề thế nổi danh, ai cũng biết. Ngày nào cũng giết một số lượng vật rất lớn vì lúc nào cũng có người đặt tiệc ít nhất mười bàn, nên tiệm phải giết đủ thứ hải sản tươi sống gồm: Cá, tôm cua, hải sâm v.v… nghĩa là sát sinh vô số, không thể đếm hết và thu được rất nhiều tiền. Nhưng thông qua cơn bạo bệnh của tôi, vợ chồng chú Hai cương quyết bỏ nghề. Họ chuyển đến Thông Hoa làm công cho người, triệt để từ bỏ nghiệp sát. Từ khi chứng kiến cảnh trạng của tôi, không riêng gì người nhà tôi quay sang ăn chay niệm Phật mà kể cả các bạn khắp huyện Bảo Thanh, ai cũng đều tin sâu Phật pháp. Tu hành chân chính là như thế.
Tôi đặc biệt tri ân sư phụ, kể từ khi theo dự Phật thất của Ngài, tôi thu được rất nhiều lợi ích. Không những thân được đại lợi, mà tâm cũng thăng hoa, tiến cao. Tôi học được rất nhiều điều hay từ ân sư. Phật thất của sư phụ không những cứu mệnh tôi, mà còn giúp tôi noi theo đức hạnh cao cả của Ngài (tôi nói đúng câu này, bởi tôi không phải là người tốt!). Lần đầu, khi nghe mọi người bảo: “Có lão Hoà thượng Thể Huệ từ Đài Loan sang Đại Lục tổ chức Phật thất.” Khi đó tôi chưa tin đạo, không hiểu gì về Phật giáo, nên rất ngạo mạn. Dù không biết rành về Ngài, tôi vẫn mở miệng phỉ báng, đàm tiếu… Tôi dùng thành kiến vô thần của mình để đo lường, tưởng tượng xấu, rồi mặc tình phê phán dè bĩu. Tôi chê: “Vị sư này bất hảo đủ điều. Không có chỗ nào được hết!”
Ngay khi viết những dòng này tôi rất ăn năn, chỉ muốn thốt to lên rằng: “Sư phụ! Con xin thành tâm sám hối với Người!” Cho đến lúc tôi bị bệnh nặng nằm bên cửa tử, mới khởi tâm muốn đi dự Phật thất, vì nghe đồn sức gia trì từ Phật thất của ngài rất mạnh và linh! (tôi đi để cầu may thôi). Những nghiệp ác tôi làm như sát sinh, phá thai, phỉ báng, gièm chê sau lưng Ngài v.v… tất nhiên là sư phụ biết hết, Ngài biết rất rõ nhưng vẫn luôn từ ái quan tâm chăm sóc một kẻ đại ác, đại sát sinh, đại khẩu nghiệp như tôi!
Bất kể đi đâu, ăn gì, Ngài đều để dành phần cho tôi và giải thích rằng: Triệu Lệ Bình bệnh hoạn suy yếu lắm, hãy đem cho cô ta dùng. Tại Phật thất, Ngài cứu mạng tôi bằng cách giáo hoá vừa nghiêm khắc, vừa bao dung… và một kẻ ngạo mạn vô thần như tôi đã bị đức hạnh cao tột của ngài cảm hoá, chiết phục… Sư phụ càng đối tốt, càng ưu ái thì tôi càng cảm thấy ăn năn xấu hổ, càng bội phục và tri ân.
Từ đó, tôi thành tâm dự các Phật thất của Ngài liên tục gần ba năm. Tính ra sư phụ đã tổ chức hơn 50 Phật thất, trong suốt thời gian này, sư phụ không chỉ đối tốt với riêng mình tôi mà là với tất cả… Vì vậy mà tôi rất tôn kính Ngài. Nên khi bệnh lành rồi tôi vẫn còn muốn học theo đức hạnh của Ngài.
