Ngài Tĩnh-Am đại sư có dạy như thế này: “Đường tu hành quý ở chỗ Phát Tâm. Đạo nghiệp của mình quý ở chỗ Lập Hạnh”.
Hai chữ “Phát Tâm” và “Lập Hạnh” vô cùng quan trọng đối với những người thật sự tu hành, đối với những người thật sự trong đời này muốn thoát vòng sanh tử, đối với những người thật sự muốn niệm Phật vãng sanh. Chứ còn như niệm Phật mà không muốn vãng sanh thì thôi không nên nêu ra vấn đề này.
Phát Tâm! Đường tu vạn nẻo, chúng ta phát tâm niệm Phật, thì đường chúng ta phải thẳng. Sự phát tâm này cần chuyên nhất mới tốt… Hòa Thượng Tịnh-Không luôn luôn nhắc chúng ta cần chuyên nhất. Nếu không chuyên nhất thì nhất định sẽ bị trở ngại! Đang đi đường niệm Phật mà kèm thêm một đường nào khác là một cái ngã rẽ. Tụng hai bộ kinh thành ra ngã rẽ. Ta niệm một câu A-Di-Đà Phật, lại niệm thêm một cái gì nữa là thành ra ngã rẽ. Chính vì cái ngã rẽ này…
– Nó sẽ chia cái tâm của chúng ta!
– Nó chia cái trí nhớ chúng ta!
– Nó chia cái niềm tin!
– Nó chia cái đường đi!
Để đến lúc mà nằm xuống rồi ta sẽ phân vân vô cùng không biết đường nào chọn lựa. Bên cạnh đó nên nhớ cái nghiệp của mình, oan gia trái chủ của mình ở sát bên cạnh chứ không đâu xa hết… Họ tìm mọi cách ngăn cản, không cho mình vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Họ chỉ cần làm cho mình rớt lại trong lục đạo, là không biết bao nhiêu cơ hội để họ trả thù. Dễ sợ vô cùng! Chính vì vậy, Hòa Thượng Tịnh-Không luôn luôn nhắc là phải chuyên nhất. Không chuyên nhất thì nhất định sẽ bị trở ngại!
Lập Hạnh. Ví dụ đơn giản như chúng ta niệm Phật một ngày không biết là niệm bao nhiêu? Hình như hai trăm, ba trăm hay bốn trăm câu… Ít quá! Chúng ta phải phát một tâm nguyện ra, niệm năm ngàn, bảy ngàn… Như ở ban Hộ Niệm Hoa Sen tiêu chuẩn của người ta là hai chục ngàn câu, ai chịu nổi vào tu, ai không chịu nổi thì rớt đài. Tại vì họ tuyển chọn như vậy, nên mới qua có mấy tháng trời mà bây giờ cái số lượng vãng sanh lên đến 101 người. Ngày hôm nay tôi mới mở web ra xem thấy lên đến 101 người. Có những ban hộ niệm đã lên đến một trăm mấy chục người. Ở Việt Nam có đến mấy trăm ban hộ niệm như vậy, quý vị tưởng tượng đi, biết bao nhiêu người vãng sanh?
Ấy thế mà chúng ta ở đây chưa có lập hạnh. Chúng ta còn nghĩ rằng sự vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc có vẻ rẻ rúng quá, giống như đi ra ngoài shop mua vài bó rau lang, lựa lên lựa xuống, trả lên trả xuống!… Không phải như vậy đâu! Vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc quý giá vô ngần, làm cho mình trong vô lượng kiếp không còn đau khổ nữa. Từ trong vô lượng kiếp qua mình bị đọa lạc! Từ giờ phút này trở đi chúng ta an vui cực lạc, tiến thẳng về Tây Phương để thành đạo. Cái giá này không cách nào có thể so sánh với bất cứ cái gì được!
Xin thưa với chư vị đồng tu, hãy cố gắng lên, vững vàng phát cái nguyện dũng mãnh lên, lập hạnh vững vàng lên.
– Cầm tờ báo lên đọc để làm chi? Mất đi năm-mười phút. Năm-mười phút đó ta niệm được một ngàn câu A-Di-Đà Phật.
– Nói vài câu chuyện với hàng xóm làm chi? Một tiếng đồng hồ ta niệm được cả năm-sáu ngàn câu A-Di-Đà Phật.
– Kình cãi với hàng xóm làm gì? Chúng ta niệm Phật!
