Mê man bất tỉnh là một cái nạn rất khó chịu cho người muốn vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc!
Chúng ta muốn một đời này vãng sanh về đó, thì phải chú ý đến điểm này. Vì một khi đã mê man bất tỉnh thì thường thường người hộ niệm đến khai thị, chúng ta không nghe được, người ta niệm Phật chúng ta không biết được và thường thường là cái tâm thức của chúng ta lúc đó đang quay cuồng trong dòng nghiệp báo, bị chi phối bởi oan gia trái chủ… nên không nghe được những cái lời khai thị, không theo được những sự dẫn dắt của ban hộ niệm. Đây là một điều mà vô cùng nguy hiểm!…
Tại sao bị mê man bất tỉnh? Suy cho cùng ra chính là do cái phước báu của người đó quá yếu! Phước báu yếu, có nghĩa là nghiệp chướng nặng! Người mà có phước báu lớn thì nghiệp chướng nhẹ. Giống như mình để trên cái cân, một đĩa cân là nghiệp chướng, một đĩa cân là phước báu. Hễ đĩa cân bên phước báu nặng thì tự nhiên đĩa cân kia nhẹ hơn. Mà nghiệp nhẹ thì được cái phước báu bao trùm qua, làm cho người đó khi ra đi thường thường hưởng được những phước lạc, gọi là “Thiện Chung“. Người ra đi được thiện chung tức là hưởng được phước báu, nghĩa là họ không bị mê man bất tỉnh, họ tỉnh táo, không bị đau đớn nhiều. Có phước báu, nhưng nếu người đó không biết đường về Tây Phương, thì họ cũng không được vãng sanh về Tây Phương.
Chính vì vậy, mà hồi nãy ở trên xe anh Hai nói rằng, Hòa Thượng nói những người mà ra đi với thoại tướng tốt lành cũng không được vãng sanh là đúng. Mấy ngày nay, trong những buổi tọa đàm, chúng ta cũng đã nói rõ rệt chuyện này rồi. Vãng sanh Tây Phương là do TÍN-NGUYỆN-HẠNH, chứ không phải vãng sanh về Tây Phương là thấy người đó ra đi mềm mềm một chút, thân tướng đẹp đẹp một chút thì cho là vãng sanh. Cho nên lời nói Hòa Thượng rõ ràng đúng, và chúng ta mấy ngày nay ở đây khai thác cũng rõ ràng như vậy rồi.
Cái thoại tướng chỉ bảo đảm cho người chết đó được thoát qua ba cảnh xấu, tức là tam ác đạo mà thôi. Hòa Thượng còn nói rằng, ngay cả những người biết trước ngày giờ ra đi cũng chưa phải là vãng sanh. Thành thử, ở đây nhiều lần mình cũng có nói rằng, khi ra đi, chúng ta phải nguyện là: NGUYỆN vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Có nhiều người không nguyện vãng sanh về Tây Phương, mà lại nguyện khi ra đi được an lành! Ra đi được an lành tức là những người có phước báu, họ hưởng cái phước báu đó mà họ không bị đau đớn nhiều. Có người tưởng rằng họ đã thành đạo! Không phải như vậy! Cũng có nhiều người thấy người bệnh đau đớn quá, kêu bác sĩ chích thêm chất morphine để cho khỏi đau, giúp cho người bệnh nằm im cho “Thoải Mái“ để ra đi! Thực ra, đi trong mê man bất tỉnh thường thường bị nạn! Biết được lý đạo này, bây giờ mình mới thấy rõ, mê man bất tỉnh là cái đại họa cho người chết!
“MÊ” có thể chỉ cho cái thân xác này đang nằm liệt một chỗ. Nhưng chữ “Mê“ thường kèm thêm chữ “MUỘI“. Chữ “Muội“ là chỉ cái tâm trí người đó bị hồ đồ, bị mù mịt không biết rõ đường nào để đi! Nếu cái thân bị “Mê“, mà cái tâm còn tỉnh thì còn có thể cứu được, chứ mà khi đến chữ “Muội” rồi, tức là không biết đường nào đi, thì thôi chịu thua!…
Tại sao như vậy? Thực ra, nói thẳng rằng, cuộc đời người này phước không có, mà huệ cũng không có luôn! Tức là đường đi nước bước người ta không vững! Cho nên TU PHƯỚC cũng quan trọng lắm.
