Người ta hay nói là hộ niệm lúc lâm chung, chứ thực ra thì hộ niệm có thỉ có chung, mà tại vì người ta vô ý quên cái “Thỉ” tức là khởi đầu, mà cứ nhớ cái “Chung” tức là lâm chung. Thực ra thì phương pháp hộ niệm là một pháp tu nó có từ A tới Z. Nó là một quá trình toàn bộ.
Từ A, ví dụ cụ thể như chúng ta đi chùa bắt đầu niệm Phật là từ A. Rồi từ B là khởi tâm ăn chay, làm việc thiện lành. Rồi từ C là chúng ta bỏ cống cao ngã mạn, bỏ thị phi ganh tỵ… Nói chung, đây là một pháp tu hướng dẫn chúng ta từ khởi thỉ, cho đến lúc lâm chung cuối cùng. Tới Z tức là cái bước cuối cùng để vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.
Nhiều người không hiểu, nên cứ nói khi lâm chung thì kêu ban hộ niệm tới, cho đó là phận sự hộ niệm. Cho nên người ta cứ để cho đến mê man bất tỉnh trong bệnh viện, cái lúc mà sắp hấp hối, sắp lìa khỏi cái báo thân này mới kêu ban hộ niệm. Thực là lầm lẫn quá lớn! Ngay tại Niệm Phật Đường của chúng ta có trương một tờ thông cáo thật lớn, màu vàng, dán trên bảng trắng. Nếu người nào mới tới thì chúng ta nên hướng dẫn họ đọc cái thông báo đó. Thông báo đó nói rằng, hộ niệm là một cái phương pháp giúp cho mọi người có đầy đủ Tín – Nguyện – Hạnh. Thực hiện đầy đủ những thứ đó để vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, chứ không phải là cứ đợi cho đến lúc bệnh sắp chết, sắp lâm chung hay đang hấp hối mới kêu ban hộ niệm tới. Nếu mà đợi tới lúc đó thì xin thưa thực, đã quá muộn màng!
Ở đây chúng ta thường xuyên nói về hộ niệm, thì chúng ta cũng phải hiểu một cách liễu nghĩa, rõ ràng. Hòa Thượng Tịnh-Không nói ba điều:
– Một là tỉnh táo.
– Hai là gặp thiện tri thức khai thị.
– Ba là người đó phải mau mau thực hiện liền những lời của người thiện tri thức đó hướng dẫn.
Như bây giờ chúng ta đang ở đây, chưa bệnh, chưa mê man bất tỉnh, tức là chúng ta đang “Tỉnh táo”. Điều kiện thứ nhất chúng ta có. Chúng ta đang nghe Hòa Thượng thuyết pháp, khai thị, hướng dẫn niệm Phật vãng sanh, là ta “Gặp thiện tri thức khai thị”. Cái điều thứ ba là ta có chịu mau mau “Y giáo phụng hành”, ứng dụng lời dạy của Ngài để thực hiện liền hay không? Nếu chúng ta làm được ba điều đó tức là chúng ta thực hiện phương pháp hộ niệm vãng sanh, sau cùng ta được vãng sanh.
Ta bây giờ đang tỉnh táo, hàng ngày chúng ta đang nói chuyện hộ niệm với nhau, dẫn dắt rất là kỹ, từng chút từng chút, tức là chúng ta đã có điều kiện có người hướng dẫn vãng sanh, thì gọi là gặp thiện tri thức khai thị. Ta có chịu áp dụng lời khuyên này để thực hiện liền, thì với ba điều kiện này đúng, sau cùng chúng ta vãng sanh.
Nếu ta đang tỉnh táo như thế này, đã gặp được người hướng dẫn pháp vãng sanh, nhưng ta không chịu làm. Ta cứ chờ cho đến lúc lâm chung rồi mới kêu ban hộ niệm tới, tức là hoàn toàn ta đã sai! Tức là tỉnh táo, nhưng thực ra thì ta bị lầm lẫn ở chỗ nào đó, không tỉnh táo đúng mức!
