Học Phật, nếu thấu rõ đường đi, thấy rõ kết quả thì mình vui nhiều lắm. Còn nếu mờ mịt thì sống thấy khổ, tu hành cũng dễ chao đảo, dễ mất niềm tin, mất nguồn vui. Vãng sanh là sống mà đi vãng sanh, vui vẻ cho mình, vui vẻ lớn lao cho gia đình. Bác Dư Thị Ky, người Việt gốc Hoa, người thấp hơi tròn, ít nói và hiền lành, sinh năm Ất Hợi, thọ 68 tuổi, trước đây gia đình ở tại thị xã Cần Thơ, bán tạp hóa. Gia đình được qua Ðức quốc năm 1985, di cư qua Úc 1988.
Năm 2001, bác Ky đã quy y Tam Bảo và được ngài Tịnh Không cho pháp danh là Diệu Âm. Bắt đầu từ đó bác niệm Phật, kết quả đã được vãng sanh vào ngày mồng 05 tháng11 năm Nhâm Ngọ tức là ngày 08/12/2002 tại Sydney, sau khi thiêu nhục thân để lại tất cả 38 viên xá lợi, hiện số xá lợi này đang được người con của bác tên là Ðường Tấn Hải và gia đình đem đến đạo tràng Tịnh Tông Học Hội Úc Châu tại Brisbane.
Hiện nay đạo tràng đang mở khóa kiết thất niệm Phật 10 tuần nên họ đề nghị giữ số xá lợi này 100 ngày để hồi hướng công đức cho Bác, đồng thời cũng để cho mọi người chiêm ngưỡng rồi hoàn trả lại cho gia đình sau. Thật quả là một chuyện may mắn lại gặp chuyện may mắn hơn.
Bác Ky tên thật là Dư Tú Chi, nhưng có lẽ do sự phát âm của người Tiều cho nên sau khi chuyển dịch qua tiếng Việt ghi vào giấy tờ thành ra là Dư Thị Ky. Nhiều Phật tử đồng tu tại Niệm Phật đường Tịnh Tông học hội đã gặp gia đình bác Ky hai lần trong những khóa niệm Phật thất trước, lần thứ nhất khoảng tháng 12 năm 2001, lần thứ hai vào tháng 10 năm 2002. Bác tới đạo tràng này niệm Phật khoảng hai tuần rồi về lại Sydney. Ðúng ra bác ở lại cho đến hết khóa niệm Phật, nhưng vì chồng của bác là bác Ðường Thọ Liệt bị cảm ho hơi nhiều nên không thể ở lại lâu hơn. Lần này bác tới đạo tràng niệm Phật cũng là lần cuối cùng bác đến đạo tràng.
Từ lúc bác khởi sự niệm Phật cho đến ngày vãng sanh đâu khoảng hơn một năm. Sau khi trở về lại Sydney, bác bị bệnh phải vào bệnh viện, bác sĩ phát hiện ra bác bị bệnh ung thư gan đã tới thời kỳ cuối không còn chữa được nữa. Năm ngày trước khi bác mất, gia đình xin đem về nhà để tự lo liệu.
Không có dấu hiệu đau đớn của người bị bệnh ung thư
Cũng nên nhắc lại rằng bác Ky từ bệnh viện về vào ngày thứ Tư, bác rất vui vẻ nói chuyện và ăn uống với con cháu như là bác không hề có dấu hiệu đau đớn của người bị ung thư gan sắp chết. Ðến ngày thứ Năm thì bác thấy mệt và từ chối không nhận thuốc men và ăn uống. Bác nói: “Sao các con cứ cho Mẹ uống thuốc hoài vậy. Lo niệm Phật cho Mẹ đi”. Anh Ðường Tấn Hải tụng kinh Vô Lượng Thọ (bản Việt dịch của Cư sĩ Tâm Tịnh), bác nghe xong bác nói: “Mẹ nghe tụng kinh thấy hay quá mẹ cảm động đến rơi lệ”.
Ðến trưa ngày thứ Sáu thì bác tỏ dấu hiệu khá mệt, không nói năng và chỉ lần chuỗi niệm Phật thôi. Anh Hải liền điện thoại báo tin cho quý bác, anh chị trong ban Hộ niệm của nhóm tu niệm Phật tại Sydney và thỉnh mời quý Thầy Thích Phước Viên, Thầy Thích Phước Quảng, Cô Thích nữ Phước Hoàn, Cô Thích nữ Phước Hạnh vân vân… đến nhà trợ niệm.