Lúc tôi ở Ngũ Đài Sơn, có gặp một cô bé khoảng 16 tuổi người Tây An, em mắc chứng bệnh hễ ăn vào là ói… Trước đây em vốn rất xinh đẹp, khả ái, thanh tú… Nhưng từ khi bị bệnh, em tăng cân vùn vụt, từ 45 kí thành 85 kí, phục phịch mập phù. Em đi khắp nơi tìm thầy, do em là cô nhi, không cha mẹ, nên rất đáng thương. Sư phụ cũng cho phép em đi theo Ngài. Lúc đó tôi nghĩ: “Sư phụ, sao lại làm như thế, con bé này bị chứng nan y, Ngài dẫn nó theo bên cạnh, lỡ như mà bệnh không khỏi, thì sẽ làm tổn thanh danh Ngài!” Lúc đó tôi vì lo cho sư phụ nên nghĩ vậy, nhưng sư phụ chẳng hề quan tâm tới điều này. Ngài bảo tôi: Lệ Bình! Con bé đáng thương quá! Con hãy xem nó như con và quan tâm chăm sóc nha! Con bé đó một bề đi theo tham dự các Phật thất của sư phụ cho đến tận Ngũ Đài Sơn. Sau đó thì nó không theo nữa, vì bệnh đã hết. Nó phải về nhà làm việc.
Suốt thời gian theo sư phụ, tôi học được rất nhiều bài học quý giá từ đức hạnh của Ngài. Những phẩm chất cao thượng mà thuở giờ tôi chưa từng chứng kiến qua. Cho nên dù bệnh lành rồi tôi vẫn tiếp tục tham dự Phật thất của sư phụ, tôi rất muốn học tập theo Ngài. Trong lòng tôi Ngài là một cao tăng đức hạnh cao tột, là vị đạo sư cực kỳ vĩ đại trên thế gian. Ngài đã làm tôi khâm phục, cảm động đến rơi lệ. Càng theo sư phụ đả thất, tôi càng thấy đức hạnh sư phụ chói lọi, bởi vì trong cuộc sống thế tục này, tôi chưa từng gặp qua ai có phong cách như vậy, khi tiếp xúc với bậc chân tu mẫu mực như ngài, tôi mới biết thế nào là Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo.
Phụ thân tôi vốn là giảng sư cao học, mẹ tôi cũng là giáo sư đại học. Không những tôi tiếp thu đầy đủ tri thức của ba mẹ mà còn tốt nghiệp bằng cấp cao, nên những người tôi tiếp xúc đều là giới trí thức thượng đẳng. Con trai út tôi là sinh viên Viện Nghiên cứu Đại học Nông Lâm Vũ Hán… Có thể nói cả đời tôi toàn là tiếp xúc giao du cùng giới trí thức cao cấp thượng lưu, họ là những người mà tôi coi trọng. Bởi có câu: “Vạn ngành đều thấp, chỉ học thức là tối cao” (Vạn bang giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao).
Đây là lời tuyên bố của cổ nhân. Thế nên trong tâm, tôi luôn vọng hướng theo tôn chỉ này, thường nhìn và dõi theo “giới có học thức tối cao” để xem bản thân họ có thực sự có tư chất tác phong ưu mỹ tốt lành như cổ thánh tiên hằng ca ngợi hay không? Nhưng thú thật sau khi tiếp xúc với sư phụ rồi, tôi mới phát hiện: Sư phụ cao tột sáng chói, vượt xa giới trí thức thượng lưu rất nhiều!
Thỉnh thoảng, những lúc đi kinh hành nhiễu quanh Phật, tôi thầm thú nhận:
– Bạch Thế Tôn! Bây giờ con đã hiểu và cảm ngộ triệt để câu: “Thập phương thế giới ngã tận kiến, nhất thiết vô hữu chư Phật giả!” (Con xem cùng khắp mười phương thế giới cũng không thấy ai tuyệt vời như Phật!). Chư Phật đúng là từ bi và cực kỳ vĩ đại vậy!
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cư sĩ Triệu Lệ Bình
Trích Nhân quả giải theo Phật giáo
Dịch giả: Hạnh Đoan
THẦY BÓI NÓI LÁO CHỊU QUẢ BÁO GÌ ?
