Chúng tôi xin hân hạnh giới thiệu đến quý đạo hữu bài viết về mẹ của anh Minh Triệu (hình bên trái). Điều đặc biệt là anh không phải là một người bình thường, mà anh đang mang một chứng bệnh teo cơ bắp toàn thân không cử động được. Nội dung bài viết thật cảm động với tấm lòng nhân hậu vô bờ bến của một người mẹ mà tác giả đã âu yếm gọi là “người đàn bà chung thuỷ duy nhất trên cõi đời”.
Tôi tỉnh thức sau một giấc ngủ hôn mê. Tôi hoang mang mất hết định hướng không gian và thời gian. Trong giây lát, tri thức tôi dần dần hồi phục để biết đây không phải là gian phòng quen thuộc của tôi. Ánh đèn xanh xao bao phủ căn phòng lạnh lẽo khiến tôi rùng mình. Tôi có cảm giác đau khắp cơ thể, nhất là nơi cổ họng. Tôi cố gắng nói nhưng cổ tôi tắt nghẽn nói chẳng nên lời.
Thì ra cổ tôi, cánh tay và ngực tôi đang được nối vào những máy móc xung quanh giường tôi nằm. Tôi đang ở bệnh viện và vừa trải qua một cuộc giải phẩu. Tôi đang bàng hoàng thì một bàn tay ấm áp đặt nhẹ trên trán tôi. Tôi ngước mắt lên và thấy gương mặt hiền từ trìu mến và đôi mắt vừa mừng rỡ lẫn lo âu của mẹ tôi. Tôi vui mừng nhìn mẹ, người duy nhất trên đời đã chung thuỷ với tôi qua suốt thời gian dài dằng dặc bệnh tật của tôi.
Và tôi cảm thấy yên tâm …
Từ khi gia đình tôi định cư ở Mỹ, mẹ tôi đã đưa tôi đến nhiều bác sĩ để chữa bệnh. Bác sĩ này giới thiệu đến bác sĩ kia rồi chuyển qua bệnh viện nọ. Cuối cùng tôi được giới thiệu đến bệnh viện UCSD (University California San Diego) để khám toàn khoa và làm mọi thí nghiệm cùng thử DNA (Deoxyribonucleic Acid). Kết quả là tôi bị bệnh Muscular Dystrophy một chứng teo bắp thịt được tìm ra bởi bác sĩ Becker nên người ta thường gọi là M.D. Becker. Bệnh này toàn thế giới nhất là nước Mỹ đang nổ lực nghiên cứu tìm thuốc ngừa cũng như thuốc trị nhưng chưa ra đáp số. Hy vọng một ngày thật gần y học sẽ tìm ra thuốc ngừa hữu hiệu để sẽ không còn ai mắc bệnh như tôi.
Tôi vẫn còn nhớ những ngày ở Việt Nam năm 1978-1979, người ta đồn có một ông thầy ở Chợ Lớn, chữa bệnh bằng chuyền nhân điện rất hay. Thế là mẹ tôi mỗi sáng lẽo đẽo chở tôi bằng chiếc xe đạp mini cũ màu đỏ đi từ 4 giờ sáng đến xếp hàng để lấy số thứ tự. Cái tuổi lên 10 lúc ấy tôi đang say ngủ thì cứ bị mẹ dùng khăn ướt lau mặt cho tôi để đánh thức tôi dậy đi chữa bệnh. Tôi không thích thú gì nhưng vẫn phải ngoan ngoãn vâng lời. Cứ 8 giờ sáng là thầy đến, người phụ tá gọi từng đợt 10 người theo số thứ tự lên ngồi vây quanh thầy để thầy sờ đầu, sờ vai chuyền nhân điện. Chỉ có thế thôi rồi ra về. Có lần mẹ tôi vì làm việc mệt quá nên ngủ quên đến 6 giờ mới thức, đến nơi gần 7 giờ! Người ta đã xếp hàng đông như kiến chỉ vì thầy chữa bệnh miễn phí mà! Mẹ tôi phải lấy tới số hơn 200 và hôm ấy đến 2 giờ chiều hai mẹ con mới được ra về. Theo thầy một thời gian mà bệnh tình của tôi không có kết quả nên người bỏ cuộc.
Rồi 3 tháng hè trôi qua, tôi phải trở lại trường học. Trường tuy gần nhà nhưng tôi quá yếu nên người phải đưa đón tôi mỗi ngày bằng chiếc mini cọc cach … Bây giờ nhớ lại tôi thương mẹ vô cùng. Người là nguồn sống của tôi. Người là hơi thở trong tôi. Người là máu đỏ dưỡng nuôi tôi nên vóc nên hình. Người là tất cả của đời tôi. Người lúc nào cũng dạy tôi phải ngoan ngoãn chăm học, vâng lời, không tham lam, không lừa lọc, không được gây sự, đánh nhau và phải luôn biết thương người như thể thương thân. Chắc cũng vì thế mà tôi chưa hề biết dối gian và ghen ghét ai bao giờ.
Mẹ tôi, người là tình yêu đầu tiên mà tôi nhận được trong lòng người ngay từ lúc người mới cưu mang tôi 9 tháng 10 ngày. Và kể từ lúc chào đời cho đến nay tôi đã 34 tuổi, lúc nào tôi cũng được người ấp ủ, bồng bế, yêu thương với tất cả nghĩa của những mỹ từ này.