Ta nghe thiện tri thức nói chuyện về hộ niệm, mà ta không áp dụng, tại vì ta nghe lướt qua, rồi bỏ qua. Ta cho chuyện này là quá tầm thường, nên ta tiếp tục nằm ở đó để chờ chết! Sắp chết rồi mới kêu ban hộ niệm tới, thì tất cả ba điểm: tỉnh táo, gặp thiện tri thức và áp dụng ta đã bị thiếu sót quá nhiều.
Đây chính vì từ cái niềm tin không vững. Tất cả những cái đó đều là “Duyên” hết. Ví dụ như tôi từng đi các nơi, tôi gặp những người đã nghe pháp của Hòa Thượng Tịnh-Không, không phải họ ngồi để mà nghe đâu à, mà người ta sắp hàng với nhau rồi quỳ xuống, chắp tay lại để nghe suốt đoạn khai thị. Mà nhiều ngày người ta cũng làm như vậy nghen, không phải là một ngày đâu à. Người ta có những cái bồ đoàn thế này, tất cả họ quỳ dọc dọc như vậy, quỳ xuống chắp tay để mà nghe lời pháp của Hòa Thượng.
Chính vì họ có cái tâm chân thành như vậy, nên nơi đó vãng sanh rất nhiều. Ta ở đây thì trực tiếp nghe, lại gặp qua Hòa Thượng, ta nghe chính Ngài khai thị. Nhưng mà nhiều khi cái tâm chúng ta không có để ý, ta chỉ nghe cho vui! Có nhiều người mỗi khi nghe Hòa Thượng về thì tìm đến gặp Hòa Thượng cho vui. Thật ra, đâu cần cái vui này!
Ở Việt Nam người ta có gặp trực tiếp Ngài đâu à? Người ta chỉ nhìn thấy trên màn ảnh thôi. Người ta để Ti-Vi đó, rồi sắp hàng dài quỳ xuống như vậy. Một phần thành tâm, một phần lợi ích, hai phần thành tâm hai phần lợi ích; mười phần thành tâm mười phần lợi ích. Tại đây chúng ta không có đủ thành tâm, nên nhiều khi đến gặp Ngài mà ta còn lười biếng. Mà thực ra gặp Ngài để làm chi? Gặp Ngài chính là gì? Chính là nghe những lời giảng pháp của Ngài, rồi thực hiện theo cho đúng.
Pháp hộ niệm là một pháp tu có từ A tới Z. Trong đợt nói chuyện trước, ta đã nói đến đề tài này. Tại sao ở nơi đó người ta thành tựu? Thành Tâm!… Còn trong khi chúng ta ở đây trực tiếp nói chuyện với nhau, ngày ngày nói chuyện thẳng luôn hầu củng cố phương pháp hộ niệm được vững vàng, nghĩa là đường vãng sanh chúng ta không bị sơ suất. Nhưng mà coi chừng! Hễ chúng ta để ý thì chúng ta sẽ vãng sanh, còn nếu không để ý thì chúng ta mất phần vãng sanh, trong khi đó người ở xa mà lại được vãng sanh. Lạ vậy đó chư vị.
Cũng như Hòa Thượng ở tại đây, nhiều người ngày nào cũng gặp Hòa Thượng. Mỗi lần Hòa Thượng đến là tổ chức đi đón. Nhưng mà coi chừng, chưa chắc những người này sẽ được vãng sanh. Còn những người ở xa, người ta chỉ thấy trên màn ảnh thôi. Dù chỉ thấy trên màn ảnh nhưng người ta quỳ xuống lạy. Nghe pháp trên màn ảnh, mà người ta chắp tay lại, quỳ xuống, suốt một tiếng đồng hồ để lắng nghe lời pháp của Ngài. Chính cái lòng chân thành này, chính cái lòng thành kính này, khiến cho từng lời từng lời của Ngài lọt vào tâm của họ và họ đi rất vững. Họ đi liền. Họ không chần chờ. Họ được vãng sanh.
