Nếu bệnh nhân bệnh tình nặng nề, nên hỏi họ xem còn vướng mắc việc gì hay không. Nếu có thì nên giảng giải, sớm giải quyết cho họ để không còn chướng ngại việc vãng sinh. Nếu bệnh nhân không có việc gì vướng mắc vậy thì nên hỏi họ một lần rồi sau đó không nên hỏi nữa, vì sợ làm phân tâm họ mất đi chánh niệm. Hãy chú ý, Chú ý!
Nếu bệnh nhân có sự nghi ngờ hỏi: “Tôi phát tâm niệm Phật, thời gian chưa được bao lâu, lại sợ nghiệp chướng tội nặng nề, không hiểu có được vãng sinh hay không?”. Nên trả lời với họ rằng: “Việc phát tâm niệm Phật sớm hay muộn không thành vấn đề, điều quan trọng từ khi phát tâm cho đến giờ phút lâm chung tâm không thối chuyển mới là quan trọng. Vậy đến lúc lâm chung của ông, gặp được nhân duyên thiện hữu khai thị, mới có thể phát tâm niệm Phật, điều này cũng tốt lắm. Trong Kinh Vô Lượng Thọ, Phật có nói: “Người bình thường tạo nghiệp chướng rất nhiều lại nặng nề đến giây phút lâm chung, gặp được thiện hữu khai thị, mới phát tâm niệm Phật, có thể vãng sinh Tây phương”. Trong Kinh này cũng có nói: “Niệm một câu A Di Ðà Phật có thể tiêu trừ 80 ức đại kiếp trọng tội!”. Cho nên việc phát tâm niệm Phật dù chưa lâu dài lại tội chướng nặng nề, tâm không nghi ngại, chỉ cần nhất tâm niệm Phật, quyết chí nguyện cầu sinh Tây phương, đến giờ phút lâm chung, nhất định được thấy Phật A Di Ðà đến tiếp dẫn vãng sinh không nghi ngờ.
Nếu như người bệnh có tâm niệm luyến ái quyến thuộc và tham trước tài sản. Nên đối trước họ mà nói: “Chúng ta làm người sống trong cõi Ta Bà này thật khổ sở vô cùng tận, ai sinh ra rồi cũng già, rồi cũng bệnh, rồi cũng chết, sự khổ ấy không thể kể hết vì nó vô cùng vô tận. Ðược vãng sinh Cực Lạc thì thoát khổ mà còn an vui vĩnh viễn, lại có thể trở lại độ cho gia quyến cũng được vãng sinh, cùng an hưởng hạnh phúc lâu dài. Vì vậy ông (bà) không nên quyến luyến con cháu và tham đắm tài sản mà làm trở ngại cho việc vãng sinh của mình, lại mất đi việc đời đời kiếp kiếp của gia quyến và những người khác.
Nếu bệnh nhân có tâm nghi ngờ hỏi rằng: “Tôi niệm Phật mà sao chẳng thấy Phật?”. Họ lại hỏi: “Khi tôi lâm chung không biết có được Phật A Di Ðà đến tiếp dẫn hay không?”. Vậy người trợ niệm nên vì họ mà giảng: “Hiện nay được thấy Phật hay chưa được thấy Phật là điều không có quan hệ. Nếu hiện tại chưa được thấy Phật thì lúc lâm chung nhất định thấy Phật. Ðiều quan trọng là sáu chữ Nam mô A Di Ðà Phật niệm niệm hiển lộ trong tâm ông, đến lúc lâm chung thì Phật A Di Ðà tự nhiên ở trong tâm ông hiện ra tiếp dẫn. Xin ông (bà) cần lưu tâm niệm Phật, không nên sinh tâm nghi ngờ, nếu còn một mảy may nghi ngờ thì ông (bà) với Phật cách xa còn làm chướng ngại cho việc vãng sinh. Nếu ông (bà) không sinh tâm nghi ngại mà nhất tâm niệm Phật thì nhất định có sự cảm ứng đạo giao, không nghi ngờ việc vãng sinh. Phải biết rằng người tu Tịnh độ đến giây phút lâm chung thấy Phật hiện tiền, thời gian có sớm có muộn. Sớm thì thấy trước một hoặc hai ngày, hoặc vài tiếng đồng hồ hay trong chốc lát, thời gian hoàn toàn không giống nhau. Nếu trễ thì ngay sau khi tắt thở Phật mới hiện ra (chỉ trong một sát na). Lúc Phật hiện ra cũng là lúc người niệm Phật được vãng sinh.