Dùng dao gậy để giết hại, thật rõ ràng dễ thấy. Dùng lời nói để giết hại, thật kín đáo khó lường. Hãy xét như việc các thầy bói đoán bệnh cho người, thế nào cũng nói “do bị thần nọ, thần kia… bắt tội”, rồi xúi giục những kẻ ngu mê nhầm tin theo, giết hại đủ các loài tôm, cá, gà, ngỗng… không việc gì không làm. Do đó mà những con vật bị giết hại không khỏi nhiều đời oán hận người bệnh, cũng đời đời oán hận thầy bói đoán bệnh kia.
Như vậy, chẳng phải một lời nói của thầy bói thật đã gây hại lớn lao đó sao? Dám khuyên hết thảy những người làm nghề bói toán, mỗi khi gặp người nhờ đoán bệnh, hãy khuyên người ta nên làm thiện tích phước, ăn chay niệm Phật. Ví như cho rằng quả thật có quỷ thần bắt tội, không thể không cúng tế, thì vẫn có thể khuyên người dùng các món hương hoa, rau cải chay lạt để thay cho thịt cá.
Vùng Giang Lăng có một thầy bói họ Lữ, mỗi khi bói việc cho người ta đều bảo họ phải giết các con vật mạng cúng tế. Hôm nọ đến một nhà có bệnh, vừa sắp đoán bệnh cho chủ nhà thì bỗng ngã lăn ra đất chết lâm sàng. Hai hôm sau, vẫn ở nhà người bệnh đó, thầy bói tự sống lại. Có người hỏi nguyên nhân, liền kể lại rằng:
-Tôi nhìn thấy một ác quỷ cao hơn một trượng, bắt tôi dẫn đến chỗ Diêm vương. Diêm vương bảo rằng tôi nói bừa chuyện họa phúc của người khác, hại chết nhiều sinh linh vật mạng, nên hết lời quát mắng, quở trách.
Lại nhìn thấy có hàng trăm tù quỷ, khóc lóc thảm thiết rồi mắng tôi: ‘Bọn ta vì lầm tin lời ông mà nay phải chịu tội.’ Bọn họ mắng rồi kéo nhau mang cả gông cùm đến mà đánh tôi.
Tôi lại nhìn thấy vô số cầm thú, tất cả đều gầm thét, trừng mắt giận dữ, tranh nhau kéo đến bắt lấy tôi mà cắn xé. Bấy giờ, Diêm vương muốn xua tôi vào ngục, bỗng có một người mặc áo xanh thưa rằng: ‘Người này tuổi thọ dương gian chưa dứt, hãy tạm thả ra, sau này sẽ truy xét.’ Do đó mà được sống lại. Còn về người bệnh nhà này, tôi nghe đã có tên rồi, e rằng sẽ không qua khỏi.”
Quả nhiên, chỉ mấy ngày sau thì người bệnh ấy chết. Thầy bói từ đó bỏ nghề, lại ghi chép chuyện này truyền rộng khắp nơi để khuyên răn người đời.
Lời bàn:
Thành hoàng, thổ địa, thần sông, hà bá… người đời có nhiều kẻ sai lầm tôn xưng là Bồ Tát. Thậm chí giết hại vật mạng cúng tế mà cũng gọi là cúng Phật! Than ôi, những hàng quỷ thần nhỏ nhoi ấy mà lạm xưng tôn hiệu của chư Phật, Bồ Tát, thì có khác nào gỗ mục mà xem như chiên-đàn quý giá! Lại cũng như trong các sách lịch sử đều thấy có ghi: “Tây vực có vị thần gọi là Phật.” Chỉ vì không có được cái nhìn chân chánh nên mới rơi vào sai lầm đến mức như thế.
Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Từ Bỏ Sự Giết Hại
Nguyên tác Hán văn: Âm Chất Văn Quảng Nghĩa
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến
MIỆNG NÍN THINH
Quay về xét tâm mình, chớ ham tự khoe hoặc tỏ dấu thông minh. Đừng ham nói, nói ít thì tốt. Không nói chi cả, lại càng tốt hơn. Chỉ nói những lời chân chánh, lợi ích, làm vui đẹp lòng người. Tập suy nghĩ kỹ trước khi nói. Đừng nói chuyện tầm phào vô vị, mất thời giờ vô ích, thường đi đến tổn thương người khác.
Tập nghe hơn nói. Nếu người ta không ân cần hỏi ý kiến thì mình không nên ngỏ lời.
Có 4 đức tánh cần luyện tập: Trí sáng suốt, lòng dũng cảm, biết quả quyết, miệng nín thinh.
Đức thứ tư quan trọng và khó tập hơn cả. Có một sự ham muốn thông thường, phải bài trừ nghiêm khắc là xen vào chuyện thiên hạ. Nếu thật người kia sai quấy. Ta gặp dịp bày tỏ riêng, thì ta cũng phải hòa nhã lễ phép. Nhưng cũng có nhiều trường hợp, can thiệp như vậy cũng còn là không phải cách. Dầu thế nào đi nữa, cũng đừng đem lỗi của người đi kể lể, như vậy thì mình lỗi rõ ràng.
Nếu bổn phận giáo hóa thì phải chỉ lỗi cho người nhưng cố gắng dịu dàng. Ngoài ra hãy lo việc mình và tập tánh làm thinh.
Ít nói là bạc, im lặng là vàng.
Bài của Krishnamurti
Tu viện Thông Thiên Học
Trong kinh Vô Lượng Thọ kể ngày xưa tỳ kheo Pháp Tạng tu hành tư duy suốt 5 kiếp để kiến tạo thế giới Cực Lạc. Mình thắc mắc không biết khi ấy ngài còn là người ở cõi nhân gian này hay đã là bồ tát nơi nào? Vì con người mình theo kinh điển nói thì tuổi thọ cao lắm là 84 ngàn tuổi vào đỉnh cao của thời kỳ kiếp tăng, rồi mới giảm dần xuống còn 10 tuổi trong thời kỳ kiếp giảm. 5 kiếp thì quá lâu, nhiều hơn 84 nghìn tuổi và con người thuở ấy sao mà sống thọ được nhiều đến vậy nhỉ? Hình như không có sự trùng khớp ở đâu đó, nhờ các huynh nào thông suốt chỉ giáo hộ. A Di Đà Phật.
Gửi bạn Phương Diễm Lệ:
Khi ấy ngài Pháp Tạng là Tỳ Kheo Bồ Tát ở cõi Phật Thế Tự Tại Vương Như Lai. Nhân dân ở cõi Phật đó có tuổi thọ trung bình là bằng 42 đại kiếp ở cõi Ta Bà. Với tuổi thọ 42 kiếp thì ngài Pháp Tạng dành ra 5 kiếp tư duy để kiến tạo Thế Giới Cực Lạc cũng là hợp lý.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT !
A Di Đà Phật. Cảm ơn huynh đã trả lời. Đọc lại Kinh Vô Lượng Thọ thì trong đó Phật nói là “Đức Phật đó trụ thế hóa độ 42 kiếp” chứ không phải nhân dân ở cõi đó tuổi thọ bằng 42 đại kiếp. Và muội đọc tới đọc lui vài lần cũng không thấy Phật Thích Ca nói rõ là cõi Phật của Thế Tự Tại Vương Như Lai. Nếu có thì Phật Thích Ca cũng phải nói rõ thế giới ấy tên là gì chứ nhỉ. Như Phật Thích Ca ở Thế Giới Ta Bà, Phật A Di Đà ở Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, A Súc Bệ Phật ở Đông Phương .v.v. Và ngài Pháp Tạng khi ấy là tỳ kheo chứ không phải bồ tát đâu ạ. 🙂
Câu hỏi khó dạng này xin các vị thiện hữu tri thức Thiện Nhân, Tịnh Thái, Cư sĩ Phước Huệ, Mỹ Diệp, Tâm Tịnh, Viên Trí… vô đây giải đáp giùm cho bạn ấy. A Di Đà Phật.
