I. THỰC HÀNH THEO PHẬT PHÁP
– Điều căn bản và quan trọng nhất là gia đình nên y theo Phật pháp để giúp cho vong linh được siêu thoát.
– Trong đám tang người quá cố, khi nhập liệm, gia đình nên mang những đồ quý báu của người mất bố thí cho người nghèo rồi hồi hướng công đức ấy cho người chết.
– Nên làm lễ tang đơn giản, vì càng rườm rà càng hao tốn tiền của, sức lực một cách vô ích, người chết không những không được lợi ích gì, có khi còn phải gánh chịu thêm nghiệp quả xấu do thân nhân gia đình không biết tạo thêm nghiệp tội. Gia đình phải biết tiết kiệm phước, không được có bất cứ hành vi phung phí gạo, rau… Phải vì người chết mà tích phước, làm việc công đức như: cúng dường Tam bảo, phóng sanh, in kinh, cứu giúp người nghèo khổ… Đem những công đước này hồi hướng cho người vãng sanh, họ sẽ được lợi ích thù thắng, không gì sánh bằng.
– Từ lúc người chết ra đi cho đến 49 ngày, gia đình thân quyến chớ có sát sanh đãi đằng cúng tế, vì làm vậy người mất sẽ bị oan đối không được siêu thoát. Cả nhà ai nấy đều phải nhất luật giữ gìn trai giới, dù có khách khứa cũng không được thiết đãi rượu thịt, tránh làm các thứ ô uế khác như phải cữ việc vợ chồng, giữ ngũ giới thập thiện, tuyệt đối không được sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu.
– Gia đình tiếp tục luân phiên niệm Phật và khai thị nhắc nhở hương linh, thì nhất định sẽ giúp người thân mình được giải thoát.
– Đối với Pháp sư, gia đình nên chọn mời những bậc đạo hạnh chân chính. Còn những hạng phóng đãng phá giới và chỉ biết nhìn đến tài lợi, thì ta không nên cầu thỉnh. Nếu gia đình không biết đó là hạng pháp sư vi phạm giới luật, tịnh hạnh không nghiêm, không đúng đắn, ngông cuồng… thì người chết lúc này là thân trung ấm nên có sự cảm nhận rất bén nhạy, nếu biết kẻ ấy lừa gạt, người chết sẽ thất vọng sanh ra hối hận, tức giận, phải đọa vào khổ thú. Cho nên, gia đình phải cẩn trọng việc này.
– Trường hợp này, các thiện tri thức phải dùng những lời như sau đây mà khai thị cho hương linh: “Phật biết rằng thân của bậc tăng-già tên… tức là thân của Phật. Ngươi phải khởi ý tưởng rằng chỉ nương theo pháp, chứ không nương theo người. Mặc dù người tác pháp đó có lầm lỗi thế nào đi nữa, đều là do cái lỗi của ý thức chưa được trong sạch đó thôi. Tỷ như người soi gương, vì mặt mình không sạch, nên cái bóng trong gương cũng nhơ bẩn. Vậy thì biết chắc rằng sở dĩ kẻ tác pháp có sai lầm, đều do tâm niệm của ngươi chưa trong sạch vậy. Ngươi nên khởi tưởng như thế và phải hết lòng cung kính ái mộ, thì việc làm gì cũng đều biến thành Phật sự thanh tịnh và mình vẫn không mất lợi lạc”.
– Gia quyến trước khi rước Pháp sư làm Phật sự, cũng nên đối trước bàn hương linh mà khai thị bảy phen như thế, thì dù trong khi làm Phật sự có đôi chút sai lầm, cũng vẫn được.
II. CÁCH LÀM VIỆC PHƯỚC THIỆN
Điểm trọng yếu của việc phước thiện là phải lấy hạnh bố thí làm gốc. Để hương linh được lợi ích, gia đình đem di sản của người chết đi bố thí là tốt hơn hết. Nếu không, thì bố thí của cải của gia đình người thân hoặc của bà con, bạn bè mà giúp vào cũng được, người chết chắc chắn được lợi ích. Kinh Vô thường đã nói: “Sau khi người thân mất, gia đình nên lấy y phục mới mẻ của người chết, hoặc lấy những vật thọ dụng của kẻ còn sống: chia làm 3 phần, vì người chết đó mà cúng dường Phật-đà, Đạt-ma và Tăng-già (Tam bảo). Nhờ đó mà người chết dù nghiệp nặng cũng trở thành nhẹ và được công đức phước lợi thù thắng. Không nên đem những y phục tốt đẹp mặc cho người chết để đem đi tống táng. Vì sao? Vì không có lợi gì. Chỉ nhờ những công đức làm việc phước báu nói trên, người chết dù đọa vào Ngạ quỉ, cũng được hưởng rất nhiều lợi ích”. Trong kinh Ưu-bà-tắc cũng có nói: “Nếu người cha chết rồi bị đọa vào trong Ngạ quỉ, mà người con vì cha làm những việc phước đức, nên biết, người cha liền được hưởng thọ. Nếu được sanh lên Trời thì người chết không còn nghĩ đến vật dụng trong cõi Người nữa. Vì sao? Vì ở cõi Trời, người ta đã được đầy đủ bảo vật thù thắng rồi. Nếu phải đọa vào địa ngục, thì thân họ phải chịu bao nhiêu khổ não, không được thảnh thơi để nhớ nghĩ luyến tiếc mọi vật, vậy nên không được hưởng thọ. Kẻ đọa vào súc sanh, nên biết cũng như thế. Nếu hỏi tại sao ở trong ngạ quỉ người chết có thể liền được hưởng thọ lợi ích, thì biết vì người ấy sẵn có lòng tham lam bỏn xẻn, cho nên phải đọa vào ngạ quỉ. Khi đã làm ngạ quỉ, họ thường hay hối hận tội lỗi ngày trước, suy nghĩ muốn được lợi ích, bởi thế họ được hưởng lợi ích”.
Đấy là nói rõ chỗ lợi của quỉ thú, còn đối với công phu làm việc phước thiện, thật không luống uổng, vì không những kẻ chết, mà người sống hiện tại cũng chung phần được hưởng. Như trong kinh nói: “Nếu như kẻ chết đã thác sinh vào ác đạo khác, nhưng còn bao nhiêu bà con còn đọa trong ngạ quỉ, nếu người sống có làm việc phước đức, tức thì họ cũng đều được lợi ích. Vì thế, người có trí, nên vì ngạ quỉ mà siêng năng làm việc công đức”.
Lưu ý rằng khi lấy di sản của kẻ chết làm việc phước đức, trước hết phải xét rõ người ấy lúc còn sống, tính tình có bỏn sẻn không. Điều này rất quan trọng, vì khi thấy gia đình người thân đem di sản của mình ra làm Phật sự hay bố thí, thấy vật dụng đó bây giờ thành sở hữu của kẻ khác, người chết liền sanh lòng giận hờn, tiếc nuối, rồi khởi lên tà niệm, liền bị nghiệp lực dắt vào ác đạo. Cho nên thiện tri thức hoặc người thân gia đình phải khai thị cho người chết những lời như sau đây “Ông/bà tên… Nay ta vì ông/bà mà đem di sản của ông/bà làm Phật sự hay bố thí. Làm như thế, tức là lấy của cải hữu lậu làm việc vô lậu, nhờ ở công đức này, ông/bà sẽ được siêu sanh Tịnh độ, thoát khỏi cảnh sanh tử luân hồi. Ông/bà phải chăm lòng thành kính niệm Phật A-di-đà, cầu Ngài đến cứu độ cho. Đối với di sản, ông/bà cần phải rời bỏ, chớ nên bận lòng, phải hoàn toàn không mến tiếc tham đắm mới được. Vì những thế tài (tài sản thế gian) dù có hoàn toàn để lại, ông/bà cũng không thể thọ dụng được nữa. Như thế, đối với ông/bà, chúng đã thành vô dụng, còn luyến tiếc làm gì?”.
III. CÁCH SẮP ĐẶT CÚNG TẾ
Về cách sắp đặt cúng tế, thì rất kỵ việc sát sanh, vì việc sát sanh càng làm liên lụy khổ quả cho người chết. Thân trung ấm nếu một phen thấy được việc ấy lập tức bảo thôi; nhưng ngặt nỗi âm, dương cách trở, người thân gia đình không thể nào nghe được, vẫn trở lại sát sanh như thường. Kẻ chết không thể ngăn nổi sân niệm khởi lên, liền phải đọa vào địa ngục. Cho nên người sắp đặt cúng tế cần phải cẩn thận chú ý.
Nếu muốn cúng tế, thì nên dùng đồ chay, hương, hoa, sữa, bánh và trái cây, chớ dùng những đồ uế tạp và sát hại sanh vật. Kinh Địa Tạng đã nói: “Làm những việc sát hại, cho đến bái tế quỉ thần đã không có một mảy may phước đức, không có lợi gì mà còn kết thêm tội lỗi sâu nặng cho người chết. Dù cho người chết, đời sau hoặc đời này có thể chứng được Thánh quả, hoặc sanh lên Trời, nhưng khi lâm chung bị gia đình làm những ác nhân ấy (tức là nhân sát hại) làm cho họ phải liên lụy nhiều bề, chậm sanh về chỗ lành. Huống chi kẻ chết đó khi sống còn chưa từng làm một chút việc lành, chỉ một bề nương theo gốc nghiệp mà tạo tác, theo lý phải chịu vào ác thú. Nỡ nào gia đình người thân lại gây thêm nghiệp cho họ?”. Gia đình nên lưu tâm đến điều này.
PHẦN THAM KHẢO THÊM:
1. Khai thị cho người bệnh
Bất luận người bệnh đã tắt thở hay chưa, đều phải khai thị. Xin gợi ý các lời khai thị như sau:
– Bài thứ nhất
“Kính thưa cư sĩ… A-di-đà Phật! Ông/bà nên buông xả vạn duyên, nhất tâm cầu sanh Tịnh độ nơi Tây phương Cực Lạc. Con cháu tự có phước phần riêng của họ. Thế gian này rất khổ, không nên lưu luyến. Thế giới Cực Lạc của Phật A-di-đà có bảy hàng cây báu, tám loại nước công đức, đất trải bằng vàng, vô cùng trang nghiêm đẹp đẽ không thể diễn tả hết được. Ông/bà nên lập tức phát nguyện đến thế giới Cực Lạc, một lòng cầu Phật từ bi đến tiếp dẫn ông/bà vãng sanh Tây phương. Chỉ khi gặp Phật A-di-đà hoặc thấy ánh hào quang màu vàng (kim sắc) ôn hòa của Tây phương Tam Thánh, ông/bà mới theo các Ngài đi. Ngoài ra, khi thấy bất cứ cảnh tượng nào khác, tuyệt đối không thèm để ý đến. Như vậy, ông/bà nhất định được vãng sanh về Tây phương. Bây giờ chúng tôi niệm Phật, xin ông/bà hãy cùng niệm Phật với chúng tôi”.
– Bài thứ hai
Nam mô A-di-đà Phật.
Phật tử…, pháp danh…
Sanh lão bệnh tử là con đường mọi người phải đi qua, không ai có thể tránh được. Đã có sanh ắt phải có tử.
Phật đã nói thể gian này là khổ, là vô thường. Lúc này, Phật tử hãy buông xả mọi việc, tâm không nên gợi lên những than hận hay cố chấp. hãy thành tâm niệm Phật với lòng tin và sự khẩn cầu sanh về Tây phương Cực Lạc quốc. Hãy niệm Phật với chánh niệm để tiêu tan nghiệp chướng, cho thân tâm được tự tại.
Hãy khẩn cầu với lòng thành kính. Nhất tâm niệm Phật, khẩu cầu đức Đại từ đại bi A-di-đà Phật đến tiếp độ, phóng quang soi sáng và dùng Phật lực để giúp người niệm A-di-đà Phật với chánh niệm.
Hãy khẩn vầu Phật A-di-đà đến tiếp độ, niệm niệm A-di-đà Phật, niệm niệm cầu sanh về Tây phương Cực Lạc quốc.
Nam mô A-di-đà Phật.
2. Khai thị cho oan gia trái chủ
Nam mô A-di-đà Phật.
Phật tử…, pháp danh… từ nhiều đời nhiều kiếp đã gây ra nhiều oan gia trái chủ.
Ông/bà… và quí vị đã có duyên với nhau. Phật nói kết thân tâm pháp duyên là thù thắng nhất. Cho nên, quí vị nên kết thân tâm pháp duyên với ông/bà…, đừng nên gây chướng ngại cho ông/bà…, mà hãy cùng niệm Phật với chánh niệm để cầu sanh về Tây phương Cực Lạc quốc.
Giờ đây xin khẩn cầu quí vị và các thân hữu hãy nhất tâm niệm Phật để giúp đỡ ông/bà… được vãng sanh Tây phương Cực Lạc quốc, hoàn thành Phật sự. Vô lượng công đức sẽ hồi hướng cho quí vị thoát mọi khổ ải và được an lạc.
Cầu xin quí vị hãy vì nhân duyên thù thắng này mà phát tâm Bồ-đề, với lòng tin tưởng sâu sắc mà niệm Phật cầu sanh Tây phương Cực Lạc quốc, toại nguyện vô lượng Phật độ.
Nam mô A-di-đà Phật.
Trích Trợ Giúp Người Khi Lâm Chung
Tỳ kheo Thích Nhuận Nghi cẩn biên
Cho con hỏi xíu về vấn đề này nha nhà Phật. Con nghe nói sau khi mở cửa mả người mất mới biết mình chết phải khôg ạ? rồi hồn về nhà người thân không được ngủ xung quanh nhà phải không ạ. Với lại nếu hồn về nhà vậy về được bao nhiêu ngày ạ. Tại ba con vừa mất nên con muốn biết, mong nhà Phật giải đáp thắc mắc giùm con.
Nam Mô A Di Đà Phật
Con có một thắc mắc xin Quý thầy giải đáp, có phải trừ những người được sinh về Cõi Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà hay về cõi trời, hoặc đọa địa ngục thì sau khi chết thần thức sẽ lập tức liền bỏ thân mà đi liền.
Còn những người nghiệp lực chưa rõ ràng thì phải đợi 49 ngày sau mới định tội, vậy:
Có phải tất cả những thần thức này sau 49 ngày đều bắt buộc phải đi đầu thai? Nhưng tại sao có người chết mấy chục năm vẫn chưa đi đầu thai, dù họ không bị chép oan, tại sao Quỷ vô thường không bắt họ chịu tội?
Nếu có thần thức nào sợ bị tội không chịu đi đầu thai,cứ sống như vậy thì có tốt hơn là đi đầu thai vào một cảnh giới xấu như: ngạ quỷ, súc sanh…hay không?
Nam Mô A Di Dà Phật
Kính thưa các Thầy, người yêu con mới tai nạn mất chưa được 49 ngày con rất tuyệt vọng và hoang mang nhưng nhờ có 1 chút duyên lành nên dã gặp 1 người bạn khuyên con nên niệm Phật để giúp cho người yêu con va bản thân con cũng vữn vàng hơn. Con đã lam theo và thấy thật kì diệu vì tâm con thanh thản hơn rat nhieu nhung thời gian gần đây con lại mơ thấy người yêu con liên tục nên con lại thấy hoang mang va f mất phương hướng quá. Mong các thầy cho con lười khuyên ạ. Con xin cảm ơn ạ
A Di Đà Phật
Gửi bạn Vy,
Con đã làm theo và thấy thật kì diệu vì tâm con thanh thản hơn rất nhiều
Chọn phương pháp niệm Phật giúp cho người yêu vừa qua đời và giúp cho bản thân được định tâm trước những đau thương, mất mát đột ngột ập tới là một lựa chọn hết sức thông minh. Bản thân bạn cũng thấy sự kỳ diệu của niệm Phật vì tâm của bạn đã thanh thản rất nhiều. Vậy lý do nào khiến bạn không thể tiếp tục niệm Phật? Lúc này phải nhìn nhận lại động cơ niệm Phật. Phải chăng động cơ niệm Phật chỉ là nhất thời? Chỉ vì bỗng chốc thấy đau đớn, mất mát quá lớn nên phải tìm cách để khoả lấp những nỗi đau đó? Hay vì bạn thực sự đã giác ngộ, thấy cuộc đời này là hư giả (sanh-lão-bệnh-tử), là vô thường? Ý thức được điều đó và bạn đã khởi tâm từ bi (thương người yêu bạn mới qua đời) và muốn niệm Phật giúp bạn mình được giải thoát? Nếu hai lựa chọn đầu là động cơ để bạn niệm Phật, đến với Phật thì việc bạn lại trở nên hoang mang và mất phương hướng (thối tâm) là điều tất yếu.
Tình yêu là sự ái luyến về tâm hồn và thể xác – sự ái luyến này sẽ đưa chúng ta tiếp tục trôi lăn trong vòng sanh tử luân hồi. Nói vậy không lẽ chúng ta đoạn tuyệt? Nếu chúng ta thực sự dũng mãnh làm được điều đó thì cái Nhân sanh tử luân hồi đã được đẩy lui dần ra phía sau, đáng tiếc thực tế chúng ta đã không làm được. Nhưng chúng ta có thể thay đổi và nâng sự luyến ái về tâm hồn và thể xác lên ở tầm cao hơn, chuyển hoá chúng thành lòng từ bi và trí tuệ. Từ bi là gì? Có thương, yêu nhưng không vướng mắc; có thương yêu nhưng không luyến ái, trói buộc và không bị chi phối bởi những thứ đó tới điên đảo, vọng tưởng.
Khi yêu thương nhau, người ta ngỡ tâm hồn rất trong sáng, thanh tao… nhưng khi đã đến được với nhau, chung sống, lập nghiệp… thì mọi chuyện bỗng trở nên già cỗi, tẻ nhạt. Nguyên nhân? Vì quá luyến ái nên chúng ta đã không nhận ra sự già cỗi, tẻ nhạt đó vốn luôn hiện hữu và sanh-diệt không ngưng nghỉ trong từng giây phút=Sự vô thường. Sự ngộ nhận đó khiến chúng ta luôn bị hẫng hụt, chao đảo, thậm chí mất hết phương hướng khi có những chuyện bất ngờ, bất hợp ý xảy ra=Sự vô minh. Lòng từ bi thì không thế. Lòng từ vốn không có già-chết, không sanh, không diệt cũng không có buồn-vui hay tẻ nhạt, bởi xuất phát điểm của nó là tự tánh thanh tịnh của mỗi chúng ta. Nhận diện được điều đó=ánh sáng trí tuệ trong mỗi chúng ta đã được thắp sáng. Vì thế nếu bạn dùng tâm từ bi để niệm Phật (không có sự phân biệt người thân, kẻ sơ; người lành, kẻ dữ…) chắc chắn bạn sẽ mau chóng đạt được lợi ích thiết thực và tức thì; ngược lại bạn sẽ cảm thấy nó vô vị, tẻ nhạt và dẫn đến thoái chuyển bồ đề=niệm Phật mà tâm chẳng an lạc.
Người yêu bạn qua đời là một nhân duyên để bạn nhận diện: đời là vô thường, là giả tạm, là sanh-già-bệnh-tử… cũng nhờ nhân duyên đó bạn biết đến Phật pháp, biết niệm Phật. Nếu chỉ vì trốn chạy thực tế mà niệm Phật thì bạn sẽ còn phải thất vọng và bạn đã đang tự lừa dối chính mình và (có thể lắm) cả người bạn trai vừa qua đời. Do vậy TN chỉ có một lời khuyến tấn bạn: Hãy niệm Phật bằng lòng từ bi và trí tuệ và hãy dùng Tín-Nguyện-Hạnh mà niệm Phật. Tín-Nguyện-Hạnh là gì? Trong ĐVCT có ghi rất đầy đủ, bạn hãy ráng dành thời gian cho mình để tham khảo và chọn lựa. Chỉ có sự chọn lựa sáng suốt mới giúp bạn thoát khỏi sự trói buộc của vô minh và phiền não.
Cầu chúc bạn được an lạc.
Thiện Nhân
A Di ĐÀ PHẬT!
Kính gửi thầy Thiện Nhân, con cảm ơn thầy rất nhiều vì đã giúp con cân bằng lại. Con xin nói thật lòng mình với thầy là nhiều lúc con vẫn còn ý nghĩ là niệm Phật và khuyên bạn con niệm Phật để kiếp sau được làm người và được gặp lại nhau con thấy mình vẫn ích kỉ và chưa thực sự buông xả được thầy ạ. Thầy cho con hỏi thêm là con rất hay ngủ mơ gặp người yêu con như thế la do con nghĩ nhiều quá đúng không ạ có những hôm con rất thanh thản nhưng vẫn cứ mơ thấy bạn con về gọi con và cứ bảo con là chết giả vờ lam con lại lung lay thầy ạ. Mong thầy giúp con ạ !
A Di Đà Phật
Gửi bạn Vy,
Điều đầu tiên TN xin được đính chính: Các Đạo hữu trên ĐVCT đều là Cư sĩ chứ không phải Tu sĩ, do vậy bạn cứ hoan hỉ chia sẻ như tình đồng đạo hay bạn bè thôi, được như thế bản thân TN cùng các Đạo hữu khác cũng đỡ bị hiểu lầm và tổn phước.
Thiện Nhân rất vui khi thấy bạn đã hiểu được phần nào chân tướng sự thật: Đời là bể khổ. Cái khổ của cõi nhân gian kết chung lại có 8 nỗi khổ mà chúng ta luôn phải trải qua: Sanh, lão, bệnh, tử là khổ; Cầu bất đắc là khổ; Yêu thương nhau mà phải xa lìa là khổ; Thù ghét nhau mà phải chung sống, đối mặt nhau là khổ; và ngũ ấm xí thạnh khổ.
Bạn đang vướng kẹt vào nỗi khổ thứ 5: Yêu thương nhau mà phải xa lìa. Nếu nói ngay nhất thời bạn có thể định tâm để vượt qua những mất mát khi người mình yêu qua đời thì quả thật khó. Tuy nhiên đã đến lúc bạn phải đối diện sự thật: người bạn yêu đã không còn nữa. Con người chúng ta ai cũng có một định nghiệp riêng của mình – những định nghiệp này phụ thuộc vào cái Nhân thiện-ác mà chúng ta đã tạo tác từ vô lượng kiếp tới nay.
Trong kinh Nhân Quả Phật nói:
Đời nay mạng yểu do nhân gì?
Kiếp trước xẻ thịt giết chúng sinh
Hiểu lời Phật dạy bạn sẽ không cần phải dằn vặt, hay quá đớn đau để truy tìm nguyên nhân của sự xa lìa đó nữa, trái lại bạn đã biết mình nên làm gì vào lúc này để ích người, lợi mình?
Con xin nói thật lòng mình với thầy là nhiều lúc con vẫn còn ý nghĩ là niệm Phật và khuyên bạn con niệm Phật để kiếp sau được làm người và được gặp lại nhau con thấy mình vẫn ích kỉ và chưa thực sự buông xả được thầy ạ.
Suy nghĩ này hết sức nguy hiểm và sai lầm, bởi nếu bạn trai bạn có tâm quá luyến ái, chắc chắn sẽ không thể siêu thoát về cõi lành; bản thân bạn cũng đã tự cột chặt mình vào một định mệnh: sanh tử luân hồi.
Phật nói: thân người khó được. Không phải bạn hứa kiếp sau gặp lại là kiếp sau, bạn và bạn trai bạn sẽ được gặp lại. Bởi mỗi người có một phước nghiệp riêng. Nếu kiếp này bạn không chịu tu, không thực tu, không chịu chuyên tâm niệm Phật, khi vô thường ập tới, cận tử nghiệp cận kề, ba cửa: Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh đã mở rộng để đón chờ bạn. Do vậy TN khuyên bạn: hãy đổi lại “lời nguyền kiếp sau gặp lại” thành lời ĐẠI NGUYỆN: Nếu anh thực sự yêu và muốn em được hạnh phúc, anh phải vạn duyên buông xuống, nhất tâm niệm Phật nguyện cầu vãng sanh Tây Phương Cực lạc. Em cũng nguyện những ngày còn lại của cuộc đời, nhất tâm tu hành, nhất tâm niệm Phật để một đời này cùng được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Làm được như vậy bạn đã đích thực biết yêu, thương và giúp cho người mình yêu thoát được khổ nạn sanh tử luân hồi. Tình yêu lúc này đã chuyển hoá thành tình đồng đạo. Tình thương lúc này đã trở thành lòng Từ bi, và sự giác ngộ của hai bạn lúc này đã trở thành trí tuệ viên mãn.
Yêu là gì nếu không phải là sự chuyển hoá những đau thương, mất mát thành sự hỷ lạc cho nhau!
Thầy cho con hỏi thêm là con rất hay ngủ mơ gặp người yêu con như thế la do con nghĩ nhiều quá đúng không ạ có những hôm con rất thanh thản nhưng vẫn cứ mơ thấy bạn con về gọi con và cứ bảo con là chết giả vờ lam con lại lung lay thầy ạ.
Đây là chuyện bình thường, bởi thường ngày bạn luôn đối diện bên nhau, những hình ảnh của đôi bên đã ăn sâu, gắn chặt vào tâm thức của nhau, vì vậy chỉ cần xa nhau chốc lát thôi thì những hình ảnh đó đã mồn một hiện về. Ngay bây giờ bạn hãy nên chuyển hoá những hình ảnh đó bằng hình ảnh của Phật A Di Đà và gắn chặt hình ảnh của Phật bằng câu niệm hồng danh của Ngài: A Di Đà Phật! Đây gọi là phương pháp niệm-tưởng quán. Nghĩa là vừa quán (mắt nhìn) hình Phật, tâm niệm Phật.
Quan trọng: Đây chỉ là phương pháp tạm thời nhằm khống chế tâm luyến ái với hình ảnh người bạn đã qua đời, khi hình ảnh của người bạn đã qua đời đã không còn cơ hội để dấy khởi trong tâm tưởng của bạn (mỗi khi đi, đứng, ngủ, ăn, nằm, ngồi…) thì bạn thì bạn có thể bỏ quán tưởng hình Phật và lúc này chỉ cần tập trung vào việc niệm Phật là đủ. Niệm Phật rồi, cho dù là thời khắc nào, nơi đâu, bạn cũng nên hồi hướng công đức cho người bạn đã qua đời. Trong 49 ngày, nếu có thể bạn nên kết hợp với việc phóng sanh, ấn tống kinh sách, cúng dường Tam Bảo, hay bố thí cho người nghèo khó… và tất cả công đức ấy cũng đem hồi hướng cho bạn trai đã qua đời. Được như thế chắc chắn bạn trai của bạn cũng vô cùng hoan hỉ đón nhận và sanh tâm niệm Phật để vãnh sanh về cõi an lạc…
Phương pháp niệm Phật có rất nhiều, ở đây TN giới thiệu tới bạn phương pháp do Phật Thích Ca dạy trong kinh Niệm Phật Ba La Mật: Niệm Phật với Tâm lìa bỏ. Thế nào là niệm Phật với cái tâm lìa bỏ?
Phật dạy: “người niệm Phật trong khi xưng niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật, phải phát khởi cái Tâm Thái Lìa Bỏ Tất Cả. Sao gọi là Lìa Bỏ? Lìa bỏ nghĩa là không trụ tướng mà niệm Phật, không dính mắc mà niệm Phật, không nắm giữ mà niệm Phật, không tương ưng mà niệm Phật, không đối đãi mà niệm Phật, không chống trái mà niệm Phật, không cầu mong mà niệm Phật, không nhiễm duyên mà niệm Phật. Niệm Phật như thế thế gọi là Niệm Phật với cái Tâm Lìa Bỏ. Người niệm Phật chỉ buộc tâm vào danh hiệu Phật, chăm chú lắng nghe, mỗi câu rõ ràng, mỗi niệm phân minh, quên cả thân, quên cả cảnh, quên cả cái ý thức tự biết ta đang niệm Phật. Như thế gọi là Niệm Phật với cái tâm Lìa Bỏ“.
Cầu chúc bạn sớm tìm lại được sự an lạc của tự tánh và dũng mãnh tu hành để vượt qua mọi bể khổ, nguồn mê mà tiến tới bờ giải thoát.
Thiện Nhân
A DI ĐÀ PHẬT!
Kính gửi thầy Thiện Nhân
Con cảm ơn thầy Thiện Nhân rất nhiều về những chia sẻ của thầy dành cho con ạ. Con xin hỏi thầy thêm 1 chút nữa là con vẫn thường mơ thấy người yêu con về gọi con đi và cứ luôn nói là chỉ chết giả vờ thôi đấy là do con tâm chưa tĩnh suy nghĩ nhiều quá đúng không hả thầy. Bạn con tai nạn mất tại chỗ luôn con vẫn luôn sợ bạn mình chết oan nhưng con đọc thì hiểu tát cả đều do nhân quả nhiều kiếp nên sẽ không bao giờ là oan đúng không hả thầy. Tâm con nhiều lúc niệm Phật vẫn khởi tâm mong muốn là mong bạn con được siêu thoát để chúng con được gặp lại ở kiếp sau thầy ạ. Con vẫn chưa thực sự buông xả được nên niệm Phật không được nhất tâm con thấy áy náy lắm a. Mong thầy giải đáp rút con.
Con xin chân thành cảm ơn thầy về những lời khai ngộ của thầy cho con, thực sự đã giúp con rất nhiều thầy ạ. Con sẽ cố gắng giác ngộ hơn nữa và tinh tấn niệm Phật.
Do mạng không ổn định nên con tưởng bài của con không gửi được đến thầy nên con đã gửi lại bài khác mong thầy Thiện Nhân và các quý các thầy ở ĐVCT hoan hỷ cho con ạ.
Con xin chúc các thầy nhiều sức khỏe để giúp những người vẫn mê muội như con có thể giác ngộ và tìm về được bến bờ An Lac Quốc ạ.
NAM MÔ TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC THẾ GIỚI ĐẠI TỪ ĐẠI BI A DI ĐÀ PHẬT!
A Di Đà Phật
Gửi bạn Vy,
Thiện Nhân và các Đạo hữu rất vui khi những trao đổi vừa qua có thể giúp bạn tháo gỡ phần nào những vướng mắc nội tâm.
Tội từ tâm khởi đem tâm sám
Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu
Tội tiêu tâm tịnh thảy đều không
Thế mới thật là chân sám hối
4 câu Sám trên có thể giúp bạn điều gì? Tất cả những hành vi đúng-sai đều khởi từ chính tâm của mình cả. Phật dạy: Tâm này là Phật – ý nói là Phật tánh. Mỗi chúng ta, ai ai cũng đều có Phật tánh, mà Phật tánh vốn thường hằng tri, hằng giác, nghĩa là thường sáng tỏ, thông suốt, không có chướng ngại. Vậy nhưng tại sao chúng ta lại luôn gặp chướng ngại? Phải chăng chúng ta đã đánh mất đi Phật tánh? Không phải thế! Trái lại, Phật tánh trong mỗi chúng ta vẫn luôn thường tồn, luôn luôn sáng tỏ, nhưng vì chúng ta quá mê mờ, quá tham, sân, si, quá phân biệt, quá chấp trước mọi chuyện trong đời… nên Phật tánh trong mỗi chúng ta nhất thời bị che lấp. Cũng vì thế nên chúng ta luôn sống trong khổ đau, phiền não. Làm thế nào để chúng ta dứt ra khỏi những khổ đau, phiền não đó? Đây là điều mỗi chúng ta phải thường quán chiếu (suy xét) hành vi, suy nghĩ của mình trong từng giây, phút chứ không phải từng ngày, từng tháng, hay từng năm, từ đó chúng ta sẽ thấy được mình đang vướng kẹt nơi nào để sửa lỗi. Sửa lỗi rồi=tội liền tiêu trừ; tội tiêu hết=tâm được thông tỏ, tâm thông=thấy được tự tánh thanh tịnh=thực tâm sám hối.
Trở lại với những giấc mơ bạn gặp. Thiện Nhân nghĩ đó là chuyện thường tình. Phật thường nói: Tướng do tâm sanh, cảnh tuỳ tâm chuyển. Nghĩa là mọi cảnh giới: lành-dữ; thiện-ác; xấu-đẹp; hay-dở; mê-ngộ… đều do tâm mình biến hiện ra cả, nhưng cũng chính mình có thể chuyển hoá chúng.
Thiện Nhân lấy một ví dụ thật đơn giản để bạn dễ hiểu: Bạn có một món đồ rất quý giá, hàng ngày bạn vốn giữ gìn, nâng niu vật đó không muốn xa rời. Tâm „giữ gìn và nâng niu“ đó đã cột chặt bạn với món đồ khiến tâm bạn luôn luôn bất an. Lý do? Vì sợ món đồ đó sẽ bị mất, sẽ bị hư hỏng, sẽ có ngày phải xa rời bạn… Trong Phật pháp gọi hành vi đó là: tâm nắm giữ. Lại nói về nắm-giữ. Bạn hãy thử cầm một vật thật nhỏ trên tay (ví như một ly nước nhỏ), rồi hãy thử dang cánh tay đang giữ ly nước nhỏ đó, nâng lên phía trước mặt hay ngang vai, và hãy thử giữ nguyên cốc nước đó ở vị trí vuông góc với thân hay bằng vai, kế đó thử nhẩm đếm… và bạn sẽ giữ ly nước đó được bao lâu? 1 phút, 3 phút, 5 phút, 20, 30, 60, hay nửa ngày, cả ngày? Một điều chắc chắn: đến một lúc nào đó bạn sẽ phải mỏi tay, và lúc này buộc phải hạ cánh tay có ly nước nhỏ xuống, bằng không ly nước nhỏ đó sẽ tự rớt xuống sàn nhà và vỡ vụn. Nguyên nhân? Cánh tay đã phải chịu đựng một việc quá tải. Hành động hạ cánh tay xuống nói lên điều gì? Không có điều gì, vật gì chúng ta có thể nắm, giữ mãi mãi mãi, cho dù là thân xác của chúng ta. Ngược lại, đến thời khắc nào đó, chúng ta phải buông xuống.
Phật pháp gọi đó là: buông-xả. Buông-xả nghĩa là không nắm, không giữ nữa.
Trở lại món đồ quý của bạn: Khi tâm luôn gắn chặt với món đồ đó, bạn sẽ luôn lo âu, hoảng sợ, mỏi mệt. Những điều đó tạo ra áp lực nội tâm, khiến bạn nảy ra đủ thứ suy nghĩ. Phật pháp gọi đó là sự biến hiện trong tâm. Những lời bạn nghe thấy trong mơ cũng không ngoài sự biến hiện đó. Bạn trai của bạn, trước khi mất, cũng luôn hướng, nghĩ, lo âu, thậm chí hoảng sợ khi mất bạn; tương tự như bạn luôn thường nhớ, nghĩ, lo âu khi phải xa, hay mất người bạn trai này. Cái tâm thường nhớ, nghĩ, lo âu… đến nhau ấy giống hệt như tâm bạn thường giữ gìn, lo âu về món đồ quý nói trên vậy. Nay bỗng dưng người bạn trai qua đời = món đồ quý báu bị mất đột ngột. Cái tâm lo âu, tâm muốn nắm giữ trỗi dậy trong bạn và người bạn trai vừa qua đời càng mãnh liệt hơn. Điều này cũng giải thích lý do tại sao bạn thường luôn nghe thấy những lời người bạn trai nói hay rủ bạn cùng “đi” với người bạn trai trong mơ. Đây chính là tâm luyến ái. Phật nói: Tâm ái dục là cội nguồn của sanh tử luân hồi. Đây cũng là lý do trong trao đổi trước Thiện Nhân đã chỉ cho bạn cách „quán tưởng-niệm“, nghĩa là thường nhìn hình ảnh Phật và niệm Phật. Việc „quán tưởng-niệm“ này giúp bạn điều gì? Giúp bạn gỡ dần tâm nắm giữ những hình ảnh của quá khứ (gỡ bỏ dần chứ không thể ngay một lúc đã gỡ hoàn toàn). Khi tâm nắm giữ trong bạn được giảm thiểu=tâm bạn sẽ nhẹ nhàng, thanh thản, sáng tỏ hơn. Hồng danh A Di Đà Phật có thể giúp bạn làm điều đó. Bởi A Di Đà Phật là Vô Lượng Giác; Vô Lượng Trí Tuệ; Vô Lượng Công Đức; Vô Lượng Quang; Vô Lượng Thọ… vì thế khi bạn khởi tâm niệm hồng danh của Ngài, gián tiếp, bạn đã giúp cho ánh sáng tuệ, giác, công đức của Phật A Di Đà lan toả sang người bạn trai vừa qua đời của mình; nói khác đi: người bạn trai đó cũng được bạn trợ niệm, giúp cho bạn trai hiểu được: Đời là vô thường, là tử-sanh, sanh-tử không ngưng nghỉ. Nếu chấp chặt tâm ái luyến nhau, cũng đồng nghĩa cả hai bạn sẽ cùng gắn chặt với con đường sanh-tử, tử-sanh luân hồi. Vì thế, bạn phải dũng cảm; phải tỉnh táo, phải tinh tấn hơn bao giờ hết để niệm Phật mọi nơi, mọi chốn, mọi hoàn cảnh, cho dù là trong mơ. Niệm Phật lúc này không phải chỉ cho riêng bạn, giúp bạn vượt khổ nạn, trái lại là giúp cho người bạn đã qua đời và nhiều nhiều chúng sanh vô hình khác đang sống trong cảnh trạng tương tự như người bạn trai bạn, cùng được hưởng sự lợi lạc của câu niệm Phật, cùng được giác ngộ mà niệm Phật để chí ít là được sanh về cõi lành (trời, người). Bằng không, nếu bạn để tâm luyến ái của bạn và người bạn trai luôn thường giao thoa nhau, TN nghĩ, cơ hội để sanh về cõi lành cho người bạn trai thật rất mong manh.
Nhiệm vụ của bạn – người còn sống, đang sống là giúp cho người qua đời sớm được thức tỉnh, giác ngộ để buông xuống vạn duyên mà nhất tâm niệm Phật để được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.
Đây chính là ý thứ hai: Cảnh tuỳ tâm chuyển.
Thiện Nhân cũng biết ngay một lúc bảo bạn buông hết, xả hết thật không thể được, và khó vô cùng. Nhưng chúng ta học Phật pháp là để chuyển hoá những si mê, những đau thương thành trí ngộ và an lạc. Muốn thế chính chúng ta phải có tâm và thực tâm làm. Được như thế mới mong chuyển hoá được những vấn nạn trong cuộc sống, thế vào đó là một cuộc sống bớt phiền lo, bớt tham cầu=an lạc hơn.
Nguyện chúc bạn tỉnh giác, dũng mãnh và tinh tấn để vượt qua những giai đoạn quan trọng của cuộc đời. TN cùng các Đạo hữu cũng nguyện hồi hướng tất cả công đức mong sao người bạn trai của bạn được vãng sanh về miền an lạc.
Nếu có gì cần trao đổi thêm, bạn cứ hoan hỉ trao đổi, TN và các Đạo hữu khác sẽ cùng bạn tháo gỡ tới thông suốt mới thôi…
A Di Đà Phật
Thiện Nhân
TB. Bạn hoan hỉ đừng gọi TN và các Đạo hữu khác là Thầy nữa nhé. Gọi vậy miết là TN và các Đạo hữu khác sẽ tổn phước đó.
A DI ĐÀ PHẬT !
Kính gửi sư huynh Thiện Nhân,Vy gọi như này đuợc không ạ.
Cảm ơn huynh cùng các Đạo Hữu đã chia sẻ khó khăn với Vy vào giai đoạn khó khăn này.Vy xin tâm sự một chút ở đây, Truớc đây Vy là 1 ngừơi rất mê tín dị đoan nhưng nhờ 1 chị bạn mà gặp đuợc Phật pháp quả là vi diệu vô cùng không biết dùng từ ngữ nào để tả hết đuợc sự cảm kích và biết ơn vô cùng đến Đức Phật nếu không gặp đuợc Phật Pháp thì giờ đây chắc Vy đã điên đảo theo con đừơng của các đồng thầy và mãi u mê không có ngày tỉnh ngộ.bây giờ Vy đã hiểu tất cả đều do nhân quả của chính mình gây ra từ nhiều kiếp nên sẽ không có chuyện oan khuất hay là ông trời không công bằng như trứoc Vy từng nghĩ… Cách đây mấy năm ngừơi bạn thân của Vy cũng mất đột tử thời gian đó thật kinh khủng. Lần này sự mất mát to lớn hơn vậy mà Vy lại làm đuợc như này quả là không tin đuợc vào chính bản thân mình nhiều lúc nghỉ là mơ hay là Vy bị lãnh cảm nhưng không phải mà là Vy đã ngộ ra rất nhiều điều để hiểu bây giờ là cần phải làm gì tốt nhất cho ngừoi yêu của mình.dù hiểu biết hạn chế nhưng sẽ cố gắng hết sức có thể các huynh ạ. tình cờ Vy vào ĐVCT và đuợc chia sẻ như này thật là rất cảm kích và vững tâm hơn rất nhiều.Đúng như huynh nói thật quá khó để ngay 1 lúc có thể quên đi người mình yêu thuơng để buông bỏ tâm nắm giữ đấy Vy hiểu đuợc nhưng lúc thực hiện lại không đuợc như lúc nghĩ. Vy cũng đã thực hiện quán tuởn niệm như huynh đã chỉ hiệu quả đã co tốt lên. Cho Vy hỏi một chút về vấn đề của ngoại cảm theo các huynh thì gọi hồn ngừơi mất lên là có thật không ạ? Vì Vy vẫn còn một chút gì đó của mê tín nên vẫn muốn gọi hồn bạn minh lên để nhắc nhở và hỏi han, có nên không các huynh. Có một chuyện nữa là sau khi mất mấy ngày gia đình đang làm lễ thì bạn trai Vy lại nhập vào một ngừơi nhà và 1 ngừơi lạ làm cả nhà rất hoang mang, mong các huynh hoan hỉ chia sẻ ạ
A DI ĐÀ PHẬT!
A DI ĐÀ PHẬT!
Gửi su huynh Thiện Nhân, ngoài niệm Phật ra Vy còn muốn làm thêm những việc khác để có thể giúp bạn Vy, mong huynh chia sẻ thêm cho Vy về việc cúng dừơng và in kinh Vy có tìm hiểu nhưng chưa rõ về cách thức. Phóng sinh thì Vy hiểu đuợc và thêm về an chay nữa huynh ạ có bắt buộc không ạ?( cái này la về lâu dài nếu như Vy muốn làm cư sỹ như các huynh ạ). Một vấn đề nữa thật xấu hổ khi là ngừơi học Phật là Vy vẫn sợ chết nên thuờng sợ ma quá trưóc Vy rất nhát sự việc bạn Vy xảy ra lại tăng thêm sợ cho Vy nhiều lúc muốn ngồi chỗ yên tĩnh để nhiếp tâm niệm Phật hơn nhưng cứ bị cảm giác sợ lấn át mặc dù hiểu đuợc nguyên nhân nhưng vẫn rất sợ.làm thế nào cho Vy đỡ sợ hơn ạ. Các Huynh hoan hỷ chia sẻ giúp Vy nhé, Vy mới giác ngộ Phật pháp nên rất nhiều bỡ ngỡ ạ.
