Năng lực của mình (tự lực) có thể giúp cho chính mình được giải thoát vào lúc lâm chung:
Mọi người đều có năng lực tiềm tàng có thể giúp chính mình vượt qua khó khăn trắc trở lúc lâm chung. Phật Bồ Tát và các chư Tổ Sư thông rõ việc này nên các ngài bày ra pháp môn niệm Phật làm phương tiện giúp chúng sanh khai mở và sử dụng cái năng lực tiềm tàng vô biên mà nó có sẵn ở trong mỗi chúng sanh.
Phương tiện của các ngài là gì? Đơn giản, gọn gàng và dễ hiểu, đó chính là Tín – Nguyện – Hạnh. Đơn giản như thế đó mà nó lại có công năng độ trọn ba căn (thượng, trung và hạ) thì mới biết nó thù thắng như thế nào. Một giáo pháp viên đốn và thù thắng bậc nhất mà chính các Đẳng Giác Bồ Tát như Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền ….v…v… cũng phải áp dụng nó mà sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc để có thể thành Phật.
Thế Tôn đã khai thị rõ ràng trong kinh Vô Lượng Thọ, kinh Thủ Lăng Nghiêm và kinh Hoa Nghiêm rồi, không cần nói rộng ra thêm. Vậy, cái công năng của Tín-Nguyện-Hạnh là gì? Nó chính là cách thức giúp qui động năng lực sẵn có của bạn để đạt được trạng thái thiền định ở trong bất cứ sinh hoạt nào (đi, đứng, nằm, ngồi và ngay trong khi đang ngủ). Vì vậy, pháp môn niệm Phật còn gọi là “Thâm Diệu Thiền”.
Dưới đây tôi xin trình bày cho bạn, làm sao mà Tín – Nguyện – Hạnh có thể giúp bạn quy động được toàn bộ năng lực Thiền Định của bạn để lúc lâm chung bạn có thể liễu sanh, thoát tử, vãng sanh Cực Lạc, một đời thành Phật.
Năng lực (Tự Lực) quy động từ Tín-Nguyện-Hạnh
• Tâm tín thành nơi Phật A Di Đà, cõi nước Cực Lạc chính là năng lực vô biên giúp bạn vượt qua tất cả khó khăn trở ngại trong việc niệm Phật để đạt thành tâm nguyện vãng sanh. Trong kinh Hoa Nghiêm Phật dạy “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Khi bạn đặt một niềm tin tuyệt đối vào cái gì, thì cái đó nó sẽ thành. Tín có năng lực không thể nghĩ bàn; ví dụ, nếu bạn tin rằng bạn có thể trở thành một bác sĩ, thì chính niềm tự tin này là năng lực thúc đẩy bạn chăm học, chăm làm, vượt qua mọi khó khăn để đạt thành tâm nguyện.
• Nguyện lực tha thiết muốn sanh về nước Cực Lạc chính là năng lực vô lượng kéo bạn phải nhất tâm niệm Phật tha thiết ngày đêm không ngừng dứt. Cũng giống như một học sinh hiếu học vì muốn (nguyện) đạt thành công danh mà phải ngày đêm miệt mài bên đèn sách.
• Hạnh: Hạnh là năng lực kết tụ do công phu tu tập từ trong quá khứ cho đến nay; quá khứ có thể là từ nhiều đời nhiều kiếp về trước hay chỉ là quá khứ ở trong đời này. Người có công phu tu tập thì phải đoạn trừ tật đố tham lam, sân si, nghi mạn. Vì đây là chướng ngại làm cho tâm bạn bị dính mắc, không thể buông xả. Và chính nó là nguyên nhân và yếu tố đưa bạn vào trong trạng thái u-minh, mất chánh giác, rồi sau đó nó dẫn dắt bạn vào trong ba đường ác đạo (địa ngục, ngạ quỉ và súc sanh).
Muốn cho tâm của bạn an trú không dính mắc, thư giãn, thư thái, thanh thản, thì bạn phải thực hiện các pháp như sau:
(a) Đoạn trừ bất cứ nghi hoặc, hối hận hay do dự trong lòng, Ngay cả những việc làm ác đã phạm cũng không cho nó vướng bận tâm bạn. Biết mình đã làm lỗi là giác. Biết lỗi rồi thì sửa lỗi quyết không phạm nữa, như vậy là làm xong cái công việc sám hối rồi. Làm xong rồi thì buông xả nó ra một cách rốt ráo, không để cho một chút gì còn sót lại, còn dính mắc lại trong tâm của bạn nữa.
(b) Ngay cả những việc thiện lành, khi làm xong rồi cũng buông nó ra luôn, không để cho nó dính mắc trong tâm, vì những suy nghĩ đều là vọng tâm làm tâm bạn không được rỗng lặng thanh tịnh. Đừng để những việc thiện này làm cho tâm bạn đắc ý mà sanh ra cái niệm hay hành động cống cao ngã mạn mà luống uổng tất cả công phu và công đức mà bạn đã tạo.
(c) Buông bỏ tất cả sự dính mắc đối với bất cứ ai mà bạn có mối quan liên mạnh mẽ nhất trong đời này, kể cả sự quan hệ thương hay ghét, thân hay oán.
(d) Nhiếp tâm niệm Phật không tán loạn, không vọng tưởng. Lấy danh hiệu Phật A Di Đà làm công cụ phá vọng, phá mê để đạt được và giữ được trạng thái thanh tịnh thư thả của tâm. Nếu bạn làm được như thế, thì mặc dầu thân bạn vẫn ở trong hình tướng con người, tâm bạn thì bình-đẳng với tâm Phật A Di Đà – rỗng lặng như hư không. Muốn làm được như vậy thì lúc niệm Phật nên dừng tất cả chuyện nói (làm người bị câm) mà niệm “A Di Đà Phật”. Niệm theo từng nhịp thở, từng cơn đau, từng cơn lạnh buốt giá, ngay cả lúc vui hay buồn …v…v… Khi bạn đang được an trụ vào trong câu Phật hiệu cũng chính là bạn đang được an trụ vào trong tự tánh của chính mình, không dính mắc và thư thái, không vọng tưởng. Lúc đó, bạn cố giữ cho tâm của bạn ở trong trạng thái vắng lặng, trống rỗng, chỉ còn giữ một niệm “A Di Đà Phật” ở trong tâm.
