Tất cả chúng sanh có thể nói từ vô thỉ kiếp đến nay luôn huân tập 1 thứ phiền não, nên khi vừa mới ra đời thì liền có mà không cần phải học mới có, là phiền não gì đây? Là tâm đố kỵ. Cái tâm đố kỵ này người người đều có, nhìn thấy người khác hay hơn mình thì trong tâm cảm thấy rất khó chịu, liền sanh tâm đố kỵ. Tâm đố kỵ khởi dậy thì tâm sân hận theo đó cũng khởi dậy, nên muốn tìm cách phá hoại, chướng ngại người khác, không muốn để cho người khác được thành tựu, như vậy thì là anh đã tạo tội nghiệp rất nặng rồi.
Thánh nhân của thế gian luôn răn dạy chúng ta cần phải thành nhân chi mỹ. Khi nhìn thấy người khác làm việc tốt thì phải tận tâm tận lực mà giúp đỡ họ, vậy là đúng rồi. Anh không thể đi phá hoại họ, phá hoại họ là sai, chướng ngại họ cũng là sai. Đây là phiền não rất phổ biến, và cũng hết sức nặng nệ của tất cả chúng sanh.
Vì vậy cho nên Phổ Hiền bồ tát dạy cho chúng ta 1 phương pháp để phá trừ phiền não đố kỵ, bỏn xẻn, tham lam, đó chính là tuỳ hỷ công đức. Thế nào là tuỳ hỷ công đức? Khi nhìn thấy người khác có thiện hành, có thiện nguyện không những tôi không đố kỵ, mà ngược lại tôi còn sanh tâm hoan hỷ, tận tâm tận lực đi giúp đỡ họ, thành tựu cho họ, đây gọi là tuỳ hỷ công đức. Từ trên thiện hành, thiện nguyện này họ có công đức lớn bao nhiêu, thì công đức của tôi cùng với họ không hai không khác.
Nếu như chúng ta không có khả năng nên không thể giúp được, vậy thì chúng ta sanh tâm hoan hỷ với thiện hành, thiện nguyện của họ, đây gọi là lòng có dư mà sức không đủ thì công đức chúng ta nhận được đó cùng với công đức của họ cũng vẫn viên mãn như nhau.
Trong xã hội cũng như là trong Phật pháp có rất nhiều thiện nhân, trong Kinh Phật gọi là thiện nam tử, thiện nữ nhân. Những người này họ có thiện hành, có thiện tâm, chúng ta là những Phật tử chân chánh cần nên tận tâm tận lực giúp đỡ họ, khiến cho những thiện hành này của họ lan rộng khắp xã hội, khiến xã hội đại chúng đều nhận được lợi ích từ những thiện hành này của họ, thì công đức chổ ta nhận được đó vô cùng to lớn.
Thậm chí những người tu tuỳ hỷ công đức như chúng ta so với công đức của họ còn lớn hơn rất nhiều. Nguyên nhân tại đâu? Họ làm việc thiện đó được bao nhiêu người tán thán, bao nhiêu người biểu dương thì trong phút chốc phước báo mất hết. Còn chúng ta chỉ tuỳ hỷ công đức nên không có ai biết, không có ai tán thán, không có ai biểu dương chúng ta, nên công đức của ta đều được tích luỹ lại thành âm đức. Cho nên, chúng ta phải hiểu cho rõ đạo lý này thì ta mới biết được tuỳ hỷ công đức thật sự là bất khả tư nghị.
Pháp sư Tịnh Không
Con ăn chay và định mua thêm vitamin uống bổ sung, nhưng con thắc mắc trong loại vitamin dành cho người ăn chay (vegan) họ có dùng thành phần củ tỏi và hành. Con nghe nói ai ăn ngũ vị tân thì thân thể sẽ có mùi hôi, nhưng đối với loài ngạ quỷ thì đó là mùi đồ ăn thơm nên sẽ hay tìm đến. Nhưng con lại không muốn dùng loại vitamin bình thường có thành phần của động vật. Con lưỡng lự không biết có nên dùng loại vitamin có ngũ vị tân không ạ?
Nam mô A Di Đà Phật
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Trần Thảo My,
Có 2 điều TN muốn chia sẻ với bạn:
1. Nếu bạn là người sơ phát tâm, tức mới bước vào cửa đạo Phật, đang trong giai đoạn thực nghiệm, làm quen với các pháp của Phật để tu tâm, dưỡng tánh thì việc xử dụng ngũ vị tân có thể xử dụng ở mức hạn chế và nên nấu chín chứ không nên dùng sống. Khi tụng kinh, niệm Phật, trì chú, cần phải vê sinh răng, miệng thật sạch sẽ thì sẽ không có chướng ngại.
2. Nếu bạn là người thực sự quyết tâm buông xuống vạn duyên, nhất tâm tu học để liễu thoát sanh tử thì việc dùng ngũ vị tân, cho dù là hạn chế, nấu chín, pha chế trong mọi hình thức là không nên.
Việc ăn ngũ vị tân, đặc biệt là hành, tỏi, kiệu, dạng sống, đúng như bạn nói thật sự không nên, nếu bạn là người trì giới thanh tịnh. Vì vậy việc ăn hay không, nhiều hay ít, sống hay chín đều do bạn tự chọn. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là việc tu học giới-định-huệ.
