Trong những ngày này chúng ta hô hào chuyện phát tâm lập nguyện. Vì thực sự nhìn cho rõ ra thì cái huệ mạng của mình quá nguy hiểm rồi, không phải đơn giản đâu! Nếu mình tu mà không có lập nguyện, thì nhiều khi mình bị liệt vào cái hạng người tu thử, tu tà tà, tu lai rai, tu chơi chứ không phải tu thực! Nếu bị liệt vào cái hạng người đó, thì thường thường là nghiệp chướng của mình nặng lắm rồi! Đến lúc lâm chung xuống sợ rằng ta cự với nó không được, mà ngược lại nó hành hạ ta cho đến mê man bất tỉnh, cho đến tâm trí quay cuồng, lúc đó có hộ niệm cũng đành chịu thua!
Cho nên trước tiên mong muốn chư vị cố gắng lập công cứ. Ở đây chúng tôi có cái công cứ gọi là “Cửu Phẩm Liên Đài Vãng Sanh Tịnh Độ”, chúng ta có thể phát tâm nhận về làm. Đây giống như cái nấc thang cho mình đi vậy.
– Mình không dám nói chuyện với người ta tại vì mình trân quý từng chút thời giờ.
– Mình không dám ngồi trước bàn cờ tướng vì mình trân quý câu A-Di-Đà Phật.
– Mình không dám nghĩ này nghĩ nọ thì cái tâm sẽ nhiếp vào trong câu A-Di-Đà Phật.
Tập sự được như vậy thì trước những giờ phút ra đi mình có hy vọng được “Tâm bất điên đảo”, tâm không bị khủng bố, không bị não loạn, vì trong tâm của mình luôn luôn xuất hiện câu A-Di-Đà Phật. Và mình niệm liên tục, niệm cho đến cái giây cuối cùng trước khi mình tắt hơi ra đi vẫn còn tiếng Phật hiệu. Sau đó cái tâm thức của mình vẫn tiếp tục niệm Phật.
A-Di-Đà Phật phát cái đại thệ rằng, Người nào trước lúc lâm chung niệm danh hiệu của Ngài cầu vãng sanh về Tây Phương, dẫu cho mười niệm mà không được vãng sanh về Tây Phương thành vị Bồ-Tát bất thối chuyển ở đó, Ngài thề không thành Phật.
Ngài Ngẫu-Ích Đại Sư nói rằng, Một người nào mà thành tâm niệm Phật, một ngày niệm được 30.000 câu A-Di-Đà Phật, cứ giữ cái mức này mà niệm, đến cuối đời mà không được vãng sanh thì chư Phật trên mười phương nói lời vọng ngữ. Ngài nói như vậy!
Ngài Thiện-Đạo cũng nói như vậy. Ngài đưa ra cái tiêu chuẩn 30.000 ngàn câu. Người nào thành tâm niệm 30.000 câu Phật hiệu một ngày, mà đến lúc lâm chung không được vãng sanh chẳng lẽ chư Phật mười phương chịu tội vọng ngữ sao?.
Các Ngài khẳng định cho ta niệm Phật tới mức độ đó, nói chung từ sáng đến chiều, từ chiều đến sáng chúng ta hoan hỷ cái tâm của mình, vui tươi cái tâm của mình trong tiếng Phật hiệu, tự nhiên khuôn mặt càng ngày càng sáng ra, nghiệp chướng càng ngày càng tiêu đi, tự nhiên bao nhiêu những ách nạn, những khó khăn gì của mình trong đời nó biến đi hồi nào không hay! Rồi khi đối trước cơn hấp hối, cái bệnh khổ hình như nó không còn hiện hình nữa. Lúc đó mình mới thấy rõ rệt là một câu A-Di-Đà Phật mà chí thành niệm đã phá tan 80 ức kiếp nghiệp chướng sinh tử trọng tội. Một câu chí thành mà niệm được trong lúc lâm chung thì một người tội xuống địa ngục A-Tỳ được đi thẳng về Tây Phương thành đạo luôn.