Tâm không có màu sắc hoặc hình tượng để nhận ra được nó, nhưng nó thì tuyệt đối trống rỗng và nhận biết sáng tỏ thấu suốt hoàn toàn (viên minh), đó là tự tính của tâm bạn. Nhận biết tâm như thế, trở thành chắc chắn về tâm, đó là kiến (thấy/biết). Để duy trì không bị tán loạn trong trạng thái tịnh chỉ, không vọng niệm hoặc chấp thủ, đó là trạng thái thiền định. Ở trong trạng thái đó, không bị dính mắc vào chấp thủ hoặc tham luyến, chấp nhận hoặc đối kháng, mong cầu hoặc sợ hãi, đối với bất cứ vọng thức nào cả.
(e) Đừng gửi lòng ở các nơi cư trú của người sống bình thường; chỉ gửi lòng mình nơi cõi Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà mà thôi.
Vào thời điểm chết, bạn nên phải biết là bạn sẽ phải trải qua những cảm giác gì?
Vào lúc sắp lâm chung bạn phải trải qua nhiều cảm giác khổ đau cùng cực, những cảm giác này gây ra bởi những nguyên như sau:
1. Vào lúc địa đại hoà nhập (tan biến) vào trong thủy đại, thân thể trở nên nặng nề và thân không thể tự nương nhờ thân.
2. Vào lúc thủy đại hòa nhập vào trong hỏa đại, miệng và mũi khô khan, ngưng nói bí lời.
3. Vào lúc hỏa đại hòa nhập vào trong phong đại, thân nhiệt biến mất.
4. Vào lúc phong đại hòa nhập vào trong thức đại, bạn chỉ có thể thở ra khò khè và hít vào nấc nghẹn.
Vào lúc đó, bạn sẽ có cái cảm giác như: đương bị đè bởi một ngọn núi rất lớn, đương bị sập bẫy trong bóng tối, đương bị buông rơi vào vô tận của hư không. Nếu tâm bạn nghe nhận và niệm được câu Phật hiệu một cách thanh tịnh thì toàn thể bầu trời sẽ tự nhiên tươi sáng rực rỡ như một tấm gấm trải rộng. Những bóng tối và sự đè nặng trong tâm liền được tan biến. Nhiều hơn thế nữa, hình tướng của Phật A Di Đà tự nhiên hiện ra ở trong tâm của bạn, với những quang minh sáng diệu vô thượng như trăm nghìn mặt trời chiếu sáng cùng một lúc. Quang minh sáng rực, nhưng minh diệu lạ thường nó không làm bạn chói mắt khó chịu, mà ngược lại nó làm cho bạn tươi tĩnh, sáng suốt và rỗng lặng lạ thường. Tự nhiên bạn không còn cái cảm giác khổ đau gây ra do tứ đại của bạn đang phân ly nữa. Đây chính là thành quả của năng lực niệm Phật của bạn (tự lực) cùng năng lực tiếp dẫn của Phật A Di Đà (tha lực).
Vào lúc này, tính giác (viên minh) của bạn sẽ nhắc nhở bạn: Đừng bị tán loạn! Đừng xúc động! Không lâu nữa Phật A Di Đà sẽ đến tiếp dẫn bạn về cõi Cực Lạc. Bạn phải ráng giữ cho tâm của bạn luôn rỗng lặng tự nhiên và tiếp tục niệm Phật không ngừng, ngay cả khi gặp được Đức Phật A Di Đà xuất hiện. Tại sao vậy? Vì nếu bạn giữ được tâm rỗng lặng như hư không (không xúc động vì vui mừng theo thói tục của thế gian chúng sanh) khi gặp Phật, thì bạn sẽ sanh về cõi Cực Lạc với phẩm vị rất là cao. Vì ngay lúc này với sự trợ lực của Phật A Di Đà, bạn đã đạt được niệm Phật Tam Muội hay Nhất Tâm Bất Loạn. Nếu bạn còn có cái niệm vui mừng xúc động khi gặp Phật, phẩm vị vãng sanh của bạn bị hạ thấp xuống vì bạn còn dính mắc vọng tâm của người phàm phu.
Khi bạn thấy Phật A Di Đà xuất hiện, bạn cũng đồng thấy vô số Phật, Bồ Tát và Thánh Chúng đồng xuất hiện để nhiếp thọ tiếp dẫn bạn. Hình tướng và dung mạo của các vị Phật ở cõi Tây Phương cũng giống hệt như Phật A Di Đà. Hình tướng và dung mạo của các Bồ Tát cũng đồng giống hệt như Quán Thế Âm và Đại Thế Chí không có tướng sai khác. Bạn cũng được nghe tiếng của thánh chúng niệm Phật vang động cả bầu trời với những âm thanh vi diệu hòa nhã và tuỳ hỷ.
Nên lưu ý, trước khi gặp Phật, ma chướng (nghiệp chướng) cùng sinh của bạn sẽ loạn động cái tâm của bạn, làm chánh niệm của bạn bị sụp đổ, bạn muốn niệm Phật cũng rất là khó khăn hay chẳng niệm được; nó phát ra những âm thanh chói tai và uy mãnh và làm mê mờ bạn. Ở vào thời điểm này, bạn hãy tuệ tri điều này:
1. Cái cảm giác đương bị đè ép xuống bởi một ngọn núi thì không phải là đương bị đè ép xuống bởi một ngọn núi. Đó là chính các đại của bạn đang hòa nhập. Hãy đừng sợ hãi chuyện đó!
2. Cái cảm giác đương bị sập bẫy trong bóng tối thì không phải là bị sập bẫy trong một bóng tối. Đó là năm quan năng của bạn đang hòa nhập!
3. Cái cảm giác đương bị buông rơi vào trong vô tận của hư không thì không phải là đương bị buông rơi. Đó là tâm của bạn không có cái gì để nương nhờ bởi thân và tâm của bạn đã ly biệt và hơi thở của bạn đã ngừng lại.
