Có người hỏi rằng: “Chỉ cần thấy tánh ngộ đạo liền vượt qua sanh tử, cần chi phải chuyên tâm niệm đức Phật kia để cầu sanh qua phương khác?”
Đáp rằng: “Người tu hành chân chánh nên tự mình xem xét, cũng như người uống nước tự biết nóng hay lạnh. Nay còn có bài văn quy kính này, có thể dùng để phá đi nhiều sự sai lầm.
Này các vị! Nên tự xét chỗ hiểu biết và việc làm của mình, có thật được thấy tánh ngộ đạo, được Như Lai thọ ký, được nối ngôi vị Tổ sư, được như các ngài Mã Minh, Long Thọ hay chăng? Được tài biện thuyết không ngại, được Tam-muội Pháp Hoa như ngài Thiên Thai Trí Giả hay chăng? Tông chỉ và giảng thuyết đều thông, chỗ hiểu biết và việc làm đều đầy đủ như ngài Trung Quốc sư hay chăng? Các vị đại sĩ ấy đều để lại lời dạy rõ ràng, hết lòng khuyên bảo pháp vãng sanh. Đó thật là lợi mình lợi người, nào phải đâu dối người dối ta? Huống chi đức Phật đã ngợi khen, tự thân dặn dò cặn kẽ. Noi theo các bậc hiền xưa, kính vâng lời Phật dạy, quyết định không thể sai lầm. Lại như trong Vãng sanh truyện có ghi lại, xưa nay nhiều bậc cao sĩ, sự tích rõ rệt, nên thường đọc kỹ các truyện ấy để tự mình soi tỏ.
Lại nữa, phải thường tự biết mình, liệu rằng đến lúc mạng chung, sống chết gần kề, có chắc chắn sẽ được tự tại hay chăng? Nghiệp ác nặng nề từ vô thủy đến nay, liệu sẽ không hiện ra nữa chăng? Báo thân này liệu có chắc chắn được thoát khỏi luân hồi hay chăng? Trong ba đường dữ với các loài chúng sanh khác nhau, liệu có thể tự mình vào ra tự do, thoát mọi khổ não hay chăng? Trong mười phương thế giới, khắp cõi trời người, liệu có thể tùy ý thác sanh không ngăn ngại hay chăng? Nếu mình chưa được như vậy, đừng vì một lúc tự cao mà đến nỗi phải chịu chìm nỗi nhiều kiếp. Tự mình bỏ mất điều lợi tốt đẹp, rồi sẽ trách ai? Hỡi ôi! Thương thay! Than vãn cũng không kịp nữa!
Việc tu hành thường rơi vào một trong bốn trường hợp, xin chọn nêu ra dưới đây.
Một là:
Tu thiền, không Tịnh độ,
Mười người, lầm đến chín.
Cảnh âm vừa hiện ra,
Liếc qua, liền theo đó.
Nghĩa là: Nếu chỉ hiểu rõ lý tánh mà chẳng phát nguyện vãng sanh thì sẽ lưu chuyển trong cõi Ta-bà, chịu cái họa sa đọa. Cảnh âm đó là trong khi thiền định có ma ấm phát hiện ra. Như trong kinh Lăng Nghiêm có nói rõ: Do năm ấm mà sanh ra năm mươi cảnh ma. Người tu thiền khi mới thấy những cảnh ấy không rõ biết, nên tự nghĩ rằng đã chứng được Vô thượng Niết-bàn. Bị mê hoặc không biết, nên phải đọa vào địa ngục Vô gián.
Hai là:
Không thiền, chuyên Tịnh độ,
Muôn người không sai một.
Chỉ cần được thấy Phật,
Lo gì không chứng ngộ?
Nghĩa là: Nếu chưa rõ lý tánh, chỉ nên nguyện vãng sanh. Nhờ nương theo Phật lực, chắc chắn sẽ được về Tịnh độ, chẳng còn gì phải nghi ngờ.
Ba là:
Tu thiền, tu Tịnh độ,
Như cọp mọc thêm sừng.
Đời nay dạy dỗ người,
Đời sau làm Phật Tổ.
Đã hiểu sâu pháp Phật nên có thể làm bậc thầy dạy dỗ người khác. Lại phát nguyện vãng sanh, nên càng nhanh chóng lên địa vị Bất thối. Có thể nói là:
Lưng đeo tiền mười vạn,
Cưỡi hạc lên Dương châu.
Bốn là:
Không thiền, không Tịnh độ,
Giường sắt, cột đồng chờ.