Cái năng lực này không có cái gì có thể sánh bằng được. Có nhiều người khi bệnh xuống thì sợ bệnh, lo chạy đọc kinh này đọc kinh nọ, đọc chú này đọc chú nọ để giải nghiệp. Tốt hay xấu? Tốt! Chứ không xấu. Nhưng thực sự chư Tổ đã nói: “Đọc kinh không bằng niệm chú, niệm chú không bằng niệm Phật”. Đọc chú nhiều lắm là xóa cho mình cái nghiệp đó, còn vạn cái nghiệp khác ai xóa đây? Còn niệm Phật xóa được nghiệp thì tốt. Không xóa được cũng không sao, vẫn có thể vượt về tới Tây Phương Cực Lạc. Nên nhớ rằng, dù phá được nghiệp nhưng ta vẫn còn trong sanh tử luân hồi, vì cái nghiệp của mình đã “Năng địch Tu-Di” rồi! Mà phá làm chi? Hãy gói lại là được rồi. Lấy câu A-Di-Đà Phật gói lại. Cái năng lực của câu A-Di-Đà Phật đưa một người phàm phu, đưa một chúng sanh tội lỗi từ địa ngục A-Tỳ lên tới Tây Phương Cực Lạc. Ấy thế có nhiều người niệm Phật mấy chục năm rồi mà chưa chịu hiểu đến chỗ này!… Chính vì vậy, khi tu hành cần phải hiểu cho liễu nghĩa, hiểu cho rõ lý đạo để chúng ta áp dụng đúng đắn thì mới được vãng sanh về Tây Phương.
Chủ yếu cái chương trình chúng ta nói về “Khế Lý – Khế Cơ” là như vậy! Hiểu lý của Phật nhưng chúng ta áp dụng không đúng, nhiều khi vẫn bị trở ngại. Với hạng phàm phu tục tử như chúng ta, nếu chúng ta chú tâm diệt nghiệp thì không cách nào diệt được. Vì sao vậy? Vì trong lúc muốn diệt nghiệp tức là sợ nghiệp, sợ nghiệp chính là duyên với nhiều nghiệp khác. Cố tình diệt cái nghiệp này thì cái nghiệp khác nó tràn ra, “Duyên Khởi Trùng Trùng”. Chúng ta diệt không nổi! Nếu chúng ta không sợ nghiệp, chúng ta sẵn sàng đón nhận tất cả những nghiệp đến, nó đến nhiều ta chịu nhiều, nó đến ít ta chịu ít, an nhiên tự tại đi. Trong lúc đó là lúc tâm ta an nhiên niệm câu A-Di-Đà Phật. Câu A-Di-Đà Phật đi trên cái nghiệp đó, bao cái nghiệp lại. Thành ra, là một người phàm phu tục tử, nhưng nhờ đại lực của A-Di-Đà Phật, đại nguyện của A-Di-Đà Phật đưa ta về Tây Phương. Tuyệt vời vô cùng.
Chính vì vậy mà phát nguyện, lập nguyện hay vô cùng, tốt vô cùng. Nếu không lập nguyện coi chừng tưởng là tu giỏi, nhưng mà không đâu ạ! Oan gia trái chủ sẵn sàng tới sát bên mình, âm thầm, lặng lẽ chờ đến lúc lâm chung mới ra tay. Một sáng một chiều thì chịu thua, không còn cách nào có thể cứu vãn được nữa!
Liên quan tới chuyện lập nguyện, Diệu Âm nhớ ra một câu chuyện như thế này, có thực. Diệu Âm kể chư vị nghe thử để coi cái nguyện của mình như thế nào?…
Đó là khoảng năm 2003-2004 gì đó, thì ngày đó là cái ngày tiễn đưa anh Bốn (Anh Phước) đi về Mỹ, nên mới để cái đồng hồ báo thức reng lên lúc hai giờ rưỡi, mà quên đi không lấy lại. Đêm đó ngủ, hai giờ rưỡi nó reng lên. Thông thường thì 4 giờ rưỡi mới reng, vì bốn giờ rưỡi reng thì tôi thức dậy rửa mặt, vệ sinh, xong đi vào trong Tịnh Tông Học Hội lạy Phật, rồi năm giờ rưỡi ra tụng kinh với người ta.
