Vãng sanh về Tây Phương, nên nhớ rõ, là do quyền lợi của chính mình và được đức từ phụ A-Di-Đà thương xót chúng sanh, do lòng đại từ đại bi của Ngài tiếp dẫn mình về Tây Phương, để một đời khi mình xả báo thân này, thay vì mình phải chịu đọa lạc trong những cảnh khổ sở đau đớn qua nhiều kiếp, kiếp này qua kiếp nọ, gọi là “Lũy kiếp nan xuất, thống bất khả ngôn”. Như vậy thì khi vãng sanh về Tây Phương chính là cái quyền lợi của mình, chứ không phải là quyền lợi của Phật.
Ấy thế mà có nhiều người tu hành lại nghĩ ngược lại, là khi ta vãng sanh về Tây Phương là do quyền lợi của Phật. Vì quyền lợi của Phật cho nên ta nguyện vãng sanh về Tây Phương. Chính vì vậy mới sinh ra những lời nguyện sai lầm, để dẫn tới chỗ sau cùng mất phần vãng sanh. Thường thường những người này họ nguyện như thế nào? Cứ… “Nam Mô A-Di-Đà Phật, Phật cho con về Tây Phương. Nhưng dù sao đi nữa Phật cũng cho con hết bịnh, dù sao đi nữa cũng cho con làm cho hết việc này, làm cho hết cái việc kia… rồi con mới đi”.
Thường thường người ta đặt điều kiện như vậy, nhiều lắm. Vì những lầm lẫn nho nhỏ này mà làm con đường đi về Tây Phương của họ bị đoạn mất. Rất nhiều chứ không phải là không có. Khi đi hộ niệm sẽ thấy những trường hợp này. Những người nghèo người ta không nguyện như vậy, mà thường nguyện rằng, “Nam Mô A-Di-Đà Phật, xin Phật cho con về Tây Phương, về lúc nào cũng được, con không sợ gì cả, con quyết lòng về Tây Phương, nguyện thành Phật độ chúng sanh”.
Tại vì họ khổ quá rồi! Họ không muốn ở đây nữa. Nhưng một người sống sướng một chút, thì thường thường họ nguyện như vầy: “Nam Mô A-Di-Đà Phật, trong một đời của con, con đâu có làm điều gì sai. Tại sao con lại bị bịnh? Nam Mô A-Di-Đà Phật, con cũng bố thí, cũng cúng dường, cũng xây chùa, cũng cất miễu, cũng làm cầu… nhiều lắm, tại sao Phật lại bất công… không chịu giúp cho con khỏe mạnh, an khang? Bất công quá!”.
Trong lúc tu hành họ có cái tâm trách móc. Mà thực ra, rõ rệt là những căn bịnh này, những sự khổ ách này, nhất định là do chính mình gây ra, chứ không phải là người khác. Chắc chắn. Nếu đời này mình có làm việc đại thiện đại lành gì đi nữa, mà mình vẫn bị tai nạn, vẫn bị đau đớn, vẫn chịu nhiều cảnh khổ là do trong tiền kiếp mình tạo ra cái nhân đó, nhất định không cách nào từ chối được. Thế gian còn có câu, “Nhất ẩm nhất trát mạc phi tiền định”. Một cái ăn, một cái uống, một cái gặp nhau trong đời này nhất định cũng do tiền định, thì một cơn đau mà đến với chúng ta, một căn bịnh ngặt nghèo đến với chúng ta, hoàn toàn là do chính chúng ta tạo ra. Vì thế, khi tu hành cần phải cố gắng nhớ điều này, “Nhân Duyên Quả Báo tơ hào không sai”!
Ba cái nó đi với nhau. Vì ưa nói gọn nên thành ra Nhân-Quả. Chứ thật ra phải nói là: Nhân-Duyên-Quả. Chính nhờ cái Duyên này mà ta mới thoát nạn đây. Duyên như thế nào? Nếu ta định vào trong câu A-Di-Đà Phật, quyết lòng đi về Tây Phương thì ta cứ một lòng niệm Phật, một lòng cầu về Tây Phương. Một cơn bịnh đến ta mừng ta vui, vì ta trả cái nghiệp này trong ngày hôm nay thì ba tháng sau ta khỏi trả. Nếu ta trả căn bịnh ngặt nghèo trong tháng này thì tháng sau ta khỏi trả. Ta trả tất cả những cái chuyện đau đớn này thì lúc lâm chung ta khỏi đau đớn. Hiểu được vậy thì tự nhiên ta an nhiên đón nhận căn bịnh.