Ngàn muôn kiếp trôi lăn,
Trọn không người cứu hộ.
Nghĩa là: Người đã chẳng rõ lý Phật, lại không nguyện vãng sanh thì muôn kiếp phải trầm luân, không do đâu mà ra khỏi.
Này các vị! Muốn vượt thoát sanh tử, mau chứng đạo Bồ-đề, trong bốn trường hợp nêu trên xin hãy chọn lấy trường hợp nào là tốt nhất để làm theo.
Trích chương Thiền sư Vĩnh Minh Thọ răn người chưa ngộ đừng khinh Tịnh độ
Sách QUY NGUYÊN TRỰC CHỈ
Tác giả: ĐẠI SƯ TÔNG BỔN
NGUYỄN MINH TIẾN dịch và chú giải
NGUYỄN MINH HIỂN hiệu đính Hán văn
THỜI MẠT PHÁP, TU PHÁP MÔN NÀO DỄ THÀNH TỰU ?
Trong Kinh Đại Tập, đức Phật có dạy cho hậu thế rõ ràng. Phật nói: “Trong thời CHÁNH PHÁP thì tu GIỚI LUẬT thành tựu. Trong thời kỳ TƯỢNG PHÁP thì tu THIỀN ĐỊNH thành tựu. Trong thời MẠT PHÁP thì TỊNH ĐỘ thành tựu…”
Đây là lời Phật nói, cho nên tất cả Chư Phật – Bồ Tát nếu nương theo nguyện để trở lại thế gian này thì nhất định là quý Ngài sẽ khuyên mọi người NIỆM PHẬT CẦU SANH TỊNH ĐỘ.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Tịnh độ là pháp môn rất thù thắng, chỉ mới tu thôi mà đã biết sẽ đi đâu về đâu. Mình ước được vãng sanh, dù là biên địa tịnh độ, ha phẩm hạ sanh cũng vui lòng
Mến tặng bạn sen lời chúc nguyện
Hành trang niệm Phật, quyết về Tây!
à, cho con hỏi, làm sao để một hành giả tu theo pháp môn Tịnh Độ, ngoài thời khóa công phu hằng ngày, khi niệm Phật trong lúc sinh hoạt có thể tập trung niệm Phật mà không bị quên? Con có đọc sách và xem các băng giảng của quí thầy khuyên là nên niệm Phật ra tiếng nhưng môi trường sinh hoạt, làm việc của con không tiện để niệm như vậy, nhưng niệm thầm trong đầu thì lại dễ bị vọng tưởng xen tạp vào, con không biết phải làm sao, xin mọi người chỉ dạy cho con, con chân thành cảm ơn mọi người,chúc mọi người sức khỏe dồi dào, tinh tấn tu hành, mau chóng thành tựu Tịnh nghiệp, được đức Phật A Di Đà tiếp dẫn vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Nam mô A Di Đà Phật!
Bình Nguyên có thể niệm thầm theo phép thập niệm: Cứ A Di Đà Phật (một), A Di Đà Phật (hai)…A Di Đà Phật (mười). Rồi lại quay lại từ đầu A Di Đà Phật (một), A Di Đà Phật (hai)…rất hiệu quả. Em thử xem.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Phật tử Bình Nguyên mua 1 chiếc đài niệm Phật rồi đeo tai nghe vào
Tây phương cùng các cõi
Đều khởi phát từ tâm
Muốn đến đuợc cõi nào
Thì tâm như cõi ấy
Nhiệm vụ của đệ tử chúng ta là cầu vãng sanh về Tây phương, vậy thì phải tu tâm thanh tịnh và phát nguyện cầu sanh Tây phương, niệm Phật thì dễ nhưng có tâm thanh tịnh thì lại khó. Bạn thực hành thế này thử nhé, hễ phiền não khởi lên thì A Di Đà Phật đè xuống, cố gắng tập trung tư tưởng giữ tâm thanh tịnh đừng để mắc vào mấy chuyện thị phi mà xen tạp, cứ một câu A Di Đà Phật cho qua hết tất cả, dùng từ bi hỷ xã khắc chế tự tư tự lơi, phiền não của phàm phu chúng ta đa phần đều từ suy nghĩ tự tư tự lơi mà ra bạn ạ, nếu chuyển thành cái suy nghĩ hỷ xả từ bi hy sinh tất cả cho mọi người dù bản thân thiệt một chút cũng chẳng sao thì tin chắc phiền não sẽ giảm dần, nhưng cần phải liên tục thực hành giữ tâm như vậy không buông ra thì lâu dài mới thành thói quen được, đây chính là tịnh niệm tương kế đó. Bạn thử thực hành nhé, nên nhớ phải cảnh giác cái tâm mình như đang canh chừng thú dữ nhé, tâm là bạn năm con thú dữ ở xung quanh rình mò chờ bạn lơ là là nó nhảy vô cắn xé bạn, phải luôn luôn nhắc nhở trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là lúc gặp cảnh nghịch, một giây thả rông tâm là lập tức bị cắn xé đấy.
