Tất cả chư Tổ, vị nào cũng cẩn thận đến vấn đề khẩu nghiệp. Các Ngài luôn luôn nhắc nhở chúng ta, tu hành cần phải cố gắng tịnh khẩu lại. Khẩu mà tịnh được thì tâm chúng ta mới tịnh được. Mà tâm tịnh được thì công phu mới thành tựu và công đức mới có. Trong mười điều ác đức Thế-Tôn đưa ra, thì khẩu nghiệp nó chiếm gần một nửa. Mười điều thiện để cho chúng ta làm phước làm đức, thì cái miệng của chúng ta nó chiếm gầan một nửa. Cho nên khi bắt đầu quyết định tu hành, nhất định chúng ta phải cẩn thận về khẩu nghiệp, vì đây chính là cái cửa ngõ nó tuôn hết công đức của chúng ta ra.
Khi mình vào một Thiền Đường, nếu đúng là một Thiền Đường, thì mình thấy chư vị luôn luôn giữ im lặng. Đi, các Ngài đi nhẹ nhàng. Đứng, các Ngài cũng đứng nhẹ nhàng. Ngồi, các Ngài ngồi im lặng như tờ, ngón tay không dám động đậy, đừng nói chi là mở lời ra nói. Nếu mình vào trong một mật thất của Mật Tông, chúng ta sẽ thấy các Ngài tịnh khẩu niệm chú, niệm mà câu chú vang ra rào rào giống như là tiếng gió thổi, không còn là tiếng niệm nữa. Khi vào một cái Niệm Phật Đường, nếu thật sự là một Niệm Phật Đường, thì xin thưa với chư vị, mình thấy người niệm Phật khi đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín… đều ở trong câu A-Di-Đà Phật.
Chúng ta đừng nghĩ rằng…
– Một người đang thái rau trong nhà bếp người ta không niệm Phật. Không phải! Thái rau nhưng người ta đang niệm Phật trong đó.
– Trong khuôn viên Niệm Phật Đường, có người đang nhổ cỏ. Nhổ cỏ, nhưng người ta đang niệm Phật trong đó.
– Một người đang quét nhà. Quét nhà, nhưng người ta đang niệm Phật trong đó.
Nếu mà chúng ta tới bên cạnh người đó nói chuyện, người đó sẽ không niệm Phật được. Nếu mình không để ý, cứ tưởng rằng nói vài lời cho vui tươi, thoải mái, đem chuyện thế gian ra kể một vài câu cho đỡ buồn … vô tình chúng ta đã làm mất rất nhiều phước mà không hay. Chính vì vậy, có nhiều vị ở trong Niệm Phật Đường thường hay nhắc nhở với tôi rằng, hãy chú ý vấn đề nói chuyện.
– Nói với chị đó đừng tới nói chuyện, trong khi tôi đang nấu cơm.
– Nói anh đó đừng tới nói chuyện, trong khi tôi đang nhổ cỏ.
– Nói người đó đừng nói chuyện, trong khi tôi đang niệm Phật.
Thật sự có người nhắc đến, nhưng chưa có dịp để nói ra chuyện này. Hôm nay nhân buổi tịnh khẩu niệm Phật, xin đại diện cho Niệm Phật Đường chúng tôi xin nói ra vấn đề này. Thường thường các vị đồng tu vì vị nể, không dám nói. Người ta muốn thanh tịnh niệm Phật, mình lại tới nói chuyện, chẳng lẽ người ta bảo mình đừng nói chuyện được sao? Thật sự là người ta đang niệm Phật, mình lại tới cản trở sự niệm Phật của họ, mình bị mất nhiều công đức.