Cho nên, cái công cứ nó hay vô cùng. Ngày hôm qua có bốn người phát tâm làm công cứ. Hay vô cùng! Tôi mừng vô cùng!… Nó buộc mình bỏ đi Ti-Vi. Nó buộc mình bỏ đi cái phim chưởng. Nó buộc mình bỏ đi không nghĩ tới những chuyện trong lục đạo luân hồi nữa. Bà kia xấu, kệ bả! Ông nọ tốt, kệ ổng! Mình cứ lo niệm Phật. Lúc nằm xuống mình phải lo niệm Phật. Bịnh lên mình niệm Phật. Bịnh xuống mình niệm Phật. Gặp bất cứ một điều trở ngại nào trong đời mình đều trả lời bằng câu A-Di-Đà Phật… thì lúc ngộp ngộp mình sẽ niệm câu A-Di-Đà Phật. Oan gia trái chủ, những người mà mình đã lỡ sát hại họ, họ nhìn thấy rõ rệt mình đang quyết lòng đi về Tây Phương để cứu họ… thì họ sẽ cảm thông… sẽ tha thứ cho mình. Chư Thiên-Long Hộ-Pháp sẽ gia trì cho mình, A-Di-Đà Phật cũng sẽ gia trì cho mình, mình mới có thể vượt qua cái ách nạn này. Nếu không thì vô phương! Không dễ gì đâu!…
Ngài Tĩnh-Am đại sư khuyên tất cả chúng ta, việc tu hành nên phát tâm, nếu không phát tâm thì chúng ta sẽ lơ mơ lờ mờ trong sáu nẻo luân hồi, không biết đường nào đi.
Chúng ta đã niệm Phật, quyết lòng chuyên tu câu A-Di-Đà Phật để vãng sanh, tức là ta đã phát tâm. Khi phát tâm rồi, nếu chúng ta không có cái nấc thang để đi, thì nhiều khi đoạn đường sanh tử trong một phần đoạn này, một đời này đi không tới. Ngài nói, “Đạo nghiệp cần ở chỗ Lập Hạnh”. Mình nói cho dễ hiểu hơn, “Phát Tâm” là có hướng đi, “Lập Hạnh” là tốc độ đi. Phải có cái tốc độ đi phù hợp thì chúng ta mới tới đích. Ta biết hướng đi, nhưng con đường dài quá mà ta đi tà tà, dù cũng đi theo hướng đó nhưng ta sẽ ngã quỵ ở giữa đoạn đường! Nghĩa là chúng ta cũng không được thành tựu, không đạt được tới mục đích. Trong cái ý hướng để quyết lòng bước đi, vừa vững mà vừa đủ thời gian tới đích, có nghĩa là khi tới giờ phút lâm chung ta vững vàng niệm câu A-Di-Đà Phật, theo A-Di-Đà Phật, Quán-Âm, Thế-Chí về Tây Phương Cực Lạc. Ta nói đến chuyện “Lập Hạnh”.
Có nhiều người khi đã phát tâm rồi, nhưng không chịu lập hạnh, nói cho rõ ra tức là tu tà tà, thì đến lúc lâm chung chướng nạn đến họ chịu không nổi. Chính vì thế rất nhiều người đã mất phần vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, dù rằng họ đã niệm Phật.
Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)
A Di Đà Phật. Đọc Xong mình thấy hổ thẹn vô cùng!
Nam Mô A Di Đà Phật
Kính Thưa chú Diệu Âm . Con là phật tử tại gia hiện tại con đang tụng kinh Vô Lượng Thọ, Con muốn thời công phu sáng tụng chú Lăng Nghiêm và niện 5ngàn câu phật hiệu A Di Đà , còn công phu tối con tụng kinh vô lượng thọ có được ko? và tu như vậy có phải tu xen tạp ko? . Kính mong chú cho con 1 lời khuyên, nếu có lời nào mạo phạm chú cho con xin thành tâm sám hối.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Trong kinh Vô Lượng Thọ Phật dạy chúng ta phương pháp niệm Phật chính là: “Phát Bồ Đề Tâm – Nhất Hướng Chuyên Niệm”. Nhất Hướng Chuyên Niệm chính là 1 môn thâm nhập, không xen tạp các thứ khác, dẫu là Phật pháp cũng chẳng thể xen tạp.
Do vậy công phu thời khóa buổi sáng hay tối cũng chỉ cần 1 cuốn kinh Vô Lượng Thọ, 1 câu A Di Đà Phật là đủ rồi.
Chú Lăng Nghiêm rất hay nhưng chúng ta sẽ học sau khi vãng sanh về Cực Lạc thì tốt nhất. Nam Mô A Di Đà Phật là đệ nhất mật chú đấy cháu, cháu còn cần học các chú khác làm gì? Vì chỉ có niệm A Di Đà Phật mới có thể thành Phật, niệm các chú khác có thể thoát sanh tử ra khỏi tam giới nhưng muốn thành Phật thì chỉ có niệm A Di Đà Phật, cháu thấy từ kinh Hoa Nghiêm, các vị Bồ Tát Pháp Thân Đại Sĩ như Ngài Phổ Hiền, Văn Thù đều niệm A Di Đà Phật cầu sanh Cực Lạc để mau chóng thành Phật thì mình liền hiểu rõ A Di Đà Phật là vô thượng chú, vô thượng thậm thâm vi diệu thiền cháu ạ.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Thưa chú Tịnh Thái, con có điều băn khoăn nhờ chú chỉ giúp con. Con tin tưởng ở nơi pháp môn Tịnh Độ, niệm Phật A Di Đà nhưng con lại vẫn đọc kinh Địa Tạng và tụng chú Đại Bi vì thần lực của kinh địa tạng tác động đến các vong linh đặc biệt là thân bằng quyến thuộc rất mạnh. Khi gặp khó khăn gì tụng chú Đại Bi cầu ngài Quán Âm cảm ứng giúp đỡ vì con vẫn là người trần gian còn nặng nề công việc. Con xin chú cho con một lời chỉ giáo. Con cảm ơn ạ.