Xin chú ý cho kỹ điểm này, là ta an nhiên đón nhận căn bịnh của ta, chứ không phải ta cầu mong cho căn bịnh đến với ta. Hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Xin nhớ kỹ, chứ không thì dễ hiểu lầm chỗ này mà chúng ta lại có thể bị đại nạn. Có nhiều người sơ ý, khi tu hành thường phát ra những lời nguyện hết sức sai lầm! Ví dụ: “Nam Mô A-Di-Đà Phật, con nguyện sẽ trả cho hết tất cả những nghiệp chướng của con để con đi vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Con quyết tâm giải cho hết mọi ách nạn để rồi con được thành tựu”.
Đây là lời nguyện hoàn toàn sai lầm đối với một người niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ. Mà đúng ra nên nói rằng, ta an nhiên tự tại đón nhận căn bịnh. Căn bịnh nó đến nhiều ta an nhiên nhiều. Tâm ta định vào câu A-Di-Đà Phật. Xin nhớ, cái lực định này tự nó phá tan nghiệp chướng ngay lúc đó hồi nào không hay. Chứng tỏ được rõ rệt rằng, có nhiều người đau trên giường, các vị bác sĩ tới thăm, họ nghĩ rằng người này phải bị tê liệt, bán thân bất toại, nằm dài trên giường, không nói được, không đi được… thế mà họ đi ngù ngù vì tâm lực của họ nó quá mạnh. Cho nên mình phải nhớ, không nên tạo cái duyên cho cái nghiệp nó nở ra.
Làm sao không tạo cái duyên cho cái nghiệp khỏi nở ra?…
– Đừng sợ cái nghiệp,
– Đừng mong cái nghiệp,
– Đừng lo cái nghiệp,
– Đừng khổ vì cái nghiệp thì tự nhiên cái nghiệp nó nằm đó, nó chờ trong tương lai một kiếp nào đó nó mới hiện ra.
Trong thời gian chờ đợi tương lai hiện ra, thì ta đã được tương ứng với đại nguyện của đức A-Di-Đà Phật, đã về Tây Phương Cực Lạc rồi. Khi về tới Tây Phương Cực Lạc ta trở nên Bồ-Tát Bất-Thối-Chuyển, thần thông đạo lực vô cùng nhiệm mầu, bao trùm pháp giới. Ta dùng cái thần thông đạo lực đó vì chúng sanh chịu khổ mà xuống các quốc độ cứu độ chúng sanh. Lúc đó ta trả nghiệp nhưng không phải là ta xuống dưới địa ngục để chịu hành hình, mà ta trả nghiệp bằng cách dùng thần thông đạo lực và trí huệ của một vị Bồ-Tát Bất-Thối đi cứu độ chúng sanh, giảng kinh thuyết đạo dẫn chúng sanh đi về Tây Phương để mà trả nghiệp. Cách này hay vô cùng.
Chính vì thế, xin thưa, nghiệp nó đến với chúng ta là do chúng ta mời nó. Còn nếu chúng ta cứ một lòng một dạ:
– Duyên với Tây Phương Cực Lạc.
– Nghĩ A-Di-Đà Phật.
– Nhớ A-Di-Đà Phật.
– Niệm A-Di-Đà Phật.
– Nguyện về Tây Phương với A-Di-Đà Phật…
Thì tự nhiên cái nhân đi về Tây Phương đã chín mùi trong tâm chúng ta, nhờ do sức nguyện làm thành cái Duyên để nảy nở cho chúng ta cái Quả báo, Quả báo đi về Tây Phương thành đạo.