Trong thế gian cũng có câu: “Bệnh từ miệng nhập, tội từ miệng xuất”. Nhất là trong một Niệm Phật Đường trang nghiêm, xin chư vị cố gắng tế nhị về chuyện này, tìm cách giảm bớt được chuyện nào hay chuyện đó. Chư Tổ nói: “Bớt đi một câu chuyện, niệm thêm câu Phật hiệu. Đánh chết tập khí này, cho chân tâm hiển lộ”. Tất cả ở một đạo tràng trang nghiêm nào, một vị Sư nào, một vị Tổ nào cũng đều nhắc nhở chúng ta về chuyện tịnh khẩu. Chúng ta vâng lời, “Y Giáo Phụng Hành” lời dạy của các Ngài. Chính chúng ta cũng hiểu được rằng, cái miệng của mình nó phá quá nhiều công đức!…
Cho nên chúng ta tập hành theo các Ngài mà lập ra một ngày 24 tiếng đồng hồ tịnh khẩu. Khi tịnh khẩu, giả như lúc đó trong Niệm Phật Đường không có một ai, chúng ta cũng không nên mở lời lên nói, mà hãy nhiếp tâm vào câu A-Di-Đà Phật. Quý vị nên biết rằng, khi đã sinh ra trong thời mạt pháp này, cái nghiệp chúng ta nó lớn lắm! Vì mình không để ý đó thôi, chứ để ý một chút là thấy liền. Thấy ở chỗ nào?
– Vào trong bệnh viện, sẽ thấy liền!
– Đi ra ngoài nghĩa địa, sẽ thấy liền!
– Đi vào trong các nhà quàn, sẽ thấy liền!
Thấy những gì? Hằng ngày, hằng giờ người ta chết đi vào con đường đoạ lạc! Chắc chắn như vậy! Khi biết được như vậy rồi, thì rõ ràng ta cần phải tịnh khẩu tu hành. Ráng cố gắng giảm bớt được câu chuyện nào cứ giảm, để dành thời gian niệm Phật. Thấy một người đang cắm hoa, người ta cắm hoa nhưng mà họ đang âm thầm niệm Phật trong đó, mình không nên tới đứng bên cạnh nói chuyện. Nếu mình nói chuyện thì người ta không niệm Phật được. Người ta không niệm Phật được thì họ không tạo công đức được! Còn mình nói chuyện thì phá mất công phu của người ta. Phá công phu của người ta thì mình mất công đức. Mất công đức thì nhiều nghiệp chướng sẽ đến với mình. Chính vì vậy, người nói chuyện nhiều thường tu không được.
Vì vậy, ở tất cả những đạo tràng trang nghiêm đều nhắc nhở chuyện này. Mỗi lần chúng ta nhắc một chút, mỗi lần chúng ta nhắc một chút. Vì thực sự, chư vị ơi! Đọa lạc quá dễ dàng! Mà giải thoát thì quá khó khăn! Đã quá khó khăn giải thoát mà chúng ta còn tự dễ dàng cho mình nữa, thì không còn cách nào để mong thành tựu được.
Như hôm qua chúng ta có nói chuyện về vấn đề công cứ. Có những người lập hạnh niệm hai mươi lăm ngàn câu Phật hiệu, thì công phu cao. Có những người lập hai mươi lăm ngàn không được, thì lập mười ngàn. Lập mười ngàn không được, thì lập năm ngàn. Lập năm ngàn không được thì lập hai ngàn… Công phu khác nhau, nhưng có lập công cứ còn hơn không có công cứ. Đừng sợ rằng, hôm qua ta được niệm mười ngàn, nhưng hôm nay niệm chỉ được sáu ngàn, như vậy ta sẽ bị tội! Không! Không có gì là tội cả. Có sáu ngàn câu A-Di-Đà Phật thì chúng ta có sáu điểm. Có mười ngàn thì có mười điểm. Có bữa vì bận chuyện gì quá chỉ niệm được hai ngàn, thì hai ngàn chúng ta có hai điểm. Hai điểm còn hơn những người không có điểm nào.
Như vậy rõ ràng là chúng ta tự nguyện trói mình với câu A-Di-Đà Phật. Để chi? Để cho bánh “Xe Nghiệp” chúng ta lăn, phải cho cái nghiệp chúng ta lăn, lăn đến chỗ giải thoát. Nếu “Xe Nghiệp” này đã nặng quá, mà còn trì trệ lại đây, không chịu tiến về con đường giải thoát, thì nhất định đời đời kiếp kiếp chúng ta sẽ chịu nạn!…
Đời này đã mạt pháp rồi, nếu luống qua một đời này, tức là cuộc đời tu hành này chúng ta không giải thoát được, nghĩa là không vãng sanh về Tây Phương được, thì xin thưa, chắc chắn rằng vạn kiếp sau, gọi là “Bá thiên vạn kiếp”, không cách nào mà có thể gặp lại câu A-Di-Đà Phật.
