Trong một chùa miền quê của tỉnh Bình Định, có một ngôi chùa nhỏ giữa làng. Trụ trì ngôi chùa này là một vị Thượng tọa, xuất gia từ nhỏ, nhưng không được học hành Phật pháp sâu rộng.
Thầy xuất gia với lòng ngưỡng mộ Tam Bảo và được Hòa Thượng bổn sư của thầy dạy nghi lễ, coi ngày giờ, cúng đám cho Phật tử. Ngày đêm thầy thường tụng kinh, niệm Phật. Thầy thường dạy cho đệ tử cũng như Phật tử, “Tu hành là trì trai, giữ giới, tụng kinh, niệm Phật, để sau khi quá vãng được về Tây Phương Tịnh Độ, hết khổ được vui, chứng đạo bồ đề.”
Công quả trong chùa, thầy có một ông già tên ông Hai. Ông Hai cũng đi tu từ nhỏ nhưng căn tánh ám độn, học không vô, chỉ đánh chuông, quét chùa, và làm công quả. Ông tu với Hòa Thượng bổn sư của thầy. Vì thấy chùa đơn chiếc nên Hòa Thượng cho ông Hai về công quả giúp cho Thầy. Ngoài thì giờ công quả tưới bông, tưới cây, đánh chuông, quét chùa, ông Hai chuyên niệm Phật. Ai nói gì ông cũng bỏ qua, khen ông không mừng, chê ông không giận. Ông chỉ lo làm tròn bổn phận và niệm Phật mà thôi.
Năm ấy, ông Hai trên 70 tuổi, sức khỏe còn tốt, không có bịnh hoạn chi. Một hôm, ông thưa với thầy trụ trì, “Thưa thầy, hôm nay thầy có đi đâu không?”
Thầy trụ trì nói, “Hôm nay tôi về chùa tổ cúng tổ.”
Ông Hai nói, “Cúng tổ, năm nào cũng cúng. Bữa nay, thầy ở nhà, con về Tây Phương nhờ thầy hộ niệm.”
Ông Hai nói thêm, “Con nói thật đó.”
Thầy trụ trì nói, “Thôi, ở nhà thì ở. Sang năm về cúng tổ cũng được.”
Gần trưa, ông Hai nấu nước tắm, thay quần áo. Đến trưa, ông mặc áo tràng lên thỉnh thầy trụ trì hộ niệm. Ông Hai lên chùa, mở cửa, lên hương đèn, bắc ghế cho thầy trụ trì ngồi một bên hộ niệm. Ông đứng gần giữa chùa, chí thành lễ Phật, xong ngồi xuống, xoay mặt vô bàn Phật niệm Phật. Tiếng ông nhỏ dần và đầu ông gục xuống, im lặng. Thầy trụ trì đưa tay lên mũi ông thì ông đã đi rồi.
Thầy trụ trì đánh trống Bát Nhã lên. Phật tử nghe tin ông Hai tịch trước bàn Phật nên kéo về đông nghẹt chùa. Một giờ sau, Phật tử thỉnh xác thân ông Hai xuống nhà tây, lo tang lễ.
Khi đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng, Phật tử hùn tiền mướn bảy chiếc xe hơi đưa đi thật long trọng.
Đến ngày 49, Phật tử ra thăm mả, không ngờ mả của ông đã được xây thật tốt đẹp. Hỏi ra mới biết, có người khác xóm xây mả của cha, nhưng thợ đã xây lầm mả của ông Hai. Thế rồi Phật tử thương lượng để hoàn tiền lại.
Thế mới biết, người tin Phật niệm Phật chắc chắn sẽ được Phật rước về Tây Phương Tịnh Độ, như truyện ông Hai nói trên. Tôi có mấy câu thơ:
Đi đứng niệm Phật thường,
Sáu chữ nhiếp tâm vương.
Ba nghiệp thường thanh tịnh,
Theo Phật về Tây Phương.
Trích Góp Nhặt Lá Bồ Đề
Tác giả: Thích Tịnh Nghiêm
Một chuyện vãng sanh khác cũng kỳ diệu và sống động đã xảy đến cho một Phật tử tại gia ở xã Phụng Hiệp, cần thơ, vào năm 1977. Vị này tên là Trần Thị Lòng, tục gọi là bà Bảy.