Cứ khoảng 40 phút niệm Phật, thì quý Thầy Cô khai thị cho Bác Ky. Lúc thấy bác không còn niệm ra tiếng thì quý Thầy Cô mời gia đình và thân nhân ra phòng khách có bàn thờ Phật tụng kinh, không cho người nhà ở gần bác, sợ vào lúc đó bác khởi lên ý niệm quyến luyến. Chỉ có quý Thầy Cô và ban hộ niệm của nhóm niệm Phật ở trong phòng với bác như các bác Diệu Phước và Phước Thưởng, anh chị Chúc AÂm (Triều) Giác Ðức, Chúc Cẩm, Minh Hòa – Tâm Phúc, Mỹ Phước (Ngân), Khưu Ðức Ngân, Diệu Ngọc, bác Diệu Thuận, Nguyên Vân Thiện Lạc vân vân thì đến buổi sáng thứ Bảy…
Ðến khoảng 4 giờ sáng ngày thứ Bảy bác ra đi. Thật ra, không ai biết rõ giờ nào bác vãng sanh vì bác ra đi quá nhẹ nhàng đến nỗi, anh Minh Hòa thử dùng giấy mỏng đưa lại gần mủi của bác cũng không thấy động đậy, chỉ đoán lúc bác vãng sanh là 4 giờ sáng vì lúc đó hai mắt của bác nhắm lại.
Vào lúc 11 giờ khuya ngày thứ Sáu có chị Chúc Cẩm gọi điện thoại cho anh Thiện Kiến và chị Diệu Hà báo tin về tình trạng của bác Ky. Nhờ thông báo cho Thầy Thiện Huệ và quý Phật tử niệm Phật tại Bribane biết để hộ niệm cho bác đồng thời báo cho quý vị trong ban Cán sự Ðạo của tràng Tịnh Tông Học Hội Úc Châu.
Ðể quý vị đó viết bài vị cho bác Ky, đặt lên bàn thờ và anh Minh Hòa cũng điện thoại đến chị Diệu Hà để hỏi về việc xử dụng chiếc mền “Quang Minh”. Sáng hôm sau Bác Thanh Trí có đến nhà dịch lời hướng dẫn về chi tiết xữ dụng mền Quang Minh. Vào ngày chủ Nhật Thầy Thiện Huệ và anh Thiện Kiến từ Brisbane, và cô Hương (bạn gái của anh Hải ở Melborne) cũng đến nhà bác Ðường Thọ Liệt để hộ niệm cho bác Ky.
Giữa trưa ngày thứ Bảy (sau đúng một tuần lễ kể từ lúc bác Ky vãng sanh) nhục thân của bác Ky đựợc hỏa thiêu tới thứ Hai tuần kế thì đến nhà thiêu lấy tro cốt. Lúc lấy tro cốt có sự hiện diện của quý Thầy Thiện Huệ, Thầy Phước Sanh, Cô Phước Hoàn, Cô Phước Hạnh, anh Minh Hòa và gia đình. Quý vị đó đã thu lượm được 38 viên Xá Lợi nhiều màu sáng đẹp.
Những tướng lành của bác Ky
Việc vãng sanh của bác nhiều may mắn! Có tướng lành đã hiện ra như:
1) An lành ra đi với bệnh ung thư. Nên biết rằng, với bệnh ung thư gan, người chết phải trải qua những cơn đau dữ tợn, bác sĩ đã báo trước những hiện tượng này sẽ xảy ra cho gia đình chuẩn bị tinh thần và gởi rất nhiều thuốc vừa uống vừa chích để dùng ngăn bớt cơn đau cho bác khi lâm chung, nhưng tất cả thuốc giảm đau đều không cần sử dụng đến. Bác đã an nhiên vãng sanh.
2) Phút lâm chung có hương thơm. (Nhiều người nghe được hương thơm phát ra ba lần: một là lúc lâm chung, lần thứ hai vào khoảng trưa tức là sau khi lâm chung cỡ 8 tiếng, lần thứ ba vào lúc nhân viên nhà quàng tới làm việc).