Vì sao vậy?…
– Tại vì đời mạt pháp,thì một đời phải xấu hơn một đời!
– Tại vì đời mạt pháp,thì một kiếp phải xấu hơn một kiếp!
– Tại vì đời mạt pháp,thì những đời sau của chúng ta nhất định sẽ khổ hơn đời này! Nghiệp chướng của chúng ta trong đời sau nhất định phải lớn hơn trong đời này.
Thế nên, đời này mà giải thoát không được, đừng bao giờ hy vọng tới đời sau.
Cho nên chúng ta tịnh khẩu niệm Phật là vì thương cái huệ mệnh của chúng ta mà tịnh khẩu, chứ không phải vì cái giới luật của đạo tràng này ban ra ép buộc chúng ta phải tịnh khẩu. Hiểu được như vậy rồi thì một ngày tinh tấn niệm Phật, thật sự mình thấy vui vô cùng. Những người nào thật sự là người chân tu, chân chánh tu hành, thì họ sẽ rất trân quý những cơ hội này để niệm Phật. Còn nếu chỉ là người muốn tu thử, tu chơi chơi, tu giỡn giỡn… thì những ngày giờ này sẽ chán ngán lắm, khổ sở lắm! Và có thể rằng, một ngày nào đó họ sẽ thối lui! Mà một khi đã thối lui, chắc chắn phải thối luôn vào những cảnh đọa lạc, không bao giờ có thể ngoi lên được! Vì sao vậy? Ức ức người tu hành, làm sao tìm cho ra một người giải thoát, trong đời mạt pháp này…
Ấy thế mà đức Bổn Sư Thích-Ca-Mâu-Ni Phật dạy, quý vị cứ niệm Phật đi, quý vị hãy nương theo pháp niệm Phật đi, nhất định quý vị sẽ thoát vòng sanh tử luân hồi. Tại sao? Tại vì đại thệ của A-Di-Đà Phật sẵn sàng đón tiếp chúng ta về Tây Phương Cực Lạc để thành đạo. Các Ngài không đòi hỏi chúng ta điều gì cao siêu, chỉ đòi hỏi chúng ta Thanh Tịnh, Chân Thành, Buông Xả thế gian ra. Nói thêm một câu chuyện, mất đi bao nhiêu phước đức. Niệm một câu A-Di-Đà Phật thêm biết bao nhiêu công đức. Phải đánh chết cái tập khí thế gian, quyết lòng không nói lỗi người khác, quyết lòng không nói chuyện đời, quyết lòng không nói người này xấu người kia tốt. Để chúng ta đánh cho chết cái tập khí này đi. Vì không đánh chết tập khí này, thì A-Di-Đà Phật cứu ta không được.
Xin thưa với chư vị, ráng cố gắng, quyết lòng tới đây niệm Phật, tịnh khẩu. Rõ ràng đây là cơ hội cho chúng ta tiếp nhận quang minh của A-Di-Đà Phật. Giữ tâm ta trong câu A-Di-Đà Phật, nhất định trong một đời này, chúng ta về thẳng Tây Phương Cực Lạc để thành đạo!…
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)
Chúng tôi thường định trí và niệm Phật. Có người khuyên nên tập Thiền nhưng nghĩ phải có Thầy chỉ dẫn cặn kẻ, đúng thì mới tập. Còn không thì tịnh khẩu
niệm Phật, câu nào ra câu đó tránh tạp tưởng nhập vào tâm trí khi đang niệm Phật.
Niệm 5 câu hay 10 câu hoặc dài hơn nữa càng tốt.
Ráng giữ không để bị tạp niệm xen vào.
Căn cơ thấp tu theo thấp không nên bắt chước cái cao quá mà đi tời không được.
Ngoài ra phải làm phước (bố thí) nữa, hằng ngày.