Vậy bạn phải cố gắng nương vào câu Phật hiệu không gián đoạn để tâm của bạn không bị mê mờ bởi những cảm giác hư vọng này. Tất cả những quang cảnh, các hình tướng, các âm thanh, ánh sáng đều là của chính bạn đều là do tâm của bạn ảnh hiện do nghiệp lực chiêu cảm. Hãy đừng nghi hoặc gì về điều đó. Nếu bạn cứ cảm thấy nghi hoặc, bạn sẽ bị ném vào trong sinh tử luân chuyển. Quyết định sáng tỏ hơn để thấy chỉ là chuyện tự diễn-hiện, nếu bạn nương nhờ an trú vào câu Phật hiệu (nó cũng chính là tính viên minh trong chân không diệu hữu quang minh biến chiếu), thì trong tính chân không diệu hữu quang minh biến chiếu đó bạn sẽ chứng đạt ba thân – pháp thân, báo thân, ứng hoá thân – và trở thành giác ngộ. Ngay lúc đó nếu bạn có bị ném vào trong sinh tử luân chuyển, bạn cũng sẽ không đi vào đó.
Bạn nên biết rằng A Di Đà Phật chính là vị Phật bảo hộ và cũng là tự tánh hiện hữu của bạn để duy trì tâm bạn với chánh niệm không bị tán loạn. Từ thời điểm này, điều rất quan trọng là ở trạng thái không mong cầu và sợ hãi gì cả, không chấp và thủ cái gì cả đối với tất cả các đối tượng của những quan năng của sáu thức cũng như đối với những dẫn dụ mê đắm, hạnh phúc và sầu muộn. Và từ bây giờ trở đi, nếu bạn đã đạt “tịnh chỉ an định”, bạn sẽ có thể bắt đầu có khả năng đảm lĩnh bản tính ở trong trung hữu và trở thành giác ngộ. Thế nên điểm tối yếu cho sinh mệnh (của tuệ mệnh) là chấp trì câu hồng danh A Di Đà Phật liên tục, không gián đoạn, không tán loạn từ chính thời điểm này.
Ma chướng cùng sinh là tập khí hiện tại đưa đến vô minh, nghi hoặc và do dự của bạn. Vào lúc đó, lúc ở tử địa, bất cứ hiện tượng dễ sợ nào xuất hiện; Thí dụ: những âm thanh, những màu sắc và những ánh sáng, hãy đừng bị mê đắm dẫn dụ, hãy đừng nghi hoặc và hãy đừng sợ hãi. Nếu bạn bị rơi vào nghi hoặc dù chỉ một thời điểm, bạn sẽ lang thang trong cõi sinh tử luân chuyển, vì thế nên hãy đạt được “tịnh chỉ an định” hoàn toàn (không thay đổi và không bị chấm dứt bất thình lình).
Ở thời điểm này, những lối dẫn vào tử cung (cửa ngõ tái sinh) hiện ra như những cung điện cõi trời. Hãy đừng bị tham luyến đối với chúng. Hãy tin chắc chắn vào điều nhận biết sáng tỏ thấu suốt đó. Hãy tự tại không còn mong cầu và sợ hãi! Vào thời điểm đó, tính giác viên minh trong sáng thấu suốt của chính bạn (tự lực) cùng với quamg minh tiếp dẫn của Phật A Di Đà (tha lực) sẽ là cộng lực cứu độ bạn.
Khi đạt được pháp thân giống như hư không cho lợi ích chính mình, bạn sẽ thành tựu lợi ích cho tất cả hữu tình trong tận hư không vô lượng pháp giới. Bạn có thể hóa hiện các thứ báo thân và ứng hoá thân làm lợi ích cho tất cả hữu tình trong tận hư không vô lượng pháp giới, và lúc ấy tâm của bạn sẽ lan tỏa vạn hữu vô tận xứ.
Kết Luận:
Do vì tâm của chúng ta quá xa rời với giác ngộ và tỉnh thức, do vì nghiệp chướng và tội ác của chúng ta quá nhiều đến không thể tính kể, mà phước báu thì quá nhỏ bé như hạt mè. Do vì tập khí tham, sân, si, nghi, mạn của chúng ta quá nặng nề tạo thành một màn vô minh dầy đặc bao trùm che phủ Như Lai tánh thường chiếu. Cho nên, ở ngay trong cuộc sống hiện tại, chúng ta phải gặp nhiều ngang trái khổ đau, gặp các thứ hồ đồ lộn xộn. Cho đến lúc lúc lâm chung, chúng ta không biết nơi nào để đi để đến, bỏ mặc cho nghiệp lực dẫn dắt lang thang trong sáu nẻo luân hồi sanh tử. Nay nhờ chút phước mọn sót lại mà chúng ta gặp được pháp môn quảng đại thù thắng của Phật A Di Đà do Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tự trao truyền chỉ dạy. Những người có đại tín thành, đại nguyện lực, tinh tấn dũng mãnh, và thông tuệ, những người luôn luôn nhớ đến thầy của họ là Đức Thích Ca Mâu Ni Phật, những người luôn luôn tín nhiệm vào Phật A Di Đà, những người thân tâm nỗ lực trong thực hành, những người có tâm an tịnh, và có khả năng buông bỏ các mối quan tâm đối với thế giới này. Chính những người này là những người được tất cả các đức Như Lai đồng thanh khen ngợi; vì họ, ở trong đời trước, đã từng gặp Phật quá khứ quy y, chiêm bái, cúng dường và họ cũng đã từng được Phật thọ ký Bồ Đề. Những người tin nhận và chân thật tinh tấn tu tập giáo pháp này chính là những người được thừa hưởng của cải vô tận của các đức Như Lai trong mười phương ba đời. Tại sao? Vì giáo pháp này đều được tất cả các đức Như Lai trong Mười Phương Thế Giới, mà mỗi Thế Giới có vô số vô lượng các đức Như Lai nhiều như cát của sông Hằng, đồng thanh khen ngợi và tán thán không thể nghĩ bàn, không có sai khác.
Đệ tử tục gia của Tam Bảo: thế danh Lưu Minh Trí, pháp danh Trí Thành, pháp hiệu: Giác Hiển.
Phục nguyện cho tất cả hữu tình trong thập phương pháp giới, tất cả ông bà, cha mẹ, họ hàng quyến thuộc và bạn hữu …v….v…. ở trong vô lượng kiếp quá hiện vị lai đều gặp pháp môn niệm Phật của Phật A Di Đà và đều sanh tâm hy hữu, tín, nhận và phụng hành.