Trong ba điểm TÍN-HẠNH-NGUYỆN của pháp môn niệm Phật, thì niềm TIN vững vàng và tha thiết NGUYỆN VÃNG SANH về Tây Phương là TU HUỆ. Thành tâm chí thành chí thiết NIỆM câu A-Di-Đà Phật là TU PHƯỚC.
Vì thế, người nào phát lòng tin vững vàng vào pháp môn niệm Phật, đều là do thiện căn của họ lớn, trong nhiều đời nhiều kiếp người ta có tu hành nên bây giờ thiện căn nổi lên. Người nào phát khởi niệm được câu “A-Di-Đà Phật” là do phước báu người ta tu được trong nhiều đời nhiều kiếp.
Phước báu thuộc về bố thí, cúng dường, có thể là phóng sanh, ít sát hại sanh vật. Còn Thiện Căn là do người ta có tu hành, có niệm Phật, có trì chú, có tụng kinh… những chuyện này tạo ra Thiện Căn, tâm tánh hiền lành.
Tu hành nên nhớ là phải cần Phước-Huệ Song Tu cho đầy đủ. Tốt nhất là chúng ta CHÍ THÀNH, NIỆM PHẬT cho nhiều, không nên ỷ y. Nhiều người rất lơ là chuyện niệm Phật. Về công phu thì cứ tưởng rằng mình ngày nào cũng tới đây tu là được rồi, biết được con đường vãng sanh, lại có ban hộ niệm nữa… thế là mình vững tâm!…
Chưa chắc đâu! Vững tâm được là khi nào thật sự mình xóa được cái ách nạn của mình. Ách nạn của mình chính là mê man bất tỉnh. Chứ nếu lúc lâm chung mà bị mê man bất tỉnh, tức là nghiệp báo đã tràn lên rồi, oan gia trái chủ đã kiềm chế tất cả rồi, chúng chận đường hết trơn rồi, thì những người tới hộ niệm chẳng qua cũng chỉ là ngồi bên cái cục thịt sắp sửa tan rã, không cách nào có thể dễ dàng giải quyết được!
Cho nên mấy ngày nay chúng ta nhắc nhở rất nhiều về chuyện này để cho chư vị chú ý một chút xíu. Hãy cố gắng bỏ bớt những Tham Chấp, bỏ bớt những Cạnh Tranh, Ganh Tỵ, bỏ bớt những thói quen nói xấu người này nói xấu người nọ đi, để chúng ta nhiếp tâm vào câu A-Di-Đà Phật.
Ví dụ, như hôm nay cô Kim Ngọc đánh địa chung hay quá, nên mấy ngày nay tôi nhường cho Cô đánh luôn. Cô đánh càng ngày càng… coi như là, ”Xuất quỷ nhập thần!“. Hay lắm! Khi tiếng địa chung của Cô đánh hay như vậy, mà ta niệm theo kịp, tức là ta có công phu tu tập. Nếu ta niệm theo không kịp, thì ta hãy ráng tập niệm thêm nữa.
Để chi?… Một lần chí thành niệm Phật, nhiếp tâm vào cái câu A-Di-Đà Phật sẽ xóa cho mình rất nhiều nghiệp chướng. Nói rõ hơn, là làm cho phước báu của mình tăng lên thì nghiệp chướng của mình sẽ bị đè xuống. Cũng giống như trong một cái hũ có cả những hạt đậu đen và hạt đậu trắng. Đậu đen tượng trưng cho “Nghiệp”, đậu trắng tượng trưng cho ”Phước”. Nếu trong đó có 50% đen, 50% trắng thì mình thấy màu xam-xám. Nếu ngày nào mình cũng đổ thêm đậu trắng cho nhiều nhiều vô, thì hạt đậu đen cũng bấy nhiêu đó thôi, nhưng mà nó bị bao lại, tự nhiên mình thấy hũ đậu màu trắng. Sự diễn biến giống như vậy đó. Mình nên hiểu cái nghĩa lý là như vậy, chứ không phải là cái nghiệp nó tiêu đâu, mà chính là cái phước mình nó tăng lên đó. Hễ phước tăng lên thì mình hưởng phước nhiều hơn.