A Di Đà Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật. nay con 13 tuổi và đang hành trì pháp môn Tịnh Độ, mỗi lần con im lặng niệm Phật không muốn nói chuyện với ai thì mọi người nói con bị trầm cảm,tự kỷ,.. con phải làm sao bây giờ ? xin liên hữu dạy con cách nói cho mọi người hiểu. Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật
Bạn Từ Minh Hào,
Bạn phải khéo léo dụng pháp kẻo sẽ kẹt cứng trong pháp, từ đó sẽ dẫn đến sự lệch lạc trong tu đạo và khiến cho mọi người đều hiểu sau lệch về Phật pháp. Pháp của Phật là tuỳ duyên nhưng bất biến. Tuỳ duyên là gì? Là thuận duyên thì ta niệm Phật, trái lại thì ta chỉ cần nhiếp tâm thầm niệm là đủ. Tuỳ duyên cũng còn là: khi làm việc, khi học tập, khi cần giao tiếp, chớ nên buộc phải gá câu Phật hiệu trên miệng hay buộc nó phải khởi lên trong tâm, trái lại trong những lúc như vậy chỉ cần giữ tâm thanh tịnh: không khởi tham, sân, si, không khởi phân biệt, chấp trước, lúc này đồng nghĩa tâm đang niệm Phật. TN kể câu chuyện nhỏ này để bạn quán chiếu: Có một cụ bà niệm Phật tinh tấn lắm, có thể nói mọi nơi, mọi lúc nơi nào cũng A Di Đà Phật. Một hôm có người họ hàng tới mời bà cụ đi ăn cưới. Theo lẽ thường khi khách tới nhà lại là người không tu đạo, bà cụ phải tiếp đón như người bình thường, nhưng bà cụ không làm vậy, trái lại khi khách chào bà cụ cũng chỉ A Di Đà Phật; Khách mời thiệp đi ăn cưới bà cụ cũng A Di Đà Phật; Khách nói gì bà cũng A Di Đà Phật…Kết cục người khách cảm thấy rất bực mình vì cho là bà cụ khinh mình nên chẳng thèm tiếp chuyện; xa hơn khi ra về câu chuyện trên còn được đem ra để bàn tán những lời thị phi về đạo Phật đã được thêm, bớt, chê bai, phê phán… Như vậy lẽ ra việc học Phật và niệm Phật phải mang lại sự lợi lạc cho chúng hữu tình, nhưng vì quá chấp vào câu Phật hiệu nên bà cụ nọ đã khiến cho Phật pháp và pháp niệm Phật trở nên dị hợm, từ đó khiến cho người khác chán ghét và muốn xa lánh, thậm chí còn thốt lời phỉ báng pháp của Phật.
*Sao gọi là bất biến? Nghĩa là Phật hiệu luôn thường trực trong tâm. Khi nào bạn biết Phật hiệu thường trực? Khi đối người, tiếp vật mà tâm tham, tâm sân, tâm si, tâm cống cao ngã mãn, tâm nghi hoặc, tâm phân biệt, chấp trước không dấy khởi, đồng nghĩa tâm bạn đang nhớ đến Phật hiệu; ngược lại nếu bạn để cho những tâm trên lôi kéo, tất Phật hiệu trong bạn đã bị lung lay rồi dẫn đến mê mờ, điên đảo.
Khi mới học Phật pháp chúng ta thường rất dễ rơi vào tình trạng chấp hình tướng tu học, nghĩa là luôn tỏ ra cho mọi người hay, biết mình là người đang tu, ví thử: tôi ăn chay, ăn chay trường; tôi là người niệm Phật; tu thiền, trì chú… Đó là sai lầm nghiêm trọng. Người tu khác người không tu ở nơi quán chiếu tâm. Người tu biết tâm buông lung (tham, sân, si…) là tâm tạo nghiệp, nên không duyên theo những tâm tạo nghiệp đó; người không tu thì ngược lại. Nhưng chuyện tu là của mình chứ không phải của người. Vì thế họ tu hay không đó là chuyện của họ, còn mình tu là chuyện của mình, không thể bắt họ (những người xung quanh) phải nương theo, phải tôn trọng cái sự tu của riêng mình.
Việc mọi người có lời dị nghị về chuyện tu hành của bạn đó là lời cảnh báo tốt, bạn cần phải thức tỉnh chớ nên sanh tâm sân hận hay chán ghét họ mà tổn công đức tu học.
TN tặng bạn câu này: Niệm Phật – Niệm Tâm – Tâm niệm Phật.
Ráng nhiếp tâm quán chiếu thấu đáo để việc tu học được viên mãn nhé.
TN