Phục nguyện cho tất cả chúng sanh trong thập phương pháp giới đồng vãng sanh Cực Lạc, đồng thành Phật đạo, dứt trừ tận gốc cội rễ sanh tử khổ đau.
Lưu Minh Trí, Diệu Âm Trí Thành
Viết xong ngày 12 tháng 01, 2011 (Tây Lịch)
A Di Đà Phật
Một bài viết thật mới ý nghĩa và hữu ít làm sao.
A Di Đà Phật
Năm nay chồng con 42 tuổi con 30 tuổi. Chúng con muốn sang cát cho bố chồng con mất năm 2005 và em chồng con mất năm 2004 vào ngày 20 tháng 10 năm 2013. Con xin hỏi cư sỉ thủ tục như thế nào. Có cần kiêng kị gì về tuổi tác của chồng con hay không?
cho con hỏi : mẹ con mới mất được 8 ngày mà bàn thờ mẹ gởi trong chùa , ba con muốn xây mộ cho má , liệu có được không
Con xin hỏi mẹ con sinh năm 1938 mất ngày 12/3 âm lịch đến ngày 1/4 âm lịch là 49 ngày của mẹ con thì gia đình con có nên đốt vòng hoa không? có nên xây mộ không?
Xin chào bạn Nguyễn Thị Năm,
Việc xây mộ và đốt vòng hoa là phong tục tập quán của dân gian, điều này bạn muốn làm thì làm nhưng đừng phung phí quá, nên để dành tiền làm các việc phước thiện như in kinh ấn tống, phóng sanh, bố thí, cúng dường…rồi hồi hướng cho người quá cố. Quan trọng nhất chính là ăn chay và niệm Phật, tránh sát sanh.
Điều này cũng giống như có một chiếc xe hơi bị đụng, hư cũ, không chạy được nữa, thì mình mang đi thiêu cũng được, chôn cũng được, điều này không quan trọng mà quan trọng là cần phải kiếm tiền để cho người tài xế có thể mua được chiếc xe khác tốt hơn để chạy tiếp vậy. Chiếc xe là tượng trưng cho thể xác, người tài xế là tượng trưng cho linh hồn. Tiền tức là công đức, phước báo vậy.
Có thể tham khảo thêm ở bài 49 Ngày Sau Khi Chết Gia Quyến Nên Làm Gì?
Hy vọng những điều bạn làm sẽ mang lại lợi ích thật sự cho kẻ còn và người mất nhé.
Nam Mô A Di Đà Phật
Thầy ơi cho con hỏi gia đình con không biết tại sao luôn gặp chuyện chẳng lành. Người thì ốm đau bệnh tật, luôn gặp chuyện khó khăn. Nói chung là có rất nhiều chuyện ngoài ý muốn xảy ra đối với gia đình. Xin thầy cho biết gia đình con nên làm gì ạ? Xin giúp con với.
A Di Đà Phật
Gửi bạn Nguyễn Chí Duy,
Phật dạy: “Hết thảy việc lành, việc dữ đều tại tâm mình sanh ra. Tâm mình tu việc lành, thân mình được an vui. Tâm mình tạo việc dữ thân mình chịu khốn khổ. Tâm là chủ của thân; thân là dụng của tâm. Tại sao vậy? Bởi vì đức Phật cũng do tâm thành, đạo do tâm học, đức do tâm chứa, công do tâm tu, phước do tâm ra, họa do tâm tạo. Tâm làm ra thiên đường, tâm làm ra địa ngục. Tâm làm ra Phật, tâm làm ra chúng sanh; nếu tâm chánh thì thành Phật, tâm tà thì thành ma. Tâm từ là người của Trời, tâm ác là người của La Sát, nên cái tâm là hột giống cho hết thảy sự tội phước. Nếu người giác ngộ được tâm mình, làm chủ giữ cho chắc chắn, không tạo các sự dữ, thường làm các việc lành, hành trì hạnh nguyện đều y theo Phật. Người này không bao lâu sẽ được thành Phật; nếu có người trai lành, gái tín muốn cầu Phật đạo, mà không rõ được tâm của mình thì không thể thành Phật” (Kinh Đại Thừa Kim Cang Luận).
Bạn hãy tạm gác chuyện làm Phật, thành Phật lại đã, thế vào đó bạn ráng bình tâm, suy ngẫm thật kỹ, thật thấu đáo những lời Phật dạy nêu trên, rồi hoan hỉ thử quán xét tâm mình, tâm những người đang chung sống xung quanh bạn đã, đang và sẽ tiếp tục làm gì? Chắc chắn bạn sẽ tìm ra lời giải đáp. Nếu có gì khúc mắc, mong bạn hoan hỉ trao đổi tiếp nhé.
Cầu chúc bạn cùng gia quyến mau chóng tìm được giải pháp an lạc.
Thiện Nhân
Những bài pháp bạn nên tham khảo:
Bệnh do đâu mà sanh
Vị thuốc nhiệm màu giúp thân thể khoẻ mạnh
Sám hối nghiệp chướng
Giả thì buông xuống cho hết
Buông xuống càng nhiều tiến lên càng cao
Quả thiện đến từ nhân tốt
Không học thập thiện nghiệp đạo không đến được Tây Phương
Thoát nghèo được đại phú quý
Con chưa quy y mà đọc thần chú mật tông có phải trộm pháp không? Xin giải nghi? Con muốn sanh Cực lạc giờ con nên làm gì? Con hành theo kinh quán vô lượng thọ, quán tưởng nhưng nhiều phép quán con còn mơ hồ?
A Di Đà Phật – Xin chào bạn tân đường đinh
Về việc trì tụng thần chú thì nghe nói bên Mật Tông có nhiều bài chú đòi hỏi ngoài việc quy y ra còn phải biết cách dựng đàn, kiết ấn, thọ lể quán đảnh…nói chung là phải được tam muội hay tam mật tương ưng thì mới được hiệu nghiệm cho nên thời nay rất ít có người thành tựu. Bạn đã có duyên lành đến với nơi đây là đạo tràng tu Tịnh Độ thì thiết nghĩ cũng hãy nên Bỏ Tụng Chú Để Niệm Phật như lời HT Tịnh Không dạy: “Một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”.
Bạn đã đọc qua kinh Quán Vô Lượng Thọ thì chắc hẳn là bạn còn nhớ đoạn này: Muốn sanh về Cực Lạc phải tu ba thứ phước:
1:Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp.