Nếu được bạn nên học Trường Bộ Kinh trong tạng Nikaya để tìm ra câu trả lời
Huynh Đạt Châu thông đạt kinh điển, đã đọc Trường Bộ Kinh trong tạng Nikaya. Huynh hoan hỉ chia sẻ câu trả lời của muội trong kinh Trường Bộ Kinh trong tạng Nikaya giùm ạ. A Di Đà Phật.
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Phương Diễm Lệ,
*Chúng ta tu học là đoạn nghi, sanh tín nhưng bạn lại khởi nghi lời Phật trong Kinh, đó là điều tối kỵ.
*Nếu bạn đọc kỹ đoạn kinh văn (xem trích dẫn bên dưới) thì bạn phải nhận biết: Pháp Tạng Tỳ kheo là cổ Phật thị hiện chứ không phải phàm nhân như bạn hiểu. Bởi chỉ có cổ Phật mới có thể ứng hiện các thân như vậy để diễn pháp cứu độ chúng sanh.
*Lời khuyên của TN là kinh pháp của Phật khi trì tụng chỉ nên nhiếp tâm thanh tịnh chứ không nên khởi nghi hoặc, bởi hễ khởi nghi = vọng thức, phiền não khởi và nghiệp chướng đồng khởi theo.
*Khi trì tụng kinh xong, bạn có thể đọc kinh để tư duy những lời kinh nhưng tư duy trong thanh tịnh thì mới ngộ được yếu nghĩa Phật dạy. Tại sao phải thanh tịnh? Bởi hễ tâm bạn nhóm khởi hoài nghi ý kinh = vọng tâm khởi = hiểu theo vọng = sai kiến. Lấy sai kiến đó để tu = dễ lạc vào tà đạo.
Chúc bạn tinh tấn và tỉnh giác.
TN
Tham khảo:
“Đức Phật Thế Gian Tự Tại Vương biết rõ Pháp Tạng cao minh, chí nguyện sâu rộng, liền nói công đức nghiêm tịnh, rộng lớn viên mãn của hai trăm mười ức các cõi Phật độ, trải qua ngàn ức năm, đúng theo tâm nguyện mà ông mong muốn.
Bấy giờ Pháp Tạng nghe Phật nói rồi, đã được thấy rõ, liền phát nguyện vô thượng thù thắng. Nơi các cõi xấu đẹp, thiện ác của trời người suy lường rốt ráo, nhất tâm chọn lựa, kết thành đại nguyện, tinh cần cầu tiến, kính cẩn duy trì, tu tập công đức đầy đủ năm kiếp. Ở nơi hai mươi mốt vô số cõi Phật, công đức trang nghiêm, thông đạt rõ ràng, nhiếp thọ siêu việt thành một cõi Phật, vượt trên tất cả. Nhiếp thọ xong rồi, Pháp Tạng đến chỗ của Thế Tự Tại Vương Như Lai, cúi đầu lạy sát chân, nhiễu Phật ba vòng rồi đứng chắp tay bạch đức Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Con đã thành tựu viên mãn hạnh nguyện trang nghiêm, thanh tịnh nước Phật.”
Chào bạn Phương Diễm Lệ
Bạn nên nghe giảng kinh Trường Bộ trên youtube từ các vị giảng sư giảng theo chú giải, không phải là giảng sư giảng bằng suy luận cá nhân. Có thể tham khảo loạt bài giảng Trường Bộ Kinh từ Sư Giác Nguyên mỗi ngày 1 video thì tầm 2 tháng là xong. Sau khi nghe xong tự khắc sẽ có câu trả lời thôi. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Dạ cảm ơn các huynh đã hồi đáp. Muội có thắc mắc thì hỏi chứ chẳng phải là không tin, vì Phật giáo không phải là tôn giáo mà là giáo học. Muội chỉ là theo lời Phật dạy là văn – tư – tu thôi ạ.