Cảm ơn chú Tịnh Thái rất nhiều. Con sẽ thử phương pháp này. Nam mô A Di Đà Phật!
Cháu xin hỏi chú Tịnh Thái về điều này : Mẹ cháu lúc còn sống, bà tu hành tinh tấn, 3 giờ khuya là bà thức dậy tụng kinh, làm rất nhiều việc thiện như : bố thí, cúng dường, công quả nói chung mẹ cháu là người rất tốt nhưng cháu không hiểu sao mẹ cháu mất vì tai nạn, cháu không thể hiểu nỗi, người ta thường nói ” Ở hiền gặp lành” nhưng mẹ cháu ở hiền sao lại phải bị như thế, sau cái chết của mẹ cháu, cháu rất buồn vì sao các Đức Phật hay Bồ Tát không thể giúp mẹ cháu thoát khỏi tai họa ấy, chú có thể giải thích cho cháu hiểu được không chú? cháu rất cám ơn chú, cháu chào chú.
Chú nhớ đến lời Phật dạy trên kinh Hoa Nghiêm đại ý là: “Nghiệp ác mà mỗi người chúng ta đã tạo từ vô lượng kiếp đến nay, nếu mà có hình tướng thì cả hư không cũng chứa không đủ”, tức là trong sanh tử luân hồi từ vô lượng kiếp đến nay, mỗi người chúng ta đã si mê tạo vô số ác nghiệp rồi. Đến kiếp này như một người khi còn sống, dẫu tu hành tinh tấn, niệm Phật, chay trường 100 năm thì công phu tu hành đó chỉ tiêu được nghiệp ác như đất trên đầu ngón tay của mình mà thôi, còn nghiệp ác mình đã tạo thì nhiều như đất trên quả đất này. Trên kinh Phật rất hay dùng cái thí dụ này để thí dụ cho ác nghiệp của chúng sanh ở cõi này rất là nặng, đặc biệt nghiêm trọng…cũng lại có ý cảnh tỉnh người tu hành đừng nghĩ mình tu được vài chục năm rồi tự cho là giỏi, là đắc ý. Vậy lời nói của Phật có đúng không? Thật đúng như vậy, vì lời Phật nói là chân thật ngữ, không nói quá mức cũng không nói thiếu sót một chút nào, là trí tuệ cao độ.
Má con kiếp này sống thiện là đang tu cái Nhân Thiện cho kiếp sống trong tương lai, trong kiếp tương lai thì nhất định Má con sẽ hưởng cái quả thiện từ cái nhân tu hành trong đời này, có thể nhờ đó mà Má có thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc rất sớm đó con. Đó là do gieo nhân Thiện thì nhất định gặt quả Thiện.
Còn chuyện tai nạn của Má con thì có thể giải thích như sau: Do đời quá khứ Bà tạo ác nghiệp rất nặng, lý ra kiếp này nếu ko gặp Phật pháp thì Bà nhất định phải đọa vào tam ác đạo do chiêu cảm ác nghiệp đời trước + duyên ác trong đời này, nhân duyên chín muồi thì trong đời này nhất định sẽ bị quả báo rất nặng ở kiếp tiếp theo. Đó là có vay có trả, tạo ác nghiệp nhất định gặp ác báo. Định Luật Nhân Quả là bất biến, là luôn luôn đúng.
Nhưng do cái duyên lành của Má con nương vào được Phật pháp, tích phước tu thiện, sớm hôm công phu tụng kinh niệm Phật, Má con tạo được cái nhân duyên thù thắng này thì cái ác nghiệp đọa vào 3 đường ác kia liền tiêu mất, nghiệp nặng chuyển thành nhẹ, thay vì phải đọa sâu vào trong 3 đường ác thì nay gánh tai nạn rồi một mạng đền một mạng là xong, sau đó Má lại được sanh vào cõi lành, tiếp tục được gần gũi Tam Bảo, được học Phật ở kiếp tiếp theo.