Đêm đó là một đêm trăng sáng vằng vặc. Hai giờ rưỡi đồng hồ reng lên, tôi thức dậy rửa mặt đánh răng, rồi lủi thủi mở cửa, âm thầm đi ra ngoài đường, cầm xâu chuỗi trên tay cứ niệm “A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật” đi vô trong Tịnh Tông, chứ không coi giờ. Đường thì vắng teo, ánh trăng sáng vằng vặc, lại có mưa phùn phùn nữa… Khi tới cổng của Tịnh Tông thì cửa còn đóng…
Tôi lấy làm lạ! Ủa tại sao kỳ vậy? Từ trước đến nay, tới giờ này thì cửa đã mở rồi, tại sao bây giờ người mở cửa lại quên đi? Cái cổng đó rộng lắm, nên tôi lách qua được, vì tôi nhỏ con mà. Lách một cái, chen vô để vào bên trong. Khi tôi vừa vô bên trong rồi, thì có một chuyện xảy ra làm tôi ngỡ ngàng, giật mình!…
Có một ông Cụ trên 70 tuổi, ông trải cái khăn tắm(?) ra giữa đám cỏ trước căn liêu phòng số 18, ở giữa trời gần mấy cái gốc cây bự mà lạy Phật… Cứ niệm “A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật”… Vừa niệm vừa lạy.
Lúc đó tôi vô đúng là 3 giờ. Vì thường khi tắm rửa xong, tôi vô đó là đúng 5 giờ. Hôm nay thức dậy 2 giờ rưỡi thì tôi vô tới đó chắc chắn là đúng 3 giờ. Tôi thấy ông ta cứ niệm: “A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật”… và lạy. Ông cứ tiếp tục lạy… Tôi không biết là do trời mưa hay vì mồ hôi của ông ta ra mà cả cái khăn và người ông ta đều ướt. Tôi đi ngang qua, ông vẫn làm thinh coi như không có gì xảy ra. Ông cứ tiếp tục lạy, cứ lạy xuống niệm “A-Di-Đà Phật”… Cứ lạy như vậy, lạy giữa không trung. Tôi giật mình! Sửng sốt! Một ông Cụ hơn 70 mấy tuổi, lạy Phật giữa trời qua đêm! Không biết ông đã bắt đầu lạy từ hồi nào?…
Nếu giả sử như đêm đó tôi không tới, thì chắc chắn không bao giờ phát hiện ra chuyện này!… Mà vì vô tình thức sai giờ, tôi tới đó trong lúc quá sớm, mới phát hiện lúc ba giờ sáng có một ông cụ đã thức dậy từ hồi nào, trải cái khăn giữa bãi cỏ lạy Phật qua đêm…
Quý vị nghĩ đi? Cái tâm hạnh người ta lớn như vậy, người ta quyết lòng đi về Tây Phương như vậy, mới có thể vượt qua những ách nạn để đi về Tây Phương! Còn ở đây, mình nghĩ rằng có làm được như vậy không?
Xin thưa, cái Niệm Phật Đường ở đây trang bị không phải là cao sang gì, nhưng cũng vừa đủ tiện nghi để niệm Phật, phương tiện đầy đủ. Nếu người đi làm bận bịu thì không nói gì, có những người không đi làm mà khi đến giờ niệm Phật nhiều khi cũng trằn lên trụt xuống, không chịu niệm Phật. Như vậy thì…
– Làm sao dám gọi mình là người tu thực?
– Làm sao dám gọi mình là người muốn về Tây Phương?
– Làm sao mà oan gia trái chủ thông cảm cho mình?…
Rõ rệt mà! Cho nên, hãy trực nghĩ lại, hãy thương lấy thân phận của mình, mà quyết tâm hạ thủ công phu niệm Phật. Ở đây có ai dám từ chỗ này cứ một bước một lạy, lạy ra tới cổng kia không? Mười thước thôi đó. Có ai dám không? Tôi sợ rằng không ai dám đâu à! Ấy thế mà đã có lần, cũng một lần khác đi vào hớ như vậy, tôi đã gặp một vị Sư Cô lạy chung quanh cái Niệm Phật Đường đó, lạy từ hồi nào không biết mà hai đầu gối của Cô đã rướm máu ra rồi! Cứ ba bước một lạy… Ba bước một lạy… Ngài làm như vậy đó!…
Quý vị thấy cái nguyện của người ta không? Quý vị thấy cái quyết tâm đi về Tây Phương không? Trong khi đó thì chúng ta ở đây một ngày niệm Phật đều đều như vậy, đó là cái căn bản thôi, cái tập sự thôi! Cố gắng lên chư vị. Phát tâm lên chư vị. Vì cái huệ mạng ngàn đời ngàn kiếp của mình, mình phải cố gắng cứu mình, không tự cứu mình thì không ai cứu mình được.
