Khi nói đến chuyện thấy Phật, có nhiều người đã sơ ý, rất nhiều người đã phạm phải những sơ ý như thế này, là hằng ngày hằng ngày họ nguyện, họ cầu xin A-Di-Đà Phật hiện thân cho họ thấy. Cũng có nhiều người từng đi khoe ra rằng, đã thấy Phật rồi! Thì giờ đây xin nêu ra cái điểm hết sức quan trọng này. Ngài Tịnh Không có nói, nếu mà lòng chúng ta Thành rồi, chúng ta tu hành tốt, cũng có khi A-Di-Đà Phật hiện ra cho ta thấy. Nhưng mà Ngài cũng nói, trong suốt cuộc đời của người đó có thể thấy một lần hay nhiều lắm là hai lần, thì có thể được. Chớ còn, có nhiều người khoe rằng ngày nào cũng thấy A-Di-Đà Phật, tháng tháng đều thấy A-Di-Đà Phật, Ngài nói, có hiện tượng này thì người đó đã bị trở ngại rồi! Xin nhắc nhở cho thật kỹ chỗ này. Tại vì có nhiều người tu không chịu nghiên cứu kỹ! Tu mà cầu cảm ứng nhiều quá, nhiều khi rất dễ sinh ra vấn đề này! Trong đời của Diệu Âm đã từng gặp qua có người bị như vậy…
Ví dụ, có một lần ở tại quê, có một vị kia đã đi tới và khoe với tôi rằng là thường gặp Quán-Thế-Âm Bồ-Tát hiện ra, có gặp luôn cả Địa-Tạng-Vương Bồ-Tát nữa. Nhưng sau đó… gia đình của vị này đã bị một đại nạn!… Thì xin thưa rằng, đây là điều nhắc nhở chung.
Lời cầu nguyện chính đáng của mình là cầu vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Còn mình nguyện khi lâm chung thấy A-Di-Đà Phật, là để nhắc nhở cho biết, khi mình buông bỏ báo thân này ra đi, tuyệt đối không được đi theo một người nào khác. Chớ đừng nên nghe nói rằng, niệm Phật thì thấy Phật, thành ra ngày ngày cứ nguyện xin A-Di-Đà Phật hiện ra. Đây là điều không tốt! Khi mà nguyện như vậy, thường thường cái vọng tâm của mình nó hiện ra, mà vọng tâm thì cảm ứng với vọng cảnh, và bên cạnh đó cũng xin nhớ cho, chúng ta là hàng phàm phu tục tử, nghiệp chướng sâu nặng, có rất nhiều oan gia trái chủ bám sát theo mình, không bao giờ họ rời mình đâu. Cái món nợ tiền khiên chưa đòi được, họ chưa đành lòng vui vẻ buông bỏ đâu…
Chính vì vậy, nếu những người nào có những cảm ứng tương tự, thì Diệu Âm này xin thành khẩn khuyên rằng, nên Phóng Sanh, Niệm Phật, Tu Hành cho thật nhiều. Làm Thiện, Làm Phước rồi thành tâm ngày ngày hồi hướng công đức cho chư vị oan gia trái chủ và nhận lấy những cái lỗi lầm của mình từ trong nhiều đời nhiều kiếp. Cứ làm như vậy, rất thường xuyên và thành tâm, thì có thể hóa giải những ách nạn này. Chớ đừng nên khi thấy được những cảm ứng đó, lại đi khoe ra rằng mình đã chứng đắc, hay là tu hành giỏi gì đó, thì rất dễ bị chướng ngại mà nhiều khi nặng nề lắm! Và theo như chư Tổ nói, sau cùng nếu cái vọng tâm của mình không kềm chế được, đến một lúc, theo như ngài Ấn Quang nói rằng, chư Phật mười phương xuống đây cứu mình không được! Nhất là ngày nay, những hiện tượng này ta thấy nhan nhản! Thật sự nhan nhản! Tức là có nhiều người đã vỗ ngực tự xưng này, xưng nọ và có người đã khoe ra sự chứng đắc. Chính có người đã tới gặp Diệu Âm và nói như thế này: “Anh Diệu Âm ơi, anh tới thăm sư phụ tôi một chút đi“. Tôi hỏi, Sư Phụ là ai? Thì vị đó tự khoe như vầy: ”Sư Phụ của tôi không phải là người bình thường đâu, mà ở trên cõi trên xuống. Hằng ngày thì Ngài xuống đây thuyết kinh, tối thì Ngài về trên Tây Phương nghỉ“(!)…
