Tây Phương Tam Thánh được tạc từ cây gỗ dâu ngàn năm tuổi, gồm tượng Phật A Di Đà ở giữa cao 3,6m trong tư thế đứng, tay trái cầm đài sen, tay phải duỗi thẳng xuống để tiếp dẫn chúng sinh về thế giới của Ngài; tượng Bồ tát Quán Thế Âm ở bên trái, tay cầm bình nước Cam Lộ và cành dương liễu cao 3,5m; tượng Bồ tát Đại Thế Chí ở bên tay phải, tay cầm cành hoa sen cao 3,5m. Bộ tượng được đặt tại chùa Linh Thắng, huyện Di Linh, Lâm Đồng.
Năm 2007, được sự cho phép của chính quyền địa phương, cố Thượng tọa Thích Thắng Phước đã đưa cây gỗ dâu ngàn năm tuổi về chùa và cùng với hai nghệ nhân Phạm Minh Khai và Lê Hoành Lợi từ Huế vào để tạo tác ra bộ tượng. Các nghệ nhân đã mất ròng rã 2 năm, từ năm 2008 đến 2010 mới làm xong bộ tượng.
Bộ tượng được chế tác tinh tế, mang tính văn hóa Á Đông thuần Việt qua hình dáng khuôn mặt và nụ cười nhân từ. Những hoa văn, nếp áo uyển chuyển mềm mại đầy tính nghệ thuật nhưng không mất đi vẻ uy nghi và triết lý nhà Phật “từ bi hỷ xả” của bậc đại giác ngộ.
A Di Đà có nghĩa là vô lượng thọ và vô lượng quang. Phật A Di Đà là vị Phật sống lâu và hào quang chói sáng khắp nơi vô tận. Khi thành Phật, Đức A Di Đà đã khai thiên cho Ngài một cảnh giới cực lạc mà Đức Phật Thích Ca gọi đây là Tây phương cực lạc. Hai tượng còn lại là hai vị thị giả trợ giúp việc hoằng pháp cho Phật A Di Đà nên thường được tạc kiểu đứng hai bên cạnh.
Chùa Linh Thắng là trụ sở của ban đại diện Phật giáo huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, tiền thân là một ngôi niệm Phật đường mái tranh vách ván, được tạo dựng từ năm 1933, do hai cụ Trương Quang Thám và Huỳnh Duyên Quỳ vận động cư dân làm công nhân đồn điền trà và cà phê đóng góp thành lập. Vị trụ trì đầu tiên là thầy Thích Chánh Thiện đến từ chùa Tam Bảo tỉnh Phan Thiết.
Năm 1943 chùa được trùng tu lần đầu với mái ngói tường gạch và nền xi măng. Trải qua nhiều đời trụ trì, cuối năm 1968, hòa thượng Thích Toàn Đức về trụ trì cho đến nay. Năm 1994, chùa Linh Thắng được đại trùng kiến, đến ngày 26.3.2007 (mùng 8 tháng 2 năm Đinh Hợi) thì lạc thành.
Xem hình lớn 1 | Xem hình lớn 2
H.Mỹ – H.Đường
Theo kyluc.vn
thưa thầy cho con được hỏi là khi ta niệm Phật bằng tâm thì có công đức như niệm PHật bằng miệng không ạ? niệm phật bằng tâm có công đức để hồi hướng cho tấ cả chúgn sanh và oan gia trái chủ không ạ? con xin thầy chỉ dạy cho con. A DI ĐÀ PHẬT
Niệm Phật bằng tâm là sao ta. Vì đạt ma sư tổ hỏi tâm ở đâu mang tâm ra cho ta xem. Hình như trong kinh thủ lang nghiêm có giảng về tâm
Kính bạch các Thầy, bàn thờ Phật nhà con hiện đang thờ ảnh Quán Thế Âm, mà con lại đang hàng ngày tu tập Niệm Phật cầu vãng sanh Tây phương Cực lạc, con muốn thay ảnh Đức Quán Âm Bồ Tát bằng ảnh Phật A Di Đà có được không ạ, nghi thức như thế nào, ảnh Quán Thế âm con phải làm thế nào sau khi thay ảnh Phật? Kính mong các Thầy hoan hỷ chỉ bảo cho con
@Huệ Lực: Niệm Phật bằng tâm và niệm Phật bằng miệng (nhưng trong tâm phải có Phật) thì công đức như nhau không hơn không kém. Nhưng có điều người huân tập niệm Phật bằng tâm tức là ta đang tập dần cho cái tâm của mình từ từ đi vào trạng thái định không còn lăng xăng loạn động nữa, nếu bạn huân tập niệm Phật bằng cách này thì khi lâm chung chắc chắn bạn sẽ giữ được chánh niệm niệm Phật mà vãng sanh Tây phương Cực lạc.
@Lê Thanh Sơn: Cái tâm của chúng ta nó không có hình tướng, nhưng nó biết và quán sát tất cả những hành động thiện ác của chúng ta…Người niệm Phật bằng tâm thì giúp cho chúng ta quay trở về tánh nghe tánh biết của mình mà không còn chạy theo những sắc tướng và âm thanh bên ngoài nữa. Nếu huân tập niệm Phật như vậy liên tục cho đến lúc thuần thục thì gọi là Nhất Tâm Bất Loạn ( Đây là trạng thái định ).
@Nguyễn Khắc Phấn: Bạn đang huân tập niệm Hồng danh của Đức Phật A Di Đà thì nên thỉnh hình vị Bổn Tôn mà mình đang trì niệm là tốt nhất, còn hình tượng của Bồ Tát Quán Thế Âm nếu là hình nhỏ thì cứ để nguyên như vậy mà thờ cùng với hình của Phật A Di Đà, nếu hình quá lớn bạn có thể thỉnh xuống và gửi vào chùa, về Nghi Thức thì không gì bằng niệm Phật, bạn thỉnh hình Phật về an vị thì chỉ cần thành tâm niệm Phật là tốt nhất rồi.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
thưa thầy….con muốn tìm mua sách để tìm hiểu về cách chế tác tượng…thầy có biết ở đâu có cuốn sách nv thầy chỉ giúp con với ạ…con cảm ơn