3) Sau khi lâm chung những chai nước nấu chín để trong tủ lạnh tự nhiên có vị ngọt như có pha thêm đường.
4) Hơn 18 tiếng đồng hồ sau khi tắt thở, thân xác mềm mại, hoàn toàn không cứng. Người ta đặt hai tay bác chéo trước bụng để bồng xác lên thì hai tay cứ rơi xuống đu đưa như người đang ngủ. Sự việc này làm cho người thợ liệm vô cùng ngạc nhiên và phát biểu rằng, “30 năm làm trong nghề, đây là lần đầu tiên tôi gặp chuyện lạ lùng như thế này”.
5) Năm ngày sau, trước khi chuyển đi thiêu, người ta mở quan tài cho người nhà nhìn mặt lần cuối, thì thân xác vẫn còn mềm. Có một người đem phúng điếu những miếng vàng dát mỏng, có viết sáu chữ Hán “Nam Mô A Di Ðà Phật”, người ta mở miệng bác ra đặt vào một cách dễ dàng. (Ðây không phải là lễ tiết, chỉ vì người ta phúng điếu nên đặt vào miệng cho gọn mà thôi).
6) Khi thiêu xác, thu nhặt được 38 hạt xá lợi.
7) Sáu chữ Nam Mô A Di Ðà Phật bằng vàng rất mảnh, khi thiêu xong, người ta nhặt lại được 3 chữ không tiêu mất.
8 ) Ðôi bông tai bằng vàng giả, có hai hột giả, sau khi thiêu đôi hột vẫn còn nguyên vẹn và trở nên óng ánh như kim cương. Thật là lạ!
Trong kinh A Di Ðà có câu: “ Bất thiểu thiện căn phước đức nhân duyên đắc sanh bỉ quốc”. Tạm dịch là: “ Chẳng phải chỉ có chút ít thiện căn phước đức nhân duyên mà được sanh về nước Ta”. Nghĩa là “Người mà được vãng sanh ở thế giới Tây phương cực lạc là người có thiện căn rất lớn, đầy đủ phước đức và có nhiều nhân duyên lành”.
Trường hợp bác Dư thị Ky thật là đầy đủ thiện căn phước đức nhân duyên. Sau ngày bác Ky vãng sanh nhiều đồng tu niệm Phật đến thăm gia đình Bác, ai nấy đều trầm trồ khen ngợi về gia đình của Bác. Hơn bốn mươi năm qua gia đình bác sống vô cùng đạo đức. Bác trai có kể lại rằng: “Cách đây 40 năm, lúc đó mới có đứa con đầu lòng, đi chùa ở bảy núi (Thất Sơn) gặp được một vị Thầy chỉ dạy như vầy: “Ðời người chỉ là cõi tạm. Vợ chồng chỉ nên kiếm đủ sống qua ngày, còn lại là giúp đỡ mọi người và bố thí”. Kể từ thời gian đó đến nay hơn 40 năm như một ngày gia đình Bác là gương mẫu cho nếp sống đạo đức và hiền lương. Trước ngày bác Ky vãng sanh khoảng 2 tuần, gia đình Thiện Kiến-Diệu Hà có Phật sự tại tại Sydney. Có ghé thăm gia đình bác, lúc đó bịnh tình của bác khá nặng. Bác vẫn ra tiếp khách, sau đó còn nhờ Diệu Hà cầm 200 đô la đem về Tinh Tông Học Hội cúng dường Tam Bảo. Bác chẳng nghĩ đến thân thể đau ốm của Bác mà lại luông nhớ tưởng đến Tam bảo và hộ trì tam bảo. Ðây chính là hạt nhân Tâm bồ đề của người niệm Phật thì qủa của nó chắc chắn là Thành Phật. Ðây goị là Thâm tín nhân – quả.
