HỎI: Chúng tôi chuyên tu tập theo pháp môn Tịnh độ, niệm Thánh hiệu Phật A Di Đà. Hiện có người khuyên nên niệm sáu chữ (Nam mô A Di Đà Phật), có người bảo nên niệm bốn chữ (A Di Đà Phật), vậy tôi nên niệm theo cách nào? Nhất tâm bất loạn là sao? Có người cho rằng niệm Phật phải chí thành, tiếng nào chắc tiếng ấy là nhất tâm bất loạn. Người khác lại nói niệm Phật liên tục không gián đoạn cho đến khi tâm không còn vọng tưởng mới đạt nhất tâm bất loạn. Thế nào là “lão thật niệm Phật”? Niệm sâu và niệm cạn là thế nào? Kết quả ra sao?
VÕ THIỆN ĐỨC, Đồng Tháp; TRẦN HỮU ĐỊNH, Sóc Trăng
ĐÁP: Bạn Võ Thiện Đức và Trần Hữu Định thân mến!
Niệm Thánh hiệu Phật A Di Đà là pháp môn Trì danh niệm Phật, rất phổ biến cho các hành giả tu tập theo tông Tịnh độ. Trì danh niệm Phật hiện có hai cách: niệm sáu chữ (Nam mô A Di Đà Phật) và niệm bốn chữ (A Di Đà Phật). Niệm theo cách nào cũng được, không bắt buộc phải niệm theo bốn hay sáu chữ, tùy thuộc thói quen, sự huân tập của mỗi người.
Về nhất tâm bất loạn, theo Hòa thượng Thích Thiền Tâm: “Nhất tâm là chỉ có một tâm niệm Phật và bất loạn là lòng không rối loạn duyên tưởng cảnh nào ngoài cảnh niệm Phật” (Niệm Phật thập yếu, THPG TP.HCM ấn hành, 1991, tr.194). Nhất tâm có hai, Sự và Lý: Khi hành giả tâm chuyên chú sáu chữ hồng danh, lâu ngày tạp niệm đều dứt, đi đứng nằm ngồi chỉ có một câu niệm Phật hiện tiền, gọi là Sự nhất tâm. Trên nền tảng của Sự nhất tâm, tiếp tục dụng công đến chỗ tâm địa rỗng suốt, ngộ vào thật tướng. Khi ấy hiện tại tức là Tây phương, tánh mình chính là Di Đà. Đây là cảnh giới Lý nhất tâm (Sđd, tr.212).
Theo Hòa thượng Tịnh Không, vị pháp sư hoằng truyền pháp môn Niệm Phật người Trung Quốc nổi tiếng trên thế giới hiện nay thì: “Công phu đến “nhất tâm bất loạn” thường được chia ra ba hạng: thượng, trung, hạ. Công phu mức thượng gọi là “Lý nhất tâm bất loạn” có cùng một cảnh giới với mức “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật” trong Thiền tông. Kế đó là “Sự nhất tâm bất loạn” tức đoạn dứt kiến tư phiền não, công phu này tương đương với bậc A la hán. Mức thấp nhất gọi là “Công phu thành phiến”. Rất ít người có thể đạt được công phu mức thượng và mức trung, nhưng “công phu thành phiến” đích thật là ai cũng có thể đạt được. Trong vòng 24 giờ đồng hồ trong tâm chỉ có A Di Đà Phật, ngoài ra không khởi lên một vọng niệm gì khác, gọi là “Công phu thành phiến”.
Như vậy, “niệm Phật liên tục không gián đoạn cho đến khi tâm không còn vọng tưởng” chỉ là Sự nhất tâm hoặc Công phu thành phiến mà thôi. Ngoài ra, vấn đề “niệm Phật phải chí thành, tiếng nào chắc tiếng ấy là nhất tâm bất loạn” là dựa theo quan điểm “Tán tâm niệm Phật vẫn được vãng sanh” của ngài Pháp Nhiên (1133-1212), Sơ tổ Tịnh Độ tông Nhật Bản. Theo Tổ Pháp Nhiên: “Nhất tâm bất loạn nghĩa là khi niệm Phật, tâm không tán loạn, dùng tín tâm chí thành mà chuyên niệm Phật danh” bởi “Đã sinh ra làm người trong cõi tán địa này, tâm làm sao khỏi tán loạn được. Tán tâm niệm Phật mà được vãng sinh là chỗ đáng quý của bổn nguyện vậy”. Quan niệm này chú trọng vào tâm chí thành, nguyện tha thiết trong khi trì niệm danh hiệu Phật, nhất tâm hay không chưa phải là vấn đề quan trọng, đã khuyến tấn nhiều người phát tâm niệm Phật dù cho bản thân còn nhiều hệ lụy bởi phước mỏng nghiệp dày.