Quý vị thấy không! Mà người ta nói rất là chân thành, chớ không phải giả đò đâu à!… Rồi họ nói tiếp: “Tôi xin nói thiệt với anh Diệu Âm nghen… Tôi là người đã vãng sanh rồi nè“(!…). Quý vị nghe đi, “Tôi là người đã Vãng Sanh rồi nè! Hôm nay, nghe anh Diệu Âm về, tôi tới thăm anh… Tôi muốn hỏi thật sự là anh tu hành đã chứng đắc tới đâu rồi, xin nói cho tôi biết”…
Họ nói rất nhiều về chuyện này. Nhiều lắm quý vị ơi! Không thể kể ra hết đâu à! Cách đây cỡ chừng đâu… chắc thời gian cũng rất gần đây, ở trong internet tôi có nhận một cái email viết chữ rất lớn, viết như vầy: “Xin Cứu Nạn!”. Chấm một cái. “Có một đạo tràng đang bị đại nạn, xin anh Diệu Âm cứu nạn!”…
Tôi làm gì có thể đi cứu nạn cho người ta! Đó cũng là một đạo tràng! Mắc cười lắm! Khi tôi đọc đến, tôi không biết làm sao, tôi mới nói: “Vì quá tham chứng đắc thì rất dễ vướng ma sự. Mà tiếc thay, đang gặp ma sự nhưng không hay!”. Tôi viết một câu đại để như vậy rồi gởi lại cho vị đó. Rồi tôi liên lạc về một vị Thầy quen biết để hỏi. Thầy khuyên rằng, hồi giờ anh nói về hộ niệm rất nhiều, nay anh gặp trường hợp này thì tôi khuyên anh nên thông báo vấn nạn này rộng rãi ra, để giúp cho nhiều người ý thức. Nếu người nào lỡ có sơ ý, thì sẽ sửa đổi lại. Nghe khuyên vậy, tôi thấy cũng phải. Tôi mới mở lại email đó, tôi viết thêm một vài chữ nữa, đại khái là: “Tu hành cần phải khiêm nhường, cần phải thành tâm, phải tự thấy mình là hàng hạ căn, hạ cơ. Chớ đừng nên nghĩ rằng mình đã chứng đắc. Người tham chứng đắc thường bị “Ma Sự” (tôi để nguyên như vậy) mà đáng tiếc thay đã bị ma sự mà không biết, thật là tội nghiệp!”. (Hẳn nhiên tôi không nêu danh tánh ai cả). Rồi tôi dùng email đó gởi đi khắp thế giới. Tôi có một cái danh sách, hễ ”Click” một cái thì nó đi khắp thế giới liền, và người kêu tôi để cầu cứu đó thì tôi nói với họ rằng, tôi không có khả năng nào để giải được cái ách nạn này, nhưng mà… Anh… đã kêu tôi cầu cứu thì bây giờ chính Anh là người giải nạn… Mau mau làm như vầy… như vầy… đi. Tôi khuyên Anh về, lấy tình gia tộc gì đó, mau mau điện thoại về hay trực tiếp về để cảnh cáo người nhà, hoặc mời người nhà đi chơi xa để giải quyết tình trạng này đi, chứ ngoài ra không ai có thể cứu được nữa đâu. Thì cũng thật là may mắn, đâu khoảng hơn một tuần sau, vị đó đã điện thoại tới nói rằng, bây giờ đã giải quyết được rồi…
Chư vị biết không? Thật sự mình cần phải biết tự cảnh tỉnh… Có một người dám tự xưng rằng mình là A-Di-Đà Phật… Quán-Âm cũng không chịu đâu ạ! Đại-Thế-Chí cũng không chịu đâu ạ! Và tuyên bố rằng, nếu mà ai theo tôi thì đảm bảo rằng: người này thì 3 tháng, người này thì 2 tháng, người nọ thì 4 tháng, người thì 2 tuần… sẽ được chứng đắc hết! Sẽ được ”Niệm Phật Tam Muội hết!”… Có lẽ đã lóe ra cái gì đó, đến nỗi cả một cái đạo tràng đều ùa theo!…