Mẹ tôi, người vốn đạo đức và đã chọn Thiên Chúa là tình yêu nên ngay từ ngày mới có gia đình, người đã tự hứa nếu sinh con trai đầu lòng thì người sẽ hiến dâng đứa con ấy cho Chúa bằng cách cho nó ăn học để trở thành Linh Mục. Người đã toại lòng khi sinh tôi, đứa con trai đầu lòng mà người hằng mơ ước. Người rất đỗi vui mừng và mãn nguyện. Lời thỉnh cầu thành kính của người đã làm Chúa cảm động và Chúa đã ban cho người một con trai đầu để dâng Ngài như ý nguyện. Thế nhưng, tôi lại bị nhuốm bệnh ngặt nghèo. Căn bệnh bại liệt toàn thân đã thiêu hủy sức khoẻ của tôi khi tôi đang còn thơ ấu, bắt tôi phải song hành kết bạn với chiếc xe lăn suốt đời. Chúa đã nhận lời cầu xin của mẹ tôi. Chúa đã chọn tôi; nhưng theo ý Ngài chứ không theo ý của mẹ tôi.
Dù vậy, mẹ tôi bao giờ cũng muốn tôi vượt lên số phận, động viên tôi vươn lên làm người có ích, dù tàn mà không phế. Bà khuyên tôi nên đi học để mở mang kiến thức. Mẹ tôi thường nói: học vấn rất cần cho con người. Học vấn là chìa khoá mà với chìa khoá đó ta có thể mở được tất cả ổ khoá trên cuộc đời này.
Thế nên, vào một ngày xuân nắng ấm, mẹ tôi đưa tôi đến trường Mesa College để tôi điền đơn xin học, vì mẹ tôi đang là sinh viên của trường này từ mùa xuân năm ngoái. Nguyện ước của bà là sẽ tốt nghiệp Medical Assistant để chăm sóc cho tôi và tương lai sẽ tình nguyện săn sóc những người bệnh hoạn tàn tật ở những nước đói nghèo khi bà có hoàn cảnh. Và mẹ tôi đã toại nguyện. Bà đã tốt nghiệp hồi tháng 5 năm 1997.
Những năm còn là sinh viên của trường Mesa College, mẹ tôi rất vất vả. Tôi và mẹ cùng đi học 3 ngày mỗi tuần. Nhà tôi lúc ấy phải ở trên lầu của apartment. Mỗi lần đi học bà phải đem cặp sách của bà và của tôi xuống dưới lầu trước, bỏ vào xe. Kế đó, bà trở lên lầu khệ nệ bồng tôi xuống, đặt ngồi vào ghế, cột dây an toàn cho tôi rồi bà mới vào ghế của bà, lái xe chạy thẳng đến trường. Chỉ 20 phút sau thì đến trường. Đậu xe xong, bà đến thùng xe mở nắp đem chiếc xe lăn ra, ráp cho ngay ngắn rồi bồng tôi đặt ngồi vào xe và đẩy tôi đến lớp của tôi. Bà tìm chỗ để xe của tôi gọn gàng đâu đấy, bà mới đi đến lớp của bà. Tan học, bà chạy đến lớp tôi, lại bồng tôi ngồi vào xe, lại đẩy tôi đến chỗ đậu xe, lại nhẹ nhàng bế tôi đặt ngồi cạnh ghế tài xế của bà rồi thứ tự xếp xe lăn lại, vác xe lăn cất vào thùng, đóng cửa, sau cùng bà ngồi vào ghế làm tài xế chở tôi về nhà.
Về đến nhà, bà để tôi ngồi y trong xe. Việc trước tiên, bà đem cặp sách của tôi và của bà lên lầu, sau đó mở sẵn cửa phòng để xuống đất bồng tôi ì ạch đi lên lầu. Bà đặt tôi lên gường, thay quần áo và lại bắt đầu làm tiếp công việc trong nhà.
Mẹ tôi học nhiều lớp hơn tôi cho nên sau khi lo đầy đủ cho tôi, bà phải đi học thêm một lớp nữa.
Có những hôm mưa phùn gió bấc, hai mẹ con tôi phải chịu lạnh, chịu ướt đi học để đến lớp cho đúng giờ. Nhằm mùa không có lớp ban ngày trùng giờ học, hai mẹ con phải chọn lớp đêm để học. Vào mùa đông, mỗi tối tan trường trời lạnh như cắt, hai mẹ con run cầm cập, thế mà mẹ con tôi cũng phải mở máy lạnh cho kiếng trong xe hết mờ mới thấy đường lái xe về nhà.
Có lần tôi những tưởng đã mất mẹ vĩnh viễn khi bà bị một tai nạn xe hơi rất nặng giữa xa lộ 163 làm bà gãy chân và bể đầu rồi bất tỉnh. Tưởng mẹ tôi đã chết trong xe, người gây ra thảm trạng cho mẹ tôi bỏ chạy trốn mất. Ấy thế mà, sau bảy tiếng đồng hồ phẩu thuật, vừa hồi tỉnh, điều mẹ tôi quan tâm đầu tiên là: “Triệu đâu? Con tôi vẫn bình yên chứ?” Và từ đó mẹ tôi lại mang thêm trong chân người những chiếc vít inox mà những lúc trái gió trở trời thường làm mẹ tôi nhức nhối khổ sở. Những lúc ấy, tôi thương mẹ quá. Mẹ ơi, mẹ hiền của con ơi. Mẹ là trái tim vĩ đại ngàn đời.