Như vậy thì đúng là Má con “ở hiền gặp lành” rồi, câu này là vẫn đúng trong trường hợp của Má con. Tội nặng được giảm khinh, mà ai giảm cho Má? Chính do Má con tự mình tu hành, tự mình chuyển nghiệp của chính mình mà hông hay…Phàm phu chú cháu mình nhìn vào thì thấy sao ông trời hông có mắt? Bất công quá…Nhưng thật ra chư Phật Bồ Tát thì nhìn ngược lại, chà mừng cho Chị này, nhờ tu hành tiêu bớt nghiệp chướng mà hổng phải đọa vào ba đường ác, giờ chính phải lúc ta mau mau giúp đỡ Chị ấy tiến thêm một bước về Tây phương Cực Lạc của A Di Đà Phật. Phật Bồ Tát đều nhìn thấu được nhân quả ba đời quá khứ, hiện tại và tương lai của chúng ta. Chúng ta phàm phu tâm trí nhỏ hẹp chỉ thấy cái xảy ra trước mắt, rồi suy đoán lung tung, cũng toàn dựa vào tri kiến si mê điên đảo của chính mình mà thôi, nên cái thấy, cái biết là hoàn toàn không chính xác.
Vậy con giờ cũng chính phải lúc làm theo lời Phật dạy: Tiếp thêm phước đức cho Má con sớm sớm viên mãn mau về với Phật A Di Đà, bằng cách mỗi ngày con niệm A Di Đà Phật rồi hồi hướng cho Má, đọc kinh Vô Lượng Thọ hồi hướng cho Má, làm tất cả việc thiện cũng hồi hướng cho Má…Được vậy thì Má con sẽ rất hạnh phúc, vì thấy con mình thật sự trưởng thành rồi, biết nghĩ rồi, biết học Phật, biết tin nhân quả rồi…là một người con rất ngoan theo đúng ý Má đó.
Còn chư Phật Bồ Tát sao không giúp cho Má cháu một qua khỏi tai nạn? Thứ nhất: Chuyện ai làm thì người đó chịu, nhân quả ai tạo thì người đó gánh, người khác ko gánh dùm được. Giống như con vi phạm pháp luật, Ba Má con thương con hết mực mà có đi tù thay con được đâu? Con vẫn phải là người chịu hình phạt do chính tội lỗi mình gây ra. Tuy nhiên chư Phật Bồ Tát giúp chúng ta ở chỗ nào? Chỗ này chúng ta phải tường tận: Các Ngài đưa cho chúng ta Phật pháp, dạy dỗ cho chúng ta giác ngộ, làm thế nào phải tu, làm thế nào để chuyển nghiệp, cho đến làm thế nào để thành Phật, các Ngài đều dạy hết. Nếu chúng ta có thể tiếp nhận Phật pháp, nghiêm túc tu hành theo lời Phật dạy thì tự chúng ta có thể chuyển được nghiệp của chính mình, giống như kẻ say kia khi say thì làm đủ thứ trò mê muội rồi bị đủ thứ sỉ nhục, hành hạ, chửi bới của xã hội, nhưng sau đó nhờ một người tốt khéo léo khuyên anh ta, anh ta giác ngộ rồi, nghe lời làm theo, sống làm một người tốt, ko say xỉn nữa thì những thứ sỉ nhục, dày vò, hành hạ trước đây có còn ko? Ko còn, anh ta đã tự mình chuyển đổi chính mình, đó là một thí dụ rất bình dị nhưng rất cụ thể để cho con thấy rõ chư Phật Bồ Tát vẫn luôn quan tâm giúp đỡ mỗi người chúng ta theo một cách rất riêng, luôn luôn là như thế, đời đời kiếp kiếp vẫn là như thế, mãi cho đến ngày chúng ta thành Phật thì thôi.
Cho nên mình không thể trách Phật Bồ Tát, mà chỉ trách chính mình không chịu tu, không chịu học Phật đàng hoàng để rồi cứ phải chịu khổ trong luân hồi sanh tử mãi thôi…
Thư đã dài, hi vọng với những gì chú chia sẻ ở trên thì có thể giúp cho con được một chút.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Chào chị Cẩm Thúy,
Dường như thắc mắc của chị cũng là điều suy tư của nhiều người khác, nên đại đức Thích Trí Huệ đã có một bài pháp trả lời cho câu hỏi của chị nơi này. Chị nghe thử biết đâu sẽ nghiệm ra được chân lý lẽ thật.