Cho nên, đây là một chuyện mà chúng ta nhắc nhở cho nhau: Không có cái tình trạng đó đâu! Chúng ta phải biết thành tâm, tin tưởng. Theo như Ngài Tịnh Không nói, khi chúng ta thành tâm thì cảm ứng được với A-Di-Đà Phật và chính cái lòng chí thành, chí kính này mà cảm ứng với A-Di-Đà Phật, đây là lời nói của Tổ Ấn Quang. Ngài Tịnh Không cũng nói rõ rệt là phải thành tâm, chí thành, chí kính niệm Phật cầu vãng sanh, nhờ chính cái lòng thành tâm này mà cảm ứng được với A-Di-Đà Phật. Rồi khi mình ra đi, A-Di-Đà Phật sẽ hóa hiện thân ra để mà cứu mình về Tây Phương Cực Lạc. Khi A-Di-Đà Phật hiện ra thì mình cứ đi theo Ngài, chứ không phải Ngài cứu độ như cách… đi khắp nơi… còn quảng cáo ra nữa, tự xưng mình là A-Di-Đà Phật đã xuống đây, rồi bảo quý vị niệm Phật rồi theo mình đi vãng sanh đâu.
Nếu chúng ta đã sơ ý, lỡ bị vướng vào những nạn này, thì mau mau xin thành tâm làm việc công đức, phóng sanh v.v… để hồi hướng cho oan gia trái chủ, để gỡ ách nạn ra. Trong vấn đề tu hành, đừng nên quá hiếu kỳ mà dễ gặp phải chướng nạn. Thật sự, khi đã lún sâu vào đó rồi, rất khó cứu ra!
Đây là những lời nói hết sức là thành thực và cụ thể, mong cho tất cả chư vị đồng tu hãy chú ý để chúng ta được an lành đi về Tây Phương Cực Lạc.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trí)
Anh Diệu Âm ơi, khi mình niệm thầm A Di Đà Phật, Phật có thấu hiểu không….
Chào các thầy kính mong các thầy giải thích dùm con về việc Quy Y Tam Bảo.
Chiều nay con có qua chùa đăng ký cúng cơm tuần cho con của con. thì có gặp được 1 thầy và sư thầy có hướng con về việc quy y Tam Bảo để có pháp danh. con cũng có đăng ký rồi nhưng về nhà bị ông xã la quá trời, ông xã bảo 1 khi quy y rồi có những điều trước kia làm ko sao nhưng đã quy y thì ko được phạm phải những điều đó ( dù điều đó trước đây ko ảnh hưởng đến ai cả). nghe ổng nói xong con ái ngại về việc quy y quá. kính mong các thầy giúp con và giải thích cho con được tườm tận hơn với ạh. hiện giờ chùa hẹn con vào 1h30′ ngày 15-7-2015(âm lịch) này dự lễ và nhận Phái quy y. Nếu con lỡ đăng ký mà ko đi có mang tội ko ah. huuuuu
A Di Đà Phật
Ngọc Nhàn thân mến!
Câu hỏi của bạn cũng về vấn đề quy y Tam bảo như bạn Cá hóa long, nên xin được cooppy nguyên bản phúc đáp của đạo hữu Hãy niệm A Di Đà Phật, và đạo hữu Huệ Tịnh đã trả lời bạn Cá hóa long để bạn tham khảo.
*Hãy Niệm A Di Đà Phật
“A Di Đà Phật
Mình góp ý thế này.Đối với người niệm Phật thì
Phật Bảo là A Di Đà Phật,bởi vì A Di Đà Phật là pháp giới tạng thân, Quy Y với A Di Đà Phật đồng nghĩa với Quy Y mười phương ba đời chư Phật.Chúng ta niệm A Di Đà Phật là chúng ta đang Quy Y với A Di Đà Phật
Pháp Bảo là bộ kinh Vô Lượng Thọ,bộ kinh này được ví như là bộ trung bản Hoa Nghiêm,mà Hoa Nghiêm được ví như vua của các kinh,nên tụng kinh Vô Lượng Thọ cũng ví như là đang tụng hết thảy kinh điển.Tụng kinh Vô Lượng Thọ là ta đang Quy Y Pháp Bảo.