Suốt 6 năm trời vất vả như thế trên con đường trau dồi kiến thức, tôi đã tốt nghiệp với mảnh bằng Associate of Art ngành Computer Information Science hồi tháng 6 năm 2000. Mảnh bằng này tuy đơn sơ, khiêm tốn nhưng đã được làm bằng biết bao mồ hôi và nước mắt hoà với những nhiên liệu cao quý là gian lao khó nhọc của mẹ tôi. Bằng thực tế, bà đã dạy thêm cho tôi bài học vượt khó và ý thức vươn lên trong mọi hoàn cảnh.
Nhưng rồi bệnh tình của tôi ngày càng trầm trọng, sức khoẻ tôi càng suy sụp. Bệnh Muscular Dystrophy đã làm cho hai buồng phổi của tôi ngày càng teo lại, làm tôi ngộp và khó thở, rất nguy hiểm. Tôi được đưa vào bệnh viện. Bác sĩ đã khuyên tôi phải lựa chọn ngay một trong hai giải pháp: hoặc không cần sự can thiệp của khoa học, chấp nhận sự rủi ro sẽ đến bất cứ lúc nào, hoặc phải mổ chỗ cổ, đặt ống gắn máy để trợ giúp cho sự hô hấp của tôi. Như vậy mối hiểm nguy sẽ bớt đe doạ và sự sống của tôi sẽ được kéo dài thêm.
Và tôi đã chấp nhận sống nhờ vào máy thở.
Mười giờ sáng hôm đó tôi nhập viện. Mẹ tôi đã khóc và ôm hôn tôi rồi trao cho hai bà y tá đẩy tôi vào phòng mổ. Còn người xuống dưới lầu, đến phòng chờ đợi ngồi đếm thời gian từng phút chậm trôi. Người bồn chồn đứng ngồi không yên. Một giây trôi qua lúc này dài như cả một thế kỷ đối với người. Tình mẹ đã thôi thúc người thành ngớ ngẩn vì tôi!
Trước khi mổ, người đã phải ký giấy bằng lòng mọi tình huống có thể xảy đến với tôi, hoặc là tôi được bình yên, hoặc là tôi sẽ ngủ trong ca mổ mà không bao giờ thức dậy. Người chỉ còn biết cầu nguyện rồi phó thác và xin vâng theo thánh ý Chúa mọi điều. Tuy vậy, người vẫn hồi hộp và lo sợ bị mất tôi vì ”tôi là lẽ sống của người”, người nói thế. Cả cuộc đời người đã khóc biết bao nước mắt cho tôi, đứa con kém may mắn nhất của người.
Năm tiếng đồng hồ đã trôi qua. Cô y tá dùng máy phóng thanh gọi mẹ tôi lên lầu. Vừa trông thấy tôi, ánh mắt người ngời sáng vì người hiểu ngay rằng người vẫn còn tôi như ngày nào. Người âu yếm vuốt tóc tôi như chia xẻ, như cùng gánh vác những nỗi đau với tôi. Người nghe lòng nhẹ nhõm, sung sướng đón tôi như sinh ra tôi lần thứ hai trong đời. Bao mệt mỏi của người như tan biến. Núm ruột của người vẫn còn đây và cuộc đời người tưởng đã cạn kiệt nguồn vui lại được đong đầy ý sống. Người sẽ còn được tiếp tục yêu thương ấp ủ tôi trong vòng tay ngọt ngào ấm áp tình mẫu tử.
Thấy người vui mừng tôi cũng phải cố nén mọi đau đớn thể xác để nở nụ cười mà tôi biết đang rất cần thiết cho người lúc này. Nhưng có lẽ thuốc gây mê còn ảnh hưởng nên nụ cười của tôi vẫn không xoá đi được những lo âu sợ hãi mất tôi trong những phút lâm nguy trước đó. Người ôm lấy tôi, tôi thấy vai người rung lên và người cố giấu đi những giọt nước mắt vừa mừng con thoát nạn, vừa như tủi cho số phận quá bất hạnh của đứa con mình. Tôi muốn ôm chặt lấy người mà nước mắt trào ra không cưỡng lại được: Mẹ ơi, mẹ có biết con yêu mẹ lắm không? Ôi! Tình mẹ bao la quá! Mẹ ơi!
Thế là cuộc đời của tôi đã chính thức sống nhờ vào máy móc. Tôi đau đớn quá vì một vật lạ luôn nằm trong cổ nối vào khí quản của tôi. Tôi đã mòn mỏi và đau khổ không những vì tôi đã đem đến cho mẹ tôi biết bao là vất vả và lo lắng suốt 34 năm rồi mà còn khổ sở và khó nhọc vì tất cả ăn, uống, thở và sinh hoạt của tôi đều nhờ vào máy móc. Mỗi cử động dù nhỏ như cựa mình, co duỗi tay chân đều làm tôi đau đớn khôn cùng và phải nhờ mẹ tôi giúp đỡ. Tôi như nằm trên bàn chông nơi tù ngục. Tôi đã tuyệt vọng vì thân xác quá đau và tâm hồn vô cùng thác loạn. Tôi không muốn sống nữa. Tôi có ý định giã từ cuộc đời, giã từ tất cả để ra đi. Đã ba mươi bốn năm rồi, nằm trong vòng tay êm đềm của mẹ, tôi nghĩ đã quá đủ cho tôi trở về cát bụi. Tôi bày tỏ cùng mẹ ý định của tôi.