Tuy nhiên, chuyện của bác Dư Thị Ky cũng là một điển hình tốt cho việc đới nghiệp vãng sanh. Bởi vì, không ai mà không có tội lỗi, mỗi khi khởi tâm động niệm đều là lỗi lầm. Vì thế, người tu tịnh nghiệp niệm Phật A Di Ðà được vãng sanh là do một phần nỗ lực tu trì của người đó. Một phần là lực gia trì của Phật A Di Ðà. Trong sự cảm ứng của Phật lực gia trì có Hiển Cảm Hiển Ứng, Hiển Cảm Minh Ứng, Minh Cảm Hiển Ứng, Minh Cảm Minh Ứng. “Cảm” là cảm cầu, cảm cơ, là sự cầu nguyện của người muốn được vãng sanh. “Ứng” là ứng hiện, gia trì, nhiếp thọ của Phật. “Hiển” là rõ ràng, “Minh” là âm thầm không rõ ràng. “Hiển Cảm” là chân thành niệm Phật tín hạnh nguyện đầy đủ, “Hiển Ứng” là Phật lực gia trì một cách rõ rệt. Ví dụ, sự vãng sanh của bác Dư Thị Ky có chỗ hiển, có chỗ minh. Về hiển cảm thì quá rõ ràng, như bác quyết tâm niệm Phật cầu xin vãng sanh, cả gia đình của bác: chồng, con, dâu, rể, bạn đạo đồng tu niệm Phật, quý Thầy _ Cô … đều quyết lòng hộ niệm cho bác.
Theo sự kể lại của chồng bác là ông Ðường Thọ Liệt và con là anh Ðường Tấn Hải thì trước giờ lâm chung nếu có người nào nói chuyện ngoài đời thì bác đều gạt bỏ: “Chuyện này tôi không cần, hãy niệm Phật đi…”, hoặc có người nói chuyện về Phật pháp, bác cũng gạt luôn: “Chuyện này tôi biết rồi, hãy niệm Phật đi…”. Một người bệnh nặng, cận kề tới giờ lâm chung mà còn khuyên được người khác “…hãy niệm Phật đi…” đâu phải là chuyện dễ.
Khi Thầy Thích Phước Viên đến khai thị, thì bác vui vẻ mĩm cười lần chuỗi niệm Phật. Lát sau bác yếu dần tay không còn lần chuỗi được nữa, xâu chuỗi rớt xuống giường, nhưng ngón tay của bác vẫn động đậy như đang lần chuỗi. Lúc đó Thầy Thích Phước Quảng khai thị cho bác và bảo bác: “ Nếu không đủ hơi niệm ra tiếng thì cứ niệm trong tâm cũng được”. Bác tỏ dấu hoan hỷ vâng lời Thầy. Sau đó bác bình thản ra đi trong tiếng niệm Phật, không có một dấu hiệu tỏ ra đau đớn hay nuối tiếc. Quý Thầy – Cô, Phật tử và gia đình tiếp tục niệm Phật suốt 18 giờ sau đó trước khi gia đình báo cho nhân viên tẩn liệm đến đưa xác bác Ky ra nhà quàng. Khi đó người của bác vẫn tươi nhuận và mềm mại. Ðây là hiển hiện sự tha thiết nguyện cầu vãng sanh của bác.
Đây, cách hồi hướng công đức (mà mọi người cần học hỏi)
Vừa lo hậu sự xong thì gia đình chỉ để lại một vài người ở lại nhà hương khói và tụng kinh A Di Ðà, kinh Vô lượng thọ (Bản Việt dịch của Cư Sĩ Tâm Tịnh), còn chồng con bay về Tịnh Tông Học Hội để niệm Phật hồi hướng công đức. Tất cả những việc làm này rất thành tâm, đây gọi là “Hiển Cảm” hoặc là “Hiển cơ ”.
Người có lòng thành hiển cảm thì rất dễ có hiển ứng. “Hiển Ứng” là sự hiển hiện cứu độ của Phật Bồ Tát. Ví dụ: khi bác Ky lâm chung mùi hương bay ra, thân thể mềm mại suốt mười mấy tiếng đồng hồ, đến nỗi năm ngày sau vẫn còn mềm mại, nước uống trong nhà tự nhiên đổi vị ngọt ngào, đứa cháu gái 14 tuổi phát hiện nước trong các chai nước nấu chín để trong tủ lạnh, uống chai nào cũng thấy ngọt như là đã bỏ thêm đường vào nước v.v…
Còn “Minh Ứng” có thể là chỉ cho sự không bị quằn quại đau đớn với bệnh ung thư, được người tới hộ niệm suốt 14 tiếng đồng hồ trước khi bác vãng sanh và 18 tiếng đồng hồ sau khi vãng sanh, không có oan gia tới phá đám, lưu lại xá lợi, con cháu vui vẻ, gia đình hân hoan không bi lụy, bà con dòng họ trở nên tin tưởng Phật pháp và cùng nhau đông đảo thọ trì tam quy.