Tăng Bảo đại diện là Quan Thế Âm và Đại Thế Chí bồ tát. Quan Thế Âm là đại biểu cho tâm thanh tịnh đại bi của chúng sanh. Đại Thế Chí là là đại biểu cho tâm thanh tịnh đại trí,đại hùng,đại lực,đại lượng của chúng sanh.
-Mình xin trích dẫn một số lời của hòa thượng Tịnh Không về Tam Quy Y
(Sớ: Lại nữa, Tam Bảo lại chia thành Sự và Lý, có khác biệt, có tương đồng).
Điều này cũng chớ nên không biết. Đoạn này nêu lên một đạo lý rất quan trọng trong Tam Quy Y. Tiếp nhận Tam Quy Y cũng chẳng phải là chuyện dễ dàng. Quy y chẳng đúng pháp thì cũng là phá hòa hợp Tăng! Hễ thọ Tam Quy [không đúng pháp] bèn giống như báo danh nơi địa ngục vậy, ghi tên vào sổ bộ rồi! Phát cho quý vị một bằng chứng nhận đã quy y, bằng chứng nhận quy y là gì? Là bằng chứng để trong tương lai quý vị vào địa ngục A Tỳ. Chuyện này rất phiền toái! Cớ sao nói “quy y là phá hòa hợp Tăng?” Quý vị nói: “Tôi quy y pháp sư này nọ, vị pháp sư này nọ là thầy quy y của tôi”, vậy là xong! Ghi cố định cái tên trong địa ngục rồi! Quý vị quy y Tam Bảo, làm sao có thể quy y vị pháp sư nào đó? Tam Bảo là nhất thể, quý vị dấy lên sự phân hóa trong ấy: Vị này là thầy quy y của tôi, vị kia chẳng phải. Như vậy là không được! Quý vị thấy đó: Liên Trì đại sư quy y mười phương ba đời hết thảy Tam Bảo, quyết định chẳng phải là quy y một cá nhân nào. [Nếu nghĩ quy y Tam Bảo là quy y với một vị thầy nào đó] thì chính là phá hoại Tăng đoàn! Ngày nay Phật pháp suy vi, suy đến mức này, là do Tam Quy Y bị phá hoại. Người ta không quy y Tam Bảo, mà quy y một người nào đó. Mỗi người tạo một đảng phái, mỗi người lập một đoàn thể nhỏ, khiến cho Phật pháp mất tăm mất tích, rối lung tung xèng! “Người này nọ là đồ đệ quy y của tôi”, người đồ đệ quy y ấy nói: “Vị thầy này nọ là sư phụ quy y của tôi”, nói rất đắc ý, tương lai đều vào trong địa ngục A Tỳ!
Quý vị quy y Tam Bảo, vị xuất gia ấy chứng minh cho quý vị, chứng minh quý vị đã quy y, chứ quý vị chẳng thể quy y với người ấy, nhất định phải hiểu đạo lý này! Giống như vào đảng (Trung Hoa Quốc Dân Đảng) vậy, khi quý vị vào đảng, đảng bộ cấp trên phái người đến giám sát sự phát thệ, nhưng quý vị làm trật, quy y với người ấy, đi theo bè phái của người ấy.
Xong rồi! Người ta phái mười người đến giám sát lễ phát thệ bèn trở thành đảng nhỏ của mười người, cử một trăm người đến giám sát bèn thành một đảng nhỏ gồm một trăm người. Đảng ấy bị chia năm xẻ bảy, ngay lập tức suy vi! Do vậy, người ta đến yêu cầu tôi truyền trao quy y, tôi giảng đạo lýnày rất rõ rệt, vì sao? Trong tương lai, quý vị tự đọa trong địa ngục A Tỳ, tôi không chịu trách nhiệm, tôi đã nói rõ rồi. Nếu quý vị nghĩ như thế này: “Tôi là thầy quy y của quý vị”, tôi chẳng thừa nhận. Quý vị đến thọ quy y, tôi đại diện Tam Bảo chứng minh cho quý vị. Quý vị quy y Tam Bảo, xưng là Tam Bảo đệ tử, lại còn quy y chỉ có một lần, chẳng quy y lần thứ hai. Ví như quý vị đã vào đảng, chỉ cần vào đảng một lần, chẳng thể nói tôi gia nhập đảng bộ ở Đài Bắc, chạy đến đảng bộ Cơ Long lại vào đảng lần nữa, không có đạo lý ấy! Các chi bộ đảng các nơi trong ngoài nước, nếu quý vị là đảng viên thì là người một nhà, quý vị phải hiểu đạo lý này. Nếu quý vị không hiểu những điều này, quý vị phá hòa hợp Tăng.