Vì Sao Ở Ác Gặp Lành Ở Hiền Gặp Dữ?
Cháu chào chú Tịnh Thái!
Cháu rất vô cùng cảm ơn những lời giải thích rõ ràng của chú, chú đã giúp cháu vững vàng có thêm niềm tin về phật pháp, cháu rất thương má cháu, em cháu kể lại, lúc bà còn sống, mỗi ngày bà chỉ ăn có 2 hay 3 ngàn tàu hủ thôi, mặc dù bà rất khá giả, còn bao nhiêu tiền bà để dành cho những người già, người nghèo, khi bà mất cháu thấy có nhiều người già lọm khọm, hem huốc rất đáng thương dù họ nghèo khổ nhưng họ vẫn mua bánh cúng cho bà, họ nói bà chết đi rồi ai cho tiền cho gạo họ, cháu cứ khóc khi nghe những lời họ nói, ở quê cháu ở Bến Tre, các chùa gần nhà đều nói má cháu rất tốt, các chùa cần gì là má cháu cố hết sức để giúp, nói chung rất nhiều người thương mến má cháu, các bạn đồng đạo của má cháu, mỗi ngày họ đều tới tụng kinh địa tạng cho má cháu, cháu vì xa má cháu từ lúc 1 tuổi vì hoàn cảnh gia đình, cháu ở với bà nội trên Tp. Hồ Chí Minh từ lúc 1 tuổi vì thế thời gian được gần bà rất ít, khi nghe tin bà mất cháu như chết lặng, khi má cháu mất vài ngày cháu không thể làm gì ngoài việc nằm một chỗ, vì cháu biết từ đây cháu sẽ không còn gặp mặt người đã sinh ra mình, cháu đau đớn nhưng cố phải gượng sống vì bà nội, ba,chồng cháu và 2 con, có lúc cháu muốn chết đi để vơi bớt nỗi đau khổ mà cháu phải gánh chịu, cháu thường tự hỏi, tại sao và tại sao mình lại có mặt trên cõi đời này để rồi phải chịu nỗi khổ tâm như thế? thà rằng cháu khổ về tiền bạc hay vật chất cũng còn hạnh phúc hơn nhiều khi mà cuộc sống cháu quá no ấm mà má cháu không còn nữa, đó là nỗi bất hạnh lớn nhất đời cháu, nỗi đau khổ xen lẫn niềm hối hận dày vò lương tâm cháu, tới nay cháu cũng không còn nước mắt để khóc bà bởi cháu đã khóc quá nhiều rồi, vì trước đây cháu cũng thật sự không quan tâm nhiều đến bà, tết về bà thường khuyên cháu nên làm những việc thiện, mỗi ngày một ít, lâu ngày thì mình sẽ tích lũy được nhiều, bây giờ cháu không còn ham thích 1 điều gì nữa, sau khi má cháu mất cháu có tới Linh Quang Tịnh Xá, quận 4 gần nhà cháu để cầu siêu cho má, không hiểu sao khi tới chùa cháu cảm thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng, và khi cháu làm được 1 việc thiện cháu cảm thấy quá hạnh phúc, bây giờ cháu sẽ bước tiếp và tiếp tục làm những điều mà má cháu trước đây má cháu đã làm dang dở.
Má cháu đã mất hơn 100 ngày, nhưng cả nhà cháu ở quê không ai thấy bà dù trong giấc mơ, nhưng trước đây cháu thấy bà nhiều lần, có 2 lần cháu thấy bà ở trên 1 nơi rất cao, bà rất đẹp và thánh thiện,vui vẻ,cháu kêu thì bà chỉ nhìn cháu và tiếp tục đi theo đoàn người tiến vào trong tòa lâu đài sang trọng kia mà không thèm nói gì với cháu, như vậy giấc mộng của cháu như thế nào hả chú? có tốt không chú? Cháu cũng thường cầu xin Đức Phật A Di Đà thương xót cho lời khẩn cầu của đứa con bất hiếu này mà mau mau tiếp dẫn hương linh má con về cõi tây phương cực lạc của đức Phật, từ rày về sau cho dù thân này có tan nát cháu vẫn sẽ cố gắng tu tập, làm nhiều việc thiện thật nhiều, đem lại niềm vui cho những người bất hạnh.
Cháu không biết nói gì hơn là cháu cảm ơn chú nhiều lắm, có dịp chú sẽ về quê cháu chơi nhé chú, quê cháu ở Bến Tre ( Quê Hương Đồng Khởi) đó chú, người miền tây chân thật, mộc mạc lắm chú à!
