Hỏi: Kính bạch thầy, mẹ con là người chuyên tu theo pháp môn Tịnh độ niệm Phật. Con biết bà đã niệm Phật thường xuyên trên 20 năm, nhưng không hiểu tại sao trong lúc bà bị bệnh nặng nằm ở bệnh viện điều trị, con mở máy niệm Phật cho bà nghe, bà la rầy con, vì bà không thích nghe niệm Phật. Con không biết lý do tại sao, kính nhờ thầy giải đáp giùm. Cám ơn thầy.
Đáp: Vấn đề nầy, nó thuộc phạm vi tối hệ trọng trong lãnh vực chuyên sâu về lý nhân quả. Nếu Phật tử không hiểu rõ thì cũng dễ sanh nghi, đôi khi còn mất tín tâm nữa không chừng. Thật ra, sự niệm Phật lâu năm của cụ bà, đó là tích lũy nghiệp. Nghiệp niệm Phật nầy không bao giờ mất. Tuy nhiên, Phật tử nên hiểu rằng, nhân quả Phật nói, được đặt định trên chiều thời gian, phải xuyên suốt qua ba thời kỳ: quá khứ, hiện tại và vị lai. Cái nghiệp nhân mà cụ bà niệm Phật hiện nay, chắc chắn là bà sẽ được lợi ích ngay trong hiện tại và mai sau nữa.
Còn sở dĩ bà bị bệnh nặng mà bà có thái độ không chịu niệm Phật và cũng không thích nghe tiếng niệm Phật, theo tôi, có thể là có hai nguyên nhân: xa và gần. Nguyên nhân xa, đó là vì do cái nghiệp nhân mà bà đã gây tạo trong quá khứ. Nghiệp nhân nầy đến đây nó thuần thục, chín muồi nên bà phải trả cái quả báo. Có thể trong quá khứ, ở một kiếp xa xưa nào đó, bà không tin Phật pháp, khi có người bị bệnh nặng, người ta niệm Phật thì bà lại tìm cách cản ngăn không cho, nên nay bà phải chịu trả cái quả báo như thế. Đó là luận theo cái nhân xa xưa.
Còn nếu xét cái nhân trong hiện tại, biết đâu trong lúc bà bị bệnh nặng, cơ thể của bà bị hoành hành đau nhức gây ra tình trạng thật khó chịu, nên tâm thần bà đâm ra bấn loạn. Do đó, nên khi nghe tiếng niệm Phật bà cảm thấy thật khó chịu hơn. Vì vậy, mà bà không cho Phật tử mở máy niệm Phật. Vả lại, Phật tử cũng nên kiểm điểm lại thật kỹ, xem mình hay những người thân khác có làm điều gì trái ý nghịch lòng bà không? Có gây ra điều gì bà hờn giận không? Vì người bệnh nhất là đang trong lúc đau đớn khó chịu, rất dễ sanh tâm tự ái giận dỗi hờn mát lắm. Đây là một tâm lý rất thường tình của bệnh nhân mà Phật tử và những người thân nên lưu tâm cẩn thận. Có đôi khi Phật tử làm cho bà buồn giận mà Phật tử không hay biết. Trái lại, bà thì đã ôm ấp sự tức giận nầy chất chứa sâu trong lòng. Do đó, nên có thể bà ghét Phật tử mà bà không nói ra để làm theo ý muốn của Phật tử chăng!
Có thể hằng ngày lúc khỏe mạnh, bà chỉ biết niệm Phật ngoài miệng suông thôi, nhưng sự tu hành để sửa đổi tâm tánh, thì bà không mấy hiểu để thật hành đúng như lời Phật dạy. Có người niệm Phật cả đời, nhưng thật ra chỉ là miệng niệm mà tâm không có niệm. Do đó, nên gặp cảnh xúc duyên trái ý nghịch lòng, thì tam bành lục tặc vẫn nổi lên mạnh mẽ la ó mắng chửi om sòm. Vì tập khí sân hận của họ còn quá sâu nặng ngập tràn. Đó là vì không có học hỏi để biết cách chuyển hóa phiền não và pháp môn mình đang tu. Tình trạng nầy đa số Phật tử chúng ta đều mắc phải.
Thiết nghĩ, vấn đề nầy, Phật tử cũng nên theo dõi bệnh trạng và cá tánh của bà để tìm hiểu rõ hơn. Nếu như căn bệnh của bà không có gì hành hạ đau nhức khó chịu, mà bà lại sanh tâm không thích nghe tiếng niệm Phật như thế, thì có thể là bà bị trả cái quả báo trước kia mà bà đã gây ra.