Như vậy, khi tu hành, nếu chúng ta có khả năng thì nên cố gắng phóng sanh, cố gắng làm việc thiện lành, ăn ở vui vẻ… Tất cả những nghiệp chướng gì cũng đều do từ trong tâm mình mở ra. Hễ một lần giận dữ tức là mình bỏ con đường thiện đi theo đường ác. Mà cái ác của sự giận dữ nó lại gây ra cái chủng tử địa ngục. Cho nên hôm qua tôi có nói rằng, một lần giận lên thì địa ngục nhập vào, thực ra là vì cái chủng tử địa ngục nó tiêm vào trong tâm của mình. Nếu những người thường giận dữ, thì có nhiều lần tôi nói rằng, một người tu hành bảy tám chục năm mà thường giận dữ, nhiều khi công đức thua một người mới tu một tuần, hai tuần, một tháng, hai tháng mà tâm tính người ta hiền lành. Nguyên nhân là vì những người ưa giận dữ như vậy, thì tu đâu họ phá đó… Tu đâu phá đó… Tu đâu phá đó… Cũng giống như người làm ra tiền, tiền thì có rất nhiều nhưng làm xong thì vô sòng bài đốt hết. Đốt xong rồi ra làm nữa. Làm rồi lại vô sòng bài đốt nữa. Sau cùng đốt một lần cuối nữa thì trụi lũi!…
Thành ra, có được phước báu chính nhờ ở tâm thiện lành. Nếu có khả năng thì mình nên làm phước. Còn không có khả năng thì sao? Nhất định nhiếp tâm lại niệm câu A-Di-Đà Phật. Trong những lúc cộng tu này, hãy ráng cố gắng niệm theo. Mình niệm được như vậy là chứng tỏ công phu của mình có. Công phu có thì nó sẽ đè những nghiệp chướng xuống và bắt đầu giúp tăng trưởng phước báu lên. Ví dụ, như trong những lúc cộng tu địa chung này, hay lắm! Hễ mình nhiếp tâm vào được thì tự nhiên mình niệm theo tiếng địa chung được. Mình không nhiếp tâm được thì mình niệm theo không được. Nhất là những người đánh địa chung. Đánh địa chung mà tiếng địa chung hay chứng tỏ rằng công phu của người đó tốt. Lạ lùng vậy đó! Hay nói cách khác, tâm của người ta đã bắt đầu “Tịnh” rồi. Nếu đang đánh địa chung mà chợt nghĩ… “Trời ơi! Có thể mình bị lọt rồi đó…“, thì tự nhiên bị lọt nhịp liền! Tại sao?… Vì cái tâm đã khởi vọng lên rồi!
Cho nên, phương pháp đánh địa chung hay lắm! Đó là một pháp công phu để nhắc nhở cho mấy người… (sợ đánh địa chung)! Mấy ngày nay tôi thấy cô Kim Ngọc đánh hay quá nên tôi nhường hết cho Cô. Bây giờ nhiều khi chính tôi đã bị thua rồi! Tốt lắm!…
Sẵn đây tôi xin kể một chuyện vui vui. Có một Chị kia nói rằng:
-Tôi thì đi tu mà ông xã tôi thì không chịu tu. Ông xã tôi cứ chê lên chê xuống. Tôi nói thiệt nghen, tôi sẽ chứng minh cho Ổng biết là tôi sẽ ra đi an nhiên tự tại, tôi sẽ biết trước ngày giờ tôi đi, và tôi sẽ chứng minh cho Ổng biết, thì cái ngày tôi đi đó, ông sẽ bắt đầu tu…
Thực ra là… tu hành chúng ta phải có cái tâm khiêm nhường một chút. Hãy ráng cố gắng thành tâm, chí thành, chí thiết tu hành để giải bớt ách nạn cho chính mình, chứ đâu phải tu cho ông xã mình biết, tu để biểu diễn cho người ta biết. Khi mình muốn biểu diễn cho người ta biết, thì là cái tâm của mình đã bắt đầu ứng hiện những cái “Loạn” trong đó rồi… Không hay!
