Niệm Phật Không Nên Cầu Được Nhất Tâm Bất LoạnChúng ta là người hạ căn hạ cơ, mà hạ căn hạ cơ thì chuyện hộ niệm rất quan trọng. Hộ niệm chính là dành cho những người không có khả năng chứng đắc, nói đúng theo danh từ của người niệm Phật, tức là không có khả năng đạt đến cảnh giới “Nhất tâm bất loạn”. Chứ nếu chúng ta có thể đạt được cảnh giới “Nhất tâm bất loạn”, thì không cần hộ niệm nữa. Nói rõ ra, pháp hộ niệm chỉ dành cho những người rất dở, gọi là dở thậm tệ! Chúng ta xin tự nhận là những người dở thậm tệ, nên phải chú ý đến điểm này.

Cách đây cũng mấy năm, có một người tới nói với tôi như thế này:

– Bây giờ chúng ta phải quyết lòng tu một thời gian, cho đến khi nào mình có năng lực đã. Khi thấy có năng lực rồi thì tôi sẽ đi ra làm đạo, cứu người.

Nghe nói vậy thì tôi nói:

-Tốt! Rất là tốt! Có chí khí!

Nhưng mà trong tâm của tôi thì thầm nêu ra câu hỏi:

– Ủa!… Chứ chừng nào anh mới có đủ năng lực vậy?

Chỉ thầm nghĩ như vậy chứ không dám nói ra. Khi tu hành mà tự nhận mình có năng lực, thì chưa biết cái năng lực đó đúng hay sai? Chưa biết! Nhưng theo lời khai thị của các vị Tổ Sư, thì chúng ta đã đi ngược lại với lời dạy của các Ngài rồi. Các Ngài luôn luôn dạy chúng ta càng tu càng phải khiêm nhường, càng tu càng thấy mình còn phàm phu, tội chướng sâu nặng. Mà càng thấy mình tội chướng sâu nặng rồi, thì làm sao dám đặt vấn đề là đến một ngày nào đó tôi sẽ có năng lực!… Năng lực gì đây?

Cách đây cỡ chừng sáu năm, có một vị tu rất tốt! Rất tinh tấn! Một ngày hành trì của vị này cỡ 16-17 tiếng đồng hồ niệm Phật. Thật không phải dễ! Vị này đã tuyên bố mình chứng đắc và định được ngày giờ vãng sanh, rồi đã thông báo cho nhiều người biết rằng A-Di-Đà Phật đã chính thức thọ ký rồi. Vị này cũng lập ra một chương trình cho đại chúng tu học: Mười ngày thì ngửi được hương thơm. Bốn tới năm tuần thì nghe được âm thanh niệm Phật từ trong tâm phát ra. Khoảng một đến hai tháng, khoảng thời gian như vậy thì thấy được ánh sáng, quang minh… Vị đó đã đưa ra một chương trình tu học trong vòng ba năm nhất định được “Nhất tâm bất loạn”, chắc chắn được vãng sanh. Vị đó tuyên bố rằng:

– Tôi sẽ lấy chính cái năng lực của tôi, cái chứng đắc của tôi để chứng minh cho chư vị biết.

Sự việc có như vậy…

Đến ngày giờ đã định để vãng sanh, thì… làm thinh? Không chịu vãng sanh! Vị đó ra tuyên bố rằng, A-Di-Đà Phật đã thông báo cho tôi biết ngày đó Ngài bị bận… nên không tới tiếp dẫn được. Ngài hẹn lại một tháng sau…

Thì một tháng sau nó cũng đến liền, rồi sự việc cũng im lặng như tờ. Vị đó lại thông báo lại, nói rằng, tại vì trong thời gian qua quý vị làm ồn ào quá, tôi báo cho chư vị biết mà chư vị đi nói lung tung, nên A-Di-Đà Phật quở trách. Ngài phải dời lại cuộc vãng sanh hai tháng.