Để Phật tử hiểu rõ hơn về lý nhân quả, từ khi gieo nhân cho đến khi kết quả, trong Duy Thức Học có chia làm ba loại:
1. Dị thời nhi thục.
2. Biến dị nhi thục.
3. Dị loại nhi thục.
1. Dị thời nhi thục, có nghĩa là từ khi gây nhân cho đến khi kết quả, phải khác thời gian mới chín ( thục ). Như một học sinh, khi mới bắt đầu vào trường học là nhân, đến khi đổ đạt thành tài là quả. Từ khi đi học cho đến khi đổ đạt lấy bằng tốt nghiệp cuối cùng như tiến sĩ chẳng hạn, phải trải qua mất thời gian rất lâu. Đó gọi là khác thời gian mới chín. Cũng thế, trường hợp của bà biết đâu do cái nhân cản ngăn kích bác người ta niệm Phật xa xưa, nay đến thời gian thuần thục chín muồi, nên bà phải trả cái quả báo đó.
2. Biến dị nhi thục, nghĩa là biến đổi khác đi rồi mới chín. Như trái xoài, lúc nhỏ thì màu xanh và chua, nhưng khi chín thì biến đổi màu vàng và ngọt.
3. Dị loại nhi thục, nghĩa là khác loài mới chín. Nghĩa là từ khi gây nhân cho đến khi kết quả phải trải qua thời gian biến đổi rồi mới chín. Như ta gieo hạt lúa cho đến khi thành bông lúa để gặt hái phải trải qua thời gian biến đổi. Từ lúc gieo mạ, rồi nhổ mạ ( không gọi là nhổ lúa ) đem cấy, thành bụi lúa ( không gọi là bụi mạ ) v.v… cho đến khi lúa chín rồi mới gặt. Phải trải qua thời gian biến đổi như thế mới kết thành quả.
Do đó, cho ta thấy, cái nhân mà bà đã cản ngăn không cho người ta niệm Phật trải qua thời gian lâu xa, nay đến lúc chín muồi, tất nhiên, là bà phải trả cái quả báo đó. Luật nhân quả không bao giờ sai chạy. Tại vì chúng ta chưa có hiểu rõ đó thôi. Nếu luận về cái quả hiện tại, thì cái cận tử nghiệp ( nghiệp gần chết ) của bà không mấy tốt. Chúng ta nên tìm mọi cách để thức nhắc cho bà để cho bà sớm hồi tâm chuyển ý. Để chuyển nghiệp nặng mà thành nghiệp nhẹ. Song có điều cái tích lũy nghiệp công phu tu hành niệm Phật trong hai mươi năm qua của bà chắc chắn sẽ không bao giờ mất. Nghiệp nhân nầy, nó sẽ kết thành quả báo mà bà sẽ thọ hưởng trong tương lai.
Tóm lại, lý nhân quả rất phức tạp, không phải đơn thuần như chúng ta tưởng. Vì từ khi gieo nhân cho đến khi kết quả, nó còn đòi hỏi các trợ duyên, tức những điều kiện phụ thuộc khác. Chính những điều kiện phụ thuộc nầy giúp cho cái chánh nhân được thành tựu tốt hay xấu. Nếu những điều kiện trợ giúp tốt, thì cái chánh nhân kia sẽ phát triển theo chiều hướng tốt. Ngược lại, thì cái chánh nhân sẽ không phát triển tốt được. Vì thế, Các điều kiện phụ thuộc nầy là những trợ duyên rất quan trọng. Trong nhà Phật có nêu ra nhiều loại trợ duyên. Vì phạm vi trả lời câu hỏi có hạn định, nên chúng tôi không tiện trình bày hết các loại trợ duyên nầy.
Một khi chúng ta đã hiểu được lý nhân quả phần nào rồi, thì chúng ta sẽ không có gì phải thắc mắc những việc xảy ra trong đời sống. Bởi tất cả đều do chúng ta định đoạt tạo lấy. Nhân tốt thì quả tốt, nếu chúng ta chịu khó quan tâm chăm sóc tốt. Nhân và quả như bóng theo hình, như vang theo tiếng. Tùy hình và tiếng như thế nào, thì bóng và âm vang sẽ đáp lại như thế đó. Luật nhân quả rất công bằng không thiên vị một ai. Do đó, chúng ta phải nên cẩn thận trong khi nói năng, hành động, hay suy nghĩ, tất cả đều có nhân và quả cả.
Hy vọng qua những điều trình bày đại khái trên, sẽ giúp cho Phật tử hiểu qua phần nào về hiện tượng không mấy tốt của bà hiện nay. Phật tử nên tìm đủ mọi cách để khuyên lơn an ủi nhắc nhở cho bà. Nếu thường ngày trong lúc còn mạnh khỏe bà hay tin tưởng nghe theo vị Tăng, Ni nào đó, thì Phật tử có thể thỉnh vị đó đến để khuyến nhắc khai thị cho bà. Có thể nhờ đó mà bà hồi tâm chuyển ý nghe theo. Đó là điều rất tốt cho bà trong lúc bà bị bệnh nặng hay hấp hối. Phật tử và tất cả người thân trong gia đình, nên cố gắng nhẫn nại chiều theo ý muốn của bà, đừng gây ra bằng những lời nói, thái độ hay hành động không tốt mà làm cho bà khởi tâm sân hận nóng giận, thì quả đó là điều rất tai hại cho cận tử nghiệp của bà.
Kính chúc Phật tử được dồi dào sức khỏe, đạo tâm kiên cố để làm tròn bổn phận của một người con chí hiếu.