Nguyện chúc bạn tinh tấn, tỉnh giác tu học.
TN
Dạ con cảm ơn thầy Thiện Nhân cho con câu trả lời. Nhưng hình như thầy chưa hiểu ý con lắm. Ý con là không phải trong việc ăn uống con ăn ngũ vị tân, mà là trong thuốc uống đấy ạ. A Di Đà Phật.
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Trần Thảo My,
TN là người tu tại gia như bạn nên bạn đừng gọi TN là thầy mà TN tổn phước nhé. TN hiểu rõ câu hỏi của bạn chia sẻ, nhưng vì muốn bạn hiểu sâu hơn 1 chút về việc ăn ngũ vị tân nên TN mới chia sẻ làm 2 điều:
1. Nếu bạn là người sơ phát tâm, tức mới bước vào cửa đạo Phật, đang trong giai đoạn thực nghiệm, làm quen với các pháp của Phật để tu tâm, dưỡng tánh thì việc xử dụng ngũ vị tân có thể xử dụng ở mức hạn chế và nên nấu chín chứ không nên dùng sống. Khi tụng kinh, niệm Phật, trì chú, cần phải vê sinh răng, miệng thật sạch sẽ thì sẽ không có chướng ngại.
2. Nếu bạn là người thực sự quyết tâm buông xuống vạn duyên, nhất tâm tu học để liễu thoát sanh tử thì việc dùng ngũ vị tân, cho dù là hạn chế, nấu chín, pha chế trong mọi hình thức là không nên.
Câu 1: Người sơ phát tâm: chỉ nên hạn chế, nấu chín: có nghĩa cho việc dùng thuốc của bạn, vì thuốc đã được bào chế, chưng cất… nên không còn ở dạng tươi, thô nữa.
Câu 2: dành cho trường hợp bạn quyết tâm buông xả vạn duyên, chuyên tâm niệm Phật cầu sanh tịnh độ: cả nấu chín lẫn sống đều không có ý nghĩa nữa.
Chúng ta còn sống trong cõi phàm, thân xác phàm, vì thế, trong khi tu học, nhiều pháp thế gian chúng ta nên uyển chuyển, từng bước chuyển hoá thì tốt hơn là gò ép mình lập tức theo pháp khổ hạnh thì rất dễ có tác dụng ngược.
Mong bạn hoan hỉ tiếp tục chia sẻ và tinh tấn tu học.
TN
Theo thầy Thích Phước Thái thì thầy có câu trả lời như vầy:
Người tu theo Mật giáo, chuyên trì chú, thì tuyệt đối không được ăn. Vì ăn những loại nầy, sự trì chú sẽ không được linh nghiệm. Nhưng đối với những người tu theo Hiển giáo, thì có khác. Vì Hiển giáo không chú trọng vào sự trì chú, nên Phật không có cấm một cách tuyệt đối.
Theo lời giải đáp của Hòa Thượng Thanh Từ về vấn đề nầy, qua câu hỏi của một Phật tử, được ghi lại trong bộ băng nhựa giảng giải về 33 vị Tổ Thiền tông Ấn Độ và Trung Hoa, thì Hòa Thượng cho rằng, người Phật tử tu theo Hiển giáo, thì vẫn có thể dùng được những thứ nầy.
Nhưng như trên đã nói, chỉ được dùng trong một chừng mực nào đó, để ngăn ngừa trị bệnh mà thôi, chớ không nên dùng thái quá, phản tác dụng mà có hại cho sức khỏe. Tuy nó là một vị thuốc, nhưng nếu sử dụng quá mức, thì cũng dễ gây ra tai hại.
Nói tóm lại, việc kiêng cử hành tỏi – Ngũ vị tân, đối với những Phật tử xuất gia hoặc tại gia tu theo Mật tông, thì tuyệt đối họ không bao giờ dùng. Ngược lại, những Phật tử tu theo Hiển giáo, thì không có kiêng cử tuyệt đối. Tuy nhiên, nếu Phật tử nào ăn chay mà gìn giữ kiêng cử không ăn, thì đó cũng là điều rất tốt vậy.
Thích Phước Thái
Ăn chay có thể dùng hành lá không ạ? Tức là không ăn hành củ mà chỉ dùng hành lá thôi thì có được không? Con cảm ơn.
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Chi,
Câu hỏi của bạn tương tự như bạn Trần Thảo My đã hỏi, bạn hoan hỉ tham khảo thêm theo link dưới đây nhé.
Chúc bạn tinh tấn.
TN
Tham khảo:
http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2023/06/lam-cach-nao-de-diet-tru-tam-ganh-ghet-do-ky/comment-page-1/#comment-57954
Cháu cũng có cùng thắc mắc như chị Chi. Con nghĩ Phật dạy không ăn hành, tỏi vì chúng có chất cay, nồng. Ăn vào sẽ làm thân nóng giận hay phát dục. Các thành phần cay, nồng của chúng nằm ở phần củ, còn phần lá thì chỉ thơm chứ không gây ra cay, nồng. Như vậy chắc là hành lá vẫn ăn được chứ ạ? A Di Đà Phật.