Ðạo Phật trên ý nghĩa thiết yếu, là một biện chứng giải thoát, một con đường giải thoát. Giải thoát hết phiền não, hết bát khổ, ra ngoài tam giới tức là cõi dục, cõi sắc và vô sắc. Chân lý mà Ðức Phật diễn giải rất là hiển nhiên dễ dàng, nhưng cũng rất là huyền nhiệm mênh mang. Chân lý ấy có thể thu gọn trong một chữ Tâm hay chữ Như cũng được, nhưng nếu giải ra nói suốt một kiếp cũng chưa hết.
Pháp môn của đạo Phật cũng vô lượng, và đạt đến những tam muội giải thoát cũng vô lượng. Một vị hành giả có thể ngồi trong buồng, nơi rừng vắng hoặc bãi tha ma, quán lẽ Thập Nhị Nhân Duyên, quán Ngũ Uẩn, quán Sương Khô, quán Âm Thanh, quán mùi hương, như lối chín năm quay mặt vào vách của Ðức Ðạt ma, hoặc có thể niệm một câu Nam Mô A Di Ðà Phật hay chỉ một chữ Phật cũng được.
Pháp môn tuy rất nhiều, nhưng tựu trung chỉ có hai đường: một là tu Quán dùng Thiền Ðịnh và Trí huệ Bát Nhã để soi suốt lẽ vô thường của muôn vật; hai là tu Tịnh Ðộ, níu lấy câu niệm Phật và dùng lòng sùng kính tôn thờ để đạt tới bờ giải thoát. Lối thứ nhất là dùng Tự Lực; lối thứ hai là nhờ Tha lực, tức là thần lực của chư Phật và Bồ Tát. Lối thứ nhất cũng gọi là “nan hành đạo” tức là con đường khó, còn lối thứ hai là “dị hành đạo” tức là con đường dễ đi.
Thực ra thì Thiền Tông hay Tịnh Ðộ cũng đều độc đáo, và sự khó hay dễ chỉ là do căn duyên của từng hành giả và vạn kiếp của đạo. Thời này, theo Kinh Phật, là thời mạt kiếp, căn cơ thường thấp kém, nên tu tự lực khó và tu theo lối niệm Phật thì dễ hơn.
Lối tu Tịnh Ðộ là phát xuất từ Kinh A Di Ðà, Vô Lượng Thọ và Quán Vô Lượng Thọ Kinh. Ðiểm đặc biệt của Kinh A Di Ðà là trong kinh này, tuyệt nhiên không có một vị nào cầu Pháp cả, mà tự nhiên Ðức Phật nói ra kinh này. Tại sao vậy? Chỉ là vì trong khi vào tam muội, Ðức Phật nhìn thấy rõ ràng đến thời mạt kiếp, căn cơ chúng sinh thấp kém, lòng tin băng hoại, kinh sách mất dần, nên Ngài động lòng từ bi, tự ý nói ra một pháp môn dễ nhớ và dễ tu, vì chỉ cần nhờ một câu: A Di Ðà Phật. Ðiểm cảm động nhất trong kinh là đức Phật đã phải thè lưỡi ra thề thốt về sự hiệu lực của pháp môn này. Không những riêng Ðức Thích Ca thề mà cả chư Phật mười phương cũng thề. Tại sao vậy? Vì Ðức Phật e ngại rằng chúng sinh thấy pháp môn này giản dị quá mà hoài nghi, nên chư Phật đã thề.
Vả lại tu thiền định theo lối tự lực không, mà không kèm theo câu niệm Phật thì dễ bị ngã vì ma chướng. Xem như Kinh Lăng Nghiêm, ông A Nan đã gần tới bậc A La Hán và đa văn hạng nhất, cũng còn bị ma chướng là người kỳ nữ Ma Ðăng Già cám dỗ. Khiến Ðức Phật phải sai chính Ðức Văn Thù mang chú Lăng Nghiêm đến giải cứu. Trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật cũng kể rõ năm mươi món ma chướng mà người hành giả tu quán “Ngũ Uẩn Giai Không” dễ mắc phải… Cũng vì thế mà ở Trung Hoa hay Việt Nam, một thiền viện thường có “Niệm Phật Ðường”, và rất nhiều vị Thiền Sư bản lãnh cao với vẫn phải tu thêm câu niệm Phật. Vì có câu niệm Phật, mới tránh khỏi ma chướng, gột được lòng kiêu mạn và mới có thể vãng sanh sang một cõi đất lành.
Nhờ thần lực của Ðức Di Ðà, Ðức Thích Ca và Chư Phật mới được vãng sanh và đỡ bị đoạ. Người tu thiền tự lực, càng cao bao nhiêu càng dễ bị đoạ bấy nhiêu. Chỉ động một niệm tà như tự kiêu, hoặc thèm ăn, hoặc động một niệm dâm dục là có thể bị đọa. May thì trở lại làm người, không may sẽ đọa hơn nữa. Sử chép rất nhiều chuyện như vậy. Như ông Tô Ðông Pha kiếp trước là một thiền sư khá lỗi lạc, nhưng một lúc ngồi thiền chợt động niệm thanh sắc, nhớ tiếng hát của kỳ nữ, nên kiếp sau chỉ làm một thi sĩ không còn nhớ đến những chủng tử thiền của kiếp trước nữa. Ấy là đọa nhẹ.