Cố gắng quyết lòng phát tâm, quyết lòng lập nguyện để chúng ta cùng nhau đi về Tây Phương thành đạo, cứu độ vô lượng vô biên chúng sanh!…
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)
Amitabha Buddha
Ta bà thời ngắn
Cực lạc vĩnh hằng
Mấy ai tham tận
Điều hiển nhiên kia.
A di đà phật
Nam mô a di đà phật!
Bài viết thật hay và ý nghĩa đã cảnh tỉnh được chúng con, gặp đuợc pháp môn niệm phật rồi mà cứ tu tà tà, phát nguyện không tha thiết thật uổng phí lắm thay!
Nam mô a di đà phật!
Trích từ Sống trong bổn nguyện của Phật A Di Đà.
(Nguyễn Thế Đăng)
Trong thời đại hiện nay, tính chất tâm linh nơi con người đã yếu nhạt nhiều, hoàn cảnh bên ngoài dễ dàng cho con người sa vào tội ác. Nhưng cũng chính trong một thời khó khăn cho tâm linh như vậy, bổn nguyện của Phật A Di Đà lại càng có ý nghĩa hơn, khi bổn nguyện đó đã có trước cả sự sinh thành của thế giới chúng sinh và sẽ còn mãi với đức Vô lượng thọ. Có lẽ rằng trong thời yếu kém tâm linh này, con người không có cách gì tiếp cận và vượt lên một đời sống cao thượng hơn, sáng sủa hơn, đầy tin yêu hơn, hòa hợp hơn và với phương tiện nào dễ dàng hơn pháp môn niệm Phật.
Những lời nguyện của Đức A Di Đà nhằm vào tất cả chúng sinh trong mọi mặt của cuộc đời với bao nhiêu giới hạn, tội lỗi, lỡ lầm . Như ngài Thân Loan đã nói :
“Khi tôi suy nghĩ về lời nguyện từ bi của A Di Đà, được thiết lập qua nãm a tãng kỳ kiếp tâm niệm sâu xa, lời nguyện đó là dành cho chính tôi, Thân Loan, cho chính một mình tôi”.
Khi đức tin đã phát khởi, chúng ta có sự tương thông với Phật A Di Đà và sự tượng thông đó trở nên liên tục, tương tục và luôn luôn mở rộng cả bề sâu lẫn bề rộng bằng niệm danh hiệu Phật. Sự chuyển hóa liên tục xảy ra từ mối nối kết này, biến đổi con người tội lỗi, bất toàn, tự mâu thuẫn xung đột và phải chết của chúng ta thành một con người của Tịnh độ. Sự chuyển hóa này ngày xưa các tổ Tịnh độ ví như “gạch ngói vụn được biến thành vàng ròng” vì “trong Tịnh độ tất cả trời người sắc tướng đều một màu vàng ròng” (lời nguyện thứ 3). Chúng ta cần nhắc lại một lần nữa, sự chuyển hóa không chỉ xảy ra ở nơi cõi Tịnh độ mà đã và đang xảy ra ngay tại đây và lúc này. Sự chuyển hóa “gạch ngói vụn thành vàng ròng”, “sắc tướng con người đồng thành một màu vàng ròng” phải được thiết lập ở đây và lúc này, nghĩa là kinh nghiệm về Tịnh độ và Phật A Di Đà phải được cảm nhận nơi mình ở đây và lúc này.
Để minh họa cho đời sống của đức tin hiện sinh này, chúng ta đọc một vài mẩu chuyện của Shoma (1799-1871) trích từ The Essence of Buddhism của D.T. Suzuki :
Có lần Shoma viếng một ngôi chùa quê. Vừa vào chánh điện, anh thõng chân nằm dài tượng A Di Đà. Một người trách anh thất kính, anh trả lời :
“Tôi vào đây là trở về nhà cha mẹ tôi, còn anh bắt bẻ tôi như vậy chẳng qua anh chỉ là người ngoài gia đình này thôi”.
Có lẽ sống trong lòng đại bi bổn nguyện của Phật A Di Đà là như vậy.
Có lần Shoma cùng các bạn đi trên một chiếc thuyền buồm, gặp lúc gió lớn sóng to như muốn nhận chìm thuyền. Mọi người quên hết việc niệm Phật mà chỉ biết van vái lung tung. Trong khi ấy, Shoma nằm ngủ cho đến lúc người ta đập anh dậy, anh dụi mắt hỏi :
“Tôi có còn trong thế giới Ta bà không?”