2:Thọ trì tam quy, giử vẹn các giới, đừng phạm oai nghi
3:Phát bồ đề tâm, tin sâu lý nhân quả, đọc tụng kinh đại thừa, khuyến tấn người tu hành.
Như vậy chắc là bạn đã biết phải làm thế nào rồi chứ? Bên cạnh đó có thể tham khảo thêm ở bài Điều Kiện Để Vãng Sanh Tây Phương. Và mỗi ngày bạn nên ăn chay, niệm Phật (trì danh niệm Phật), tụng kinh (A Di Đà hoặc Vô Lượng Thọ), làm các việc thiện lành như phóng sanh, bố thí, in kinh ấn tống…để hồi hướng trang nghiêm cõi Tịnh Độ.
Ngoài ra cũng cần nên tìm các bài giảng của PS Tịnh Không (ở trang http://www.tinhkhongphapngu.net) để hiểu thêm và xem lại nơi tâm mình có được “Chân Thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh Giác, Từ Bi, Nhìn Thấu, Buông Xuống, Tự Tại, Tùy Duyên, Lão Thật Niệm Phật” hay chưa? Nên tìm các băng đỉa của cư sỉ Diệu Âm Úc Châu để hiểu thêm về đề tài oan gia trái chủ cũng như cách điều giải. Nếu còn thời gian thì thiết nghĩ cũng nên ghé lại trang nhà này để tìm đọc những bài pháp khác chẳn hạn như:
1:Biết Buông Xả Mới Có Thể Vãng Sanh
2:Nếu Có Tâm Sợ Chết Sẽ Không Được Vãng Sanh
3:Nếu Tâm Còn Ghét Người Sẽ Không Vãng Sanh
4:Muốn Về Tây Phương Hãy Nhìn Mọi Người Đều Là Bồ Tát
…
Nếu có xem qua Thánh Hiền Lục thì chắc bạn cũng biết người thời xưa không có phải học nhiều như thời nay. Có lẻ là do các vị ấy đều chân tín, thiết nguyện, niệm Phật chuyên cần (Tin Sâu, Nguyện Thiết, Hành Chuyên) hơn nữa có lẻ vị thầy đã nhìn thấy tâm họ đã có sẳn Chân Thành,Thanh Tịnh…Buông Xuống, Tự Tại, Tùy Duyên, Lão Thật Niệm Phật cho nên chẳng cần phải khai thị nhiều. Còn người thời nay thì phước mõng nghiệp dày, chướng sâu, huệ cạn cho nên có khi cũng cần phải nghe giảng đi giảng lại nhiều lần thì mới thấm. Khi thấm rồi thì hành cũng té lên té xuống…tuy nhiên cũng phải cố gắng vì nhân thân nan đắc, pháp phật nan văn, một khi mất thân người rồi thì vạn kiếp bất phục. (HT Tuyên Hóa có nói ở đây).
Còn về pháp quán tưởng trong kinh Bát Chu Tam Muội và 16 phép quán trong kinh Quán Vô Lượng Thọ thì công đức rất lớn nhưng thời nay hiếm có người được thành công vì rất khó (tâm thô, cảnh tế) cho nên Ngài Thiện Đạo Đại Sư – Liên Tông Nhị Tổ đã có khai thị như sau:
“Đấng đại thánh xót thương, khuyên người chuyên xưng danh hiệu, bởi vì phép xưng danh rất dễ, nếu có thể giữ mỗi niệm nối nhau, lấy suốt đời làm hạnh, thì mười người tu, mười người vãng sanh, trăm người tu, trăm người vãng sanh. Tại sao thế? Vì không có duyên tạp nên được chánh niệm, vì cùng với bản nguyện của Phật hợp nhau, vì không trái với kinh giáo, vì thuận theo lời Phật. Nếu bỏ chuyên niệm mà tạp tu trong trăm người may ra được một hai người, trong ngàn người hy vọng được ba bốn người vãng sanh mà thôi”
Hy vọng giúp ích phần nào cho bạn nhé.
Nam Mô A Di Đà Phật
Con chào thầy ạ.
Thầy cho con hỏi, cuộc sống của con găp rất nhiều đau khổ, con khổ tâm lắm thầy ơi. Nhiều lúc con chỉ muốn chết thôi, cuộc sống bế tắc giống như không còn lối thoát. Con phải làm sao đây? Có phải con tội nghiệp nặng quá phải không ạ? Con sinh ngày 17 tháng 12 năm 1994, 3giờ sáng là con chào đời. Thầy có thể cho biết có phải số phận phải chịu nhiều đau khổ không? Xin thầy cho con biết con phải làm thế nào đựơc bây giờ? Con xin cảm ơn thầy ạ.
A Di Đà Phật Chí Duy thân mến
Cuộc sống hiện tại của bạn gặp nhiều đau khổ – đây là quả báo của kiếp trước. Kinh Nhân Quả Ba Đời, Phật từng dạy: “Muốn biết Nhân đời trước, hãy xem Quả (nhận) đời này. Muốn biết Quả đời sau, hãy nhìn Nhân (đang làm) ở hiện tại”.
Do kiếp xưa gieo nhân không tốt nên kiếp này quả báo đến khi nhân duyên chín muồi nên bạn phải nhận, đó là tự mình làm, tự mình chịu, không nên oán trách trời đất.
Đừng nên nghĩ đến cái chết hay sự tự sát. Bạn có biết tự sát rất là đau khổ không? Hòa Thượng Tịnh Không dạy rằng: “Vạn phần không nên tự sát, vì khi tự sát, phiền phức còn lớn hơn. Nên biết, tự sát là tội nghiệp không phải là giải thoát. Nếu tự sát có thể giải thoát thì Thích Ca Mâu Ni Phật hà tất phải xuất thế, phải dày công khó nhọc tu hành đến như vậy, ngài chỉ cần tự sát là xong. Rất nhiều người ở thế gian thường nói: sau khi tự sát, nếu muốn luân hồi đầu thai thì phải tìm thế thân. Như vậy có phiền não không? Nếu không tìm được thế thân, họ muốn đầu thai luân hồi cũng không có cách gì.