(Diễn: “Sự giống nhau và khác nhau giữa Sự và Lý”: Trụ Trì Tam Bảo là Sự, Nhất Thể Tam Bảo là Lý).
Trước tiên nói rõ Sự là gì, Lý là gì, Trụ Trì Tam Bảo là gì? Trụ Trì Tam Bảo là nghi thức, hình tượng, Nay Phật chẳng còn ở trên đời, tượng Phật là Phật Bảo, bất luận là khắc, đắp hay tô vẽ, chúng ta thờ bức tượng này bằng sứ, nhằm tượng trưng cho Phật Bảo, đại diện cho Phật Bảo. Chúng ta lễ kính Phật, dùng tượng này để thay thế, khiến cho chúng ta có đối tượng lễ kính. Pháp Bảo là kinh điển, những kinh điển trong Đại Tạng Kinh là Pháp Bảo; nhưng quý vị phải nhớ: Đại Tạng Kinh do con người hiện thời biên tập tôi không đọc, tôi vẫn xem những bản được biên tập vào thời cổ. Vì sao? Kinh quyết định không có vấn đề, quan trọng nhất là các bản chú giải.
Tăng Bảo là người xuất gia, đây là nói về phàm phu Tăng. Họ tượng trưng cho một ngôi trong Tam Bảo. Trụ trì Tam Bảo duy trì, bảo vệ truyền thống Phật pháp. Nếu chẳng có trụ trì Tam Bảo, hình tượng Phật pháp sẽ không còn nữa, không có gì đại diện cho Phật giáo. Do vậy, trụ trì Tam Bảo công đức vô lượng vô biên.
Người tu hành chúng ta trông thấy Tam Bảo, nếu có thể quy về Nhất Thể Tam Bảo thì sẽ là tu hành chân chánh. Nhất Thể Tam Bảo là gì? Nhất Thể Tam Bảo là Tự Tánh Tam Bảo, Phật, Pháp, Tăng là chính mình. Phật tượng trưng cho Giác, giác chứ không mê. Giác tánh của chúng ta là Phật Bảo. Tri kiến của chúng ta là Pháp Bảo. Kinh Pháp Hoa nói “nhập Phật tri kiến”, tri kiến của Phật là chánh tri chánh kiến. Do vậy, tri kiến là Pháp Bảo.
Hiện thời, chánh tri kiến của chúng ta biến thành tà tri kiến, biến thành như thế nào? Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật nói rất rõ ràng: “Tri kiến lập tri, thị vô minh bổn” (từ trên sự tri kiến chân thật (chánh tri kiến), lập ra một cái thấy biết [hư vọng]; đó là cái gốc của vô minh). “Tri kiến” là tốt, tri kiến là Phật tri Phật kiến, là Bổn Giác, đáng tiếc là trên chánh tri chánh kiến, quý vị lại lập ra một cái tri kiến của chính mình, tri kiến ấy là tà tri tà kiến, đó là vô minh.
Đạo lý này rất sâu, sự tướng này hết sức rộng lớn, chẳng phải là bằng mấy câu mà hòng giảng rõ ràng, đều phải nói lan qua các bộ kinh to, luận lớn. Tri kiến nơi bổn tánh là Pháp Bảo chân thật, hết thảy Phật pháp đều lưu xuất từ tri kiến này. Tâm thanh tịnh là Tăng Bảo. Khi Lục Tổ khai ngộ đã nói: “Hà kỳ tự tánh, bổn tự thanh tịnh” (nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh). Từ phương diện thanh tịnh mà nói thì là Tăng Bảo, từ giác không mê mà nói thì là Phật Bảo, từ chánh tri chánh kiến mà nói thì là Pháp Bảo.
