Cư sĩ Ổ Dư Khánh thời Dân Quốc người huyện Phụng Hóa tỉnh Triết Giang tánh tình trung hậu, thuần phác. Năm Dân Quốc 35 (1946) ông đến Ðài Loan kinh doanh xưởng phụ tùng xe hơi Quốc Quang & xưởng dụng cụ giao thông Trung Lập khá thành công. Năm Dân Quốc 56 (1967) ông được đồng hương rủ đến chùa Pháp Hoa ở Ðài Bắc nghe hòa thượng Tịnh Không giảng kinh ông liền theo học Phật, tiếp nhận sự un đúc của Phật Pháp. Ông quy y với lão hòa thượng Quảng Khâm ở Thổ Thành và trưởng lão Sám Vân ở Thủy Lý, thọ trì Tam Quy, Ngũ Giới.
Mùa Ðông năm Dân Quốc 67 (1978), ông đến chùa Vĩnh Minh ở núi Dương Minh để thọ giới Bồ Tát tại gia. Ông nghiêm trì giới luật, chuyên tu Tịnh nghiệp, niềm tin vững vàng, ý nguyện thiết tha cầu sanh Tây Phương. Ông thường cúng Tam Bảo, phụng sự sư trưởng, bố thí làm phước chẳng tiếc sức lực. Ông cùng các liên hữu thành lập Phật Giáo Tịnh Nghiệp Lâm ở Tam Giáp Hoành Khê. Ông được cử làm Lâm Trưởng (người đứng đầu Tịnh Nghiệp Lâm), lãnh đạo đại chúng cùng trụ trong Lâm để cùng tu.
Mùa Hạ năm Dân Quốc 70 (1981), vì bịnh tật, ông phải về nhà chữa trị, nhưng niệm Phật càng thêm tinh tấn chẳng lười. Ðầu tháng Ba năm Dân Quốc 72 (1983), chợt ông bị bí đường tiểu tiện, trị liệu cách nào cũng vô hiệu, phải đưa vào bịnh viện Trung Hưng ở thành phố Vĩnh Hòa để chữa. Tuy đau đớn tột bậc, trong tâm ông vẫn niệm Phật chẳng ngớt. Ngày hai mươi mốt tháng Ba, ông chợt bảo người con trưởng đang trông bệnh rằng:
– Từ ngày mai các con đừng có đi đâu!
Ngày hôm sau, gần trưa, bác sĩ đến khám toàn thân, thấy tất cả đều bình thường, dặn dò ông phải nghỉ ngơi chu đáo, ông Ổ bảo:
– Hiện tại tôi rất thoải mái, cảm ơn ngài!
Lát sau, ông bảo đứa con gái út nâng đầu giường lên cao hơn, kê gối cho ông dựa. Cô hỏi:
– Có chuyện gì làm ba không được thoải mái hả?
– Không có!
Ðúng mười một giờ trưa, ông chợt mỉm cười, hai đùi chợt khép sát vào nhau, hai tay giở lên như thể đang co chân ngồi dậy, chắp tay; há miệng niệm Phật mà qua đời, thọ bảy mươi tư tuổi. Toàn thể quyến thuộc đều vây quanh cao giọng trợ niệm. Trưởng lão Sám Vân và các vị pháp sư, cư sĩ và đạo sư của Tịnh Nghiệp Lâm, lâm hữu v.v… cũng theo nhau đến, tính ra hơn bốn mươi người luân phiên trợ niệm. Ðến khoảng sáu giờ tối, toàn thân đều lạnh, chỉ còn mỗi đảnh đầu là ấm.
Trợ niệm đến chín giờ rưỡi mới bắt đầu rửa ráy, thay áo. Vì tứ chi của ông đã cứng đờ nên trưởng nữ dùng khăn nóng ủ lên hai khủy tay, chợt ngửi thấy mùi hương thanh khiết bốc ra từ hai tay áo ông. Ngày hôm sau đại liệm, hai tay ông mềm mại, những vệt đen trên mặt biến đâu hết, vẻ mặt ông vui tươi đẹp đẽ hơn lúc sống.
Từ lúc ấy, dù ngày hay đêm, quyến thuộc đều nghe trên không có tiếng niệm Phật, cho đến lúc pháp hội Niệm Phật bốn mươi chín ngày đã nghỉ rồi vẫn nghe có tiếng niệm Phật từ phương Tây vẳng tới.
(theo tạp chí Huệ Cự, bộ 22, kỳ 9)
Nhận định:
Một phen nghe giảng kinh liền theo Phật môn, thọ trì Tam Quy, Ngũ Giới, chuyên tu Tịnh nghiệp, đấy chính là căn lành từ bao kiếp thành thục.
Lập Tịnh nghiệp lâm để cộng tu là người tự lợi, lợi tha. Càng bịnh càng tinh tấn là mượn bịnh để tiềm tu. Chợt dặn dò ngày mai đừng đi đâu là biết trước thời khắc.
Mỉm cười chắp tay ắt là thấy Phật hiện đến tiếp dẫn. Khiến cho quyến thuộc thường nghe tiếng niệm Phật từ phương Tây vẳng lại để họ biết là mình đã vãng sanh trong thượng phẩm, nhằm khiến họ đều tín nguyện sanh Tây. Phàm những ai tuổi già lắm bệnh, xin hãy bắt chước ông tinh tấn!
Trích: Niệm Phật Pháp Yếu
Gương Sáng Niệm Phật
Tịnh nghiệp đệ tử Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính kết tập
Các Phúc Đáp Gần Đây