Chính vì vậy, khi mà mình biết được một chút tu hành rồi, mong cho tất cả chư vị cố gắng bắt đầu từ hôm nay, tất cả những căn bịnh nào đến, chúng ta hãy an nhiên tự tại lên, đừng sợ… Nhất định đời này đã có vận hạn rồi, không sao cả. Khi cái tâm chúng ta buông ra thì tự nhiên cái nghiệp nó cũng buông chúng ta ra, nó nằm im đó để cho chúng ta lấy cái Nhân “A-Di-Đà Phật” để thành cái Quả “A-Di-Đà Phật”, gọi là “Niệm Phật là Nhân thành Phật là Quả”.
Còn tất cả những nghiệp khác ta “Đới” nó. Đới là đem về Tây Phương. Đem về Tây Phương ta dùng thần thông đạo lực, biết hết trong vô lượng kiếp chúng ta làm gì, ta bắt đầu đi cứu độ chúng sanh để trả nghiệp. Đây là con đường rất là vi diệu, tuyệt vời của những người niệm Phật vãng sanh như chúng ta.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)
Tây Phương Cực Lạc Xin Về
Đứng trước Phật Đà ta thề
Không sự khổ nào ngăn nổi ta đâu!
Cho dù cảnh đời bể dâu
Nhất hướng chuyên niệm Phật A Di Đà
Dù cho thân thể nua già
Tâm này vững trãi hướng về Tây Phương
Đổi lấy thân thể kim cương
Sạch trong,rắn chắc không gì đẹp hơn
Trí tuệ lại là phần hơn
Lưu ly sáng chói chiếu rọi chân tâm
Lục trần chẳng thể nào xâm
Lục căn thanh tịnh tu hạnh Như lai
Phật Đà dạy nào có sai
Tu hành chân chính sẽ được an vui
Chớ sống cuộc đời điếc đui
Làm muôn điều ác sống đời u mê
Địa ngục máu chảy lê thê
Súc sinh ngu dốt,ngạ quỷ đói ăn
Nay đã có phước có căn
Hãy nên buông xuông để chuyên tu hành
Ở đời chớ nên tranh dành
Thật thà,khiêm tốn,chớ cầu lợi riêng
Niệm Phật,lễ Phật cho siêng
Tây Phương nơi ấy Phật Đà hằng mong
Sống đời tự tại thong dong
Lâm chung sẽ thấy Phật Đà chiếu soi
Vãng sanh là chuyện hiếm hoi
Tây Phương khó thấy Cực Lạc đi
Diệt sạch các niệm ngu si
Tham lam bỏ hết để về Tây Phương.
-Bảo Tín-
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật
Tôi có đọc, nghe, xem…về nhân quả, về báo ứng, về Phật…… Nhưng thực sự khi đó tôi cũng có phần sợ. Nhưng không tin lắm !
Chỉ đến khi dựa trên kinh sách, nghe giảng tìm hiểu, suy ngẫm, hành trì theo giáo lý, kinh giảng của Phật giáo về đối nhân, xử thế, về đạo đức, về học làm người, làm con, làm trò, làm bạn…..
Tôi mới thấy những chuyển hóa hữu ích vô cùng ngay trong cuộc sống của mình ở đời này, không phải những điều mơ hồ, thần thánh hóa… mà nhờ sự uyên bác, khoa học ngay trong giáo lý Phật dậy. Dần dần lòng tin của tôi trở nên sâu sắc vào con đường mà Phật đã mở ra cho con người.
Vì vậy theo thiển của tôi. Hãy tìm hiểu về Phật giáo, hãy nghe, đọc, học rồi suy ngẫm, hành trì. Chắc chắn sẽ thấy những chuyển hóa trong đời sống chính mình .
Nghiệp thiện hay nghiệp ác muôn đời giống như hàng vô thỉ những hạt giống gieo trong tàng thức. Ý của ta tác động tới hạt giống nào, nó sẽ nẩy mầm đó !
Ta không Tác để nghiệp chướng khởi !
Ta cũng không tránh nghiệp khi nghiệp khởi. Bởi đó là nghiệp chướng trong luân hồi sinh tử ta đã tạo ra. Ta hoan hỷ tiếp đón nó, dùng lòng tin ở Phật mà tác duyên chuyển hóa nó đi. Tâm ta sẽ an bình .