Rồi ở mỗi nơi như vậy họ sao chép giảng pháp ra, phổ biến tiếp… Họ ráng cố gắng theo dõi để ứng dụng. Thế mà, thực sự ở chỗ đó lại có người vãng sanh. Ở Việt Nam, có một ban hộ niệm đến nay hộ niệm được một trăm lẻ một người, có ban hộ niệm khác hộ niệm một trăm ba mươi mấy người… Hiện tại ban hộ niệm ở Việt Nam, bây giờ tổng kết lại, không đếm được. Có thể trên mấy trăm ban hộ niệm.
Tại sao người ta được vãng sanh? Là tại vì người ta thấy cuộc đời này khổ quá! Là tại vì khi gặp được pháp hộ niệm này làm cho người ta ngỡ ngàng! Trong suốt cuộc đời của họ, người ta không ngờ có chuyện này đâu à! Trong bao nhiêu năm tu hành, người ta không ngờ có chuyện được vãng sanh đâu à! Nhưng bây giờ gặp được rồi, người ta mừng quá. Quá vui mừng thành ra người ta mới nghiên cứu từng chút, từng chút, từng chút như vậy, rồi ứng dụng liền.
– Chính vì cái lòng Thành Tâm.
– Chính vì cái lòng Kính Cẩn.
– Chính vì cái lòng Tin Tưởng… mà họ vãng sanh.
Cho nên muốn được vãng sanh không có gì khác hơn là chúng ta phải bắt đầu đi từ A, rồi tới B, tới C, tới D… để sau cùng chúng ta tới Z. Z là lúc lâm chung. Tức là cố gắng tu hành, cố gắng buông xả, cố gắng lập nguyện. Nhiều khi mình còn phải đi làm, thì khi về nhà dành ba mươi phút… Ba mươi phút có thể niệm được hai ngàn tiếng Phật hiệu, ba ngàn tiếng Phật hiệu rồi. Chiều lại mình niệm thêm ba mươi phút nữa, ba mươi phút có thể niệm ba ngàn nữa. Sáu ngàn câu A-Di-Đà Phật. Phải làm như vậy. Để chi? Để cho đến lúc Z, tức là khi chúng ta lâm chung, chúng ta sẽ có một cái số vốn niệm Phật.
Những người không đi làm, thì khi đến Niệm Phật Đường niệm Phật, rồi về thay vì chúng ta đánh cờ tướng để làm chi? Thay vì bàn luận lý lẽ làm chi? Hãy cố gắng cầm xâu chuỗi mà niệm Phật. Ta niệm ba mươi phút rồi ta đếm thử coi? À! Ta niệm được mấy chục chuỗi. Rõ ràng ba mươi phút ta có thể niệm hai ngàn, ba ngàn câu A-Di-Đà Phật. Có người niệm nhanh, trong ba mươi phút có thể niệm tới năm ngàn câu A-Di-Đà Phật. Người ta niệm nhanh như vậy.
Niệm Phật…
– Để cho cái tâm mình hòa nhập với câu A-Di-Đà Phật.
– Để cái miệng mình mở ra là A-Di-Đà Phật.
Khi miệng mình mở là niệm A-Di-Đà Phật rồi thì…
– Nhất định những chuyện thị phi.
– Nhất định những chuyện nói người này tốt người kia xấu… sẽ xa lần, xa lần, xa lần…
Câu A-Di-Đà Phật thâm nhập vào trong tâm mình, nó đuổi những cái đó ra. Nghiệp chướng của mình cũng theo cái dòng đó mà trôi ra ngoài. Thay vì mình bệnh, mê man bất tỉnh, thì mình không còn bệnh nữa. Thay vì mình bị chướng ngại, thì mình không còn chướng ngại nữa. Nghiên cứu mười điều lợi của sự niệm Phật quý vị sẽ thấy, chư Thiên mà còn phải đảnh lễ người niệm Phật nữa.
