Trong Phật giáo pháp môn tu hành tuy rất nhiều, nhưng tổng quát lại chỉ có hai con đường: con đường dễ đi và con đường khó đi. Nói là đường, chính là phương pháp tu hành, bởi vì phương pháp này có thể làm cho người ta giải thoát khỏi phiền não trói buộc và đau đớn bức bách mà đạt đến cảnh giới an vui tự do.
Giống như nhờ con đường mà mọi người đi được từ chỗ này đến chỗ kia vậy, cho nên gọi là con đường. Gọi là con đường dễ đi và con đường khó đi, chính là phương pháp dễ hành và phương pháp khó hành.
Con đường khó đi như tham thiền và tu quán đã nói ở trên, con đường dễ đi là niệm Phật. Bởi vì tham thiền và tu quán là hoàn toàn dựa vào sức mạnh của tự lực, mà sức mạnh tự lực của chính mình thì còn rất yếu, nếu muốn lấy sức mạnh yếu kém của mình để giải thoát những sự trói buộc của phiền não và rất nhiều sự bức bách đau đớn của thế gian thô trọng, vậy thì khó lắm! Khó lắm! Cho nên những pháp môn dựa vào sức tự lực gọi là con đường khó đi.
Pháp môn niệm Phật là pháp môn dựa vào tha lực, tha lực chính là Phật lực, Phật lực thì bất khả tư nghì, chúng ta nếu dựa vào Phật lực để cầu giải thoát thì dễ hơn. Ví như chúng ta muốn đến một nơi rất xa, nếu đi bộ thì cực mà lại lâu tới nơi; nếu đi thuyền hoặc máy bay thì khỏe lại nhanh đến. Cầu giải thoát bằng pháp môn niệm Phật thì như đi thuyền hay máy bay vậy, có thể thu được hiệu quả gấp bội lần. Cho nên pháp môn niệm Phật gọi là con đường dễ đi.
Bây giờ, lấy sự thật dưới đây để làm ví dụ chứng minh.
Ngày xưa có một người thợ rèn họ Hoàng, mọi người quen gọi ông ta là Hoàng thợ rèn. Vì cuộc sống, Hoàng thợ rèn phải vất vả từ sáng sớm đến tối mịt, vì thế ông chán ngán thân người, làm người khổ, chẳng có ý vị gì.
Một hôm nọ, có một người xuất gia đi ngang qua lò rèn ông ta, Hoàng thấy như bắt gặp được vị cứu tinh, vội vàng bỏ búa xuống chạy ra mời vào.
– “Thưa sư phụ! Con vì ba bữa cơm mà cực khổ quá, cả ngày đứng bên lò lửa, thật là chịu hết thấu! Xin sư phụ từ bi, dạy con một phương pháp giải thoát khổ đau!” Hoàng thợ rèn thỉnh cầu một cách khẩn thiết.
Nhưng vị tăng nhân không dạy ông ta phương pháp giải thoát khổ đau nào, chỉ bảo ông ta niệm Phật. Ngài nói:
– “Ông muốn tôi dạy cho phương pháp giải thoát khổ đau, dễ thôi, chỉ cần niệm Phật là được. Chẳng phải ông cả ngày đứng bên lò lửa đập sắt sao? Thế này nhé, lúc đạâp sắt, giơ búa lên ông niệm một câu “A Di Ðà Phật”, nện búa xuống lại niệm một câu “A Di Ðà Phật”, hôm nay trở đi ông cứ làm không ngừng như vậy cho tôi, chắc chắn nỗi thống khổ của ông sẽ được giải thoát.”
Hoàng thợ rèn nghe xong vui mừng khôn xiết, y giáo phụng hành ngay. Ông vừa đập sắt vừa niệm Phật không ngừng nghỉ, cả ngày đều như vậy. Mọi người thấy thế đều bảo ông ta ngu ngốc, đập sắt cả ngày đã mệt lắm rồi, nay lại thêm niệm Phật nữa, làm gì thế cho thêm cực, bèn khuyên:
– “Ông đập sắt chẳng phải là đã quá cực rồi sao? Sao lại phải niệm Phật để cho cực thêm? Thấy sức khỏe của ông, tôi nghĩ hay là ông đừng niệm Phật nữa.”
Hoàng thợ rèn cười nói: “Các ông không biết thần diệu của niệm Phật, các ông biết không, lúc chưa biết niệm Phật, làm việc tôi luôn cảm thấy quá nhọc nhằn, nhưng sau khi niệm Phật, thì tôi không thấy mệt nhọc nữa, ngược lại còn cảm thấy sung sướng!”
Vậy thì vì lý do gì? Bởi vì Hoàng thợ rèn lúc chưa biết niệm Phật, khi đập sắt ông ta luôn nghĩ đến đập sắt, cho nên mới thấy mệt. Hôm nay biết niệm Phật rồi, tuy vẫn làm công việc cũ, nhưng tận cùng đáy lòng ông luôn nghĩ đến Phật, đặt hết niềm hy vọng trên cõi Tây phương, vì thế tinh thần vô cùng phấn khởi, cho nên quên hết nhọc nhằn.
Sau này Hoàng thợ rèn vãng sinh bên lò lửa! Khi lâm chung ông ta nói kệ rằng: “Bon bon beng beng, luyện lâu thành thép, bình yên đã tới, tôi về Tây phương.” Nói xong nhắm mắt thị tịch.
Phương Hiếu (Theo Chùa Thành)
Các Phúc Đáp Gần Đây