Người ôm chầm lấy tôi, vội vàng như sợ tôi thực hiện ý định. Người nghẹn ngào, nức nở qua làn nước mắt: “Con đi rồi mẹ biết sống cùng ai, biết sống cho ai nữa! Con đi rồi còn ai để mẹ nâng giấc ủi an! Ai sẽ cho mẹ những giây phút dịu dàng hạnh phúc và hy vọng dù rất hiếm hoi để cùng nhau đi nốt đoạn đường đời cay nghiệt! Triệu ơi! Mất con rồi đời mẹ thành vô nghĩa. Lạc lối về mẹ mất cả ánh sao đêm hy vọng. Đừng bỏ mẹ bơ vơ trơ trọi giữa đường đời vốn đã nghiệt ngã với mẹ con ta. Triệu ơi, hãy vì mẹ can đảm lên mà sống! Mẹ dìu con, con tựa mẹ đỡ nâng nhau”.
Lòng đau xót và tim tôi như thắt lại. Tình thương mẹ dâng đầy cao chất ngất. Tôi cũng nức nở như chưa bao giờ được khóc trong đời. Tôi phải sống! Cho dù tôi tàn tật; cho dù tôi đau yếu nan y nhưng có tôi mới làm cho nụ cười còn đọng mãi trên môi của người. Sự sống là cao quí. Cuộc đời dù là bất hạnh hay cùng khổ cũng đều có ý nghĩa vị tha và rất cần đức hy sinh cùng lòng hiếu thảo Mẹ ơi! Hai hàng lệ của mẹ hoà với nước mắt tôi như làm thành tờ giao ước của hai mẹ con đã bằng lòng gắn bó đời nhau cho đến ngày Chúa gọi.
Tôi phải sống vì mẹ như mẹ đã từng sống vì tôi!
Tôi biết lòng người thành tan nát mỗi lúc nhìn tôi và lòng tôi cũng nát tan khi thấy người nước mắt mãi lưng tròng!
Có thật hồng nhan là đa truân? Có thật định mệnh đố kỵ muốn làm chết đuối “người trên cạn mà chơi”? Ôi, định mệnh! Định mệnh sao trớ trêu! Định mệnh đã dành riêng cho mẹ tôi toàn những bất hạnh gian truân. Người phải tảo tần, vất vả, dãi nắng dầm mưa khi tuổi đời còn quá trẻ để một mình nuôi dạy tôi và ba đứa em thơ dại của tôi. Người đã bất chấp mọi gian nan, khốn khó và hiểm nguy đến tính mạng để đem lại hạnh phúc ấm no cho chúng tôi. Mẹ tôi nào có tội tình gì mà suốt đời phải sầu khổ? Ôi! Mẹ hiền của tôi, một người mẹ không hề có giao ước nhưng tận tụy và cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho con. Nhìn mẹ, tự nhiên tôi nhớ đến câu danh ngôn: “Thượng Đế không thể ở khắp mọi nơi nên Ngài phải sinh ra những người mẹ”. Và tôi liên tưởng đến Đức Mẹ Maria đã phải chứng kiến những nhục hình tra tấn của quân dữ trước giờ Jesus, con một của Người bị đóng đinh trên thập giá.
Còn mẹ tôi, cũng khổ đau không kém gì Mẹ Maria vì bà suốt đời xót xa nhìn đứa con trai đầu lòng duy nhất của mình hằng ngày phải chịu khổ hình trong bệnh tật.
Không giấy bút nào tả xiết và tôi cũng không đủ khả năng để nói lên được lòng can đảm và sự chịu thương chịu khó, kiên trì cùng trái tim đầy ắp yêu thương, nhân hậu của mẹ tôi. Tôi chỉ biết yêu mẹ bằng luỹ thừa tình yêu mẹ mỗi ngày và sống, dù là sống nhờ mẹ và máy móc quanh người, cũng phải sống theo lời dạy bảo của người: phải sống sao cho đúng nghĩa CON NGƯỜI. Phải sống để chữ NGƯỜI luôn được viết hoa. Phải sống như cây tùng cây bách dãi dầu nắng mưa giông bão cuộc đời. Phải mến Chúa yêu Người … Vì hễ ta đong đấu nào cho ai, ta sẽ được đong lại đấu ấy gấp bội.
Giờ đây cuộc sống của tôi đã an bài theo máy móc cùng với tình yêu lai láng của mẹ tôi, mặc dù, sức khoẻ của tôi không được hoàn toàn như tôi mong ước nhưng cũng tạm đủ đem lại cho mẹ tôi một nguồn sống thần tiên mong manh bên tôi và xoá đi những nụ cười héo hắt trên đôi môi nguời.