Cho nên khi vô trong Niệm Phật Đường này, xin thưa quý vị chú ý, khi chúng ta đã là người niệm Phật rồi thì đừng nên sơ ý. Đừng nên nói chuyện trong Niệm Phật Đường. Đừng thấy rằng trong Niệm Phật Đường chỉ còn có một mình mình thôi, thì muốn làm gì làm. Không phải như vậy đâu à. Đừng bao giờ bước ngang qua khoảng giữa này, mà chúng ta phải đi vòng. Nên nhớ, “Tuy vô tân khách chí, diệc hữu Thánh Nhân hành”, chính là chỗ này. Những chỗ tu hành tinh tấn, thường có chư vị Thánh Nhân, Thiên-Long, Hộ-Pháp tới lui, các Ngài kinh hành, các Ngài niệm Phật với mình…
Nếu mà mình làm đúng như vậy thì chư vị đó sẽ hỗ trợ cho mình, phước đức của mình tăng lên, nghiệp chướng của mình giảm đi, và chúng ta sau cùng được an nhiên tự tại vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)
Nam mô A Di Đà Phật.
Cảm ơn anh Diệu Âm đã viết rất nhiều bài hay. Hiện tại 1 ngày em củng niệm khoảng 5000 – 6000 ngàn câu A Di Đà Phật. Thường thì 30 phút vào ban đêm sau khi em đi làm về. Trên đường đi làm (đi và về , each way củng 40 phút) em củng thầm niệm Phật. Trong ngày đang làm việc khi nào rãnh và nhớ em củng niệm Phật.
Hồi trước em niệm Phật có đôi lúc em cảm thấy rất hoan hỉ, an lạc, lòng từ bi rất bao la, thấy người tham tiền của củng thương v.v. Em khát khao được cảm giác đó lắm. Nhưng gần đây em cố gắng làm theo nghe bằng tâm từng chử rồi mới phát ra miệng, em đã không những làm không được mà càng bị rối và không tìm lại cái cảm giác đó nữa. Thêm 1 điều nữa la em cứ sợ cách niệm Phật của em thuộc về là hữu khẩu vô tâm, niệm 100,000 câu 1 ngày củng vô ích.
Rất mong anh cho em lời khuyên.
Chào anh,
cám ơn anh nhiều lắm,
từ lúc em bị mù và mò mẫm trên con đuờng tu tại gia, nay đuợc anh chỉ dẫn tuờng tận và dễ hiểu, đây thực là phuớc báu đầu tiên mà đức Phật ban cho em, , a cho em hỏi , mình tu bằng cách niệm phật rồi, vậy mỗi khi ra chùa lạy Phật thầy ở chùa cùng mọi người tụng kinh các thể loại và các chú nữa, nhiều lúc em không biết mình nên làm gì trong truờng hợp này. A chỉ cho em với, e còn ngu si lắm ạ.
Hiện em chưa có ban thờ Phật, vậy hàng ngày em lạy Phật trong hư không đuợc không ạ. Chồng e nhất định không cho e đặt ban thờ Phật ở nhà vì sợ “sui sẻo” e nói sao cũng không đuợc, vậy a có cách nào giúp e không ạ. A hoan hỉ chỉ cho người ngu si như em nhé. Hẹn gặp anh tại nuớc của Đức phật A Di Đà.
Kính chào liên hữu Đức Hưng,những bày tỏ của liên hữu rất hữu ích cho các bạn đồng học khác,ở đây phàm phu tôi không có ý dám chỉ bảo ai hết, chỉ là muốn đóng chút ít để các liên hữu thoát ra cái gọi là”chướng ngại”mà thôi:
-Nếu càng cố gắng nhiếp tâm niêm phật thì trong tâm thấy khó chịu đôi khi lồng ngực hơi bị tức(giống như nghẹn,ngộp)và tâm không thể nào ngừng lại được hết nghĩ buổi sáng lại đến ngày mai phải như thế như thế…..
-Ngay lúc này chính là 1 phần của chướng ngại đây, liên hữu nên thả lỏng tạm thời ngưng niệm phật trong tâm nếu có thì nên niệm ra thành tiếng A Di Đà Phật thật rỏ ràng rành mạch
-Trạng thái này nếu không hiểu thấu nó thì sẽ mất 1 thời gian dài…..