Chưa ai giải đáp được câu hỏi của muội nên chắc muội phải về đọc lại kinh Vô Lượng Thọ thêm nghìn biến nữa chắc là sẽ hiểu, như hòa thượng Tịnh Không dạy: “đọc sách ngàn lần nghĩa kia tự thấy”.
A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật
Gửi bạn Phương Diễm Lệ,
Có lẽ do sự nghi vấn trong tâm bạn quá cao nên bạn đã không đọc rõ đoạn kinh văn trong kinh Vô Lượng Thọ mà TN trích lại. Đoạn này có 4 chi tiết bạn lắng tâm tư duy 1 chút thôi thì sẽ đoạn hết nghi:
1. liền nói công đức nghiêm tịnh, rộng lớn viên mãn của hai trăm mười ức các cõi Phật độ,
2. trải qua ngàn ức năm, đúng theo tâm nguyện mà ông mong muốn.
3. Bấy giờ Pháp Tạng nghe Phật nói rồi, đã được thấy rõ, liền phát nguyện vô thượng thù thắng. Nơi các cõi xấu đẹp, thiện ác của trời người suy lường rốt ráo, nhất tâm chọn lựa, kết thành đại nguyện, tinh cần cầu tiến, kính cẩn duy trì, tu tập công đức đầy đủ năm kiếp.
4. Ở nơi hai mươi mốt vô số cõi Phật, công đức trang nghiêm, thông đạt rõ ràng, nhiếp thọ siêu việt thành một cõi Phật, vượt trên tất cả.
Câu hỏi:
1. Người phàm có thể sống được ngàn ức năm?
2. Trí tuệ phàm nhân có thể thu nhận, tư duy được 210 ức cõi Phật?
3. Năm kiếp của Pháp Tạng Tỳ Kheo là bao nhiêu năm?
4. Người có thể thu nhiếp 20 cõi tinh hoa nhất trong số 210 ức cõi Phật để kiến tạo cõi Tịnh Độ có thể làm phàm nhân?
Chúc bạn an lạc.
TN
Dạ cảm ơn huynh Thiện Nhân. Muội trí tuệ kém cõi hiểu được lờ mờ ý của huynh là tỳ kheo Pháp Tạng không phải là người thường như chúng ta, mà là bậc thánh đã thoát ra khỏi ngoài vòng sanh tử nên có thể tự tại muốn ở thế gian bao lâu cũng được. Do vậy ngài mới có thể tu hành suốt 5 kiếp dài đằng đẳng mà muội không tính ra số được để kiến tạo nên Thế Giới Cực Lạc. Muội hiểu thế đúng không ạ? A Di Đà Phật.
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Phương Diễm Lệ,
*Những lời Phật nói đều là chân ngữ, vì thế chúng ta phải tin tưởng tuyệt đối thì khi trì tụng mới có lợi lạc. Sở dĩ chúng ta thường có, thường khởi sự hoài nghi vì chúng ta có sự phân biệt và chấp trước. Hai điều này Phật gọi là vọng thức = khởi lên khi đối người, tiếp vật. Dùng vọng để học kinh, tu hành sẽ rất nguy hại và sẽ khiến chúng ta sai lầm trong đường tu. Kinh nghiệm của TN khi đọc tới đoạn kinh văn nào khó hiểu, không hiểu chọn nghĩa, TN sẽ dừng lại không đọc tiếp. Tại sao? vì nếu đọc tiêp sẽ khởi lên vọng kiến phân biệt đúng-sai, chánh-tà…mà lời Phật đều hiển lộ từ chân tâm, chân thì không có vọng. Nay chúng ta dùng vọng để học thì biến chân thành vọng. Vọng trong vọng=loạn tâm.
Chỉ cần chúng ta ráng chú ý một chút sẽ khắc phục được.
Chúc bạn tinh tấn an lạc.
