Xin chư vị tự hứa với mình rằng, ta đã thấy rõ ràng mình là hàng hạ căn thấp nhất. Thấy cái chỗ thấp nhất đó thì ta mới ứng dụng cái phương pháp cụ thể nhất và an toàn nhất của người thấp nhất, thì tự nhiên ta được vãng sanh không có gì trở ngại. Nếu sơ ý chúng ta khởi tâm cao ngạo một chút, hay là sơ ý thấy mình cao một chút, thì ngay giờ phút đó ta sẽ có chướng ngại ngăn cản con đường vãng sanh. Mình biết mình hạ căn thì thường thường với công phu mình tu hành như thế này chưa đủ để xóa những nghiệp chướng đó đâu.
Những người đang còn khỏe mạnh đừng bao giờ nghĩ rằng ta sẽ tiếp tục khỏe mạnh cho đến giây phút cuối cùng và được an nhiên tự tại ra đi. Không phải!… Thường thường nghiệp chướng nó đổ ra rất bất ngờ!… Khi nó đổ ra như vậy thì sẽ cản trở rất nhiều công phu tu hành của mình. Lúc đó…
– Mình muốn mở lời niệm Phật, niệm cũng không được… Đau quá!…
– Mình muốn mở lời nguyện vãng sanh, nguyện không được…
– Lúc đó tự nhiên bao nhiêu mối u sầu, sợ hãi, lo lắng tới dồn dập… làm mình quên hết, quên trụi lủi trụi lui…
Chính vì vậy, dù sao đi nữa cũng khuyên tất cả phải cố gắng phát tâm dũng mãnh tinh tấn hơn nữa, để cho nghiệp chướng nhẹ đi, có vậy chúng ta mới hy vọng sẽ được tỉnh táo trong giờ phút cuối cùng để nghe những lời của người hộ niệm đến khai thị, rồi niệm Phật theo người ta, nhờ đó mà A-Di-Đà Phật sẽ phóng quang tiếp độ ta về Tây Phương.
Hôm trước có một số vị tới thăm đạo tràng và hỏi chuyện. Có một vị hỏi:
– Đạo tràng của anh có tổ chức tu tinh tấn để đạt được “Niệm-Vô-Niệm” hay không?… Thì Diệu Âm có trả lời:
– Ở đây không chủ trương niệm Phật cho đến Vô-Niệm.
“Niệm-Vô-Niệm” là khởi đầu của cảnh giới chứng đắc “Nhất tâm bất loạn”. Vị đó lại hói:
– Tại sao vậy?… Nếu không được “Niệm-Vô-Niệm” thì làm sao được vãng sanh?
(Niệm-Vô-Niệm nghĩa là tự mình niệm mà không cần niệm nữa, tức là trong tâm mình tự niệm)… Diệu Âm mới nói là:
– Vì hầu hết đồng tu tại đây đều là hạ căn. Mà đã là hạ căn thì đạt đến cảnh “Vô-Niệm” không dễ đâu! Đạt không được tới cảnh giới đó, mà lại xúi dục người ta ráng sức niệm cho đến “Vô-Niệm”, thì cái lực này nhiều khi vượt qua giới hạn chịu đựng của họ. Lúc đó không cách nào cứu được.
Chính vị hỏi đó cũng đang tu để cầu cho được “Vô-Niệm”, được “Nhất tâm bất loạn”. Khi nghe nói vậy, thì mấy vị kia cũng nói:
– À!… Anh Diệu Âm nói đúng đó…
Vị đó nghe vậy, có vẻ hơi giật mình! Tôi nói tiếp:
– Vấn đề niệm Phật để đạt tới cảnh giới này cảnh giới nọ!?… Chuyện này hãy để tự nhiên đi, đừng nên mong cầu. Thay vì hồi giờ mình lấy cái công phu này, công phu rất cao này, để cầu cho “Nhất Tâm Bất Loạn”, cầu cho “Vô-Niệm”, thì tại sao mình không đơn giản lại một chút… Nghĩa là, cũng tu y hệt như vậy, cũng tinh tấn như vậy, cũng siêng năng như vậy… nhưng mà chú tâm vào lời nguyện vãng sanh, để cầu mong mình được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc…
Còn chuyện “Vô Niệm” hay “Nhất Tâm Bất Loạn” nó đến cũng kệ nó, nó đi cũng kệ nó, muốn đến hay đi cũng khỏi cầu mong làm chi. Như vậy mình thấy có vui sướng không? Chứ như trong ba tư lương Tín-Nguyện-Hạnh, thì chữ Nguyện này chư Tổ nói là nguyện vãng sanh, tại sao mình không nguyện vãng sanh, mà lại cầu nguyện cho được “Vô-Niệm” làm chi? Cầu nguyện cho “Nhất tâm bất loạn” làm chi? Nếu đến lúc lâm chung, mình chưa được cái cảnh giới gọi là “Niệm Vô Niệm”, chưa được cảnh giới gọi là “Nhất Tâm Bất Loạn”, chẳng lẽ mình nằm đó chờ cho nhất tâm bất loạn sao? Rồi lỡ giai đoạn mãn báo thân đến rồi… Mình đi đâu đây?!…
Cho nên tôi nói, đã có công phu quyết lòng cầu cho vô niệm thì bây giờ hãy lấy công phu đó để cầu vãng sanh đi. Chư Tổ nói: “Không cầu nhất tâm bất loạn thì mới có thể nhất tâm bất loạn”… Chớ đã cầu nhất tâm bất loạn thì không thể nào là nhất tâm bất loạn được, mà nhiều khi vì cái lực của mình không theo kịp cái tâm, mà mình cứ cầu cho nhất tâm bất loạn, thì coi chừng cái “Bất Loạn giả” xảy ra, cái “Vô Niệm giả” đưa đến, nhiều khi chính mình không kềm chế được, mà sau cùng có thể bị trở ngại!…
Nếu thật sự có những người tu được chứng đắc nhất tâm bất loạn, thì đây là những hạng người căn cơ rất cao. Căn cơ cao thì họ chỉ âm thầm tìm đến những người căn cơ cao, chứ không bao giờ phổ biến rộng rãi ra đâu, vì phổ biến vấn đề này rộng ra có thể khiến cho nhiều người vọng tưởng! Tôi nói như vậy thì vị đó có lẽ hơi ngộ!