Có lần anh làm việc ngoài đồng, mệt bèn về nhà nghỉ. Gió mát khiến anh nhớ đến Phật A Di Đà. Anh liền mang tượng ra đặt bên cạnh nói : “Ngài ngồi đây hóng mát nhé !”.
Một hôm giữa đường mắc bệnh, bạn bè mướn người võng anh về nhà, rồi dặn dò :
“Nay anh đã về quê rồi, hãy nghỉ yên và tạ ơn A Di Đà”, Shoma đáp :”Cám ơn, nhưng tôi bệnh ở đâu thì chỗ đó là Tịnh độ của tôi, sát ngay bên cạnh tôi”.
Có lần nghe người nói về hoạt động truyền giáo của một tôn giáo khác, Shoma nói :
“Không gì tốt hơn là phàm phu thành Phật”. Khi có người hỏi làm sao giữ tròn được cuộc sống sau khi chết, Shoma đáp : “Việc ấy để A Di Đà lo liệu, đó không phải là chuyện của tôi”.
Chúng ta thấy một con người, bằng đức tin và niệm danh hiệu, đã gắn được cuộc đời mình với bổn nguyện của A Di Đà, và như thế, dù thân còn ở đây chưa về đến Tịnh độ nhưng tâm đã có phần dự vào trong Tịnh độ, trong Pháp thân, Báo thân và Hóa thân của Phật A Di Đà để xóa tan khoảng cách giữa Ta bà và Tịnh độ, giữa sinh tử và Niết bàn.
Có thể tóm lại, sống trong bổn nguyện là giao phó, đưa hết thẩy thân tâm tùy thuận với công việc đại bi bao la vô tận của Phật A Di Đà, một thân tâm quy y vào Phật A Di Đà như vậy thì thanh tịnh để có thể phát khởi đức tin trông cậy vào A Di Đà và công việc của Ngài. Thân tâm hữu hạn và khuyết điểm đó chìm ngập trong thực tại của A Di Đà là Trí tuệ và Đại bi phổ trong 48 lời nguyện, đây là tiền đề để sinh về Tịnh độ. Nhưng trước khi thân tâm đi về trung tâm điểm đích đến của nó là Tịnh độ, thì ngay ở đây và lúc này, nơi thế giới này, chúng ta đã hưởng được những phần công đức của Tịnh độ.
Nam Mô A Di Đà Phật.
A DI ĐÀ PHẬT
Chư vị cho con hỏi: Chúng sinh khi bị đọa vào kiếp ngạ quỷ là cảnh giới thấp kém mà sao họ lại có ngũ thông?
Kính xin chư vị hoan hỉ giải đáp! Khi đặt câu hỏi đến lúc được phúc đáp thì thời gian bao lâu ạ?
A DI ĐÀ PHẬT
A Di Đà Phật – Xin chào bạn Phước,
Đối với người phàm phu mình thì tạm gọi đó là ngũ thông nhưng đối với ngạ quỷ thì đó là việc bình thường, không phải là thần thông gì cả. Nói cách khác thì đây chính là ngũ thông của ngạ quỷ, không giống như thần thông biến hóa của Tôn Ngộ Không. Theo VT hiểu thì ngũ thông của ngạ quỷ là như thế này:
1. Mắt của họ có thể nhìn thấy được ngạ quỷ khác mà phàm phu không nhìn thấy được.
2. Tai của họ có thể nghe được tiếng của ngạ quỷ khác mà phàm phu không thể nghe được.
3. Mũi của họ có thể ngửi được mùi hương trong thế giới ngạ quỷ mà phàm phu không thể ngửi được.
4. Lưỡi của họ có thể nếm được vị của thức ăn trong thế giới ngạ quỷ mà phàm phu không thể nếm được.
5. Thân của họ có thể đi xuyên tường xuyên vách, không bị vật chất ngăn cản, đó là điều mà phàm phu không thể làm được.
Ngạ quỷ sẽ gặp chướng ngại trong thế giới vật chất của chúng ta, rất khó mà di chuyển được đồ vật. Do vậy khi muốn trả thù ai đó thì họ thường là nhập xác người đó trong lúc họ lái xe chẳng hạn để khiến cho người ta bị đụng xe. Thức ăn của mình thì họ cũng chẳng thể ăn được mà phải nhờ tụng chú biến thực, biến thủy…và họ cũng chỉ “ăn” đi cái phần thuộc về “âm” mà thôi.