Nếu bệnh nhân ban đêm và ban ngày hoặc trong khi niệm Phật, hoặc nằm mộng thấy những hình thù ghê gớm, hoặc nghe những âm thanh kỳ quái, tâm sinh kinh sợ làm trở ngại cho chánh niệm. Vậy người trợ niệm nên vì họ mà nói: “Những âm thanh, hình tướng kỳ quái này là oan gia nhiều đời do ông (bà) sát hại mà đến. Nay họ biết được ông (bà) niệm Phật cầu sinh Tây phương, nên hiện ra các cảnh giới xấu ác khiến cho tâm ông (bà) lo sợ, làm trở ngại cho việc vãng sinh. Vì thế ông (bà) đừng sợ họ, không chạy theo các hình ảnh và âm thanh, chuyên tâm nhất ý vào câu Nam mô A Di Ðà Phật. Niệm niệm khẩn thiết chí thành, không cho gián đoạn thì các loại oan nhân không có chỗ nương tựa, tự nhiên tiêu trừ”.
Nếu đến phút lâm chung thấy ông bà cha mẹ, tổ tiên hay người thân quyến hiện ra tiếp dẫn, nên biết rằng họ đều là do quỷ thần từ ba đường ác biến hóa mà thành để lừa gạt chúng ta rơi vào ba đường ác. Vì vậy chúng ta cũng nên chuyên tâm vào câu niệm Phật thì họ tự nhiên biến mất. Nếu thấy thiên nhân và thần nhân hiện ra tiếp dẫn đưa ta về quốc độ của họ phải hết sức cẩn thận đừng để một mảy may tâm niệm dao động theo họ mà chỉ khi nào Phật A Di Ðà hoặc Quán Thế Âm Bồ Tát và Ðại Thế Chí Bồ Tát hiện ra tiếp dẫn mới được. Nên biết rằng Phật A Di Ðà do từ tâm niệm Phật được thanh tịnh hiện ra tiếp dẫn ông (bà), mà cũng do tâm ông (bà) chuyên tâm niệm Phật được thanh tịnh mới được vãng sinh. Hãy chú ý! Chú ý!
Trích Những Vấn Đề Cần Biết Khi Lâm Chung
Biên soạn: pháp sư Thế Liễu
Dịch giả:Thích Tâm An
Chỉ có 2 hạng người có thể niệm Phật trên thế gian
Đại sư Ấn Quang nói: Có hai hạng người phù hợp với pháp môn Tịnh Độ nhất, dễ trở thành người chân thật niệm Phật nhất.
– Một là người thượng trí,
– Hai là người hạ ngu,
Nghĩa là trí tuệ bậc nhất và ngu si hạng bét; Hai hạng người tột cùng như vậy.
Chỉ có bậc thượng trí và kẻ hạ ngu là chẳng thay đổi.
Hai hạng người này một khi đã chuyên tu niệm Phật thì chí hướng của họ rất kiên định, chẳng thay đổi. Vì sao? Người trí tuệ bậc nhất nghiên cứu khắp các kinh giáo, thông đạt tất cả pháp môn, biết rằng chỉ pháp môn niệm Phật là siêu việt nhất, cho nên họ một lòng một dạ chuyên niệm câu danh hiệu, ngưỡng nhờ vào bản nguyện Di-đà, tâm không còn chạy đông chạy tây, đó là những vị như bồ-tát Long Thọ, bồ-tát Thiên Thân, đại sư Đàm Loan, đại sư Đạo Xước, đại sư Thiện Đạo.
Còn người ngu si hạng bét vì sao có thể làm người chân thật niệm Phật? Vì họ biết rằng: “Tôi chẳng biết gì hết, chỉ biết niệm Phật thôi!”.
Pháp sư Tịnh Tông