Đối với vấn đề “lão thật niệm Phật”, lão thật là rất thật thà, rất chân thật, không một mảy may nghi ngờ, toan tính hay vọng cầu. Niệm Phật với tinh thần: Chỉ cần thật thà niệm, không cần hỏi tại sao (Đán chỉ lão thật niệm, bất tất vấn như hà) chính là lão thật niệm Phật.
Niệm sâu và niệm cạn là mức độ nhất tâm của hành giả khi dụng công niệm danh hiệu Phật. Đại sư Ngẫu Ích có dạy: “Được vãng sanh hay không toàn là do có tín nguyện hay không. Phẩm vị cao hay thấp toàn là do trì danh sâu hay cạn”. Theo Đại sư: “Người đã tin sâu, nguyện thiết niệm Phật, nhưng lúc niệm Phật, tâm nhiều tán loạn thì sinh ở hàng Hạ phẩm hạ sinh. Tín sâu, nguyện thiết niệm Phật, nhưng lúc niệm Phật tán loạn giảm thiểu thì sinh ở hàng Hạ phẩm trung sinh. Tin sâu, nguyện thiết niệm Phật, nhưng lúc niệm Phật lại chẳng tán loạn thì sinh ở hàng Hạ phẩm thượng sinh. Niệm đến Sự nhất tâm bất loạn, chẳng khởi tham, sân, si thì thuộc vào ba phẩm Trung sinh. Niệm đến Lý nhất tâm bất loạn, đoạn Kiến tư hoặc hay Trần sa hoặc và cũng hàng phục được vô minh thì thuộc vào ba phẩm Thượng sinh. Vì thế, Tín-Nguyện trì danh niệm Phật có thể sinh trong chín phẩm, thật đích xác và rõ ràng” (Thích Định Thông, Ngẫu Ích Đại sư- Hành trạng và Pháp ngữ). Chúc các bạn tinh tấn!
Tổ tư vấn Giác Ngộ
A Di Đà Phật
Bạn Trần Văn Thiên thân mến,
TĐ xin được chia sẻ cùng bạn đôi ý.
1. Làm sao biết mình đang sống với tâm bồ đề, mà không sống với ý nghĩ?
Nếu bạn muốn biết, trước hết bạn phải lý giải được Bồ đề tâm là gì? Và ý nghĩ là gì?
2. Trong khi mình niệm phật mình phát nguyện: chuyên tâm, tinh tấn hay không ăn chơi, không bất hiếu, không sát sanh,… đó có phải là tâm bồ đề không? Nếu không thì nó là gì?
– Niệm Phật là niệm niệm Phật. Phát nguyện là phát nguyện. Bạn chẳng thể xen kẽ vừa niệm vừa phát nguyện.
– Phát nguyện dù lớn hay nhỏ, dù nhiều hay ít cũng chưa phải là bồ đề tâm. Nếu bạn giải đáp được câu một, chắc bạn sẽ hiểu tại sao phát nguyện chưa phải là bồ đề tâm.
3. Vọng tưởng phân biệt, chấp trước là gì? Cách dứt trừ.
Vọng tưởng là nấc nối tiếp của phân biệt và chấp trước. Bạn muốn dứt trừ chúng trước nhất bạn phải biết vọng tưởng từ đâu khởi? Điều này giống như việc diệt giặc cướp, muốn chặn cướp chúng ta phải biết cướp từ đâu tới?