Vì vậy, chúng ta trông thấy tượng Phật, phải nghĩ đến tự tánh giác, phải giống như Phật. Trong hết thảy mối quan hệ với con người, trong hết thảy thuận cảnh và nghịch cảnh, chúng ta đừng mê hoặc. Chẳng mê hoặc là luôn có thể giác chứ không mê. Đấy là “tự tánh Phật Bảo”. Vì thế, tượng Phật có tác dụng rất lớn, thời thời khắc khắc nhắc nhở chúng ta, trong hết thảy quan hệ giữa con người với nhau và trong các hoàn cảnh phải giác ngộ, đừng mê hoặc, tác dụng của nó là như vậy. Kinh điển bày ra ở chỗ này, bất luận quý vị đọc hay không, hễ thấy kinh điển, phải nghĩ: Chúng ta phảichánh tri chánh kiến, xa lìa tà tri tà kiến. Từ chỗ này mà quy về tự tánh, đấy là “tự tánh Pháp Bảo” tỏa sáng ra ngoài. Thấy người xuất gia, bất luận trì giới hay phá giới, là Phật tử hay ma tử, chẳng cần biết, chẳng cần quan tâm tới, hễ thấy người xuất gia, liền nghĩ tới sự thanh tịnh của chính mình tức là “tự tánh Tăng Bảo”. Như vậy thì Trụ Trì Tam Bảo sẽ khởi tác dụng rất lớn đối với chúng ta, nhờ vào Trụ Trì Tam Bảo để khơi gợi Nhất Thể Tam Bảo nơi tự tánh. Sự Lý này mới là bất nhị, Sự Lý này mới là “nhất như” (giống hệt như nhau).
Liên Trì đại sư ra đời vào thời ấy, nhằm đúng lúc thời kỳ tranh đấu kiên cố bắt đầu. Tranh đấu bắt đầu từ đâu? Thưa quý vị, bắt đầu từ quy y. Do vậy, quý vị học Phật liền tham gia vào đường lối tranh đấu kiên cố. Đây là sư phụ, là môn phái của tôi, kia chẳng phải là sư phụ, chẳng phải là môn phái của tôi, hễ vạch giới hạn trong ấy, bèn có tranh đấu. Do vì Ngẫu Ích đại sư trông thấy hiện tượng ấy, Hoằng Nhất đại sư khi biên tập cuốn Ngũ Giới Tướng Kinh Thiển Yếu đã trích yếu ngữ lục của Ngẫu Ích đại sư ghép vào sách ấy, [đọc thiên pháp ngữ ấy], chúng ta thấy Ngẫu Ích đại sư hết sức cảm thán! Ngài cho rằng đấy là sự sai lầm to lớn nhất!
Người học Phật trước kia là giác chứ không mê, quy y Tam Bảo là quy y Giác – Chánh – Tịnh. Chương Truyền Hương Sám Hối trong Lục Tổ Đàn Kinh dạy về phương pháp tu hành, chia thành năm quá trình theo thứ tự, giảng hết sức rõ ràng. Khi truyền trao Tam Quy, Ngài nói: “Quy y Giác, quy y Chánh, quy y Tịnh”, hoàn toàn dịch sang nghĩa tiếng Hán, vì sợ nói “quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng”, quý vị nghe xong sẽ mê hoặc, chẳng hiểu Phật, Pháp, Tăng, nghĩ Tăng là một người, quy y vị xuất gia ấy, đó là sai lầm! Quy y Phật, trông thấy tượng Phật bèn nghĩ là Phật, đó cũng là sai lầm!
Phật là Giác, giác chứ không mê. Vì thế, Lục Tổ nói “quy y Giác, quy y Chánh”, Chánh là chánh tri chánh kiến, từ tà tri tà kiến quay về nương tựa chánh tri chánh kiến. Quy y Tăng, Tăng tượng trưng thanh tịnh, sáu căn thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần, từ nhiễm ô mà quay trở lại, nương vàothanh tịnh. Tăng còn tượng trưng cho hòa hợp, Tăng đoàn Lục Hòa Kính. Từ chẳng hòa hợp quay về nương tựa hòa hợp. Nay chúng ta nói đến “đoàn kết” thì hòa hợp chính là ý nghĩa đoàn kết, đừng nên phân hóa một đoàn thể!