Tôi xin cảm ơn Trời. Cảm ơn đời. Cảm ơn người mẹ hiền vĩ đại của tôi đã nâng tôi vượt qua những ngày khổ nạn, đã cho tôi mọi ngày vui và đã dạy tôi thành người có ích. Mẹ tôi, người đàn bà duy nhất đã hy sinh cho tôi và chung thủy với tôi suốt cả cuộc đời này. Mẹ tôi quả là dòng suối dịu hiền, là bài hát thần tiên, là bóng mát trên cao, là ánh đuốc trong đêm, là vốn liếng yêu thương, là buồng chuối ba hương, là xôi nếp mật, là đường mía lau. Và với tôi trong tất cả những kỳ quan của thế giới, kỳ quan đẹp đẽ nhất và bất chấp thời gian vẫn là trái tim của người mẹ.
MINH TRIỆU
San Diego CA 2002
Người đàn bà chung thuỷ duy nhất trên cõi đời chính là mẹ tôi
Sự hy sinh cao cả của một người mẹ
Ở một miền quê hẻo lánh, nơi đó có người phụ nữ sống một mình dù bụng mang dạ chửa. Vào một đêm giông bão chị đau bụng dữ dội và hiểu mình sắp sanh. Chị quyết định đi xuống thành phố ở khá xa. Để đến thành phố chị ta phải đi qua chiếc cầu nhỏ. Khi đi tới giữa cầu chị ấy đau đến mức không thể đi nữa. Và chị quyết định xuống gầm cầu và chị đã hạ sinh con mình ở đó. Sáng hôm sau một người phụ nữ khác đang chạy xe qua cầu thì xe bỗng dưng chết máy, khi xuống xe kiểm tra cô nghe tiếng khóc nhỏ vang lên đâu đó. Cô ta xuống dưới chân cầu và phát hiện một đứa bé được quấn trong những lớp quần áo dày của người mẹ đã chết vì lạnh và trên mình không có một mảnh áo che thân.
Người phụ nữ tốt bụng ấy đem đứa bé về nuôi. Sau này vào sinh nhật lần thứ 10 của đứa bé cô đã kể cho nó nghe câu chuyện đó. Những tưởng đứa bé sẽ khóc sướt mướt nhưng không, đứa bé chỉ yêu cầu cô dẫn nó tới mộ người mẹ quá cố. Dù trời đang vào mùa đông lạnh giá cô vẫn chở đứa bé đi.
Đến nơi đứa bé bảo để cho nó được một mình bên mộ mẹ. Cô liền đi ra xa nhưng cô vẫn để mắt tới đứa bé. Đứa bé đứng trước mộ mẹ nó, lần lượt cởi từng lớp áo khoác của mình ra. Cô nghĩ : “Chắc nó không cởi hết đâu trời đang rét đến thế kia mà”. Thế nhưng cậu bé cởi hết quần áo trên người ra đến khi không còn mặc gì nữa. Cô hốt hoảng chạy đến ôm nó, thì đứa bé vùng ra bật khóc nức nở và ôm mộ mẹ nó mà hỏi: “Mẹ ơi! Bây giờ con có lạnh như mẹ lúc đó chưa?”
Sự hy sinh của người mẹ mới thiêng liêng và cao cả làm sao và xúc động thay về tình cảm và hành động hiếu thảo của một cậu bé vừa lên mười.
Chưa rõ tên tác giả
Mình lên mạng search để tìm đọc những bài viết về Mẹ nhân dịp lễ Vu Lan năm nay. Đọc bài viết và cả bài comment đều khiến mình cảm động muốn khóc.
“…Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ khóc
Đừng để buồn dâng mắt Mẹ nghe không…”
Q.D
Nhật Ký Của Mẹ – Hiền Thục
Thể hiện tranh cát: Nguyễn Văn Chung
Sub Eng: Tạ Nguyễn Tấn Trường
Tâm sự của tác giả:
“Lần đầu tiên tôi thấy 1 ca sĩ khóc khi thu âm bài hát của mình, thật lạ là tôi lại cảm thấy vui! Bởi vì tôi biết rằng mình đã thành công khi truyền tải được tất cả cảm xúc vào bài hát này! Cũng phải, vì đây là bài hát mà tôi tự hào nhất trong số những bài hát mà tôi đã viết. Tôi mất 3 ngày để suy ngẫm, lựa chọn và để sửa từng câu, từng từ, để rồi hoàn tất nó vào 5g sáng ngày thứ 4. Tôi tin rằng trên đời này, Mẹ là người phụ nữ tốt với tôi nhất, yêu thương tôi nhất, quan tâm đến tôi nhất và bao dung với tôi nhất! Tôi đã viết bài hát này với tất cả sự kính yêu dành cho Mẹ! Nếu bạn có thời gian để nghe và chiêm nghiệm từng lời từng chữ trong bài hát này, có lẽ nước mắt rơi lúc nào các bạn cũng không hề biết đấy! Xin cám ơn Hiền Thục đã hát bằng tất cả tình cảm của mình!”
Trang thứ nhất…
Bao ngày Mẹ ngóng, bao ngày Mẹ trông, bao ngày Mẹ mong con chào đời,
Ấp trong đáy lòng, có chăng tiếng cười của một hài nhi đang lớn dần?