Hơn nữa tự sát sẽ rất đau khổ, họ ở trong thân trung ấm cách mỗi một khoảng thời gian, hiện tượng tự sát của họ phải diễn lại một lần. Thần thức sau khi tự sát không ngừng lặp lại, ở nơi đó tự mình sẽ diễn lại cảnh tự sát, thống khổ dường nào”.
Cứ khổ mà nghĩ đến việc tự tử, là mình đang mở đầu cho một thói quen. Nghĩ hoài thì thói quen sẽ thành hình. Một ngày nào đó, mình sẽ theo cái lực suy nghĩ ấy mà thành hành động. Thành thói quen rồi thì coi chừng nó có tác động cả những kiếp về sau.
NGHIỆP LỰC, là thứ đưa đến cho ta mọi hoàn cảnh tốt xấu hiện tại. Nếu ta có những suy nghĩ và hành động thiện trong quá khứ, ta sẽ có hoàn cảnh tốt trong hiện tại. Nếu ta có những suy nghĩ và hành động bất thiện trong quá khứ thì ta sẽ phải chịu những hoàn cảnh bất như ý trong hiện tại. Phật đặt ra 5 giới cho người tại gia chính là để giúp ta có những suy nghĩ và hành động thiện, để tương lai ta có được hoàn cảnh như ý.
Nếu hiện tại, có những điều bất như ý khiến ta phải nghĩ đến cái chết thì thay vì chết, ta nên đối diện, tìm hiểu … để thay đổi đi cái Nhân đã khiến mình khổ đó. Chỉ khi chuyển hóa được cái NHÂN, thì cái QUẢ mới thay đổi. Có vậy thì kiếp này hết khổ mà kiếp sau mới hết khổ. Không thì có chết vạn lần, trồi đầu lên cũng không hết khổ được đâu Chí Duy à. Phải làm mới mình, muốn chuyển đổi hoàn cảnh phải từ nơi chính mình mà làm: Tích thiện, làm lành lánh dữ, ăn chay, phóng sanh, bố thí, giúp đỡ người, cúng dường Tam Bảo, tụng kinh niệm Phật…..cố gắng mà làm hết sức thì một thời gian sau hoàn cảnh chắc chắn sẽ thay đổi.
Vài chia sẻ chúc bạn sớm vượt qua nghịch cảnh.
Nam Mô A Di Đà Phật
TLPT
Thầy ơi cho con hỏi
Con có 1 người bạn gái chẳng may mẹ vừa mới qua đời được 49 ngày không hiểu sao các anh chị em trog gia đình người bạn ấy lại ép gả cô ấy cho một người đàn ông gần nhà.. vậy là khi mẹ cô ấy vừa mất đc hơn 50 ngày thì lại tổ chức cưới hỏi như vậy có ảnh hưởng gì đến người đã khuất không ạ..mog sớm nhận được câu trả lời từ thầy
Con xin Thầy giải thích cho con: vì sao con luôn gặp chuyện buồn. Đầu tiên là chồng con mất, sau đó 2 năm bố đẻ con mất, sau đó 2 năm anh trai thứ hai của con mất. Sao con gặp chuyện buồn quá vậy Thầy? Mà con thì luôn nghĩ và muốn làm tốt cho người khác. Không tranh giành, cự nạnh ai bao giờ. Với người thân thì luôn nhường vì chỉ sợ họ buồn mà thôi!
A Di Đà Phật
Gửi bạn Nguyễn Thành,
Thiện Nhân cùng các Đạo hữu xin được chia sẻ nỗi đau mà chị đang gánh trải. Để TN kể câu chuyện thời Phật còn tại thế, chị nghe rồi thử chiêm nghiệm nhé.
Có một người đàn bà tên là Gotami, con trai của bà vừa mới chết, bà đi khắp mọi nơi tìm người cứu sống con bà. Bạn bè của bà thấy vậy động lòng thương chỉ dẫn cho bà: “Gotami, chị hãy đi đến gặp Đức Phật. Có lẽ Ngài sẽ giúp được chị việc này”.
Bà tìm đến chỗ Đức Phật với đứa con ẵm trên tay. Bà khóc than: “Kính thưa Đức Phật, xin Ngài làm ơn cứu sống đứa con tôi”. Đức Phật trả lời một cách từ mẫn: “Tôi có thể cứu sống được con bà, bà Gotami ạ. Nhưng trước tiên bà phải đem cho tôi một thứ này. Hiện tại tôi cần hạt giống của cây Mù tạc để làm thuốc. Tuy nhiên nó phải được lấy từ một nhà chưa từng có người chết”.
Gotami nghe xong liền cáo từ Đức Phật đi tìm hạt giống cây Mù tạc. Bà đến một nhà nọ và hỏi người chủ nhà ở đó, cô ta trả lời: “Dĩ nhiên bà có thể có được hạt giống cây Mù tạc. Bà có thể có bất cứ thứ gì bà muốn … Song bà nên biết rằng chồng tôi đã chết năm ngoái”.
Gotami thốt lên: “Ô, thế là không được! Ta phải đi tìm nơi khác”. Và bà đi vội qua nhà bên cạnh.
Thế nhưng, nơi nào bà đến họ cũng trả lời tương tự. Ai cũng muốn giúp bà ta cả, song gia đình nào bà ta đến cũng có người chết. Một người nói với bà: “Tôi đã mất đứa con gái cách đây 3 năm”. Người khác thì nói: “Anh trai tôi mới chết ngày hôm qua tại đây”.
Chiều ngày hôm đó bà trở lại chỗ Đức Phật. Ngài hỏi: “Bà đã kiếm được hạt giống cây Mù tạc chưa? Đứa con trai của bà đâu, sao không đem nó theo?”
Bà trả lời: “Kính thưa Đức Phật, hôm nay tôi đã khám phá ra rằng không chỉ có một mình tôi mất người con yêu quý, mà nơi nào tôi đến, gia đình họ cũng có người chết cả. Tôi thật là ngu dại khi nghĩ đến việc cứu sống con trai của mình. Tôi đã chấp nhận cái chết của nó và tôi đã hỏa thiêu nó trưa nay rồi. Bây giờ tôi đến đây xin được nghe những lời chỉ dạy của Ngài. Tôi rất mong được lắng nghe”.