A DI ĐÀ PHẬT !
A Di Đà Phật
Gửi Vy thân mến,
Theo các huynh thì gọi hồn người mất lên là có thật không ạ? Vì Vy vẫn còn một chút gì đó của mê tín nên vẫn muốn gọi hồn bạn mình lên để nhắc nhở và hỏi han, có nên không các huynh.
Hoàn toàn không nên, cho dù đó là chuyện khả thi, bởi lợi bất cập hại. Giả như bạn có gặp được hồn của người bạn trai đã qua đời, thì điều gì sẽ xảy ra? Trao nhau những lời nhớ nhung? Những lời thương xót? Những dòng nước mắt buồn thương vì phải chia ly? Hay những lời nguyện ước, lời thề sông, hẹn biển?…v.v. Việc tiếp xúc âm-dương sẽ chỉ tạo nên những luyến ái không cần thiết, nếu không nói là nguy hiểm. Bởi người còn sống đã vô tình gieo thêm hạt giống sanh tử luân hồi cho người vừa qua đời, chưa kể tới sự ái luyến vượt ra ngoài mong muốn sẽ khiến cho người vừa qua đời thêm luyến tiếc thân mạng đã mất của mình=mất hết chánh tín=cơ hội sanh về cõi lành sẽ bị triệt tiêu.
Phật nói: Tin ta mà không hiểu ta đó là phỉ báng ta. Điều này có ngụ ý gì? Các Pháp của Phật đều muốn hướng chúng ta: phá mê-khai ngộ, lìa khổ-được vui, chuyển phàm-thành Thánh. Thế nào là phá mê-khai ngộ? Phật nói: Đời người là sanh-lão-bệnh-tử. Đời người là vô thường. Biết đó là vô thường, là có sanh, ắt có tử, có tử, ắt có sanh. Hiểu được điều đó, nay bạn muốn níu kéo chuyện sanh-tử đó=trái quy luật nhân quả=người phàm phu (chưa hiểu, chưa giác đạo)=mê. Ngược lại: hiểu được nhân-quả, tôn trọng nhân-quả=khai ngộ=lìa khổ, được vui=chuyển niệm của phàm phu thành niệm của bậc giác ngộ=chuyển niệm phàm thành niệm Thánh – Thánh là chỉ bậc giác ngộ. Do vậy khi bạn đã hướng mình tới đạo Phật và nguyện tu theo pháp của Phật bạn phải có chánh kiến=sự hiểu biết (nhân-quả) chân chánh; phải có chánh tư duy=sự suy nghĩ chân chánh (không mê tín); phải có chánh ngữ=lời nói không hư vọng và chánh nghiệp=mọi hành vi tạo tác phải chân chánh (đúng pháp).
Có một chuyện nữa là sau khi mất mấy ngày gia đình đang làm lễ thì bạn trai Vy lại nhập vào một người nhà và một người lạ làm cả nhà rất hoang mang.
Rất tiếc bạn không cho biết cụ thể những gì đã xảy ra đối với hai người bị bạn trai bạn nhập vào. Nhưng điều này có thể khẳng định: bạn trai bạn đang hoang mang tột điểm, vì thế đã phải tìm cách nhập vào người khác để gửi thông điệp đến những người còn sống. Trường hợp này không phải là hiếm lạ, mà thường xảy ra trong những trường hợp bị đột tử. Điều quan trọng cần làm là người nhà bạn trai bạn, và bạn phải có niềm tin nơi chánh Pháp, không nên vì những điều xảy ra nói trên mà sanh tâm hoảng loạn, rồi tìm cách cúng bái, hay mời „thầy“ về rồi tìm cách trục vong ra khỏi thân người bị nhập, làm điều này sẽ khiến cho người vừa qua đời thêm hoảng loạn; nguy hại hơn người bạn trai vừa qua đời sẽ nổi tâm sân hận thì hậu quả sẽ thật khó lường.
Điều tối yếu bạn và gia đình người bạn trai bạn nên làm là nên mời những chư Tăng có đạo hạnh, làm lễ cầu siêu cho người bạn trai; người nhà, và bạn, nên làm những việc thiện, phước: phóng sanh, cúng dường Tam Bảo, in, ấn tống kinh sách (Kinh vô lượng thọ; A Di Đà Kinh…) rồi hồi hướng tất cả những công đức này cho người bạn vừa qua đời. Bản thân bạn phải lập nguyện: Nhất tâm niệm Phật và khuyên người bạn trai vừa qua đời cũng nhất niệm Phật và phát nguyện vãng sanh Tây phương Cực Lạc. Ngoài nguyện này ra, nhất quyết không làm theo những tà pháp nào khác (xem bói; kêu, gọi hồn; giết súc sanh để cúng tế…) được như thế, âm-dương đều được lợi lạc cả.
Về việc cúng dường và in kinh Vy có tìm hiểu nhưng chưa rõ về cách thức.
Cúng dường nói cho đúng là hành vi cao hơn của việc bố thí. Một trong 6 hạnh của Bồ-tát thì hạnh „bố thí“ là quan trọng hàng đầu. Tại sao? Bởi bố thí là làm giảm bớt lòng tham lam, bỏn sẻn (nhân của địa ngục) và làm tăng trưởng lòng từ bi trong mỗi chúng ta.
Nhiều người bảo: Tôi nghèo lắm, tôi chẳng có gì thì làm sao có thể bố thí được? Hay để tôi giàu có một chút đã, lúc ấy tôi sẽ bố thí ngay. Đó là cách nói, cách biện luận của người chưa (không) hiểu đạo, vì bố thí hay còn gọi là cúng dường vốn không phụ thuộc và sự giàu-nghèo. Có người rất giàu, nhưng tâm lại vô cùng bỏn sẻn. Hễ bỏ ra một đồng; một chút của cải; một chút công sức là thấy như cứa ruột, cắt gan mình vậy=giàu mà chẳng sang; Ngược lại có người rất nghèo nhưng tâm lại luôn hào phóng, sẵn sàng cho, làm bất cứ việc gì có ích cho đồng loại, mà không hề so đo chuyện thiệt-hơn=nghèo nhưng rất sang. Do vậy hành vi cúng dường hay còn gọi là bố thí phải xuất phát từ cái tâm từ bi, hỉ xả của chính mình. Nghĩa là: giúp người, giúp đời nhưng chẳng màng tới lợi, danh, hay phước báo=tâm thực sự bố thí, tâm thực sự cúng dường.
Cúng dường (bố thí) có hai đối tượng: bậc xuất gia (các Tu sĩ) hay những người tại gia (người nghèo khó, cô đơn, côi cút, tật bệnh…). Hình thức: Tài (tiền, của) hay Vật (thuốc men, đồ dùng sinh hoạt, quần áo, tư trang, thiết bị…). Đối tượng và hình thức cúng dường tuỳ thuộc vào khả năng, tâm lượng của bạn đến đâu mà hoan hỉ làm=được nhiều lợi ích. Ngược lại chỉ là một chút phước báu, lợi lạc không đáng kể.
Việc in, ấn tống kinh sách cũng tương tự: Phải thực sự xuất phát từ tâm hoằng pháp, độ sanh của chính mình. Phật nói: Người nào phát tâm biên chép kinh điển, trì tụng, hay vì người diễn nói đều được những lợi ích không thể nghĩ bàn. Điều đó cho thấy công đức của việc ấn tống kinh sách là vô cùng lớn. Tuy nhiên, khi phát tâm ấn tống kinh sách bạn cũng nên tìm hiểu thật kỹ lưỡng: những kinh, sách nào thực sự cần thiết và mang lợi lạc cho nhu cầu tu học của mọi người. Tránh việc nhiều chùa, Thiền Viện; Niệm Phật đường, nhiều đối tượng không có nhu cầu; không tin tưởng vào những kinh sách bạn muốn ấn tống, nhưng mình vẫn cứ miễn cưỡng ấn tống những kinh sách đó cho thật nhiều, rồi mang tới cúng dường tại cách chùa, thiền viện đã quá dư thừa kinh sách, hay mang tặng cho những đối tượng không quan tâm tới Phật pháp=việc làm của mình không mang lại sự lợi lạc thiết thực cho chúng sanh.
Về ăn chay nữa huynh ạ có bắt buộc không ạ?
Ăn chay là thực tập và làm sanh trưởng lòng từ bi đối với chúng sanh muôn loài. Do vậy việc ăn chay phải xuất phát từ chính tâm từ bi của bạn. Nếu chỉ vì một lý do bất khả kháng mà buộc mình phải ăn chay, tất việc ăn chay đó không có lợi ích. Nếu bạn chưa bao giờ ăn chay, hay muốn phát tâm ăn chay, bạn cũng nên tìm hiểu thật thấu đáo về ý nghĩa của việc mình sẽ làm. Nhân đây Thiện Nhân kể bạn nghe câu chuyện có thật, xảy ra nơi đạo tràng TN thường đến tu học:
Có một vị Phật tử, vì có người thân mới qua đời, có lẽ vì trong lòng quá thương, nhớ, quá đau xót nên đã lập nguyện: ăn chay trường trong vòng 49 ngày. Mấy ngày đầu đều êm ả trôi qua, nhưng những ngày kế tiếp, vì công việc; vì những ràng buộc trong sinh hoạt gia đình, và vì ăn chay khó quá, nên việc ăn chay đã bị ách tắc. Nghĩa là: bữa ăn chay, bữa ăn mặn. Và dần dần những bữa ăn mặn đã lấn át những bữa chay. Vị Phật tử này đã hỏi một chư Tăng: Bạch Thầy! Con làm thế có phải đã thất nguyện không? Liệu con có bị tội thất hứa không? Con có được ăn chay „trả góp“ không?
Một vị Phật tử khác cũng do người thân mới qua đời, nên đã phát nguyện: Tụng Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện và ăn chay trường 49 ngày. Nhưng cũng chỉ được ít ngày sau thì việc tụng kinh và ăn chay cũng không giữ được theo đúng lời nguyện. Vị này cũng hỏi: Liệu con có được tụng kinh „trả góp“ không? Nghĩa là: tụng bộ kinh này không phải trong vòng 7 tuần liên tục, mà là tụng „góp“ cho đến khi nào đủ 49 ngày thì thôi.
Thoạt nghe ngỡ tưởng chuyện vui đùa, nhưng đây là sự thật. Nguyên nhân: Xuất phát điểm đã có sự lầm lạc. vì thế dẫn đến thoái chuyển lời nguyện do chính mình đặt ra.
Đây là điều bạn phải nên cân nhắc và nên tránh.
Một vấn đề nữa thật xấu hổ khi là người học Phật là Vy vẫn sợ chết nên thường sợ ma quá…
Là con người ai cũng ham sống, sợ chết cả chứ chẳng riêng gì bạn. Thiện Nhân cũng sợ chết lắm. Vì sợ chết nên phải ráng hàng ngày, hàng giờ… ráng nhiếp tâm mọi nơi, mọi chốn để niệm Phật và nguyện cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Tuy nhiên khi chúng ta học Phật pháp, hiểu rõ cội nguồn nhân-quả, hiểu được con đường sanh-tử luân hồi và đời là vô thường… thì chúng ta phải tỉnh giác, dũng mãnh và tinh tấn để chuẩn bị cho mình một hành trang trước khi trả báo thân. Hành trang của chúng ta – những người niệm Phật là gì? Đó là Tín-Nguyện-Hạnh. Tín=Tin sâu; Nguyện=Nguyện tha thiết; Hạnh=thực tâm hành. Chỉ có Tín-Nguyện-Hành mới có thể giúp chúng ta không còn phải sợ chết. Trái lại là hoan hỉ „chết“, nghĩa là: hoan hỉ xả bỏ cái báo thân giả tạm này để vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Tây Phương Cực Lạc là gì? Là không có sự già-chết; không có sanh-tử luân hồi; là thọ mạng vô lượng…
Do vậy niệm Phật, niệm niệm nhớ Phật chẳng phải gì khác ngoài việc chúng ta đang tự hộ niệm cho chính mình để được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.
Mong bạn luôn giữ chánh tín và thực hành đúng theo niềm tin chân chánh đó.
Thiện Nhân
Bài bạn nên tham khảo:
Nếu mình thương mình thì hãy nên lập hạnh niệm Phật
Tín-Nguyện-Hạnh và cách thức niệm Phật
A DI ĐÀ PHẬT!Con xin kính chào Thầy Thiện Nhân, con xin hỏi Thầy một việc sau: Nếu trước đây con và một người có tình cảm với nhau, sau đó người ấy bị bệnh phải đi điều trị nhưng không nói cho con biết. Con tưởng người ấy không yêu con nữa nên con đã yêu người khác. Lúc gần mất người ấy có gọi điện cho con nhưng con không gặp vì không biết bệnh tình và con có người yêu rồi. Hôm qua người ấy mất rồi người nhà có báo cho con và bây giờ con mới biết người ấy vẫn rất yêu và nhớ con. Xin Thầy cho con biết con có nên đến viếng không hoặc con phải làm thế nào ạ? Con xin cảm ơn Thầy rất nhiều!
A Di Đà Phật
Gửi bạn Phan Bích Ngọc,
Nhân gian có câu:
Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên đối diện bất tương phùng
Ngụ ý câu này là: Nếu bạn và người ấy có duyên nợ với nhau, dẫu cách xa, khó khăn, trắc trở ngàn dặm, vẫn có thể đến với nhau; ngược lại, dẫu thường gặp nhau, đối diện nhau, nhưng cả hai vẫn ở hai khoảng trời cách biệt.
Câu chuyện của bạn thật thương tâm và cảm động. Cuộc đời luôn có những điều người ta không thể dự đoán hết được. Nhiều khi chỉ vì cái Tôi, cái Ta quá lớn đã khiến chúng ta bước đi những những bước sai lầm và đến khi tỉnh ngộ, mọi chuyện đã quá muộn màng…
Người bạn trai của bạn có lẽ vì quá thương, yêu bạn nên đã không muốn bạn phải chia sẻ, gánh chịu những nỗi đau khi biết bạn trai mình mắc bệnh hiểm nghèo. Ở góc độ nào đó được hiểu là hành vi rất cao thượng; tuy nhiên nếu hiểu vấn đề sâu xa một chút, thì sự im lặng chia tay của người bạn trai sẽ chỉ khiến cho mình thêm đau khổ, nếu không nói là nội tâm đang luôn rất giằng xé. Điều này cho thấy khi anh chuẩn bị mất, vẫn còn muốn thông báo cho bạn biết sự thật về sự xa cách mà anh đã tự chọn.
Giá như ngày ấy, người bạn trai dũng mãnh nói sự thật với bạn; và bạn ráng nén lòng để tìm hiểu thật thấu đáo sự việc… có lẽ mọi chuyện không đến nỗi khó xử như hiện nay. Nhưng mọi chuyện đã là quá khứ. Điều bạn nên đối diện hiện tại là: Người bạn trai vốn rất yên bạn đã qua đời. Người Việt mình có câu: Nghĩa tử là nghĩa tận! Hãy giả như người bạn trai ấy đã tìm cách hất hủi, hay phản bội, hay làm nhiều nhiều chuyện khác nữa khiến bạn phải đau lòng, hay sanh tâm thù hận… Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại: Người bạn trai ấy rất yêu, thương bạn và vì không muốn bạn phải phiền não, đau lòng, nên đã tự ý chia tay. Nay người bạn ấy đã qua đời, theo Thiện Nhân nghĩ, mọi chuyện buồn-vui-thương-hận… cũng nên khép lại. Điều Thiện Nhân lo ngại là trước lúc ra đi, người bạn đó đã khởi niệm muốn gặp lại bạn, nhưng bạn đã không có mặt. Một niệm tham ái khởi lên trong lúc người bạn trai xả báo thân, sẽ khiến cho người bạn trai khó có thể ra đi một cách hoan hỉ.
Điều bạn nên làm và phải thực tâm làm là hãy nên âm thầm sám hối tất cả những suy nghĩ, hành động, lời nói sai lầm về người bạn trai vừa qua đời của mình; thứ nữa: bạn hãy dũng cảm đến thăm, và tham dự đám tang cũng như chia sẻ những mất mát với gia đình của người bạn trai. Sự hiện diện của bạn giống như một lời chia tay; một hành vi sám hối. Quan trọng: bạn đừng để cho tình cảm riêng tư của quá khứ trỗi dậy. Bởi, chỉ một tiếng khóc của bạn bật lên thôi, sẽ khiến cho người bạn trai thật khó siêu sanh về cõi lành.
Về phần bạn, nếu có thể khuyên nhủ được gia đình người bạn trai, hãy thỉnh chư Tăng có đạo hạnh làm lễ cầu siêu cho người bạn trai vừa qua đời. Kế đó người nhà nên ăn chay trường trong 49 ngày và thực hiện các việc phước thiện: phóng sanh, cúng dường Tam Bảo, ấn tống kinh sách, băng, đĩa Phật pháp… rồi toàn tâm, toàn ý hồi hướng tất thảy những công đức đó cho người bạn vừa qua đời. Bản thân bạn, nếu thực sự quan tâm và thương người bạn trai xấu số, bạn hãy thực hiện theo những điều TN nói trên, rồi cũng âm thầm hồi hướng công đức cho người bạn trai này.
Hết sức quan trọng: Mọi hành vi động niệm (suy nghĩ và hành động) của bạn lúc này không được khơi lại những chuyện luyến ái của quá khứ giữa hai người, bởi khi những chuyện đó khởi lên sẽ khiến tâm người bạn trai đắm chìm trong những niệm luyến ái đó, từ đó sẽ khiến người bạn trai không chịu buông thân mạng đã mất của mình, cũng vì thế mà đánh mất đi cơ hội siêu sanh về cõi an lạc.
Nếu bạn có thể vì người bạn trai mà phát nguyện, bạn ráng ăn chay trường 49 ngày, hàng ngày tụng kinh A Di Đà và niệm Phật. Bạn cũng nên âm thầm khuyến bảo người bạn trai: vạn duyên buông xuống, nhất tâm niệm Phật, nguyện cầu vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ. Chỉ còn cách đó, may ra mới có thể giúp cho người bạn trai ra đi được an lạc; bản thân bạn cũng sẽ vợi đi phần nào những trách cứ, dằn vặt, phiền não trong tâm.
Cuộc đời của con người, của chúng ta là như vậy: Sanh, lão, bệnh, tử; là vô thường… Thiện Nhân hy vọng qua sự việc này bạn sẽ có đủ tĩnh tâm để suy nghĩ lại những chặng đường mình đã qua, từ đó rút ra cho mình một bài học: Đời là bể khổ! Muốn vượt ra khỏi bể khổ ấy chỉ còn cách: Nhất tâm niệm Phật và hồi hướng công đức nguyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.
Thiện Nhân cùng các Đạo hữu nguyện hồi hướng công đức mong bạn hoá giải được tất thảy những chuyện khúc mắc, phiền muộn trong tâm, từ đó sáng suốt giúp cho người bạn trai vừa qua đời được siêu sanh về miền Cực Lạc.
A Di Đà Phật
Thiện Nhân
Bài bạn nên tham khảo:
Nếu mình thương mình thì hãy lập nguyện niệm Phật
Tín-Nguyện-Hạnh và cách thức niệm Phật
49 ngày sau khi chết gia quyến nên làm gì?
Con xin vô cùng cảm ơn Thầy Thiện Nhân và các Thầy Đạo Hữu đã chỉ dẫn cho con.
A DI ĐÀ PHẬT!
Kính gửi huynh Thiện Nhân, Vy xin cảm ơn chân thành nhất đến huynh đã chia sẻ và giúp Vy khai mở đuợc nhiều điều quan trọng và rất ý nghĩa với Vy.
Xin chúc huynh cùng tất cả các bạn Đạo Hữu có nhiều sức khỏe và luôn tinh tấn ạ.
A DI ĐÀ PHẬT!
A Di Đà Phật
Con là một phật tử tại gia, con co một anh làm cùng cơ quan nhưng chỉ biết nhau được hai tháng, cách đây mấy ngày anh ấy bị đột tử qua đời làm con cam thấy đau đớn vô cùng. Xin thầy cho con một lời khuyên rằng con phải làm gì cho anh ấy. A Di Đà Phật.
A di đà phật.
Thưa thầy TN.Cha của con qua đời cách đây ít ngày do lâm bệnh hiểm nghèo,gia đình con vô cùng đau xót và bối rối,bản thân con là con trai đã có vợ con nhưng đôi khi nhớ đến bố và những kỷ niệm thì đôi dòng nước mắt con cứ trực tuôn ra.Có những lúc con bật khóc như một đứa trẻ,cũng có lúc con cố gắng kìm nén cảm xúc trong lòng mặc cho dòng lệ cứ tuôn rơi.Sinh thời cha và gia đình con có thể nói là vô tri vô sách,thấy sao làm vậy,nghĩ sao làm thế chứ không hướng về đâu cả.Nay cha con qua đời vì muốn cha được siêu thoát về với cõi phật thì gia đình con có mời thầy trên chùa đến khâm niệm cho cha và mời hội phật tử đến làm lễ tang cho cha.Và họ có dặn sau ngày thứ 3 đến 49 ngày sau khi mất phải cúng cơm chay cho cha và gia đình không được sát sinh.Bản thân con nghĩ cứ sau 7 ngày con sẽ lên chùa để tìm đến sự thanh tịnh và nguyện ăn chay trong ngày hôm đó để giúp cha con có thể siêu thoát.Vậy con làm như vậy có được không hay như thầy nói ăn chay thì ít ăn mặn thì nhiều là không tốt?
A Di Đà Phật
Gửi bạn Đinh Đức Tần,
Điều trước nhất Thiện Nhân cùng các Đạo hữu của ĐVCT xin thành tâm chia sẻ nỗi đau trong bạn. Nếu có thể khóc bạn hãy khóc một lần cho thật lớn rồi thôi, bởi những giọt nước mắt trôi đi sẽ khiến lòng bạn nhẹ đi phần nào đau đớn.
Cuộc đời của con người vốn dĩ là vậy bạn ạ. Phật nói: Con người có 8 nỗi khổ lớn: sanh, lão, bệnh, tử là khổ; yêu thương mà phải xa lìa là khổ; mong cầu không toại nguyện là khổ; thù-ghét nhau mà phải chung sống, phải đối mặt là khổ và cái khổ sau chót là cội gốc của 7 thứ khổ trên đó là: ngũ ấm xí thạnh khổ: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. 5 thứ sắc này hợp nên thân xác vật lý của chúng ta, vì thế nếu một trong 5 thứ này suy, hay thịnh=thân của chúng ta không được bình an.
Ví thử:Sắc thạnh : Nếu chúng ta quá để ý đến hình dáng, diện mạo, hay quá chăm chút cho nó… khiến chúng ta phải bận rộn, phải nhọc lòng, nhọc sức=khổ; Thọ thạnh : Nếu chúng ta quá thương, quá xúc cảm về một điều gì đó sẽ khiến chúng ta phải suy nhược thân thể=khổ; Tưởng thạnh : Nếu chúng ta luôn tơ tưởng, hoài niệm, ước vọng nhiều quá=khổ; Hành thạnh : Nếu chúng ta luôn luôn mải mê nghĩ mưu, tìm kế (tổn người, hại vật) hay cho dù là kế mưu sinh (không biết đủ)=luôn bất an=khổ; Thức thạnh : Nếu chúng ta luôn khởi tâm phân biệt, chấp trước (đúng-sai, phải-quấy, giàu-nghèo; sang-hèn; thiện-ác…) tất tâm sẽ sanh phiền não=khổ.
Thiện Nhân khái lược 8 cái khổ chính của một kiếp người để bạn thấy: Chúng ta sanh ra trong cõi đời này là chúng ta đã chấp nhận, phải chấp nhận và chịu đón nhận những nỗi khổ đó rồi, chẳng phải tới khi chết, mới biết đó là khổ bạn ạ. Chính vì thế nên Phật mới gọi cõi này là cõi Kham Nhẫn, nghĩa là chất chồng những nỗi khổ đau, nhưng con người chúng ta vẫn phải chịu đựng, nhưng nhờ sự giác ngộ (tìm đạo, giác ngộ) mà tu hành để tiến tới thoát khỏi cõi đời đầy đau khổ này.
Sinh thời cha và gia đình con có thể nói là vô tri vô sách, thấy sao làm vậy, nghĩ sao làm thế chứ không hướng về đâu cả.
Đây quả là điều đáng tiếc. Nhưng bạn cũng không nên vì đó mà quá đau buồn và thất vọng, bởi khi nói tới Phật pháp thì phải nói tới nhân-duyên và Nhân-Quả. Có thể lắm vì nhân duyên chưa đến với gia đình bạn, vì thế gia đình bạn chưa đến được với Phật pháp. Nay người bố yêu thương của bạn đã qua đời – nhờ sự mất mát này mà bạn đã lắng lòng để nghĩ về chặng đường gia đình bạn đã đi qua và chợt bừng tỉnh: thì ra cuộc đời vần xoay với chuyện cơm-áo-gạo-tiền-danh-lợi… rốt cuộc khi nhắm mắt, lìa đời – những thứ ấy cũng chỉ là hư vô. Sự lắng lòng, sự bừng tỉnh trong bạn, trong đạo Phật gọi đó là sự: Hồi Đầu! Nghĩa là bạn đã dần hiểu được: cuộc đời có sanh ắt có tử; có tử, ắt có sanh. Sanh-sanh, diệt-diệt mãi mãi không ngưng nghỉ. Quan trọng là: trong sự sanh-diệt ấy chúng ta có biết nắm lấy cơ hội để thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn đó?
Hôm nay bạn đến được với Đạo tràng Tịnh Độ (ĐVCT) cũng kể như một nhân duyên lớn lắm đã đến với bạn, TN hy vọng bạn sẽ biết nắm bắt cơ hội này để tự chuyển hoá tâm mình, học đạo, tu đạo để trước là tự độ (giúp) mình, kế đến là độ những người thân trong gia đình cũng giác ngộ, cùng được giải thoát.
Nay cha con qua đời vì muốn cha được siêu thoát về với cõi phật thì gia đình con có mời thầy trên chùa đến khâm niệm cho cha và mời hội phật tử đến làm lễ tang cho cha. Và họ có dặn sau ngày thứ 3 đến 49 ngày sau khi mất phải cúng cơm chay cho cha và gia đình không được sát sinh.
Gia đình bạn đã hành động rất sáng suốt. Đây là điều không phải gia đình nào cũng làm được. Các Chư Tăng dặn dò gia đình bạn là rất đúng. Bởi người mới qua đời, trong vòng 49 ngày mới chỉ mất đi cái thân vật lý, còn thần thức (còn gọi là thân trung ấm) vẫn tồn tại và vẫn có những sự nhận biết như người đang sống. Tuy nhiên vì tần số âm-dương không trùng nhau, nên người sống không thể phân biệt, hay nhận biết rõ rệt những hành vi, lời nói… của người vừa qua đời. Do vậy lời dặn dò của Chư Tăng gia đình bạn hãy ráng quyết tâm giữ và làm theo cho chọn. Tại sao không được sát sanh? Bởi người vừa qua đời, những nghiệp cũ của người thân chưa kịp trả, nay lại do những người còn sống sát sanh, hại vật để cúng, tế cho người vừa mất, làm như thế, nghiệp cũ chưa kịp trả, nghiệp mới đã chất chồng=khó sanh về cõi lành. Do vậy thay vì gia đình bạn sát sanh, hại vật, nay trong vòng 49 ngày, nên phóng sanh, cúng dường chư Tăng, hay cúng dường Tam Bảo; in ấn tống kinh sách, băng đĩa Phật pháp… tất cả những phước thiện này gia đình bạn thành tâm hồi hướng cho người cha vừa qua đời, TN nghĩ làm được như thế, cơ hội siêu sanh về cõi lành của bố bạn sẽ có nhiều hy vọng.
Bản thân con nghĩ cứ sau 7 ngày con sẽ lên chùa để tìm đến sự thanh tịnh và nguyện ăn chay trong ngày hôm đó để giúp cha con có thể siêu thoát.
Ăn chay là tuỳ duyên và phải khởi lên từ tấm lòng từ bi của chính bạn thì việc ăn chay mới thực sự có ý nghĩa và mới mang lại kết quả tốt đẹp. Ngược lại, nếu vì một lý do, hay sự kiện nào đó mà mình buộc phải ăn chay, TN nghĩ làm thế sẽ chẳng được lợi lạc. Nếu bạn thực sự thương bố mình, mong bố mình được siêu sanh về cõi lành, bạn hãy nên đối trước Tam Bảo, đối trước chư Phật mà phát nguyện ăn chay. Khi đã phát nguyện rồi thì cứ thế âm thầm mà làm, chẳng phải hỏi han thêm, chẳng phải suy tính, hay quay đông, trở tây làm gì cho mệt.
Một ý nhỏ rất quan trọng TN muốn nhắn nhủ bạn: Sự thanh tịnh trong tâm bạn chẳng phải lên chùa mới có, mới thấy thanh tịnh. Nếu bạn nghĩ: cứ phải lên chùa, tâm mới thanh tịnh, thì bạn sẽ kẹt lắm. Bởi một tuần bạn lên 1 ngày=1 ngày thanh tịnh; 6 ngày khác sẽ ra sao? Cứ vậy mà suy ra: 1 tháng=4 ngày thanh tịnh; 1 năm 48 ngày thanh tịnh. 360/48 ngày, liệu bạn có bao ngày sống trong điên đảo, vọng tưởng? Do vậy, TN nghĩ, việc bố bạn qua đời là một nhân-duyên để bạn đến được với Phật pháp, bạn hãy biết chân quý nhân duyên này để dũng mãnh rũ bỏ tất cả những kiến chấp, những vọng tưởng, đua chen, tham chấp của đời thường, thế vào đó là tìm đạo, tu đạo để chuyển hoá dần dần nội tâm của mình. Biến nội tâm tâm từ tham-sân-si, ngã mạn, phân biệt, chấp trước… thành tâm từ bi, hỉ xả và thanh tịnh. Phật nói: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh=Thanh Tịnh, nhưng vì sự mê chấp (vô minh) nên phải tu đạo thì mới thắp sáng được tự tánh Phật đó, rồi nhờ đó mà giác ngộ và giải thoát.
Như vậy, muốn được thanh tịnh, bạn phải thực sự dấn thân và dũng mãnh dấn thân; phải thực sự có tâm cầu đạo và tu đạo, bằng không, khi những chuyện tang gia, bối rối nguôi ngoai, bạn sẽ lại trở về đúng con đường mà bạn và gia đình bạn đã, và đang đi.
Đời người là vô thường. Sao gọi là vô thường? Hôm nay còn khoẻ, mai đã sanh bệnh; hôm nay còn giàu có, mai đã phá sản; hôm nay còn trai tráng, mỹ miều, mai, mốt đã trở nên tàn tạ, héo úa… Làm gì để khắc chế sự vô thường đó? Chỉ còn con đường Tu theo Đạo Phật-Niệm Phật-Nguyện cầu vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ. Về được nơi ấy bạn, tôi, chúng ta mới có cơ hội để thoát được sự vô thường luôn rình rập và xô đẩy chúng ta vào con đường sanh tử luân hồi.
Thiện Nhân cùng các Đạo hữu nguyện cầu hồng ân Tam Bảo, nguyện cầu đức Phật A Đi Đà từ bi gia hộ để hương linh của bố bạn được siêu sanh về miền Cực Lạc.
TN ghi tặng bạn 4 câu trong Kinh Nhân Quả 3 Đời để bạn cùng suy ngẫm:
Muốn biết nhân đời trước
Xem sự hưởng đời này.
Muốn biết quả đời sau
Xem việc làm kiếp này.
A Di Đà Phật
Thiện Nhân
TB. Thiện Nhân cũng như bạn, cũng đang học hỏi và tu đạo chứ không phải Tu sĩ. Bạn cứ hoan hỉ chia sẻ như tình đồng đạo, đừng gọi TN là Thầy mà TN tổn phước nhé.
A Di Đà Phật
Gửi bạn Diệu Như,
Tấm lòng của bạn đối với người đồng nghiệp khiến TN thực sự cảm động, đó chính là tình đồng đạo bạn ạ. Để hồi hướng cho người mới qua đời có nhiều cách: Tụng kinh A Di Đà; Niệm Phật; phóng sanh; Cúng dường Chư Tăng hay Tam Bảo; Ấn tống kinh sách… Tuỳ theo khả năng và tấm lòng Từ của bạn mà bạn chọn cho mình một phương cách sao cho thích hợp.
Đời vốn lẽ là vậy. Còn sống bên nhau nhiều khi chúng ta mải mê, tham đắm trong ham muốn thường nhật, vì thế mà vô tình quên lãng, hàng ngày, hàng giờ chúng có thể làm được nhiều điều phước thiện cho nhau… để rồi nhiều người, nhiều khi, tới lúc người bên cạnh mình mất đi, lúc ấy hình như mọi người mới sực tỉnh và mới nghĩ tới chuyện làm một chút phước thiện cho người thân. Nhưng dầu sao đó cũng là một nhân duyên tốt để mọi người biết hồi đầu hướng thiện.
TN nghĩ bạn không ở trong số những người nói trên, bởi sự chân tình của bạn đã nói lên tất cả. Nếu bạn có điều kiện thì có thể phóng sanh, rồi hàng ngày trì kinh A Di Đà, niệm Phật, kế đó hồi hướng tất thảy công đức cho người đồng nghiệp của mình; kẹt hơn thì bạn chỉ cần hàng ngày niệm Phật rồi nguyện đem tất thảy công đức này hồi hướng cho người bạn. Sự thành tâm của bạn có thể cảm ứng tới Phật A Di Đà cùng chư Long Thần, Hộ pháp… cũng vì thế nhờ nương vào những công đức đó, người đồng nghiệp của bạn có thể tin theo, nguyện thiết và quyết tâm hành (niệm Phật)rồi nhờ đó mà sanh về cõi lành.
TN nguyện cầu hồng an Tam Bảo, Phật A Di Đà gia hộ giúp cho hương linh người đồng nghiệp của bạn được vãng sanh Cực Lạc Quốc.
A Di Đà Phật
Thiện Nhân
A Di Đà Phật.
Vâng xin cảm ơn người đã cho con hiểu về 8 nỗi khổ mà đời người phải gánh chịu,cảm ơn người đã chỉ ra con đường để cho con hướng Phật,cảm ơn người đã cho con những lời khuyên quý báu…Nhân tiện con xin hỏi người thêm một chuyện.Khi cha con lâm bệnh đột ngột và phải nằm trên giường bệnh suốt 1 tháng rưỡi hôn mê gần như là không biết gì nên chẳng có lời nhắn nhủ với con cháu cả.Vậy nên gia đình cũng không biết tâm nguyện cuối cùng của cha con nên có ý định muốn mời thầy đến để gọi vong cha con về gặp con cháu lần cuối.Vậy xin người hãy cho con 1 lời khuyên và nếu có làm thì làm vào thời điểm nào và có thể mời ai có thể làm được điều đó?(Nếu được thì người có thể cho con xin đích danh).Một lần nữa con xin cảm ơn người.
A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật
Gửi bạn Đinh Đức Tần,
Vậy nên gia đình cũng không biết tâm nguyện cuối cùng của cha con nên có ý định muốn mời thầy đến để gọi vong cha con về gặp con cháu lần cuối. Vậy xin người hãy cho con 1 lời khuyên và nếu có làm thì làm vào thời điểm nào và có thể mời ai có thể làm được điều đó?
Đây là điều thiệt thòi của người Việt mình, và có lẽ nó là văn hoá chung của người Việt: Khi còn sống rất sợ nói đến cái chết, cũng vì thế ít người nghĩ tới chuyện lập di chúc cho vợ, con, cháu… để khi mình qua đời, người thân căn cứ đó mà xử lý. Điều này cũng là một gánh nặng khiến cho người ở lại không biết trở xoay sao cho đúng đạo.
Trường hợp cha bạn có lẽ có nét tương đồng. Nếu TN khuyên bạn không nên làm việc đó bạn có tin theo và chấp nhận ý kiến không? Vấn đề TN muốn nêu ra để bạn tham khảo: Ai có thể giúp cho hồn của cha bạn trở về để nói những lời chăng chối với người thân trong gia đình bạn? Người tu theo đúng pháp của Phật nhất quyết không bao giờ làm điều đó, cho dù người đó cả đủ năng lực (thần thông) để giúp bạn, bởi làm vậy là nghịch đạo, làm náo loạn tâm thức người còn sống và người đã khuất. Do vậy nếu ai đó khuyên bạn, chỉ cho bạn một ai đó có thể làm việc đó, TN mong bạn hãy tỉnh giác: Chớ vì sự luyến ái nhất thời mà làm tổn hại đến người đã khuất, hơn thế sẽ khiến cho người còn sống phải khó xử, hay dằn vặt, nếu có những chuyện không như ý xảy ra.
TN xin kể một câu chuyện nhỏ về sự kiến chấp của một người bà vì không chịu buông bỏ vạn duyên, thân mạng đã mất của mình nên đã phải đầu thai lại để làm vợ người cháu ruột, để bạn tham khảo:
Thời vua Lương Võ Đế có Hòa Thượng Chí Công, vốn là một vị cao tăng đã đắc Ngũ nhãn Lục thông, tiền nhân hậu quả nhất nhất đều biết rõ ràng. Lần nọ, có một gia đình hào phú tổ chức tiệc cưới cho con và thỉnh Hòa Thượng Chí Công đến tụng kinh. Bấy giờ, Hòa Thượng vừa đặt chân đến ngạch cửa đã than rằng:
“Lạ lạ thay! Quái quái kỳ!
Đứa cháu cưới bà nội,
Heo dê ngồi bàn tiệc,
Quyến thuộc nấu trong nồi.
Con gái ăn thịt mẹ,
Con trai đánh da cha.
Khách khứa đến chúc mừng,
Ta thấy thật là khổ!”
Sự việc “cháu cưới bà ngoại” này, là vì trước khi bà ngoại qua đời, bà ta nói với mọi người: “Cháu của ta chẳng còn cha mẹ của nó, tương lai ai sẽ săn sóc cho nó? Vợ tương lai của nó có tốt với nó chăng? Tôi thật rất lo cho nó lắm!.”
Lúc đó bà ta nắm tay người cháu nói: “Cháu ơi! Bà không đành bỏ cháu ra đi, bà chết rồi, cũng không nhắm mắt”. Mắt không nhắm cũng vẫn chết, bà ta chết chẳng nhắm mắt. Đến trước mặt Vua Diêm Vương, còn muốn yêu cầu săn sóc cho cháu của bà ta, bà nói: “Cháu của tôi, tôi thấy chẳng có ai săn sóc cho nó, tôi thật lo cho nó!” Vua Diêm Vương nói: “Tốt lắm! vậy thì bà về săn sóc cho nó!” Do đó lập tức bà đi đầu thai; lớn lên rồi thì bà ta làm vợ người cháu. Do đó gọi là “cháu cưới bà ngoại”. Bà ngoại chẳng buông bỏ được người cháu, trở lại bèn làm vợ của người cháu, bạn thấy có phải là cổ cổ quái, quái quái cổ chăng? Hay là chẳng phải cổ cổ quái, quái quái cổ?
Ngài Chí Công tại sao biết được? Vì Ngài Chí Công có ngũ nhãn lục thông, khi Ngài vừa gặp cô dâu chú rể thì cô dâu vốn là bà ngoại, vì bà ta một niệm buông xả chẳng đặng, cho nên phải trở lại làm vợ của người cháu.
Thiền Sư Chí Công lại nhìn mọi người thì thấy có một cô gái cầm miếng thịt ăn, Ngài lại nói: “Con ăn thịt mẹ”. Miếng thịt mà cô con gái đang ăn, vốn là thịt của mẹ cô đầu thai làm dê, bây giớ con dê này bị giết, cô ta cầm thịt dê nầy lên ăn.
Ngài liền nhìn người đánh trống bèn nói: “Con đánh trống cha”. Da trống nầy chính là cha của anh ta đầu thai làm lừa, con lừa nầy bị giết, lấy da bịt làm trống.
Ngài lại nhìn vào các dãy bàn bèn nói: “Heo, dê ngồi vào bàn”. Những loài heo, dê này, kiếp trước bị họ ăn thịt, bây giờ đều tái sinh làm người, đều làm bà con, làm bạn bè với họ, cho nên đều đến nhà đó để dự hôn lễ.
“Lục thân nấu trong nồi”, thân tộc bên cha, thân tộc bên mẹ, thân tộc bên anh bên em, tất cả bạn bè, thân hữu trước kia ăn thịt heo, thịt dê, bây giờ đều biến thành heo, dê, lại bị họ giết bỏ vào nồi nấu.
Trong trao đổi trước TN có khuyên bạn: nếu muốn khóc, hãy khóc một lần cho thật lớn, rồi thôi. Tại sao TN khuyên vậy? Bởi tiếng khóc của bạn và những thân quyến trong gia đình cất lên thường xuyên sẽ thật nguy hiểm, nó sẽ khiến cho tâm của người vừa qua đời sanh ái luyến (thương vợ, con, cháu…) vì sự ái luyến này (rất có thể) người cha của bạn sẽ khó dứt lòng để mà niệm Phật, rồi tái sanh về cõi lành.
Câu chuyện người bà cưới cháu ruột nói trên cho bạn thấy sự ái luyến là nguyên nhân dẫn đến sanh tử luân hồi; sự thiếu hiểu biết của những người còn sống đối với người đã khuất: sát sanh, hại vật để cúng tế, vô tình đã tạo nên những ác nghiệp cho người vừa qua đời và cho chính bản thân mình. Để kết cục là: Cha-con; vợ-chồng; con-cháu; thân bằng quyến thuộc… ăn, nuốt, giết thịt lẫn nhau.
Liệu trong gia đình chúng ta có những chuyện tương tự xảy ra? Có đấy bạn ạ! Chỉ có điều chúng ta không có năng lực để nhìn nhận cõi vô hình nên cứ hoan hỉ để tiếp tục chém giết và ăn nuốt lẫn nhau. TN khẩn thiết hy vọng bạn và gia đình sẽ không vì một chút luyến ái nhất thời, mà vô tình tạo tai hoạ cho người cha vừa qua đời của mình. Do vậy theo TN nghĩ: bạn và gia đình thay vì đi tìm tâm nguyện của người đã khuất, hãy nên biến đó thành hành động thực tế: 49 ngày ăn chay trường; phóng sanh, tụng kinh, niệm Phật, làm tất cả những việc phước thiện có thể làm, rồi hồi hướng công đức ấy cho cha bạn. Kể cả sau này, trong những ngày giỗ, cũng đừng tìm cách sát sanh, hại vật. Được như thế, dẫu cho cha bạn có tâm nguyện gì chưa thoả, chưa kịp giãi bày hay chăng chối, khi thấy bạn và người thân nhất tâm vì mình mà làm việc phước thiện – nhờ nhân duyên đó, cha bạn sẽ nương vào con thuyền từ do chính người thân tạo cho, mà cha bạn hoan hỉ vãng sanh về cõi lành.
