Có người hỏi: Đức Phật A Di Đà ở yên nơi Cực Lac. Thế giới ở mười phương thì vô lượng vô biên. Chúng sanh niệm Phật trong một thế giới cũng vô lượng vô biên. Đức Phật A Di Đà làm sao có thể dùng một thân cùng một lúc tiếp dẫn tất cả chúng sanh niệm Phật trong vô lượng vô biên thế giới ở mười phương?
Đáp: Sao ông lại dùng tri kiến phàm phu mà suy lường cảnh Phật. Hãy dùng một thí dụ để thuyết minh khiến mê lầm của ông được dứt trừ. Một vầng trăng sáng trên bầu trời trong, muôn sông đều hiện bóng. Mặt trăng nào có ý chiếu khắp! Trên trời chỉ có một vầng trăng mà biển cả, sông lớn, dòng to, khe nhỏ thảy đều hiện đủ toàn thể mặt trăng. Dù nhỏ như nước trong một cái chén hay một giọt cũng đều hiện đầy đủ toàn thể mặt trăng.
Vả lại, mặt trăng nơi sông hồ, một người nhìn xem thì có một mặt trăng hiện trước người đó, trăm ngàn muôn ức người ở trăm ngàn muôn ức chỗ nhìn xem thì đều riêng có mặt trăng hiện ra trước. Nếu trăm ngàn muôn ức người đều riêng hướng về Đông, Tây, Nam, Bắc mà đi thì mặt trăng cũng đi theo và thường hiện nơi những người đó. Dù đi đến đâu cũng không thấy xa gần. Nếu trăm ngàn muôn ức người đứng yên chẳng động thì mặt trăng cũng đứng yên chẳng động mà vẫn thường hiện nơi những người đó. Chỉ khi nước trong yên lặng thì mặt trăng hiện, nước đục hoặc xao động thì mặt trăng ẩn. Mặt trăng vốn không có tâm lấy bỏ. Nó không hiện là do nước đục và xao động. Vì thế, mặt trăng không do đâu mà hiện bóng được.
Tâm chúng sanh như nước. Phật A Di Đà như mặt trăng. Chúng sanh có tín nguyện đầy đủ chí thành cảm Phật, đức Phật sẽ ứng hiện, như nước trong thì trăng hiện vậy.
Nếu tâm chẳng thanh tịnh chẳng chí thành, tương ưng với tham, sân, si ắt cùng Phật trái nhau. Như nước đục và xao động, dù trăng chiếu chẳng sót chỗ nào nhưng chẳng thể hiện bóng rõ ràng. Mặt trăng là sắc pháp thế gian mà còn có sự vi diệu như thế, huống là đức Phật A Di Đà đã sạch hết phiền não, phước huệ đầy đủ, tâm trùm thái hư, lượng khắp pháp giới đó ư? Cho nên, kinh Hoa Nghiêm nói:
“Phật thân sung mãn đầy pháp giới
Khắp hiện tất cả trước quần sanh
Tùy duyên cảm ứng đều cùng khắp
Mà luôn ở tại tòa Bồ đề.”
Cho nên biết, khắp pháp giới cảm thì khắp pháp giới ứng. Phật chưa từng khởi tâm động niệm, không có tướng đến đi mà có thể làm cho chúng sanh duyên đã thành thục thấy đức Phật đến tiếp dẫn mình về Tây Phương. Người ôm mối nghi này vốn chẳng phải là ít, nhân đây trình bày đại ý khiến cho họ sanh lòng tin chân chánh vậy.
Trích lời tựa của Ấn Quang đại sư
Sách: Sơ Cơ Tịnh Nghiệp Chỉ Nam
Nguyên tác: Hoàng Hàm Chi
Dịch giả: Thích Hoằng Tri
Các Phúc Đáp Gần Đây