Lúc đó, Đức Phật nói: “Gotami, hôm nay bà đã học được rất nhiều. Chết sẽ phải đến với tất cả mọi người dù sớm hay muộn. Song nếu bà học và hiểu được sự thật này bà sẽ sống và chết trong an lạc”. Rồi Đức Phật giảng dạy thêm cho bà. Sau khi nghe và thực hành lời Phật dạy, bà đã tìm được sự an lạc và hạnh phúc thật sự. Một thứ hạnh phúc mà trước đây chưa khi nào bà có được.
Nhân đây Thiện Nhân xin ghi lại bài kinh Phật thuyết về Vô Thường để chị tham khảo:
Tôi nghe như vậy. Một thời Phật tại thành Thất la phiệt nơi rừng Thệ đa, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Phật bảo các Tỳ kheo rằng trong các thế gian có ba pháp không thể yêu, không trong sạch, không thể muốn, không vừa ý. Ba pháp là gì? Là già, bệnh, chết. Này các Tỳ kheo, nếu trong thế gian không già, bệnh, chết thì Như Lai ứng chánh đẳng giác không xuất hiện ra đời vì các chúng sanh nói pháp đã chứng và cách điều phục. Vậy nên biết rằng trong các thế gian, già bệnh chết này là không thể yêu, là không trong sạch, là không thể muốn, là không vừa ý. Vì ba việc này Như Lai ứng chánh đẳng giác xuất hiện ra đời vì các chúng sanh nói pháp đã chứng và cách điều phục. Bấy giờ Thế Tôn lặp lại bài tụng rằng:
Bề ngoài trang điểm đều hư hoại,
Trong thân biến đổi cũng vậy thôi.
Chỉ có thắng pháp thường chẳng mất,
Các người có trí hãy xét coi!
Đây già bệnh chết đều đáng chán,
Hình nghi xấu xí thật khó ưa
Tuổi trẻ dung nhan tạm thời đó,
Nào có lâu chi, đều héo khô.
Dẫu cho tuổi thọ trăm năm đủ,
Chẳng khỏi vô thường não bức thân.
Già bệnh chết, khổ thường theo đuổi.
Chẳng lợi gì cho thân chúng sanh.
Bấy giờ Thế Tôn nói kinh nầy xong, các chúng tỳ kheo, thiên, long, dược xoa, càn thát bà, a tu la đều rất hoan hỷ tín thọ, phụng hành.
Qua câu chuyện của bà Gotami và kinh Vô Thường nói trên giúp chị điều gì? Con người chúng ta – dù là giàu-nghèo, tiến sĩ, kỹ sư, khoa học gia, thương gia, cho đến người bần cùng, cơ hàn nhất… khi có mặt trong cõi Ta bà này (còn gọi là cõi kham nhẫn – chịu đựng tất cả những khổ nhục của cuộc đời) ai ai cũng đều phải trải qua: sanh-lão-bệnh-tử. Tuy nhiên, mỗi người có một nghiệp báo và phước báo khác nhau. Ví thử, người kiếp trước không sát sanh, hại vật, năng phóng sanh, năng bố thí, trì giới, năng tu phước thiện=kiếp hiện nay sẽ được thọ mạng kéo dài, một thân thể khoẻ mạnh, cùng cuộc sống gia đình an lạc, sung túc; Ngược lại, kiếp này thọ mạng ngắn ngủi, sống trong nghèo hèn, gia đình luôn bất hạnh. Cũng vì thế có những người sống tới 100 tuổi, kẻ phải ra đi khi còn trong bụng mẹ, hay vài tháng, vài năm… Hiểu được như thế chị sẽ thấy: Chồng chị; bố đẻ, anh trai thứ hai của mình lần lượt qua đời cũng không nằm ngoài quy luật nói trên, nghiệp báo và phước duyên của họ trong cuộc đời này chỉ được đến vậy, nên mạng tận, họ phải ra đi chứ không phải do trùng tang, hay do chị bạc phước hay chị ăn ở thất đức… nên người thân của mình mới lần lượt ra đi như vậy.
Mà con thì luôn nghĩ và muốn làm tốt cho người khác. Không tranh giành, cự nạnh ai bao giờ. Với người thân thì luôn nhường vì chỉ sợ họ buồn mà thôi!
Đây là điều rất tốt, nhưng cái tốt đó mới chỉ ở sự đối đãi với người đời, chứ chưa phải là sự ngộ đạo và tu đạo. Tốt, không tranh, luôn nhường nhịn, chẳng sân giận, mắng nhiếc người khác của người tu đạo Phật là: Từ-bi-hỉ-xả.
Sao gọi là Từ: là mang niềm vui, sự hỉ lạc cho mọi chúng sanh (người, vật, cỏ cây), không phân biệt họ là kẻ giàu, người nghèo, chẳng nghĩ họ dân quê, hay thành thị. Người sang-hèn khi gặp khổ cảnh, gặp khó mình cũng đều tận dùng mọi phương tiện để giúp đỡ, mang lại niềm an lạc cho họ.
Sao gọi là Bi? Là trước sự đau khổ của đồng loại không khởi tâm phân biệt họ là ai, nguồn gốc ra sao, địa vị, hoàn cảnh thế nào… mình đều khởi tâm xót thương và muốn được gánh, chia sẻ cho họ vợi nỗi đau.
Sao gọi là Hỉ? Là tâm luôn an lạc trước mọi biến cố thăng-trầm của bản thân và thế thái nhân tình. Cuộc sống cho dù gian nguy, khổ cực tâm vẫn chẳng sanh phiền não, u sầu; hay dẫu có thăng tiến, thành đạt, vương giả cũng chẳng cho đó là điều mĩ mãn.