TN hy vọng những chia sẻ này có thể giúp bạn đôi điều để tham khảo, từ đó chọn cho mình một giải pháp sao cho người còn, kẻ mất không phải chịu những nghiệp báo bất thiện sau này. Mong các Đạo hữu khác cùng chia sẻ để Đức Tần hiểu sự việc thấu đáo hơn.
A Di Đà Phật
Thiện Nhân
A Di Đà Phật
Thưa thầy TN cho con xin hỏi một điều, bà ngoại con vừa mất cách đây mấy ngày, ngày còn sống bà con có tâm nguyện được chôn nhưng khi mất Bác trưởng lại quyết định đưa bà con đi hoả táng. Khi hoả táng xong người nhà ra nhận xương trước khi gắn keo đậy nắp tiểu, cho con hỏi là lúc đấy những người hợp tuổi bà có phải kiêng không nhìn xương không ạ, và trót nhìn rồi thì có sao không ạ!
A Di Đà Phật – Xin chào bạn Giang
Trong thời gian chờ đợi Huynh Thiện Nhân hồi âm thì VT nghĩ bạn có thể tham khảo trong phúc đáp mà VT trả lời đạo hữu Thiện Tánh có nói về vấn đề người chết nên thiêu hay nên chôn ở đây.
Chuyện cũng đã xong rồi, thiêu thì cũng đã thiêu rồi nên thiết nghĩ bây giờ không phải là lúc chọn lựa thiêu hay chôn. Ví như có một chiếc xe đã bị đụng hay đã hư cũ, không chạy được nữa, người tài xế đã rời khỏi chiếc xe đó thì việc quan trọng trước mắt là nên kiếm nhiều tiền để phụ giúp người tài xế có thể mua chiếc xe mới chạy tiếp và khuyên người tài xế hãy buông xả, đừng luyến tiếc chiếc xe cũ đó nữa. Chiếc xe cũ đó thì chôn hay thiêu cũng được.
Trong ví dụ trên thì thân xác giống như là chiếc xe, linh hồn là người tài xế còn tiền tượng trưng cho công đức, phước báo, do đó gia đình cần nên ăn chay, tụng kinh, niệm Phật và làm các việc thiện lành như phóng sanh, in kinh ấn tống…để hồi hướng cho người quá cố (trong thời gian 49 ngày là thời điểm quan trọng).
Nên đối trước bàn thờ, linh vị, phần mộ…mà khuyên vong linh xả bỏ vạn duyên, niệm Phật cầu sanh Tây Phương để lìa khổ được vui, thoát vòng sanh tử luân hồi. Bởi vì Biết Buông Xả Mới Có Thể Vãng Sanh còn nếu Không Chịu Buông Xả Không Thể Vãng Sanh như là Câu Chuyện Không Chịu Buông Xả Chết Thành Ngạ Quỷ.
Nên tìm cách giúp người mất được Vãng Sanh Tây Phương thì công đức vô lượng. Trong thời gian này người mất vẫn còn cơ hội để vãng sanh tuy là mong manh nhưng cũng chớ nên luống qua như trong bài Người Đã Mất Trong Vòng 49 Ngày Có Được Vãng Sanh?.
Còn về việc hợp hay không hợp tuổi không ảnh hưởng gì, nhìn xương hay không nhìn xương cũng không sao cả. Nếu ai nhìn xương mà có thể ngộ ra được Đời Là Vô Thường Hạnh Phúc Mong Manh để từ đó nổ lực tinh tấn tu hành, quyết tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương, thoát vòng sanh tử luân hồi, lìa khổ được vui, không còn bị vô thường chi phối là điều đáng quý.
Hy vọng vài lời chia sẻ trên sẽ giúp ích phần nào cho bạn để những việc làm của bạn và gia đình đều khiến cho kẻ còn người mất đều được lợi ích thiết thực. Nếu có thiếu sót gì thì rất mong huynh Thiện Nhân và các liên hữu khác trợ giúp bổ sung ý kiến đóng góp. VT cũng xin thành thật chia buồn cùng gia đình bạn và nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ để mọi người nương theo ánh sáng Phật Pháp mà tìm thấy hướng đi cho tương lai, ngưỡng mong tất cả đều được âm siêu dương thới, tốc xả mê đồ, siêu sanh Tịnh Độ.
Nam Mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật!
Kính gửi huynh Thiện Nhân và các đạo hữu ĐVCT, Hôm nay là 49 ngày người yêu Vy gia đình người yêu Vy vẫn mời thầy về gọi hồn bạn Vy lên. Đúng như huynh chia sẻ thật nguy hiểm gặp nhau thật là bịn rịn và quá khó chịu bao nhiêu cố gắng tĩnh tâm của Vy trong những ngày qua đến bây giờ mất hết trong lòng lại hỗn loạn quá. Không biết buổi gọi hồn hôm nay có đúng hay không đúng Vy xin chia sẻ lên đây để xin lời khuyên của các đạo hữu giúp Vy trong lúc rối loạn như này. Trong lúc bạn Vy về Vy có khuyên bạn Vy niệm Phật nhưng bạn Vy nhất quyết không nghe và bảo không làm được điều đấy Vy và mọi người đừng ép bạn Vy nữa.luc sống bạn Vy là người không tin vào phật pháp nhưng cũng không mê tín Vy cảm thấy mất hi vọng quá vì không biết khuyên bạn Vy như nào nữa. Gia đình có trêu là 1 thời gian nữa có ai tốt thì để Vy đi lấy chồng nhé thì bạn Vy nói nhất định là không cho Vy đi đâu cả không cho lấy chồng đâu Vy không sợ điều đấy mà cảm thấy sợ vì lo cho bạn cứ như vậy thì làm sao cod thể buông xả được đây. Vy có hỏi thì bạn Vy nói là đang ở cùng mẹ dưới đấy. Xin mọi người đưa ra lời khuyên giúp Vy vào lúc này Vy cần làm gì bây giờ để giúp người yêu mình.
Một chuyện nữa là mọi người cho Vy hỏi là hết thời gian thân trung ấm 49 ngày thì người mất sẽ đi về các cõi tương ứng với mình luôn hay là thời gian đấy không cố định mà là tùy vào từng trường hợp ạ.
Vy còn nhiều hạn chế trong hiểu biết và tinh thần bây giờ rất hỗn loạn xin huynh Thiện Nhân và các đạo hữu hoan hỉ giúp Vy ạ.
A Di Đà Phật
Gửi bạn Vy,
Trong hoạ có phước, trong phước có hoạ. Những gì mà TN dự báo nay đã xảy ra trong gia đình bạn trai vừa qua đời của Vy. Việc “gọi hồn” người bạn trai là điều quá tàn nhẫn đối với người đã khuất, điều này cho thấy người thân quá cố chấp, mê tín, không tin tưởng vào chánh Pháp. Từ những điều này đã tạo tai hoạ lớn cho cả người vừa qua đời và cả Vy cũng bị liên đới.
Hãy cho những gì người bạn vừa qua đời nói lên là sự thật thì những sự thật ấy đã nói lên điều gì?
– Đã tước đi những cơ hội giúp cho người bạn trai ý thức được về sự sống-chết, vô thường, từ đó mà thay đổi tâm thức, hoan hỉ chấp nhận nghiệp mạng của mình, rồi niệm Phật, cầu vãng sanh=được sanh về cõi lành.
– Thúc đẩy người bạn của Vy dũng mãnh hơn đi theo con đường lục đạo luân hồi, sống trong kiếp ngạ quỷ, không nơi nương tựa.
– Tiếp tục bám chấp vào cái thân đã mất của mình, không chịu rời đi nơi khác
– Nuôi tâm luyến ái và bám víu tâm ấy để vui sống trong kiếp ngạy quỷ.
Những gì gia đình bạn trai Vy đã làm chính là Hoạ, nhưng trong hoạ Vy đã nhận thấy rõ bản tâm Vy hoàn toàn mất chánh Tín, Chánh Niệm khi đối diện với “hồn” người bạn trai – đó chính là Phước của Vy. Tại sao gọi đó là Phước? Khi tâm Vy dấy khởi niệm thương, nhớ (niệm luyến ái)=Vy tự biết tâm mình chưa tịnh, vì chưa tịnh, nên còn chao đảo, nhưng Vy đã biết sám hối (khuyên người niệm Phật chính là sám hối, bởi giữ tâm mình trong chánh niệm) bằng cách: ráng khuyên người bạn niệm Phật=Vy đã thức tỉnh được tâm mình.
Trong lúc bạn Vy về Vy có khuyên bạn Vy niệm Phật nhưng bạn Vy nhất quyết không nghe và bảo không làm được điều đấy, Vy và mọi người đừng ép bạn Vy nữa.
Điều này hết sức bình thường, bởi thường ngày bạn Vy chưa từng niệm Phật, khi mất thân mạng, bạn Vy sẽ vô cùng hoảng hốt và sẽ tìm cách bấu víu vào bất cứ thứ gì để tạm thời “nương thân” nơi đó. Việc bạn Vy nhất quyết không chịu niệm Phật cho thấy chủng tử Phật trong người bạn trai này chưa xuất hiện (còn bị che lấp). Như vậy bạn của Vy đã tự chọn con đường đau khổ cho chính mình: sống đời ngạ quỷ, lang thang đây đó, thay vì niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Độ. Điều này cũng cho thấy, người nhà bạn trai Vy chưa thực tâm vì người thân của mình mà làm; thứ nữa, nghiệp báo đã dẫn dắt bạn trai Vy đi theo con đường không lành đó.
Gia đình có trêu là 1 thời gian nữa có ai tốt thì để Vy đi lấy chồng nhé thì bạn Vy nói nhất định là không cho Vy đi đâu cả không cho lấy chồng đâu Vy không sợ điều đấy mà cảm thấy sợ vì lo cho bạn cứ như vậy thì làm sao cod thể buông xả được đây
Lời nói bông đùa khi gọi “hồn” người bạn trai sẽ là một tai hoạ khiến cho người bạn trai dũng mãnh hơn, cố chấp hơn trong việc níu kéo mạng sống đã mất của mình; thứ nữa, người thân của bạn trai Vy đã tạo cái nghiệp rất lớn: đưa người thân của mình dấn thân vào kiếp ngạ quỷ; tạo thêm tâm than, sân, si, ngã mạn, chấp trước cho người bạn trai=người bạn trai tiếp tục sống trong tâm tham trước đó; đem chuyện sanh-tử ra làm trò đùa. Nếu người nhà bạn trai Vy kịp thời sám hối, TN nghĩ may ra còn chuyển được nghiệp.
Phần Vy, giữ được tâm không lo sợ khi biết bạn trai sẽ tiếp tục “bám” mình, đã khẳng định niềm tin của Vy với Phật pháp và pháp niệm Phật. Vy hãy ráng giữ chánh niệm đó trong mọi thời: đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, ăn, sinh hoạt, làm việc (mọi nơi, chốn, mọi thời khắc) để niệm Phật; Tiếp tục kết hợp cùng gia đình bạn trai làm những điều phước thiện như những gì TN đã trao đổi, rồi hồi hướng, khuyên bạn trai vạn duyên buông xuống, nhất tâm niệm Phật, nguyện vãng sanh cực Lạc.
Quan trọng: Vy không được khởi tâm luyến ái, bởi nếu khởi lên, người bạn trai sẽ có cơ hội để khuấy đảo, khiến Vy khó lòng chế phục tâm. Nếu tâm ái không được chế phục (mất chánh tín, chánh niệm) tâm ái âm-dương giao nhau=khó có thể hình dung chuyện gì sẽ xảy ra. Vì thế nhất cử, nhất động, Vy hãy ráng nhiếp tâm niệm Phật=Phật và Long thần Hộ pháp sẽ gia hộ, khiến người bạn trai không thể quấy phá được, từ đó sẽ dần dần chuyển hoá được người bạn trai…
Vy có hỏi thì bạn Vy nói là đang ở cùng mẹ dưới đấy. Xin mọi người đưa ra lời khuyên giúp Vy vào lúc này Vy cần làm gì bây giờ để giúp người yêu mình.
Điều này cho thấy mẹ bạn trai Vy cũng đang sống trong kiếp ngạ quỷ (chưa được siêu thoát). Vấn đề là liệu người nhà bạn trai Vy có ý thức được điều này? Điều Vy cần làm là: luôn niệm Phật.
Một chuyện nữa là mọi người cho Vy hỏi là hết thời gian thân trung ấm 49 ngày thì người mất sẽ đi về các cõi tương ứng với mình luôn hay là thời gian đấy không cố định mà là tùy vào từng trường hợp ạ.
49 ngày chỉ là tương đối, bởi còn tuỳ theo những nghiệp thiện-ác đã tạo tác (nghiệp quá khứ và hiện tại) mà người vừa qua đời hoặc có thể thọ sanh ngay trong những ngày đầu (tuần thứ 1) hoặc 2-3 tuần; và dài nhất là 7 tuần. Kế đó người có nhiều thiện nghiệp, nhưng không tu hành=sẽ theo thiện nghiệp mà thọ sanh về cõi lành (trời, người, a tu la); người nhiều ác nghiệp sẽ thọ sanh về cõi ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh); người tu hành, có thiện lực sẽ về cõi Thánh (cõi Phật).
Trường hợp bạn trai Vy có thể thấy bạn trai rất cố chấp, không chịu chấp nhận mình đã chết, không chịu niệm Phật, và hậu quả, sau 49 ngày, Vy có thể tự đoán biết rồi.
Điều Vy nên làm và phải ráng làm: luôn giữ Thân, Khẩu, Ý trong chánh niệm. Ý khởi Thiện=Khẩu nói thiện; Thân sẽ hành thiện. Ý đoan chánh (chẳng khởi tham ái, phân biệt, chấp trước…)=Khẩu đoan chánh tương ưng=Thân sẽ hành những việc đoan chánh. Đơn giản hơn: Ý luôn khởi niệm Phật=Khẩu phát ra lời niệm Phật=Thân sẽ hành theo lời Phật dạy.
TN tặng bạn câu này: Niệm Phật – Niệm Tâm – Tâm niệm Phật.
Vy hãy ráng khởi nghĩ: khổ nạn đầu đời là cái nhân-duyên tốt giúp Vy đến được với Phật pháp, nhờ đó mà biết được đời là bể khổ để tu học và xa lìa con đường khổ ải đó. Cầu chúc Vy sớm vượt qua mọi khổ nạn và có thể khuyến tấn gia đình và người bạn trai Vy cùng vượt qua khổ nạn để đến bờ giác ngộ.
A Di Đà Phật
TN
A Di Đà Phật!
Kính gửi sư huynh Thiện Nhân, Vy xin cảm ơn những chia sẻ quý báu của huynh dành cho Vy. Về gia đình người yêu Vy thì gia đình gần như sống vô minh nên để giải thích và khuyên gia đình là điều gần như không thể mặc dù Vy rất muốn gia đình cùng hợp tác để hồi hướng được cho ca bạn Vy và mẹ của bạn Vy. Về phần Vy nhiều lúc cũng không giữ được tâm mình vẫn khởi tâm luyến ái nên vẫn hay thường mơ thấy bạn mình lắm Vy sẽ cố gắng tĩnh tâm hơn nữa để thực hiện được như lời huynh chỉ bảo để có thể giúp được bạn mình hết khả năng mà Vy có thể lam được. Thời gian này Vy chưa thực sự bình tâm mong huynh luôn hoan hỉ chia sẻ mọi thắc mắc của Vy. Chúc huynh nhiều sức khỏe để có thể chia sẻ Phật pháp cứu giúp nhiều người đang mơ hồ như Vy ạ.
A Di Đà Phật
A Di Đà Phật
Gửi Vy thân mến,
Về gia đình người yêu Vy thì gia đình gần như sống vô minh nên để giải thích và khuyên gia đình là điều gần như không thể mặc dù Vy rất muốn gia đình cùng hợp tác để hồi hướng được cho ca bạn Vy và mẹ của bạn Vy
Điều này TN cũng nhận ra được trong trao đổi trước của Vy. Đây chính là trở ngại hay còn gọi là chướng duyên cho người phát tâm tu đạo. Trong trao đổi vừa rồi TN có nói: Trong Hoạ có Phước và Trong Phước Có Hoạ. Sự vô minh của gia đình bạn trai=Hoạ, nhưng nhờ Hoạ đó Vy có thể nhận biết được và có thể tránh để không bước theo con đường vô minh đó=Phước hay còn gọi: biến hoạ thành phước. Để thay đổi quan điểm sống một người trong cuộc sống đời thường đã là vô cùng khó; nhưng để thay đổi về tư duy đời sang đạo thì còn khó bội phần. Do vậy mọi chuyện Vy hãy tuỳ duyên. Phật pháp phải tuỳ duyên. Khi nhân duyên Phật pháp trong họ khởi lên, lúc đó Vy mới có cơ duyên để chuyển hay giúp họ giác ngộ để đi vào đạo. Việc Vy nên và cần làm: Cứ âm thầm tu, âm thầm làm những việc phước thiện, rồi hồi hướng công đức cho cả mẹ người bạn trai nữa, bởi bà cụ chắc cũng đang sống đau khổ lắm. Chỉ có điều không biết kêu ai thôi. Con cháu thì vô minh như thế, nên nỗi khổ đau sẽ phải tự mình gánh chịu.
Còn Trong Phước Có Hoạ? Người đang sống trong đầy đủ, sung túc, giàu sang, phú quý=sống trong Phước= vốn ít khi nghĩ đến và tin sâu Nhân-Quả. Tại sao? Bởi họ còn có nhiều phước quá; phước chưa hưởng thụ hết, làm sao có thể tin vào những chuyện viển vông khác? Vì lo hưởng phước mà không tạo phước; vì lo hưởng nên tạo nghiệp ác vô cùng tận mà không tính đếm=trong phước đang có Hoạ. Ai hiểu rõ điều này? Phật đã chỉ rõ cho chúng ta thấy; khi chúng ta thực tu, chúng ta cũng có thể tự thấy. Phước chỉ lo hưởng=phước tận. Khi tận=tai hoạ sẽ ập tới. Người luôn quán chiếu Nhân-Quả khi sống trong phước không tham luyến; khi hoạ ập tới liền biết cách hoá giải. Vy là người đang thực tập quán chiếu Nhân-Quả và hoá giải tai hoạ. Hãy dũng mãnh từng bước hoá giải nội tâm=thoát khỏi khổ nạn.
Về phần Vy nhiều lúc cũng không giữ được tâm mình vẫn khởi tâm luyến ái nên vẫn hay thường mơ thấy bạn mình lắm
Hết sức bình thường. Nếu trong lòng Vy không gợn một niệm luyến ái=tâm của Bồ tát rồi. Nhưng chúng ta phải thường quán chiếu: Luyến ái=nhân của sanh tử luân hồi. Biết đó là Nhân không lành mà mình vẫn vướng kẹt, vẫn muốn gây, tạo=Quả mình phải gánh chịu. Do vậy, muốn có quả lành, mình phải tạo Nhân lành. Chư Tổ thường nói: ông tu ông hưởng; bà tu bà hưởng; không ai có thể tu thế, hay tạo phước thay thế cho ai được. Mong rằng Vy nắm vững luật Nhân-Quả này.
Chuyện tu đạo là chuyện cả đời chứ không phải chuyện vài năm, vài tháng… Do vậy Vy hãy ráng củng cố Tín-Nguyện-Hạnh của chính mình. Chỉ khi Vy bước vào thực tu thì những oán nghiệp, chướng duyên mới dần dần được hoá giải. Trong thời gian này Vy hãy thường thực hành pháp Quán Tưởng-Niệm (nhìn ảnh Phật A Di Đà và niệm Hồng danh Ngài) để đẩy lui dần những luyến ái về hình ảnh người bạn đã mất. Làm vậy không có nghĩa mình tuyệt tình, tuyệt nghĩa với bạn; trái lại, mình muốn độ được người, mình phải độ chính mình trước đã. Mình hiểu đạo, thực tu đạo=mới có cơ hội để giúp bạn và người thân của mình thoát ra khỏi vòng quay nghiệt ngã của sanh, lão, bệnh, tử…
Nếu có điều cần chia sẻ hay vướng mắc trong tu hành, Vy cứ hoan hỉ trao đổi, TN và các Đạo hữu luôn sẵn lòng chia sẻ cùng bạn để mọi điều đều được thông tỏ. Chúc vạn sự an lạc và tinh tấn.
Thiện Nhân
A ĐI ĐÀ PHẬT!
Kính gửi huynh Thiện Nhân,Vy đã gửi 1 bài mà không hiểu sao lại không đăng lên được. Vy xin cảm ơn những chia sẻ của huynh rất nhiều nhà bạn Vy thì sống vô minh nên để khuyên người nhà bạn Vy thì gần như là không thể. Vy sẽ cố gắng tĩnh tâm, cố gắng thật nhiều hơn nữa theo những chia sẻ của huynh để hồi hướng giúp bạn Vy. Mong huynh luôn hoan hỷ với những khúc mắc của vy trong thời gian này ạ. Chúc huynh nhiều sức khỏe và luôn tinh tấn ạ.
A DI ĐÀ PHẬT!
A DI ĐÀ PHẬT!
Kính gửi huynh Thiện Nhân cùng các đạo hữu Vy đã nhận được hồi âm rồi ạ. Cảm ơn mọi người đã luôn chia sẻ và giúp đỡ Vy. Có điều gì khúc mắc Vy sẽ chia sẻ thêm sau ạ.
A DI ĐÀ PHẬT!
Con chào thầy Thiện Nhân
Con buon qua thay oi.
Con va chong lay nhau chua duoc 2nam thi chong con bi dot quy ma chet.Ra di ko mot loi tran troi.Trong khi do con dang mang thai duoc hon 4thang.
Chong con mat duoc 22 ngay roi ma con khong thay chong con ve.Vi con nge noi sau khi mo cua mả nguoi chet se ve nha.
Thay co the giai thich cho con biet duoc khong ạ.
Con xin cam on thay
A Di Đà Phật
Gửi bạn Bình Dung,
Thiện Nhân cùng các Đạo hữu thành tâm chia buồn cùng chị. Phật nói: Trong 8 nỗi khổ của đời người có nỗi khổ của Sanh Ly Tử Biệt, nghĩa là: người mình thương yêu nhất bỗng dưng bỏ mình để ra đi.
Như trong trao đổi với chị Nguyễn Thành (đọc tại đây) về nỗi đau khi liên tiếp chồng, cha đẻ và người anh trai của mình cùng ra đi. Hy vọng khi chị đọc những dòng trao đổi này, chị sẽ sớm tìm được giải pháp để giúp tâm mình nguôi đi phần đau đớn.
Điều quan trọng lớn nhất với chị hiện nay không phải làm làm cách nào để có thể gặp lại hồn của anh ấy. Bởi một người sau khi xả báo thân, tuỳ theo phước nghiệp của mình từ tiền kiếp và kiếp hiện tiền, mà có người khi vừa nhắm mắt đã có thể sanh về cõi lành: vãng sanh Cực Lạc, hay cõi trời, người (nếu người đó tích nhiều phước thiện), hoặc có thể đoạ sanh vào các cõi dữ: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh (nếu người đó tích nhiều phước bất thiện).
Do vậy theo giáo lý của Phật và chư Tổ dạy, Thiện Nhân nghĩ việc “mở cửa mả” chỉ là phong tục (suy nghĩ) của người đời, chứ thực tế không ai có thể giam, hay nhốt chồng chị trong mả, để rồi sau 2-3 tuần, khi được “mở cửa mả” thì chồng chị sẽ về nhà để tìm người thân. Đây là suy luận rất mê tín, mong chị phải bình tâm và tin nơi chánh pháp, kẻo sẽ bị những phong tục hủ lậu và mê tín làm cho tâm mình tới điên đảo.
Trở lại việc mà Thiện Nhân nói là quan trọng: Chuyện sanh-tử của chồng chị nay đã chấm dứt. Nghiệp-mạng của anh ấy đến nay là kết thúc. Chị có luyến thương, dằn vặt cũng không thể thay đổi sự thật đó. Về phần chị và gia đình hãy làm tất cả những việc phước thiện: Thỉnh Chư Tăng làm lễ cầu siêu; cúng dường Trai Tăng, cúng dường Tam bảo; phóng sanh, ấn tống băng đĩa Phật pháp (nếu cần thiết) và tại gia, hằng ngày nhất tâm tụng Kinh A Di Đà, niệm Phật và khuyên anh ấy cùng niệm Phật theo – Tất cả những việc công đức này thành tâm hồi hướng cho anh ấy và nguyện cho anh ấy được sanh về cõi an lành. Nương nhờ công đức này mà chồng chị dẫu đã được sanh về cõi lành cũng được hưởng thêm nhiều phần lợi lạc; hoặc ngược lại (chưa được siêu sanh) thì chồng chị cũng nương vào những từ lực của người thân gieo cho mà giác ngộ, rồi buông xả vạn duyên, nhất tâm niệm Phật để về cõi an lạc.
Về phần chị, hiện đang mang thai, do vậy mọi động thái (tâm đau đớn, buồn rầu, chán chường, thất vọng…) đều có tác động trực tiếp đến đứa trẻ. Vì vậy nếu chị thực sự thương chồng và muốn chồng được siêu thoát, hàng ngày ráng niệm Phật mọi nơi, mọi chốn và khuyên giải anh ấy cùng niệm Phật để sớm được siêu sanh. Phần nữa khi chị niệm Phật, chị cũng khuyên thai nhi cùng niệm Phật theo. Những từ lực từ hồng danh A Di Đà Phật sẽ khiến cho tâm chị được an thái và thai nhi cũng được thụ hưởng, và cũng nhờ đó mà đứa trẻ được lớn lên trong ánh sáng từ bi, trí tuệ của Phật pháp. Chắc chắn khi ra đời cháu sẽ thực sự là một đứa trẻ khoẻ mạnh, tinh anh và trí tuệ.
Thiện Nhân xin ghi lại lời dạy của Tổ Ấn Quang dạy các từ mẫu các chăm sóc, dạy dỗ con cái, mong bạn ráng đọc thật kỹ những lời dạy dỗ quý báu này, đúc kết làm hành trang cho cháu bé sau này:
Dạy con cái phải bắt đầu từ căn bản. Cái căn bản vừa nói đó chính là hiếu với cha mẹ, giúp đỡ mọi người, nhẫn nhục, tận tụy, lấy thân làm gương, lấy đức làm khuôn phép; như nung chảy vàng hay đồng, đổ vào khuôn. Khuôn ngay ngắn sẽ đúc ra vật ngay ngắn, khuôn méo mó sẽ đúc ra vật méo mó. Lớn – nhỏ, dày – mỏng, trước khi đổ khuôn đã có thể biết trước, huống gì lúc đã trút khỏi khuôn!
Gần đây con người đa phần chẳng biết điều này. Vì thế, những con em có thiên tư đa số là cuồng vọng, trái nghịch; những đứa không có thiên tư lại thành ra ương bướng, hèn tệ. Đó là do lúc nhỏ đánh mất khuôn phép, như vàng lỏng rót vào khuôn hư trở thành đồ hư hỏng. Cố nhiên vàng là một, nhưng đồ vật lại sai khác một trời một vực! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Thư trả lời cư sĩ X… ở Vĩnh Gia – 5)
* Khéo dạy dỗ con cái, khiến cho chúng nó đều là người hiền, mềm mỏng, nho nhã, [đấy mới] quả thật là kẻ giữ vẹn luân thường lớn lao! Bởi lẽ, con cái đã đều hiền thiện thì anh em trai, chị em gái, chị em dâu, con cháu đều nhìn theo nhau làm lành. Từ đấy [đời nào cũng] nối tiếp nhau là người hiền thì người hiền sẽ đông, kẻ xấu sẽ ít. [Do vậy] kẻ xấu cũng có thể bị cảm hóa trở thành người hiền, người lành. Nền tảng khiến cho thiên hạ thái bình, nhân dân yên vui đều nằm trong sự dạy dỗ con cái. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 1, Thư trả lời cư sĩ Thần Hiểu Viên)
* Nữ nhân khi sanh nở thường đau đớn chẳng kham nổi, [nếu] mấy ngày chưa sanh rất có thể bị mất mạng. Lại có người sanh xong bị băng huyết, đủ mọi nỗi nguy hiểm, và con cái mắc chứng kinh phong chậm hay gấp, đủ mọi nỗi nguy hiểm. Nếu nhằm lúc sắp sanh, hãy chí thành khẩn thiết niệm ra tiếng rõ ràng “nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát”, chớ nên niệm thầm trong tâm, bởi niệm thầm tâm lực nhỏ, nên cảm ứng cũng nhỏ. Lại do lúc ấy dùng sức đẩy đứa con ra, nếu thầm niệm thì rất có thể do bế khí mà thành bệnh.
Nếu chí thành khẩn thiết niệm, chắc chắn chẳng bị đau đớn, khó sanh và băng huyết sau khi sanh, đứa con mắc các chứng kinh phong v.v… Dẫu cho khó sanh đến tột bậc, người đã sắp chết, hãy nên dạy sản phụ ấy và những người chăm sóc chung quanh đều cùng niệm Quán Thế Âm ra tiếng, người nhà dẫu ở phòng khác cũng đều có thể niệm, chắc chắn công phu chưa đến một khắc liền được an nhiên sanh nở.
Ngoại đạo chẳng hiểu lý, chấp chết vào một pháp cung kính, chẳng biết căn cứ vào sự để luận lý, đến nỗi những bà cụ niệm Phật coi sanh nở là chuyện đáng sợ, dẫu là con gái ruột, con dâu [sanh nở] cũng chẳng dám nhìn đến, huống là dám dạy họ niệm Quán Âm ư? Phải biết Bồ Tát mang tâm cứu khổ, lúc sắp sanh tuy lõa lồ, bất tịnh, nhưng là chuyện không thể nào tránh được, chứ không phải là do cố ý luông tuồng, chẳng những [niệm Quán Âm khi ấy] không có tội lỗi gì, mà lại còn gieo được đại thiện căn cho cả mẹ lẫn con. Nghĩa này đức Phật dạy trong kinh Dược Sư, chứ không phải là ý kiến ức đoán của tôi, chẳng qua tôi chỉ đề xướng mà thôi! (Kinh Dược Sư nói về thệ nguyện công đức Phật Dược Sư, cho nên dạy niệm Phật Dược Sư. Nhưng danh hiệu Quán Âm ai nấy đều biết cho nên bất tất phải niệm Phật Dược Sư, cứ niệm Quán Âm cũng được). (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Một Lá Thơ Gởi Khắp)
Nữ nhân hễ cấn thai chớ nên nổi nóng. Hễ nổi nóng đùng đùng sẽ bị sẩy thai; cũng như tánh tình ngang ngược, hung dữ ấy sẽ truyền qua đứa con khiến cho tánh tình nó trở thành hung ác. Thêm nữa, khi cho con bú, ắt phải tâm bình khí hòa. Nếu nổi nóng đùng đùng, sữa liền biến thành chất độc. [Trẻ bú sữa ấy] nặng là chết ngay, nhẹ là nửa ngày hay một ngày sau mới chết, quyết chẳng có trường hợp nào không chết! Nếu hơi nổi đóa thì chất độc ít, tuy con chẳng chết cũng sẽ sanh bệnh. Vì thế, con cái của nữ nhân ưa nổi đóa bị chết nhiều lắm, bệnh tật nhiều lắm! Chính mình cho con bú hoặc mướn vú em cho con bú đều giống như nhau. Hễ nổi nóng đùng đùng, muôn vàn chớ nên cho trẻ bú, trong lúc ấy phải nên buông xuống. Đợi cho tâm bình khí hòa, qua nửa ngày rồi mới cho bú.
Lúc cho bú, trước hết phải vắt sữa ra chừng nửa chén trà đổ đi, lau chùi đầu vú rồi mới cho trẻ bú [thì trẻ] sẽ không bị họa ương gì. Nếu trong tâm vẫn nóng giận bừng bừng thì cả ngày hôm ấy cũng không được cho trẻ bú. Cho bú thì trẻ không chết cũng bị bệnh nặng! Chuyện này sách y học xưa nay đều chưa chỉ rõ. Gần đây, do từng trải, tôi mới biết mối họa này!
Nữ nhân từ nhỏ phải học tánh nhu hòa, khiêm tốn; sau này sanh con ắt nó dễ tính, ắt hiền lành, ắt chẳng bị chết, ắt chẳng đổ bệnh. Phàm con cái chết từ lúc bé hay bệnh tật quá nửa là do mẹ nổi nóng mà ra, chỉ có một số ít là do chính số mạng nó phải chết sớm. Thiên hạ xưa nay do sữa độc giết hại con trẻ, chẳng biết bao nhiêu Hằng hà sa số, chẳng đáng buồn ư? (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 2, Thư trả lời cư sĩ Trương Đức Điền – 1)
Thiện Nhân cùng các Đạo hữu cầu chúc bạn mau chóng tìm lại sự an lạc của tự tánh để và dũng mãnh bước vào con đường tu học pháp môn niệm Phật để có thể chuyển hoá mọi khổ đau của cuộc đời mà tiến tới giác ngộ và giải thoát.
Thiện Nhân
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính Bạch Thầy!
Con là phật tử tại gia và đã từng gắn bó với gia đình phật tử từ khi còn nhỏ cho đến hiện tại đã được 9 năm. Nhờ sự dẫn dắt tận tình của các Sư Thầy và các anh chị huynh trường trong mái nhà Lam nên con cũng am hiểu khá về Đạo Phật.
Cách đây đúng 49 ngày con va gia đình đã đối diện với nỗi đau mất mát người thân quá lớn. Tưởng chừng như không chấp nhận được sự thật. Thưa Thầy chuyện rằng em trai của con đã không may mất đi trong một tai nạn giao thông. Con đã từng xem qua nhiều kinh sách hướng dẫn hộ niệm khi người thân lâm chung rằng không được lay động thân thể người chết khi lâm chung vì sẽ sinh ra tính tham giận sân si, biết là thế nhưng nhìn gia đình đau đớn tột cùng đến ôm lay thân thể em trai khiến con cũng đau khổ mà rơi nước mắt không thể ngăn cản được người thân. Sau thời gian mất được vài tuần, gia đình con được biết rằng vong của thằng bé vẫn còn lang thang ở bệnh viện chứ chưa theo xác về nhà. Quá đau lòng, gia đình con có mời một vị Thầy Pháp ở miền Trung vào trong nam để làm lễ triệu hồn cho thằng bé tối hôm qua. Nhưng mãi đến 3 lần vẫn không được. Vì công việc và học tập nên con không thể về nhà thằng bé để tham gia buổi lễ cầu hồn. Nhưng ở trên này, con vẫn một mình hướng về Tôn Tượng Quán Âm và cửu huyền thất tổ để cầu siêu cho thằng bé trong đêm lúc 0h. Lạy Thầy dù con là một Phật tử đã gắn bó với mái chùa từ khi còn là mầm măng cho đến lúc trưởng thành nhưng vẫn không tránh được những hỷ nộ ái ố giữa đời thường. Hơn nữa con cũng được học khá nhiều về Phật pháp nhưng đến khi trong gia quyến có tang gia con vẫn không thể rút ra được một kinh nghiệm nhỏ nhoi nào cho mình. Khi lâm chung, con đã níu vấu thằng bé, khóc liên tục không thể kìm nén được, mặc dù Kinh Phật có khuyên răn người thân hãy bình tĩnh, không được khóc vì hồn người chết sẽ vì thế mà lưu luyến không vãng sanh được. Hiện tại con rất đau đớn vì không biết được vong hồn thằng bé đang lưu lạc ở đâu và làm cách nào cho thằng bé về nhà? Ngoài việc tụng kinh cầu siêu và Kinh Địa Tạng thì con còn nên tụng kinh gì nữa để giúp thằng bé được vãng sanh thưa Thầy? Đến ngày thứ bao nhiêu thì vong linh của thằng bé mới được vãng sanh hả Thầy?
Lạy Thầy khi con viết bài viết này trong lòng con rất hối lỗi, và xót xa với những sai lầm mà mình đã mắc phải. Con rất mong nhận được những chia sẽ và giúp đỡ của Thầy để con sửa sai và cứu độ cho vong linh em trai sớm vãng sanh về miền Tây Phương Cực Lạc. Kính mong Thầy hoan hỉ giúp con!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Dạ con muốn hỏi là cha con mất đã lâu rồi, giờ con muốn chép kinh phật để hồi hướng cho cha con thì con phải chép kinh gì? Hay là chỉ cần chép kinh nào cũng được. Mô phật xin chỉ dẫn cho con.
Con chào Thầy Thiện Nhân ,
Gia đình con quy y đã lâu , khi các cháu còn nhỏ , mỗi tháng ăn chay 4 ngày cả nhà rất vui vẻ . Đến khi các cháu lớn , đi học xa thì mọi cái đều bị phá vỡ , hiện tại chỉ còn 1 mình con ăn chay trường , các cháu và chồng con phản đối , vì chúng bảo gia đình không hạnh phúc vì con không chia sẻ được trong việc ăn uống với gia đình . Chồng con ngày xưa là 1 giáo viên dạy văn , bây giờ chuyển sang nuôi cá trên sông , con rất buồn nhưng không khuyên can được , ngày nay chồng con không còn như xưa nữa , uống rượu thường xuyên ,vợ chồng có 1 khoảng cách quá lớn ,con không chia sẻ được gì với gia đình được nữa , bây giờ con phải làm gì để thay đổi hoàn cảnh sống đây .Mỗi khi đổ nước thải xuống sông ,lòng con đau nhói , những khi xuất cá bán , con chỉ biết chạy ra bè cá niệm phóng sanh cho chúng và bất lực nhìn hàng tấn cá mang đi khắp nơi . Anh bảo đã cung cấp thực phẩm cho xã hội mà con còn phản đối . Xin cho con những lời khuyên để con có thể thay đổi được hoàn cảnh hiện tại . A DI ĐÀ PHẬT
A Di Đà Phật
Gửi chị Kim Chi,
Gia đình con quy y đã lâu , khi các cháu còn nhỏ , mỗi tháng ăn chay 4 ngày cả nhà rất vui vẻ. Đến khi các cháu lớn , đi học xa thì mọi cái đều bị phá vỡ , hiện tại chỉ còn 1 mình con ăn chay trường , các cháu và chồng con phản đối , vì chúng bảo gia đình không hạnh phúc vì con không chia sẻ được trong việc ăn uống với gia đình.
Đây là chuyện hết sức bình thường và phổ cập trong mỗi gia đình chị ạ. Rất có thể khi quy y Tam Bảo các cháu vẫn còn nhỏ, do vậy chưa có khái niệm gì về Tam Bảo và Trì Giới, nay đã trưởng thành, lại sống xa nhà, nên mỗi cháu có một quan niệm sống khác với bố mẹ. Có một điều chị đừng quá lo ngại, bởi chị đã làm được một việc rất quan trọng là đã gieo chủng tử Phật cho các cháu ngay từ khi con nhỏ, kết hợp việc ăn chay tháng 4 ngày, như thế các cháu dù ít, dù nhiều cũng đã có chút ít khái niệm về đạo Phật. Việc ăn chay hay ăn chay trường thực tế chưa nói lên điều gì cả chị ạ, bởi đó mới chỉ là bước đầu thực hành hạnh từ bi đối với chúng sanh muôn loài, còn điều quan trọng hơn cả phải là sự huân tu, trì giới hàng ngày của những thành viên trong gia đình.
Theo những dòng chia sẻ của chị, TN, đoán rất có thể lúc các cháu còn nhỏ, gia đình cũng không có sự huân tu (tu tập hàng ngày, giả sử: tụng kinh, niệm Phật, phóng sanh…) mà mới chỉ thực hành ăn chay kỳ và riêng chị thì ăn chay trường. Đây là điều vướng kẹt rất lớn không riêng gia đình chị, mà nhiều gia đình, khi có chồng, vợ, hay các con thực hành hạnh ăn chay, rồi trì giới, tu đạo… mọi người đều gặp phải sự chống đối, cản, ngăn, chê trách của người thân hay những người xung quanh. Điều này chị nên lấy đó làm mừng, bởi những người cản ngăn chị, họ chính là những Bồ tát đang thử thách, đang giúp chị thực hành 6 hạnh của Bồ tát: 6 hạnh đó là gì: Bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí huệ. Trong 6 hạnh, chị thấy hạnh Bố thí-trì giới-tinh tấn-nhẫn nhục xếp hàng đầu, kế đó mới đến thiền định, trí huệ. Tại sao lại như vậy? Bởi 4 hạnh đầu chính là nền tảng để tạo dựng định lực và trí huệ khi tu hành. Bố thí gồm bố thí tài vật và bố thí vô uý – mang lại sự bình yên, an lạc, hạnh phúc cho mọi người – hay còn gọi là bố thí pháp. Chị có thể bố thí pháp cho chồng, con không? Dĩ nhiên là có. Sự huân tu (bao gồm trì giới nghiêm minh; tinh tấn tu hành, nhẫn nhục trong mọi hành vi động niệm) thầm lặng hàng ngày của chị chính là một biểu pháp giúp cho chồng và các con chị nhìn thấy và từ đó cảm hoá mà noi theo. Sở dĩ họ chưa chấp nhận những việc làm của chị, chưa noi theo chị là do mình chưa thực sự đáng để họ phải học hỏi. Đức Phật dạy: Người thực tu đạo là người phải làm được những việc người khác không muốn làm, chịu đựng được những việc, những điều mà người khác vốn chẳng thể chịu đựng. Nếu chị thấy người thân bỏ ăn chay, phản đối chị ăn chay mà chị đã sanh lòng buồn nản rồi tạo nên sự khủng bố trong quan hệ, đối xử với chồng con, như thế là chị đã chấp nhận xuôi tay theo những tham kiến phàm tục, nói khác đi chị chưa thực sự dũng mãnh để thực hành các hạnh: bố thí-trì giới-tinh tấn-nhẫn nhục và đương nhiên tâm chưa thể sanh định, và huệ chưa thể khai mở.