Có một chuyện khá đặc biệt có thể chỉ cho sự “minh ứng” là, theo thầy Thiện Huệ và một số người dự đám tang kể lại rằng, tại hội trường nhà quàng, trước khi hỏa thiêu thông thường thì người ta đọc điếu văn, chia buồn, phân ưu, v.v… còn đám tang này thì đã biến hội trường nhà quàng thành “Niệm Phật Ðường”. Người ta không cần đến những hình thức cầu kỳ, khách sáo, những câu điếu tang lấy lệ…
Thầy Thích Thiện Huệ nói: “Khoảng 60 người sắp hàng kinh hành niệm Phật vang vang trong suốt gần bốn ngày liền kể từ ngày thứ Tư đến 12 giờ trưa ngày thứ Bảy, mỗi ngày từ 8.30 giờ sáng đến 9 giờ đêm, hơn 10 tiếng đồng hồ chung quanh quan tài, những người đến thăm viếng cũng tham gia đoàn người kinh hành niệm Phật.
Buổi lễ nhập liệm có Hoà Thượng Thích Phước Huệ và hơn 10 Tăng Ni và rất đông Phật tự đến tụng kinh và niệm Phật”. Sự việc này đã làm cho nhân viên nhà quàng và nhiều người ngoại quốc đang dự ở mấy đám tang khác phải cảm động. Rõ ràng lòng thành tất ứng vậy. (việc chôn cất, tẩn liệm ở Úc châu có công ty chuyên làm việc này, chứ không phải làm tại nhà như ở Việt Nam).
Sau khi lo hậu sự xong, chồng, con và người dâu tương lai của bác bay xuống Brisbane để dự khóa tu. Thông thường họ phải ở nhà làm tuần 49 ngày, nhưng ở đây, mọi người đều nghĩ rằng niệm Phật hồi hướng công đức thiết thực hơn, cho nên con mới có dịp tiếp xúc được họ trong khung cảnh… “niềm vui còn hiện trên nét mặt…”. Thực sự đây là niềm vui! Một đám tang khác với nhiều đám tang bình thường: không có tiếng khóc, không có nét buồn, không có nỗi bi thương, mà tất cả đều hoan hỷ.
Anh Ðường Tấn Hải tâm sự, “…em vui lắm, má em vãng sanh được là nguồn vui lớn nhất của gia đình em và của chính em. Em hoàn toàn không thấy buồn mà còn rất là vui mừng.
Người chị của em, tên là Ðường Yến Kiều, là người yếu đuối nhất, dễ khóc nhất, nhưng nhìn thấy cảnh tượng linh hiển đó chị cũng vui, đã thật sự tin tưởng và quyết tâm niệm Phật…”.
Trong tuần thất 49 ngày của bác Ky tổ chức tại chùa Phước Huệ đạo tràng, có quý vị đại diện Tịnh Tông học hội Tại Sydney như vợ chồng ông Wong và vợ chồng ông James, Thầy Thiện Huệ và Phật tử từ Brisbane cũng đến tham dự. Gia đình bác Ðường Thọ Liệt tổ chức cúng dường trai tăng tại chùa và phóng sanh.
Cả gia đình Bác Ðường Thọ Liệt trai giới mỗi ngày 5 thời tụng kinh A Di Ðà và kinh hành niệm Phật tại nhà suốt mấy tháng liền. Tất cả con, dâu, rễ, cháu nội ngoaị đều tham dự. Trong khi niệm Phật có nhiều lần cảm ứng như ngữi thấy mùi hương thơm.
Có một cô gái trẻ, 25 tuổi, tên là Khưu Ðức Ngân, một trong những người hộ niệm, cô ta theo mẹ xuống đạo tràng kiết thất niệm Phật, có một vị đồng tu hỏi:
-Nguyên nhân nào mà cháu lại tới đây dự khóa tu vậy?
-Cháu thấy niệm Phật linh quá chú ạ, cho nên cháu xin theo mẹ về đây niệm Phật”.