Chính vì vậy, muốn cuối cùng mình được an nhiên tự tại ra đi, thì tốt nhất là những cái cần phải làm thì rõ ràng và đơn giản lắm…là cố gắng KHIÊM NHƯỜNG, thành tâm sám hối lỗi lầm cho nhiều. Nên nhớ, thành tâm sám hối không phải là cứ thường đứng trước Phật rồi niệm: “Nam Mô A Di Đà Phật, con xin thành tâm sám hối“. Nếu mình sám hối như vậy, thì Hòa Thượng nói: ”Mình buổi sáng gạt Phật một lần, buổi chiều gạt Phật một lần“!… Không được! Cũng giống như mỗi sáng mình nguyện: ” Nam Mô A-Di-Đà Phật, con nguyện khi lâm chung không còn chướng ngại, tinh thần được tỉnh táo…“. Nguyện như vậy mà mình không thay đổi, mình không chịu buông xả, mình còn khó chịu cái này khó chịu cái nọ, mình còn đem chuyện của thế gian để vào trong tâm của mình, cạnh tranh, ganh tỵ… thì ngài Tịnh Không nói, quý vị đã gạt Phật rồi! Quý vị đã hối lộ Phật rồi! Sáng hối lộ một lần, chiều hối lộ một lần. Thật là điều sai lầm vậy!
Chính yếu là chúng ta phải lo tu tập để được tương ưng với Đại Nguyện của Phật. Hòa Thượng Tịnh Không còn nói, phải đem cái Đại Nguyện của Đức A-Di-Đà Phật làm cái Đại Nguyện của mình nữa. Tức là tâm hồn của chúng ta càng phải mở rộng ra. Tập cho được như vậy thì tự nhiên những nghiệp chướng trong tâm từ từ nó buông ra… buông ra… buông lần lần ra hết đi. Nếu mình không buông ra, thì thường thường là nghiệp chướng nó vô… nó vô… nó vô!…
Thực ra là gì? Trong tâm của ta, trong A-lại-da thức của ta đã chứa đầy những cái nghiệp chướng đó rồi. Bây giờ làm sao đừng có “Duyên” với nó, thì tự nhiên những cái chủng tử nó nằm im đó. Chúng ta hãy phải bắt đầu duyên với A-Di-Đà Phật. Muốn duyên với A-Di-Đà Phật thì sao? Đơn giản, Đại-Thế-Chí đã nói rõ rệt: “Ức Phật niệm Phật, hiện tại đương lai tất định kiến Phật”,
Đơn giản, rõ ràng lắm. Tức là gì? Nhớ tới Phật, nghĩ tới Phật, tưởng tới Phật, niệm câu A-Di-Đà Phật, nhớ về Tây Phương Cực Lạc.
Đừng có nhớ những cái nghiệp.
Đừng có nhớ những cái trong lục đạo luân hồi.
Đừng có nhớ những cái nhân ác mà mình đã tạo ra trong quá khứ.
Làm sao khỏi nhớ? Cái tập khí của mình bỏ đi. Tại vì thường thường cái tập khí là cái duyên chứ không có gì hết. Hễ một lần mình giận lên thì cái duyên giận này, vừa tạo ra một chủng tử địa ngục mới, mà nó còn tạo thêm cái duyên cho những chủng tử liên quan tới cái giận đó khởi lên. “Trùng trùng Duyên Khởi” là như vậy.