Trong kinh Phật có nói, chúng sanh thời mạt pháp này căn cơ thấp lắm! Như chúng ta đây cũng vậy, rõ rệt là căn cơ thấp lắm! Căn cơ thấp mà muốn được vãng sanh, muốn được thành tựu, thì tốt nhất hãy nhắm đến việc tu hành cần cù, siêng năng. Thay vì về nhà buổi trưa mình ngồi trên giường đọc báo, bây giờ mình hãy nghĩ rằng tờ báo này nó không giúp ích gì cho đường thành đạo! Vậy thì, liệng tờ báo đi. Thay vì mình mở phim Tàu ra coi, bây giờ mình hãy nghĩ rằng… À!… Nghiệp chướng mình sâu nặng, khi đến giai đoạn hết báo thân mình sẽ bị đọa lạc, sự đọa lạc này dễ sợ lắm!… Thôi mạnh dạn bỏ phim Tàu đi, lập tức cầm xâu chuỗi lên niệm Phật. Khi niệm Phật, niệm hai ba chuỗi cảm thấy mệt, ta lại muốn đi chơi?… Ta liền tự nghĩ, đây chính là nghiệp chướng đó!.. Mới tu như vậy đâu thể là đủ được! Cố gắng tự quán xét lấy…
Mấy ngày nay chúng ta đưa ra chương trình công cứ. Khi cầm công cứ lên niệm Phật, mình thấy tờ công cứ của mình sao còn trống rỗng!? Người ta thì đầy hết trơn rồi, còn mình thì trống rỗng, chứng tỏ công phu của mình còn quá yếu!… Đã không được nhất tâm bất loạn rồi, mà công phu còn yếu nữa, thì khi nằm xuống mình sẽ không có đủ công đức để hóa giải chướng nạn, mình sẽ bị trở ngại! Thấy vậy thì nên biết giật mình. Thôi! Hãy ráng niệm thêm năm sáu ô nữa đi. Tự mình phải làm chứ không ai bắt mình hết. Một ngày mình niệm một ngàn, tức là tô một ô cũng được. Một ngày mình niệm mười ô, cũng do chính mình chứ không ai bắt mình hết. Nhưng mà mình làm được hai ô, ba ô… chắc chắn mình sẽ an tâm hơn một ô. Mình thấy… À!… Còn yếu quá! Tại sao người kia lại niệm được hai mươi lăm ô trong một ngày, tức là 25.000 câu Phật hiệu. Như vậy họ đã quyết tâm về Tây Phương. Nhìn họ mà mình phải ráng lên, tinh tấn lên. Cứ tấn tới… Phải tấn tới… để cho giải bớt ách nạn của mình đi…
Mình không cầu nhất tâm bất loạn vì mình không có khả năng niệm Phật đến nhất tâm bất loạn. Mà không có khả năng niệm Phật đến nhất tâm bất loạn, thì chướng ngại nhất định vẫn còn ê hề trước mắt, không bao giờ mất! Mình vẫn biết có những người đồng tu tới hộ niệm cho mình, khai thị cho mình. Nhưng phải nhớ:
– Căn bản là mình cần phải có cái Công-Phu.
– Căn bản là mình cần phải có cái Tín-Lực.
– Căn bản là mình cần phải có cái Nguyện-Lực.
– Căn bản mình cần phải có cái Hạnh-Lực.
Hạnh-Lực chính là tô màu vào những cái “Nút” nhỏ trong bản công cứ đó. Cái nút này hay lắm, nó tăng cái phước mình lên, nó giảm cái nghiệp mình xuống. Nhờ giảm nghiệp mình xuống, nên bệnh hoạn cũng giảm bớt đi. Khi lâm chung mình bớt đau đầu, bớt nhức óc… Nhờ thế mới dễ được vãng sanh.