Chồng con ngày xưa là 1 giáo viên dạy văn , bây giờ chuyển sang nuôi cá trên sông , con rất buồn nhưng không khuyên can được , ngày nay chồng con không còn như xưa nữa , uống rượu thường xuyên ,vợ chồng có 1 khoảng cách quá lớn ,con không chia sẻ được gì với gia đình được nữa , bây giờ con phải làm gì để thay đổi hoàn cảnh sống đây
Phật nói: Quá khứ đã qua, tương lai chưa tới, hiện tại không ngừng sanh diệt. Những chuyện của quá khứ chị hãy dũng mãnh và hoan hỉ buông xả, đừng nên chấp trước rồi ấp, nén trong tâm. Sự dồn nén, chất chứa những mảnh vụn của quá khứ sẽ là những độc tố gặm nhấm dần mòn tâm đạo của chị. Do vậy việc chồng chị thay đổi nghề nghiệp – từ giáo viên sang nuôi cá, theo TN nghĩ cũng chỉ là một hình thức sống và làm việc trong một môi trường khác; các con chị cũng đã trưởng thành, chị hãy hoan hỉ chấp nhận và coi đó là tiến trình mà cuộc sống, gia đình chị sẽ phải trải qua, thay vì chị mải mê luyến tiếc với những chuyện của thời đã qua=hiện tại không ngừng sanh-diệt. Còn về khoảng cách giữa chị và những người thân trong gia đình ngày một thêm xa, chẳng phải lỗi nơi người thân, mà do lỗi nơi chính mình. Khi có xung đột với chồng, con, người thân, chị phải thường quán chiếu: mình còn quá dở; mình còn tạo quá nhiều sai lầm; còn chưa đủ công công, phước thiện nên chưa thể giúp cho người thân được an lạc và giác ngộ. Chính vì thế khi xảy ra “chiến sự” chị phải rà xét lại toàn bộ quá trình tu hành của mình xem mình sai chỗ nào? Vướng kẹt nơi nào? Tại sao mình càng tu gia đình lại càng nhiều mâu thuẫn? Càng nhiều xung đột? Tu là sửa. Tu là để chuyển hoá tất cả những lỗi lầm, những nghiệp bất thiện của chính mình từ vô thỉ tới nay. Vì thế, trong quá trình tu hành, nếu những mâu thuẫn, chướng duyên trùng trùng kéo đến sẽ chỉ có hai nguyên nhân: Một là mình đi sai đường: tu mà còn tham, sân, si, mạn, phân biệt, chấp trước; Hai là các nghiệp bất thiện trong quá khứ và hiện tại khi thấy mình dũng mãnh tu hành, họ tìm cách ngăn cản, muốn, buộc mình phải thối chí để trở về cùng chung sống với cái tâm phàm phu (vô minh, ô trược) của họ.
Nếu là nguyên nhân thứ nhất, chị phải dũng mãnh xả bỏ hết những sai lầm, kiến chấp từ bước khởi đầu tu hành cho tới nay, để làm lại, cho dù là từ đầu. Bằng không, sai nọ nối tiếp sai kia; lỗi nọ, nghiệp nọ chồng lên lỗi, nghiệp kia=càng tu càng sai, càng tạo thêm nghiệp.
Nếu là là nguyên nhân thứ hai thì chị nên vui chứ chẳng nên vì thế mà run sợ hay chùn bước, bởi nếu vậy=Chị đã đầu hàng cái ác, cái bất thiện=thoái bồ đề tâm. Trong kinh Đại Thừa Kim Cang Luận Phật nói về tâm đạo như sau: “Tâm này người người vẫn có không kẻ nào không, nên cái tâm bình đẳng của chúng sanh này tự biết lấy, tự hiểu lấy. Vì sao? Hết thảy việc lành, việc dữ đều tại tâm mình sanh ra. Tâm mình tu việc lành, thân mình được an vui. Tâm mình tạo việc dữ thân mình chịu khốn khổ. Tâm là chủ của thân; thân là dụng của tâm. Tại sao vậy? Bởi vì đức Phật cũng do tâm thành, đạo do tâm học, đức do tâm chứa, công do tâm tu, phước do tâm ra, họa do tâm tạo. Tâm làm ra thiên đường, tâm làm ra địa ngục. Tâm làm ra Phật, tâm làm ra chúng sanh; nếu tâm chánh thì thành Phật, tâm tà thì thành ma. Tâm từ là người của Trời, tâm ác là người của La Sát, nên cái tâm là hột giống cho hết thảy sự tội phước. Nếu người giác ngộ được tâm mình, làm chủ giữ cho chắc chắn, không tạo các sự dữ, thường làm các việc lành, hành trì hạnh nguyện đều y theo Phật. Người này không bao lâu sẽ được thành Phật; nếu có người trai lành, gái tín muốn cầu Phật đạo, mà không rõ được tâm của mình thì không thể thành Phật. Nếu có người người rõ được tâm, thấy được tánh, y theo Phật dạy tu hành, quyết định thành Phật, còn hơn công đức tụng ba mươi muôn biến kinh Kim Cang cũng không sánh kịp”.
Khi quán chiếu minh bạch được như vậy chị sẽ có thể mau chóng tìm ra giải pháp tu đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh, môi trường cho chính mình.
Mỗi khi đổ nước thải xuống sông ,lòng con đau nhói , những khi xuất cá bán , con chỉ biết chạy ra bè cá niệm phóng sanh cho chúng và bất lực nhìn hàng tấn cá mang đi khắp nơi . Anh bảo đã cung cấp thực phẩm cho xã hội mà con còn phản đối
Ở góc độ của một người đứng ra sản xuất (tạo thành phẩm) để cung cấp cho xã hội và nuôi sống bản thân, gia đình thì ông xã chị đã có lý đúng. Tuy nhiên, chúng ta đang nói về đạo, do vậy nghề nuôi cá của chồng chị dù ít, dù nhiều cũng đã gián tiếp khiến cho các chúng sanh khác phải bỏ mạng. Điều chị nên làm là chớ nên tìm mọi cách ngăn cản chồng con chị làm chuyện đó, bởi thực tế nếu đó là nghiệp sống, là sinh mạng sống còn của họ mà chị tìm mọi cách ngăn cản=tạo thêm khoảng cách và xung đột và càng tạo thêm động lực khiến họ dũng mãnh hơn để rời xa đạo Phật. Giải pháp tốt nhất là hoan hỉ hợp tác=hằng thuận chúng sanh, nhưng hàng ngày khi cho cá ăn, hay trước khi đánh bắt cá để bán, chị hãy âm thầm niệm Phật A Di Đà và nguyện cầu cho những con cá đang sống trong ao hồ của gia đình và số cá khi bị đánh bắt để bán, giết thịt, tất cả đều được vãng sanh về Cực Lạc. Lòng từ của chị có thể cảm đến tận hư không biến pháp giới chứ chẳng riêng gì Phật A Di Đà mới thấu được tâm chị. Điều quan trọng là chị hãy cứ âm thầm làm, và hãy thực tâm làm. Chớ nên vọng động chồng, con cùng tham gia mà sẽ tạo nên phản ứng ngược.
Cảm giác nhói đau trong chị mỗi khi nhìn thấy nước thải bể hồ đổ ra sông, hay nhìn thấy hàng tấn cá bị bắt đi giết thịt đó chính là lòng từ bi trong tâm của chị dấy khởi. Thay vì chỉ biết xót xa, đau đớn nhìn chúng phải xả mạng, chị hãy buông xả những đau đớn đó, hãy nhất tâm niệm Phật và thường xuyên nguyện cầu Phật gia hộ để gia đình sớm chuyển được nghề gián tiếp sát sanh. Chuyển nghiệp nhanh hay chậm vốn phụ thuộc vào sự tinh tấn, dũng mãnh tu hành của chính bản thân. Chúng ta là chủ nhân của nghiệp, thì cũng chính chúng ta sẽ chuyển được nghiệp. Muốn chuyển được người thân, mình phải chuyển được mình trước tiên. Bằng không cả ta, cả người thân cũng đều tiếp tục chung sống trong vòng vô minh và tam ác đạo.
Trên ĐVCT có rất nhiều bài khuyến giải về cách hoá giải nghiệp chướng và khuyến tấn niệm Phật. Mong chị ráng dành thời gian tìm hiểu thật kỹ để lấy đó làm hành trang tu hành. Hãy nhất tâm niệm Phật A Di Đà. Niệm mọi nơi, mọi chốn, mọi hoàn cảnh. Thuận duyên thì niệm lớn tiếng; không thuận duyên thì niệm nhỏ, niệm thầm. TN ghi tặng chị câu này: Niệm Phật – Niệm Tâm – Tâm niệm Phật. Cầu chúc chị sớm hoá giải những xung đột trong gia đình và có một cuộc sống đời-đạo đều an lạc.
Thiện Nhân
TB. Thiện Nhân không phải là Tu sĩ mà cũng như chị, người mới học Phật và tu tại gia, do vậy chị cứ hoan hỉ chia sẻ như tình đồng đạo là được rồi.
A Di Đà Phật
A Di Đà Phật!
Câu trả lời của Cư Sĩ Thiện Nhân thật là chi tiết, cặn kẻ, sáng suốt và thực tế. DATT thật là khâm phục. Cám ơn, Cư Sĩ Tịnh Nhân đã từ bi nói ra được những lời pháp vô cùng chân thật này.
Muốn hành được như vậy, thì cần phải tu tập hạnh nhẫn nhục và buông xả. Buông xả cái gì? Buông xả tâm phân biệt chấp trước. Ai ai cũng phải tu như vậy thôi thì mới lướt qua được biển sóng nghiệp trong cõi này. HT Tịnh Không có kể câu chuyện một vị Hòa Thượng đức cao trọng vọng được khách mời đi ăn tiệc mặn, lúc ấy Hòa Thượng này cũng ăn mặn luôn. HT Tịnh Không lại khen HT này thật là cừ khôi vì đã xả được tâm phân biệt, chấp trước. Hòa Thượng này miệng ăn mặn, mà tâm chẳng ăn mặn, vẫn giữ được tâm chay. Còn chúng ta ăn mặn thì thấy mình ăn mặn, ta ăn chay thì thấy mình có ăn chay v.v… Người mê, kẻ ngộ thật khác nhau một trời, một vực.
DATT xin giới thiệu chị xem tập phim truyện “Nghịch Duyên” rất hay. Câu chuyện nói về 1 phụ nữ mộ đạo, niệm Phật cầu vãng sanh, bị chồng bắt buột ăn mặn và giết heo đem ra chợ bán nghịch lại với tâm từ bi của cô ta. Vậy, cô ta phải làm gì mà dù vẫn ăn thịt, vẫn phụ giúp chồng giết heo mà vẫn được vãng sanh vào hàng Thượng Thượng Phẩm, tức là cô ta còn sống, không tật bệnh, tận mắt thấy Tây Phương Tam Thánh đến tiếp dẫn vãng sanh. Ngay cả người chồng đồ tể, độc tài của cô ta cũng được thấy Phật đến tiếp dẫn cô, nên từ đó ông ta phát lồ sám hối, phát tâm tu đạo Bồ Đề. Thế là cô ấy chẳng những tự độ được mình, mà còn độ luôn người chồng đồ tể.
Chị có thể vào xem Phim Nghịch Duyên ở đây.
Diệu Âm Trí Thành
Nam mô a di đà phật con xin hỏi bà con mất ngày 9-06-2014 âm lịch vậy đã nên đốt bội cho bà vào rằm tháng bảy chưa?
Cho tôi xin hỏi: Khi chồng mất thì người vợ & các con có kiêng đến nhà người khác chơi khi chưa mãn hạn tang không?
Xin cảm ơn.
A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật.
Con xin kính thỉnh Đức Thầy !
Thưa Thầy, thân tâm con có một vài điều câu hỏi, rối mắc mà không biết thực sự có nên cần xin hỏi Đức thầy và mọi người không..
Con có vừa học xong bài Chú Đại Bi tâm Đà La Ni cách đây không lâu. Về việc học thuộc lòng thì con đã cảm thấy tạm ổn. Nhưng đối với pháp khởi tâm từ bi, thương xót chúng sinh, thực sự đối với con đây là một điều rất khó. Khi niệm thần chú, con chỉ có thể cố gắng khởi tâm bồ đề một chút rồi lại tan biến, tâm nhiều lúc sau đó bị chi phối bởi việc nhớ nhầm lời chú mà bị loạn động.
Con đã nhiều lần rất cố gắng tập trung khởi lòng từ độ, nhưng phần nhiều sau đó niệm được vài chú tiếp theo, tâm lại thối chí, bủn rủn. Chỉ khi vừa xem xong các bài giảng pháp nói đến nỗi khổ khi bị đày ải vào 3 đường tà, hay nghe những bài thuyết về “Hai mươi tầng địa ngục” của Sa Di Ni Diệu Hân, lòng con mới cảm thấy sợ hãi, chấn tĩnh lại, kèm theo đó sự đồng cảm với chúng sanh tội đồ, mới có thể khởi niệm được tâm từ bi. Nhưng nếu trong thời khắc đồng cảm đó, nếu không khởi ngay tâm từ bi, thì một thời gian ngắn sau bồ đề tâm lại dần vụt tắt.
Chính vì điều đó, con hy vọng hôm nay Đức Thầy có thể giải đáp cho con một số khúc mắc, như rằng làm thế nào để khởi nguyện được ngay chánh tín từ bi mọi lúc, mọi nơi khi vừa niệm chú ? Và cần làm thế nào có thể học, ghi nhớ được, tụng trì được kinh Vô Lượng Thọ dài hàng chục trang giấy ?
Con xin lỗi vì lối hành văn của con chưa thể đạt tới trình độ, khả năng rõ ràng, mạch lạc ý cùng những câu hỏi phần không có mấy sự quan trọng, làm ưu phiền Thầy và mọi người.
Kính chúc Đức Thầy, các vị Hiền nhân cư sĩ, các liên hữu, đạo hữu có một buổi tối an lạc.
Con xin cảm ơn rất nhiều !
A Di Đà Phật
A Di Đà Phật
Kính thưa liên hữu Sơn.
Người đọc/ tụng chú Đại Bi thì phải phát khởi tâm Từ Bi mới ứng hợp với tâm từ bi của Quán Thế Âm Bồ Tát.
Tâm từ bi vốn đã có sẵn trong mỗi chúng sanh; cho nên khi ta thấy kẻ khổ nạn bèn tự nhiên sanh lòng thương xót.
Muốn phát khởi cái tâm từ bi chân chánh thì nên hiểu thế nào là “tâm từ bi”.
Tâm Từ Bi
Đạo Phật lấy từ bi làm gốc, nhẫn nhục làm hạnh. Do đó, khi nói đến đạo Phật, người đời đều nghĩ đến hai pháp “từ bi” và “nhẫn nhục”. Lại nữa, khi nói đến từ bi, Phật tử chúng ta đều liên tưởng đến Bồ-tát Quán Thế Âm, vì Ngài là đại biểu cho lòng đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn.
Vì từ bi là căn bản của đạo Phật, do đó, tất cả các pháp, tất cả các hạnh tu của đạo Phật đều quy hướng về “phát khởi tâm từ bi”.
Trong Thập Địa kinh luận, Bồ-tát Thiên Thân nói rằng: “từ là đồng với nhân quả hỷ lạc; bi là đồng với nhân quả ưu khổ”. Bồ-tát không những chỉ sanh tâm hỷ lạc với chúng sanh, mà còn phải đem đến cho chúng sanh quả hỷ lạc, đó mới gọi là từ. Thấy chúng sanh ưu bi khổ não không những chỉ khởi tâm thông cảm, mà còn phải tạo cho chúng sanh những quả lành khiến cho họ bớt đi sự thống khổ, đó mới gọi là bi.
Kinh Bồ-tát niệm Phật tam muội nói: “từ tâm quán chúng sanh, như mẫu niệm nhứt tử. Vu thù bất truy ác, cánh sanh lân mẫn tâm,” nghĩa là dùng tâm từ quán sát chúng sanh như người mẹ nghĩ nhớ đến con, đối với kẻ thù không sanh khởi tâm ác, ngược lại phải sanh tâm thương xót họ.
Trong Đại Trí Độ luận, Bồ-tát Long Thọ nói: “đại từ là vui với tất cả chúng sanh, đại bi là làm cho chúng sanh thoát khổ. Đại từ là đến với chúng sanh bằng tâm hỷ lạc, đại bi là cùng với chúng sanh chia sớt những nỗi thống khổ. Thí như có người giam những người con mình trong ngục. Lúc nó bị tử hình, lòng từ của người cha vì xót thương con nên dùng vô số phương tiện, khiến cho các con được thoát khổ, lòng đại bi ấy chính là khiến cho con lìa khổ; yêu con mà cung cấp cho chúng các thứ yêu thích, ấy là lòng đại từ”.
Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Bồ-tát đối với chúng sanh đem từ bi lớn, xả ly chấp trước, lợi ích quần sanh, thành tựu vô lượng vô biên công đức”. Nghĩa là Bồ-tát có lòng đại từ bi, nên đối với hết thảy chúng sanh đều bình đẳng, không phân biệt kẻ oán người thân, và đến với họ bằng tấm lòng thương yêu chân thành và thông cảm.
Kinh Vô Lượng Thọ, đức Thế Tôn lại nói hạnh từ bi của Bồ-tát đối với chúng sanh như sau: “Phát rộng lòng đại bi, thương xót hữu tình, nói lời từ ái, trao pháp nhãn, đóng đường ác, mở cửa lành. Chẳng bỏ chúng sanh giữ gìn không nghỉ, như thể thân mình, cứu vớt phò trợ, khiến độ chúng sanh đến bờ giác ngộ.” Vì muốn chúng sanh được cái lợi chân thật vĩnh viễn thoát ra khỏi bờ mê, Bồ-tát không ngừng đem Phật pháp giáo hóa chúng sanh, khiến cho chúng sanh được giác ngộ rốt ráo thành Phật.
Luận ngữ có câu: “bậc quân tử phải lo trước nỗi lo âu của thiên hạ, vui sau niềm vui của muôn dân”. Nghĩa là bậc hiền nhân đến với mọi người bằng tấm lòng “quên mình để cứu người” và “vô tư phụng sự”.
Pháp từ bi của đạo Phật được phân ra làm ba thể loại như sau:
1. Vì muốn cho tất cả chúng sanh thoát khổ được vui mà khởi tâm từ bi, gọi là “chúng sanh duyên từ bi”, hoặc “hữu tình từ bi”.
2. Vì chúng sanh có vô tận phiền não, nên đem Phật pháp giáo hóa chúng sanh, gọi là “pháp duyên từ bi”.
3. Vì quán tất cả pháp đều không tịch, sanh ra tâm phiền não, mà khởi tâm từ bi cứu khổ chúng sanh, gọi là “vô duyên từ bi”.
Bởi từ bi được phân ra thành ba thể loại: chúng sanh duyên từ bi, pháp duyên từ bi và vô duyên từ bi, nên Phật vì chúng sanh mà nói ba pháp: Vô thường, Vô ngã và Tính không, để dẫn dắt chúng sanh tiến lên dần dần thâm nhập vào Như Lai tánh.
Pháp từ bi có tiểu, trung và đại:
Tiểu từ bi: chỉ khởi tâm vui cùng với cái vui của chúng sanh và muốn cho họ thoát khổ, như tâm từ, tâm bi trong từ bi hỷ xả (tứ vô lượng tâm) của bậc Tiểu thừa. Tứ vô lượng tâm là “bốn trạng thái tâm thức vô lượng”, còn được gọi là Tứ phạm trú, “bốn cách an trú trong cõi Trời Phạm Thiên”. Bốn tâm vô lượng là: (1) Từ vô lượng, (2) Bi vô lượng, (3) Hỷ vô lượng và (4) Xả vô lượng.
Bốn tâm nầy là phương pháp đối trị bốn phiền não là sân hận, ganh tị, buồn bực và tham muốn: nếu có tâm từ thì sẽ không bao giờ sân hận, nếu có tâm bi sẽ không bao giờ ganh tỵ, nếu có tâm hỷ thì sẽ không giờ buồn bực, và nếu có tâm xả thì sẽ không bao giờ tham. Người thực hành được Tứ vô lượng tâm, khi lâm chung sẽ được tái sinh tại cõi Thiên.
Đức Phật Thích Ca Mâu-ni dạy: “Có bốn vô lượng: Hỡi các tỳ kheo, một người tràn đầy tâm từ (bi, hỷ, xả) sẽ phóng tâm đó đi một phương, hai phương, ba phương, bốn phương, rồi phía trên, phía dưới, xung quanh mình. Người đó phóng tâm đi khắp thế giới, chiếu rọi khắp nơi với tâm từ (bi, hỷ, xả), tâm thức vô lượng của người đó sẽ vắng bóng sân hận và phiền não.”
Ðại từ bi: không những chỉ khởi tâm vui cùng với cái vui của chúng sanh và muốn cho họ thoát khổ, mà còn có khả năng làm cho họ thoát khổ được vui, như tâm đại từ bi của Phật.
Trung từ bi: Đại từ bi và Tiểu từ bi cũng chỉ là pháp tương đối; nên có Tiểu, có Đại, thì phải có Trung. Thí dụ: lòng từ bi của Bồ-tát so sánh với lòng từ bi của Thanh Văn và phàm phu chúng ta là Đại; nhưng nếu đem so sánh với lòng từ bi của đức Phật thì chỉ là Tiểu. Vì vậy, chữ “Đại từ bi” của bậc Bồ-tát vẫn là giả danh; nói cho đúng lý chân thật chỉ là Trung từ bi. Từ mức độ, phân loại và đẳng cấp của từ bi như trên, ta thấy “vô duyên từ bi” là từ bi ở mức độ từ bi cao nhất mà chỉ tìm thấy ở nơi Phật; vì vô duyên từ bi là “vô duyên đại từ và đồng thể đại bi”. Nguyên nhân của sự khác biệt nơi tâm từ bi?
Tiểu Thừa Thanh Văn chưa phá được hết tất cả những phân biệt và chấp trước vi tế, nên chưa thể phát khởi được “vô duyên từ bi”. Bồ-tát chưa phá được hết tất cả những phân biệt vi tế, nên vẫn chưa thể phát khởi được “vô duyên từ bi”. Chỉ có Phật mới phá hết tất cả mọi phân biệt và chấp trước một cách rốt ráo.
Do đó, trong “vô duyên đại từ” của Phật hoàn toàn không có sự phân biệt của các đối tượng quan hệ như: cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, bạn bè, người oán kẻ thân, người xấu kẻ tốt, người hiền kẻ dữ v.v… Nói cách khác, Phật đối với chúng sanh với tâm hỷ lạc và phúc thiện, mà trong đó không có điều kiện, không có nguyên nhân, vô tư vô tưởng (vô ý thức) .v.v… Phật ban cho chúng sanh sự hỷ lạc phúc thiện mà tâm không khởi một chút phân biệt, tuyệt đối thanh tịnh bình đẳng đối với tất cả chúng sanh. Vậy, đặc điểm của “đồng thể đại bi” là dùng tâm tuyệt đối bình đẳng, không phân biệt, tâm quảng đại vô tận, tâm như hư không; cho nên tâm nầy cũng được gọi là “vô tận đại bi”; có nghĩa là không còn có tâm nào rộng lớn hơn tâm này. Nói đến đây chúng ta cũng nên biết các vị Đại Bồ-tát như Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Địa Tạng .v.v… đều là các cổ Phật thị hiện với thân Bồ-tát, do đó tâm từ bi của các Ngài đều là “vô duyên đại từ, đồng thể/vô tận đại bi”.
Phật dạy chúng ta phải phát khởi tâm từ bi trong phạm vi lớn nhất, không có hạn lượng, từ cả hai mặt không gian và thời gian, bao trùm hết thảy thập phương pháp giới, và đối tượng để cứu độ là vô lượng vô biên vô số các loài chúng sanh không phân biệt chủng loại.
Dựa trên tư tưởng căn bản của tâm từ bi trong Phật giáo, “kiêng sát sanh” là việc cấm đầu tiên và “phóng sanh” việc nên làm đầu tiên. Không sát sanh là ngăn ngừa đoạn dứt sự sát hại, làm thương tổn đến sanh mạng của các loài hữu tình. Phóng sanh các loại động vật có tri giác, có tình cảm, có cảm thọ khổ vui, là thực hành hạnh từ bi cứu khổ và ban vui cho chúng sanh.
Trong tất cả các pháp môn tu của Phật giáo, lòng từ bi hỷ xả là một nghĩa cử cao đẹp, với trí tuệ hiểu biết rằng ta và các loài chúng sanh cùng nhau chia sẽ sự sống trên quả đất này, do đó ta không nên vì lợi ích cá nhân của mình hoặc của chủng loại mình mà sát hại các loài chúng sanh khác.
Ngược lại, ta phải hết lòng bảo vệ lợi ích mọi loài, hết lòng cứu tế chúng sanh khi họ gặp hoạn nạn. Nếu mọi người, từ trong mỗi gia đình, làng xóm, thành phố, quốc gia cho đến toàn thế giới đều mở rộng tâm từ bi, thương yêu, hằng thuận và hỗ trợ lẫn nhau, đoàn kết cùng nhau phấn đấu khắc phục khó khăn, cùng nhau tạo ra tài sản, cùng nhau làm phong phú cho cuộc sống nhân sanh; thì thiên hạ sẽ được thái bình, tai dịch chẳng khởi, nước thịnh dân an, binh đao chẳng động, mọi người đều trọng sùng nhân đức, không có trộm cướp, không có oan uổng, người người đều sống trong hỷ lạc và đắc ý. Nếu được như vậy, thì Tịnh Độ có thể được thiết lập ngay trong thế gian này.
Trong pháp môn Tịnh Độ, niệm Phật A Di Đà nguyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, điều kiện tối yếu cần thiết để được vãng sanh là Phát vô thượng Bồ Đề tâm và nhất hướng chuyên niệm hồng danh A Di Đà Phật. Phát vô thượng Bồ Đề tâm cũng có nghĩa là phát tâm “vô duyên từ bi” hay “vô duyên đại từ và đồng thể đại bi”.
Niệm “Nam Mô Đại Từ Đại Bi A Di Đà” hay rút ngắn nó lại thành “Nam Mô A Di Đà Phật” hay “A Di Đà Phật” đều là niệm cái tâm Đại Từ Đại Bi của chính mình, niệm niệm không gián đoạn cho đến khi tâm của mình đồng hóa với tâm của Phật A Di Đà, thì mọi vọng tưởng, phân biệt và chấp trước sẽ được phá trừ, và tâm “Đại từ đại bi” của ta sẽ tự nhiên được khởi tác dụng. Do đó, ta thấy Tịnh Đô Di Đà chẳng phải là ở ngoài tâm mà có thể tìm thấy.
Diệu Âm Trí Thành
A Di Đà Phật – Chào bạn Trọng Sơn,
Xin được phép góp một vài ý nhỏ cho các câu hỏi của bạn:
1. Làm thế nào để khởi nguyện được ngay chánh tín từ bi mọi lúc, mọi nơi khi vừa niệm chú?
Khi niệm chú Đại Bi cũng như niệm A Di Đà Phật vậy, là tịnh niệm tiếp nối, ko hoài nghi, ko xen tạp, ko gián đoạn. Niệm được như vậy thì mới phát huy tối đa tác dụng của Thần Chú Đại Bi hay câu Phật hiệu A Di Đà Phật. Điều này đòi hỏi người hành trì phải một môn thâm nhập, chuyên tu lâu dài, phải rất kiên trì, bền bỉ, lâu ngày dài tháng thì mới có chút thành tựu, tâm từ bi mới có thể được hiển lộ ít phần, cho đến mọi nơi mọi lúc đều có thể hiển lộ.
Ngày nay chúng ta thường bị ngộ nhận là cho mình đã có tâm Từ Bi. Nhưng thực chất đó chính là Tình Chấp, là tâm luyến ái phân biệt của phàm phu. Tại sao nói như vậy?
Tôi học Phật rồi thì với Người A tôi có thể Từ Bi vì họ tốt, nhưng với kẻ B thì tôi từ bi ít một chút vì họ xa lạ, cho đến kẻ C thì tôi chẳng thể Từ Bi vì hắn là người ác, làm cho tôi tổn thương quá nhiều rồi, thương yêu gì nổi cái hạng người này. Có phải vậy ko?
Với người nhà của tôi, thân bằng quyến thuộc thì tôi Từ Bi, hết lòng với họ. Với đạo tràng của tôi thì tôi vô cùng hoan hỉ từ bi yêu thương tất cả huynh đệ. Nhưng với hàng xóm thì chẳng thể có được cái tâm thương yêu như vậy, cho đến các đạo tràng và các tôn giáo khác, thậm chí còn cho họ là Tà Ma Ngoại Đạo…chẳng thể Bình Đẳng Từ Bi. Có phải như vậy không?
Nếu như chúng ta vẫn còn những lỗi lầm này thì chúng ta niệm Chú, cho đến niệm A Di Đà Phật chẳng thể tương ưng. Gọi là đau mồm rát họng cũng uổng công vậy. Vì tâm chúng ta không có Bình Đẳng Từ Bi, Chân Thành Từ Bi, Bao Dung Từ Bi, Thanh Tịnh Từ Bi, Chánh Giác Từ Bi.
Trong Từ Bi của chư Phật Bồ Tát là bao gồm tâm Chân Thành, tâm Bao Dung, tâm Thanh Tịnh, tâm Bình Đẳng, tâm Chánh Giác. Chúng ta có cái Tâm này không?
Nếu chưa phát khởi được thì hãy mau mau phát ra cái tâm này. Bằng cách nào?
Đầu tiên phải buông xả tự tư tự lợi, buông xả cái niệm được mất của chính mình, vậy thì phải thực hành Bố Thí, tức là phải biết cho đi với tâm Chân Thành, cho từng cái nhỏ cho đến cái lớn nhất là cái bản ngã của mình, phải cho nó đi về Tây phương Cực Lạc trước :D, nó ko về Cực Lạc trước thì sao mình có thể về? Mình còn giữ cái niệm được mất của chính mình, tự tư tự lợi, luôn nghĩ mình đúng và người khác sai thì làm sao mà vãng sanh Cực Lạc đây? Cho đến niệm Chú Đại Bi làm sao được tương ưng? Làm sao được giải thoát khỏi sanh tử luân hồi khi ta vẫn còn mỗi ngày đang tạo nghiệp luân hồi? Tự tư tự lợi, tham sân, si, mạn chính là tâm luân hồi.
Học Phật cũng chỉ là sửa lỗi mà thôi, sửa từ ác thành thiện, sửa từ Mê thành Ngộ, sửa từ Phàm thành Thánh. Bồ Tát Đẳng Giác mỗi ngày 6 thời đều tu cái gì? Là sám hối, là sửa lỗi, huống gì là phàm phu chúng ta? Không thể thấy được lỗi lầm của chính mình, người này là kẻ đáng thương. Một ngày tu hành mà không thấy được lỗi của mình mà sửa thì ngày đó là uổng phí vậy.
Cho nên bạn muốn nhất thời phát ra cái tâm Từ Bi mọi lúc mọi nơi thì cũng tùy vào công phu Nhìn Thấu, Buông Xả của bạn tới đâu mà thôi. Bạn buông xả được càng nhiều thói hư tật xấu của mình, nhìn thấu được lỗi lầm của mình càng nhiều mà tự thay đổi thì tâm Từ Bi của bạn sẽ hiển lộ ra nhiều. Buông xả, nhìn thấu ít thì tâm Từ của bạn hiện ra ít. Không chịu nhìn thấu, không chịu buông xả thì chẳng thể được. Cho nên tâm Từ Bi không phải do tu mà thành, nó là tánh đức tự nhiên trong tâm tánh chúng ta có sẵn rồi. Khi chúng ta có thể nhìn được thấu, buông được xuống thì tự nhiên Tâm Từ Bi của mình tự hiện ra, cho đến Trí Huệ Bát Nhã của mình cũng tự hiện ra, không cầu mà được, vì nó sẵn có ở trong tâm ta đó nên cần gì phải hướng ngoại mà cầu, cầu chẳng thể được.
2. Và cần làm thế nào có thể học, ghi nhớ được, tụng trì được kinh Vô Lượng Thọ dài hàng chục trang giấy ?
Chỉ có một phương pháp: Mỗi ngày đọc qua ít nhất một lần, sau 5 năm cho đến 10 năm thì bạn có thể tự nhiên ghi nhớ được. Nếu ban đầu mình thấy dài, thì mình chia ra mỗi ngày đọc 8 phẩm đến 10 phẩm cũng là tốt lắm rồi. Cứ phải kiên trì như vậy, lâu dần sẽ có thể đọc được nhiều hơn và nhanh hơn. Học Phật nhất định là phải kiên trì và nhẫn nại, pháp thế gian còn phải như vậy huống chi là Phật pháp ?
Hi vọng với vài lời thô kệch ở trên có thể giúp ích cho bạn một chút. Nếu Trọng Sơn còn thắc mắc gì hoặc chỗ nào chưa rõ, bạn cứ mạnh dạn hỏi. Huynh đệ đồng tu sẽ hoan hỉ giải đáp giúp cho bạn.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Thưa Thầy,
Con xin đuợc gửi lời cảm tạ tới hai vị Diệu Âm Trí Thành và vị Tịnh Thái đạo nhân cùng tất cả mọi người đã và đang giải đáp những khúc mắc của con trong con đường tu đạo hạnh.
Con có một điều băn khoăn nữa:
Cách đây không lâu khoảng 4 – 5 tháng về trước, con có đọc 1 quyển giáo pháp “Công Đức Niệm Phật” của ngài Sa Môn Thích Thiện Thuận bút ký. Trong sách, có đề cập đến nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề cúng dường, rằng để muốn đem lại tiền tài, vật chất cho người gia quyến đã mất dưới âm gian, tuyệt đối không được đốt tiền vàng mã, vì thứ nhứt: Làm như vậy sẽ hại cha mẹ đồng tội việc lưu hành tiền giả, làm loạn tài chính âm gian ; thứ 2: Dương gian và âm gian đều giống nhau, nếu tiền vàng mã ở trên dương gian không dùng được thì tất yếu dưới âm gian chắc chắn cũng không dùng được ; thứ ba: Nếu đốt tiền vàng mã cũng sẽ chẳng khác gì như mình muốn đoạ lạc người thân vào đường tà, ác, tam đoạ…
Mẹ con cũng đã đọc quyển kinh pháp đó, nhưng chỉ tin một phần, và rất phản đối về những nội dung được ghi trong sách rằng : Khi cúng dường chư Phật, tuyệt đối không được cúng dường Thiên, Thần, Quỷ, Vật (Vì mẹ con thường cúng dường chư vị Thần Pháp Thiên Tiên, và mẹ luôn cho rằng mình mang mệnh ngài Thánh Mẫu Nương Nương trên thiên tiên); và nếu có cúng dường cho người âm, không được đốt tiền vàng mã.
Mẹ con thường kể nhiều đêm trong giấc mơ có thấy mọi người trong gia quyến đã khuất.. hay hiện tiền trở về báo rằng đang khó khăn, rất cần được đốt thêm tiền vàng mã. Và mẹ con luôn lấy đó để cho rằng việc đốt tiền vàng mã là đúng, yêu cầu nếu sau này mẹ có mất, giã từ nhân gian, con vẫn phải đốt tiền vàng mã cho mẹ và mọi người, không nghe theo những điều ghi trong kinh sách. Tất nhiên con cũng có ít nhiều bất đồng, và cũng cảm thấy một chút phân vân.
Thưa Thầy, Thầy có thể giúp con biết, con phải làm thế nào, rằng sau này con có nên đốt tiền vàng mã hay không? Nếu không thì con phải thực hiện theo phương pháp cúng dường ra sao thì đúng chánh nghĩa, đạt hiệu quả ạ ?
Con xin cảm ơn Bạch Thầy !
Kính chúc mọi người có một ngày mới an lạc.
A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật
Thưa anh Trọng Sơn,
Phật giáo không hề đề xướng việc đốt giấy tiền và vàng mã. Chuyện đốt giấy tiền vàng mã chỉ nhằm để thỏa mãn tham niệm của chúng sanh trong quỷ đạo mà thôi.
Như câu chuyện HT Tịnh Không có lần kể cho thấy vì chúng sanh trong quỷ đạo có người vẫn còn tham luyến giấy tiền (có lẽ người này lúc còn sống rất ưa thích việc đốt vàng mã), họ trở về cầu khẩn xin đốt cho họ một ít tiền giấy, nếu gặp như vậy thì chúng ta cũng nên thỏa mãn tham niệm cho họ.
Nhưng nếu theo phương diện nghiệp lực của loài quỷ thì hãy thử xét coi họ có thể sử dụng được hay không? Như chuyện bà mẹ của Tôn giả Mục Kiền Liên, bà chẳng thể tiếp nhận thức ăn do Ngài dâng lên vì lúc còn sanh tiền tâm tham bà quá nặng, đến khi bị đọa làm ngạ quỷ bà vẫn không xả bỏ được cái tâm tham, nên cơm vừa đưa đến miệng thì liền hóa ra thành lửa. Sau lễ thiết trai cúng dường Tam bảo, mẹ Ngài mới được siêu độ. Vì thế, nếu luận theo “vạn pháp duy tâm” thì bố thí các quỷ đạo tự nhiên cũng có tác dụng. Cũng như luận theo sự quán tưởng thì tuy chẳng đốt tiền giấy vàng mã, mà nó vẫn có thể biến hiện chật đầy hết thảy hư không. Giống như nghi lễ cúng thí thực, biến thủy chân ngôn biến thức ăn thành pháp vị trong Trai đàn chẩn tế, khiến cho chúng sanh ngạ quỷ thọ hưởng được sung mãn vậy.
Cho nên nếu muốn cầu siêu cho tổ tiên thân bằng quyến thuộc hay bố thí quỷ đạo thì tốt nhất chúng ta nên dùng Phật pháp, trong đó lấy việc niệm Phật làm chính rồi hồi hướng cho họ.
Và thay vì bỏ tiền mua giấy tiền vàng mã để đốt, thì chúng ta nên làm những việc thiện lành như cúng dường Tam Bảo, phóng sanh, bố thí v.v… Rồi đem những việc làm này hồi hướng cho người mất, giúp cho người mất hưởng lợi lạc rất nhiều như trong kinh Địa Tạng đã chỉ dạy.
Kính,
Diệu Âm Quảng Hồng
A Di Đà Phật!
Gửi các huynh trong DVCT, Vy muốn hỏi một chuyện này trong kinh Địa Tạng có nói là nếu trong 21 ngày mà niệm và tụng kinh của Ngài thì Ngài sẽ chỉ cho biết người thân minhg đang ở cảnh giới nào. Là chắc đúng không ạ.
A Di Đà Phật, Vy thân mến
Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện do Đức Phật Thích Ca diễn nói tại cung trời Đao Lợi, tức là tầng trời thứ hai trong sáu tầng trời của cõi Dục giới nơi mà Thánh Ma Gia, thân mẫu của Đức Phật đã thác sanh về đây sau khi hạ sanh Đức Phật được 7 ngày. Trước khi nhập Niết Bàn, vì cảm ơn đức sanh thành, Đức Phật đã diễn nói kinh Địa Tạng tại pháp hội ở cung trời này. Như vậy, Kinh Địa Tạng ra đời trước tiên là do lòng hiếu thảo của Đức Phật đối với bậc sanh thành, Ngài đã tưởng nghĩ đến mẹ khi biết rằng mình sẽ không còn trụ thế bao lâu nữa nên đã lập pháp hội tại cung trời Đao Lợi để độ thoát cho thân mẫu.
Đây là một pháp hội vô cùng quan trọng vì có sự hiện diện đông đủ của chư Phật khắp mười phương thế giới, chư Đại Bồ Tát như Quán Âm, Văn Thù, Phổ Hiền… cùng các chúng Trời, Rồng, Quỉ, Thần khắp các cõi. Diễn nói kinh Địa Tạng trong pháp hội này vì thế mang một ý nghĩa vô cùng lớn lao.
Như vậy nội dung chính yếu của Kinh Địa Tạng xoay quanh chữ Hiếu, nói lên những bổn phận, nghĩa vụ của người sống đối với người đã qúa vãng.
Công năng, oai lực của Bồ Tát Địa Tạng bao trùm khắp ba cõi Trời, Người và cõi âm. Nói theo danh từ nhà Phật, oai lực đó là không thể nghĩ bàn. Riêng trong cõi thế gian này, Đức Thế Tôn qua Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện đã cho chúng ta biết rằng bất cứ chúng sanh nào hoặc được nghe danh hiệu của Địa Tạng Bồ Tát rồi chí tâm quy y hoặc cúng dường, chiêm ngưỡng, tô vẽ hình tượng, đảnh lễ Bồ Tát, chắc chắn sẽ đạt được rất nhiều lợi ích lớn lao; trong đó có trường hợp như bạn đề cập đến.
Tức những người nào gặp cảnh cha mẹ mất sớm từ lúc vừa mới sanh ra cho đến trong vòng mười tuổi, hoặc có anh chị em, quyến thuộc đã qua đời, sau này khi họ lớn lên, nhớ tưởng đến những người đã quá vãng, không biết thác sanh về đâu. Trong kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, Phật dạy rằng hễ cứ mỗi lần nghe danh hiệu hoặc chiêm ngưỡng hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng thì cung kính đảnh lễ một lần trong suốt một ngày đến 7 ngày, những thân quyến quá vãng dù có bị đọa vào ác đạo cũng được siêu thăng lên cõi Trời. Nếu thực hiện công hạnh này đủ 21 ngày và trì tụng một muôn biến danh hiệu của Bồ Tát Địa Tạng sẽ được Ngài hiện về trong giấc mơ mách bảo cho biết nơi thác sanh hoặc Ngài sẽ dẫn đến tận nơi để gặp lại người thân đã qua đời.
Phật đã dạy thì không thể nào sai cả, nếu bạn thật sự chí thành mà làm thì “có cảm có ứng”. Đều tùy thuộc vào tâm chí thành chí kính của bạn mà thôi.
Còn cách tốt hơn nữa là nếu như bạn chí thành niệm Phật rồi hồi hướng cho người mất, dùng những lời khai thị cho người mất, khuyên người mất nên cố gắng niệm Phật cầu phát nguyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, được Phật tiếp dẫn thì vĩnh viễn lìa xa ác đạo, không còn sanh tử luân hồi thì lại còn viên mãn hơn.
Chúc bạn an lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật
TLPT
Gửi cư sỉ viên trí
Xin chào viên trí mình có việc này ko hiểu mong viên trí giải đáp giúp cho.
Mình đọc về phần hồi âm của cư sỉ trên mạng thì có khuyên gia quyến nên tụng kinh địa tạng mỗi ngày một quyển trong 49 ngày là tốt. Vậy trong khi tang lể ít nhất 3 ngày mới đem người mất đi hoả táng hoạc đem chôn, trong thời gian 3 ngày đó có thầy tụng cúng mỗi ngày 3 buổi nhưng ko phải tụng kinh địa tạng. Vậy mình muốn tụng kinh địa tạng thì cũng phải chờ hoả táng xong xuôi khách khứa về hết mình mới tụng kinh được vậy là mất 3 ngày 3 quyển. Xin hỏi viên trí trong hoàn cảnh này mình nên làm sao ? Còn lại 46 ngày mình tụng gấp đôi phải ko? Sao hôm anh mình mất mình có hỏi thầy thì thầy chỉ cho mình tụng phẩm thứ 7 trong quyển kinh địa tạng thôi chứ ko cần tụng hết quyển. Hôm trước đám giổ bà ngoại mình mất năm 2007 mình ko đến dự đám giổ mà ngồi nhà tụng hết quyển kinh địa tạng 3 tiếng đồng hồ, tụng xong mình hồi hướng. Vì lúc trước mình chưa kết duyên với phật mình còn bị vô minh nên ko hiểu gì hết bà ngoại mất cả nhà khóc lóc thảm thiết, từ 2 năm nay được kết duyên với phật pháp quy y tam bảo giử giới phóng sanh,in kinh,cúng dường làm việc thiện lành nên lúc anh mình mất mình có mời ban hộ niệm tới vô pháp danh cho ảnh và khai thị cho ảnh mình còn dặn cả nhà vợ con ảnh ko được khóc mà chỉ niệm phật cho tới lúc trúc hơi thở cuối cùng và niệm thêm 8 tiếng nữa mới thay y phục và tẩn liệm.