Chính vì vậy, ”Pháp-Tu” này đơn giản. Biết được con đường đi rồi, biết là mình tạo nghiệp chướng nhiều rồi… Nhưng không sao! Hãy quyết đừng có nghĩ tới đó nữa, hãy cố gắng vui vẻ. Để chi? Tương ưng với cảnh Cực Lạc. Mình thiện lành tương ưng với đại thiện đại lành. Niệm Phật để cầu sanh về Tây Phương, tự nhiên mình sẽ có cái duyên với cõi Cực Lạc. Chính cái duyên này nó giúp cho mình đi về Tây Phương. Muốn về Tây Phương nhất định phải tạo cái duyên, gọi là duyên Cực Lạc.
Tâm mình Không Khổ thì tâm mình sẽ An Lạc, gọi là “Ly Khổ Đắc Lạc“. Đây chính là cái duyên đi về Tây Phương Cực Lạc vậy.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)
http://www.niemphat.net/Luan/aqvstambien/aqvstambien19.htm day la An Quang Van Sao Bien , noi ve TInh Do rat hay moi nguoi doc di
Nam mô a di đà phật
Để đời này thoát khỏi sinh tử, không gì hơn vãng sanh Tịnh Độ.
Để được vãng sanh Tịnh Độ, không gì hơn niệm Phật.
Niệm Phật là bổn nguyện của Đức A Di Đà, nên mười phương hằng sa chư Phật đều chứng thành. Các hạnh khác chẳng phải là bổn nguyện, nên chư Phật chẳng chứng thành. Bởi thế nên thường niệm Phật để được mười phương chư Phật hộ niệm.
Niệm Phật không có hình thức, ngoài việc xưng danh hiệu, không có hình thức gì cả.
Niệm Phật lấy không hình thức làm hình thức, chỉ biết rằng thường niệm Phật, thì đến lúc lâm chung nhất định Phật lai nghinh, mà vãng sanh cõi Cực Lạc.
Tất cả căn cơ tùy theo thiên tính mà niệm Phật vãng sanh. Cái thân hiện nay do túc nghiệp đời trước mà có, nên trong đời này không thể thay đổi. Như người nữ mà muốn đổi thành người nam trong đời này thì không thể được, cứ tùy theo thiên tính mà niệm Phật. Người trí thì lấy trí mà niệm Phật vãng sanh. Người ngu thì dùng ngu mà niệm Phật vãng sanh. Có đạo tâm cũng niệm Phật vãng sanh. Không đạo tâm cũng niệm Phật vãng sanh. Người có tà kiến cũng niệm Phật vãng sanh. Hàng phú quý, hạng bần cùng, người tham lam, kẻ tánh nóng, bậc có từ bi, hạng không có từ bi, do bổn nguyện không thể nghĩ bàn của Đức A Di Đà, hễ niệm Phật thì đều được vãng sanh.
Tâm của hạng phàm phu làm sao mà không tán loạn được, cũng chính vì thế mới gọi là pháp môn dễ tu.
Đã sanh làm người trong cõi dục giới tán địa này thì tâm đều làm tán loạn cả, nếu bảo rằng phải bỏ cái tâm tán loạn mới vãng sanh được thì thật vô lý. Tán tâm niệm Phật mà được vãng sanh đó là chỗ đáng quý của bổn nguyện vậy.
Chẳng phải thanh tịnh cái tâm của mình, trừ đi nghiệp chướng này rồi mới niệm Phật, mà do thường niệm Phật thì tội chướng tiêu diệt.
Trong khi niệm Phật mà tâm vọng động là thông bệnh của tất cả hạng phàm phu. Nhưng hễ có chí nguyện vãng sanh mà niệm Phật thì tuyệt đối không chướng ngại. Ví như chỗ thâm tình của cha con, dù có bất hòa đôi chút, thì chỗ thâm tình đó vẫn không thay đổi, vẫn là cha con.