Rồi hai tháng nữa, sự việc cũng im lìm. Người đó lại nói, tại vì có một chút chuyện, nên bây giờ Ngài lại dời thêm hai tháng nữa. Chắc chắn?!…

Sự thực là đến bây giờ người đó vẫn còn sống… mà kèm theo cái sống đó… trở ngại chập chùng!…

Xin thưa, đây là những chuyện có thực xin nói lên để nhắc nhở cho nhau biết rằng, tu hành phải hết sức cẩn thận. Tại vì “Nhất tâm bất loạn” là cái đỉnh lý tưởng chứng đắc của người niệm Phật. Chư Tổ đều nói chúng ta cố gắng niệm Phật cho “Nhất tâm bất loạn”. Đó là cái mẫu chung, nhắc nhở cho mình tinh tấn tu hành, chứ không phải các Ngài bắt buộc mình phải nhất tâm bất loạn mới được vãng sanh. Nếu A-Di-Đà Phật đã phát ra một lời thề, những người niệm Phật phải “Nhất tâm bất loạn” thì ta sẽ tiếp dẫn về Tây Phương Cực Lạc, thì ta mới quyết lòng, chết sống gì đi nữa, muốn đi về Tây Phương ta cũng phải niệm Phật cho “Nhất tâm bất loạn”. Còn ở đây Ngài không nguyện như vậy. Ngài nguyện rằng, dẫu cho những người có nghiệp chướng sâu nặng mà chỉ cần thành tâm sám hối, thành tâm cung kính niệm danh hiệu của Ngài với Tín-Hạnh-Nguyện đầy đủ, tha thiết nguyện vãng sanh, thì dẫu cho trước khi xả bỏ báo thân niệm được mười tiếng, Ngài sẽ tiếp độ về Tây Phương Cực Lạc.

Như vậy, lời nguyện của Ngài không có bắt buộc chúng ta phải niệm cho đến “Nhất tâm bất loạn”. Nói như vậy, không có nghĩa là chúng ta ngăn cản những người có khả năng niệm Phật “Nhất tâm bất loạn”. Chỉ xin nhắc nhở cho chúng ta nên nhớ một điểm, “Nhất tâm bất loạn” là một cảnh giới chứng đắc. Sự chứng đắc này không phải tầm thường, mà tương đương với “Minh tâm kiến tánh, Kiến tánh thành Phật”, là những vị đã vượt qua “Chấp Trước”, vượt qua “Phân Biệt”, có thể phá từng phẩm vô minh, chứng từng phần pháp thân, gọi là “Phần Chứng Tức Phật”, cảnh giới của những vị đại Bồ-Tát ở cõi Hoa-Nghiêm chứ không phải tầm thường. Có nhiều người sơ ý, tự xưng này xưng nọ… và danh từ này trở thành món mồi quá ngon cho những người hiếu kỳ, đưa họ đến chỗ vô cùng nguy hiểm!

Có một vị nữa, Diệu Âm xin kể những chuyện có thực, nếu mà các vị đó nghe những lời này thì cũng xin tha thứ Diệu Âm. Diệu Âm lấy những chuyện có thực này để nhắc nhở cho chúng ta biết con đường an toàn, để giúp nhau vãng sanh Tây Phương, giúp cho chúng sanh có duyên tránh được những ách nạn, để họ thoát được những cảnh khổ của sự vô thường này, (chứ không phải bươi móc chuyện cá nhân).

Vị đó tu rất tốt và tự xưng rằng đã đột phá cảnh giới Hoa-Nghiêm rồi. Vị đó có một năng lực đặt biệt làm cho nhiều vị khác phải phủ phục tôn làm sư phụ. Đó là sự thật! Vị đó có một cái… hình như giống như là Thiên-nhĩ thông vậy. Có một lần vị đó ở cách đây trên một trăm cây số mà nghe được tiếng của Diệu Âm này mỗi sáng tụng kinh. Quý vị tưởng tượng đi, trên một trăm cây số, gần 150 cây số mà nghe được. Có một lần vị đó trở về Brisbane, tới thăm Diệu Âm và nói rằng:

– Tôi mỗi sáng đều nghe tiếng anh tụng kinh, nhưng tuần qua tôi không nghe tiếng anh tụng Kinh nữa. Tôi vào trong định để quán thì thấy hào quang của anh phóng tới và trong hào quang đó tôi biết anh bị bịnh. Cho nên hôm nay tôi về tôi thăm anh.

Rõ ràng, đúng là tuần qua chính Diệu Âm này bị bịnh. Nếu lúc đó mà Diệu Âm cũng có chút hiếu kỳ, cũng tham chứng đắc, thì có lẽ đã quỳ xuống bái làm sư phụ. Nhưng khi nghe “Ngài” đó nói như vậy thì giựt mình! Vì chính mình hiểu mình rõ hơn ai hết. Rõ ràng mình là một phàm phu tục tử, bịnh lên bịnh xuống, nhức đầu muốn chết luôn, làm gì mà mình có quang minh? Rõ rệt không? Làm gì mà mình có quang minh?… Diệu Âm mới nói:

– Bây giờ tới đây, mình ở gần Hòa Thượng Tịnh-Không, là một vị cao tăng đức độ. Tại sao mình không đem điều chứng đắc gì của mình đó trình với Ngài, bạch với Ngài, xin Ngài một lời khuyên và nhờ Ngài giảng trạch cho…”.