Mẹ chợt tỉnh giấc, và Mẹ nhìn thấy hình hài nhỏ bé như thiên thần,
Tiếng con khóc oà, mắt Mẹ lệ nhòa, cám ơn vì con đến bên Mẹ…
Này con yêu ơi, con biết không? Mẹ yêu con, yêu con nhất đời!
Ngắm con ngoan nằm trong nôi, mắt xoe tròn, ôi bé cưng!
Nhìn Cha con, Cha đang rất vui, giọt nước mắt lăn trên khóe môi,
Con hãy nhìn kìa, Cha đang khóc vì con…
Trang thứ hai…
Một ngày tỉnh giấc, rồi Mẹ chợt nghe, vụng về con nói câu:”Mẹ ơi!”
Chiếc môi bé nhỏ thốt lên bất ngờ, khiến tim Mẹ vui như vỡ òa…
Đây là mặt đất, này là trời cao, đây là nơi đã sinh ra con,
Bước chân bé nhỏ bước đi theo Cha, bước chân đầu tiên trên đường đời…
Này con yêu ơi, con biết không? Mẹ yêu con, yêu con biết bao!
Hãy cứ đi, Mẹ bên con, dõi theo con từng bước chân…
Ngày mai sau khi con lớn khôn, đường đời không như con ước mơ,
Hãy đứng lên và vững bước trên đường xa…
Trang thứ ba…
Ngày đầu đến lớp, Mẹ cùng con đi, ngập ngừng con bước sau lưng Mẹ,
Tiếng ve cuối hè, hát vang đón chào, ánh mặt trời soi con đến trường…
Ngày ngày đến lớp, dần dần con quen, bạn bè, Thầy Cô yêu thương con,
Bé con của Mẹ vẫn luôn chăm ngoan, khiến cho Mẹ vui mãi trong lòng…
Này con yêu ơi, con biết không? Mẹ yêu con, yêu con rất nhiều!
Những khuya ôn bài, con thức, xót xa tim Mẹ biết bao!
Từng kỳ thi nối tiếp nhau, tuổi thơ con trôi qua rất mau,
Ước chi con Mẹ mai sau sẽ thành công…
Trang thứ tư…
Một ngày Mẹ thấy con cười vu vơ, nụ hồng con giấu trong ngăn bàn,
Lá thư viết vội, có tên rất lạ, chắc là người con thương rất nhiều!
Một ngày Mẹ thấy con buồn vu vơ, cành hồng vẫn ở trong ngăn bàn,
Lá đâu đã vàng, hoa đâu đã tàn, cớ sao nhìn con úa thu sang?
Này con yêu ơi, con biết không? Mẹ yêu con, yêu con rất nhiều!
Những kỷ niệm lần đầu yêu, suốt một đời đâu dễ quên…
Vầng trăng kia sẽ sưởi ấm con, và sau cơn mưa, nắng sẽ trong,
Sẽ có một người yêu con hơn Mẹ yêu…
Trang thứ năm…
Một ngày con lớn, một ngày con khôn, một ngày con phải đi xa Mẹ,
Bước chân vững vàng, khó khăn chẳng màng, biển rộng trời cao con vẫy vùng,
Một ngày chợt nắng, một ngày chợt mưa, lòng Mẹ chợt nhớ con vô bờ,
Nhớ sao dáng hình, nhớ sao nụ cười, nhớ con từng giây phút cuộc đời…
Này con yêu ơi, con biết không? Mẹ yêu con, yêu con nhất đời!
Ở nơi phương trời xa xôi, hãy yên tâm, Mẹ vẫn vui!
Từng dòng thư ôm bao nhớ thương, Mẹ nhờ mây mang trao đến con,
Chúc con yêu được hạnh phúc, mãi bình an…
Trang thứ sáu…
Bao ngày Mẹ ngóng, bao ngày Mẹ trông, bao ngày Mẹ mong con quay về,
Ấp trong đáy lòng, nhớ bao tháng ngày bé con hồn nhiên bên dáng Mẹ,
Mẹ chợt tỉnh giấc, và Mẹ nhìn thấy, con Mẹ vẫn bé như thiên thần,
Thấy con khóc oà, mắt Mẹ lệ nhoà, Cám ơn vì con đến bên Mẹ…
Gặp Mẹ Trong Mơ (Bài Hát Hay Nhất Về Mẹ)
https://m.youtube.com/watch?v=tsxDC9WRpsg
Số phận của người mẹ trong ‘bức ảnh chấn động Trung Quốc’
Khi người mẹ lọt vào ống kính máy ảnh, cô đang địu con gái bị ốm từ nơi làm việc về nhà để chữa trị. Nửa năm sau, đứa trẻ qua đời.
Ngày 30/01/2010, cả nước Trung Quốc bước vào ngày đầu tiên của Lễ hội mùa xuân. Phóng viên Chu Khả của Tân Hoa Xã chụp được một bức ảnh ở quảng trường ga xe lửa Nam Xương. Trong ảnh, người mẹ trẻ đang cúi người, cõng bao tải đồ khổng lồ trên lưng, chiếc ba lô cô cầm quệt dưới đất. Nhưng đứa con được cô quấn trên tay phải rất gọn gàng và ấm áp. Người mẹ trẻ có nước da hồng hào, đôi mắt tròn cương nghị và khỏe khoắn. Cô gồng lưng chậm rãi bước đi.
