Đi niệm Phật, ngồi niệm Phật, đứng niệm Phật, làm việc cũng niệm Phật, nói năng cũng niệm Phật, …Tất cả đều niệm Phật, chỉ có niệm Phật, không cần nghĩ biết mình, người, vui, khổ, hơn kém, thân sơ … Ta bà, Tây phương gì cũng mặc, cứ A Di Đà Phật. Một cành cây một ngọn cỏ đều A Di Đà Phật. Chẳng xét nghĩ mà cứ như ngây như khờ với A Di Đà Phật.
Ban đầu hành giả niệm ra tiếng, nghe tiếng rành rõ, niệm liên tục không cần đếm mấy câu, chỉ có biết âm thanh A Di Đà Phật, vọng tưởng có sinh cũng đừng quan tâm, chỉ chú ý vào câu A Di Đà Phật. Bên ngoài ồn náo hay yên tịnh gì cũng mặc, cứ lo niệm A Di Đà Phật, niệm đến khi thuần thục, nghe rõ ràng, không bỏ sót một Phật hiệu nào, không duyên theo cảnh ngoài, tâm thích thú với danh hiệu đơn độc A Di Đà Phật do mình khởi phát.
Bây giờ hành giả tập lặng lẽ niệm Phật nơi tâm, nghe rõ từng âm thanh do tâm khởi niệm. Lúc khởi, lúc ngưng, lúc có tiếng, lúc yên lặng đều nhận biết. Dù nghe thấy biết sự vật chung quanh tâm cũng vẫn khởi niệm luôn luôn không cho gián đoạn, mới còn gắng công, dần dần về sau không gắng công khởi niệm nữa chỉ lắng nghe câu A Di Đà Phật do tâm tự phát ra, khi tâm không phát ra được nữa thì hành giả dụng công niệm trở lại, có thể niệm ra tiếng huân tập Phật hiệu vào tâm. Sau đó lại thả cho tâm tự niệm và chỉ lắng nghe. Cứ như vậy thực hành cho đến khi sự lắng nghe thuần thục, luôn luôn rõ biết không sót các Phật hiệu nơi tâm và đối trước tất cả cảnh duyên, trong tâm vẫn đều đặn tuôn trào Phật hiệu một cách tự nhiên. Khi khởi khi ngưng cũng đều biết rõ. Tâm bên trong và cảnh bên ngoài, hành giả không gì không nhận biết.
Lúc ấy, hành giả có thể cảm thấy tròng mắt mình như đứng lại nhưng mát mẻ, tâm thức trở nên trong sáng bình lặng giống như tấm gương trong suốt cả hai mặt, trong ngoài đều rõ bóng. Tâm tuy trong sáng nhưng hồng danh Phật vẫn hiển hiện đều đặn tự nhiên. Trong ngần tĩnh lặng, không khởi niệm mà câu niệm vẫn thường hằng, đây là “niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm”.
An trú trạng thái này, hành giả sẽ cảm thấy an lạc vô cùng, không cần biết gì là ưu khổ. Thế gian dường như là thánh cảnh trang nghiêm. Nhìn ra ngoài, trước mặt mọi vật đều sáng đẹp lạ thường, tất cả dường như đồng nhất với nhau, đều là hình ảnh của một bức tranh tuyệt mỹ sống động. Cái gì cũng đẹp, cây khô cũng đẹp, cây tươi cũng đẹp, đống rác cũng đẹp, cái khăn cũng đẹp, miếng giẻ lau cũng đẹp… tất cả đều là hoạt cảnh vĩ đại. Tất cả đến một cách rõ ràng trước mắt và đi qua không lưu lại giấu vết gì nơi tâm thức lặng trong, an bình của hành giả. Soi lại mình, hành giả có thể trực nhận bằng chính ánh mắt mình, mình đang trong cảnh mộng. Xác thân này là một bóng hình sinh động trong hoạt cảnh trang nghiêm mộng mị. Chú ý mọi hành động, cử chỉ, lời nói của nó, hành giả cảm thấy như mình đang xem cuốn phim hiện thực, trong đó mình là kẻ đóng tuồng với hình thức con người. Nếu đã từng suy cứu về bản ngã, ngay tâm trạng này, hành giả có thể thực chứng “ngủ uẩn này không phải là mình, mình chẳng thật là nam, là nữ, chẳng thật là người, là vật, chẳng thật là gì cả mà cũng là tất cả”.
Trích Con Đường Tây Phương
Tác giả: Tịnh Sĩ
Nam mô A DI ĐÀ PHẬT
Vi diệu quá, một đời này vãng sanh Tây phương cực lạc