Thì vị đó hình như không bằng lòng mấy! Nói rằng, Hòa Thượng Tịnh-Không đang giảng kinh Hoa-Nghiêm, nhưng mà Ngài có một cái kẹt nào đó nên chưa khai kinh được! Chắc có lẽ đây là cái duyên cho tôi đến để khai kinh cho Ngài chăng?!!!…

Quý vị tưởng tượng đi? Thì sau đó có một dịp vị đó tới gặp Hòa Thượng… mới gặp có 5 phút, Hòa Thượng đã mời ra khỏi đạo tràng. Ngài nhất định không thay đổi ý kiến.

Xin thưa với chư vị, mình nói đây không nên nêu tên nêu tuổi, nhưng mà thực ra thì có rất nhiều người đã lầm lẫn! Lầm lẫn giữa “Lý” và “Sự”. Lầm lẫn giữa “Lý đạo nhiệm mầu của Phật” và “Căn cơ thực chất của mình”. Chỉ vì tâm của mình chưa có định lực, nên thường hay háo kỳ. Chính vì cái háo kỳ đó mới nảy sinh ra những vọng tưởng. Cái vọng tưởng đó nếu không có người khai giải thì nó càng ngày càng trưởng dưỡng, càng phát triển, đến một lúc nó phát triển ngoài cái tầm kiểm soát của chính mình, đưa đến chỗ là cái vọng tưởng đó chi phối tâm trí mình luôn. Không phải là chuyện dễ đâu!…

Có những người khi tu hành niệm Phật như thế này, năm này qua năm khác, sao thấy mình không được chứng đắc gì cả? Cái tâm của mình sao vẫn còn lộn xộn! Mà sao vị kia nêu lên một cách hành trì khác chỉ cần một tuần, hai tuần thì tâm hồn tự nhiên an tịnh, được đắc này, đắc nọ… Tìm hiểu thì họ nói cũng giống như lời Phật nói, họ nói cũng giống như lời Tổ nói!?… Thấy thích thú quá!

Thực ra, cũng là lời Tổ nói. Nhưng lời Tổ thì đang nói trên cảnh giới của Chơn Tâm Tự Tánh, mà khi áp dụng thì ta lại áp dụng cho những người, xin thưa thực, chính ta làm chưa được, mà cứ đem ra áp dụng cho những người nghe đó, thì làm sao những người đó áp dụng cho được? Áp dụng không được mà lại xúi người ta làm, vô tình xúi tới chỗ vọng tưởng!

Chính vì vậy, nương theo những sự cố vừa mới xảy ra ở trong nước cũng như ở trên thế giới, tình thực Diệu Âm đã gặp nhiều chuyện trên thế giới lắm, nhiều lắm không phải ít đâu, cũng hai mươi mấy vụ như vậy, hoàn toàn từ chỗ này mà phát sinh ra. Nhận thấy đây là con đường nguy hiểm quá! Mong cho chư vị đồng tu ở đây, chúng ta cứ một lòng Thành Tâm – Kính Cẩn – Khiêm Nhường để niệm Phật, đừng nên móng tâm mong cầu một cách sơ suất. Nên nhớ, khi đã bị vướng vào đó rồi thì không cứu được! Nhất định không cứu được! Những kinh nghiệm này xin thố lộ ra để cho chúng ta cùng nhau đi con đường an toàn, chầm chậm, vững chắc. Luôn luôn nương theo đại thệ của đức A-Di-Đà, nương theo chư Long-Thiên Hộ-Pháp, chư đại Bồ-Tát gia trì bảo vệ thì chúng ta mới an tâm được để vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Nhất định nên nhớ rằng, ta vãng sanh là do lòng Chí Thành Chí Kính mà được các Ngài tiếp độ, chứ không phải là sự chứng đắc. Mong chư vị nhớ kỹ điều này để đường đi không bị trở ngại.

A-Di-Đà Phật.

Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)
Ảnh minh họa: phapamthuongchuyen.com