Hôm đó, bức ảnh mang tên “Con, mẹ đưa con về nhà” này được các biên tập viên của Ban Nhiếp ảnh Tân Hoa Xã chỉnh sửa và gửi đi trong nước mắt. Ngay trong đêm, nó đã chạm vào lòng người khi xuất hiện trong bộ ảnh lễ hội mùa xuân đồ sộ. Hàng trăm website và báo chí đã đăng tải lại bức tranh.
Năm 2011, bức ảnh về tình mẫu tử giành giải Vàng nhiếp ảnh báo chí Trung Quốc hàng năm và Giải thưởng Báo chí Trung Quốc lần thứ 21.
Bức ảnh “Con, mẹ đưa con về nhà” của phóng viên Chu Khả.
“Một bức ảnh gây sốc nhưng đầy suy nghĩ!”.
“Cuộc sống là trên vai tôi, hy vọng là trong vòng tay tôi”.
“Sau khi làm mẹ, tôi không dám nhìn bức ảnh này, nó làm tôi không cầm được nước mắt”.
Rất nhiều người chia sẻ cảm nhận về bức ảnh ấn tượng.
Trong 11 năm qua, bức ảnh lan truyền trên Internet và các nền tảng xã hội, được trích dẫn, chuyển tiếp bởi các phương tiện truyền thông lớn. Bức ảnh “Con, mẹ đưa con về nhà” trở thành một “biểu tượng cảm xúc của Lễ hội mùa xuân”. Mỗi mùa du lịch lễ hội mùa xuân, người ta luôn nghĩ đến người mẹ Trung Quốc này. Cứ đến ngày của mẹ, người dùng mạng xã hội lại đăng nó để ca ngợi tình mẫu tử.
Điều khiến phóng viên Chu Khả tiếc nuối suốt những năm qua là không xin thông tin liên lạc của người mẹ. Nhờ nhiều người dùng mạng xã hội gửi tin, tác giả Chu Khả đã tiến hành tìm kiếm. Dữ liệu được chắp nối. Các bức ảnh được so sánh từng chút một. Cách đây không lâu, đường nét của bà mẹ năm đó hiện lên rõ nét. Đó là Ba Mộc Ngọc Bố Mộc, 32 tuổi, người phụ nữ dân tộc ở làng Đào Viên, thuộc Nhạc Tây, khu tự trị Di Lương Sơn, tỉnh Tứ Xuyên.
Vào đêm trước của lễ hội mùa xuân 2021, Chu Khả cuối cùng đã kết thúc cuộc tìm kiếm. Người mẹ trẻ từng xuất hiện trong ống kính của anh 11 năm trước và phóng viên gặp nhau.
Bố Mộc cười rạng rỡ, không thể nhìn thấy nét thăng trầm thời gian. Cũng như trong bức ảnh khi xưa, cô cuộn tóc, ôm con trên lưng. Người mẹ gầy hơn đôi chút, nhưng đôi mắt vẫn rất sáng.
Người mẹ hiện tại trong bức ảnh chụp cách đây 11 năm của tác giả Chu Khả. Ảnh: Chu Khả.
Phía sau cô là ngôi nhà bê tông cốt thép mới xây. Cửa chính và cửa sổ chắc chắn. “Sống trong ngôi nhà này mưa to không lọt và gió lạnh không vào được. Tôi đã từng mơ có ngôi nhà như vậy khi còn bé”, người phụ nữ sống trong ngôi nhà bằng tường đất cũ nát suốt 30 năm nói. Sau khi lấy chồng, cô chuyển từ trên sườn núi xuống chân núi. Thứ thay đổi là độ cao, thứ không thay đổi là ngôi nhà bằng tường đất.
Bây giờ, sống trong nhà mới, Bố Mộc thỉnh thoảng gặp ác mộng, sợ các con thức giấc vì lạnh, lo nhà sập. Người mẹ từng trải qua những mùa mưa. Nước ngoài trời như trút thì trong nhà cũng “mưa nhẹ”. Mưa rơi xuống đất không sao, nhưng giường ướt, chăn bông cũng ướt. Cả nhà không ngủ được. Họ xếp xô chậu khắp giường để hứng.
Bố Mộc kể lúc đó nhà không có điện. Trong đêm tối, hai vợ chồng mò mẫm tìm chỗ dột để hứng nước mưa theo cảm giác. “Suốt đêm, tôi chỉ biết ôm con ngủ và mong chờ bình minh lên”, cô kể.
Đứng trước ngôi nhà cũ chưa bị phá bỏ, phóng viên đẩy cánh cửa quan sát. Chiếc giường gỗ đơn sơ. Chăn ga gối đệm chắp vá. Rút vài chiếc áo choàng từ trong tủ, Bố Mộc nói: “Đây là quần áo từng được mặc ban ngày, nhưng là chăn bông ban đêm”. Trước đây, thỉnh thoảng cô lên thị trấn mua quần áo với giá 2 tệ (khoảng 7.000 đồng), đắt lắm thì 5 tệ.