Không cần để ý đến vọng niệm, tán loạn, mà chỉ chuyên cần xưng danh hiệu. Nếu thường xưng danh hiệu thì do công đức của Phật danh, vọng niệm tự dừng, tán loạn tự yên, tam nghiệp tự điều, nguyện tâm tự phát. Bởi thế khi nguyện tâm còn yếu cũng Nam Mô A Di Đà Phật. Khi tâm tán loạn nhiều cũng Nam Mô A Di Đà Phật. Khi vọng niệm sinh khởi cũng Nam Mô A Di Đà Phật. Khi thiện tâm phát sinh cũng Nam Mô A Di Đà Phật. Khi bất tịnh cũng Nam Mô A Di Đà Phật. Khi thanh tịnh cũng Nam Mô A Di Đà Phật. Khi tam tâm(1) còn thiếu kém cũng Nam Mô A Di Đà Phật. Khi tam tâm đầy đủ cũng Nam Mô A Di Đà Phật. Khi tam tâm hiện khởi cũng Nam Mô A Di Đà Phật. Khi tam tâm thành tựu cũng Nam Mô A Di Đà Phật. Đây là phương tiện để chắn chắn được vãng sanh, xin ghi khắc vào tâm can chớ quên!
Người lười biếng niệm Phật là người đánh mất đi vô lượng châu báu. Người siêng năng niệm Phật là người khai mở vô biên sáng suốt. Nên dùng cái tâm cầu vãng sanh mà tương tục niệm Phật.
Hạnh trì giới chẳng phải là hạnh bổn nguyện của Đức Phật A Di Đà. Do đó cứ theo khả năng của mình mà giữ là được rồi. Điều quan trọng là chuyên cần niệm Phật.
Không để ý đến thiện ác của bản thân, chỉ một lòng cầu vãng sanh mà niệm Phật, đó gọi là tha lực niệm Phật. Cho rằng bản thân bị tội chướng khó được vãng sanh, là điều sai lầm rất lớn.
Chẳng cần để ý là tâm mình thiện hay ác, tội chướng nặng hay nhẹ, mà chỉ nên dùng miệng xưng Nam Mô A Di Đà Phật và phát khởi cái tâm quyết định nương Phật thệ nguyện chắc chắn vãng sanh.
Hạng vô trí tội chướng niệm Phật mà vãng sanh là ý chánh của bổn nguyện.
Thâm tâm là cái tâm tin sâu, tin sâu điều gì ? Tin rằng hạng phàm phu phiền não sâu dày, nghiệp chướng nặng nề, thiện căn thiếu kém, nhờ tin vào đại bi nguyện lực của Đức Phật A Di Đà. Rồi chấp trì danh hiệu. Hoặc một trămnăm, hoặc bốn mươi lăm năm, hai mươi năm, mười năm, cho đến một hai năm. Từ khi phát tâm cho đến lúc lâm chung không thối chuyển. Hoặc bảy ngày, hoặc một ngày, cho đến mười niệm, một niệm. Dù nhiều hay ít, người xưng danh niệm Phật chắc chắn được vãng sanh. Tóm lại đối với chuyện vãng sanh mà không nghi ngờ gọi là thâm tâm.
Phút lâm chung nỗi khổ của cái chết bức bách, thân thẻ chịu vô lượng thống khổ, giống như trăm nghìn lưỡi dao đâm vào, mắt mũi bỗng nhiên mờ mịt, muốn thấy cũng không thể thấy, miệng lưỡi co cứng, muốn nói cũng không nói được. Đây là tử khổ trong tám sự khổ của kiếp người. Dù người tu niệm Phật tin bổn nguyện cầu vãng sanh chăng nữa, cũng khó tránh khỏi nỗi khổ này. Nhưng dù mờ mịt, đến khi sắp tắt thở, do nguyện lực Đức Phật A Di Đà sẽ thành chánh niệm mà vãng sanh. Sát na lâm chung dễ như cắt sợi tơ, điều này người khác không thể biết được, chỉ có Phật và người tu niệm Phật biết mà thôi.