-Nếu có thời gian nên lể lạy chư phật và sám hối,hồi hướng pháp giới chúng sanh,
-Sau đó cứ tiếp tục niệm như lúc ban đầu liên hữu trình bày (không cần suy nghĩ về cái gì hết cứ 1 câu A Di Đà Phật mà niệm )
-Thì khoảng 10 ngày hoặc 30 ngày sau thì sẽ bình thường trở lại
-Phàm phu tôi cũng chỉ có nhiêu đó muốn trao đổi mà thôi.Chúc các đồng học tin tấn,vững lòng tin
DH cảm ơn rất nhiều những lời chia sẽ của Kim Ngọc. Đúng thiệt là DH bị y chang “Nếu càng cố gắng nhiếp tâm niêm phật thì trong tâm thấy khó chịu đôi khi lồng ngực hơi bị tức(giống như nghẹn,ngộp)và tâm không thể nào ngừng lại “.
Mình rất hi vọng mình sẽ vượt qua được giai đoạn này và có thêm phần kinh nghiệm để chia sẽ với những liên hữu khác về sau.
Xin chân thành cảm ơn.
Đức Hưng,
Một cái nguyện duy nhất là cầu vãng sanh Tịnh-độ. Một cái cầu duy nhất là cầu hết báo thân được Phật tiếp dẫn về Tây-Phương Cực-Lạc. Nên nhớ là hết bào thân này nhé.
Đừng nên cầu cảm ứng, đừng nên cầu an lạc, đừng nên cầu cảm giác hoan hỉ, nhẹ nhàng, từ bi… gì cả. Tất cả mọi cảm giác tốt đẹp đều gói gọn trong hai chữ “Buông xả”. Khó chịu cũng buông mà vui quá cũng buông. An lạc cũng buộng mà lo âu cũng buông. “Hữu khầu hữu tâm” cũng buông mà “Hữu khẩu vô tâm” cũng buông… Tất cả những thứ này đều là giả tạm, vô thường thì cần gì phải lo nghĩ đến chứ!
Niệmm Phật nhiếp tâm được thì tốt, nếu không nhiếp tâm được thì hàng phàm phu chúng ta cứ áp dụng cách thường niệm, niệm nhiều, nhớ đâu niệm đó lại còn tốt hơn, thích hợp hơn. Được vậy thì tâm hồn mình sẽ tự tại hơn, thoải mái hơn.
Đã là hàng phàm phu hạ căn thì chú ý nghiên cứu cẩn thận pháp Hộ Niệm nhé.
Một ngày nào đó tự nhiên Đức Hưng sẽ được những gì mình cần được của người quyết niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ vậy.
Diệu Âm.
Chú diệu âm này,cháu thấy có những người phát tâm trợ niệm rất kiên cố,người lay không chuyển,mọi việc đều buông.Nhưng đến khi lâm chung thì lại không thể vãng sanh,thậm chí đi đến đoạ lạc.Tính đi tính lại cũng chỉ tại không chịu nghe kinh nên kiến giải không vững,tu hành xen tạp nên không chuyên sâu.Cháu cũng nghe có người cả đời chẳng đi trợ niệm bao giờ,chỉ có ai hỏi thì người đó khuyên họ niệm Phật,ngày ngày công phu,nghe kinh chuyên cần,đối người tiếp vật không có tham sân.Vậy chỉ sau vài năm họ đạt công phu thành khối,tự tại vãng sanh,không còn vướng bận.Mọi người xem thấy phát bồ đề tâm hoan hỉ tu hành,đạo tâm kiên cố.Như vậy cháu thấy pháp tu từ A đến Z chỉ có thể là “1 pháp thâm nhập,trường kì huân tu”.Cháu thấy nếu đã tự cứu được mình,chắc phần vãng sanh thì việc trợ niệm cứu người thật là tốt lành,đáng để tán thán nhưng nếu công phu chưa vững,kiến giải chưa sâu,pháp chưa thâm nhập thì sẽ đi đến ngộ nhận về sau.Chú là người cháu rất ngưỡng mộ nên cháu rất mong nhận được lợi chỉ dạy của chú.Cháu trí cạn nông,tu hành chưa đạt nên kì thực chưa phát tâm kiên cố phan duyên trợ niệm mà chỉ có trường hợp thuận tiện thì đi thôi mà thậm chí cháu vẫn thấy việc này trở ngại cho kẻ ngu như mình.