À, cháu quên kể chú nghe, cách đây hơn 20 năm, má cháu không biết ăn chay, tu hành gì, bà chỉ lo buôn bán kiếm tiền nuôi các em cháu, không hiểu sao khi bà đi chùa ngoài Vũng Tàu có 1 nhà sư nói bà hãy mau mau tu đi vì những kiếp trước của bà làm những việc không tốt, sau đó bà về và nghỉ hẳn, không mua bán gì nữa mà lo tu tập, má cháu ăn chay đã được hơn 20 năm rồi.
Nếu cháu có điều gì thắc mắc về phật pháp, chú sẽ giúp cháu nhé chú! chú sẽ là cứu cánh của cháu trong việc tu hành phật pháp, cháu cảm ơn chú nhiều lắm. Cháu chúc chú nhiều sức khỏe, niềm vui, hạnh phúc nhé chú!
Cháu xin hỏi tiếp chú Tịnh Thái 1 điều thắc mắc nữa, chú cố gắng giải thích cho cháu hiểu rõ được không chú?
Má cháu mất là do lỗi của một sư cô ở chùa gần nhà cháu ( Bến Tre), cô ấy rủ và chở má cháu đi có công việc gì đó? ( cháu cũng không muốn trực tiếp hỏi cô ta, vì cháu không muốn tiếp xúc với người đã vô tình gây ra cái chết của má cháu), cô ấy chở má cháu, vì từ trước tới giờ má cháu chỉ biết đi xe đạp. Cô ấy chạy xe rất ẩu, chạy qua làn đường dành cho xe lớn và đang chạy thì tự dưng không hiểu nguyên nhân gì mà cô ấy quay ngược đầu xe lại vì thế xe không thể thắng kịp, lỗi là do ở hoàn toàn cô ấy, cô ấy thì bị thương còn má cháu thì mất tại chỗ, sau sự việc ba cháu và 4 chị em nhà cháu không ai nói cô ấy dù chỉ nửa lời, ba cháu rất hiền ông ấy nói là do cái số của má cháu, chúng cháu chỉ đau lòng và chỉ biết khóc vì nếu có chỉ trích cô ta thì cũng chẳng ích lợi gì, hương linh má cháu sẽ bị khổ thêm, chúng cháu chỉ có 1 người mẹ duy nhất nhưng cô ta đã vô tình giết đi người mẹ của chúng cháu, ba cháu cũng chẳng làm khó làm dễ người tài xế kia và mọi chi phí lo cho má cháu nhà cháu chịu hết, không nhận một đồng nào từ phía tài xế, mọi người ai cũng nói nhà cháu quá hiền,nếu gặp gia đình khác thì không thể dễ dàng như vậy, ba cháu đã bảo lãnh cho người tài xế và cô sư cô đó ( dù ba cháu rất đau lòng. Tiền bạc, nhà cửa ông ấy có đủ nhưng từ nay vắng bóng người vợ thân thương nhất của mình, đó là nỗi đau của ba cháu và 4 chị em của cháu.
Chú có thể giải thích cho cháu hiểu, má cháu, cô sư cô đó, người tài xế có liên quan gì với nhau từ kiếp trước không?
Cháu như thấy có sợi dây mắc xích liên quan tới 3 người ( ở kiếp trước)
Chú có thể giải thích sơ sơ cho cháu hiểu về điều này được không chú? Cháu cảm ơn chú nhiều lắm.
Cháu
Cẩm Thúy
Chúng ta là người học Phật rồi thì mình ko nên nhìn lỗi người khác nữa…như Ba của Thuý vậy, Bác ấy thật sự là Bồ Tát với tấm lòng vị tha tuyệt vời, chân thật là một tấm gương tốt cho chúng ta noi theo. Còn mối quan hệ giữa Má của Thuý, Sư Cô và người tài xế thì cũng không nằm ngoài 4 loại: báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ.
Tịnh Thái chỉ biết sơ sơ vậy thôi :).
Nam Mô A Di Đà Phật.
Ðại Sư Liên Trì nói:
“Làm con đối với cha mẹ hầu hạ, phụng dưỡng cho được an ổn là hiếu; lập thân hành đạo để rạng rỡ mẹ cha là đại hiếu. Nhưng khuyên cha mẹ dùng pháp môn Niệm Phật để vãng sanh Tịnh Ðộ là đại hiếu nhất trong những sự đại hiếu!”
Xem thêm ở https://adidaphatweb.wordpress.com/