Mình còn việc này rất lo ko biếc làm sao. Ba mình tuổi xế chiều ở dưới quê, mình thì còn ở bên chồng, chị mình thì lúc sống chổ này lúc sống chổ khác.mình nghĩ khi ba mãn phần mình ko thờ cúng được thì mình tụng kinh và làm các việc thiện lành hồi hướng cho ba mình vậy ba mình có nhận được ko ? Vì bây giờ còn sống mình khuyên ko nghe nên mình nghĩ khi mất ba làm sao tránh khỏi tam đồ.
Mong nhận được hồi âm của viên trí
A Di Đà Phật – Xin chào Diệu Trúc
Kinh nào tụng cũng đều tốt cả nhưng đối với trường hợp cầu siêu cho người vừa mất trong vòng 49 ngày thì đa số quý thầy đều khuyên nên tụng kinh Địa Tạng. “…tụng phẩm thứ 7 trong quyển kinh địa tạng thôi” có lẻ là vì thầy nghĩ gia đình bận rộn, không có thời gian cho nên mới khuyên như vậy.
Tùy trường hợp, hoàn cảnh của từng gia đình mà việc cầu siêu của mỗi người đều không giống nhau. Ví như nếu có thời gian nhiều thì một ngày có thể tụng một quyển hoặc 2,3,4… quyển kinh Địa Tạng. Nếu có tiền nhiều thì có thể in kinh ấn tống 100, 1000, 10000 … quyển kinh Địa Tạng (hoặc kinh khác cũng được). Như người nào nghèo quá, không có tiền, cũng không có thời gian nhiều thì tụng kinh A Di Đà hoặc niệm Phật, lạy Phật…để hồi hướng cũng được.
Điều quan trọng là ở nơi tấm lòng chân thành, phải thật sự tin tưởng và chí thành chí kính chứ không phải làm qua loa lấy lệ cho có làm.
Đợi ba mất rồi mới lo hồi hướng cầu siêu là hạ sách, bất đắc dỉ. Thượng sách là ngay lúc ba còn sống hãy cố gắng khuyên ba ăn chay niệm Phật, làm lành, lánh dử và cầu sanh Tây Phương Cực Lac. Điều này thật sự rất khó cho nên đòi hỏi mình phải có phương tiện khéo để dẫn dắt và phải nhẫn nại chịu khó.
Chẳn hạn như bạn mời ba về ở chung nhà hoặc về quê thăm ba và ở chung dài hạn. Trong thời gian ở chung thì mình mở các DVD, phim thuyết pháp của quý thầy để xem rồi tán thán cố tình để cho ba nghe. Mỗi sáng, mỗi tối mình mặc áo choàng trang nghiêm, quỳ trước bàn Phật với nhang đèn nghi ngút rồi thành tâm cung kính lể bái, sau đó tụng kinh Vô Lượng Thọ hoặc kinh A Di Đà, rồi niệm Phật (có tiếng càng tốt), cố tình để cho ba thấy và nghe. Cuối cùng thì đọc bài hồi hướng: “…Nếu có ai THẤY NGHE, cùng phát tâm bồ đề, hết một báo thân này, đồng sanh cõi Cực Lạc“. Lâu ngày chày tháng thì nước chảy đá mòn, chủng tử A Di Đà Phật sẽ được gieo vào tâm thức của ba khiến cho thiện căn tăng trưởng. Bên cạnh đó nhờ vào công đức hồi hướng cũng sẽ góp phần vun bồi thêm phước báo cho ba. Khi mà thiện căn tăng trưởng, phước báo tròn đầy, nhân duyên hội tụ thì ba sẽ phát tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Bởi vì pháp môn niệm Phật còn gọi là “nan tín chi pháp”, chỉ những ai trong nhiều đời nhiều kiếp về trước đã tích lũy nhiều thiện căn phước đức nhân duyên thì kiếp này mới có cơ hội gặp và khởi được niềm tin. Có lẻ ba của bạn còn thiếu chút đỉnh, do vậy bạn cần phải hồi hướng thêm cho ba ngay từ lúc này.
Ngoài ra nếu như ở chùa có pháp hội giảng kinh thuyết pháp thì nên chở ba đến đó để tham dự.
Khi trò chuyện với ba thì mình nên kể những mẫu chuyện về gương vãng sanh, người thật việc thật cho ba nghe. Tìm những quyển sách về gương vãng sanh như Đường Về Cực Lạc, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục… để cho ba đọc, nếu ba đọc không được thì mình đọc cho ba nghe.
…
Nói chung thì phương tiện khéo có rất nhiều, mình cần phải linh hoạt uyển chuyển và khéo nắm bắt thời cơ thì mới có hy vọng cảm hóa được ba. Hy vọng giúp ích phần nào cho bạn và ba của bạn nhé.
Nam Mô A Di Đà Phật
Xin chào Viên Trí
Những cách trên Viên Trí nói mình làm rồi nhưng vô nghĩa. Mình về quê chơi khuyên ba, mẹ niệm Phật điều bị bác bỏ, còn mở đĩa kinh hay đĩa Thầy giảng thì ba chửi, ba bực bội, còn mỗi đêm mình mặc áo tràng niệm Phật thì ba thấy đó nhưng cũng ko lung lay chút nào và mình cũng có dẫn ba đi chùa nhưng đi đông người có ba chồng mình và chồng mình đi thì mới chịu đi còn mình chở đi ko thì ko đi. Mình thấy khó có thể khuyên được nữa nên mới sợ lúc mất ba vào 3 đường ác.
Mỗi đêm mình niệm Phật đều hồi hướng cho tất cả người thân cả âm lẫn dương và hồi hướng cho chúng sanh trong pháp giới mười phương đồng về cõi Cực Lạc. Từ lúc mình hồi hướng tới nay mình thấy ba chịu đi chùa cho dù đi đông mới đi vậy cũng được vậy cũng có linh ứng nhưng còn niệm Phật và ăn chay mình nghĩ ko biết tới ngày ba mất luôn làm được hay ko nữa ko còn kịp nữa đâu.
Nên mình nghĩ chỉ còn cách là mình làm các việc thiện lành và tụng kinh niệm Phật để hồi hướng cho ba giảm bớt tội nghiệp để sớm đi đầu thai chứ cũng ko nghĩ sẻ được vãng sanh.
Vậy mình tụng kinh A Di Đà cũng đươc phải ko Viên Trí ? Mẹ mình và chị mình ko tin nhân quả nên ko mong gì được nhờ vào ai. Mình phải cố gắng để giúp ba thôi chứ ko còn ai nữa .
Xin Viên Trí hoan hỉ chỉ dẫn mình thêm kinh nghiệm. Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật – Xin chào Diệu Trúc
Như bạn cũng biết Đời Này Gặp Được Pháp Tịnh Độ Là May Mắn Hơn Cả Phổ Hiền Bồ Tát cho nên có thể nói Gặp Được Kinh Vô Lượng Thọ & Pháp Môn Niệm Phật Là Người Đã Cúng Dường Vô Số Chư Phật Quá Khứ. Do đó những người có duyên gặp và khởi được niềm tin với pháp môn niệm Phật chứng tỏ trong nhiều đời nhiều kiếp về trước đã tích lũy rất nhiều thiện căn, phước đức, nhân duyên.
Hiện tại có người không gặp, gặp nhưng không tin hoặc tin nhưng chưa sâu đều là do còn thiếu chút đỉnh thiện căn, phước đức, nhân duyên. Tùy theo thiện căn, phước đức, nhân duyên của ba hiện tại là nhiều hay ít mà quá trình khuyên ba niệm Phật sẽ khó hay dể.
Khi mà bạn khuyên ba niệm Phật, cũng xem như là ba đã có DUYÊN để gặp nhưng ba lại từ chối thì điều này cũng chưa hẳn là ba không có duyên với Phật Pháp mà có thể là ba không có duyên với bạn. Có thể là vì ba chưa lảnh hội được tinh thần “y pháp bất y nhân”, trong tâm của ba có chút thành kiến, cố chấp, ngạo mạn…chẳng hạn như :” Nó là con mình, nhỏ hơn mình, tại sao lại có thể dạy đời, giảng đạo cho mình? ” Chính vì thế cho nên trong trường hợp này thì nên nhờ người khác, quý thầy hay quý bạn đồng tu để trợ giúp, nếu không tiện thì có thể gửi các bài pháp của HT Tịnh Không, thầy Giác Nhàn hay Khuyên Người Niệm Phật của cư sỉ Diệu Âm Úc Châu…có thể xem như đó chính là góp phần làm cho NHÂN DUYÊN HỘI TỤ.
Mỗi ngày bạn đều ăn chay niệm Phật, tụng kinh, làm các việc thiện lành như in kinh ấn tống, phóng sanh…rồi hồi hướng cho ba cũng chính là góp phần vun bồi để cho ba sớm được PHƯỚC BÁO TRÒN ĐẦY.
Còn muốn cho ba sớm được THIỆN CĂN TĂNG TRƯỞNG thì ba phải ở chung với bạn hoặc với một vị thiện hữu tri thức nào đó để từ từ cảm hóa:
Chẳn hạn như khi thấy ba cắt cổ gà thì mình nói:” Ba ơi! Mình bị đứt tay chút xíu còn cảm thấy đau huống chi con gà. Hãy xem ánh mắt của nó như là một lời cầu cứu van xin, hãy tha cho nó đi…” Sau đó mình làm đồ chay thật ngon cho ba ăn để ba hiểu được cái ngon vốn từ gia vị mà ra chứ chẳng phải là do thịt cá.
Nếu như thấy ba bị phiền não về chuyện tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, tài sản…thì mình sẽ có lời an ủi, đại khái như là:” Những thứ đó vốn dỉ là vô thường, khi chết rồi cũng chẳng mang theo được, chỉ có nghiệp theo thân, hãy tùy duyên an phận và buông xả để cho lòng thanh tịnh…” .
Khi ba bị bệnh thì mình sẽ dùng…Đòn Tâm Lý Ma Lanh “Dụ” Người Bệnh Niệm Phật
Từ đây đến cuối đời, nếu như thiện căn tăng trưởng, phước báo tròn đầy, nhân duyên hội tụ thì ba sẽ phát tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Đây là việc rất khó, đòi hỏi phải kiên nhẫn qua nhiều năm tháng chứ không phải một sớm một chiều mà được thành tựu.
Nếu như mình đã tận khả năng, làm tròn trách nhiệm, bổn phận mà vẫn không khuyên được ba thì trong quyển Tây Phương Xác Chi, bồ tát Tịch Căn nói:” Người nào vãng sanh Tây Phương thì cha mẹ trong bảy đời của người đó nương nhờ công đức kia mà được sanh về cõi trời, ấy mới chính là đại hiếu“. Do đó mình hãy nổ lực tinh tấn tu hành, nhất định đời này phải nắm chắc phần vãng sanh thì mới mong có cơ hội đáp đền công ơn sanh dưởng. Bởi vì Một Người Tu Đắc Đạo Cửu Huyền Thất Tổ Sinh Thiên. Như vậy thì nói đến đây chắc hẳn là bạn đã biết Làm Thế Nào Để Báo Hiếu Cha Mẹ Cửu Huyền Thất Tổ Một Cách Trọn Vẹn Nhất? rồi chứ?
Nếu như vì hoàn cảnh phải xa ba, thì VT nghĩ bạn nên mua những thứ quà mà ba thích như là áo quần, thuốc men, bánh kẹo, đồng hồ, điện thoại…rồi gửi về cho ba (có cả tiền nữa). Kèm theo trong thùng quà là những kinh sách, băng đỉa giảng về pháp môn niệm Phật. Sau cùng là một bức thư viết bằng tay, đại khái như là:
Kính thưa ba,
Thành thật xin lỗi ba vì hoàn cảnh thế sự đa đoan cho nên con chưa thể về thăm ba ngay lúc này và gần gủi bên cạnh ba trong lúc tuổi già bóng xế để sớm hôm phụng dưởng nhưng con sẽ cố gắng thu xếp công việc và nhanh chóng trở về với ba trong thời gian sớm nhất.
Tạm thời con gửi về với ba một ít tiền và những vật dụng cần thiết. Những thứ này tuy tạm thời hữu dụng nhưng nó chỉ giúp được ba trong một thời gian ngắn. Cho dù con có ở bên cạnh ba đi nữa thì cũng chỉ có thể lo được cho ba đến cuối đời mà thôi. Sau khi chết, thần hồn đọa lạc về đâu thì khó mà biết cũng khó có thể cứu. Duy chỉ có pháp môn niệm Phật mới có thể giúp được ba phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, thoát vòng sanh tử luân hồi, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Chính vì thế cho nên con gửi kèm theo đây cho ba là những quyển kinh A Di Đà/Vô Lượng Thọ, các bài giảng của HT Tịnh Không, thầy Giác Nhàn, cư sỉ Diệu Âm…thiết nghĩ đây mới chính là pháp bảo giá trị liên thành vì nó đưa một người phàm phu vượt tam giới, chuyển phàm thành thánh. Con kính mong ba hãy dành chút thời giờ để xem qua vì mai này không ai có thể cứu được ba mà chỉ có 48 đại nguyện của Phật A Di Đà mới cứu được ba thôi.
Ba cũng nên biết rằng thân người khó được, Phật ví như con rùa mù một ngàn năm mới trồi lên khỏi mặt biển một lần mà tình cờ bám được bọng cây. Khi mất thân người rồi, muốn có lại cũng khó giống như vậy. Khi có được thân người thì cũng rất khó có cơ hội để gặp Phật Pháp, chỉ có Phật Pháp mới giúp chúng ta thoát ly lục đạo sanh tử luân hồi. Cho nên thân người khó được, Phật Pháp khó gặp, không tu sẽ uổng mất, hãy nên trân quý.
Tây Phương Cực Lạc là một thế giới hoàn toàn có thật. Có rất nhiều người từ xưa đến nay đã niệm Phật và thấy Phật, sau đó được vãng sanh (biết trước ngày giờ Phật rướt). Con gửi kèm theo cho ba quyển Đường Về Cực Lạc/Tịnh Độ Thánh Hiền Lục để ba tham khảo thêm chi tiết ngỏ hầu càng thêm vững niềm tin nơi pháp môn niệm Phật.
( Ba nên biết ngày giờ sắp hết,
Đừng tưởng rằng hể chết là xong
Khi ra tam giới công đồng
Ba còn phải chịu ngồi trong ngục hình
Do nhân quả mà mình đã tạo
Nên phải đành thọ báo mà thôi
A tỳ lửa đỏ dầu sôi
Khổ không kể xiết, biết đời nào ra.
Đến khi ấy giật mình cũng muộn
Tiếc thương thay oan uổng kiếp người
Công danh phú quý cuộc đời,
Thân bằng quyến thuộc đều rời xa ta.
Nếu biết trước thời nên tỉnh ngộ
Chốn Tây Phương Tịnh Độ quê nhà
Nguyện sanh cõi Phật Di Đà
Hoa sen chín phẩm chính là mẹ cha.
Cõi Cực Lạc đất bằng bảy báu
Bảy hàng cây thất bảo tạo thành
Lan can màng lưới buông mành
Chim ca gió thoảng pháp lành chứa chan
Dân xứ ấy không còn sanh tử
Muốn thứ chi cũng tự hiện tiền
Ngàn muôn lần sướng hơn tiên
An nhiên tự tại nơi miền lạc bang.
Nương Phật Pháp từ nay tu luyện
Vững niềm tin, chí nguyện kiên cường
Báo thân xả bỏ lên đường
Hồn theo Tam Thánh Tây Phương mà về. )
…
Nam Mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật !
Vy xin cảm ơn lời khuyên của mọi ngừơi trong DVCT ạ!
kính bạy thầy thiện nhân
chồng con vừa mất được một tuần … nay con muốn nhờ thầy hướng dẫn , làm cách nào để cừu hương linh của chồng con.. mong thầy chỉ giúp… A DI DA PHAT
A Di Đà Phật
Gửi bạn k.mưa thu,
Thiện Nhân cùng các Đạo hữu thành tâm chia buồn cùng bạn và gia đình. Sanh ly tử biệt đời người ai rồi cũng phải trải qua. Trong 8 nỗi khổ của cuộc đời mà Phật thường nói có: Ái biệt ly khổ! Nghĩa là người mình thương yêu nhất đã rời xa, hoặc chẳng được sống bên mình mãi mãi. Trong đạo Phật chết vốn chẳng phải là hết. Cũng chẳng phải là tất cả. Mà chết chỉ là một hành trình của sự sống – nói khác đi là sự chuyển giao sự sống này sang một sự sống khác. Vì thế nếu bạn để ý sẽ thấy: Có người dẫu còn trong bụng mẹ đã phải qua đời; có người khi vừa sanh ra đã qua đời; có người sanh vài ba ngày, vài ba tháng, vài ba năm, rồi vài chục năm… cho đến hơn 100 năm… rốt cuộc cũng qua đời, chẳng kể người đó là ai – sanh, lão, bệnh, tử vốn không có ngoại lệ. Như vậy, đời người mạng dài hay ngắn vốn phụ thuộc vào nghiệp báo thiện-ác của mỗi cá nhân đã từng tạo tác – những nghiệp này được tích luỹ từ vô thỉ kiếp tới nay, giờ nghiệp đến, mạng tận chúng ta phải trả nghiệp. Hiểu được quy luật nhân-quả tuần hoàn như vậy bạn sẽ giảm bớt được những đau đớn, dằn vặt, phiền não… từ đó có thể sáng suốt tìm ra những phương cách hoá giải nội tâm, và giúp cho người thân mới qua đời của mình cùng hiểu được đạo, giác đạo rồi tu đạo mà thêm phần lợi ích.
Thông thường một người thân mới qua đời (cha, mẹ, vợ, chồng, con cái, thân quyến…) điều quan trọng đầu tiên là chúng ta đừng nên đi tìm nguyên nhân của cái chết, mà hãy tìm cách làm sao để giúp cho người thân vừa qua đời hiểu được lý nhân-quả, hiểu được sự sống và cái chết, từ đó giúp họ giác ngộ để hướng về Phật pháp – Đạo giải thoát mà tu hành để vĩnh ly sanh tử.
Việc đầu tiên bạn nên làm là:
– Bạn hãy thỉnh Chư Tăng nơi mình đang cư ngụ, rồi nhờ Chư Tăng lập đàn trai, cúng dường Chư Tăng, để siêu độ cho vong linh của anh ấy. Kế đó nếu thuận duyên, gia đình nên hàng tuần lên chùa rồi thỉnh Chư Tăng làm lễ cầu siêu cho đến tuần thứ 7.
– Về phần bạn và gia đình: Nếu thực sự thương chồng và người thân của mình, trong 7 tuần (còn gọi là thất tuần 49 ngày) mọi người phải ráng thực hiện ăn chay trường. Ăn chay nhưng tâm phải thực sự hoan hỉ chứ chẳng nên ăn cho có lệ, hay hình thức (ăn nhưng tâm vẫn hướng tới đồ mặn; ăn nhưng chỉ mong cho hết ngày chay để tiếp tục hưởng đồ mặn), bởi ăn như thế cả người mất lẫn kẻ còn đều chẳng được lợi ích.
Trong Kinh Đia Tạng Bổn Nguyện (Phẩm thứ 6 – Như Lai Tán Thán) Phật nói về công đức ăn Chay như sau: “Lại nữa, này Phổ Quảng! Trong mỗi tháng, ngày mùng một, mùng tám, mười bốn, mười lăm, mười tám, hăm ba, hăm bốn, hăm tám, hăm chín và ba mươi là những ngày kết tập các nghiệp tội, thẩm định nặng nhẹ. Tất cả mọi cử chỉ, động niệm của chúng sanh trong cõi Nam Diêm Phù Ðề không chi là không nghiệp, không chi là không tội, huống hồ là buông lung giết hại, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, trăm ngàn tội trạng.
Nếu sau này trong đời vị lai, có chúng sanh nào trong mười ngày trai này có thể đối trước hình tượng của Phật, Bồ Tát, cùng chư Hiền Thánh mà đọc tụng Kinh này một biến, thì chung quanh chỗ người đó ở, bốn hướng Ðông Tây Nam Bắc, trong khoảng một trăm do-tuần, sẽ không có các tai nạn. Còn ở chính nhà của người đó, hoặc già hoặc trẻ, về hiện tại và vị lai, trong trăm ngàn năm được vĩnh viễn xa lìa ác đạo…”.Đọc những lời của Phật, bạn sẽ thấy công đức của việc giữ gìn trai giới nó quan trọng và có công đức biết nhường nào?
– Bạn và gia đình phải tránh tất thảy mọi chuyện sát sinh, cho dù là những sinh vật nhỏ nhất; đặc biệt là không nên dùng đồ mặn để dâng cúng cho người vừa mất. Lý do? Nhằm giảm đi những nghiệp bất thiện – những nghiệp (rất có thể) khi còn sanh thời, chồng bạn đã phạm phải mà chưa kịp trả, nay lại bị những người thân gá thêm những tội bất thiện đó khiến nghiệp cũ, nghiệp mới chất chồng, càng làm cho anh ấy khó siêu thoát. Trong Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện Địa Tạng Bồ tát nói về việc sát sanh như sau: “Như sau khi người ấy đã chết, nếu lại có thể trong bốn mươi chín ngày vì người ấy mà tu tạo nhiều phước lành, thì có thể làm cho người chết đó vĩnh viễn xa lìa chốn ác đạo, được sanh vào cõi trời hoặc cõi người, hưởng sự vui thù thắng vi diệu; quyến thuộc hiện tại cũng được vô lượng lợi ích.”
“Vì lẽ đó nên nay con đối trước Ðức Phật Thế Tôn, cùng Thiên Long Bát Bộ, nhân và phi nhân v.v… mà khuyên bảo các chúng sanh trong cõi Diêm Phù Ðề: Vào ngày lâm chung, cần phải cẩn thận, chớ giết hại và chớ gây tạo ác duyên, cũng đừng bái tế quỷ thần, cầu xin vọng lượng.
Vì sao thế? Vì việc sát hại cho đến tế bái đó không có mảy may năng lực lợi ích cho người mất, mà chỉ kết thêm tội duyên, làm cho nặng thêm mà thôi.
Giả sử người chết đó, trong đời vị lai hoặc đời hiện tại, đắc được phần Thánh Quả, sẽ sanh vào cõi trời, cõi người; nhưng vì lúc lâm chung bị hàng quyến thuộc gây tạo ác nhân, làm cho người chết cũng mắc lấy ương lụy, phải đối biện, chậm sanh vào chốn tốt lành.
Huống chi là người sắp chết lúc sống chưa từng có chút thiện căn, phải y theo bổn nghiệp mà tự đọa ác đạo! Hàng quyến thuộc nỡ nào làm tăng nghiệp tội của người ấy?!
Ví như có người từ xứ xa đến, tuyệt lương thực đã ba ngày, lại vác theo đồ vật nặng hơn trăm cân, bỗng gặp kẻ lân cận gởi ít món đồ nữa, vì thế mà càng khốn đốn, nặng nề thêm.”
Này ông Trưởng Giả! Vì thế nên những chúng sanh trong cõi Diêm Phù, sau khi cha mẹ hay người quyến thuộc chết, nếu có thể thiết trai cúng dường, chí tâm cầu khẩn, thì những người như thế, kẻ còn lẫn người mất đều được lợi ích cả.”
– Ngoài chuyện ăn chay trường, tránh sát sanh mọi nơi, mọi chốn, bạn và gia đình nên thực hiện phóng sanh hàng tuần; làm các việc phước thiện (cúng dường Tam Bảo, bố thí tài vật, thuốc chữa bệnh cho người nghèo, người bệnh, cô nhi viện) hay in, ấn tống những tranh ảnh Phật, Bồ tát, những kinh sách (Kinh Vô Lượng Thọ; A Di Đà Kinh; Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện), băng đĩa Phật pháp cần thiết cho sự tu hành, rồi thành tâm cúng dường tới các chùa, đạo tràng hay những người có duyên với Phật pháp. Tất cả những việc thiện phước này bạn và gia đình hãy thành tâm hồi hướng cho anh ấy và nguyện cầu anh ấy được vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ.
– Nếu không thuận duyên, hàng tuần bạn không thể lên chùa cầu siêu, tại gia đình, bạn và người thân có thể hàng ngày sắp xếp thời gian hoặc sáng-trưa-chiều tối (tuỳ thuận thời gian, công việc) để tụng Kinh A Di Đà (Kinh A Di Đà và Nghi Thức Cầu Siêu) hay Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, kết hợp niệm Phật (Niệm hồng danh A Di Đà Phật) rồi khuyên anh ấy, vạn duyên buông xuống. Sao gọi là vạn duyên buông xuống? Sanh-tử, tử-sanh là nhân duyên nghiệp báo mà có, chuyển xoay mãi mãi không ngưng nghỉ rồi cũng theo những nghiệp đó mà trả nghiệp. Do vậy khi nghiệp tận ai cũng phải trả nghiệp cả. Vì thế chẳng nên luyến tiếc cuộc sống phàm trần đầy lo âu, phiền muộn này làm gì, mà hãy buông xả tất cả, nhất tâm cùng niệm Phật và phát nguyện vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ.
Quan trọng: Tất cả những việc phước thiện nào chị và gia đình có thể làm chị hãy ráng thực hiện trong vòng 49 ngày này. Bởi trong thời gian thất tuần (còn gọi là giai đoạn chuyển sanh) nếu người thân làm việc phước thiện hồi hướng cho người vừa mất thì công đức đó người vừa mất cũng chỉ nhận được 1/7, nghĩa là 7 phần công đức thì 6 phần người sống hưởng và người mất chỉ hưởng được 1 phần. Nói vậy để chị hiểu: Khi người thân còn sống, nếu mình làm được những việc công đức, phước thiện rồi hồi hướng cho nhau, tất 7 phần mọi người đều nhận được trọn vẹn. Ngược lại nếu người thân nếu lúc sinh thời, không có hoặc không tạo nhiều phước báu, nay qua đời, những người thân dẫu muốn hồi hướng thì cái phước báu đó người mất cũng nhận được rất là ít ỏi. Do vậy chị và gia đình phải hết sức trú trọng điều này để mọi hành vi, động niệm của mình không gây thêm sự tổn phước cho anh ấy.
Thiện Nhân nguyện cầu hồng ân Tam Bảo mười phương gia hộ để chồng bạn sớm được sanh về cõi an lạc.
PS. Thiện Nhân cũng giống như bạn, là người tu tại gia chứ không phải Tu sĩ, vì thế bạn cứ hoan hỉ coi TN như tình đồng đạo là được rồi, kẻo TN tổn phước nhé.
A Di Đà Phật
TN
Xin chào viên trí
Đọc xong lá thơ và bài thơ viên trí hồi đáp cho mình, mình rất cám ơn thành thật cám ơn viên trí mình như có thêm sức mạnh, nghị lực để quyết tu hành tin tấn hơn nguyện về cho được tây phương cực lạc, trước là cứu được cửu huyền thất tổ được sinh thiên sau độ cho chúng sanh lìa khổ được vui.
Mình cũng nghĩ như viên trí có lẻ mình ko có duyên khuyên người niệm phật ngay cả ba mẹ chồng mình biếc đi chùa lại phật nhưng chắc cũng chưa tin nên cũng ko niệm phật mình cũng có khuyên nhưng ko được.thôi thì khuyên người ko được thì mình tự vãng sanh mình về trước rồi độ mọi người về sau.
Một lần nữa thành tâm cám ơn viên trí, chúc nhiều sức khoẻ hoằng dương phật pháp
Nam mô a di đà Phật!
Thưa thầy!
Chồng con mới mất được hơn 49 ngày do tai nạn giao thông. Buổi tối hôm đó do một người bạn của con từ xa đến nhà con chơi, trước lúc đến chơi bạn con có bảo lúc về thì nhờ chồng con đưa về, lúc con nhờ a ấy đưa bạn con về thì a ấy bảo ko thich đi, nhug do con bảo nên a ấy đành phải đi. Nào ngờ tai hoạ lại ập xuống, chồng con ko bao giờ trở về nữa. Chồng con là người hiền lành, yêu thương vợ con. Con luôn cảm thấy ân hận vì chính mình gián tiếp làm a ấy phải ra đi như vậy. Gd con có làm lễ cầu siêu lúc 1 tuần, 35 ngày, 49 ngày, lập đàn cắt kết, phổ độ gia tiên. Hàng ngày cúng cơm chay. Sau 49 ngày, nhà con co nhờ người gọi hồn ck con về, a ấy khóc lóc, cầu xin được cứu. Gd con thuong lắm nhug ko thể làm Dc gì. A ấy bảo hôm đó ko muốn đi nhưng vi con bảo nên a ấy dua bạn con về,a ay bảo là trước đó buồn vì con dấu việc gì đó o cơ quan, nhug thực sự con ko dấu gì cả. Con khổ tâm lắm, chăc vì giận con mà a ấy muốn sau 100n chuyển bàn thờ xuống nhà bố mẹ chồng con( vợ chồng con đang ở riêng), a ay nói chỉ thương mẹ và con gái. Chắc a ấy giận con lắm. Ck con bảo tháo giường cười của vợ chồng con. Hiện tại con niệm phật trong tâm, con cg khuyên a ay đừng vương vấn gi siêu thoát.cho con hỏi giờ con nên làm gì để giúp ck con siêu thoát, giờ chắc ck con vẫn quanh quan trong nhà. Khổ thân ck con lắm, nhieu lúc con chỉ muốn theo a ay nhưg vì đua con nên con phai cố sống.liệu chồng con có giận, có tha thu cho con ko ạ, có như vậy Con mới sống Dc,
Con xin cảm ơn! Nam mô a di đà phật!
A Di Đà Phật – Chị Giang thân mến,
Trước tiên Tịnh Thái xin chân thành chia buồn cùng Chị và gia đình. Mất mát người thân là một trong những sự đau khổ của tha nhân…hầu như ai trong đời này cũng phải trải qua, phải tiếp nhận. Việc quan trọng lúc này là Chị cần tỉnh táo, nén đau thương mà làm những việc có ích nhất cho người thân quá cố của mình:
Trước tiên, trong tâm Chị phải rõ ràng 1 việc: Phàm phu chúng ta sanh ra đời đều có số mạng, sanh tử như thế nào thì phải như thế ấy, không ai thế cho, đến ngày đến giờ thì phải ra đi. Do đó, Chị đừng tự dằn vặt mình nữa, chẳng qua duyên số của anh ấy với thế gian này đã hết nay anh ấy phải ra đi. Nhà Phật gọi là Định Nghiệp. Khi Định nghiệp đến với một ai đó thì ngay cả Phật hay Bồ Tát cũng chẳng thể thay đổi được, chẳng thể giúp cho người đó được. Cho nên trên Kinh Vô Lượng Thọ – Phật dạy chúng ta “…Nghiệp báo chúng sanh là không thể nghĩ bàn…”. Đã không thể nghĩ bàn thì phàm phu chúng ta chỉ biết tin nhận mà thôi. Chị càng dằn vặt mình thì hương hồn anh ấy lại càng khổ tâm Chị ạ.
Thay vì vậy, Chị hãy dành thời gian rảnh mà làm những việc sau: Niệm A Di Đà Phật (ưu tiên 1), đọc Kinh Địa Tạng (nếu có nhiều thời gian), ăn chay, phóng sanh, làm thiện, bố thí, giúp đỡ người nghèo, khuyên anh ấy nếu có linh thiêng nghe được lời Chị thì hãy cùng niệm A Di Đà Phật với chị, cầu nguyện Đức Phật A Di Đà đón anh về Tây phương Cực Lạc, anh có được về Tây phương Cực Lạc rồi thì sau này anh mới có thể nương vào oai lực gia trì của A Di Đà Phật mà quay lại thế giới này giúp đỡ cho Mẹ anh, cho con anh và cho em, đó là anh thật sự biết thương Mẹ, thương con và thương em…và sau đó Chị niệm Nam Mô A Di Đà Phật, từng câu nối tiếp từng câu cho đến khi Chị mệt thì nghỉ. Chị hãy phát tâm vì anh ấy mà làm những việc này MỖI NGÀY cho đến ngày giỗ đầu của anh ấy Chị nhé.
Hơn nữa trong thời gian này, Chị phải nhẫn nhịn tất cả mọi việc, tất cả trách hờn của người thân anh ấy, do họ không hiểu rõ lý nhân quả, vô thường mà sẽ có ko ít người trong âm thầm, trực tiếp hay gián tiếp trách hờn Chị, kết tội Chị về sự ra đi của anh ấy…Đây là lúc Chị phải bình tĩnh và nhẫn nại nhất. Nhất là Cha Mẹ và người thân ruột thịt của anh ấy. Chị không được hờn giận họ, ko được phản ứng giận dữ với họ, phải tử tế chân thành với họ, chăm sóc cho Mẹ Cha anh ấy thật chu đáo thay cho anh ấy. Hãy làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con Chị. Đó chẳng phải là những điều mong muốn của anh ấy lúc này sao? Sau này khi thích hợp Chị cũng nên chia sẻ cho con Chị hiểu về việc ra đi của Cha nó theo cách nhẹ nhàng nhất và đúng theo lẽ vô thường sanh tử như là Tịnh Thái đã chia sẻ bên trên với Chị.
Nếu Chị thật sự làm được chính xác theo lời chia sẻ của Tịnh Thái ở trên thì hương hồn anh ấy một lúc nào đó tự nhiên sẽ cảm động, tự nhiên sẽ thông hiểu việc này, rất nhanh thôi thì anh ấy cũng được siêu sanh về cõi lành, nếu như thật sự Chị làm đúng theo những gì Tịnh Thái chia sẻ ở trên bằng hết tấm lòng CHÂN THÀNH của Chị.
Còn việc quyên sinh tự sát theo chồng là vô ích: Chị có nghiệp riêng của Chị thì Chị có chết đi thì cũng chưa chắc gì gặp được anh ấy như đúng lời Phật dạy trong Kinh Vô Lượng Thọ: “…sanh cũng một mình, tử cũng một mình, đến đi một mình, khổ vui tự chịu, không ai thế được. Thiện ác biến hóa, nghiệp thức theo đuổi đến từng kiếp sống, đường đạo không đồng, không dịp gặp gỡ…”
Hơn nữa tự sát là đại bất hiếu, có lỗi lớn với Cha Mẹ Chị, là có lỗi lớn với chồng Chị, với con Chị và với bản thân Chị. Chị tự gây đau khổ cho người thân của mình, họ vừa mất 1 người thân, nay lại mất thêm một người nữa…hơn nữa hương hồn của người tự sát thường phải tự chính họ làm lại cái việc tự sát này nhiều lần, cứ khoảng 7 ngày thì họ lại lặp lại việc tự sát này 1 lần, lại chịu khổ 1 lần, chính linh hồn của họ tự nhận lấy quả báo này do chính cái nhân tự sát mà họ tạo ra, khổ vô cùng tận, ko thể nói hết…
Tịnh Thái xin nhắc lại 1 lần nữa: Nếu Chị làm đúng như lời Tịnh Thái chia sẻ ở trên thì rất nhanh chóng thôi, chồng Chị sẽ được siêu thoát về cõi an lành, sẽ cảm ơn Chị chứ chẳng có giận hờn Chị nữa đâu 🙂
Những lời Tịnh Thái chia sẻ chính là Tịnh Thái góp nhặt lời Phật dạy trong Kinh Địa Tạng và lời dạy của HT. Tịnh Không, cho nên từng chữ từng câu đều là lời chân thật. Chị nên tin tưởng, ghi nhớ và làm theo. Được vậy thì cả Chị lẫn anh ấy ai cũng được lợi ích, xem như cũng trọn vẹn tình nghĩa vợ chồng kiếp này vậy.
Nếu còn có gì gúc mắc Chị cứ mạnh dạn chia sẻ, huynh đệ trên DVCT luôn sẵn lòng chia sẻ cùng Chị.
Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật!
Con xin cảm ơn chú Tịnh Thái! Đọc những lời chú chia sẻ lòng con cũng nhẹ đi một chút. Hiện tại do con đag nuôi con nhỏ nên con sợ ăn chay sẽ ảnh hưởng đến việc cho con ăn. Bố mẹ chồng con ko oán trách con, cũng động viên con. Con biết họ cũg đau lắm, những phải gượng dậy để làm chỗ dựa cho mẹ con con. Hàng ngày con vẫn niệm Phật bất cứ lúc nào trong ngày, lúc cúng cơm cho chồng con đều khuyên chồng con đừng vương vấn, đừng có lo cho mẹ con con. Trong thâm tâm con luôn nguyện là sẽ thay anh ấy nuôi dạy con thật tốt, xem bố mẹ chồng con như bố mẹ đẻ, con sẽ phụng duỡng họ thay phần của anh ấy. Đến giờ con vẫn chưa thể tin chồng con đã ra đi. Con chưa bao giờ nghĩ vợ chồng con lại âm dương cách biệt, con nhớ anh ấy lắm, chồng con mới 28 tuổi, còn quá trẻ, còn cả một tuơng lai phía truớc.con gái con mới tròn 1 tuổi, ko thể nhớ dc gì về ba. Con ân hận và day dứt lắm, ko bít anh ấy có tha thứ cho con ko? Con sẽ làm mọi viêc để anh ấy được siêu thoát. Ngày rằm, mồng một con lên chùa cầu nguyện cho anh ấy được siêu thoát. Con ko biết cuộc sống của con sẽ như thế nào nếu ko có anh ấy bên cạnh. Thầy cho con hỏi, liệu chuyện gọi hồn có tin được ko ạ? Liệu những lời anh ấy nói có thật lòng anh ấy đang nghĩ ko ạ? Con thương anh âý lắm, nghĩ đến cảnh chồng con đang nằm lạnh lẽo duới đất, hoang mang và cô đơn là con đau lòng lắm…
A Di Đà Phật – Chào Chị Giang:
Xin Chị vui lòng đọc lại thật chậm và nhiều lần hồi đáp của Tịnh Thái ở bên trên, tất cả câu hỏi mà Chị hỏi đều được trả lời rồi ạ. Duy chỉ còn một câu Chị hỏi là gọi hồn có tin được không? Việc này trong Kinh Phật không có dạy chúng ta làm như vậy, đây là việc làm không đáng tin lắm và rất dễ bị lâm vào tình cảnh là “tiền mất tật mang”. Phật không dạy chúng ta đối xử với người mất theo cách như vậy. Và cái thân xác nằm trong lòng đất kia giờ đây ko phải là “anh ấy” nữa, vì đó là cái xác không hồn, đang bị hủy dần theo lẽ vô thường tự nhiên, chứ chẳng phải là chồng chị còn đang nằm đó đâu. Hương hồn anh ấy đang rất cần Chị làm những việc mà Tịnh Thái đã chia sẻ ở trên chứ chẳng phải mong Chị gọi hồn hay bi ai thương tiếc mê muội như vậy…Xin Chị hãy cứng rắn lên, hãy nén bi thương mà làm những việc lợi ích nhất cho anh ấy đúng theo lời Phật dạy Chị nhé.
Mong lắm thay…
Nam Mô A Di Đà Phật.
Bạch thầy, còn đã hiểu nhưng điều thầy dạy, con sẽ cố gắng hết sức mih để làm những việc đó vì chồng con, có lẽ đó là điều cuối cùng con có thể làm cho a ấy, để con được thanh thản một phần nào đó để sống tiếp và nuôi dạy con. Tuy nhiên, con cũng muốn hỏi thầy là làm sao biết được chồng con đã siêu thoát hay chưa và đang ở cõi nào ạ? Liệu có thế giới bên kia ko ạ?
A di đà phật!
Thưa thầy mẹ con mới mất được 3 ngày con muốn tụ kinh cho mẹ con mà không biết nên tụ kinh gì cho đúng xin bạch thầy chỉ dùm cho con
A Di Đà Phật – Chào Chị Thúy Ngân:
Trước tiên Tịnh Thái xin chân thành chia buồn cùng Chị và gia đình. Mất mát người thân là một trong những sự đau khổ của tha nhân…hầu như ai trong đời này cũng phải trải qua, phải tiếp nhận. Việc quan trọng lúc này là Chị cần tỉnh táo, nén đau thương mà làm những việc có ích nhất cho người thân quá cố của mình:
Chị hãy dành thời gian rảnh mà làm những việc sau: Niệm A Di Đà Phật (ưu tiên 1), đọc Kinh Địa Tạng (nếu có nhiều thời gian), ăn chay, phóng sanh, làm thiện, bố thí, giúp đỡ người nghèo, khuyên Mẹ Chị nếu có linh thiêng nghe được lời Chị thì hãy cùng niệm A Di Đà Phật với chị, cầu nguyện Đức Phật A Di Đà đón Mẹ về Tây phương Cực Lạc, Mẹ có được về Tây phương Cực Lạc rồi thì sau này Mẹ mới có thể nương vào oai lực gia trì của A Di Đà Phật mà quay lại thế giới này giúp đỡ cho tụi con, đó là mẹ thật sự biết thương Mẹ, biết thương tụi con…và sau đó Chị niệm Nam Mô A Di Đà Phật, từng câu nối tiếp từng câu cho đến khi Chị mệt thì nghỉ. Chị hãy phát tâm vì Mẹ mà làm những việc này MỖI NGÀY cho đến ngày giỗ 100 ngày của Mẹ Chị nhé.
Nếu còn có gì gúc mắc Chị cứ mạnh dạn chia sẻ, huynh đệ trên DVCT luôn sẵn lòng chia sẻ cùng Chị.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Nam mô a di đà phật!
Kính gửi: thầy Thiện Nhân
Con của con mới sinh được 80 ngày, cháu đi tiêm phòng và bị sốc thuốc đã qua đời hôm nay buốc sang ngày thứ 3. Cháu bé mất ở bệnh viện, gia đình đã đưa cháu an táng tại quê nhà ngay khi cháu mất. Sau đó xin chân nhang mang về nhà mời thầy cúng lập bàn thờ và làm các thủ tục. Thầy cho con hỏi, như vậy hồn của con con có về nhà không hay vẫn ở bệnh viện. Và trong tuần 49 gia đình con phải làm những gì cho cháu.
Con cám ơn thầy
Kính gửi thầy Thiện Nhân!
Con có một gúc mắc trong lòng muốn hỏi xin Thầy chỉ giúp con.Có một đứa trẻ 8 tuổi bị bố đánh dẫn đến cái chết.Tuy gia đình bên nội co làm đám tang cho cháu nhưng không cúng 49 ngày hay gì hết. Thầy cho con hỏi như vậy có gọi là chết oan không và 8 tuổi thì có làm giỗ cho bé không. Con không quen biết cháu con đọc trên mạng thì lúc này đã trễ rồi vì cháu đã mất hơn 5 tháng rồi. Khi biết hoàn cảnh đáng thương của cháu con có nhờ người quen cúng cho cháu nhưng lòng con vẫn không yên. Con muốn làm cho cháu điều gì đó để an ủi linh hồn cháu. Con muốn đến ngày giỗ của cháu nhờ nhà Chùa cúng cho cháu đươc không vì cháu ở Bắc Ninh còn con ở SG và con đạo Chúa…Con xin Thầy chỉ cho con phải làm sao. Con xin cám ơn Thầy.