Còn ngũ thông của một vị tu hành ĐẮC đạo sẽ là như thế này: Thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông, thần túc thông. Những thứ này trong tự tánh mỗi người chúng ta đều tự có sẳn, chỉ là vì vô minh che mờ nên chẳng nhận ra, khi nào giác thì tự nhiên sẽ hiển lộ. Cho nên VT muốn nhấn mạnh chữ ĐẮC là bởi vì chỉ tạm gọi là đắc chứ thực sự không có chứng đắc gì cả.
Cám ơn bạn đã nêu câu hỏi này nhé, nhân đây cũng là dịp để VT trình bày cách hiểu của mình, nếu có chỗ nào chưa được như pháp thì kính mong các bạn đồng tu cùng chia sẻ thêm để chúng ta cùng trao đổi, học hỏi lẫn nhau.
Còn về việc thời gian trả lời sớm hay muộn, có hay không thì…nếu liên hữu nào nhìn thấy những câu hỏi đã đăng thì hy vọng sẽ hoan hỉ phát tâm trả lời, thiết nghĩ đây là việc thiện nguyện nên cũng tùy duyên thôi bạn ơi.
Nam Mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật,
Khi đời này mình tu tập có phước báu, có chút công phu thiền định nhưng chẳng thể đoạn sạch phiền não, lại chẳng tin A Di Đà Phật, chẳng tin vào Cực Lạc thế giới thì đời sau mình trôi lăn trong sanh tử luân hồi. Rất có thể mình sẽ hưởng phước tu của đời trước trong đường Ngạ Quỷ.
Trong cảnh giới Ngạ Quỷ cũng có Quỷ Thần chúng loại nghèo, giàu, thế lực, quyền uy khác nhau, có loại quỷ thần cũng có thần thông, đây cũng là do phước báu đời trước cảm thành. Trong ngũ thông thì có thể họ chứng được 1 vài thần thông nhất định, độ sâu cạn của thần thông của họ cũng ko như nhau, đều tùy vào phước báu của mỗi vị khác biệt mà cảm thành.
Ngũ thông ko phải là mục đích tu tập của Đạo Phật, cái công phu này thì ngoại đạo tu tập thiền định đều có thể đạt đến được, gọi là “Tứ Thiền Bát Định”. Nhưng cảnh giới cao nhất của họ cũng chẳng giúp họ ra khỏi sanh tử luân hồi vì họ chẳng thể đoạn được Chấp Ngã, phải chứng đạt cái mức “Lậu Tận Thông”, đoạn sạch Kiến Tư Phiền Não thì chứng quả A La Hán, hay chí ít cũng đoạn được 88 phẩm Kiến Hoặc để chứng quả Tu Đà Hoàn Sơ Quả Tiểu Thừa thì mới được xem là đặt 1 chân chắc chắn trên đường giải thoát. Duy chỉ pháp môn niệm Phật thì ko cần đoạn phiền não mà chỉ cần hàng phục được phiền não, chân tín thiết nguyện niệm A Di Đà Phật cầu sanh Cực Lạc thì được vãng sanh,siêu thoát luân hồi, một đời bất thoái thành Phật. Là pháp môn đệ nhất thù thắng nhưng cũng khó tin bậc nhất vậy.
Hi vọng với lời chia sẻ trên thì có thể giúp bạn hiểu được một chút về thần thông của ngạ quỷ và chứng quả trong đạo Phật.
A Di Đà Phật.
A DI ĐÀ PHẬT .. kính bạch thiên đức tăng ni và các vị liên hữu gần xa . con pháp danh MInh An . hôm nay có duyên lành biết đến trang đường về cõi tịnh , con có 1 tâm nguyện xin các vị giúp con .. khi nhìn thấy những người xung quanh phải bỏ thân trong sự đau khổ con rất thương và con mong muốn làm những gì tốt nhất cho họ .. cho nên hôm nay con viết tự sự này kính mong các bác thiện đức tăng ni và các vị liên hữu chỉ cho con ở đâu có ban hộ niệm người vãng sanh con xin hộ niệm hết tâm thành của con chỉ mong sao họ có thể vãng sanh chấm dứt nỗi đau khổ của thế gian .. con hiện đang ngụ tại huyện DAt Do tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu . A Di ĐÀ PHẬT