Vào đời Minh của Liên Trì đại sư, hiện tượng quái lạ ấy bắt đầu phát sanh, tức là phân chia xé lẻ, vấn đề này khá nghiêm trọng. Nếu chẳng nghiêm trọng, tổ sư chẳng nói lời này. Vì thế, Tăng đoàn bị phá hoại, đó là tranh đấu, tạo mầm tội to lớn. Vì thế, học Phật thọ Tam Quy nếu chẳng đúng pháp thì thọ Tam Quy bèn ghi danh trong sổ bộ của địa ngục A Tỳ, vì sao? Quý vị tham gia tranh đấu kiên cố, tham gia tiêu diệt Phật pháp. Diệt Phật pháp, phá hòa hợp Tăng là tội Ngũ Nghịch. Quả báo của tội Ngũ Nghịch là địa ngục A Tỳ. Vì thế, quý vị nhất định phải có tâm cảnh giác. Chúng ta học Phật, phát cái tâm tốt lành, tương lai học vào địa ngục, quả thật chẳng đáng tí nào! Làm thế nào đây? Vẫn là không biết chi cả, cứ hồ đồ đi theo. Vì thế, nghiệp lực chẳng thể nghĩ bàn, thường là chính mình tạo nghiệp mà chính mình chẳng biết!
Khi Tam Quy, phải biết quý vị quy y Tam Bảo, nhất là trông thấy Trụ Trì Tam Bảo, ngay lập tức phải trở về Tự Tánh Tam Bảo thì công đức Tam Quy vô lượng vô biên. Quý vị thấy Trụ Trì Tam Bảo, tức là thấy hình tướngcủa Tam Bảo, lập tức hồi quang phản chiếu trở về Tự Tánh Tam Bảo, quý vị sẽ được ba mươi sáu vị thần hộ pháp bảo vệ, vì sao? Quý vị thật sự là đệ tử Phật. Nếu quý vị nói “vị pháp sự nọ, vị đại đức kia là sư phụ của tôi” thì thưa quý vị, chẳng có vị thần hộ pháp nào ngó tới quý vị! Ai đến tìm quý vị?
Yêu ma quỷ quái, vì sao? Quý vị mạo nhận là đệ tử Phật, chẳng phải là đệ tử chân chánh của Phật. Vì thế, khi Tam Quy, người xuất gia đại diện Tăng đoàn, đại diện Tam Bảo chứng minh cho quý vị, tuyệt đối chẳng phải là quy y với người đó! Nhất định phải hiểu ý nghĩa này! Ngàn vạn phần chớ nên hiểu lầm! Vì thế, tranh đấu kiên cố bắt đầu từ Tam Quy. Truyền thọ Tam Quy Ngũ Giới chẳng đúng pháp, nên Phật pháp mới suy vi, bại hoại. Nếu trao truyền Tam Quy Ngũ Giới đúng pháp, Phật pháp quyết định hưng vượng.
“Kim đương đấu tránh kiên cố chi thời, cánh vi khả mẫn” (nay đang thời tranh đấu kiên cố, càng đáng thương): Chúng sanh càng đáng thương hơn, vì sao? Cơ hội đọa lạc ác đạo quá nhiều, hết sức khổ! Một người trong một đời, khởi tâm động niệm, nói năng mà chẳng đọa trong ác đạo gần như là chuyện không thể nào xảy ra. Quý vị bất tri bất giác hủy diệt Phật giáo, còn tưởng là chính mình đang làm chuyện tốt đẹp trong cửa Phật, quả thật đáng thương!
A Di Đà Phật”
*Huệ Tịnh
“A Di Đà Phật.
Xin gửi bạn Long tham khảo qua.
100 Câu Hỏi Phật Pháp
http://www.quangminh.org.au/index.php?option=com_content&view=category&id=125&Itemid=21
Hỏi: Kính thưa thầy, mặc dù con chưa chánh thức quy y Tam bảo để trở thành người Phật tử, nhưng hằng ngày con vẫn lo tu niệm không làm điều gì sái quấy tội lỗi. Hơn nữa, con tuy ở nhà không có đi chùa, nhưng vẫn thường niệm Phật. Như vậy, không biết khi lâm chung con có được vãng sanh về Cực lạc hay không? Xin thầy vui lòng giải đáp cho con biết.