Sao gọi là Xả: Đây là điều quan trọng nhất của người tu đạo. Thông thường chúng ta hay khuyên nhau buông bỏ những chuyện buồn phiền, bất hạnh, khổ đau… chứ ít ai khuyên nhau buông bỏ cả những niềm vui, hạnh phúc hay của sự thành đạt. Thực tế thì cả vui-buồn đều là trạng thái hư giả do tâm mình biến hiện ra cả. Vì nó là hư giả nên nó thoắt ẩn, thoắt hiện, nay có, mai mất chẳng tồn tại vĩnh viễn. Nếu như chúng ta khư khư ôm ấp mãi những nỗi vui-buồn đó trong tâm tất người đau khổ chính là chúng ta chứ chẳng phải ai khác (bệnh trầm cảm; tâm thần phân liệt cũng từ những mối hoạ này mà ra). Điều này bạn có thể chắc nghiệm bằng phương pháp niệm Phật: Khi trong tâm bạn chợt nổi sân, chợt ập đến nỗi buồn, nỗi cô đơn, niềm đau hay những niềm vui bất ngờ ập đến, ngay những lúc này bạn hãy khởi tâm niệm hồng danh: Nam Mô A Di Đà Phật! Hay A Di Đà Phật, niệm liên tiếp cho tới khi những trạng thái tâm lý kia không còn cơ hội khởi lên trong tâm=tâm bạn sẽ được an lạc. Trạng thái an lạc tâm lúc này không phải là sự hư giả như của ngày thường, nghĩa là lúc bạn nổi sân, buồn, thất vọng, có ai đó nhắc nhở bạn: Thôi, đừng nóng giận nữa, đừng buồn nữa, chỉ tổn sức khoẻ. Lúc này vì lo tổn sức khoẻ nên bạn đã tạm nén cơn sân giận, tạm nén nỗi buồn lại, nói khác đi: bạn tạm xếp nó vào một xó, và khi có cơ hội sẽ tiếp tục thanh toán tiếp. Nhưng khi bạn niệm Phật, hồng danh A Di Đà Phật có công năng tiêu trừ tất khả mọi khổ não, buồn vui, sân hận trong tâm và biến những buồn vui, khổ não đó thành sự hỉ lạc. Điều này chỉ khi nào bạn thực tâm hành: niệm Phật mọi nơi, mọi chốn, không phân biệt thời gian, không gian, hoàn cảnh. Nếu thuận duyên thì niệm Phật lớn tiếng; không thuận duyên thì niệm nhỏ, niệm thầm trong tâm. Quan trọng: Tâm luôn nương theo 6 chữ hồng danh: Nam Mô A Di Đà Phật! hay 4 chữ: A Di Đà Phật! Niệm niệm tiếp nối không ngưng nghỉ; niệm mà chẳng nghĩ mình phải niệm Phật, chẳng nghĩ mình đang niệm Phật; chẳng nghĩ mình đang sân, đang buồn, đang vui sướng quá độ… mà niệm Phật=bạn niệm Phật với cái tâm lìa bỏ. Sao gọi là lìa bỏ? Bởi trong bạn vốn có tự tánh Phật. Tự tánh ấy còn gọi là Chân Tánh=luôn thanh tịnh. Nhưng vì tâm so chấp, phân biệt nên tâm ấy nhất thời bị che lấp, do vậy cũng nhất thời bạn không thấy được Chân Tánh của mình. Nay nương nhờ hồng danh A Di Đà Phật bạn đã phá được những mê chấp, vọng động, não phiền trong tâm và ngoại cảnh, vì thế bạn đã không còn thấy khổ não nữa. Đó chính là công đức của người niệm Phật.
Trong kinh Niệm Phật Ba La Mật, Phật Thích Ca đã khuyên Ngài Diệu Nguyệt Cư Sĩ như sau: “Diệu Nguyệt cư sĩ, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào có đủ lòng tin, thì chỉ cần chuyên nhất xưng niệm danh hiệu: Nam Mô A Di Đà Phật, suốt cả sáu thời trong ngày và giữ trọn đời không thay đổi, thì hiện tiền chiêu cảm được Y Báo và Chánh Báo của Phật A Di Đà ở cực Cực Lạc. Lúc lâm chung cố giữ sao cho được mười niệm nối liền nhau, lập tức vào Phổ Đẳng Tam Muội của Đức Phật A Di Đà, được Phật tiếp dẫn về Tịnh Độ Tây Phương, vĩnh viễn xa lìa các đường ác, không còn sanh tử luân hồi.Đó gọi là quả vị Bất Thối Chuyển. Từ lúc ấy nhẫn về sau, vượt qua Thập Địa, chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”.
Bạn đã đến được với ĐVCT – Một Đạo Tràng Tịnh Độ – đây cũng là phước báu của riêng bạn. Thiện Nhân hy vọng bạn hãy tỉnh giác để biết rằng: Đời là vô cùng ngắn ngủi. Chư Tổ thường nói: Một hơi thở ra mà không hít vào được=kết thúc một mạng sống. Những người thân của bạn đã lần lượt ra đi, và kế đó những người khác, trong đó có cả bạn. Liệu bạn sẽ tiếp tục sống trong đau khổ, dằn vặt tâm can mình cho đến hồi kết thúc? Hay ngay lúc này, bạn đón nhận sự thật, như bà Gotami đã từng đón nhận sự thật đứa con đã qua đời? Để đón nhận giáo pháp – Pháp môn Niệm Phật, rồi thực tu, thực hành, một đời này được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.
Thiện Nhân xin dùng 4 câu kệ trong Kinh Vô Thường của Phật để nói cùng bạn:
Dẫu cho tuổi thọ trăm năm đủ,
Chẳng khỏi vô thường não bức thân,
Già bệnh chết, khổ thường theo đuổi,
Chẳng lợi gì cho thân chúng sanh.
Chúc bạn sớm tỉnh giác để đến với ngôi nhà của Như Lai.
Thiện Nhân
Khi sắp lâm chung được thầy khai thị , lúc ra đi có hộ niệm , bản thân người bệnh là phật tử đã nguyện buông bỏ, phát tâm về Tây phương ,khi ra đi sao nhẹ nhàng bình thản đến thế , gđ phật tử đưa tiễn người đi rền vang trong tiếng niệm ADI Đà mọi người đều hoàn hỉ , khung cảnh nhẹ nhàng thật đáng ngưỡng mộ . Tôi là người nhà ,người hộ niệm, người tắm cho phật tử sau 12 tiếng niệm phật, toàn thân mềm mại trắng trèo , lưng vẫn còn như hơi ấm ,đây là lần thứ 2 tôi chứng kiến , tôi không sai lời nhiệm màu lắm ,mong những ai đã niệm phật hãy tinh tấn niệm phật , tu tâm để lúc ra đi như đi vào cõi mộng như em tôi thế này .Adi Đà phật !
Thật tốt lành. Cám ơn đã chia sẻ. Điều này làm nâng cao tín tâm cho mọi người đồng tu.