Giống như nếu tôi gặp bệnh tật hay tai nạn. Tôi tin đó là nghiệp chướng của mình. Không kêu ca oán thán. Bình tâm niệm Phật để lắng lòng mình. Để lòng tin của Phật giúp mình tỉnh táo hơn. Mạnh mẽ hơn đón nhận nó. Bình thản bước qua nó để cầu Phật gia hộ cho ta thêm tinh tấn, nương vào Trí Huệ của Phật để bước tiếp quy luật của số phận, hay buông xả mà đến nơi mà đời này, kiếp này ta đã mở nó ra. Có thể đó là về cõi Phật nếu ta có đủ duyên. Có thể là quay lại luân hồi nếu ta chưa đủ duyên với Phật như có phúc phần. Hoặc có thể đọa vào đường ác nào đó do nghiệp chướng ta vô tình gieo ra ….
Quan trọng hơn cả. Tâm ta có Phật. Hãy sống và chết với những Giáo Lý vô cùng uyên bác mà ta đã tìm được nơi giáo lý của Phật, dù chỉ tiếp thu được 1 phần rất nhỏ trong đó. Nhưng sẽ giúp ta vượt qua mọi trướng ngại trong kiếp người với sự an nhiên !
Mong các quý học giả và cư sĩ chỉ dạy thêm !
A Di Đà Phật, có thể tìm đọc quyển Niệm Phật Thập Yếu của Hòa Thượng Thích Thiền Tâm.
(Giới hương,định hương, giữ huệ hương,”Giải Thoát Giải Thoát TRI KIẾN ” hương,trên đây là bài kệ tịnh độ mổi ngày mà chúng ta thường đọc tụng, đây là 1 gia tài mà chư phật cho chúng ta….)./
-Chuc chư vị tinh tấn,vững tin.
A Mi Đà Phật. Đây cũng là bài pháp quý báu cho các vị cư sĩ trên đường tu tập tìm đường giải thoát ra khỏi luân hồi đi về Tây Phương Cực Lạc.
Có ai bị chướng duyên trên con đường tu tập không. Xin vui lòng chia sẻ kinh nghiệm với. A Mi Đà Phật.
Xin hoan hỉ giải đáp giùm tôi: Ở điều nguyện thứ 2 của Đức Phật A Di Đà, tại sao hàng nhơn thiên ở Cực Lạc còn phải thọ mạng chung nữa vậy?
Nam mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật Liên Hữu Thiện Phước.
Ðiều Nguyện thứ hai: Nếu con được thành Phật mà Trời, Người trong cõi nước con sau khi thọ chung còn phải sa vào đường dữ thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.
Câu hỏi của Thiện Phước có thể xem và tư duy lại nguyện thứ 15 để giải đáp được hay không nhe:
Ðiều Nguyện thứ mười lăm: Nếu con được thành Phật mà Trời, Người trong cõi nước con thọ mệnh còn có hạn lượng, (Quan trọng ở điểm này >>> trừ phi những bản nguyện riêng của họ muốn dài, ngắn đều được tự tại. <<< Nếu không được như vậy thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.
================================
Thật sự mà nói khi chúng ta còn có tâm thức (THAM – SÂN – SI) chấp phân biệt cảnh trần trong cõi Ta Bà là thiệt thì sẽ chiêu cảm bị sanh tử luân hồi chi phối cho nên dễ bị đoạ lạc vào ba đường khổ (ngạ quỷ, súc sanh và địa ngục).. Trong khi đó các vị trời người ở cõi Cực Lạc toàn là bậc thượng thiện nhơn đã nhập vào sự gia trì Oan Thần Lực của Đại Nguyện Phật A Di Đà thì làm sao còn có thể đoạ vào đường dữ nữa tuy họ có tâm nguyện riêng thọ mạng ngắn. Lý do tại sao họ muốn nguyện thọ mạng ngắn như thế nào thì Huệ Tịnh không dám suy đoán thảo luận. Đạo hữu có thể tham khảo qua các bậc Thầy chuyên tu pháp môn Tịnh Độ thì tốt hơn.
Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật
Gửi bạn Thiện Phước
Câu hỏi của bạn rất ý nghĩa. Điều nguyện thứ hai nguyên văn như sau: “Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi sau khi mạng chung còn trở lại ba ác đạo thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác”. (HT Thích Trí Tịnh dịch)
1. Trước hết chúng ta cùng phải hiểu: Cõi của đức Phật A Di Đà có nghĩa là gì? Nghĩa tương xứng với câu hỏi của bạn là Vô Lượng Thọ – Là cõi mà dân chúng thập phương khi sanh về nơi đó đều có thọ mạng vô lượng vô biên kiếp, giống như đức A Di Đà, nghĩa là thọ mạng đó chúng ta không thể dùng trí phàm phu hay con số toán học để tím đếm được.
2. Chúng sanh thập phương khi sanh về cõi Vô Lượng Thọ của Phật A Di Đà đều là Bồ tát bất thối chuyển, đều đã vĩnh ly sanh tử luân hồi, và đều sẽ thành Phật. Thân Phật là gì? Phật là pháp thân = thân tích tụ từ vô lượng vô biên công đức, vì thế pháp thân Phật là thường trụ chứ không có sự hoại diệt như thân phàm phu của chúng ta – thân được kết tụ bởi xương, gân, máu, thịt… thân này Phật Thích Ca gọi là thân vô thường, vì có sanh, có diệt.
Do vậy câu „hàng thiên nhơn nước tôi sau khi mạng chung“ là một câu mang tính biểu dụ – Mạng chung chúng ta phải hiểu: không phải là chết, là có sự sanh-diệt như đã nói trên, mà nói đến sự nhập diệt (nhập niết bàn) của hàng trời, người nơi cõi Cực Lạc – những người này (đã đạt quả vị Phật) nhưng vì hạnh nguyện độ thế của từng cá nhân mà thọ sanh các thân, hình, tướng trong các cõi nước. Tuy thọ sanh mà thực chẳng có sự thọ sanh nhưng vì độ sanh nên các ngài cũng phải thọ sanh giống như các chúng sanh trong các cõi nước đó (giống như Phật Thích Ca vì muốn độ sanh nơi cõi Ta Bà mà thọ sanh vào thai mẹ là hoàng hậu Ma Gia…) rồi các ngài cũng thị hiện có sanh, có diệt. Nhưng chữ sanh-diệt là hiểu theo nghĩa của người phàm chúng ta, chứ hàng Bồ tát bất thối (đã thành quả vị Phật, nhưng phát nguyện độ sanh nên hoá thân làm Bồ tát) đã không còn sự sanh diệt, vì thế tuy thân trong tam ác đạo nhưng tâm chẳng còn sanh-diệt (thanh tịnh tịch diệt) nên cũng chẳng bao giờ sanh vào tam ác đạo. Đây chính là điều tối cực từ bi, tối cực trí huệ, tối cực vi diệu và viên mãn của lời đại nguyện mà Pháp Tạng Tỳ Kheo đã phát nguyện khi còn hành Bồ tát đạo và thực tế thì đại nguyện đó đã trở thành sự thực, vì Phật A Di Đà đã thành vị Phật tối thắng nhất trong mười phương cõi Phật và những chúng sanh vãng sanh vào đó đều là Bồ tát bất thối chuyển…
Trong Kinh Đại Niết Bàn Phẩm Kim Cang Thân Thứ Năm khi ngài Ca Diếp Bồ Tát thấy đức Phật tuyên bố nhập Niết Bàn, ngài thấy hoài nghi vì Phật nói:“Này Ca Diếp! Thân Như Lai là thân thường trụ, thân bất hoại, thân kim cang chẳng phải là thân tạp thực. Chính là pháp thân”.
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: “Bạch thế tôn! Những thân của Phật nói đó con đều chẳng thấy, con chỉ thấy những thân vô thường, phá hoại, vi trần, tạp thực thôi, vì rằng đức Như Lai sắp nhập niết bàn”.