A Di Đà Phật
Chị Phương Ngọc kính mến,
Thiện Nhân rất cảm kích trước tấm lòng từ bi của chị và cũng thật thấy đau xót cho hành động thiếu nhân tính của người cha dành cho cháu nhỏ xấu số.
Thông thường một người khi mới qua đời, tuỳ theo nghiệp lực hiện tiền của người đó, không phân biệt là già, trẻ, trai, gái, sang, hèn, giai cấp, chủng tộc… nếu người đó không tu Đạo, là người có Nhân chuyên hành phước thiện, không mảy may tạo nhân ác, rất có thể ngay khi xả báo thân (trong vòng 8-24 giờ, hoặc trong vòng 7-14 ngày) người đó đã có thể chuyển sanh ngay về các cõi lành như: trời, người, a tu la và ngược lại thì cũng rất có thể, ngay lúc đó cũng sẽ thọ sanh ngay về những cảnh giới bất thiện: Địa ngục, ngạ quỷ hay súc sanh, chứ không nhất thiết phải chờ tới đủ 49 ngày người đó mới được chuyển sanh, hay thọ sanh theo nghiệp báo tương xứng.
Trường hợp của cháu bé nếu nhìn nhận sự việc theo con mắt phàm tục (của người thế gian) thì đúng là cháu bị chết oan – oan (có lẽ) vì cháu là một đứa trẻ, vốn vô tội, mà bị bố đánh tới chết. Nhưng nếu chúng ta chiếu xét theo Nhân-Quả và giáo lý của Phật dạy thì cái Quả của ngày hôm nay chính là cái Nhân người đó đã gieo từ tiền kiếp hoặc từ vô lượng kiếp. Nay nhân duyên tròn đầy, người đó phải trả lại những nghiệp ác mà mình đã tạo tác cho người đối diện từ vô lượng kiếp. Do vậy khi chiếu xét về Nhân-Quả vốn không nhìn nhận người đó là trẻ con hay người lớn, trái lại được nhìn nhận bởi cái Nhân (thiện hay ác) đã gieo từ tiền kiếp, và sẽ phải trả Quả (đón nhận cái Quả tương xứng) cho kiếp hiện tại.
Cháu bé qua đời đã hơn 5 tháng, ngày mất cũng không được gia đình lo lắng chọn vẹn, đây kể như cũng là cái phước báu của cháu bé từ tiền kiếp và kiếp hiện tiền thật vô cùng ít ỏi, chính vì thế khi bị người thân của mình đoạt mạng, những người khác cũng không có sự quan tâm thích đáng (cúng thất tuần) để tạo thêm phước báu, nhân duyên giúp cho cháu bé được hoan hỉ để ra đi hay thọ sanh vào những cảnh giới an lạc hơn.
Trong Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, Đức Địa Tạng Bồ Tát nói rất rõ: Một người thân, khi qua đời, nếu những thân quyến muốn báo hiếu, báo ân, dù làm chọn vẹn đi chăng nữa, người mất đó cũng chỉ hưởng được 1/7 những công đức hay phước thiện mà người thân gieo cho. Điều cho cho thấy: Một người khi chết đi, nếu người thân hiểu đạo, lo lắng vẹn toàn, người chết cũng nhận được chẳng được là bao. Tuy nhiên cái phần phước 1/7 đó nó tạo thêm những động lực, gieo thêm nhân lành, phước thiện cho người vừa qua đời, giúp họ giác ngộ mà tu đạo, rồi nguyện sanh về những cõi an lạc. Qua đó chúng ta thấy điều gì? Nếu hoặc muốn làm những việc phước thiện cho nhau, ngay lúc này, bây giờ và hiện tại – khi chúng ta, những người thân của chúng ta còn sống – chúng ta hãy vì nhau, vì họ mà làm thêm thật nhiều những việc phước thiện. Được như thế, những người thân của chúng ta sẽ được hưởng trọn vẹn 7/7 phần công đức mà chúng ta hồi hướng cho người thân của mình. Chứ nếu đợi đến lúc người thân lần lượt bỏ ra đi, chúng ta mới sực tỉnh, hoặc muốn làm những chuyện phước thiện – TN nghĩ lúc ấy cũng thực đã muộn màng và thật vô cùng ít ỏi.
Trường hợp của cháu bé chết đột tử như vậy chắc chắn sẽ rất hoảng loạn và sân hận. Hoảng loạn vị cháu chưa đủ khả năng để lý giải về sự sống và cái chết; sân hận vì mình vô cớ bị chính người cha ruột của mình đánh chết. Xuất phát từ hai yếu tố này, rất có thể cháu sẽ phải thọ sanh vào những cảnh giới không được an lạc, hoặc sẽ khó được siêu thoát.
Khi biết hoàn cảnh đáng thương của cháu con có nhờ người quen cúng cho cháu nhưng lòng con vẫn không yên. Con muốn làm cho cháu điều gì đó để an ủi linh hồn cháu.
Tấm lòng từ bi của chị có thể cảm được đến Trời, Phật và các Long Thần, Hộ Pháp. Cũng nương nhờ đó mà cháu bé được an ủi phần nào. Tuy nhiên nếu muốn thực sự giúp cho cháu bé được siêu thoát, việc tốt nhất là thỉnh Chư Tăng (những vị Chân Tăng trên chùa chứ không phải các vị thầy cúng thông thường) và làm lễ cầu siêu cho cháu bé, dẫu cho đã muộn màng, nhưng vẫn có thể gieo cho cháu cái nhân lành để trường hợp cháu chưa siêu thoát sẽ nương vào đó mà tu hành, rồi cũng nương đó mà giác ngộ và giải thoát; hoặc cũng nương đó mà có thêm một hành trang cho một kiếp sống vị lai…
Con muốn đến ngày giỗ của cháu nhờ nhà Chùa cúng cho cháu đươc không vì cháu ở Bắc Ninh còn con ở SG và con đạo Chúa…
Thiện Nhân nghĩ: Đạo nào cũng dạy, cũng hướng con người ta hành thiện, bỏ ác và luôn biết sống chân, thiện, mĩ, yêu thương, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc gian khó, hoạn nạn. Chị chớ nên e ngại vì mình là người theo đạo Công giáo, nên không thể lo hay làm những chuyện phước thiện của đạo Phật. Chữ Đạo nói chung chính là cốt cách, nhân tánh của con người. Trong đạo Phật chữ Đạo chính là Tâm Đạo – Tâm Đạo này vốn có trong mỗi chúng sanh chẳng phân biệt người đó là ai, tu hay theo đạo phái, quốc gia, lãnh thổ nào… Nhưng muốn có Tâm Đạo và giữ được Tâm Đạo thì mọi người ai nấy đều phải chuyên hành thiện, thực tâm tu hành và trì giới nghiêm minh. Do vậy TN nghĩ: những gì chị đang nghĩ, đang làm và đang muốn thực hiện đó cũng chính là Tâm Đạo trong chị đang trỗi dậy và sanh trưởng. Và chắc chắn cháu bé không quen biết kia cũng sẽ cảm nhận được những ân, đức mà chị dành cho cháu.
Thiện Nhân rất hy vọng những người thân của cháu bé bất hạnh kia, dù chỉ là tình cờ thôi, khi đọc được những tâm sự của chị, trong họ sẽ khởi lên những lời sám hối. Nhờ biết sám hối mà rất có thể, trong tương lai những người thân của cháu bé sẽ dũng mãnh để đến với đạo Phật – Đạo có thể giúp mọi người: phá mê-khai ngộ; lìa khổ-được vui; chuyển phàm-thành Thánh.
Nguyện cầu hồng an Tam Bảo và mười phương chư Phật gia hộ để cháu bé bất hạnh sớm được sanh về cõi an lạc.
Chúc chị thân tâm luôn an lạc, dũng mãnh và tinh tấn trên con đường học và tu đạo của chính mình.
TB. Thiện Nhân không phải Tu sĩ xuất gia, nên chị cứ hoan hỉ trao đổi như tình bạn bè, đồng đạo. Được như vậy TN cảm niệm vô cùng.
A Di Đà Phật
A Di Đà Phật
Gửi chị Thuý Hồng,
Trước hết Thiện Nhân cùng các Đạo hữu thành tâm phân ưu cùng chị và gia đình. Việc cháu còn quá nhỏ mà đã qua đời quả là chuyện đau lòng cho cha mẹ. Có điều rất may mắn (nói đúng hơn) là chị đã đến được với ĐVCT – đây cũng kể như là một phước báu chị còn có được, cũng vì thế, đứa con nhỏ bé của anh chị sẽ được nương nhờ mà có thể chuyển sanh về cõi an lạc.
Trước khi TN có lời chia sẻ cùng chị, xin cho TN nói sơ lược đôi dòng về những lời Phật dạy. Phật dạy chúng ta điều gì? Dạy chúng ta nhận biết cuộc đời này là: Sanh, lão, bệnh, tử là khổ=con người sanh ra, ai cũng sẽ già, mắc bệnh, và chết; ái biệt ly khổ= Yêu thương mà phải chia cắt, xa lìa là khổ; Cầu bất đắc khổ= Mọi điều mình mong nguyện chẳng như y, chẳng thành tựu là khổ; Oán tắng hội khổ=Thù hận nhau, không ưa thích nhau mà phải đối diện, chung sống với nhau là khổ; Ngũ ấm xí thạnh khổ=hiểu giản đơn là nỗi khổ tổng hợp của 7 nỗi khổ nói trước.
Như vậy chị đã có khái niệm về số phận một con người khi có mặt trong cõi Ta Bà (gọi là cõi Kham Nhẫn, nghĩa là chịu đựng tất cả mọi nỗi khổ đau của một kiếp người) này và khi có khái niệm chị sẽ nhận thấy: một đứa trẻ sinh ra (trong đó có cả chúng ta) cũng đồng nghĩa nó và chúng ta đã chấp nhận bản án “tử hình” cho chính mình ngay lúc mới lọt lòng. Nghĩa là chấp nhận 8 nỗi khổ nói trên rồi, còn bản án “tử hình” giáng lên thân đứa trẻ và chúng ta lúc nào lại phụ thuộc vào những nghiệp thiện-ác mà đứa trẻ và chúng ta đã gây tạo từ vô lượng kiếp tới nay.
Trong Kinh Nhân Quả Ba Đời Phật nói:
Muốn biết nhân đời trước
Xem sự hưởng đời này.
Muốn biết quả đời sau
Xem việc làm kiếp này.
Nhân đời trước là gì? Chính là những nhân thiện và nhân ác. Nếu chiếu xét sự việc của cháu theo lời Phật dạy (Lời Phật vốn không bao giờ sai quấy) thì mạng phước của cháu vốn không có. Nói cụ thể hơn: cháu có một tiền kiếp không năng tạo phước báu (VD: Sát sanh, hại người, hại vật) vì thế, khi cháu thọ sanh vào kiếp này, cái nghiệp (tức cái Nhân) của tiền kiếp đã đeo bám và gặp duyên (tiêm chủng) thì cháu đã phải bỏ mạng.
Vấn đề quan trọng đối với anh chị: Cháu chết có phải là hết không? Có phải là tất cả không? Nếu chúng ta không hiểu, không học đạo Phật, rất có thể chúng ta sẽ nghĩ: Chết là hết! Còn điều gì nữa để mà nói? Thực tế không phải vậy. Chết – cho dù là người thượng thọ 100 tuổi, hay kẻ thai nhi trong bụng mẹ cũng chỉ là một sự chuyển tiếp từ một sự sống này sang một sự sống khác mà thôi. Tuy nhiên người thượng thọ và người yểu tử khi xả báo thân có sự khác biệt, bởi theo lý nhân-quả Phật dạy để chiếu xét thì người thượng thọ vốn có nhân tu đạo, nhờ làm nhiều phước thiện (ăn chay, phóng sanh, cúng dường Tam Bảo…) nên thọ mạng kéo dài; ngược lại người yểu tử do cái nhân tiền kiếp và kiếp hiện tại không có, nay không kịp tạo nhân phước thiện, nên lại phải vội vàng theo nghiệp báo đã gieo để thọ sanh vào những cõi tương tự. Ví như: Nhân tham=đoạ vào địa ngục; Nhân sân=đoạ vào ngạ quỷ; Nhân si=đoạ làm súc sanh.
Anh chị có thể làm được điều gì cho cháu bé? Rất nhiều và phải làm ngay trong 49 ngày thì mới kịp, bởi sau 49 ngày, mọi việc đã được sắp định xong xuôi: Người nhiều nghiệp thiện=thọ sanh lên cõi trời, người, hoặc A Tu la. Ngược lại sẽ đi vào 3 đường dữ: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
1. Anh chị nên di linh (đưa vong linh) của cháu lên chùa. Điều này anh chị chỉ cần lên một chùa gần nhất, thưa chuyện với Chư Tăng, sẽ nhận được hướng dẫn cụ thể. Tại sao nên đưa cháu vào chùa? Bởi cháu chết đột ngột, tâm thần sẽ rất hoảng loạn. Nếu để cháu trong chùa, hàng ngày có sự chú nguyện, tụng kinh, cầu siêu của các Chư Tăng, tâm của cháu sẽ được an và cũng từ đó mà được giác ngộ rồi tu hành, phát nguyện sanh về cõi an lạc.
2. Anh chị nên phát tâm ăn chay trường. Sao gọi là phát tâm? Cái tâm ấy khởi lên từ lòng từ bi của chính mình đối với chúng sanh muôn loài. Thứ nữa, rất có thể cháu bé vì những nghiệp sát sanh từ tiền kiếp, nay chưa có cơ hội để trả nghiệp nên phải theo nghiệp đó mà bỏ mạng, giờ người thân không biết, lại tiếp tục sát sanh để ăn uống, cúng tế cho cháu=nghiệp cũ, nghiệp mới chất chồng, cháu sẽ càng thêm đau khổ và oán hận người thân.
3. Hàng tuần nên lên chùa, thỉnh Chư Tăng làm lễ Chay, rồi cùng tụng kinh, cầu siêu cho cháu bé.
4. Nên thực hiện phóng sanh hàng tuần (mua các loại sinh vật: chim, cá…)
5. Tạo thêm những việc công đức khác: Cúng dường Tam bảo, lên chùa làm công đức, in, tạo các loại kinh sách, tranh, tượng Phật và Bồ Tát rồi cúng dường vào các chùa, niệm Phật đường, thiền viện… Tất cả những phước thiện này anh chị thành tâm hồi hướng hết cho cháu bé và nguyện cho cháu được vãng sanh về Cõi Cực Lạc.
Trường hợp anh chị không có cơ duyên lên chùa hàng tuần, anh chị có thể thỉnh Kinh A Di Đà Nghi Thức Cầu Siêu, hay Kinh Địa Tạng Bổn nguyện rồi về nhà, hàng ngày nhất tâm trì tụng, kế đó cùng nhau niệm Phật, rồi hồi hướng công đức, nguyện cho cháu bé được về cực lạc.
Quan trọng: Anh chị chớ nên khóc, ủ rũ, âu sầu, hay tỏ ý luyến thương cao độ, bởi đó là những trở ngại cho việc vãng sanh của cháu bé.
TN xin chép lại Phẩm thứ 7 – Phẩm quan trọng nhất trong Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện và mong anh chị đọc thật kỹ để biết mình phải làm gì để có thể cứu giúp đứa con kém phước của mình.
TN cũng nguyện cầu hồng ân Tam Bảo, nguyện cầu Phật A Di Đà thuỳ từ phóng ánh từ quang tiếp dẫn hương linh cháu bé về miền Cực lạc.
Thiện Nhân cũng như chị, là người tu tại gia chứ không phải Thầy Tăng. Mong chị cứ hoan hỉ chia sẻ như tình đồng đạo, kẻo TN tổn nhiều phước lắm.
A Di Đà Phật
PHẨM THỨ BẢY – LỢI ÍCH CHO CẢ KẺ CÒN NGƯỜI MẤT
Lúc đó, Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát bạch cùng Ðức Phật rằng: “Bạch Ðức Thế Tôn! Con xem xét chúng sanh trong cõi Diêm Phù, cử tâm động niệm không chi là chẳng phải tội. Họ từ bỏ những thiện lợi có được và phần nhiều thối thất tâm tốt ban đầu, nếu gặp ác duyên thì niệm niệm tăng trưởng. Những hạng người này như kẻ đi trong bùn lầy mà còn mang đá nặng, nên càng khốn đốn, nặng thêm dần, chân càng lún xuống sâu.
Nếu được gặp hàng Tri Thức thì sẽ được gánh vác giùm bớt, hoặc gánh hết cho. Vì hàng Tri Thức đó có sức rất mạnh, lại dìu đỡ, khuyến khích làm cho mạnh chân lên. Nếu đến chỗ đất bằng phẳng rồi, thì phải xét nghĩ đến con đường hiểm xấu ấy, không đi vào đó nữa.”
“Bạch Ðức Thế Tôn! Những chúng sanh tập khí xấu ác, bắt đầu từ mảy mún rồi lần đến nhiều vô lượng.
Ðến khi những chúng sanh có tập khí như thế sắp sửa mạng chung, thì cha mẹ cùng quyến thuộc nên vì họ mà tạo phước đức, để giúp cho lộ trình phía trước của họ. Hoặc treo phan lọng và thắp đèn dầu, hoặc chuyển đọc tôn kinh, hoặc cúng dường tượng Phật cùng tượng của chư Thánh, cho đến niệm danh hiệu của Phật, Bồ Tát cùng Bích Chi Phật, làm cho mỗi danh mỗi hiệu đều thấu vào nhĩ căn của người sắp mạng chung, hoặc nơi bổn thức nghe biết.
Các chúng sanh đó, cứ theo nghiệp ác đã gây tạo mà suy lường quả báo chiêu cảm, tất phải đọa vào ác đạo; song nhờ quyến thuộc vì kẻ lâm chung mà tu nhân Thánh này, các tội đó thảy đều tiêu sạch.
Như sau khi người ấy đã chết, nếu lại có thể trong bốn mươi chín ngày vì người ấy mà tu tạo nhiều phước lành, thì có thể làm cho người chết đó vĩnh viễn xa lìa chốn ác đạo, được sanh vào cõi trời hoặc cõi người, hưởng sự vui thù thắng vi diệu; quyến thuộc hiện tại cũng được vô lượng lợi ích.”
“Vì lẽ đó nên nay con đối trước Ðức Phật Thế Tôn, cùng Thiên Long Bát Bộ, nhân và phi nhân v.v… mà khuyên bảo các chúng sanh trong cõi Diêm Phù Ðề: Vào ngày lâm chung, cần phải cẩn thận, chớ giết hại và chớ gây tạo ác duyên, cũng đừng bái tế quỷ thần, cầu xin vọng lượng.
Vì sao thế? Vì việc sát hại cho đến tế bái đó không có mảy may năng lực lợi ích cho người mất, mà chỉ kết thêm tội duyên, làm cho nặng thêm mà thôi.
Giả sử người chết đó, trong đời vị lai hoặc đời hiện tại, đắc được phần Thánh Quả, sẽ sanh vào cõi trời, cõi người; nhưng vì lúc lâm chung bị hàng quyến thuộc gây tạo ác nhân, làm cho người chết cũng mắc lấy ương lụy, phải đối biện, chậm sanh vào chốn tốt lành.
Huống chi là người sắp chết lúc sống chưa từng có chút thiện căn, phải y theo bổn nghiệp mà tự đọa ác đạo! Hàng quyến thuộc nỡ nào làm tăng nghiệp tội của người ấy?!
Ví như có người từ xứ xa đến, tuyệt lương thực đã ba ngày, lại vác theo đồ vật nặng hơn trăm cân, bỗng gặp kẻ lân cận gởi ít món đồ nữa, vì thế mà càng khốn đốn, nặng nề thêm.”
“Bạch Ðức Thế Tôn! Con xem xét chúng sanh cõi Diêm Phù Ðề, ở trong giáo pháp của chư Phật, nếu có thể làm thiện sự chừng bằng một sợi lông, một giọt nước, một hạt cát, một mảy bụi, thì tất cả đều tự mình được sự lợi ích.”
Nói lời như thế xong, trong Pháp Hội có một vị Trưởng Giả tên là Ðại Biện, ông Trưởng Giả này từ lâu đã chứng Vô Sanh, hiện thân Trưởng Giả để hóa độ mười phương, chắp tay cung kính hỏi Ðịa Tạng Bồ Tát rằng: “Thưa Ðại Sĩ! Trong cõi Nam Diêm Phù Ðề có chúng sanh nào sau khi mạng chung mà hàng quyến thuộc kẻ lớn người nhỏ, đều vì người chết đó mà tu công đức, cho đến thiết trai, tạo những thiện nhân, thì người chết đó có được lợi ích lớn và được giải thoát chăng?”
Ðịa Tạng Bồ Tát đáp rằng: “Này ông Trưởng Giả! Nay tôi vì tất cả chúng sanh trong hiện tại cùng vị lai, nương oai lực của Ðức Phật mà lược nói về việc đó.
Này ông Trưởng Giả! Những chúng sanh ở hiện tại hay vị lai, lúc sắp mạng chung mà nghe được danh hiệu của một đức Phật, danh hiệu của một vị Bồ Tát, danh hiệu của một vị Bích Chi Phật, thì bất luận là có tội hay không tội, thảy đều được giải thoát cả.”
“Như có người nam hoặc người nữ nào, lúc sống đã không tu thiện nhân mà lại tạo nhiều nghiệp tội, sau khi mạng chung lại được hàng quyến thuộc vì người chết mà tu tạo phước lợi lớn nhỏ; thì tất cả Thánh sự, trong bảy phần công đức, người chết được một phần, còn sáu phần thuộc về người sống hiện lo tu tạo đó.
Vì thế cho nên, các thiện nam thiện nữ ở hiện tại và vị lai, nghe lời nói vừa rồi đó nên cố gắng tự tu hành, thì được hưởng trọn phần công đức.
Ðại quỷ Vô Thường không hẹn mà đến, thần hồn vơ vẩn mịt mờ, chưa rõ là tội hay phước, trong bốn mươi chín ngày như ngây như điếc, hoặc ở tại các ty sở để biện luận về nghiệp quả, sau khi thẩm định xong thì cứ y theo nghiệp mà thọ sanh.
Trong lúc chưa biết ra sao đó thì đã ngàn muôn sầu khổ, huống là phải bị đọa vào các ác đạo!
Người chết đó khi chưa được thọ sanh, ở trong bốn mươi chín ngày luôn luôn trông ngóng hàng cốt nhục quyến thuộc tu tạo phước lực để cứu vớt cho. Quá ngày ấy rồi thì cứ theo nghiệp mà thọ báo.
Nếu là tội nhân thì phải trải qua trong trăm ngàn năm, không có ngày được giải thoát; còn nếu là năm tội Vô Gián thì phải đọa vào đại địa ngục, chịu mãi những sự đau khổ trong ngàn kiếp muôn kiếp.”
“Lại nữa, này ông Trưởng Giả! Sau khi những chúng sanh gây nghiệp tội như thế mạng chung, hàng cốt nhục quyến thuộc vì họ mà làm chay cúng dường để trợ giúp nghiệp đạo, thì khi thức ăn chưa làm xong cùng trong lúc đang làm, chớ có đem nước gạo, lá rau đổ vung vãi nơi đất, cho đến các thứ đồ ăn chưa dâng cúng cho Phật và chư Tăng thì chẳng được ăn trước.
Nếu ăn trái phép và không được tinh sạch kỹ lưỡng, thì người chết đó trọn không được trợ lực nào cả.
Nếu có thể kỹ lưỡng giữ gìn tinh sạch đem dâng cúng cho Phật cùng Tăng, thì trong bảy phần công đức, người chết hưởng được một phần.
Này ông Trưởng Giả! Vì thế nên những chúng sanh trong cõi Diêm Phù, sau khi cha mẹ hay người quyến thuộc chết, nếu có thể thiết trai cúng dường, chí tâm cầu khẩn, thì những người như thế, kẻ còn lẫn người mất đều được lợi ích cả.”
Nói lời này xong, tại cung trời Ðao Lợi có ngàn muôn ức na-do-tha quỷ thần của cõi Diêm Phù Ðề đều phát tâm Bồ Ðề vô lượng.
Ông Trưởng Giả Ðại Biện làm lễ mà lui ra.
Xin chào viên trí
Mình niệm phật mỗi đêm. Nhà mình không thờ tam thánh mà chỉ thờ quan âm,quan thánh,cửu thiên.mình có nguyện ăn thập chay vì còn nghiệp lo cho chồng,con ăn nên không ăn chay trường được. Nhưng bây giờ mình gặp nghịch duyên chồng và gia đình chồng không vui.hôm tháng 7 mình có tới chùa cúng vu lan và dâng pháp y, sao khi phật tử dâng y xong thì được các thầy chú nguyện và giảng pháp có nói như vầy chay lạc miệng chay dể vô cùng, chay tâm chay tánh khó vô dàng. Vì thầy nói xuất gia thì phải ăn chay còn tại gia thì cần tâm tánh chứ không phải ăn chay rồi chửi rủa nói xấu người khác.mình không biết tính sao mong viên trí cho mình lời khuyên.
Còn chuyện này mình có mua tranh quan âm về thêu nay mình thêu gần xong rồi mình vô tranh lòng kính, như nhà mình thờ như trên đã nói vây bức tranh này mình trưng xem hây có cần phải đem xuống chùa khai quan điểm nhãn không. Mong nhận được hồi âm. A Di Đà Phật
A Di Đà Phật – Xin chào Diệu Trúc
Bạn niệm Phật mỗi đêm là tốt lắm rồi. Nếu có điều kiện thuận tiện thì thờ Tây Phương Tam Thánh sẽ tốt hơn, còn không thuận tiện thì thôi, tùy duyên chớ nên phan duyên.
Khuyên chồng con ăn chay trường và hướng về Phật Pháp, tu tâm sửa tánh…là phương diện độ tha, là cứu lấy huệ mạng của họ, đòi hỏi phải có phương tiện khéo, có thời gian, có sự kiên nhẫn… là việc rất khó làm, nếu bạn làm được thì chư Phật thảy đều hoan hỉ tán thán nhưng nếu không được thì thôi, Phật cũng không trách bạn đâu. Muốn độ người thì trước tiên mình phải tự độ trước giống như chị Liên Hương trong Phim Nghịch Duyên.
Bài pháp mà thầy nói gọi là “tùy cơ nói pháp”. Có nghĩa là thầy quán cơ, thấy được có nhiều Phật Tử vẫn thường hay đi chùa, quy y Tam Bảo, có pháp danh, cũng biết ăn chay nhưng khi đối người tiếp vật thì lại “chưởi rủa, nói xấu người khác” cho nên thầy muốn nhấn mạnh ở chỗ là phải biết tu tâm sửa tánh.
Do vậy mình cần kiểm thảo lại, nếu mình không có chưởi rủa và nói xấu người khác vậy thì bài pháp này thầy dành cho người khác chứ không phải cho mình.
Còn nếu như bình thường không có chuyện thì thôi, nếu có chuyện, mình cũng chưởi rủa và nói xấu người khác vậy thì bài pháp này mình cần phải nghiên cứu lại. Nếu như có chuyện mình không chưởi rủa và nói xấu người khác nhưng trong lòng vẫn sanh tâm khinh thường, ghét bỏ…thì đó chỉ mới là tịnh khẩu mà chưa tịnh tâm. Nếu tâm thiện thì khẩu sẽ nói lời thiện và thân sẽ làm việc thiện.
Như vậy thì làm sao để cho tâm mình luôn hướng thiện đây? Then chốt chính là ở chỗ này. Chúng ta có nhiều trợ duyên như là tập ăn chay (cho đến trường chay là tốt nhất), phóng sanh để nuôi dưỡng lòng từ bi, đọc tụng kinh điển và nghe giảng pháp mỗi ngày để luôn ghi nhớ và hiểu rỏ những gì Phật đã dạy…
Có người cũng đã làm theo như vậy nhưng khi xảy ra chuyện thì tham sân si vẫn nỗi lên là do cái tập khí từ nhiều đời nhiều kiếp về trước. Vậy thì phải làm sao đây? Cho nên nhà Phật dạy phải buông xả cái TA và cái CỦA TA. Có nghĩa là phải quán chiếu để thấy cái TA (xác thân của ta) là vô thường, bất tịnh. Cái CỦA TA như là nhà cửa xe cộ, vợ chồng con cái, công danh sự nghiệp…tất cả cũng là vô thường và chịu sự chi phối của nhân quả, một khi hồn lìa khỏi xác thì không mang theo được thứ gì. Như vậy thì mình là hành giả tu Tịnh Độ thì nhà là nơi Tây Phương, mọi thứ đều có đủ, tốt hơn ở đây rất nhiều. Do vậy chỗ này chỉ ở tạm mà thôi chớ nên tham chấp làm gì để phát sanh phiền não.
Có người cũng đã hiểu được đạo lý này nhưng khi xảy ra chuyện thì tham sân si phiền não vẫn nỗi lên là do đã bị lạc mất chánh niệm. Như vậy thì làm sao để giử được chánh niệm? Then chốt chính là ở chỗ này, tức là bất luận đi đứng nằm ngồi, từ sáng đến tối, từ tối đến sáng đều phải chấp trì danh hiệu Phật (gọi tắt là niệm Phật).
Có người cũng đã niệm Phật từ sáng đến tối, từ tối đến sáng nhưng khi xảy ra chuyện thì tham sân si phiền não vẫn nổi lên là tại sao? Là bởi vì miệng tuy niệm Phật mà tâm thì chưa phát lòng bồ đề.
Trong Kinh Quán Thế Âm Bồ Tát Thọ Ký thì ở phút thứ 33 có đoạn Hãy Phát Bồ Đề Tâm!… như sau:
PHẢI CÚNG DƯỜNG THẾ NÀO?
Vô Thượng Lưỡng Túc Tôn!
Xin Ngài giải nghĩa thú,
Người nghe sẽ phụng hành.
Hương hoa nhạc y phục,
Ẩm thực giường thuốc thang,
Các cúng dường như thế,
Loại nào là tối thắng?
HÃY PHÁT BỒ ĐỀ TÂM!
Rộng cứu chúng quần sanh,
Là cúng dường chánh giác,
Với ba hai tướng hảo,
Dẫu lấy Hằng hà sa,
Trân diệu vật trang nghiêm,
Phụng hiến chư Như Lai,
Cùng hoan hỉ đảnh thọ,
Chẳng bằng với từ tâm,
Hồi hướng về bồ đề,
Phước này là tối thắng,
Vô lượng vô biên thế,
Không cúng dường nào hơn,
Siêu việt chẳng tính kể,
Bồ đề tâm như thế,
Tất thành đẳng chánh giác.
Bồ đề tâm hiểu đơn giản là “thượng cầu hạ hóa”, có nghĩa là trên cầu thành Phật, dưới cứu độ chúng sanh. Ở đây mình là hành giả tu Tịnh Độ nên về Tây Phương Cực Lạc tu tiếp rồi mới thành Phật sau. Trong Tịnh Nghiệp Tam Phước của kinh Quán Vô Lượng Thọ thì phần thứ 3 chính là :”PHÁT BỒ ĐỀ TÂM, tin sâu lý nhân quả, đọc tụng kinh đại thừa, khuyến tấn người tu hành“. Phát bồ đề tâm dể hay khó? Có người chỉ nói nơi miệng suông chứ chẳng phải là phát bồ đề tâm thật sự, có người chỉ phát “nhá” lên một cái rồi thôi.
Tâm bồ đề cũng có nghĩa là tâm không tham, không sân, không si, không cống cao ngã mạn…là tâm thanh tịnh, từ bi hỷ xả…
Người đã phát bồ đề tâm tức là người ấy trong lòng luôn niệm Phật, mọi lời nói và hành động đều là thiện lành, luôn tìm cách giúp đở người và vật chứ chẳng hề làm tổn hại ai. Bởi vì tâm bồ đề cũng giống như tâm Phật. Tâm Phật thì thương yêu hết thảy chúng sanh chứ có bao giờ giận hờn, ganh tỵ, đố kỵ hay làm tổn hại chúng sanh.
Muốn giử tâm bồ đề kiên cố thì bất luận đi đứng nằm ngồi, từ sáng đến tối, từ tối đến sáng đều chấp trì danh hiệu Phật, chớ để lạc mất đi, xem như đó chính là bổn mạng, nguyên thần của mình vậy.
Bạn có lòng mua tranh quan âm về thêu cũng xem như là công đức tạo hình tượng Phật, rất lớn. Phật, Bồ Tát đều có tha tâm thông, chỉ cần bạn có lòng thành thì tâm thành tất linh. Bạn đã lồng kính và tôn thờ là quý lắm rồi. Việc khai quang điểm nhãn cũng là nghi thức, phương tiện mà quý thầy muốn hàng Phật Tử hãy xem hình tượng Phật như là Phật thật, cần nên cung kính lể bái mỗi ngày, một phần cung kính được một phần lợi ích, mười phần cung kính được mười phần lợi ích. Do vậy việc có nên mang ra chùa làm lể “khai quang điểm nhãn” hay không thì phải xem có thuận tiện hay không, chỉ tùy duyên chớ nên phan duyên. Nếu như mọi người nhìn bức tranh mà bạn thêu rồi người ta hoan hỉ tán thán thì họ cũng sẽ có công đức giống như đã thêu hình vậy, trường hợp này thì nên mang ra. Còn nếu như có người nào đó chê bai, chỉ trích thì không nên.
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam mô a di đà phật – Kính chào thầy Thiện Nhân!
Em có chị gái mới mất được hơn chục hôm, chị gái em bị mắc bệnh hiểm nghèo mà mất, chị có 2 cháu 1 trai 1 gái cháu gái thì được 13 tuổi còn cháu trai mới được có 5 tuổi, 2 lần đều sinh mổ,trước đó chị làm buôn bán nên hay phải sát sanh (thịt cá và bán thịt lơn) trước khi mất khoảng nửa tháng chị có gặp 1 thầy được thầy tặng cho một quyển kinh và hôm nào yếu thì chồng chị lại gọi cho thầy thầy lại đến giảng kinh và chị em khỏe hơn rất nhiều, hàng ngày chị đọc kinh mà từ sáng tới chiều, từ chiều tới tối luôn, khi ko đọc được thì chị nhờ con gái đọc cho chị nghe ạ. trước hôm mất 2 hôm chị có bảo em là vào mạng xem cho chị quyển kinh, mà do công việc bận e chưa kịp xem hôm chị mất e vào mạng xem và từ hôm đó em càng thấu hiểu được phật pháp là thế nào ạ. Cả gia đình em đều rất thương chị, chị mất từ miền nam gia đình bên ngoại nhà em ko có ai thân thích ở cạnh chị khi chị mất cả ạ, hàng ngày em vẫn rất nhớ chị gái em nhiều lúc còn tự khóc ấy cả mẹ em cũng vậy. Cũng biết là như vậy thì càng làm chị khó siêu thoát nhưng sao tim em cứ như vậy xin được một lời khuyên ạ. và lại chị em như vậy thì giờ gia đình phải làm gì giúp chị được siêu thoát và sanh Tây phương Cực Lạc quốc, toại nguyện vô lượng Phật độ ạ. sắp tới là 49 ngày của chị em, em xin được chỉ bảo 1 số thủ tục và lưu ý khi ra mộ chị ạ
XIN CHÂN THÀNH CẢM ƠN!
NAM MÔ A DI DÀ PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
NAM MÔ A DI DÀ PHẬT
Nam Mô A Di Đà Phật
Gửi Đạo hữu Xuân Thương,
Cho phép Thiện Nhân được đính chính và sám hối: TN cũng giống như các bạn, là người mới học đạo và tu tại gia chứ không phải Tăng Sĩ, mong bạn cùng các Đạo hữu cứ hoan hỉ chia sẻ như tình bạn bè đồng đạo là TN thấy hoan hỉ lắm rồi.
Trước hết TN cùng các Đạo hữu ĐVCT thành tâm chia buồn cùng bạn và gia đình. Trong 8 nỗi khổ đau Phật nói mà chúng ta ai cũng phải gánh chịu có nỗi khổ của: Ái Biệt Ly! Ái là thương yêu. Biệt ly là xa lìa. Nghĩa là người chúng ta thương, kính đột nhiên bỏ ra đi… Nếu chúng ta không học đạo Phật, có lẽ nỗi đau ấy sẽ giằng xé tâm can chúng ta và nếu chúng ta không đủ can đảm để vượt qua – những giằng xé đó sẽ khiến cho chúng ta đổ quỵ về tinh thần lẫn thể xác. Nhưng điều hạnh phúc của chúng ta là chúng ta được biết đến Phật pháp, vì thế dù ít, dù nhiều khi có người thân qua đời chúng ta cũng dễ dàng định hướng được chúng ta phải, nên làm gì cho người thân.
1. Điều bạn cần phải làm gấp đó là lời ước muốn của chị bạn được có một quyển kinh nào đó và nhờ bạn tìm trên mạng? Nếu đã có rồi bạn hãy đối trước bàn thờ của chị, rồi nói với chị bạn: vì sơ xuất mà bạn chưa kịp tìm quyển kinh khi chị còn sống, nay quyển kinh đã có, thì chị đã mất. Bạn hãy sám hối cái lỗi này và mong chị hoan hỉ thứ lỗi. Nếu có thể bạn sắp xếp thời gian trì tụng quyển kinh đó hàng ngày rồi hồi hướng tất cả công đức cho chị bạn. TN cũng không biết rõ đó là kinh gì? Nhưng nếu là kinh mà chị bạn đã từng nghe và sanh tâm hoan hỉ, rồi muốn có trước khi mất, TN nghĩ, bạn rất nên làm.
2. Thông thường người mới qua đời nhất là mang bệnh nặng trên thân, nếu không hiểu đạo và không có sự chuẩn bị trước về tâm linh cho bản thân; lúc cận tử nghiệp lại không có người thân bên cạnh, cũng như không có những Thiện Tri Thức để khai thị về sự sống và cái chết, chắc chắn chị bạn sẽ rất hoang mang, đau, buồn, hoảng sợ và lo âu. Chính vì thế, việc thứ nữa bạn và gia đình phải làm ngay là nên thỉnh Chư Tăng (những vị Tăng có đạo hạnh tại chùa nơi mình cư ngụ hay nơi chị bạn cư ngụ), rồi làm lễ cúng dường Trai Tăng, để cầu siêu cho hương linh của chị bạn. Việc cầu siêu cho chị phải phát xuất từ cái tâm từ bi, chân thành của mỗi người thân, chẳng nên làm chiếu lệ. Làm thế vừa mất thời gian của người sống; người qua đời cũng chẳng có lợi lạc.
3. Như bạn nói: trước khi bạo bệnh, chị bạn từng hành nghề sát sanh? Những nhân duyên này chính là cái gốc của căn bệnh nan y đó. Bạn hãy bàn cùng gia đình, nếu có thể ít nhất hàng tuần nên làm lễ Phóng Sanh (chim, cá…). Quan trọng: phải làm bằng cái tâm từ bi của chính mình, kế đó hồi hướng tất cả công đức phóng sanh cho chị, TN nghĩ, nhờ những công đức này, chị bạn có thể giải bớt những nghiệp sát khi còn sống.
4. Theo như bạn nói thì sắp tới 49 ngày? (còn gọi là Thất tuần hay tuần thứ 7)như vậy là thời gian cũng chẳng còn là bao. Vì thế mọi chuyện bạn và gia đình càng phải tận tâm, tận sức làm thì may ra cứu vãn được phần nào. Như trong trao đổi với bạn Nguyễn Thuý HồngKinh Địa Tạng Bổn Nguyện TN có trích lời Địa Tạng Vương Bồ Tát: Người mới qua đời, nếu người thân còn sống phát tâm hành các việc phước thiện rồi hồi hướng tất cả những phước thiện đó cho người thân vừa qua đời, người đó cũng chỉ nhận được 1/7 công đức, còn 6 phần là người còn sống hưởng. Nói vậy để bạn hiểu, khi người thân đã qua đời, dẫu chúng ta có muốn làm thật nhiều nhiều chuyện phước thiện chăng nữa, người thân ấy cũng đón nhận được thật ít ỏi. Tuy nhiên chẳng vì thế mà không làm. Trái lại, tiểu góp thành đại. Một phần nhỏ hồi hướng cho chị, nếu chị kịp thời giác ngộ cũng đủ để chị làm hành trang mà sanh về Tịnh Độ. Ngày 49 là ngày rất quan trọng, do vậy bằng mọi giá bạn và gia đình phải thỉnh được Chư Tăng để làm lễ siêu độ cho chị bạn.
Quan trọng: Khi đối diện với hương linh của chị bạn, tuyệt đối chẳng nên khóc la, hay buồn rầu, ủ rũ. Điều này bạn phải thực sự hiểu thấu: Chúng ta chết chẳng phải là hết, mà là xả bỏ cái thân giả tạm này để chuyển sang một cuộc sống mới. Cuộc sống mới của chúng ta được an lạc hay không vốn phụ thuộc vào những việc phước thiện hay những việc bất thiện mà chúng ta đã làm khi còn sống. Do vậy nói là chết – chết là hiểu theo nghĩa của người thế gian chúng ta, nhưng thực tế thì chúng ta không có chết, mà là thay một thân hình mới – thân hình này có được như ý hay không vốn phụ thuộc vào những gì chúng ta đã làm từ vô thỉ kiếp tới nay. Cho nên việc khóc lóc, rầu rĩ là ý nghĩ sai lầm, vì chỉ khi nào chúng ta nghĩ người thân chết là hết; chết rồi làm ma thì chúng ta mới phải rầu rĩ, khóc la. Nói vậy để bạn hiểu, khi đối diện trước hương linh của chị bạn hãy hoan hỉ, dũng mãnh nói với chị: Chị à, chết chẳng đáng sợ đâu! Đời người ai rồi cũng phải trải qua. Sợ là mình không biết tu đạo, không biết sám hối những gì mình đã gây tạo nên mình phải đoạ vào ác đạo. Nay chị đã biết đạo Phật, đã hiểu đạo, chị hãy buông bỏ vạn duyên, đừng luyến tiếc, lo lắng chuyện trần thế làm gì nữa. Hãy cùng em, cùng mọi người nhất tâm niệm Phật, nguyện vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ. Chỉ có về Tịnh Độ chị mới thoát khỏi kiếp sống khổ luỵ như chị đã từng trải qua. Chỉ có về Tịnh Độ chị mới có cơ hội để trở lại nơi này độ em, độ những người thân của gia đình mình…
Bạn cứ tuỳ duyên, tuỳ hỉ mà khuyên chị. Điều này thực quan trọng lắm, nên bạn và người nhà phải ráng nắm cho vững, để khi đối cảnh mà xử lý cho thích hợp. Bằng không, chỉ một tiếng la khóc, hay những gương mặt rủ sầu, sẽ là một chướng ngại để chị bạn sẽ trở lại cõi này…
Về phần bạn, nếu có thể, từ nay tới 49 ngày, hàng ngày bạn ráng tụng kinh A Di Đà và niệm Phật A Di Đà. Nếu không tiện thì chỉ cần niệm Phật cũng đủ; kết hợp làm tất cả việc thiện gì có thể làm (bố thí người nghèo, tặng thuốc men cho người già yếu, bệnh tật; làm công đức tại chùa, phóng sanh, in, ấn tống kinh sách Phật pháp cần thiết…) rồi hồi hướng công đức cho chị bạn. Tấm lòng của người còn sống có thể cảm tới mười phương Chư Phật. Cũng nhờ đó mà chị bạn nương vào để phát nguyện sanh về Tịnh Độ.
Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo và Đức Phật A Di Đà từ bi phóng đại hào quang tiếp dẫn hương linh chị bạn được vãng sanh Cực Lạc Quốc.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Kính gửi thầy Thiện Nhân!
Con xin chân thành cám ơn Thầy vì đã chia sẽ cùng con. Nhưng thật lòng lòng dạ con bây giờ cũng còn đau lòng và nghĩ về bé nhiều lắm nếu có dịp con cũng muốn thầy đọc qua bài báo đó ở trên mạng (bố cùng ngươfi tình đánh chết con trai 8 tuổi) khi con đọc xong ba đêm liền con không mgur được hễ nhớ tới là con lại rớt nước mắt đau nghẹn lòng và cứ mở hình bé ra xem (ống ghim khắp ngừời bầm tím từ trên đầu xuống tới chân) ban ngày cũng vậy kể cho ai nghe con cũng khóc có ngươfi nói với con khi con quan tâm đến đứa trẻ kia như vậy là con đã có đươjc một công đức điều đó con không quan tâm con chỉ mong sao bé được về nơi bình yên để bù lại những đau đớn và thiếu thốn trong kiếp này. Và ngươfi đó còn nói con không nên buồn khóc lưu luyến vì như thế sẽ cản trở việc đầu thai của bé. Con muốn hỏi Thầy ngươfi đó nói đúng không thật lòng con không muốn vậy đâu nhưng nhớ tới là tự nhiên nước mắt cứ chảy ra. Và như Thầy nói thì dù là đạo nào thì con cũng có thể cầu nguện cho bé hả Thầy (tối nào con cũng đọc kinh cầu xin Chúa). Con còn muốn hỏi Thầy tuy tuổi đời của bé còn nhỏ và chưa biết tích đức là gì nhưng con nghĩ đứa bé đó cũng còn phúc đức vì đám tang của bé là do các nhà hảo tâm có lòng đóng góp làm cho bé chứ gia đình nội thì đòi đem bé chôn ngoài nghĩa địa là xong còn ben ngoại thì chỉ có ngươfi bác nhưng gia cảnh cũng khó khăn. Dù không quen biết bé nhưng khi nghe tin bé đang cấp cứu đã đến thăm giúp tiền viện phí làm đám tang và đã dự đám tang cầu mong cho bé mau được siêu thoát. Và con muốn hỏi Thầy sao có muôn chuyện trên đời này còn thê lương hơn nhưng sao con chỉ đau lòng đối với bé con và bé chỉ có duyên như vầy thôi hả Thầy. Xin Thầy chỉ giúp con và con cám ơn Thầy đả chia sẽ cùng con giúp con nhẹ được phần nào.
Rất cảm ơn Thầy Thiện Nhân em sẽ cố gắng làm theo những gì thầy chỉ bảo ạ
A Di Đà Phật
Xuân Thường dũng mãnh lên nhé.
TN
Kính chào thầy Thiện Nhân
Con đang hoang mang,bế tắc,cảm giác như ko lối thoát: Vợ chồng con yêu nhau 4 năm và mới kết hôn được 8 tháng,cuộc sống vợ chồng gần như rất hạnh phúc, chồng con là 1 người tuyệt vời(theo con nghĩ).Người ta nói vợ chồng con có gương mặt giống nhau nên sẽ ăn đời ở kiếp. Nhưng anh ấy đi ko nói 1 câu nào…con cảm giác ko cần,ko muốn nghe,ko muốn nói,con muốn đi theo anh ấy. Đó là điều duy nhất con nghĩ được. Năm nay con mới 28t, con ko đủ nghị lực đi tiếp dù con hiểu bố mẹ con sẽ đau khổ ntn. Có phải con và anh ấy hết duyên nợ ko thầy? Con phải làm sao?
A Di Đà Phật
Gửi bạn Nhung,
Thiện Nhân xin chia sẻ nỗi đớn đau trong bạn. Tuy nhiên điều đầu tiên TN muốn nói lời Phật dạy: Thân người khó được! Tại sao Phật nói thân chúng ta khó được? TN trích lại một đoạn Kinh trong Kinh A Hàm và mong bạn thật bình tĩnh để đọc cho hết đoạn kinh này rồi mới quyết định mình nên làm gì?
Kinh Rùa Mù Tìm Bọng Cây
(Tạp A Hàm, kinh số 406)
„Một hôm Phật ở Trùng Các Giảng Ðường bên hồ Di Hầu, tôi nghe như vầy:
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Ví như quả đất sụp thành bể cả, có một con rùa mù sống vô lượng kiếp, một trăm năm mới trồi đầu lên một lần. Trong biển có bọng cây nổi chỉ có một lỗ, trôi giạt trên mặt biển theo gió sang Ðông Tây, con rùa mù một trăm năm mới trồi đầu lên tìm bộng cây, sẽ gặp được bọng cây này chăng?
A Nan bạch:
– Không thể gặp, thưa Thế Tôn! Vì cớ sao? Vì con rùa này nếu đến bể Ðông, bộng cây đã theo gió đến bể Tây, Nam, Bắc bốn phía, chung quanh cũng vậy, không thể gặp nhau.
Phật bảo A Nan:
– Con rùa mù tìm bộng cây tuy sai lạc, nhưng có lúc gặp nhau, kẻ phàm phu ngu si trôi giạt trong ngũ thú tạm được thân người, rất khó hơn con rùa mù kia tìm bộng cây. Vì cớ sao? Vì chúng sanh kia không hành nghĩa, không hành pháp, không hành thiện, không hành chơn thật, sát hại lẫn nhau, mạnh hiếp yếu, tạo vô lượng tội ác…“
Qua đoạn kinh trên Phật nói với chúng ta điều gì? Thân của chúng ta chẳng khác gì con rùa mù, sống vô lượng kiếp, rồi 100 năm mới trồi lên mặt biển lênh đênh không phương hướng, và để rồi bám được vào bọng cây đang lênh đên trên biển đó đã là khó vô cùng tận, nhưng Phật nói: „vẫn có có thể gặp nhau“, nghĩa con rùa còn có thể bám được vào bọng cây đó. Nhưng kẻ phàm phu – ý chỉ chúng ta những người không học đạo, và chưa chịu giác ngộ – vốn trôi dạt trong ngũ thú tạm được thân người còn khó hơn rùa mù tìm bọng cây. Và Phật đặt câu hỏi: “Vì cớ sao? Vì chúng sanh kia không hành nghĩa, không hành thiện, không hành chơn thật…”
Thế nào là không hành nghĩa? Người thân mình vừa qua đời, còn chưa biết sẽ trôi dạt về cảnh giới nào, mình chẳng cần suy tính nông, sâu, chẳng tìm cách làm sao giúp cho người thân được an lạc ra đi, được sanh về cõi lành, nay mình lại muốn huỷ luôn cả thân mạng của mình=mình chẳng có đạo nghĩa vợ chồng.
Thế nào là không hành thiện? Thiện nghĩa là chẳng làm điều ác, chẳng làm điều sai quấy, chẳng làm điều mê lầm. Người thân của bạn mới qua đời, bạn lại vội vàng tìm cách muốn quyên sinh, nếu người thân của bạn biết được ý nghĩ ấy, chắc chắn sẽ rất đau lòng và buồn tủi, thất vọng. Với người thân, bạn đã chẳng lo tích phước thiện để hồi hướng cho người mình yêu quý nhất, trái lại còn muốn tạo nghiệp sát sanh. Tự vẫn cũng chính là tạo nghiệp sát sanh. Người tự vẫn sẽ chẳng bao giờ được siêu thoát, vì khi tự vẫn tâm, trí mê mờ nên thường đi vào những cảnh giới tối tăm và sẽ bị đoạ lạc, vất vưởng mãi chẳng ngưng nghỉ…
Thế nào là không hành chân thật? Chân thật là chẳng dối lòng. Sống đúng với lý trí sáng suốt của bản thân. Quyết định muốn tự vẫn của bạn là quyết định hoàn toàn sai trái. Đối với cha mẹ của bạn – bạn là người con bất hiếu. Đối với anh chị em của bạn – bạn là người bất nghĩa. Đối với bạn bè, người thân bạn là người bất tình. Đối với chồng bạn – người mới mất – bạn là người chẳng chọn tình, vẹn nghĩa. Trọn nghĩa tình là biết tự mình đứng dậy trước những đau thương, mất mát, dám đối diện với sự thật, dám dũng mãnh để đi tiếp, thực hiện những hoài bão mà người thân vừa qua đời của mình mong muốn. Đó mới là chân thật vì người thân của mình mà làm.
Phật luôn thường khuyên chúng ta: Thân này là giả tạm, thân này là vô thường. Vì nó giả tạm, vô thường nên chúng ta phải biết chân quý nó trong từng phút, giây. Tại sao phải biết chân quý nó? Bởi cũng nhờ nó mà chúng ta học được pháp của Phật để giác ngộ rồi giải thoát khỏi kiếp sống vô thường, giả tạm này, vì thế thân này giống như chiếc bè trở chúng ta đến cõi an lạc. Nay ta huỷ cái bè đó cũng giống như ta tự đoạn con đường sáng cho chính mình.
Trong kinh Phật còn nói: “Một hôm Phật khơi một chút đất dính đầu móng tay đưa lên hỏi trong chúng hội: “Ðất đầu móng tay nhiều hay đất quả địa cầu nhiều?” Trong chúng hội đều đáp: “Bạch Thế Tôn, đất quả địa cầu rất nhiều, so với đất đầu móng tay có thấm vào đâu!”. Phật kết luận: “Cũng thế, chúng sanh khi bỏ thân này rồi mà trở lại được thân người rất ít như đất đầu móng tay, còn đi vào các thú thì nhiều như đất quả địa cầu”.
TN hy vọng đọc đoạn kinh Phật dạy xong bạn sẽ giác ngộ và thật dũng mãnh, tỉnh táo, sáng suốt để lo cho người thân vừa qua đời thật viên mãn; kế đó là dũng mãnh tạo dựng cho mình một hành trang mới – một cuộc sống đời-đạo song hành để trước là giúp mình, sau là giúp đời. Được như vậy mới thực sự làm làm trọn nghĩa vợ, tình chồng và chẳng phụ lòng mong mỏi của cha mẹ.
TN nguyện cầu mười phương chư Phật gia hộ để bạn vững bước đến với đạo Phật, từ đó có thể vượt qua mọi khổ nạn của cuộc đời…
Nam Mô A Di Đà Phật
Kính gửi Thầy Thiện Nhân!
Con hiểu là nhân quả tuần hoàn nhưng sao bé phải gánh chịu khi tuổi đời còn nhỏ quá.Cha bị bắt khi bé đang còn trong bụng hai mẹ con bị đuổi khỏi nhà vì bên nhà nội chối bỏ phải nươnh nhờ ngừời bác là chị ruột của mẹ (hoàn cảnh cũng khó khăn) sinh bé được 11 tháng thì mẹ đến ngày thi hành án. Bác phải nhờ người quen mỗi tháng gửi 1t5 nuôi dùm đươjc 5 năm thì do hoàn cảnh đả trả bé về rồi bác của bé lại đem gửi bé cho một ngươfi bạn đươjc 1 năm thì ngươfi này có gia đình nên trả lại bé. Đến đây ngươfi bác đành xin chồng cho đem bé về nuôi(có ngươfi xin bé làm con nuôi nhunh bà không cho vì muốn gia đình bé được đoàn tụ). Đến giữa năm 2013 bố cháu về be muốn ở vơi bố nên bác mới tổ chức đi thăm mẹ bé để bé biết cha mẹ đẻ của mình là ai còn những người nươi bé trước đây chỉ là cha mẹ nuôi thôi. Thấy bố cưng chiều bé nên ngươfi bác cũng yên lòng. Không ngờ đươc vài tháng thì bố bé đem ngươfi đàn bà khác về và cũng từ đó bé luôn bị bố cùng bà đó đánh và đỉnh điểm là trận đòn lúc tháng ba vừa qua cả hai ngươfi lớn đả khoá trái cửa thay phiên nhau đánh đến khi bé ngất lịm. Trứows đó bé đã bị đánh téc gần mắt hàng xóm phải đưa lên trạm xá khâu 5mui. Chỉ vì người đàn bà đó kêu mất tiền ngươfi bố đã lấy cây đánh bé vì sợ nên bé đã nhận(có hai con riêng của bà đó cũng ở chung). Đánh được 15 phút thì gảy cây bà đó lại chập cây lại đánh tiếp. Vì đau quá bé chui xuống gầm giươfng thì bị bà đó lôi ra (đang có thai đươjc ba tháng) nhét giẻ vào miệng bé nắm đầu tát vào mặy vào miệng đập đầu bé vào tươfng ba bốn cái đau quá bé bỏ chạy lại bị bà đó chạy theo đạp vào vai trái của bé làm cho bé té xuống đất tiếp tục dùng chân đạp liên tục lên bụng ngực đầu mặt bé du đau vẫn cố gắng nhoài người vào gốc tủ bé van xin kêu mẹ ơi con sợ lắm rồi nhưng bà đó vẫn không tha đạp đầu bé ngã đập xuống đất lúc này bé bị co giật và ngất thì bà ta dừng lai và bỏ đi. Hôm trươsc bé bị bố lấy điếu cày đáng vào đầu và bị đổ nươsc sôi vào mông bé Đươjc hàng xóm đưa đi cấp cứu đươc ba ngày thì cháu mất. Khám nghiệm cho biết bé bị vét thương củ cà mới chồng lên nhau bị chấn thương sọ não máu động hai bên đầu mặt mày và khắp người bầm tím. Gia đình nội chối bỏ không chịu làm đám tang đòi đem xác ra nghĩa địa chôn nhưng hàng xóm và những ngươfi hảo tâm không chịu và đóng góp tiền lo đám cho bé. Con đả kể cho Thầy nghe chuyện của bé và con cũng muốn hỏi Thầy là có phải bé cũng còn cái phươsc phải không Thầy vì đươjc nhiều ngươfi không quen biết và không phải ruột thịt đã dự đám tang và cầu nguyện lo cho bé mồ yên mã đẹp. Và như Thầy nói dù là đạo nào thì con cũng có thể cầu nguyện cho bé hả Thầy(tối nào con cũng đọc kinh cầu nguyện Chúa). Và con không đựơc buồn khóc vì điều đó sẽ làm ảnh hửơng tới việc chuyển kiếp của bé hả Thầy. Con xin Thầy chỉ dẫn thêm cho con Con xin cám ơn Thầy đã chia sẽ với con tuy trong lòng con vẫn còn nặng trĩu và buồn lắm.
A Di Đà Phật
Gửi bạn Phương Ngọc,
TN đọc trao đổi của bạn trên ĐVCT về việc người cha đẻ và nhân tình hành hạ cháu bé mà thấy rùng mình. Trong Kinh Phật thường nói: Cuộc đời này là ngũ ác kịch khổ. Có nghĩa là 5 điều cực trọng ác luôn hoành hành khiến cho con người sống thời nay chẳng cứ nơi nào trên trái đất này đều phải sống bầm dập trong đau khổ.
Đứng trước, nhìn thấy, chứng kiến sự đau khổ của đồng loại mà bạn thấy tâm mình nhói đau – nỗi đau đó tựa như đang xảy ra trên thân bạn – đó chính là tâm hạnh của Bồ tát. TN nghĩ từ Bồ tát trong đạo Phật và Đạo Thiên Chúa cũng chẳng có gì khác biệt: Người cảm được nỗi đau của muôn người; người sẵn sàng gánh vác, chia sẻ, làm giảm nỗi đau của muôn người; người luôn muốn tìm mọi cách giúp cho muôn người được sống trong an lạc, hạnh phúc đó chính là hạnh của Bồ tát. Tuy nhiên có một ý nhỏ tương đối vi tế TN muốn trao đổi để bạn thấu rõ hơn về trạng thái tâm lý bạn đang trải qua.
Tâm của một người bình thường, không tu đạo (không phân biệt đạo giáo nào) khi nhìn thấy, đối diện với những cảnh xấu, ác (cảnh bất thiện) và cảnh lành, tốt (cảnh thiện) thường sanh tâm hoặc thù ghét, hoặc xa lánh, hoặc nguyền rủa hay hắt hủi. Đó gọi là tâm sân hận. Ngược lại gặp cảnh lành, tốt, thương tâm… thì sanh tâm yêu thích, mến chuộng, hâm mộ, xót thương (nhiều khi tới cùng cực) rồi sẵn sàng làm bất cứ việc gì cho những người mình yêu quý. Đó gọi là tâm ái dục.
Góc độ người đời đó là hành vi cương trực, biết phân biệt tà-chánh, phải-trái, trắng-đen. Nhưng góc độ người tu đạo thì đó là tâm bất bình đẳng; tâm ái dục – Nhân của tội lỗi và sanh tử luân hồi. Tại sao tâm sân và ái dục lại tạo ra Nhân dữ như vậy? TN lấy hai ví dụ nhỏ để bạn suy ngẫm.
VD1: Một kẻ xấu, ác hễ ai nhìn thấy đều muốn nguyền rủa, xa lánh, chối từ họ, tất cái tâm xấu, ác trong họ sẽ luôn thường trực và được nhân lên gấp đôi, gấp ba, vì họ ngỡ mình đã bị người đời coi như cỏ rác, tất chẳng còn gì để mà bàn tính nhiều. Cũng chính vì thế họ sẽ tiếp tục lao vào cái xấu, và tiếp tục hành cái ác – Họ tự triệt tiêu cơ hội sửa mình – triệt tiêu Nhân lành để tạo Quả thiện. Hệ quả này người xung quanh cũng gián tiếp khiến họ triệt tiêu cái Nhân lành đó – đương nhiên Quả ác sẽ tiếp tục tồn tại. Tâm sân hận đã tạo ra Quả ác.
VD2: Một người con, cháu được ông, bà, cha mẹ thương yêu, cưng chiều, mọi yêu cầu của chúng đều được ông, bà, cha mẹ đáp ứng vô điều kiện – những người con, cháu đó chắc chắn sẽ gây hoạ cho gia đình và xã hội. Tâm ái dục đã tạo ra Quả chẳng lành.
Tâm Bồ tát chẳng vậy. Kẻ ác chưa có duyên để độ (giúp, giáo dục) vị Bồ tát sẽ chờ nhân duyên hội đủ, kế đó tìm mọi phương tiện để độ cho kẻ đó giác ngộ rồi hồi đầu; Người lành, tốt, thiện, vị Bồ tát cũng tìm cách giúp họ nhân triển những hạt giống tốt, lành, thiện đó, giúp họ mau chóng giác ngộ để họ tự giải thoát – giúp mình, giúp người.
Chúng ta nhận ra điều gì trong hành vi giúp người của vị Bồ tát? Vị Bồ tát giúp người chẳng có sự phân biệt kẻ xấu, người tốt mà chỉ chờ hội đủ nhân duyên thì độ cho họ cùng được giác ngộ và giải thoát. Độ xong rồi thì thôi, chẳng nhớ, chẳng nghĩ, chẳng lưu luyến, chẳng vướng bận trong lòng mình đã làm gì, mình đã độ ai… Tại sao vị Bồ tát làm vậy? Bởi còn khởi tâm vướng luyến=tâm ái dục. Mà Bồ tát đã đoạn sạch ái dục, vì thế tâm của Bồ tát khi đối người, tiếp vật vốn luôn bình đẳng, chẳng có ngả, nghiêng, chẳng có luyến, giữ.
Điều này bạn phải thật sự cẩn trọng, bằng không sẽ bị vướng kẹt trong cuộc sống.
Khi con đọc xong ba đêm liền con không ngủ được hễ nhớ tới là con lại rớt nước mắt đau nghẹn lòng và cứ mở hình bé ra xem ban ngày cũng vậy kể cho ai nghe con cũng khóc
Bạn phải cảnh giác tâm luyến giữ này. Tâm của bạn rất từ bi, giống như tâm của vị Bồ tát mà TN ví dụ vậy. Nhưng còn có một chút vướng mắc: còn luyến giữ những việc thương tâm trong lòng. Điều này bạn phải học cách xả bỏ chúng. Xả bỏ chẳng phải mình không quan tâm đến nữa; mình không giúp nữa; trái lại xả bỏ là quan tâm, giúp nhưng chẳng chứa chấp những chuyện đó trong lòng, lòng chẳng sanh phiền não=tâm từ bi hỉ xả của Bồ tát.
Có người nói với con khi con quan tâm đến đứa trẻ kia như vậy là con đã có được một công đức điều đó con không quan tâm con chỉ mong sao bé được về nơi bình yên để bù lại những đau đớn và thiếu thốn trong kiếp này. Và người đó còn nói con không nên buồn khóc lưu luyến vì như thế sẽ cản trở việc đầu thai của bé.
khi con quan tâm đến đứa trẻ kia như vậy là con đã có được một công đức. Câu này mới đúng một nửa. Hành thiện là tạo phước cho bản thân. Nhờ năng tạo phước mà mình tăng trưởng tâm từ-bi-hỉ-xả, cũng nhờ đó tăng trưởng trí tuệ. Có trí tuệ sẽ tránh được (giữ giới) những đường bất thiện, nhờ đó tâm thân an lạc=có công đức. Ví thử bạn năng làm bố thí, bạn sẽ có Quả báo sau này là tài vật, của cải dư giả. Bạn năng bố thí thuốc men=có quả báo về sức khoẻ ít bệnh tật; Bạn bố thí vô uý (bố thí pháp: kinh sách, băng đĩa về đạo)=bạn sẽ có trí tuệ… Do vậy muốn có công đức thì bạn phải luôn làm tăng trưởng trí tuệ. Nói cụ thể là: thực tu, thực hành theo giáo pháp (nói chung). Trong đạo Phật gọi là thực tu hành và trì giới. Ví thử: Giới của người tu tại gia trong đạo Phật gồm 5 giới: Chẳng sát sanh; chẳng trộm cắp; chẳng tà dâm; chẳng nói dối; chẳng uống bia, rượu hay dùng đồ chích nghiện ngập. Người giữ trọn 5 giới này sẽ đảm bảo cái Nhân để sanh vào cõi người. Xa hơn: giữ 5 giới, hành thập thiện=đảm bảo cái Nhân sanh lên cõi Thiên. Cao hơn: Giữ 5 giới, hành thập thiện và một lòng có Tín-Nguyện-Hành niệm Phật (Tin sâu-Nguyện thiết-Thực tâm hành)=đảm bảo vãng sanh Tây Phương Cực lạc. Đó là TN sơ lược để bạn hiểu. Chẳng phải chỉ người tu đạo Phật mới được vãng sanh cõi Phật A Di Đà. Mà tất cả chúng sanh, cho dù là nhân, chủng tộc, tôn giáo nào, nếu thực lòng muốn vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ chỉ cần nhất tâm hồi hướng công đức mình đã làm và nguyện một lòng sanh cõi đó=khi xả báo thân sẽ được về nơi mình nguyện đến.
Và người đó còn nói con không nên buồn khóc lưu luyến vì như thế sẽ cản trở việc đầu thai của bé.
Điều này hoàn toàn chính xác. Tâm sầu não của người sống chính là chướng duyên cho người vừa qua đời. Nếu có thể bạn hãy làm tất cả những việc phước thiện rồi hồi hướng cho cậu bé, chắc chắn cậu bé sẽ cảm niệm được công đức bạn dành cho.
Và như Thầy nói thì dù là đạo nào thì con cũng có thể cầu nguện cho bé hả Thầy (tối nào con cũng đọc kinh cầu xin Chúa).
Đây là sự thật, chẳng phải lời TN động viên bạn. Tâm đạo (tâm Phật hay còn gọi là Phật tánh của mỗi chúng sanh) của bạn và của các Đạo hữu khác vốn chẳng sai biệt. Vì thế khi mình tu hành, nguyện nhất tâm hồi hướng công đức đó cho ai, tất người đó sẽ được đón nhận. Bạn phải có niềm tin nơi đạo pháp và chính mình.
tuy tuổi đời của bé còn nhỏ và chưa biết tích đức là gì nhưng con nghĩ đứa bé đó cũng còn phúc đức vì đám tang của bé là do các nhà hảo tâm có lòng đóng góp làm cho bé chứ gia đình nội thì đòi đem bé chôn ngoài nghĩa địa là xong còn ben ngoại thì chỉ có ngươfi bác nhưng gia cảnh cũng khó khăn.
Nhận định của bạn hoàn toàn chính xác. Trong hoạ có phước. Hoạ là cậu bé đó phải sống trong một gia đình bất hạnh; nghèo khó; không có tình người; bố mẹ phân ly; rồi bố lấy vợ lẽ; bị cha đẻ, mẹ ghẻ hắt hủi, hành nhục cho tới chết… Đó là Biệt Nghiệp – là cái nghiệp của cá nhân, chẳng lành mà cậu bé tích tụ từ tiền kiếp, nay gặp lại những oán thân trái chủ của mình=nhân duyên hội đủ nên cậu bé phải trả nghiệp. Nhưng khi cậu bé qua đời, người thân chẳng quan tâm, người ngoài xúm vào giúp=Hoạ đó biến thành Phước. Mặc dù phước đó rất nhỏ, nhưng TN nghĩ, nó cũng đủ để cậu bé được an ủi về tâm linh, cũng nhờ đó mà cậu bé có thể rũ bỏ tâm sân hận để sanh về cõi an lành.
Dù không quen biết bé nhưng khi nghe tin bé đang cấp cứu đã đến thăm giúp tiền viện phí làm đám tang và đã dự đám tang cầu mong cho bé mau được siêu thoát. Và con muốn hỏi Thầy sao có muôn chuyện trên đời này còn thê lương hơn nhưng sao con chỉ đau lòng đối với bé con và bé chỉ có duyên như vầy thôi hả Thầy.
Hiểu lý của người thế gian thì như là bạn và cậu bé chẳng hề quen biết. Nhưng hiểu theo lý nhân-quả thì rất có thể, một kiếp nào đó cậu bé và bạn đã từng có những sự gắn kết về tình cảm (giả sử: thân, quen, ruột thịt…) Điều này chỉ khi tu đạo chúng ta mới có thể nhận biết ra được. Trong kinh Phật nói: chúng ta trôi lăn vô lượng kiếp, làm, thay đủ mọi thân mạng, dáng hình trong cõi luân hồi, cũng vì thế trong vô lượng chúng sanh (những người đang sống) quanh bạn cũng có biết bao người từng là thân quyến của mình, mà mình chẳng hề hay biết. Trường hợp cậu bé có thể lý giải như vậy. Tuy nhiên bạn phải biết khắc chế tâm bi luỵ của mình, bởi nếu để chúng thường trực sẽ dẫn tới nguy hiểm, làm tâm trí bạn luôn sống trong u uất, sầu thảm=trí tuệ mê mờ.
Mặc dù bạn là người Công Giáo nhưng TN thấy tâm bạn rất gần với đạo Phật. Đạo nào cũng tốt lành và đều dạy chúng ta hướng tới chân-thiện-mĩ. Đức Mẹ Maria cũng giống như Mẹ Quán Thế Âm của đạo Phật. Hai Ngài đều là những Bồ tát hoá thân, xuống cõi Ta bà này tuỳ nguyện, khai duyên, độ thế. Do vậy điều quan trọng là bạn phải có niềm tin nơi chánh pháp. Tâm luôn hành thiện, bỏ ác. Hai cụm từ hành thiện-bỏ ác rất quan trọng. Hành thiện là gì? Làm tất thảy những việc thiện mà chẳng chấp, chẳng luyến giữ nó=chân thiện. Bỏ ác là gì? Chẳng làm ác, chẳng tán thán, cũng chẳng tìm cách chê bai, khinh thị=Tâm trung chánh. Được như thế, dẫu bạn hoà mình vào dòng đời đầy tội lỗi, bạn vẫn thấy bình an. Sự an lạc của tâm là Nhân để đưa bạn về cõi an lạc.
Thiện Nhân cầu chúc bạn luôn tỉnh giác, tâm luôn hướng thiện, hành thiện không ngưng nghỉ. Quan trọng: Đừng quên bên cạnh bạn còn có cha, mẹ và những người thân ruột thịt của mình. Bởi nhờ họ mình mới có thân mạng này để tu phước, hành thiện. Tu mà tâm bạn luôn tỉnh giác như vậy mới là chân tu.
Nam Mô A Di Đà Phật
Kính gửi Thầy Thiện Nhân!
Con xin cám ơn Thầy nhiều. Con chỉ cần cậu bé đó được về nơi yên bình là con vui rồi. Con sẽ cố gắng đeer cho bé được tốt đẹp. Và sẽ cố gắng làm theo những gì mà Thầy đã chỉ bảo con. Lòng con nhe đi rất nhiều. Con xin cám ơn Thầy nhiều lắm. Con chúc Thầy nhiều sức khoẻ.
Kính gửi thầy Thiện Nhân
A Di Đà phật!
Thầy ơi! Con trai của con năm nay 24 tuổi bị tai nạn giao thông cháu mất được 4tháng 16 ngày rồi. Con chỉ mong sao được mơ thấy cháu.Thế mà vợ chồng con không bao giờ mơ thấy cháu cả. Liệu cháu đã được siêu thoát chưa. Con mong Thầy cho con biết với nhé. Lúc nào con cũng muốn làm một điều gì tốt để cho cháu chóng được siêu thoát. Vì vậy trong một 100ngày con không sát sinh và khi cúng tuần cho cháu con đều phóng sinh và bố thí. Con mong làm những điều tốt để cho con trai của con sớ được siêu thoát. Con xin Thầy chỉ bảo giúp con, con xin cám ơn thầy nhiều.
Không phải cúng dường, thí thực, phóng sanh thì tạo được phước đức, siêu thoát. Điều này chỉ hướng thiện để tâm lành mà thôi. Vì sao là cái chết, vì sao là chia lìa, vì sao là siêu thoát, tất cả chỉ là ý niệm, tâm an lòng tỉnh thì đã siêu thoát. Gia dình Chi hãy nhìn ra xem còn bao vàn con người đang chịu bao nỗi khổ đau, vậy Chi đã đặt để tâm thiện đúng chưa. Hãy đến những trung tâm trẻ em mồ côi, người già neo đơn mà trợ giúp họ, đó là phước đức cần nhất để con trai Chi được phước báu nhất.
A Di Đà Phật
Gửi chị Cúc kính mến,
Thiện Nhân cùng các Đạo hữu thành tâm chia buồn cùng chị và gia đình. Những gì chị kể khiến TN thực sự cảm động. Cuộc đời quả thật không có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau của sự sanh ly tử biệt.
Theo như chị nói: kể từ ngày cháu mất, trong 100 ngày gia đình đã không sát sanh, khi cúng tuần đều phóng sanh và hành bố thí. Việc làm của gia đình là rất đúng pháp. Trong Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện cũng nói: “Như sau khi người ấy đã chết, nếu lại có thể trong bốn mươi chín ngày vì người ấy mà tu tạo nhiều phước lành, thì có thể làm cho người chết đó vĩnh viễn xa lìa chốn ác đạo, được sanh vào cõi trời hoặc cõi người, hưởng sự vui thù thắng vi diệu; quyến thuộc hiện tại cũng được vô lượng lợi ích.”
Tới nay đã hơn 100 ngày. Nếu căn cứ vào Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện thì chắc chắn con trai chị đã được chuyển sanh. Thông thường nếu một người lúc sinh thời nghiệp lực bất thiện quá nặng, khi chết sẽ thường bị đoạ vào tam ác đạo: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Trong những ngày chờ chuyển sanh (49 ngày) và sau khi phải thọ sanh vào cảnh tam đồ nói trên họ thường tìm cách kêu cầu thân quyến còn sống của mình tìm cách cứu độ. Cũng vì thế mà nhiều trường hợp người thân của người vừa qua đời đã nhận được những thông tin (báo mộng, nhập hồn vào người thân, quen…). Trường hợp con trai chị rất có thể cháu đã chuyển sanh về cõi an lạc, cũng vì thế anh chị đã không nhận được những thông tin ngoài mong muốn. Điều này anh chị nên lấy làm hoan hỉ, chớ sanh tâm buồn phiền, thắc mắc, hoài nghi rồi sanh tâm luyến ái, hay tìm cách chiêu, gọi hồn… như không ít người thường làm, bởi làm vậy là mình đã sa đà vào những chuyện mê tín và như thế kể cả người còn và kẻ mất đều chẳng được lợi lạc.
Một người được sanh vào cõi lành hay không, anh chị chỉ cần chiếu xét tất cả những hành vi, động niệm của người đó từ lúc sinh thời, cho tới khi chết là có thể nhận biết ra người đó sẽ đi về cảnh giới nào.
Một người khi sanh thời luôn sống trong tham lam vô độ; tính tình sân hận, ngu si=khi chết 3 cảnh giới: tham=vào địa ngục; sân=vào ngạ quỷ; si=làm súc sanh sẽ lập tức chiêu cảm. Ngược lại nếu người đó tâm địa hiền lương, chuyên hành phước thiện=sanh cõi trời, người hoặc a tu la. Còn nếu người đó tu đạo: trì giới nghiêm mật, hành thập thiện… và có hạnh nguyện – còn gọi là Tín-Hạnh-Nguyện (ví thử: Nguyện sanh về Tịnh Độ), khi lâm chung, chắn chắn sẽ được sanh về cảnh đó.
Con trai anh chị mất cũng là một nhân duyên để anh chị và những người thân đến với Phật pháp – những điều mà (rất có thể) nếu cháu còn sống, có lẽ anh chị và người nhà (vì cuộc sống, vì gia duyên ràng buộc…) có thể chưa nghĩ đến, hoặc có nghĩ đến nhưng cũng chưa chắc đã có sự dũng mãnh. Do vậy TN nghĩ, một người qua đời, tuy để lại nỗi đau cho người thân, nhưng nhờ nỗi đau đó mà người thân được thức tỉnh để hiểu rằng: đời là vô thường, giả tạm, nay còn, mai mất và ai ai rồi cũng phải đi đến chặng đường đó. Nhưng có một điều hết sức quan trọng mà chúng ta không được mê mờ: Chết chỉ là giai đoạn chuyển tiếp một sự sống này sang một sự sống khác. Sự sống của vị lai tốt-xấu; thiện-ác; giàu-nghèo; sang-hèn… vốn phụ thuộc vào những nghiệp thiện-ác mà chúng ta tích tụ từ vô thỉ kiếp tới nay. Nhờ hiểu được như vậy mà anh chị và gia đình đến được với Phật pháp; hiểu được chỉ có Phật pháp mới có thể giúp cho chúng ta hiểu rõ được vũ trụ, nhân sinh; hiểu rõ được sự sống và cái chết và hiểu thêm về Nhân-Quả báo ứng cũng như công đức của việc tu hành (ăn chay, tụng kinh, niệm Phật, phóng sanh, bố thí…).
Trong Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, đức Địa Tạng Bồ Tát đã vì thương xót chúng sanh đời mạt pháp chúng ta mà đối trước Phật Thích Ca, căn dặn: “Bạch Ðức Thế Tôn! Tất cả chúng sanh trong thời hiện tại cùng vị lai, hoặc trời hoặc người, hoặc nam hoặc nữ, chỉ niệm được danh hiệu của một đức Phật thôi, thì sẽ được vô lượng công đức, huống là niệm được nhiều danh hiệu! Những chúng sanh đó lúc sanh lúc tử đều được lợi ích lớn lao, cuối cùng không phải đọa vào ác đạo.
Như có người nào sắp mạng chung, hàng quyến thuộc trong nhà dù chỉ một người, vì người bệnh đó mà cất cao tiếng niệm một danh hiệu Phật, thì người sắp chết đó, trừ năm tội Vô Gián, còn các nghiệp báo khác đều được tiêu tan.
Năm tội Vô Gián kia dầu rất nặng nề, trải qua ức kiếp không được ra khỏi, nhưng nhờ lúc lâm chung được người khác vì mình mà xưng niệm danh hiệu của Phật, cho nên những tội đó cũng lần lần tiêu sạch; huống hồ chúng sanh tự xưng tự niệm, tất sẽ được vô lượng phước báo, trừ diệt vô lượng nghiệp tội.”
Qua lời khuyến dạy trên chúng ta cùng nhận thấy: Chỉ cần niệm danh hiệu của một đức Phật, ví thử: Nam Mô A Di Đà Phật! hay A Di Đà Phật! Thì công đức đã vô lượng rồi. Tại sao niệm Phật mà lại có vô lượng công đức? Bởi hồng danh A Di Đà Phật chính là vô lượng công đức. Khi chúng ta thường chuyên niệm hồng ấy, tất chúng ta cũng đang nhắc nhở mình: hành thiện, bỏ ác; phá mê, khai ngộ; lìa khổ, được vui… và đương nhiên sự huân tập lâu ngày chính là chúng ta đang vun bồi công đức cho chính mình. Nhờ có công đức mà những người thân (kẻ còn, người mất) của chúng ta cũng được nương nhờ, mà được giác ngộ, rồi siêu thoát. Đó chính lý ý nghĩa: Một người giác ngộ có thể lợi lạc muôn chúng hữu tình.
TN hy vọng, cái chết của con trai chị sẽ là một nhân duyên lành giúp anh chị cùng mọi người thân cùng thức tỉnh – thức tỉnh để cùng hiểu đạo, giác đạo và dũng mãnh tu đạo.
TN cũng như các Đạo hữu trên ĐVCT – là người tu tại gia, vì vậy chị cứ hoan hỉ chia sẻ như tình đồng đạo, được vậy TN cảm niệm vô cùng.
A Di Đà Phật.
Chào chị,nếu chị thật sự muốn biết cháu thì không khó, trong kinh Địa Tạng có viết về một cô gái mất mẹ, vì quá thương mẹ mà nhất tâm bán hết tài sản hồi hướng mong chư phật cho biết mẹ sanh vào cõi nào, trước sự thành tâm này mà cô gái được toại nguyện và người mẹ từ địa ngục mà sanh lên cõi trời…a di da phật.
Kính chào Thiện Nhân ạ hôm nay là 49 ngày chị gái XT, hôm qua gia đình nhà chồng chị có gọi bên nhà XT ra đánh thức mộ chị để hôm nay 49 ngày, mặc dù đã được chuẩn bị trước tâm lý nhưng khi ra trước mộ chị gái XT vẫn không cầm được nước mắt khi đắp mộ cho chị thưa Thiện Nhân ạ. Đến tối về nhà chồng chị XT cúng và tắm cho chị XT tại nhà, mà đơn giản lắm chỉ vỏn vẹn khoảng 40 phút là xong tất, không có nhờ thầy hay cao tăng gì cả mà, nhờ 1 cụ ở xóm thôi ạ.XT có tham gia với a rể là nhờ thầy tới cúng nhưng anh và gia đình nhà chồng chị không nghe, cụ mà tới cúng hộ thì cúng sai linh tinh cả, đọc thì sai, quần áo thì không viết tên khi tắm xong cho chị XT thì quyên cả hóa quần áo, đại khái XT ngồi cạnh thấy chính miệng cụ ấy nói ra là thôi chết nhầm hết cả rồi, và lại bảo cúng nhầm cái gì đó nữa, mà thấy các cụ bảo cúng 49 ngày thì phải có đầy đủ quần áo tiền vàng và xoong nồi gường ghế… Mà gđ nhà chồng chị chỉ vỏn vẹn có mỗi 1 bộ quần áo hóa cho chị. XT và em trai XT đang định mua cho chị 1 số xoong nồi… Hóa cho chị Và sắm mâm cơm cúng mời chị về nhà có dc ko ạ. Và việc cúng gọi là cho xong của nhà chồng chị XT thế kia thì có sao không ạ. XT thấy thương chị quá, sống thì vất vả từ khi mới lấy chồng đã ko được lòng mẹ chồng xa quê hương làm ăn xa cả bố mẹ, anh chị em, xa cả con cái, vì chị sinh được 8 tháng là để con chị cho nhà XT nuôi theo chồng đi làm ăn tận sài gòn, cho tới lúc con chị học lớp 6 chị mới có đk cho cháu vào đó, anh chị vừa gọi là có của ăn của để thì chị ra đi mãi mãi, vậy mà gia đình chị lại đối sử khi chị mất như vậy, chị thức khuya đêm hôm ngày ngủ chắc được 3 đến 5 tiếng, đi chợ ăn uống không đủ mới bị bệnh dạ dày mà đau tới lúc mất khi đi viện chị vẫn bảo tiết kiệm dành cho con chị ăn học. Nhà XT phải làm như thế nào bây giờ cho chị ạ.
Nam mô a di đà phật
Thưa thầy Thiện Nhân ạ như thầy nói ở trên hôm nay 49 ngày chị con, con đã làm theo lời thầy, nhưng chỉ có điều nhà chồng chị con không đón thầy hay pháp sư cúng mà chỉ nhờ cụ bà hàng xóm cúng thôi ạ, mà nhà ai khi cúng 49 ngày người ta cung mua quần áo giường chiếu vàng tiền để cúng mà nhà chồng chị không làm theo, con có tham gia nhưng họ ko nghe, vậy thưa thầy nhà còn phải làm sao nữa đây ạ. Mà tối qua bà cụ già rồi nên tới cúng hộ mà con thấy làm sơ sài lắm tất cả làm trong 1h là xong hết, đọc cúng cũng sai linh tinh hết và hình như còn làm nhầm gì đó, vì con ngồi cạnh chính bà cụ ấy nói ra là thôi chết quyên mất và thôi nhầm rồi mà. Gia đình con đinh mua quần áo giường chiếu hóa cho chị có dc không ạ. Xin thầy Thiện Nhân chia sẻ giúp con và gia đình, giúp chị con đc đi theo hướng tốt ạ.
Nam mô a di đà phật.