Có một vị tiên tu thiền, trước kia trong lúc ngồi thiền, chợt nhớ đến mái tóc một vị hoàng hậu rồi lại đâm cáu giận với một con quạ kêu làm rối loạn sự thiền định của mình, mà đến kiếp sau bị đọa làm thân con phi-ly tức là con chồn, mặc dầu ông ta nhiều bản lãnh… Sở dĩ bị đọa là vì một khi vào bào thai, đến bậc La Hán hoặc sơ Bồ tát cũng vẫn bị mê muội và quên mất bản lãnh của mình. Chỉ có những bậc Bồ Tát cao và chư Phật lúc vào bào thai mới không bị mê muội mà thôi.
Thần lực của câu niệm Phật và của chư Phật có thể ví như một chiếc thuyền lớn, chở hộ cho hành giả những nghiệp sâu dày, hoặc làm tiêu tan dần nghiệp đó. Nên có thể “đới nghiệp vãng sanh”. Người tu niệm Phật cũng thường được chuyển nghiệp, chuyển nghiệp nặng ra nghiệp nhẹ. Có một vị cư sĩ suốt đời tu niệm Phật, đến lúc già bị bọn cướp vào đâm cho ông sáu nhát đao. Ông nằm hấp hối. Người anh hỏi: “Sao chú niệm Phật mà lại bị nạn này?” Cư sĩ mở mắt ra nói: “Em được chuyển nghiệp. Theo nghiệp cũ, đáng lẽ em phải đọa làm sáu kiếp súc sinh. Nay sáu nhát đao này thay cho sáu kiếp lúc sanh. Bây giờ, em sạch nghiệp rồi và em vãng sanh đây.” Nói xong thì chết.
Niệm Phật là luôn luôn xưng danh hiệu Ðức A Di Ðà và giữ trong tâm một hình bóng của Phật. Ðó cũng là một lối thiền, nhưng là thiền về hình bóng của Phật và niú lấy danh hiệu Phật làm một bóng cả để nương nhờ… Trên thực tế, người hành giả nên tu vừa thiền vừa tịnh. Một phần thiền, và phần chính yếu là tịnh. Thiền có điểm lợi là mình dễ tế nhận được “cái thấy” của tâm thức, “cái thấy” này được kinh Lăng Nghiêm giảng rất rõ. Còn phần tu tịnh thì nhờ được thần lực của chư Phật và Bồ tát…
Kẻ viết giòng này, trước kia ham đọc thiền, và ngu muội coi nhẹ câu niệm Phật, cho đó là lối tu của mấy bà già nhà quê. Nhưng rồi ngồi thiền thấy như leo vách đá, không biết níu vào đâu. Sau hiểu ra nhờ đọc cuốn Lá Thơ Tịnh Ðộ của Ngài Ấn Quang và những sách của Thượng Tọa Trí Tịnh và Thiền Tâm (đều ở lại Việt Nam, một vị ở Thủ Ðức, một vị ở Blao). Viết những giòng này để tưởng nhớ hai vị Thượng Tọa.
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng
ý nghĩa sâu nặng tình thương nghe xong tâm hồn được trong sáng nhẹ nhõm .
Nam mô A Di Đà Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật . Con chào các Chú. Thỉnh thoảng, buổi chiều hoặc tối, ngoài giờ công khoá con hay nghe nhạc Thiền, tuỳ theo nốt nhạc con nhẩm theo trong niệm Nam Mô A Di Đà Phật, lúc lại Nam Mô A Di Đà, lúc lại A Di Đà Phật. ( Ko ra tiếng )Con thường ngồi nghe được lâu, cảm thấy bình yên. Nhưng con lo lắng, con làm vậy có nên không? Như vậy là chánh niệm ko, hay vẫn là vọng niệm?
* mục đích của pháp môn Tịnh Độ là giữ chánh niệm, thanh lọc tâm ý, giữ tâm an trụ vào hiện tại, hướng tới An Vui, Giải Thoát …
Xin các chú giúp con Lời khuyên. Con cảm ơn nhiều ạ. Nam Mô A Di Đà Phật .
Chào bạn! Theo cá nhân PT nghĩ, việc niệm Phật để tâm được bình an là hoàn toàn đúng không có gì sai cả. Thật ra là cách làm của bạn được rất nhiều người sử dụng, tai nghe rõ từng câu từng chữ danh hiệu Phật, trong tâm cũng thầm niệm theo là được rồi. Thành tâm niệm Phật dù có hay không có vọng tưởng lẫn vào thì đều được hưởng nhiều lợi ích, chỉ khác nhau ở mức độ tinh tấn mà được tích đức. Nếu trong lúc bạn niệm Phật mà có bị lẫn tạp niệm vào cũng đừng hoang mang quá, vì từ vọng niệm mới từ từ thành chánh niệm. Chúc bạn vui khỏe và bình an!