10 năm trước, ngôi làng Đào Viên nơi Bố Mộc sống là một trong những nơi nghèo khổ nhất ở Nhạc Tây. Đất đai cằn cỗi khiến người dân không thể trồng trọt. Không chỉ gia đình này, hầu hết dân làng đều thiếu thốn.
Gia đình có 6 mẫu đất, chủ yếu trồng ngô, kiều mạch và khoai tây. Thu hoạch hàng năm không thể cho họ cuộc sống đủ đầy. Khi con gái lớn chào đời vào năm 2007, Bố Mộc thỉnh thoảng dùng tiền lẻ dành dụm mua vài kg gạo trộn với bột ngô để bé “ăn dặm”.
Năm 2009, đứa con gái thứ hai ra đời, chuẩn bị “ăn dặm”. Bố Mộc cảm thấy tuổi thơ của cô lặp lại. Người mẹ sợ bọn trẻ sẽ không thể thoát khỏi vùng núi này. Cô quyết định táo bạo: Rời làng đi làm.
Ngày 30/1/2010, một người mẹ trẻ với một chiếc túi lớn và một đứa con trên tay đã được phóng viên chụp ảnh tại ga xe lửa Nam Xương. Bố Mộc cho biết, đó là lúc cô về nhà sau 5 tháng đi làm xa.
Cô nhớ rất rõ, sáng sớm hôm đó, cô cùng con gái vội vàng đến ga xe lửa Nam Xương, mang theo túi lớn túi nhỏ. Hai ngày một đêm mới đến Thành Đô. Ở Thành Đô, cô chi 15 tệ để ngủ lại nhà trọ. Sau đó hai mẹ con đi xe lửa 14 tiếng đến huyện Nhạc Tây. Từ đó về nhà ở núi Đại Lý, trời đã khuya. Chuyến đi này của cô mất ba ngày hai đêm.
Hiện tại, đi cao tốc từ Nam Xương đến Thành Đô chỉ mất 8 giờ. Còn đi tàu hỏa từ Thành Đô đến Nhạc Tây mất hơn 6 giờ.
Phóng viên Chu Khả và người mẹ trong bức ảnh do chính anh chụp. Ảnh: Li Sijia.
Khi phóng viên mở bức ảnh gây sốc một thời, Bố Mộc đã rất ngạc nhiên và thở dài. Cô kể hồi đó, bao tải đầy chăn màn và quần áo. Ba lô có mì gói, bánh mì, tã lót cần để đi đường. Người mẹ nhớ mình mang nhiều đồ đạc nên rất nhiều người tốt đã giúp đỡ.
Trong ký ức của Bố Mộc, đó là lần đầu tiên cô đi làm một công việc chính thức trong đời: chuyển gạch tại một nhà máy gạch ở Nam Xương. Cô kiếm 500-600 tệ mỗi tháng. Số tiền khá hơn nhiều so với làm ruộng. Hàng ngày, người mẹ địu con trên lưng làm việc. Cô không biết chữ nên làm ngơ trước bảng hiệu dưới đèn neon và bảng hiệu trên đường.
Khi mới đến Nam Xương, cô học nói tiếng phổ thông, tập hòa nhập. Trước đó, Bố Mộc chưa bao giờ nhìn thấy sữa bột và tã.
Khi làm trong nhà máy gạch, điều người mẹ rắc rối nhất là con gái thường xuyên bị ốm. Ở quê, cô sẽ đưa con đến bệnh viện thị xã chữa trị. Nhưng một mình nơi đất khách, người mẹ không biết cách nào để đến bệnh viện. Điều duy nhất cô biết là đưa con về nhà.
“Bức ảnh đó chụp khi tôi đưa con gái thứ hai về nhà”, Bố Mộc nói. Nhưng đứa trẻ đã qua đời nửa năm sau đó. Từ đó, người mẹ không bao giờ đi làm xa. Năm 2011, con thứ ba của cô lại mất sau 10 ngày sinh.
Về sau, làng Đào Viên thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo. Vợ chồng Bố Mộc trồng thuốc lá, cây ăn quả và các loại cây có giá trị kinh tế khác. Năm đầu, do tay nghề kém, chưa có kinh nghiệm, họ kiếm được 5.000 – 6.000 tệ nhờ sáu sào thuốc lá. Năm thứ hai, cán bộ đưa gia đình cô vào diện xóa đói, giảm nghèo. Bố Mộc khai hoang ở lưng chừng núi và lập một khoảng trồng thử giữa các phiến đá.
Bố Mộc và các con đã có một cuộc sống ấm no. Ảnh: Ảnh: Chu Khả.
Cô được hỗ trợ về giống và kỹ thuật, nhận được khoản trợ cấp 40.000 tệ năm 2018. Hai vợ chồng góp 70.000 tệ xây một ngôi nhà mới với kết cấu bê tông cốt thép. Nhà có ba phòng ngủ và một phòng khách, sơn sạch sẽ, sáng sủa, lát gạch nền. Trong nhà, bếp điện, tủ lạnh, máy giặt và các thiết bị khác đầy đủ. Bây giờ, bữa ăn nào cũng có cơm, có rau, có thịt.
Năm 2020, thu nhập hàng năm của họ lên 100.000 nghìn tệ (khoảng 360 triệu đồng). Các con cô đều được đến trường.
Nhật Minh (Theo NewQQ)