Thích Phước Thái
Chào bạn tôi nghĩ bạn nên nhờ thầy hoặc Ni sư tụng Kinh Địa Tạng cho mẹ bạn vì có thể nương nhờ vào năng lực tu hành của họ họ tụng kinh sẽ cảm ứng nhanh hơn là bạn tụng. Vì lúc này oan gia trái chủ đến phá đường vãng sanh của mẹ bạn. Trường hợp của mẹ bạn trong Kinh điển có nhắc tới và thấy họ tụng Kinh Địa Tạng sau đó nhờ ban hộ niệm hoặc nhờ Thầy đến khai thị.
Trong quyển những vấn đề cần biết khi lâm chung có 1 đoạn sau nói về NHỮNG VIỆC MÀ GIA QUYẾN CỦA aNGƯỜI SẮP LÂM CHUNG CẦN CHÚ Ý
: .- Nếu người bệnh do nghiệp chướng hiện tiền, không hoan hỷ và chán ghét người niệm Phật, nghe người trong nhà niệm Phật trong lòng khó chịu, hoặc thấy quỷ thần hiện đến dẫn dắt. Ðây là do người đó nghiệp chướng phát hiện, làm chướng ngại cho việc vãng sinh. Vì thế quyến thuộc nên vì họ đến trước Phật tiền niệm Phật sám hối thay thế cho họ, khiến họ nghiệp chướng được tiêu trừ, vãng sinh Tịnh độ. Ví như năm ngoái có một cư sĩ mà mẹ cư sĩ này lâm bệnh sắp chết. Người này thỉnh đoàn trợ niệm đến nhà trợ niệm. Bà ta nghe niệm Phật, tâm lý khó chịu khởi lên cho rằng những người trợ niệm tâm không chuyên chú. Lúc bấy giờ có một vị cư sĩ quy y Sư phụ (tác giả) biết được bà này do nghiệp chướng khởi đến nên đem Kinh Ðịa Tạng đọc tụng sám hối thay thế hết sức thành khẩn, lại vì bà mà niệm Phật, khiến cho tâm bà ta vô cùng hoan hỷ niệm Phật mà vãng sinh Tịnh độ. Phần trên có nói là đọc tụng Kinh Ðịa Tạng có thể tiêu trừ nghiệp chướng oan gia, giả như không thể đọc tụng được thì chỉ niệm danh hiệu của ngài cũng có thể tiêu trừ nghiệp chướng. Lại có một vị cư sĩ cha lâm bệnh lúc gần chết, thấy có một người đàn bà và một con chó đến đòi mạng. Vị cư sĩ này liền thay cha mà niệm Phật và sám hối, về sau chẳng thấy hình ảnh trên đến nữa, mà ngược lại cha cư sĩ lại thấy hai vị tăng đến trước ông mà nói rằng “Ðời trước ông làm trở ngại việc vãng sinh của chúng tôi, nên nay chúng tôi cũng làm ngăn trở việc vãng sinh của ông”. Một lần nữa cư sĩ này lại thay cha tiếp tục sám hối niệm Phật, đồng thời cầu nguyện cho hai vị tăng cũng như cha mình được vãng sinh. Nếu trường hợp cha ông được vãng sinh thì sẽ trở lại trợ giúp cho hai vị tăng được vãng sinh để sám hối lỗi lầm xưa kia ông đã tạo, khoảng một thời gian sau, thì cha vị cư sĩ này không còn thấy hai vị tăng đến nữa. Sau cùng ông lại thấy một vị lão tăng đến và nói: “Ông đã được tiêu trừ tội chướng, trong vòng ba thất sẽ được vãng sinh vào cấp thứ năm của chín phẩm”. Lại nói tiếp: “Sở dĩ vì ba thất là do con ông biết đạo, trong ba thất đầu tức là 21 ngày, gia đình của ông trợ niệm rất nhiều cho ông, khi hết 21 ngày thì ông được vãng sinh vào địa vị thứ năm của chín phẩm hoa sen tức là Trung phẩm Trung sinh”. Hãy lấy đó mà suy nghĩ kỹ, quyến thuộc chỉ thay thế người bệnh sám hối và niệm Phật, hoặc đọc tụng Kinh Ðịa Tạng, hoặc niệm danh hiệu A Di Ðà Phật mà có công năng như vậy.
Xin chào các đạo hữu. Nếu nói rằng oan gia trái chủ đến phá đường vãng sanh của bà, vậy trong 20 năm niệm Phật nếu bà thường ngày đều hồi hướng cho oan gia trái chủ thì liệu các oan gia có còn đến phá không? Hay mặc dù thành tâm hồi hướng vẫn không hóa giải được họ?
A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật
Chào bạn Anh Dũng,
Xin bạn hãy đọc bài Pháp này để tăng thêm tín tâm về Pháp Sám Hối, Hồi Hướng
http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2011/10/sam-hoi-hoi-huong-cung-niem-phat-khong-ai-la-chang-thanh/
Chúc bạn tinh tấn niệm Phật!
A Di Đà Phật