Kinh Hoa Nghiêm nói trong thập địa Bồ Tát, địa nào cũng chẳng bỏ niệm Phật. Phẩm Ðại Giáo Duyên Khởi kinh này cũng bảo: ‘Quá khứ, vị lai, hiện tại, vị Phật đều nghĩ đến nhau’.
Kinh Quán Phật Tam Muội cũng chép: ‘Khi ấy, trong hội liền có mười phương các đại Bồ Tát số đến vô lượng, mỗi vị tự thuật bổn duyên ai ai cũng đều do Niệm Phật mà chứng đắc’ và: ‘Phật bảo A Nan: “Ông nay khéo trì cẩn thận chớ để quên mất. Quá khứ, hiện tại, vị lai tam thế chư Phật đều nói Niệm Phật tam muội như vậy. Ta và thập phương chư Phật và ngàn đức Phật trong Hiền kiếp từ lúc mới phát tâm đều do sức của Niệm Phật tam muội mà đắc Nhất Thiết Chủng Trí”. Vì vậy, Phật Di Ðà cũng như đức Thích Ca và mười phương Như Lai từ khi mới phát tâm đều do Niệm Phật tam muội mà chứng vô thượng Bồ Ðề cho nên ‘chỉ thích ức niệm chư Phật’.
‘Căn lành đã tu’ là công đức của chư Phật đã tu. Nghĩ nhớ Phật đức, cảm ân mưu toan báo đáp, mong được như các ngài v.v.. đấy gọi là ‘nhớ Phật’. Trong các thiện căn của Phật, niệm Phật là tối thắng, nay muốn được như các ngài thì cũng phải nên trì danh niệm Phật. Danh hiệu Phật có đủ vạn đức, bao trùm hết thảy thiện căn nên nếu niệm Phật nhuần nhuyễn thì thật là khéo phù hợp với việc ‘nhớ nghĩ công đức của Phật’.
Trích lục
Chú Giải Kinh Phật Thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác
Vận Thành Hạ Liên Cư hội tập
Hoàng Niệm Tổ chú giải
Như Hòa dịch Việt
Xin các thầy cho con hỏi là chư phật 10 phương đều niệm phật mà thành, con cũng truyền thụ lại cho các bạn như vậy nhưng con vẫn chưa hiểu là nói vậy thì Đức Phật A Di Đà cũng niệm phật mà thành sao ạ?
Trước phật A Di Đà cũng có phật vậy như phật Thế Tự Tại Vương đó, phật A Di Đà cũng niệm phật khác, phước huệ chư phật ngang nhau, đều đồng thành quả cả, lời phật dạy bạn đừng nghi
Kinh Phật Thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác có nói, bạn đọc kĩ thì hiểu thôi
Vậy Đức Phật đầu tiên thì niệm Phật nào mà thành ạ?
Vũ trụ này là vô thỉ vô chung vì vậy nên không có vị Phật đầu tiên, và cũng không có vị Phật cuối cùng nha bạn. Chỉ khi nào chứng đắc được Niết Bàn thì mọi sự thật mới được sáng tỏ. Mong bạn ngày càng tinh tấn. A DI ĐÀ PHẬT.
Đúng vậy bạn, tất cả chư Phật điều niệm Phật mà thành Phật, bất cứ ai muốn thành Phật thì chắc chắn cũng phải niệm Phật mà thành. Bạn phải khéo hiểu niệm Phật chính là thực hành đức và hạnh của chư Phật, nếu không vậy thì dù có niệm cả đời cũng khó mà thành tựu. Niệm Phật không đơn giản là nghe và đọc danh hiệu của đức Phật. Muốn niệm Phật đúng phải hiểu đức Phật niệm những gì, ngài đã làm như thế nào để thành Phật. Hãy nhớ kỹ niệm Phật không đơn giản là niệm Phật hiệu. Muốn thành Phật muốn thoát khổ cần phải đi cho đúng hướng nếu không chúng ta sẽ tốn thời gian quanh quẩn trong cái ngôi nhà nhỏ này mãi. Cần phải tự ngộ ở bản thân thế nào là khổ, thế nào là vui, thế nào thoát khổ, thế nào là niệm Phật. Khi tự mình trả lời được những điều trên thì mới chắc chắn được phần đến và đi của mình. Phật A Đi Đà và tây phương của người là một cứu cánh rất thù thắng tuy vậy để đến được đó thì cũng không nằm ngoài niệm Phật, và niệm sao cho đúng là một câu hỏi lớn cần phải tự mỗi người trả lời cho chính câu hỏi đó.
Chỉ có những ai thật sự thấy khổ biết khổ mới thật lòng học Phật, chỉ có thật lòng học Phật mới có thể thấy Phật. Nếu cứ dễ dãi tham vui thích nuông chìu sáu cái độc ở trên thân này thì mãi mãi sẽ chẳng thoát khổ, nghiệp theo đó mà cứ chất cao vời vợi. Viên ngọc vùi trong cát lâu ngày thì đến một lúc nào đó tự mình cũng chẳng biết mình có ngọc.
Ngày ngày trôi qua kiếp kiếp trôi qua
Đạo càng vun đấp đời càng xa ra
Tự tại đến gần, phiền não tránh xa
Tây phương dần thấy, cõi Phật mở ra
Thân ta giải thoát, hoà cùng Như Lai.
Đúng vậy,chỉ những ai thực sự thấy Khổ,thấy rõ đời là bể khổ,luân hồi là khổ…mới thật lòng học Phật. Thật lòng học Phật mới có thể thấy Phật.
Cảm ơn thiện hữu NguyenPhu về bài phúc đáp hay !
Lành thay lành thay những vị tinh chuyên hướng phật ắt sẽ là những vị phật tương lai.
Giữ tâm Chánh Niệm, tỉnh thức và sống với một đời sống từ bi yêu thương cũng là Niệm Phật, quán sát về khổ, vô thường, vô ngã đó là Niệm Pháp, quán sát về giới hạnh, giới luật thực hành trang nghiêm đó là Niệm Tăng. Niệm Phật, Niệm Pháp, Niệm Tăng và sống với đời sống Chánh Niệm tỉnh thức sẽ đưa hành giả đến con đường Giác Ngộ và giải thoát. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mẫu Ni Phật