Người niệm Phật mà có lòng cầu vãng sanh và không nghi Di Đà bổn nguyện, thì khi lâm chung không bị điên đảo. Sở dĩ được như vậy là nhờ Phật lai nghinh! Phật lai nghinh là để người tu niệm Phật lúc lâm chung được chánh niệm, chứ không phải lúc lâm chung cần phải chánh niệm thì Phật mới lai nghinh. Người không biết nghĩa này đều cho rằng lúc lâm chung cần phải chánh niệm niệm Phật, Phật mới lai nghinh. Kiến giải như vậy là không tin vào Phật nguyện và không biết kinh văn nữa.
Người tu Tịnh Độ trước hết nên biết hai điều này: Thứ nhất – vì người có duyên, dù phải bỏ thân mệnh, tài sản, cũng nên vì họ mà nói pháp môn Tịnh Độ. Thứ hai – vì sự vãng sanh của mình, nên xa lìa mọi phiền nhiễu, mà chuyên tu hạnh niệm Phật, ngoài hai điều trên không tính toán gì khác.
Đã tu Tịnh Độ thì mọi chuyện trong đời đều y theo niệm Phật mà quyết định. Tất cả đều là trợ duyên cho niệm Phật. Hễ làm chướng ngại thì nên từ bỏ: Sống một mình không niệm Phật được thì ở chung mà niệm Phật, sống chung không niệm Phật được thì ở một mình mà niệm Phật. Tại gia không niệm Phật được thì xuất gia mà niệm Phật, xuất gia không niệm Phật được thì tại gia mà niệm Phật. Sống giữa đời không niệm Phật được thì trốn đời mà niệm Phật, trốn đời không niệm Phật được thì sống giữa đời mà niệm Phật.
Nguyện rằng người tu Tịnh Độ gặp bệnh hoạn nên vui.
Thánh Đạo môn tức các tông phái khác, đều tu cái nhân của tam thừa, tứ thừa, để được cái quả của tam thừa, tứ thừa. Do đó không thể so sánh với hạnh niệm Phật. Còn trong Tịnh Độ môn, các hạnh như đọc tụng kinh điển, lễ bái, quán tưởng, quán tượng, và hạnh niệm Phật đều là nhân để vãng sanh, nên có thể sánh. Nhưng tất cả các hạnh đều chẳng phải là Di Đà bổn nguyện, do đó quang minh của Đức Di Đà chẳng thu nhiếp, mà đức Thích Ca cũng chẳng phó chúc. Bởi thế Thiện Đạo đại sư dạy: “Tất cả các hạnh khác tuy gọi là thiện, nhưng nếu so với niệm Phật thì hoàn toàn không thể so sánh nổi”.
Vãng sanh chánh nghiệp thì trọng yếu là xưng danh. Rõ ràng là chẳng cần phân biệt có trí huệ hay không trí huệ. Cần gì phải học hành cho lắm, chi bằng cứ lo niệm Phật thì sẽ mau được vãng sanh Tịnh Độ, gặp mặt Thánh chúng, được nghe pháp môn. Hơn nữa cõi nước trang nghiêm, ngày đêm thuyết pháp sâu xa, do đó sẽ tự nhiên khai phát thắng giải mà chứng Vô Sanh Nhẫn. Nếu chưa biết ý nghĩa của niệm Phật vãng sanh, thì học cho biết đơn sơ là đủ. Nếu ham học rộng, biết bao nhiêu cho cùng. Hãy siêng năng niệm Phật là hơn cả.
Năm điều quyết định chuyện vãng sanh:
1- Bổn nguyện của Đức A Di Đà quyết định
2- Lời dạy của Đức Thích Ca quyết định
3- Sự chứng minh của chư Phật quyết định
4- Giáo thích của tổ Thiện Đạo quyết định
5- Tín tâm của chúng ta quyết định
(Pháp ngữ của Tổ Pháp Nhiên)
Nam mô a di đà phật
Cư sĩ diệu âm, thật là tin thông hết mọi lý thật là hay quá !
Học phật phải bắt đầu từ đâu? Từ cuốn kinh nào?
Có cần thiết phải quy y hay k?