Tỷ kheo Tăng Cảm ở Tinh Châu, hằng tụng kinh Di Đà và Quán Vô Lượng Thọ, cầu sinh Tịnh Độ. Đêm nọ, Sư nằm mộng thấy thân mình sinh ra hai cánh, cánh bên trái đầy văn kinh Quán Vô Lượng Thọ, cánh bên phải hiện văn kinh A Di Đà. Tâm niệm khởi động chớp cánh muốn bay lên, nhưng thân còn nặng chưa bay được.
Tỉnh giấc, Sư càng tin tưởng, chuyên tụng hai thứ kinh ấy. Ba năm sau, lại nằm mộng thấy cánh đã dài, bay lên được nhưng chưa đi xa. Trì tụng thêm hai năm nữa, trong giấc mộng, Sư cảm thấy thân nhẹ nhàng bay đi tự tại, liền cất mình lên hư không bay về Tây Phương. Đến một cảnh giới tốt đẹp trang nghiêm. Tăng Cảm gặp Phật và hai vị Bồ tát bảo:
– Sức tụng kinh của người chỉ đến được biên địa cõi Tịnh Độ. Vậy ngươi hãy trở về Ta bà, tụng mỗi ngày bốn mươi tám quyển, ba năm sau sẽ sinh lên thượng phẩm ở Cực Lạc.
Tỉnh mộng, Sư y theo lời dạy tu hành, ba năm sau quả nhiên được vãng sinh.
Khi sư viên tịch rồi, chỗ nằm bỗng mọc lên chín đóa hoa sen, bảy ngày vẫn còn tươi đẹp.
Sự Cảm Ứng Về Tu Tập Kinh Quán Vô Lượng Thọ
Đời nhà Tề, Đàm Loan là bậc tuấn sĩ, cảm thấy thế cuộc vô thường, đến tham phỏng Đào Ân Cư học về tiên thuật. Đào trao cho mười quyển Tiên Kinh, bảo đó là pháp trường sinh bất tử.
Trên đường về, Đàm Loan gặp một vị Phạm tăng là Bồ đề lưu chi. Trong khi trò chuyện, Đàm hỏi Phạm tăng:
– Trong đạo Phật, có pháp nào hay hơn kinh này chăng?
Bồ đề lưu chi mỉm cười, nói:
– Ở phương này làm gì có pháp trường sinh bất tử! Dù tu tiên được sống lâu, nhưng mãn kiếp cũng phải luân hồi trong ba cõi, nên không phải bất tử mà chỉ có trường sinh đó thôi!
Nói xong, Phạm tăng trao cho quyển kinh Quán Vô Lượng Thọ bảo:
– Đây mới chính là pháp trường sinh bất tử của đấng Đại giác kim tiên. Nếu y theo tu hành, sẽ sinh về Cực Lạc, được vĩnh viễn giải thoát không còn luân hồi nữa.
Đàm Loan hoan hỷ, đốt bỏ mười quyển Kinh Tiên rồi xuất gia, tu hành theo Quán Kinh.
Trải mấy mươi năm tu tập, lúc sắp viên tịch, Đàm Loan thấy Long Thọ Bồ tát đến nói kệ khai thị. Ngài liền bưng lò hương xoay mặt về Tây niệm Phật mà vãng sinh. Lúc ấy, đại chúng nghe giữa hư không có tiếng âm nhạc mầu nhiệm nổi lên, rồi lần lần xa ẩn về phương Tây.
Đời Lương, Đạo Trân pháp sư niệm Phật, y theo kinh Quán Vô Lượng Thọ, tu phép Thủy Quán. Đêm nọ, Sư nằm mộng thấy trên mặt nước mênh mang trong vắt, một con thuyền chở trăm người hướng về Tây Phương. Đạo Trân xin đi theo, người trên thuyền không cho và bảo:
– Sư chưa tụng kinh A Di Đà và làm nhà tắm cho chư tăng, tịnh nghiệp chưa thành nên không đi được.
Tỉnh giấc, pháp sư ghi nhớ, từ đó về sau thực hành y theo lời khuyên bảo.
Đến sau, Đạo Trân lại nằm mộng, thấy một vị nương tòa lâu đài bằng bạc bay đến vẫy tay nói:
– Tịnh nghiệp của Pháp sư đã viên thành, quyết định sẽ sinh về Tây Phương. Tôi đến đây báo trước, hãy khéo dụng tâm!
Khi lâm chung, đỉnh đầu Đạo Trân pháp sư nóng như lửa, mùi hương lạ bay khắp chùa. Hàng đệ tử soạn trong hòm kinh, tìm thấy di bút mới biết rõ sự việc.
Những Chuyện Cảm Ứng Về Phật A Di Đà
Trích: Tam Bảo Cảm Ứng Yếu Lược Lục
Việt dịch: HT. Thích Thiền Tâm
Kính gởi chư vị Thiện Tri Thức: Xin cho phép kẻ sơ cơ căn độn hỏi về nghi thức tụng kinh A Di Đà. Xét thấy trong ấn bản nghi thức tụng kinh A Di Đà của Hòa Thượng Thích Trí Tịnh soạn thì có các phần khai nhập như là Cúng Hương, Tán Thán Phật, Quán Tưởng, Tán Lư Hương, Chú Đại Bi, Nghi Thức Sám Hối, Bài Tán Lư Hương, Chơn Ngôn Tịnh Pháp Giới, Chơn Ngôn Tịnh Ba Nghiệp, Chơn Ngôn Phổ Cúng Dường, Bài Văn Phát Nguyện, Bài Kệ Khai Kinh; xong thì mới vô phần chính tụng Kinh A Di Đà…v.v. Xin được phép hỏi là so với bản kinh trên trang nhà này thì phần khai nhập giản dị hơn nhiều; vậy có sự khác nhau về phần lợi lạc đúng hay sai không? Kính bút, Nam Mô A Di Đà Phật.
Cảm ơn liên hữu đã hỏi 1 câu hỏi hay. Theo thiển ý riêng của Hữu Minh thì tùy theo sự cảm nhận riêng của mỗi cá nhân mà họ tự chọn cho mình một bản kinh để đọc tụng. Miễn là phần chánh kinh về nội dung không thay đổi thì không sao cả. Bản kinh trên phần chánh kinh cũng do hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch, nhưng các phần khác như Tán Phật, Sám Nguyện… có hơi khác chút đỉnh là do người soạn kinh để in ấn. Hữu Minh có nhận thấy sự khác biệt này trong 2 quyển kinh Nhật Tụng. Tuy rằng chỉ là 1 kinh, nhưng nghi thức thì có phần khác.
A Di Đà Phật
Kính thưa Cư Sĩ Hữu Minh, xin chân thành cám ơn cư sĩ đã chia sẻ đôi điều về thắc mắc của Tuệ An. Và cũng nhân đây Tuệ An xin được tán thán công đức hoằng pháp của cư sĩ qua trang nhà Đường Về Cỏi Tịnh này! Tuệ An kính ghi.
Nam Mô A Di Đà Phật
Chào chú cô.Con muốn quyển kinh vô lượng thọ, nhưng không biết phải tìm ở đâu. Mong cô chú hãy mở lòng từ bi giúp con. Lh với con qua 01694804863. Con Xin cảm ơn, Mô Phật