A Di Đà Phật
Bạn Xuân Thường kính mến,
Chuyện bạn kể về 49 ngày của chị gái, TN nghe thật đau lòng. Bạn chớ nên oán trách gia đình người anh rể, bởi khi trong lòng bạn khởi tâm oán hận sẽ càng khiến cho chị bạn thêm đau khổ, và chính bạn cũng chẳng được an lạc. Bạn hãy ráng quán chiếu thế này: Sanh-lão-bệnh-tử là con đường tất yếu mà mỗi chúng ta ai cũng phải trải qua. Mỗi người – tuỳ theo phước báu và những nghiệp thiện-ác mình đã tạo tác từ vô thỉ tới nay, khi xả báo thân đều chỉ mang theo những nghiệp đó cùng thần thức để tái sanh. Ngoài những thứ đó, chị bạn sẽ không thể mang theo bất cứ một thứ gì. Do vậy việc gia đình người anh rể mua sắm quần áo, đồ dùng… để cúng, rồi đốt cho chị bạn trong ngày Thất tuần là việc làm hoàn toàn mang tính mê tín. Bạn chỉ cần suy nghĩ kỹ một chút: những thứ đồ đã đốt đi ai có thể mang chúng để xử dụng? Người sống còn không làm được, vậy người chết lại càng không thể làm được. Kết hợp việc nhờ bà cụ nào đó không hiểu biết về Phật pháp đến để tụng kinh cho chị bạn rồi nhầm nọ, lẫn kia, đây quả thật là chuyện chẳng nên. Một người chưa lo nổi, chưa biết mình phải làm gì, người đó làm sao có thể lo cho người khác? Làm vậy là bà cụ đã bị tổn phước, những người liên quan cũng tương tự. Điều này bạn phải nên tránh và ráng đừng để lặp lại. Đây cũng chính là điều mà trong trao đổi ngày 09.09.2014, TN đã dặn bạn rất kỹ, nhưng thật đáng tiếc gia đình anh rể bạn không tin Phật pháp nên đã xảy ra những chuyện đau lòng như vậy.
Theo đúng tiến trình tái sanh, trong vòng 49 ngày mọi chuyện sẽ được phân định. Nếu chị bạn lúc sinh thời thường hành việc thiện (thân-khẩu-ý hành thiện), tất lúc xả báo thân (lúc chết) dẫu cho xảy ra trong trường hợp nào chăng nữa – nương nhờ những nghiệp thiện đã gieo, chị bạn sẽ tái sanh vào những cõi thiện lành. Thời Phật còn tại thế có ngài Maha Nam con của Cam Lộ Phạm Vương em nhà chú của đức Phật là cư sĩ giữ năm giới, tu thập thiện, thọ bát quan trai… Một đã hôm hỏi Phật rằng:
– Bạch Thế Tôn, bình thường con tu giữ năm giới, thọ bát quan trai, tu thập thiện, giả sử con chết bất đắc kỳ tử bởi một tai nạn xảy ra, sau khi chết con sẽ đi về đâu?
Phật trả lời bằng một ví dụ:
– Có một cây mọc từ đất lên, thân và cành cây nghiêng về một bên. Vậy khi cưa, thân ngã về bên nào?
Maha Nam đáp:
– Cây ngã về phía mà nó đang nghiêng.
Phật dạy tiếp:
– Cũng vậy, bình thường ông hay làm điều lành, khi chết tuy bị khủng hoảng, nhưng nghiệp thiện tích lũy nhiều sẽ hướng ông đến chỗ lành, không sao, đừng sợ.
Qua câu chuyện này bạn đã có thể luận đoán chị ruột bạn đã đi về cõi nào rồi.
Trong Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện đức Địa Tạng và Phật Thích Ca nói rất cụ thể về trường hợp người vừa chết và trong vòng 49 ngày người thân nên làm gì. TN xin chép lại để bạn đọc, suy ngẫm rồi tự tìm giải pháp giúp cho chị gái mình nhé.
Phẩm Thứ Bảy
LỢI ÍCH CHO CẢ KẺ CÒN NGƯỜI MẤT
Lúc đó, Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát bạch cùng Ðức Phật rằng: “Bạch Ðức Thế Tôn! Con xem xét chúng sanh trong cõi Diêm Phù, cử tâm động niệm không chi là chẳng phải tội. Họ từ bỏ những thiện lợi có được và phần nhiều thối thất tâm tốt ban đầu, nếu gặp ác duyên thì niệm niệm tăng trưởng. Những hạng người này như kẻ đi trong bùn lầy mà còn mang đá nặng, nên càng khốn đốn, nặng thêm dần, chân càng lún xuống sâu.
Nếu được gặp hàng Tri Thức thì sẽ được gánh vác giùm bớt, hoặc gánh hết cho. Vì hàng Tri Thức đó có sức rất mạnh, lại dìu đỡ, khuyến khích làm cho mạnh chân lên. Nếu đến chỗ đất bằng phẳng rồi, thì phải xét nghĩ đến con đường hiểm xấu ấy, không đi vào đó nữa.”
“Bạch Ðức Thế Tôn! Những chúng sanh tập khí xấu ác, bắt đầu từ mảy mún rồi lần đến nhiều vô lượng.
Ðến khi những chúng sanh có tập khí như thế sắp sửa mạng chung, thì cha mẹ cùng quyến thuộc nên vì họ mà tạo phước đức, để giúp cho lộ trình phía trước của họ. Hoặc treo phan lọng và thắp đèn dầu, hoặc chuyển đọc tôn kinh, hoặc cúng dường tượng Phật cùng tượng của chư Thánh, cho đến niệm danh hiệu của Phật, Bồ Tát cùng Bích Chi Phật, làm cho mỗi danh mỗi hiệu đều thấu vào nhĩ căn của người sắp mạng chung, hoặc nơi bổn thức nghe biết.
Các chúng sanh đó, cứ theo nghiệp ác đã gây tạo mà suy lường quả báo chiêu cảm, tất phải đọa vào ác đạo; song nhờ quyến thuộc vì kẻ lâm chung mà tu nhân Thánh này, các tội đó thảy đều tiêu sạch.
Như sau khi người ấy đã chết, nếu lại có thể trong bốn mươi chín ngày vì người ấy mà tu tạo nhiều phước lành, thì có thể làm cho người chết đó vĩnh viễn xa lìa chốn ác đạo, được sanh vào cõi trời hoặc cõi người, hưởng sự vui thù thắng vi diệu; quyến thuộc hiện tại cũng được vô lượng lợi ích.”
“Vì lẽ đó nên nay con đối trước Ðức Phật Thế Tôn, cùng Thiên Long Bát Bộ, nhân và phi nhân v.v… mà khuyên bảo các chúng sanh trong cõi Diêm Phù Ðề: Vào ngày lâm chung, cần phải cẩn thận, chớ giết hại và chớ gây tạo ác duyên, cũng đừng bái tế quỷ thần, cầu xin vọng lượng.
Vì sao thế? Vì việc sát hại cho đến tế bái đó không có mảy may năng lực lợi ích cho người mất, mà chỉ kết thêm tội duyên, làm cho nặng thêm mà thôi.
Giả sử người chết đó, trong đời vị lai hoặc đời hiện tại, đắc được phần Thánh Quả, sẽ sanh vào cõi trời, cõi người; nhưng vì lúc lâm chung bị hàng quyến thuộc gây tạo ác nhân, làm cho người chết cũng mắc lấy ương lụy, phải đối biện, chậm sanh vào chốn tốt lành.
Huống chi là người sắp chết lúc sống chưa từng có chút thiện căn, phải y theo bổn nghiệp mà tự đọa ác đạo! Hàng quyến thuộc nỡ nào làm tăng nghiệp tội của người ấy?!
Ví như có người từ xứ xa đến, tuyệt lương thực đã ba ngày, lại vác theo đồ vật nặng hơn trăm cân, bỗng gặp kẻ lân cận gởi ít món đồ nữa, vì thế mà càng khốn đốn, nặng nề thêm.”
“Bạch Ðức Thế Tôn! Con xem xét chúng sanh cõi Diêm Phù Ðề, ở trong giáo pháp của chư Phật, nếu có thể làm thiện sự chừng bằng một sợi lông, một giọt nước, một hạt cát, một mảy bụi, thì tất cả đều tự mình được sự lợi ích.”
Nói lời như thế xong, trong Pháp Hội có một vị Trưởng Giả tên là Ðại Biện, ông Trưởng Giả này từ lâu đã chứng Vô Sanh, hiện thân Trưởng Giả để hóa độ mười phương, chắp tay cung kính hỏi Ðịa Tạng Bồ Tát rằng: “Thưa Ðại Sĩ! Trong cõi Nam Diêm Phù Ðề có chúng sanh nào sau khi mạng chung mà hàng quyến thuộc kẻ lớn người nhỏ, đều vì người chết đó mà tu công đức, cho đến thiết trai, tạo những thiện nhân, thì người chết đó có được lợi ích lớn và được giải thoát chăng?”
Ðịa Tạng Bồ Tát đáp rằng: “Này ông Trưởng Giả! Nay tôi vì tất cả chúng sanh trong hiện tại cùng vị lai, nương oai lực của Ðức Phật mà lược nói về việc đó.
Này ông Trưởng Giả! Những chúng sanh ở hiện tại hay vị lai, lúc sắp mạng chung mà nghe được danh hiệu của một đức Phật, danh hiệu của một vị Bồ Tát, danh hiệu của một vị Bích Chi Phật, thì bất luận là có tội hay không tội, thảy đều được giải thoát cả.”
“Như có người nam hoặc người nữ nào, lúc sống đã không tu thiện nhân mà lại tạo nhiều nghiệp tội, sau khi mạng chung lại được hàng quyến thuộc vì người chết mà tu tạo phước lợi lớn nhỏ; thì tất cả Thánh sự, trong bảy phần công đức, người chết được một phần, còn sáu phần thuộc về người sống hiện lo tu tạo đó.
Vì thế cho nên, các thiện nam thiện nữ ở hiện tại và vị lai, nghe lời nói vừa rồi đó nên cố gắng tự tu hành, thì được hưởng trọn phần công đức.
Ðại quỷ Vô Thường không hẹn mà đến, thần hồn vơ vẩn mịt mờ, chưa rõ là tội hay phước, trong bốn mươi chín ngày như ngây như điếc, hoặc ở tại các ty sở để biện luận về nghiệp quả, sau khi thẩm định xong thì cứ y theo nghiệp mà thọ sanh.
Trong lúc chưa biết ra sao đó thì đã ngàn muôn sầu khổ, huống là phải bị đọa vào các ác đạo!
Người chết đó khi chưa được thọ sanh, ở trong bốn mươi chín ngày luôn luôn trông ngóng hàng cốt nhục quyến thuộc tu tạo phước lực để cứu vớt cho. Quá ngày ấy rồi thì cứ theo nghiệp mà thọ báo.
Nếu là tội nhân thì phải trải qua trong trăm ngàn năm, không có ngày được giải thoát; còn nếu là năm tội Vô Gián thì phải đọa vào đại địa ngục, chịu mãi những sự đau khổ trong ngàn kiếp muôn kiếp.”
“Lại nữa, này ông Trưởng Giả! Sau khi những chúng sanh gây nghiệp tội như thế mạng chung, hàng cốt nhục quyến thuộc vì họ mà làm chay cúng dường để trợ giúp nghiệp đạo, thì khi thức ăn chưa làm xong cùng trong lúc đang làm, chớ có đem nước gạo, lá rau đổ vung vãi nơi đất, cho đến các thứ đồ ăn chưa dâng cúng cho Phật và chư Tăng thì chẳng được ăn trước.
Nếu ăn trái phép và không được tinh sạch kỹ lưỡng, thì người chết đó trọn không được trợ lực nào cả.
Nếu có thể kỹ lưỡng giữ gìn tinh sạch đem dâng cúng cho Phật cùng Tăng, thì trong bảy phần công đức, người chết hưởng được một phần.
Này ông Trưởng Giả! Vì thế nên những chúng sanh trong cõi Diêm Phù, sau khi cha mẹ hay người quyến thuộc chết, nếu có thể thiết trai cúng dường, chí tâm cầu khẩn, thì những người như thế, kẻ còn lẫn người mất đều được lợi ích cả.”
Nói lời này xong, tại cung trời Ðao Lợi có ngàn muôn ức na-do-tha quỷ thần của cõi Diêm Phù Ðề đều phát tâm Bồ Ðề vô lượng.
Ông Trưởng Giả Ðại Biện làm lễ mà lui ra“.
Chào bạn Xuân, bạn nên hỷ xả đối với gia đình chồng chị để tránh gia đình chồng chị oán trách “tam bảo” mang tội,đối với người mới mất chúng ta nên làm những điều có ích giúp cho người mới mất cũng như quyến thuộc nhiều đời nhiều kiếp hướng tới phật pháp.A di đà phật.
Kính chào Thiện Nhân cùng các Đạo hữu. Xuân Thường rất cảm ơn sự quan tâm chia sẻ động viên của Quý Đạo Hữu ạ. Chúc mọi người sức khỏe và hạnh phúc.
Nam mô A Di Đà Phật.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Dạ thưa Thầy Thiện Nhân, con có một chuyện, xin thầy cho phép con được dãi bày hỏi thầy, con mong thầy giúp con thực sự lòng con nặng trĩu tuyệt vọng lắm, có gì con xin thầy lượng thứ cho con.
Dạ thưa thầy, Ba của bạn gái con mất con là bạn trai nhưng lúc Ba của bạn con đang sống thì mẹ, chị gái, em của bạn con đều dấu không cho ông Ba biết tc giữu con với cô ấy, suốt hơn 1 năm con dều lo cho bạn g của con ăn học mọi thứ mặc dù mẹ của bạ con rất quý con nhưng đều dấu ông ba không hề cho biết đến khi ông ba bạn con mất thì bạn con báo tin Ba mất rồi thì con từ xa đến viếng, Ba cô ấy theo đạo phật nên trong lễ cúng đều cúng chay, trong hai ngày đó con ở đó để phụ giúp một số việc vặt và đêm khuya dù mọi người đã ngủ nhưng con vẫn tuc trực bên linh cữu của chú ấy, đến hôm sau có chị họ đến thì chị đó không ưa con hiện diện ở đó, đến tối thì con nghe kể lại là hồn của chú đó nhập vào người chị họ đó và ôm bạn g con và nói sao lại dám dấu Ba sao mấy mẹ con lại dấu B và nói hiện h Ba không về được nếu Ba về được thì Ba sẽ bóp cổ thằng đó chết, con chỉ thấy bạn con khóc và quỳ lạy Ba con hỏi gì thì cô ấy chỉ khóc không nói gì, một lúc sau anh rể cô áy nói vì máy mẹ con dấu ông ba nên ông ba rất tức giận, thôi tạm thời bây giờ tâm cứ về đi đừng ở đây nữa, gia đình đang bối rối vậy là con lặng lẽ ra về, nhưng lòng con trĩu nặng khi nghe nói như vậy, nhưng con vẫn đợi hai ngày sau di quan an táng ba bạn con, con vẫn lặng lẽ theo sau đoàn người đưa tang mà không cho ai biết, con đứng đợi mọi việc xong hết và mọi người về hết con mới đến bên mộ chú ấy thắp nhang tại mộ cho chú ấy, thầy cho con hỏi có chuyện hồn nhập và nói như vậy không? việc con làm trong thời gian qua khiến chú ấy tức giận như vậy sao? con ra viếng mộ chú ấy như vậy con có tội gì không ha thầy? con xin thầy giúp con.
A DI ĐÀ PHẬT
A Di Đà Phật
Gửi bạn Hữu Tâm,
Thiện Nhân cũng giống như bạn, là người phát tâm tu tại gia thôi, do vậy bạn cứ hoan hỉ chia sẻ cùng TN như tình đồng đạo là được rồi.
Chuyện bạn kể thật buồn và đau lòng. Việc Ba bạn gái nhập vào người chị họ, TN nghĩ là có thật và bình thường, bởi người mới qua đời, thần thức mới chỉ rời khỏi thân xác chứ chưa đi tái sanh, do vậy, nếu một người khi sanh tiền có những vướng chấp sâu dày, thậm chí người tu hành miên mật, nhưng phút cận tử nghiệp đến, không giữ lòng được thanh tịnh, để một niệm sân hận khởi lên thôi, người đó rất có thể cũng sẽ phải đoạ sanh vào kiếp chẳng lành.
Trường hợp của Ba bạn gái bạn rất có thể đã đang ở trong hiện trạng mà TN đề cập. Câu nói: „đến tối thì con nghe kể lại là hồn của chú đó nhập vào người chị họ đó và ôm bạn g con và nói sao lại dám dấu Ba sao mấy mẹ con lại dấu B và nói hiện h Ba không về được nếu Ba về được thì Ba sẽ bóp cổ thằng đó chết“ cho thấy Ba của người bạn gái đang ở trong trạng thái vô cùng sân hận. Nếu trong 49 ngày, gia đình người bạn gái bạn không biết cách để giàn xếp: Thỉnh chư Tăng có đạo hạnh, thiết lễ cúng dường Trai Tăng và làm lễ siêu độ để hồi hướng cho Ba người bạn gái, và thành tâm nhận lỗi trước hương linh người đã khuất, TN nghĩ cơ hội để Ba bạn gái bạn được chuyển sanh về cõi lành là vô cùng khó.
Điều TN lấy làm hơi khó hiểu về lý do gia đình người bạn gái bạn phải giấu Ba, không cho biết về mối quan hệ giữa hai bạn? Bản thân bạn cũng chấp nhận mối quan hệ có phần éo le này? Do vậy khi xảy ra chuyện bất đồng về tư tưởng, đặc biệt với một người vừa qua đời, bạn nên ý thức: một phần cũng do lỗi chính bạn gây nên. Phải chăng giữa hai bạn có điều gì khó nói nên không thể công khai hoá cho ông cụ thân sinh bạn gái bạn được biết? Nhưng dù sao cũng là chuyện đã qua. Vấn đề bạn phải đối mặt là sự hiện diện của bạn tại gia đình người bạn gái trong những ngày này rất có thể tạo nên những bất lợi, làm tăng thêm sự oán thù của người vừa qua đời. Do vậy, theo thiển ý của TN, bạn và người nhà người bạn gái nên tìm gặp một vị Tăng có đạo hạnh, trình bày mọi sự uẩn khúc trong mối quan hệ của hai bạn, và những lý do phải giấu không cho người quá cố biết. Kế đó nhờ Chư Tăng tìm cách hoá giải những mâu thuẫn này. Chỉ có tấm lòng chân thành sám hối của chính bạn và người thân của bạn gái bạn và nương nhờ đạo lực của Chư Tăng mới có thể giúp cho người quá cố hoá giải được những chướng ngại trong tâm, từ đó mà buông xả những chuyện trong cõi nhân gian, rồi nguyện tu hành để chuyển sanh về những cõi an lạc.
Việc bạn ra mộ của ông cụ theo TN nghĩ là điều rất tốt và rất dũng cảm, tuy nhiên bạn phải hết sức cẩn trọng, bởi nếu bạn có đủ khả năng để khuyến giải ông cụ, giúp ông cụ biết hồi đầu, rồi buông xả mọi chuyện để tu hành, mà giải thoát thì sự hiện diện của bạn là có ý nghĩa; ngược lại sẽ làm tăng thêm mối sân hận cho người quá cố và vô tình đã tạo thêm nhân duyên không lành, khiến ông cụ khó mà siêu thoát.
Vấn đề cần tháo gỡ phải bắt đầu từ ngay chính những người thân của người bạn gái bạn. TN nghĩ chỉ có tấm lòng chân thành sám hối và thực muốn cho ông cụ được siêu thoát mới có thể giúp cho người Ba bạn gái bạn hồi đầu, chuyển ý để tự tu hành mà giải thoát.
Nghi thức hoá giải như thế nào, có lẽ bạn nên cùng gia đình người bạn gái bạn thỉnh hỏi trực tiếp các Chư Tăng như TN đã nói trên. Bản thân bạn trong lúc này phải ráng luôn thường niệm hồng danh A Di Đà Phật. Thứ nhất: Khi bạn nhất tâm (còn gọi là Chân Thành) niệm Phật, bạn sẽ nhận được sự gia hộ của chư Phật, chư Bồ tát và các Long thần, Hộ pháp, nhờ đó mà các chúng sanh vô hình không bức hại được. Thứ hai: sẽ giúp tâm bạn luôn được sáng suốt, nhờ đó mà mọi hành vi động niệm trong mọi sinh hoạt đời sống và việc làm… đều ở trong chánh niệm. Thứ ba: Bạn nên phát tâm trong vòng 49 ngày của ông cụ, ráng ăn chay và thành tâm hàng ngày trì Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện; kết hợp cùng người nhà bạn gái thực hành phóng sanh, bố thí, cúng dường Chư Tăng… rồi hồi hướng tất thảy công đức này cho ông cụ. Sự chân thành của mọi người sẽ là vị nước cam lồ hoá giải và làm tiêu tan mọi chướng duyên, chướng nghiệp giữa bạn với người Ba bạn gái, từ đó tạo động lực giúp ông cụ được chuyển sanh về cõi an lạc.
Chuyện hoá giải với ông cụ là gấp thiết, vì thế mong bạn thật cẩn trọng trong mọi hành vi, lời nói để không làm tăng thêm những mối bức xúc, đặc biệt với người vừa qua đời.
Chúc bạn thật dũng mãnh và tỉnh giác để giúp cho ông cụ được sanh về cõi an lạc và hai bạn cũng không gặp những chướng duyên trên đường đời cũng như đường đạo.
A Di Đà Phật
A Di Đà Phật tất cả đạo hữu,
Con số 7×7 = 49 ngày trong nhà Phật có ý nghĩa gì sau khi người ta chết các Thầy và Phật tử hầu hết phải y theo cái quá trình thời gian đó mà quý Thầy cùng gia đình thực hành hồi hướng công đức phước đức cho người chết? Như vậy con số 7 có ý nghĩa gì đối với người chết mà trong nhà Phật gọi là thần thức, hương linh, vong linh…?
Trong kinh A Di Đà cũng có nhắc đến con số 7:
“Xá-Lợi-Phất! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe nói đức Phật A Di Ðà, rồi chấp trì danh hiệu của đức Phật đó, hoặc trong một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, >hoặc Bẩy Ngày<, một lòng không tạp loạn. Thời người đó đến lúc lâm chung đức Phật A Di Ðà cùng hàng Thánh Chúng hiện thân ở trước người đó.
Người đó lúc chết tâm thần không điên đảo, liền được vãng sanh về cõi nước Cực Lạc của đức Phật A Di Ðà."
Như vậy con số 7 có liên quan gì cho người còn sống khi hạ thủ công phu niệm Phật và sự ảnh hưởng gì cho thần thức sau khi chết? Tại sao không nói là 6 hoặc 8 ngày mà phải nhất định 7 ngày?
Huệ Tịnh có nghe và đọc qua vài bài nói về lý do phải 7 và 49 ngày nhưng vẫn còn thắc mắc. Xin các thiện tri thức giải đáp về vấn đề con số 7 để tất cả đạo hữu sơ cơ và Huệ Tịnh hiểu thêm trên bước đường tu hành với sự nghi thức cúng lễ hồi hướng cho người mới qua trong vòng 49 ngày hoặc sau khi đã qua 49 ngày.
Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật,
Số 7 trong nhà Phật đại biểu cho sự Giác Ngộ chân chánh, sự giác ngộ mà có thể giúp cho chúng ta ra khỏi 6 nẻo luân hồi mới gọi là sự giác ngộ chân chánh, vượt qua sáu nẻo thì mới gọi là giác ngộ, mới thật sự hết Khổ. Và đó cũng là chu kỳ chuyển biến của thần thức theo nghiệp lực sau khi qua đời, vì cứ khoảng 7 ngày thì thân trung ấm lại có thể quay trở về nhà, do nhớ nhung gia đình, người thân, nhà cửa,v.v…tóm lại là do nghiệp lực làm chủ, khiến thân trung ấm phải như vậy. Và đó là quy luật của nghiệp lực, cũng không phải do Đức Phật chế tác ra, Ngài chỉ quan sát thấy chân tướng sự thật ra làm sao thì nói lại cho chúng ta như vậy mà thôi.
Cũng không có cách nói cố định là phải 7 ngày, thường là như thế nhưng có những trường hợp cá biệt, thân trung ấm tồn tại ngắn hơn, hoặc dài hơn 49 ngày. Nghiệp lực chúng sanh ko có 1 mẫu số chung mà phải tùy vào nghiệp lực của từng cá nhân mà có sự sai biệt nhất định, nhưng phần lớn vẫn theo đúng 7×7=49 ngày mà thần thức thường quay trở về nhà trong giai đoạn này.
Do chính vì sự đa dạng của nghiệp thức mà trong Kinh Vô Lượng Thọ Phật dạy chúng ta 1 câu quan trọng “Nghiệp chúng sanh không thể nghĩ bàn”. Cho nên Phật chỉ có thể hé mở 1 phần sự thật, chia sẻ cái biết của Ngài cho chúng ta giống như 1 ít lá cây trong lòng bàn tay vậy, còn cái biết chân thật của Ngài thì như lá trong rừng, chúng ta chỉ cần nắm vững nguyên lý nguyên tắc “ko thể nghĩ bàn” rồi tiến tu, vãng sanh Cực Lạc thì mình sẽ tự biết tường tận cái dòng nghiệp thức của chúng sanh nó chuyển biến ra sao…
Số 7 có ý nghĩa nhắc nhở chúng ta rất lớn, phải cố gắng tu để vượt khỏi số “6”, tức 6 nẻo luân hồi, vượt qua nó thì chính thức được Phật thừa nhận là “Phật tử” – là con trai trong Nhà Như Lai, còn hiện nay chúng ta có cái danh “Phật tử” thôi chứ ko có thực chất, nên gọi chính xác là “danh tự Phật tử” hoặc “Tương tợ Phật tử” chứ chưa phải là Phật tử chân thật.
Do vậy trong Kinh Phật phần lớn các con số đều mang ý nghĩa biểu pháp là chính, còn nếu nói thật chính xác thì Phật chỉ mỉm cười với chúng ta mà thôi. Vì ông tu ông chứng, ông chứng nhập vào cảnh giới của Như Lai thì ông sẽ tự biết tất cả, còn ngay lúc ông “dính mắc” trên con số, trên văn tự thì ông chẳng thể thấy được Như Lai. Đây là lời Phật nhắc nhở chúng ta trong Kinh Kim Cang, chúng ta phải thường ghi nhớ.
Phần nghi thức cầu siêu 49 ngày thì bài này đã nói đầy đủ rồi, ko cần phải nhắc lại nữa.
Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật.
Cảm ơn lời chia sẻ giải đáp của đạo hữu Tịnh Thái.
Con xin chào chú Thiên Nhân,
Chú cho con hỏi khi trong gia đình có người sắp lâm chung hoặc mới lâm chung, muốn thỉnh môt vị cao tăng đức hạnh vê làm lễ hộ niệm,v..v
Làm sao có thê biết được người ấy có đầy đủ đức hạnh của 1 vị Tăng hay ko ạ?
A Di Đà Phật,
Tất cả đều là duyên phận. Có những thứ mình chỉ thể gặp chứ chẳng thể cầu. Tuy nhiên, bạn có thể chủ động kết duyên với các đạo tràng Tịnh Độ, hoặc các ban hộ niệm. Khi đã có duyên rồi thì sau này gia đình mình có việc thì rất có khả năng họ sẽ đến giúp mình một tay. Những ai đến giúp mình mà không cầu danh, ko cầu lợi, ko tính toán thiệt hơn cho bản thân họ thì họ chính là người có đức hạnh, họ chính là thiện tri thức của mình. Đây cũng là xem phước duyên của mỗi người mà thôi. Do đó, tu phước (mà ko hưởng phước) & kết pháp duyên với chúng sanh rất là quan trọng.
Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật
Gửi bạn Hải Lý,
Câu hỏi của bạn thật ý nghĩa nhưng cũng thật khó có câu trả lời thật chính xác, bởi chúng ta đều là phàm nhân, với nhãn phàm – nhìn đâu cũng thấy sai kiến, hay-dở, thơm-thối, lợi-hại, thắng-thua, đen-trắng… (tâm phân biệt, chấp trước) vì thế chúng ta khó có thể biết được đích xác đâu là phàm Tăng, đâu là Thánh Tăng. Do vậy, có lẽ chúng ta nên có sự nhìn nhận ở con mắt trung đạo, nghĩa là: dùng chỉ số tương đối để nhận biết. Một vị cao Tăng được coi là đức hạnh thời nay chúng ta nên lấy Lục Độ Ba La Mật=6 đức hạnh độ thế tối thắng mà Phật dạy làm tiêu chuẩn:
– Bố thí
– Trì Giới
– Nhẫn nhục
– Tinh tấn
– Thiền Định
– Trí huệ
Trong Kinh Văn Thù Sư Lợi Nói Về Cảnh Giới Bất Tư Nghì Của Phật có dạy về Lục Độ Hạnh như sau:
Bồ tát thực hành sáu ba la mật đều dùng ba pháp mà được thành tựu viên mãn. Ba pháp này đều nhờ không phóng dật mà có. Những gì là ba? Ðó là:
– Bố thí có ba, nghĩa là: hay xả tất cả, không cần quả báo và hồi hướng bồ đề.
– Trì giới có ba, nghĩa là: hết lòng kính thọ, hộ trì không sót, và hồi hướng Bồ đề.
– Nhẫn nhục có ba, nghĩa là: nhu hòa, khoan dung, tự bảo vệ và bảo vệ kẻ khác, hồi hướng Bồ đề.
– Tinh tấn có ba, nghĩa là: không bỏ gánh nặng thiện, không có tưởng quá khứ vị lai, hồi hướng Bồ đề.
– Thiền định có ba, nghĩa là: khắp nhập các định, không bị phan duyên, hồi hướng Bồ đề.
– Bát nhã có ba, nghĩa là: trì sáng chiếu khắp, diệt các hý luận, hồi hướng Bồ đề.
Như vậy gọi là Bồ tát tu lục độ, mỗi mỗi độ đều có ba thứ, có thể thành pháp viên mãn, nhờ hạnh không phóng dật mà được sanh trưởng.
Ngược lại, nếu ba pháp trong 6 lục độ hạnh này mà vị Bồ tát không thực hành miên mật (để tâm phóng dật, buông lung, không trì giới) = vị Bồ tát đó không giữ trọn đạo hạnh:
Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ tát nói: Những gì là ba?
– Ðó là tự mình không bố thí, không muốn người khác thí, sân hận với người bố thí.
– Tự mìng không trì giới, không muốn người khác trì giới, sân hận với người trì giới.
– Tự mình không nhẫn nhục, không muốn người khác nhẫn nhục, sân hận người hay nhẫn nhục.
– Tự mình không tinh tấn, không muốn người khác tinh tấn, sân hận với người hay tinh tấn.
– Tự mình không tu định, không muốn người khác tu định, sân hận với người hay tu định.
– Tự mình không có trí tuệ, không muốn người khác có trí tuệ, sân hận với người có trí tuệ. Như vậy, Bồ tát thực hành lục độ, mỗi mỗi có đủ ba chướng sai biệt, nhưng nhờ không phóng dật mà được đoạn trừ.
Thông qua 6 lục độ hạnh nói trên bạn có thể xác quyết được vị Tu sĩ nào là người có đạo hạnh. Tuy nhiên muốn biết được bạn phải có con mắt và tâm đạo và phải thường xuyên gần gũi vị tu sĩ đó, may ra mới có thể biết phần nào.
Trường hợp của bạn, nếu thực sự quá cần kíp, có lẽ, bạn và gia đình cũng không nên quá xét nét rồi đi truy tìm đạo hạnh của những vị tu sĩ làm gì? Trái lại, một chắc nghiệm thật giản đơn nhất, thông qua tướng hình, ăn mặc, cử chỉ, hành động, lời nói: nếu vị tu sĩ đó có một lối sống dung dị, lời nói nhu hoà, hành vi, động niệm đều vì tha nhân, xem thường chuyện vật chất… người này bạn có thể tin tưởng và thỉnh tới giúp hộ niệm cho người thân. Còn nếu bạn thấy không đủ khả năng để làm chuyện đó, có lẽ tốt hơn cả là nhờ những người thân, quen tu đạo và có tâm đạo giúp cho việc thỉnh Tăng hộ niệm này.
Mọi chuyện chỉ nên là tương đối, bạn chớ vì yêu cầu tuyệt đối mà nhiều khi đánh mất cơ hội được thỉnh pháp, nghe kinh của người thân.
Chúc bạn tỉnh giác để có thể hộ niệm viên mãn cho người thân của mình
A Di Đà Phật
A Di Đà Phật.
Muốn biết một vị Thầy tu hành đầy đức hạnh thì bạn phải ở gần bên cạnh quán xét và cảm nhận được cái đạo lực an lạc của vị Thầy đó tỏa ra dính qua thân tâm của bạn. Khi bạn có cảm giác rất an lạc và phiền não tự tiêu tan lúc ở gần bênh cạnh vị Thầy đó tức là do tâm từ bi của vị Thầy đó lang truyền sang ra tới tâm của bạn. Cũng như nếu có một người khi tới gần Đức Phật sẽ cảm nhận được cái năng lượng Đại Bi của Ngài liền sẽ cảm giác thanh tịnh. Nếu bạn đứng gần một vị Thầy tuy hình tướng trang nghiêm nhưng trong tâm ít đạo hạnh vẫn còn chứa đầy tham sân si ngã chấp thì bảo đảm bạn sẽ cảm thấy không an lạc tí nào. Vạn pháp duy tâm tạo chúng ta sẽ cảm nhận được hết cho dù người ấy hình tướng ra sao nhưng không thể dấu được tâm thiện hay ác.
Muốn gặp được một vị Thầy đầy đủ đức hạnh thì xem bạn có đầy đủ phước đức hay không. Mà muốn được đầy đủ phước đức thì không chi bằng hàng ngày phát tâm lễ bái tán thán niệm Phật A Di Đà và Quan Thế Âm Bồ Tát thật lòng cho thường xuyên. Niệm Phật là đa thiện đa phước nên nhớ để thực hành.
Hiện tại nếu bạn đang ở bên VN thì theo HT biết Thầy Giác Hạnh là một vị đẩy đủ đức hạnh để liên lạc kết duyên. Thầy đi hoằng pháp giúp khai thị cho nhiều các Phật tử khắp nơi ai cũng nghe biết danh tiếng của Ngài. Thầy rất rành mấy chuyện hộ niệm cho người khi lâm chung vì Thầy chuyên tu pháp Tịnh Độ cả đời rồi kinh nghiệm đầy người không có mà Thầy không thấy biết qua. Thời gian rảnh rỗi bạn có thể xem nghe Thầy thuyết giảng các bài pháp như là:
Hiện Tượng Vãng Sanh
https://www.youtube.com/watch?v=Tk8hFTpZGQg
Người Sắp Mất Cần Nhất Điều Gì Ở Chúng Ta
https://www.youtube.com/watch?v=_1WZr-7GObs
Chúc bạn thành tựu như ý.
Nam Mô A Di Đà Phật.
A DI ĐÀ PHẬT.
con xin kính chào thầy Thiện Nhân
có thắc mắc muốn hỏi là:
con không phải là người tu hành vì vậy con ăn rất nhiều thịt vậy có phải là tội sát sinh không ạ?
thầy có thể cho con biết con đường để tránh không ạ.
câu thứ 2 con muốn hỏi thầy là:
thầy có thể nói cho con biết làm gì để tích phước đức ạ? thầy có thể cho con 1 số ví dụ được không ạ?
A Di Đà Phật
Gửi bạn Trung Hiếu,
Thiện Nhân cũng giống như bạn, là người phát tâm tu tại gia thôi, nên bạn cứ hoan hỉ chia sẻ cùng TN như bạn đạo là TN hoan hỉ lắm rồi.
Con không phải là người tu hành vì vậy con ăn rất nhiều thịt vậy có phải là tội sát sinh không ạ?
Trực tiếp thì không, nhưng gián tiếp thì có, bởi bạn có ăn nhiều thịt thì người bán mới phải giết thịt nhiều để cung cấp cho bạn. Trong tội sát sanh Phật có nói: tự mình làm, bảo người khác làm, thấy người khác làm sanh tâm hoan hỉ=tội sát sanh. Ví như bạn tự mua gà, vịt, tôm, cua… về nhà, rồi tự mình giết, thịt, rang, xào, nấu nướng để thưởng thức=sát sanh; hoặc bạn ra chợ, tới cửa hàng bảo người khác giết thịt những con vật để bạn mang về thưởng thức=sát sanh; hoặc bạn nhìn thấy người sát sanh thú vật, bạn thấy vui thích, ưa mê những cảnh đó=sát sanh, bởi tâm sát trong bạn đã khởi.
Bạn chưa tu đạo, nhưng tâm đã hướng đạo, vì thế tâm mới khởi duyên nghĩ tới chuyện thiện-ác. Đó là duyên lành báo hiệu rằng tâm bạn đang hướng Phật và muốn tu học theo đạo Phật. Đạo Phật là đạo dạy chúng ta bỏ ác-hành thiện; làm lành-lánh dữ; phá mê-khai ngộ; lìa khổ-được vui và chuyển hoá tâm phàm thành tâm thánh thiện.
Trong Kinh Kim Cang Luận Phật dạy:
Hết thảy trong các tội, sát sanh, ăn thịt tội nghiệp rất nặng. Cớ sao vậy? Như cắt một dao trả lại một dao, giết một mạng phải thường lại một mạng, trăm ngàn muôn đời ăn thịt lẫn nhau không dứt. Cho nên người tu muốn khỏi luân hồi trả quả thời trước hết phải học từ bi, chẳng ăn thịt chẳng sát sanh.
Thứ hai, phạm tội trộm cắp lấy của người, hoặc vốn ít lời nhiều, trong ngàn muôn đời phải trả nợ. Cớ sao vậy? Như vật của người chẳng cho mà mình lấy ngang, một đồng tiền, một bụm gạo, kiếp sau đều phải trả nợ. Cho nên người tu muốn cầu giàu sang, của tiền như ý mình thì trước phải bố thí mới đặng, hà huống trộm cắp của người.
Thứ ba, phạm tội tà dâm, cái ân ái buộc ràng trong ngàn muôn đời chẳng đặng giải thoát. Cớ sao vậy? Sự dâm dục là hột giống cội gốc đường sanh tử. Cho nên người tu muốn ra khỏi sanh tử, trước phải đoạn trừ ái dục.
Thứ tư, phạm tội vọng ngữ, cái khẩu nghiệp nói dối trong ngàn muôn đời, cái phải cái không gạt nhau, việc không nói có, việc có nói không. Do cớ sao? Oan oan tương báo, đời đời đền trả. Cho nên người tu muốn cầu vào đạo, trước phải học thành thật, trừ bỏ việc dối trá.
Thứ năm, phạm tội uống rượu, hôn mê chân tánh, trong ngàn muôn đời tâm trí tối tăm. Cớ sao vậy? Vì tửu lực làm cho người mê muội ngu si, thân thể nhơ nhớp, say sưa nghiêng ngả. Cho nên người tu muốn cầu cho tâm tánh yên tịnh, trí huệ thông minh thì phải dứt trừ cái nghiệp uống rượu.
Năm thứ nghiệp đó rất lớn, rất nặng, như người giữ trọn đặng thì thành Thánh, bằng giữ chẳng trọn thì nhiều kiếp trầm luân đọa lạc, hễ mất thân người muôn kiếp khó trở lại đặng.
Bạn chưa thọ Tam Quy Ngũ giới vì thế vẫn có thể ăn mặn, tuy nhiên nên mua những đồ làm sẵn từ siêu thị chứ chớ nên làm như những điều TN đã nói trên. Hơn thế bạn ráng giảm bớt khẩu phần thịt trong bữa ăn, bởi các vị Tôn Túc nói: Người ăn nhiều thịt (tâm hám ăn thịt) cũng đồng nghĩa đem thú tính vào cơ thể của mình. Ví như một người thích và thường ăn thịt chó, cơ thể của họ rất hôi hám và khi chó nhìn thấy họ thì chúng đều lảng tránh từ xa. Chẳng phải vì người đó có dũng tướng, trái lại sát tướng của người này quá mãnh liệt, tới độ những con chó nhìn thấy họ cũng đều hoảng sợ và bỏ chạy. Điều này xét sâu xa bạn thật nên ráng tránh.
Trong kinh Địa Tạng có dạy ăn chay trong những ngày sau: “Lại nữa, này Phổ Quảng! Trong mỗi tháng, ngày mùng một, mùng tám, mười bốn, mười lăm, mười tám, hăm ba, hăm bốn, hăm tám, hăm chín và ba mươi là những ngày kết tập các nghiệp tội, thẩm định nặng nhẹ. Tất cả mọi cử chỉ, động niệm của chúng sanh trong cõi Nam Diêm Phù Ðề không chi là không nghiệp, không chi là không tội, huống hồ là buông lung giết hại, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, trăm ngàn tội trạng“. Bạn ráng thực hành thử xem nhé.
Thầy có thể nói cho con biết làm gì để tích phước đức ạ? thầy có thể cho con 1 số ví dụ được không ạ?
Phật dạy: „Cầu phước chẳng qua trai giới bố thí; cầu thọ chẳng qua giới sát phóng sanh; cầu huệ chẳng qua học rộng nghe nhiều; cầu an tâm chẳng qua xét ngăn những việc phải quấy. Cho nên muốn cầu đạo chánh thì đừng tin thầy tà, muốn ra khỏi luân hồi thời đừng có phạm luật nhân quả“.
„trai-giới-bố thí“ là gì? Trai=ăn chay; Giới=giữ giới (5 giới đã nêu trên); Bố thí=Bố thí tài vật (vật dụng, tiền của cho người nghèo, cô nhi viện, chùa, từ đường…); bố thí pháp (in kinh sách, tạo, tạc tượng Phật hay Bồ tát); bố thí vô uý =phóng sanh. Tất cả những hạnh bố thí này đều là tạo phước. Ăn chay=không sát sanh; tâm không nghĩ tới sát sanh; không tạo nhân duyên cho người khác sát sanh=tạo phước cho mình và cho người. Nhưng những phước báu này chỉ là hữu lậu, nghĩa là không thường còn: có rồi lại mất. Còn hành thì có; ngưng hành thì hết. Hành rồi lại lo thụ hưởng=cạn kiệt. Nói vậy không có nghĩa chúng ta không cần làm nữa, ngược lại, chúng ta vẫn làm, làm thật rốt ráo nhưng làm rồi thì hồi hướng tận hư không giới các chúng sanh, nguyện cho mọi chúng sanh đều viên thành Phật đạo=phước báu vô lậu. Do vậy muốn có phước báu vô lậu, nghĩa là thường tồn, Phật dạy chúng ta phải: trì tụng kinh chú (Kinh Vô Lượng Thọ; Kinh A Di Đà) và xưng tán hồng danh: Hồng danh A Di Đà Phật và tu hành công đức. Bố thí, trì giới, niệm Phật nguyện cầu vãng sanh Tây Phương tịnh Độ chính là tu hành công đức vô thượng. Tạo sao? Bởi về nơi đó bạn sẽ vĩnh ly sanh tử luân hồi; nơi đó bạn đồng hội cùng chư Phật, chư Bồ tát vì thế không có duyên để tạo việc ác hay bất thiện. Hàng ngày, hàng niệm chỉ nghĩ tới chuyện tạo mang lại sự lợi lạc cho chúng sanh=đại phước báu.
Như vậy phước báu tiểu hay đại vốn phụ thuộc vào sự tỉnh giác nơi chính bạn. TN hy vọng bạn sẽ sớm thức tỉnh, thoát ra khỏi những ham muốn, dục vọng thường tình để đến với đạo Phật, học niệm Phật và cùng nguyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.
Có gì khúc mắc bạn cứ hoan hỉ trao đổi nhé, TN cùng các Đạo hữu sẽ luôn ở bên bạn.
TN