Ðáp: Việc niệm Phật cầu vãng sanh Cực lạc, không luận là quy y hay không quy y. Và cũng không luận là ở chùa hay ở nhà. Bất cứ dưới hình thức nào và bất cứ ở nơi đâu cũng có thể tu hành niệm Phật được cả. Ðiều quan trọng là chúng ta có thật tâm chí thành tu hành và niệm Phật hay không mà thôi. Tuy nhiên, dù sao quy y Tam bảo cũng vẫn là điều tốt hơn. Vì sao? Vì chúng ta có chỗ quy hướng để nương tựa tu học. Nhờ có quy y phát nguyện giữ giới đúng theo lời Phật dạy, nên chúng ta ít gây ra những điều tội lỗi sái quấy. Ðó cũng là một trợ duyên tăng thượng rất tốt làm tăng thêm sức định tâm trong khi chúng ta hành trì niệm Phật. Quy y là để chúng ta nương tựa vào Tam bảo để học hỏi biết rõ đường lối tu hành, chớ không phải quy y cốt để cho mình trở nên một người Phật tử mang danh nghĩa rỗng suông. Nếu hiểu nghĩa quy y theo quan niệm như thế, thì thật là trái với ý nghĩa quy y và không xứng danh là người Phật tử.
Nam Mô A Di Đà Phật”
_()_ Nam mô A Di Đà Phật _()_
Bạn Ngọc Nhàn thân mến,
Mình nghĩ là dường như bạn cũng như ông xã của bạn cảm thấy “bị thiệt thòi” khi quyết định thọ Tam Quy Ngũ Giới, và bản thân bạn lo sợ bị tội vì đã lỡ đăng ký mà không đến thọ nhận, phải không?(chứ không phải là bạn muốn tìm hiểu ý nghĩa của việc Quy Y như bạn Mỹ Diệp nghĩ?). Trong khi chờ đợi quý thiện tri thức trả lời tường tận cho bạn, mình cũng xin vắn tắc đôi lời. Bạn không quy y Tam Bảo thì thôi, chứ chẵng có tội lỗi gì hết! Nhưng mình hiểu là bạn sẽ mất đi một thiện duyện rất lớn, mà sự mất mát này sẽ ảnh hưởng đến đời bạn và gia đình bạn không chỉ trong một kiếp này thôi đâu bạn ạ!
Để trở thành người phật tử ngoài Tam Quy còn phải thọ Ngũ Giới (không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không vọng ngữ, không uống rượu và ma túy…); trước mắt, những giới này thực sự có cản trở sự “tự do” của vợ chồng bạn, làm cho vợ chồng bạn cảm thấy không được thoải mái, nhưng nó cũng giống như những hàng rào cản được dựng bên bờ vực thẳm, tuy nó có làm mất đi sự “tự do” nhưng giúp người ta tránh hiểm nguy, và đương nhiên, sẽ bị nguy hại nếu cố tình vượt qua nó.
Ngũ giới được đức Phật đề ra cho người phật tử tại gia không ngoài mục đích bảo vệ hạnh phúc chân thật cho chính bản thân và gia đình họ, chưa nói đến tha nhân. Nó thực sự là “bùa hộ mạng”, là “người bảo vệ” bạn tránh xa mọi khổ đau trong hiện tại cũng như nhiều kiếp về sau. Chẳng cần nói đến quả báo gì hết, chỉ nói việc hiện tại thôi, ví dụ chỉ riêng giới sát sanh, ban đầu bạn lạm sát những sinh vật nhỏ, rồi theo thói quen dần dà đến những sinh vật to lớn hơn, và sau đó có gì bảo đảm là bạn sẽ không đoạt mạng sống con người khi mà tham sân si của bạn nổi lên mà không có gì để kiềm chế? Gần đây mình có đọc tin tức ở Việt Nam trên mạng, có những vụ giết người cực kỳ dã man, mà bản thân những kẻ giết người ấy được người thân và hàng xóm xem là “rất ngoan hiền”!?…
Tóm lại, dù bạn có quy y thọ giới hay không, một khi đã làm sai thì đều có kết cuộc như nhau, không sai khác. Việc lựa chọn có được “người bảo vệ” bên cạnh bạn trong cuộc đời hay không là ở chính bạn, chẳng ai khác.
Chúc bạn luôn ân lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật!