“Khế Lý” là hợp với “Lý Đạo”. “Khế Cơ” là hợp với “Sự Đạo”. Trong đó niệm câu A-Di-Đà Phật, phát tâm niệm Phật, là hợp với “Lý Đạo”. Trong kinh điển đức Thế-Tôn luôn luôn dặn chúng sanh trong thời mạt pháp này phải niệm Phật. Ngài Quán-Thế-Âm cũng dạy phải niệm Phật. Ngài Đại-Thế-Chí cũng dạy phải niệm Phật. Tất cả chư Bồ-Tát đều dạy chúng sanh trong thời mạt pháp phải niệm Phật! Như vậy, niệm Phật là “Khế Lý”, hợp với lý đạo. Niệm Phật là niệm ngay chơn tâm tự tánh chúng ta, vì đúng theo lý đạo thì chính cái chơn tâm chúng ta là Phật. Chúng ta niệm A-Di-Đà Phật là để cho chơn tâm tự tánh chúng ta khởi dậy, hiện ra, cũng giống như là một viên ngọc ở trong bùn, bây giờ chúng ta tìm cách bươi lên để cho nó phát quang ra. Cho nên, niệm Phật là hợp với Lý Đạo.
Còn mình triển khai phương pháp hộ niệm triệt để, thật kỹ càng là Khế Cơ, hợp với căn cơ. Tại vì chân tâm tự tánh chúng ta là Phật, nhưng ta vẫn là phàm phu không thành Phật được! Sở dĩ như vậy vì nghiệp chướng đã quá nặng, căn cơ của chúng ta quá yếu, tự mình niệm Phật để cho chơn tâm tự tánh hiển lộ không nổi! Nếu chúng ta sơ ý cho rằng, chơn tâm tự tánh chúng ta là Phật thì niệm Phật sẽ dễ dàng hiển lộ, dễ dàng chứng đắc, sẽ nhất tâm bất loạn… thì chẳng khác gì mình đang chờ mong nhìn thấy “Hoa đốm giữa hư không”. Danh từ “Hoa đốm giữa hư không” đức Thế-Tôn đã nói trong kinh Viên-Giác. Chính vì vậy, ta phải áp dụng phương pháp hộ niệm.
Tại sao phải áp dụng phương pháp hộ niệm? Vì ta niệm Phật không có khả năng được Nhất Tâm Bất Loạn! Muốn được nhất tâm bất loạn trong thời này thì nói thẳng rằng phải là hàng thượng-căn, thượng-trí, đại Bồ-Tát mới làm nổi. Ta không phải đại Bồ-Tát, cũng không phải là tiểu Bồ-Tát, mà lại là phàm phu chính hiệu nữa, thì chờ ngày cho nhất tâm bất loạn chẳng khác gì chờ thấy hoa đốm giữa hư không! Trên hư không làm gì có hoa trên đó? Chẳng qua là những đám mây lúc tan lúc hợp đổi thay vô thường!…
Ấy thế mà ngài Tịnh-Không nói, chúng ta không phải Bồ-Tát. Chúng ta chỉ là Bồ-Tát giả, nhưng biết thành tâm quyết lòng niệm Phật, thì Bồ-Tát giả này được A-Di-Đà Phật tiếp độ về Tây Phương, Bồ-Tát giả này thành Bồ-Tát thật. Mà Bồ-Tát thật ở trên cõi Tây Phương thì khi nhìn lên bầu trời trên cõi Tây Phương có những lộng hoa đẹp lắm! Hằng ngày có những lộng hoa rất to, rất đẹp, lơ lửng lơ lửng trên không. Mà lạ thay, lộng hoa đó cuống thì ở trên còn mặt hoa thì ở dưới, nhờ thế ở dưới mình nhìn lên mới thấy hoa. Rồi hoa đó cứ từng đốm, từng đốm, từng đốm, từng đốm rơi… rơi… rơi xuống dưới đất. Mình đi khi đạp lên thì nó lún xuống, khi mình giở chân lên thì tự nhiên cái hoa nó trở lại như cũ. Nó có sự đàn hồi. Đẹp vô cùng!…
Cho nên, ở đây mà nói hoa đốm giữa hư không thì phiêu phỏng hão huyền! Về trên Tây Phương mình thấy rõ rệt có hoa đốm giữa hư không, được chư Bồ-Tát cúng dường, A-Di-Đà Phật dùng thần lực của Ngài hóa hiện để cúng dường cho tất cả chúng sanh ở trên đó. Đẹp vô cùng.
Chính vì vậy, vấn đề khế cơ, tức là hợp với căn cơ rất quan trọng. Trong đó pháp hộ niệm là đại hợp căn cơ cho người tu học trong thời mạt pháp này. Vì sao vậy? Vì những người hạ căn hạ cơ như chúng ta, nếu không nhờ phương pháp hộ niệm này, nhất định một ngàn người tu, một vạn người tu, tìm không ra một người chứng đắc! Đây là lời Phật dạy.
Chính vì thế, xin chư vị khi bắt đầu niệm Phật, hãy khởi cái tâm ra, hãy phát cái tâm thật vững vàng, quyết định một đời này về tới Tây Phương Cực Lạc. Nhất định đừng nghĩ rằng:
– Mình tu, để kiếm chút phước. Nhất định những câu nói này sai lầm!
– Đi tu, để tìm chút vui vẻ. Nhất định những câu nói này sai lầm!
– Đi tu, tới chùa người ta tu sao mình tu vậy. Nhất định những câu nói này sai lầm!
Vì toàn bộ những lời nói này không ứng hợp lý đạo, không ứng hợp căn cơ. Lý đạo không hợp, vì đức Bổn Sư Thích-Ca-Mâu-Ni Phật dạy chúng ta niệm Phật để vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Nếu ta phát tâm vững mạnh nhất định đời này ta phải đi về Tây Phương Cực Lạc thì ta ứng hợp lý đạo, đúng theo lời dạy của đức Bổn Sư Thích-Ca-Mâu-Ni Phật. Ta quyết lòng đi về Tây Phương Cực Lạc là hợp với đại nguyện của đức A-Di-Đà Phật, ta mới về được Tây Phương Cực Lạc để thành đạo Vô-Thượng.
Nếu hàng vạn người bên ngoài nói rằng tu cho vui, mình cũng tu cho vui, thì nhất định không hợp lý đạo. Người ta nói bữa nay tu cái này cho lạ một chút, ngày mai tu cái kia cho lạ một chút, thì nhất định đã sai với căn cơ. Tại vì, đi không có đường, về không có hướng! Nhất định sau cùng khi nằm xuống, tức là lúc trước khi chết, sẽ phân vân vô cùng, mơ hồ vô cùng! Không biết đường nào đi? Chắc chắn ta phải tùng nghiệp thọ báo. Oan gia trái chủ nhất định sẽ cản ngăn tất cả những con đường giải thoát, bắt buộc ta phải chịu nạn! Xin chư vị chú ý điểm này.
– Hợp Lý là Khế Lý.
– Hợp Cơ là Khế Cơ.
Có nhiều người vì không để ý chuyện này, thường chỉ nêu lên vấn đề “Khế Lý”, đem những lý đạo cao siêu giảng cho hàng chúng sanh mê muội như chúng ta. Ngài Ấn-Quang nói:
– Giảng kinh thuyết đạo mà không hợp với căn cơ, không những không đem ích lợi gì cho chúng sanh, mà còn làm cho họ vọng tưởng.
Vì khi giảng về lý đạo thì nghe hay lắm! Vì hay quá nên dễ đam mê! Mê vào trong đó mà thực sự thì làm không được! Làm không được thì cũng giống như ở cõi Ta-Bà này cứ cố hướng mắt nhìn lên trên mây để tìm hoa đốm. Trên đó hoa đốm đâu có mà tìm? Chỉ thấy những đám mây kết lại, thành những hình ảnh vô thực hão huyền, lúc tan lúc hợp, huyễn mộng vô thường! Không thể nào thành tựu được!
Trở lại vấn đề khế cơ là hộ niệm. Xin chư vị cố gắng nghiên cứu thật nhiều về pháp hộ niệm. Xin nói thật, không có nơi nào nói về hộ niệm nhiều, đầy đủ, mà còn chi tiết như ở Niệm Phật Đường A-Di-Đà này.
Tại sao cần hộ niệm? Tại vì trong suốt thời gian niệm Phật này, nghiệp chướng của mình phá không được, cái tâm của mình cũng chưa vững, sự tham chấp của mình vẫn chưa rời ra! Nên khi mình nằm xuống những thứ đó nó quyện lấy mình, không cách nào tự mình có thể giải tỏa được. Chính vì vậy nhờ người hộ niệm ở bên cạnh, người ta nhắc nhở mình:
– Chị ơi! Hồi giờ chị thương đứa cháu lắm phải không? Nhất định, nếu bây giờ chị còn thương đứa cháu, thì vì đứa cháu mà chị bị đọa lạc. Mau mau xả liền. Nếu không xả thì vô tình vì đứa cháu mà chị đọa lạc. Đứa cháu đó gián tiếp làm cho chị đọa lạc, nên nó cũng liên quan chịu nạn luôn. Như vậy thương đứa cháu, nhưng mà thương như thế nào cho đúng? Phải niệm Phật để về Tây Phương. Về Tây Phương thì khi đứa cháu mình lâm chung, mình trở về đây tìm cách hộ niệm cho nó, cứu nó về lại Tây Phương. Cứu nó tức là mình thương đứa cháu đó.
Mình tham tiền bạc? Lúc đó, người hộ niệm nói:
– Chị ơi! Bây giờ tiền bạc không cứu được chị nữa rồi. Phải buông ra. Nếu mình đang cho ai vay 20.000 đô-la, hãy mạnh dạn liệng đi. Nếu không muốn liệng, thì hãy thông báo cho con cái biết đi, để chúng nó tìm người đòi lại cho chị. Nếu nó đòi không được mình cũng phải liệng đi nhé, mình tha cho người ta đi, mình cho người ta đi. Cho tiền thì khỏi bị tai nạn, gọi là “Tản tài tiêu tai”. Tiêu tai là mình khỏi bị chướng nạn. Nhờ cái phước đó mà mình được về Tây Phương. Hãy mạnh dạn buông ra.
Pháp hộ niệm là phương pháp dạy chúng ta tập tính buông xả chuyện thế gian ra. Buông cho càng nhiều ra, ráng mà buông ra.
Hôm trước gặp bác Hội, Bác đang lập cái Niệm Phật Đường. Tôi hỏi, sao rồi Bác? Bác nói:
– Trời ơi! Phước báo tôi không có, bây giờ lập lên nó khổ muốn chết luôn! Khổ muốn điên cái đầu luôn!.
Rõ ràng, lập lên một cái Niệm Phật Đường, khó dữ lắm chư vị ơi! Không phải là đơn giản đâu à! Mình tới tu thì không sao, mà người lập đó thì gặp nhiều khó khăn lắm! Khó như vậy thì bây giờ làm sao? Khi nằm xuống, cái Niệm Phật Đường cũng phải buông luôn. Được như vậy thì mới về Tây Phương được. Chính vì vậy, chư Tổ nói, “Đến lúc nằm xuống thì vạn duyên cũng phải buông”. Chúng ta muốn vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc thì bây giờ vạn duyên phải buông, buông cho nhiều đi, để sau cùng thì còn những gì sơ suất, ban hộ niệm sẽ giúp cho mình…
– Mình thương cái gì, người ta gỡ ra.
– Mình ghét cái gì, người ta gỡ ra.
– Mình còn bận tâm cái gì, người ta năn nỉ mình… người ta vỗ về mình… rồi người ta niệm Phật bên cạnh mình.
Lúc đó mình mới mạnh dạn, kiên cường, không sợ đau, quyết lòng niệm câu A-Di-Đà Phật. Nhất định, xin thưa thực, chỉ cần niệm mười câu Phật hiệu thôi chúng ta đi về Tây Phương.
Đây là con đường chúng ta thành đạo! Xin chư vị hiểu được những điều này, quyết lòng tới đây thực tâm niệm Phật để vãng sanh về Tây Phương. Con đường tu thẳng tắp như vậy, đừng nên chao đảo, đừng nên lơ là…
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)
Cư sĩ Diệu Âm ơi,con cảm ơn cư sĩ rất nhiều vì những bài viết hay vô cùng,mỗi một bài viết của cư sĩ đều rất thấm thía,…và thực sự là Cư sĩ rất tha thiết khuyên người phải niệm Phật ngay,…cư sĩ rất tha thiết khuyên người cách niệm Phật…tha thiết khuyên người lối đi sao cho đúng…
Thực sự con muốn khóc lắm nhưng không sao khóc ra nước mắt được vì con ngu quá,nghiệp con dày quá,…đọc những bài viết của cư sĩ với những lời khuyên khẩn cấp tha thiết như vậy,…mà sao tâm con vẫn cứ nhểnh nhảng ,vẫn không nhận ra vậy!con muốn thóat lắm nhưng…vẫn không thấm rõ được cái thân vô thường,…vẫn không thấm rõ là mình đang gặp nguy!…khổ quá…con ngu quá,…tuy có mắt mà như mù!.hôm nay con niệm phật cảm thấy ổn rồi,..con cảm thấy tâm mình lắng xuống rồi,…mai tiếp xúc bên ngòai lại thế khác,tâm lại bị lôi kéo…ngụp lặn thay phiên,lúc tiến lúc lùi…chắc khi nào sống khổ quá…khi nào con bị bệnh gần chết…khi nào vô thường đến,..thì con mới thấm thía,mới nhìn rõ rành rành chân tướng sự thật!…nhưng như thế thì muộn rồi!…niệm Phật câu nào mà được nhiếp tâm là con sung sướng lắm và cũng thấy chút chút may mắn vì … k phải lúc nào con cũng nhiếp tâm được 100% hết…
Con xin phép được tâm sự mấy lời như vầy.:)
Nam Mô A Di Đà Phật.