Phật dạy: “Này Ca Diếp! Ông chớ cho rằng thân của Như Lai hư hoại không bền, như thân phàm phu. Ông nên biết rằng thân Như Lai trong vô lượng ức kiếp luôn bền chắc không hư hoại, không phải thân người, thân trời, không phải thân sợ sệt, chẳng phải thân tạp thực. Thân của Như Lai chẳng phải thân mà là thân, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng tập chẳng tu, vô lượng vô biên, không có dấu vết, vô tri vô hình, rốt ráo thanh tịnh, không có lay động, không phải thọ hành, chẳng trụ chẳng làm, không mùi vị không xen tạp, chẳng phải hữu vi, chẳng phải nghiệp, chẳng phải quả, chẳng phải dời chẳng phải diệt, chẳng phải tâm vương tâm sở, chẳng thể nghĩ bàn, thường chẳng thể nghĩ bàn, không thức, rời tâm cũng chẳng rời tâm, tâm đó bình đẳng không có mà cũng có, không đến đi mà cũng đến đi, chẳng phá hoại, chẳng đoạn tuyệt, chẳng sanh diệt, không chủ mà cũng là chủ, chẳng phải hữu vô, chẳng phải giác quán, chẳng danh tự chẳng phải không danh tự, chẳng phải định chẳng phải không định, không thể thấy mà cũng thấy rành rành, không nơi chỗ cũng là nơi chỗ, không tối không sáng, không tịch tịnh mà cũng tịch tịnh, là vô sở hữu, chẳng nhận lấy chẳng ban cho, trong sạch không nhơ, không tranh đua, dứt tranh đua, trụ nơi vô trụ, chẳng chấp lấy chẳng sa mắc, chẳng phải pháp chẳng phải phi pháp, chẳng phải phước điền chẳng phải không phước điền, vô tận bất tận, lìa tất cả tận, là rỗng không rời rỗng không, dầu chẳng thường trụ mà cũng thường trụ, chẳng phải niệm niệm diệt, không có cấu trược, không danh tự rời danh tự, chẳng phải tiếng chẳng phải nói, cũng chẳng phải tu tập, chẳng phải cân lường, chẳng phải nhứt dị, chẳng phải hình tượng, chẳng phải tướng mạo mà đủ tướng tốt trang nghiêm, chẳng phải dõng mãnh, chẳng phải sợ sệt, không tịch chẳng tịch, không nhiệt chẳng nhiệt, không thể xem thấy không có tướng mạo.
Này Ca Diếp! Chỉ có Như Lai mới biết tướng ấy, chẳng phải hàng Thanh Văn Duyên Giác biết được. Những công đức như vậy thành thân của Như Lai, chẳng phải thân do tạp thực nuôi lớn. Này Ca Diếp! Chơn thân của Như Lai có công đức như vậy, đâu lại có các bịnh hoạn mỏng manh chẳng bền như đồ gốm chưa hầm kia ư? Sở dĩ Như Lai thị hiện có sự khổ là vì muốn điều phục các chúng sanh.
Nay ông phải biết thân Như Lai là thân kim cang. Từ ngày nay ông phải chuyên tâm suy nghĩ nghĩa ấy, chớ nghĩ là thân tạp thực. Cũng nên vì người mà giảng nói thân Như Lai tức là pháp thân”.
TN mạo muội trích lại đoạn Kinh vô cùng quan trọng này để chúng ta cùng có cơ hội hiểu được trọn vẹn về ý nghĩa Pháp Thân Phật. Khi hiểu chọn vẹn rồi chúng ta không còn phải nghi vấn, do dự, chao đảo rồi dẫn đến thối chuyển bồ đề tâm. Trái lại chúng ta cùng nhau sách tấn, củng cố niềm tin nơi chánh Pháp, niềm tin vào những lời Phật dạy, vào pháp môn Tịnh Độ để một đời: Tín-Nguyện-Hạnh, một đời cùng nhau ráng: nhìn thấu-buông xả-tự tại-tuỳ duyên-niệm Phật để được vãng sanh về Cực Lạc.
A Di Đà Phật
Tuyệt vời quá ạh. Nam mô A Di Đà Phật!!!