Bà Bảy là một người rất hiền lành, thường hay bố thí, giúp đỡ người nghèo khó, sống trọn nhân đạo đối với mọi người từ trong gia đình thân tộc đến bạn bè hàng xóm, và bà đã ăn chay niệm Phật hơn 10 năm…
Bà Bảy biết bài học thế gian của bà sắp mãn, nên đã gọi tất cả con cháu lại để dạy bảo đôi điều trước khi bà về với Phật. Bà Bảy dạy con cháu không được khóc khi bà đi; không được sát sanh hại vật và cúng mặn trong lúc đám tang của bà; mọi người phải niệm Phật để đưa bà đi…
Vài hôm sau thì bà đi, mọi người đều làm theo lời bà chỉ dạy. Tất cả con cháu đều niệm Phật, và khi mọi người đọc tụng ba biến vãng sanh vừa dứt, bà Bảy đã trút hơi thở ra nhẹ nhàng mà đi. Bên ngòai, những con chim lạ đủ màu sắc trông thật đẹp cắn đuôi nhau bay lượn trên mái nhà và hót lên những âm ba nghe thật vui lạ.
Năm đó bà Bảy đúng 78 tuổi, với bao nhiêu vết hằn của thời gian hiện lên trên mặt lúc còn sống, nhưng khi vừa qua đời, người bà Bảy biến đổi hẳn ra, khiến mọi người phải ngạc nhiên. Sắc mặt của bà Bảy trở nên hồng hào và trẻ đẹp lạ thường. Môi bà đỏ như thoa son. Hai bàn chân cũng hồng đỏ…
Đây là những hiện tượng khác thường, nhưng thực sự đã xảy ra cho rất nhiều hành giả tu theo Pháp Môn Niệm Phật từ xưa đến nay. Tùy theo tầng số vãng sanh của hành giả đó mà hiện tượng lạ có thể xảy ra khác nhau. Tất cả đều nằm trong ánh sáng Vô Lượng Quang và sự che chở thiêng liêng của Đức Từ Phụ A Di Đà.
Hành giả TTTĐCT tại Hoa Kỳ
Nam Mô A Di Đà Phật. Con tên Từ Minh Hào nay con 13 tuổi và đang hành trì pháp môn Tịnh Độ, hằng ngày khi niệm Phật xong con đều phát nguyện vãng sanh về cõi nước trang nghiêm thanh tịnh của Đức Từ Phụ A Di Đà và không có mong cầu gì khác vậy có quá ích kỷ không ạ xin những hành giả nào biết hãy giải thích cho con rõ. Nam Mô A Di Đà Phật.
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Từ Minh Hào,
13 tuổi mà bạn đã biết Phật pháp và pháp môn niệm Phật, quả là thiện căn phước đức của bạn vô cùng lớn. Người niệm Phật trọng ở nơi tâm, chẳng trọng nơi hình thức. Sao gọi trọng nơi tâm? đó là tâm bỏ ác, hành thiện và giữ tâm thanh tịnh. Miệng niệm Phật mà tâm tham, sân, si, mạn, nghi, phân biệt, chấp trước thường dấy khởi và để cho tâm ấy khống chế, dẫu niệm cả kiếp cũng chẳng có một chút công đức, nói khác đi: đó là niệm suông. Điều này người niệm Phật đặc biệt là sơ phát tâm như chúng ta không thể không quan tâm để thường xuyên quán chiếu. Được vậy mới may ra có đôi phần công đức.
TN
Niệm Phật Vãng Sanh Lưu Xá Lợi
Sư Giác Tần (1950-2018) quê sư ở Tuy Hoà, Phú Yên. Sư xuất gia thuộc hệ phái khất sĩ. đã tu hành một đời niệm Phật Khi xả báo thân, đồ chúng hoả thiêu còn lại những viên xá lợi mầu nhiệm.
Đây là sự kết tinh giới định tuệ từ câu Phật hiệu A Di Đà mà hành giả đã đi vào tâm chư Phật, đi vào thế giới của chư Phật.
Quý đạo hữu hãy tinh tấn niệm Phật đêm ngày để có thể thoát được sanh tử. Nếu không thì biết khi nào mới thoát được lưới nghiệp trần lao?