TN
Tui đọc trong một tiểu luận Phật giáo nào đó có nói rằng: Trong Ðại Luận, đại sĩ Long Thọ phán định rằng: Tỳ-kheo Pháp Tạng khi phát tâm đã thuộc vào bậc địa thượng, tức là từ Sơ địa Bồ-tát cho đến Bát Ðịa Bồ-tát.
Đạt được đến địa vị này tức là ngài đã mất 2 đại a tăng kỳ kiếp tu hành. Khi đến địa vị này thì ngài đã vượt qua khỏi cửa ai sanh tử nên muốn thọ mạng dài bao lâu cũng được không bị ngăn ngại. Do vậy mới có thể dành 5 kiếp để tư duy về thế giới Cực Lạc.
A Di Đà Phật.
Gửi bạn Phương Diễm Lệ:
Trong các kinh khi nói một vị Phật trụ thế giáo hóa trong bao lâu thì cũng ám chỉ tuổi thọ trung bình của nhân dân ở cõi Phật đó lúc ấy là bấy lâu đó bạn. Đây là logic thông thường chứ không có gì là khó hiểu cả.
Lại nữa, một vị Phật ra đời giáo hóa ở cõi nào thì thông thường ta cũng có thể gọi cõi ấy theo tên của vị Phật đó. Ví dụ: Cõi Phật Thế Tự Tại Vương Như Lai có nghĩa là cõi thế giới được giáo hóa bởi Đức Phật Thế Tự Tại Vương Như Lai. Cũng như ta có thể gọi cõi Phật Thích Ca thay cho tên gọi cõi Ta Bà, cõi Phật A Di Đà thay cho tên gọi cõi Cực Lạc, v.v… vậy đó bạn.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT !
Gửi bạn Phương Diễm Lệ:
Trong Kinh Vô Lượng Thọ nói khi ấy ngài Pháp Tạng là tỳ kheo xuất gia tu học dưới sự hướng dẫn của Đức Phật Thế Tự Tại Vương Như Lai, và ngài tu hạnh Bồ Tát nên ta có thể gọi ngài là Tỳ Kheo Bồ Tát để phân biệt với các vị Bồ Tát khác không phải là tỳ kheo, chỉ có vậy thôi! Bồ Tát là tên gọi để chỉ cho những người đang tu hạnh Bồ Tát. Một vị tỳ kheo xuất gia hay cư sĩ tại gia nếu tu hạnh Bồ Tát thì vẫn có thể được gọi là Bồ Tát đó bạn. Như cách mô tả trong Kinh Vô Lượng Thọ thì tỳ kheo Pháp Tạng lúc bấy giờ thực sự là một vị Đại Bồ Tát rồi chứ không còn nghi ngờ gì cả!
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT !
CỤ CHÂN HỶ TỰ TẠI VÃNG SANH
Bà 76 tuổi ở Bến Tre. 10 năm tu thiền, 30 năm sau tu Tịnh Độ, chuyên nghe pháp của Hòa Thượng Tịnh Không và thầy Chân Hiếu.
– Lúc thiêu ra Xá Lợi có nhiều màu sắc, sâu chuỗi bằng mủ bỏ vào lò thiêu không bị cháy.
– Được chư thần hộ pháp bảo nói tu hành đắc đạo niệm Phật vãng sanh.
– Bà cảm được 2 con thú cùng niệm Phật (gà và rắn mối).
– Thân bà có bệnh nhưng không đau, ngược lại tâm bà rất vui sướng và tự tại.
– Tay bà cầm xâu chuỗi niệm Nam Mô A Di Đà Phật 3 lần rồi nhẹ nhàng ra đi.
– Đỉnh đầu nóng, thân thể mềm mại, mặt mày tươi nhuận, tự tại vãng sanh.
Thầy Chân Hiếu kể lại sự vãng sanh của cụ Chân Hỷ
https://www.youtube.com/watch?v=oHO0xdJhYVo&t=7s
Cụ Chân Hỷ dạy Gà niệm Phật
https://www.youtube.com/watch?v=Ym-5BeOcP28