Liên Trì Đại Sư đau lòng rát miệng khuyên dạy chúng ta: “Nguyện tịnh nghiệp đệ tử lòng tin chuyên nhất, chẳng sanh hai tâm”. Những đệ tử Phật tu tịnh nghiệp chúng ta, ở đây Liên Trì Đại Sư mong chúng ta chuyên tâm, chớ có tam tâm nhị ý! Tam tâm nhị ý thì hết sức đáng tiếc, bỏ lỡ cơ duyên một đời này chẳng thể thành tựu!
Người tu những tông phái khác, như Tông Thiên Thai, Trí Giả Đại sư niệm Phật vãng sanh. Do vậy, tổ sư tông Thiên Thai từ đấy về sau mãi cho đến đời cận đại, Đế Nhàn pháp sư niệm Phật vãng sanh, Đàm Hư pháp sư, Bảo Tịnh pháp sư đều là những vị tổ sư cận đại của tông Thiên Thai đều niệm Phật vãng sanh. Trong những vị Đại đức cư sĩ, chắc quý vị đã biết, cư sĩ Giang Vĩ Nông, cư sĩ Châu Chỉ Am, “dạy tông Bát Nhã, hạnh tại Di Đà”. Những vị tu hành các tông phái khác, tối hậu đều niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta không thể không biết điều này. “Huống hồ người vốn niệm Phật”, chúng ta vốn là kẻ niệm Phật, “há lại thay đổi cái mình tuân giữ, theo đuổi cái người khác tôn sùng”. Chúng ta thay đổi việc niệm Phật của chính mình, đi tu học những pháp môn khác. “Lòng ôm ấp hai nẻo, chí không quy nhất, tam muội làm sao thành tựu cho được?” Đấy là lời cảm thán hết mực của Liên Trì Đại sư.
Chúng ta đọc đến đoạn văn này, nghe câu nói ấy, phải nghiêm túc phản tỉnh: Chúng ta có thật sự tu hay chăng? Đừng hỏi ai khác, phải hỏi chính mình. Chúng ta có tam tâm nhị ý hay chăng? Vẫn nghĩ học pháp môn khác ư! Nịêm Phật tam muội cạn nhất là công phu thành phiến, vì sao chúng ta chưa làm được? Có phải là như Liên Trì Đại sư đã nói ở đây chăng? “Thay đổi cái mình tuân giữ, theo đuổi cái người khác tôn sùng”, hâm mộ pháp môn khác, hướng về pháp môn khác, “lòng ôm ấp hai nẻo”. Tuy chẳng bằng lòng buông bỏ Tịnh Độ, những vẫn muốn học pháp môn khác, vì thế “Chí không quy nhất”, phương hướng mục tiêu không nhất trí, như vậy thì ngay cả công phu thành phiến cũng không đạt được, sẽ bị rắc rối như thế này: “Kịp đến khi vô thường, chẳng đạt được gì”. Đến lúc vô thường, vô thường là mạng chung, vô thường xảy đến; nói cách khác, lúc sắp chết, không thành một điều nào cả. “Chẳng nghĩ lỗi mình, lại còn báng bổ! Ô hô! Lầm lạc thay!” Quý vị chẳng biết phản tỉnh cái lỗi của mình, nghĩ lời Phật, Bồ Tát nói không linh, ấy là báng Phật. Báng Phật, báng Pháp là tội A Tỳ Địa Ngục, đúng là đúc thành tội lỗi quá lớn lao, khiến người mắt sáng cảm thán không ngớt, trách nhiệm chính mình phải gánh lấy. Kinh không lầm lỗi, pháp môn không sai lầm mà do chính mình phạm lỗi, không biết đạo lý thâm nhập một môn trường thời huân tu.
Trích đọan Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp sư Tịnh Không giảng tại Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Các Phúc Đáp Gần Đây