4. Vậy niệm phật và làm gì để có thể vãng sanh?
Niệm Phật vốn chẳng thể vãng sanh, bởi nếu chỉ cần niệm Phật mà vãng sanh thì mọi người đều vãng sanh hết cả rồi. Vì thế muốn vãng sanh bạn phải nắm được yếu lược của pháp niệm Phật:
– Tin sâu nhân quả, bỏ ác, hành thiện, giữ tâm thanh tịnh, quy y tam bảo, thọ trì ngũ giới
– Một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu
– Phải có Tín-nguyện-hành, tức tin sâu, nguyện thiết, thực tâm hành.
Khi thiện căn, phước đức nhân duyên tròn đầy, A Di Đà Phật sẽ có thông điệp tới rước bạn. Theo TĐ nghĩ, bạn đừng vội lo chuyện vãng sanh làm gì, mà hãy lo bồi công tích đức, gây dựng hành trang vững chắc cho mình đã. Khi hành trang đã đầy đủ rồi đi hay ở chỉ ở một niệm.
TĐ
Thường quán sát chính mình, nếu mỗi mỗi có thể thấy rõ phiền não, không bị chúng đánh lừa, không điên đảo, tự tâm sẽ thanh tịnh an lạc, nếu phiền não đầy rẫy thì tự ta biết rằng mình đang lạc lối, Bồ Đề đem lại an lạc thanh thoát tự tại nơi nội tâm, không Bồ Đề thì phiền não thống trị, những gì làm cho đạo tâm người tu học tăng trưởng thì là Bồ Đề, ngược lại thì là ma.
Niệm Phật chẳng đơn giản là niệm nơi miệng, nếu chấp nặng văn tự thì tự mình chướng ngại, người niệm Phật đúng tự mình thấy rằng đang đi trên con đường Bồ Đề, nội tâm tự an lạc, đạo tâm ngày càng tăng trưởng, tham sân si ngày càng giảm, niềm tin ngày càng củng cố, cuộc sống chẳng khác gì Tây Phương, hãy thường làm bạn với Phật Pháp, thường sống trong chánh niệm, thường hành Bồ Đề tâm thì phiền não kia sẽ tự tan, hãy tự mình tinh tấn dõng mãnh mà bước đi, ta chịu đi thì chắc chắn sẽ tới.
A Di Đà Phật
Tông chỉ đường lối tu học theo Kinh Vô Lượng Thọ là “Phát Bồ Đề tâm, Nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật”, và như HT Tịnh Không đã tán thán cùng tột, tấm gương chứng chuyển biểu pháp này đó là cuộc đời và đạo nghiệp của HT Hải Hiền
http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2014/04/hoa-thuong-hai-hien-112-tuoi-tu-tai-vang-sanh/
https://hoasenvanno.wordpress.com/lao-hoa-thuong-hai-hien-112-tuoi-tu-tai-vang-sanh/
Dĩ nhiên trong tu học chúng ta phải tùy thuận hoàn cảnh nghiệp duyên của mình, ‘Y Pháp Bất Y Nhân’.
Nam Mô A Di Đà Phật
Con xin chào chư Thầy, con thường nghĩ bậy về cả Chúa, Đức Mẹ… và cả Phật dù là đứng trước mặt Phật đi nữa. Con không biết phải làm sao vì con sợ nên con cũng có cầu xin Chúa tha lỗi nhưng mỗi lần cầu xin con phải lặp đi lặp lại nhiều lần vì con cứ nghĩ (như cùng lúc có 2 suy nghĩ) là sẽ gây hại cho gia đình, người yêu… cứ sợ Chúa sẽ phạt họ. Thậm chí nhiều lúc đánh máy cũng có suy nghĩ bậy.
Mỗi lần cầu xin Chúa thay lỗi hay thì con cứ hay xuất hiện suy nghĩ sẽ gây hại cho người xung quanh nên lại nghĩ, càng nghĩ càng bậy, càng hỗn với Chúa. Con không biết làm sao để không nghĩ vậy nữa. Con chỉ muốn hướng Phật mà thôi, nhưng mỗi lần nghe kinh Phật, con lại cứ hay liên tưởng so sánh với đạo rồi nghĩ bậy. Con nhiều khi không dám nghĩ vì sợ nghĩ.
Xin chư thầy cho con hỏi là khi nghĩ bậy như trên, con nên bỏ qua, vượt qua nó hay sao ạ? Con thường tự nghĩ là Chúa cũng như Phật bao dung với con người nên sẽ tha thứ, chỉ trừ 1 số lúc nghĩ tà tâm bậy con mới đi ra 1 chỗ cầu xin, thương con cầu xin rất lâu vì con cứ sợ sẽ gây tội.
Xin cám ơn chư thầy,
Nam Mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật
Chào bạn!
Trước hết xin chia sẻ cùng bạn về hai chữ học Phật. Phật giáo không phải là tôn giáo, vì theo tín ngưỡng thì mỗi tôn giáo đều có một vị thần tối cao có thể ban phước, giáng họa cho chúng sanh. Biệt nhiên Đạo Phật không có vị nào là tối thượng, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh đều có thể thành Phật. Đạo Phật là một niền giáo dục văn minh bậc nhứt, dạy chúng sanh hành thiện, tránh ác, dạy chúng sanh tu hành chứng quả, lìa khổ được vui. Do vậy học Phật là học và làm theo lời dạy của Phật, gắng sức tu hành hướng đến giải thoát khỏi sinh tử.
Phật giáo bình đẳng, không có sự phân biệt đạo này đạo kia, dù bạn ở một tôn giáo nào một khi quyết chí tu hành đều có kết quả như nhau. Tuy nhiên là người học Phật chúng ta cần xác định rõ bậc minh sư của mình là ai? Ví như một võ sỹ sẽ không thể bái cùng lúc hai sư phụ. Cũng vậy, khi đã quy y với Phật (quay về nương tựa Phật) thì không thể quy y với bất kỳ một vị thần, thánh nào khác.
Bạn theo đạo Thiên Chúa bạn vẫn học Phật được, bạn vẫn kính ngưỡng Chúa Giê-su và đức mẹ Maria, nhưng tuyệt nhiên không thể đem kinh Thánh làm hướng giải thoát sinh tử. Cũng giống như có một con đường lớn và một con đường phụ, nếu chúng ta không xác định, không dũng mãnh bước vào con đường lớn mà đi, cứ lang chang giữa hai con đường thì chúng ta mãi không bao giờ đến đích.
Những ý nghĩ “bậy” của bạn chẳng qua đó chỉ là vọng tưởng, vọng tưởng thì không có thật nên bạn đừng quá hoang mang. Nếu càng lo lắng ắc nó càng khiến bạn nhớ nghĩ nhiều hơn. Biện pháp đối trị vọng tưởng là bạn không né tránh nó, chấp nhận sự có mặt của nó, khi những ý nghĩ ấy khởi lên bạn vẫn thảng nhiên “là vọng tưởng thôi mà”, hãy để đầu óc hết sức thư giãn mà niệm thánh hiệu A Di Đà Phật, miệng niệm trong tâm ghi nhớ từng chữ, chú ý không có đè nén những ý nghĩ kia nữa. Tất nhiên ngay trong một lúc không thể dập tắt được những ý nghĩa kia, chúng sẽ lần lần bị triệt tiêu và không khởi lên nữa.
Nam Mô A Di Đà Phật- xin thường niệm
Con xin cám ơn thầy/cô Mỹ Diệp, cho con hỏi là khi con giận ai đó thì bất chợt rất nhiều ý nghĩ xấu con liên tưởng từ người đó về các chư vị bề trên, không chỉ về nhục dục mà còn nhiều thứ. Nhiều lúc con cũng không biết là do vọng tưởng hay chính con suy nghĩ (cố tình). Vậy con phải làm sao ạ? Còn những ý nghĩ kia khi có niệm phát sinh vậy, còn sợ để đó không tìm cách nào thì con lại sợ có tội.
A Di Đà Phật
Chào bạn Học Phật!
Con người chúng ta 60 năm sống cõi đời nghĩ rất dài- tranh dành đoạt lợi, vui khổ điên đảo, chẳng biết mạng sống ngắn ngủi trong từng hơi thở, 60 năm sống đấy rồi phải chết… Nếu người giác ngộ sự sống là vô thường ắc họ chẳng lãng phí thời gian trong những việc vô bổ, cho đến chẳng có thì giờ mà hỷ- nộ- ái- ố làm chi. Vào các trang mạng sẽ thấy giới trẻ hiện nay ý nghĩ việc làm của họ hoàn toàn biến thái, tự nhiên ghét giận một ai đó với lý do “tao thích thì tao ghét thế thôi”, cho đến oán trách cha mẹ, thậm chí là căm hờn dân tộc. Nhiều người không nghĩ đến những quả báo- hậu quả khôn lường cho một niệm căm phẫn kia, nhưng cái đầu tiên dễ nhận ra là chính chúng ta đã trừng phạt chính mình trước, bởi sự tức giận cũng giống như tự cầm hòn than đỏ cho vào miệng và chính chúng ta là người bị nóng, bị đau.
Một người có trí tuệ thì sẽ chẳng nhìn thấy gì ở đối phương, tức chẳng còn có tâm phân biệt nên họ an lạc, tự tại. Còn chúng ta đây không tự nhận mình là người trí tuệ cao siêu, vẫn là hạng phàm phu sát đất, nhìn người thì thấy tốt thấy xấu nên còn thấy yêu thấy ghét đấy, nhưng từ giờ thì đừng vụn dại gì mà giận họ để làm “tổn thương” mình. Cho đến chỉ luôn nhìn vào mặt tốt của người, nếu họ có xúc phạm đến ta thì đó cũng là cách để giúp ta tiêu nghiệp. Nghiệp chướng sâu nặng như vậy đáng lẽ phải bị hoạn nạn, tai ương, nhưng nay chuyển thành nghiệp nhẹ chỉ là bị người đời xúc phạm, làm những việc trái ý ta- đáng ra nên vui mừng mới đúng.
“Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”, nếu bạn có thể nhận biết được những niệm xấu ác kia mà khắc phục nó, tất tâm hồn bạn sẽ thanh thản, sẽ toàn chất chứa những sự cao đẹp.
Chúc an vui!
Nam Mô A Di Đà Phật
Con chào cô/thầy Mỹ Diệp (xin cho phép con hỏi là con nên xưng hô thầy hay cô cho phải đạo ạ). Cho con hỏi thêm 1 số vấn đề của con và mong cô/thầy giải thích cặn kẽ cho con tường đường ngay ạ.
1. Con cũng là người phàm tục nên còn cái nhục dục của mình, cho nên đôi lúc xem hình ảnh hay phim hay có suy nghĩ, hành động liên quan con thường xuất hiện những ý nghĩ kiểu như đang nghĩ về việc đó cái cái lại nhớ tới mẹ Quán Thế Âm hay Chúa, rồi con lại sợ, đôi lúc con dừng lại để không nghĩ nữa, đôi lúc con vẫn tiếp tục (như kiểu không nghĩ nữa mà tiếp tục suy nghĩ về nhục dục của mình), rồi cứ tiếp diễn lặp lại như thế. Con không biết là con có sai hay không? Thường thì những ý nghĩ chợt nhớ tới các vị thường chỉ là nhớ tới danh hiêu, chứ chỉ ít khi nào có ý nghĩ xúc phạm dâm tà với các vị trong lúc này.
2. Mỗi lần con vui, hay hồi hộp hay 1 xúc cảm mãnh liệt (kiểu như về nhục dục như trên), hay như khi xem 1 trái bóng chuẩn bị được sút vào khung thành (trong trạng thái hồi hộp), con cũng hay có xuất hiện tâm xúc phạm, vì sao vậy ạ?
3. Có 2 loại vọng tưởng tốt (tạm gọi là tốt vì không gây hại cho ai như con hay nghĩ về tương lai sẽ có gia đình, vợ con, xây nhà….) và vọng tưởng xấu (như con bị) phải không ạ?
4. Như thế nào là niệm nghe từng từ, như khi con niệm Phật thầm thì tai lắng nghe bằng cách nào hay con phải dùng tâm và tưởng ra. Như thế đây có phải là 1 dạng vọng tưởng không ạ?
5. Con hay gặp trường hợp kiểu như tình cờ đang bị vọng tưởng nghĩ bậy, con giơ tay lên, hạ tay xuống hay đang bước đi, nhìn xuống đất, trước khi đặt bàn chân hay đã đặt rồi (hành động như diễn ra TRƯỚC cả suy nghĩ) và con lại nghĩ con đang xúc phạm kiểu như dậm lên các vị vậy. Vậy như thế là sao ạ?
6. Nhiều lúc con cảm thấy quá mệt mỏi, đầu đau quá mức con thường khó kìm lại những suy nghĩ độc hại đó, nhưng đôi lúc con mệt mỏi quá cứ để nó xuôi luôn, rồi hỗn với các vị. Hay những lúc tức giận, ghét ai đó, vọng tưởng nổi lên, con hay gán ghét tâm dâm tà cho người đó với các vị, nhiều khi con cũng không biết con cố tình hay không nữa. Sau đó, thường con sẽ nghĩ lại là dù con có đánh người con ghét, chửi la… con cũng không bao giờ làm vậy. Vậy con nên làm sao ạ? Ngoài niệm Phật ra, còn có bộ kinh nào trên Youtube để con sám hối niệm thêm không ạ. Con xin cám ơn!
A Di Đà Phật
Chào bạn học Phật!
*Suy nghĩ con người tựa dòng chảy không ngừng nghỉ, nghĩ cái này ngợi cái kia- đa phần mọi người đều như vậy, họ có sợ hãi, than phiền chi đâu. Phần bạn có tâm muốn phân biệt niệm xấu- niệm tốt, sợ niệm xấu dấy khởi- âu ấy là điều tốt, bạn chẳng nên lo sợ nữa.
Tuy nhiên mới học cấp ll mà đã nghĩ đến việc có vợ con, gia đình thì quá lâu xa rồi. Thời MD học cấp ll, ngày ấy các bạn ngây ngô lắm, ở trên lớp thì nghĩ tưởng trưa/tối nay mẹ cho ăn món gì, ăn no thì liền thấy buồn ngủ, nhưng ngủ thì còn bài vở chưa thuộc thì sao… Tối ngày chỉ 3 việc ăn, học, ngủ- cũng đã bù đầu rồi. Thời nay, trẻ em, thanh thiếu niên văn minh hơn, tất nhiên không thể khẳng định hết thảy đều tiêu cực, nhưng có phải vì văn minh mà nhiều vấn nạn phát sinh? Đó đều là ảnh hưởng của truyền thông, báo chí, internet… Do vậy việc hạn chế tiếp cận các thông tin, truyền thông như phim ảnh, báo chí, các tin tức hót… cũng là cách để hạn chế vọng tưởng; bớt nghe, bớt nói, bớt nhìn thì tâm hồn sẽ dần thanh tịnh vậy.
Một ngày 24h, ngoài 8h để nghỉ ngơi, 16h còn lại chúng ta toàn tiếp xúc với các loại thông tin. Bộ não chúng ta cũng giống như cuốn phim, chúng ta “quay” cái gì nó sẽ lưu vào đó rồi phát ngược trở lại và không theo trình tự. Bởi thế, bạn nên từ bỏ dần những thói quen giải trí đi.
*Vọng tưởng hay tạm gọi là tạp niệm, đúng là có niệm ác và niệm thiện. Niệm ác là những niệm thuộc về ba độc tham- sân- si, còn niệm thiện là niệm hướng về các việc thiện lành. Ví dụ: khởi nghĩ làm thể nào để giàu có- niệm này là niệm bất thiện, vì nó chứa sự tham lam; rồi lại nghĩ mình sẽ giúp đỡ cho người nghèo khó- niệm này là niệm thiện. Song dù khởi niệm thiện hay niệm bất thiện thì đều không tốt. Vì sao vậy? Với một người không biết tu hành giải thoát, khi khởi niệm ác thì sẽ không tránh khỏi quả báo xấu, còn khởi niệm thiện dù có công đức nhưng đó chỉ là phước báo hữu lậu. Chung quy quả báo lành hay dữ đều dẫn dắt chúng sanh trầm luân trong lục đạo.
*Khi niệm Phật thì miệng niệm, tai nghe, tâm nhớ kỹ. Lúc chỗ sạch sẽ thời nên niệm to tiếng. Còn những chỗ không tinh sạch hoặc ở những nơi không tiện hay lúc đương nằm thì niệm thầm. Niệm thầm danh hiệu Phật là niệm ra sao? Cũng giống như bạn đọc sách, không đọc to tiếng thì bạn đọc thầm (đọc thầm nhép môi, hay đọc bằng mắt) dù tiếng không phát ra âm thanh, tiếng vẫn phát ra từ tâm thức bạn.
Phật, Bồ Tát là đấng trí tuệ, từ bi, do vậy niệm danh hiệu Phật, Bồ Tát là niệm công đức, niệm trí tuệ, niệm từ bi, niệm thanh tịnh.
*Như đã chia sẻ, khi nào các niệm xấu ác khởi lên, bạn liền bình tâm niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Sự hiệu quả không thể tức thì nên bạn phải kiên trì. Bạn nên tập thói quen niệm Phật mọi lúc mọi nơi để phòng tránh những rủi ro trong cuộc sống. Đặc biệt sáng sớm thức dậy, sau khi đánh răng rửa mặt chấp tay đứng trước ban thờ Phật hoặc gia tiên đọc 10 câu Nam Mô A Di Đà Phật, sau đó đọc bài kệ:
Nguyện cùng người niệm Phật
Đồng sanh Cực Lạc quốc
Thấy Phật thoát sinh tử
Như Phật độ tất cả.
———–
Nam Mô A Di Đà Phật. Chúc bạn luôn an vui!
Cùng chia sẻ: Người tu phải biết gốc phật là gì?
Để học phật, tu phật người tu phải giữ tâm Bồ đề xuyên suốt.
Tâm Bồ đề là giác mà không mê. Tâm Bồ đề gồm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi.
Cái gì là thành? Một niệm không sanh là thành.
+ Ý nghĩ là vọng tâm không phải là chân tâm.
+ Từ chân tâm đi đến vọng tâm là do vọng tưởng phân biệt chấp trước ( tâm luân hồi).
+ Từ vọng tâm đến chân tâm( tâm Bồ đề) là vì không dùng vọng tưởng phân biệt, chấp trước ( quan trọng).
Tâm thanh tịnh: sáu căn tiếp xúc bên ngoài không bị ô nhiễm.
Ví dụ:thấy cảnh vật sinh tâm chán ghét, chê khen, thương yêu… ( là giả, nhất định không tin).
Tâm bình đẳng, chánh giác, từ bi: đối nhân xử thế không phân biệt, chấp trước. Tất cả chúng sanh đều là phật a di đà ( toàn giác). Thương yêu tất cả chúng sanh. Lo lắng, chăm sóc tất cả chúng sanh.
Vậy tâm Bồ đề viên mãn: chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi.
Niệm phật cần: + biết gốc của Phật.( dùng tâm không phân biệt chấp trước để niệm phật.)
+ phát tâm bồ đề.
( ý của pháp sư Tịnh Không trong bài giảng Tâm Bồ đề cần xuyên suốt một đời)
A Di Đà Phật.
Nếu con muốn niệm phật sám hối ttại nhà và tích đức thì niệm như thế nào ạ con cũng không có thời gian đi chùa ạ và nhà con cũng không thờ Phật ạ vì con mới 16 tuổi nên bố mẹ ko chiều theo ý con là thờ phật con mong thầy giải đáp thắc mắc với ạ
A Di Đà Phật
Chào bạn Quốc Huy!
Xưa có bà lão quyết bán khổ bằng cách xưng niệm hồng danh A Di Đà Phật. Nhà bà không thờ Phật, bà nuôi heo, heo và người ở chung. Nhưng nhờ chí thành niệm Phật bán khổ mà bà đã được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc quốc.
Nhà bạn không thờ Phật, hàng ngày bạn vẫn có thể niệm Phật không có vấn đề chi trở ngại cả. Quan trọng là chúng ta phải hiểu đúng nghĩa của hai chữ sám hối, không phải ngày ngày niệm A Di Đà Phật là sám hối. Phật dạy: tránh làm các điều ác, siêng làm những việc lành- nếu chúng ta vâng giữ lời Phật dạy thì khi xưng niệm mỗi câu A Di Đà Phật đều có chư Phật xưng tán và hộ niệm, ấy mới là chân sám hối. Như chúng ta hàng ngày một mặt niệm Phật một mặt vẫn tạo tác ác nghiệp lưu xuất ra từ thân- khẩu- ý thì việc niệm Phật này chỉ “đau mồm rát họng” mà thôi.
Tích đức cũng như vậy, “một việc thiện dù nhỏ cũng không bỏ qua, một việc ác dù nhỏ cũng không dám làm” đây gọi là tích công lũy đức. Thường ngày bạn nên niệm A Di Đà Phật cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, đến lúc lâm chung được về đất Phật, không phải rơi vào tam ác đạo chịu vô lượng khổ nữa.
https://youtu.be/Itmaxd3R4wM
Mong rằng những chia sẻ ngắn gọn này sẽ mang lại hữu ích cho bạn.
Nam Mô A Di Đà Phật
Con cảm ơn những chia sẻ rất hữu ích này ạ
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Con chào thầy ,con là Trịnh Hoàng Hiệu . Mỗi lần con niệm Phật là tâm con không thanh tịnh , luôn suy nghĩ linh tinh về các Ngài và những thứ khác . Con luôn muốn thay đổi bản thân và con luôn muốn bản thân có thể nhất tâm niệm Phật nhưng con không được vì mỗi lần niệm Phật con toàn suy nghĩ linh tinh . Con rất sợ ,con mong thầy giúp con
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Trịnh Hoàng Hiệu,
Hiện tượng niệm Phật một hồi rồi bị vọng tưởng lôi kéo, khiến tâm khởi đủ những cảnh giới bất thiện: đây là hiện tượng bình thường của người mới phát tâm niệm Phật. Quán chiếu gốc từ vô thỉ của chúng ta thì vô lượng kiếp tới nay không có nghiệp bất thiện nào chúng ta chưa từng làm. Do vậy việc khởi tâm phỉ báng Phật, chửi Phật, hay thấy những cảnh tà dâm trước Phật… đều là do những chủng tử bất thiện từ vô thỉ khởi lên.
Khắc chế:
– Không cần sanh tâm hoảng sợ hay lo ngại, bởi khi tâm hoảng sợ, lo ngại khởi, đồng nghĩa triệt tiêu tâm dõng mãnh, tinh tấn và tỉnh giác của chính bạn.
– Khi cảnh bất tịnh, bất thiện khởi, chỉ cần nhận biết: đó là vọng=không thật=hư huyễn. Nhận biết đó là huyễn thì không nên chạy theo huyễn, tất huyễn chẳng thể quấy phá. Sở dĩ huyễn quấy phá được bạn là do bạn tức tốc chạy theo huyễn rồi bị nó chi phối. Nhận biết rồi, chỉ cần bình tĩnh, tỉnh táo nhiếp tâm niệm Phật. Nếu huyễn khởi trùng trùng thì tiếng niệm Phật nên nhanh hơn bình thường một chút để đè huyễn xuống, không cho nó khởi. Nói là “đè” nhưng thực tế là không quan tâm tới nó, ắt nó tự lặng. Giống như bạn gặp con chó dữ, nếu bạn tảng lờ không mảy may sợ sệt, con chó không dám lao tới bạn, nhưng chỉ cần bạn hoảng hốt, ắt chó sẽ lao về phía bạn. Vọng cũng giống vậy. Điều này phải năng hành thì bạn sẽ có khái niệm và sẽ nhận ra pháp khắc chế.
– Vọng nói chính xác nó cũng là giác, bởi nhận thấy vọng mà không theo vọng, tức đang giác. Do vậy thấy vọng mà tâm không theo vọng, tức tâm đang giác. Thấy cảnh tà dâm mà tâm không khởi tà dâm thì thân, khẩu chẳng thể hành tà dâm.
Cho nên niệm thiện, niệm ác cũng đều ở một một tâm bạn dấy khởi cả.
Chúc bạn tỉnh giác, tinh tấn niệm Phật
TN