Với người tu Tịnh Độ thì phải lấy niệm A Di Đà Phật làm chánh hạnh, có thể vẫn kèm thêm chú Đại Bi và tụng Địa Tạng nhưng 2 thứ này chỉ là thứ yếu.
Vì muốn được vãng sanh về Tây Phương thì cuối cùng chỉ có niệm A Di Đà Phật mà thôi.
A Di Đà Phật.
Bác Tịnh Thái ơi xin cho con hỏi rằng tại sao bác lại nói chú đại bi và kinh địa tạng chỉ là thứ yếu mà niệm A di đà phật mới là thứ chính và bác nói rằng muốn vãng sanh về Tây Phương cực lạc cần phải niệm A di đà phật. Vậy muốn vãng sanh về Tây phương chỉ cần niệm 1 mình chú A di đà phật thôi ạ?
Bạn có thể xem trong Mấy điệu sen thanh, hay trong Đường về cực lạc của HT Thích Trí Tịnh sẽ thấy có rất nhiều người suốt đời không biết bất cứ 1 kinh luận nào chỉ giữ 1 câu A Di Đà Phật mà có thể tự tại vãng sanh biết trước ngày giờ.
ĐỌC NHỮNG LỜI GIẢI THÍCH CỦA CHÚ TỊNH THÁI CON CÀNG CHUYÊN TÂM NHIỀU HƠN NỮA . A DI ĐÀ PHẬT.
– Tu hành không phân biệt đâu là chánh hạnh đâu là trợ hạnh gọi là tu tạp.
Chánh hạnh là: Tín, Nguyện, Trì danh.
Trợ hạnh là: trì giới, ăn chay, phóng sanh, cúng dường, bố thí, in kinh, xây chùa, trì chú, tung kinh, đọc kinh… phần này tùy duyên. Nhưng quan trong và thiết yếu nhất là trì giới vì giới là nền tảng, sau khi làm xong thì hồi hướng về Cực Lạc Thế Giới.
Nếu trì chú và niệm Phật nên phân định hạn lượng trì chú bao nhiêu (21 biến, 108 biến). Còn niệm Phật càng nhiều càng tốt. Phần tụng kinh mỗi ngày một lần là đủ quan trọng hiểu nghĩa kinh mà áp dụng trong đời sống tu tập.
Nói như nguyen Chánh hạnh là – tín, nguyện, trì danh. Còn trợ hạnh là – trì giới, ăn chay, phóng sanh, cúng dường .v.v…vậy ăn mặn mà tín, nguyện, trì danh có được không ?
Thưa chú Tịnh Thái.
Đọc xong bài này con rất hoan hỉ, vui mừng và con đã lập cho mình là hằng ngày niệm 5000 câu hồng danh. Nhưng thưa chú, con niệm thầm trong miệng hay ra tiếng, cổ họng con rất đau và mỏi, nhưng con vẫn gắng niệm. Vậy thưa chú con phải làm sao để khắc phục vấn đề này a ?
Trong quá khứ con đã làm sai rất nhiều chuyện. Nay con đã sám hối trước Cửu huyền và bàn thờ Phật. Vậy con có được tha thứ không Chú?
A Di Đà Phật,
Bạn Trâm Nguyễn niệm Phật hiệu một ngày được 5000 câu là rất đáng khen, nên tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, bạn không nên niệm thành tiếng quá lớn hay quá lâu mà khiến cổ họng bị đau, tốt nhất là cứ 1000 câu niệm thành tiếng thì mình có thêm 200 câu niệm thầm hoặc nhiều hơn, tùy bạn phân bổ số lượng theo ý thích. Như vậy, cổ họng sẽ được nghỉ ngơi. Khi cổ họng quá đau thì ko nên niệm thành tiếng mà hãy niệm thầm, công đức niệm thầm hay thành tiếng đều như nhau cả.
Trâm Nguyễn biết rõ sai lầm mà đứng trước bàn thờ Phật mà sám hối là rất đáng quý, khi đứng trước bàn thờ Phật sám hối thì đọc thành tiếng các lỗi lầm của mình một cách rõ ràng, đây gọi là phát lồ sám hối, ko nên đọc lí nhí hay đọc thầm, lỗi lầm của mình cần phải nên nói ra một cách mạnh dạn. Sau đó quan trọng nhất là không tái phạm nữa. Chư Phật Bồ Tát ko bắt lỗi chúng ta, chỉ có chính chúng ta cần phải tự mình phản tỉnh, sửa đổi, ngày hôm qua đã chết, ko nên vì nó mà quá cắn rứt nữa, cũng ko hay. Con hãy sống trọn vẹn trong hiện tại, ngay trong hiện tại mà hoàn thiện chính mình hơn, vậy thì đúng, quá khứ sai lầm là những vị thầy tốt, chúng ta có thể học được nhiều thứ từ nó, nhưng đừng dính mắc vào nó nữa.
Nam Mô A Di Đà Phật.