Kính thưa quý vị:
Đề tài mà tôi có duyên được trình bày cùng quý vị hôm nay thuộc một lãnh vực rất phổ thông, song cũng rất quan trọng, bởi vì nó liên hệ đến rất nhiều người theo đạo Phật: đó là pháp môn Tịnh độ, một pháp môn mà hầu hết các Phật tử đều quen biết. Pháp môn Tịnh độ là chiếc bè Từ mầu nhiệm, giải thoát chúng sanh khỏi cảnh khổ đau phiền não trong thời mạt pháp.
Thuở xưa, Đức Thế Tôn đã dạy: “Vô lượng Bồ tát ở mười phương thế giới muốn nghe thuyết về pháp môn Tịnh độ mà không được toại nguyện. Giả sử khắp tam thiên đại thiên thế giới bị nạn hoả thiêu, nếu ai cầu được nghe giảng về pháp môn Tịnh độ mà phải băng qua miền lửa cháy ấy thì cũng cố nên vượt qua để được nghe Diệu Pháp này”. Lời Phật đã dạy như vậy, đủ tỏ giá trị siêu việt của pháp môn Tịnh độ, hay pháp môn niệm Phật cầu vãng sinh Cực lạc quốc đến mức độ nào vậy.
Thời nay, chính là lúc pháp môn Tịnh độ đang cần hơn bao giờ hết cho nhân loại, phần đông đức Tin không vững, lại thêm căn cơ thiển bạc cho nên, muốn đạt tới chính quả thì phi con đường Tu Tịnh Nghiệp, e khó tìm lối đi khác để giải thoát tâm linh dễ hơn và có hiệu quả hơn. Trên đường tu, người quyết tâm tu hành thường gặp nhiều chướng ngại ; trong nội tâm, phiền não đua nhau quấy phá, làm cho lục dục thất tình đốt cháy tâm can ; ở ngoại trần, cảnh vật lại khích động tà tâm, khiến cho tham, sân, si nổi dậy, làm mê mờ chân tính, thần trí hoá hôn ám, tâm thức trở thành thác loạn.
Nội ma, ngoại ma, trong ngoài cấu kết, dệt nên màn lưới vô minh dầy đặc bao phủ Chân Tâm, khiến con người không còn thấy đâu là Chân lý nữa. Để đối phó với các chướng ngại vật đó, người tu cần giữ Tâm bình tĩnh, mà phương pháp an tâm dễ dàng và hiệu nghiệm, trong bất kỳ trường hợp nào, trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, là trì danh hiệu Phật A Di Đà.
Trong 12 tông phái của Đạo Phật, trừ hai tông thuộc Tiểu thừa (là Thành Thực tông và Câu Xá tông) còn 10 tông phái thuộc Đại thừa, thì 9 tông thuộc về Chiết môn dạy cách tiêu trừ nghiệp chướng, phá huỷ vô minh, để trở về với Chân Tâm, bản tính của mình (như Luật tông, Mật tông, Thiền tông, Pháp tướng tông, Thiên Thai tông, Không tông Bát nhã, Tam Luận tông, Niết Bàn tông, Hoa Nghiêm tông), còn lại một tông thuộc về Nhiếp môn, tức là pháp môn tiếp dẫn người niệm Phật A Di Đà vãng sinh Tịnh độ. Tuy nhiên, Tịnh độ tông chẳng những thuộc về Nhiếp môn, mà còn thuộc cả về Chiết môn nữa, tức là kiêm cả cầu được vãng sinh Cực lạc quốc và Kiến tính minh Tâm.
Pháp môn Niệm Phật A Di Đà đã hợp thời cơ, khế lý, lại còn nhiếp đủ cả Thiền, Giáo, Luật và Mật, thật là viên mãn, không có tông phái nào khả dĩ vượt qua nổi.
Mỗi câu “A Di Đà Phật” là tâm yếu của Chư Phật, dọc thì quán suốt năm thời, ngang lại gồm thâu tám giáo, và điểm son của pháp môn Tịnh độ là từ phàm phu nặng nghiệp quả mà tiến thẳng đến ngôi bất thoái, không như các pháp môn khác dù phá được phiền não, nhưng khi lâm chung, tinh thần hôn mê, lại quên mất sở tu, sở chứng, làm cho Tâm thoái chuyển, lại phải đoạ vào bát nạn tam đồ. Do đó pháp môn Tịnh độ được đại đa số Phật tử tu trì.
Thế mà đến nay vẫn còn nhiều điều nghi vấn thì thực cần phải lưu tâm nghiên cứu để làm sáng tỏ những điểm còn chưa rõ mới mong thoát khỏi mê đồ đáng tiếc.
(Theo Minh Đức – Thanh Lương)
Đọc Kinh Di Đà sẽ hiểu người về được Tây Phương là người ngoài niệm Phật còn phải biết sống một đời sống sâu sắc, biết đem lại an vui, đạo pháp cho mọi người! Chúng ta cứ vội nói về pháp môn để mong cầu hết khổ về Tây Phương mà đâu chịu thực hành giáo lý nhà Phật thì khác gì chỉ là kẻ ăn xin Phật mà không biết tự làm. Lời dạy của Thế Tôn: “Giáo lý nhà Phật không phải chỉ đến để tin theo mà là đến để thực hành”. Hiểu và vận dụng đúng giáo lý nhà Phật vào cuộc sống của mình và biết nương nhờ Pháp môn Tinh Độ xin quý vị an tâm; dù trót tạo nghiệp gì xin cứ vững lòng tinh tấn ngày về cõi Tịnh chắc chắn có tên mình và còn giúp đời, giúp người nữa.