Niệm Phật linh quá! Một cô gaíù từ nhỏ đến giờ không biết niệm Phật nay cũng phát tâm niệm Phật. Bác Ðường Thọ Liệt, 78 tuổi, chồng của bác Ky, khi chứng kiến hiện tượng vãng sanh của vợ, bác đã hạ quyết tâm niệm Phật, quyết lòng buông xả để cầu nguyện được vãng sanh. Ðầu tháng 1 năm 2003. Pháp sư Tịnh Không tới Sydney, anh Hải đã gọi tất cả người nhà, bà con trong gia đình gồm 20 người, đều đến xin quy y Tam Bảo, và cũng được Hòa Thượng cho chung một pháp danh: DIỆU ÂM. Phải chăng, một người vãng sanh là tự nhiên cứu độ được rất nhiều người khác vậy!… (nhứt nhơn chứng đắc cữu huyền thăng)
Bác Dư Thị Ky quả đúng nghĩa của “Lão Thật Niệm Phật” chẳng cần biết Phật pháp
Bác Dư Thị Ky thật là người có phước đức nhân duyên, thời gian dự Phật thất không nhiều, thế mà kết quả tốt đẹp thật quá bất ngờ! Bác Ky hiền lành chẳng biết gì nhiều về Phật pháp, chỉ biết nghe lời khuyên của con cái mà niệm Phật một thời gian quá ngắn đã đương nhiên hưởng được một đại phúc báu. Cái đại phúc báu này phần căn bản là do bác niệm Phật chí thành và tâm tánh hiền lương đôn hậu thật thà dể chịu, ai làm sao cũng được, khi dự Phật thất mỗi khi về phòng nghĩ ai nấy còn trò chuyện riêng bác đặt lưng xuống giường là ngũ ngon lành, lúc vào niệm Phật đường thì nghiêm chỉnh kinh hành niệm Phật. Ðiều quan trọng chính yếu là do công đức của gia đình hộ niệm, nhất là anh Ðường Tấn Hỷ, Ðường Tấn Phát, Ðường Tấn Hải những người con còn trẻ mà hiếu nghĩa, tin Phật, quyết lòng bảo vệ mẹ mình cho đến ngày vãng sanh Tây Phương. Chính nhờ chính mình niệm Phật và nhờ quý Thầy Cô và quý đồng tu hộ niệm mà bác Ky đã hưởng được sự đại lợi phước báu vãng sanh cực lạc quốc, nơi thượng thiện nhân câu hội và chư thánh chúng là bạn đồng tu trong ánh từ quang của Ðức từ Phụ A Di Ðà Phật cho nên một đời viên mãn đạo quả.
Trích Những Chuyện Niệm Phật Lưu Xá Lợi của cư sĩ Tịnh Hải
Kính thưa quý đạo hữu,
Hiện nay tôi ở thành phố San Francisco, tiểu bang California, Mỹ Quốc. Xin hỏi quý vị có thể giúp tôi tìm được chi nhanh đạo tràng niệm Phật gần nơi tôi cư ngụ không? Và thể thức gia nhập đạo tràng. Xin thành kính tri ân quý đạo hữu.
Trang nhà Đường Về Cõi Tịnh đã giúp ích và giải đáp những nghi vấn mà tôi đã có. Nguyện xin có thêm được nhiều người hưởng được lợi ích này và phát tâm chí thành niệm Phật.
Kính thư,
Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam mô A Di Đà Phật
Ở Cali thì hiện tại chúng tôi chỉ biết có niệm Phật đường này nhưng lại ở khác thành phố của anh. Nếu tiện thì khi nào có thời gian anh ghé qua hay phone thử xem nhé.
Niệm Phật Đường Liên Trì
Liên lạc: Bửu Lý
8145 Jade Coast Rd
Sandiego CA 92126
[email protected]
Tel: (858) 549 4905
A Di Đà Phật,
Đạo hữu hãy liên lạc với anh Tam Thông ở Niệm Phật Đường ở San Francisco. Tôi không biết thông tin liên lạc của anh ấy nhưng đạo hữu có thể liên lạc chị Ngọc Quỳnh ở số email [email protected] để biết thông tin liên lạc của anh Tam Thông.
Kính thư,
H.
Xin cám ơn quý đạo hữu. Kính chúc quý đạo hữu thân tâm thường an lạc.
Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam mô A Di Đà Phật
Những người tu hành đã ngộ lý chơn không có lạc vào vòng nhân quả không?