Nói tóm lại, trong pháp tu của người hạ căn như chúng ta là xin cố gắng hơn nữa, siêng năng thêm một chút nữa để tự mình giải cứu cho mình. Xin đừng đợi đừng chờ…
Hôm nay, xin kể một câu chuyện khác, gọi là “Xin đừng nên chờ!”. Câu chuyện này đã xảy ra tại một làng cận kề với làng của Diệu Âm. Ở nơi đó cũng có ban hộ niệm, có chùa cũng biết hộ niệm. Có một anh năm đó mới 42 tuổi thôi, anh rất có hiếu với người Mẹ. Mỗi thứ bảy, Chúa Nhật anh dùng xe Honda chở người Mẹ lên chùa niệm Phật, tụng kinh, nhưng còn anh thì luôn luôn ngồi ở ngoài hút thuốc lá, nói chuyện, không chịu vào Niệm Phật Đường để niệm Phật. Người ta mời anh vào niệm Phật, Anh nói:
– Bây giờ tôi chưa niệm Phật được đâu!… Tôi phải lo cho bà Mẹ của tôi xong đã. (Bà Mẹ lúc đó 86 tuổi, năm 2006… 86 tuổi). Khi mà Mẹ tôi xong phần rồi tôi sẽ tu sau, bây giờ tôi còn nhiều chuyện lắm…
Thì một bữa nọ anh bị cảm. Ngày hôm trước cảm sơ sơ, ngày hôm sau anh chết… Chết trong lúc 42 tuổi. Bà Mẹ đến nay là hơn 90 tuổi rồi vẫn còn sống một mình, không có ai nuôi hết. Còn anh đó thì đã chết bốn-năm năm nay rồi. Chết mới 42 tuổi, lúc còn đang khỏe mạnh, lái xe Honda chạy ào ào.
Thật sự, “Vô-Thường tấn tốc!”… Rõ ràng là “Triêu tồn tịch vong, sát-na dị thế!”. Ấy thế:
– Đừng bao giờ ỷ lại là ta còn khỏe thế này, còn lâu lắm mới đi.
– Đừng bao giờ nghĩ rằng một người đó bệnh thì người ta đi trước mình…
Không phải vậy đâu!…
Ông Già của Diệu Âm cách đây bốn-năm năm… Khi nói chuyện về bà Sui-Gia của ông. Bà bác đó đã nằm một chỗ không đi được, bị bán thân bất toại… Ông Già tôi nói:
– Chắc bà sui phải đi rồi!… Chắc chắn trước sau cũng đi liền thôi!…
Trong khi ông Già của Diệu Âm lúc đó còn vác cuốc ra đồng, còn cuốc cỏ được. Thì bây giờ đây, ông Già đã ra đi ba-bốn năm rồi mà bà bác đó hiện vẫn còn sống. Lạ quá!
Chính vì vậy, nghĩ tới chuyện vô thường, xin chư vị đừng nên bao giờ ỷ lại rằng sức khỏe của mình còn khỏe?… Không đâu!… Một sớm một chiều, nó đến lúc nào không hay! Mà lỡ nó đến quá sớm, trong khi công phu của mình không có, công đức mình không có… Xin thưa thật chư vị, nghiệp chướng trùng trùng trong vô lượng kiếp, oan gia trái chủ đang chờ từng ngày từng giờ… Nó sẽ đổ dồn tới làm cho mình hứng chịu những hậu quả rất đau đớn đó!…
Hiểu được chỗ này, xin ráng phát tâm tu hành. Không ai bắt phải “Nhất tâm bất loạn”, nhưng mà phải tạo công phu, phải siêng năng, phải cần cù để tự mình giải ách nạn trước. Rồi khi lâm chung đồng tu sẽ đến hộ niệm, nhờ thế thì phần vãng sanh Cực Lạc mới an toàn được…
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)
Chào chú Diệu Âm,cho cháu hỏi cuốn sách nhìn thấu buôn xả là chân trí tuệ ở vn có không chú,để con thĩnh cho mẹ con xem,cám ơn chú đã nói cho con bbiết về pháp môn niệm phật.a di dà phật
Minh triết vào đây có thể in ra rồi gởi cho mẹ.
A mi đà phật
http://www.tinhdo.net/khaithi/30-hoathuongtinhkhong/387-nhinthaulatrihuechanthat.html
Nam Mô A Di Đà Phật.Đã sinh ra trong cõi người này đều là có tội phải không thưa chú Diệu Âm,Phật Pháp cao siêu,thâm thúy không phải ai cũng tin,cũng hiểu.Cháu sẽ niệm Phật mong rằng kiếp này sẽ diệt trừ mọi tội lỗi và chấm dứt tất cả ở kiếp người này.Cảm ơn chú về bài vết trên,đã cho cháu thấy bản thân luôn phải tinh tiến,cố gắng .Cuộc sống vô thường,không chờ đợi ai.Cầu mong cho tất cả chúng sanh đều biết đến pháp môn niệm Phật,tội nghiệp tiêu trừ, vãng sanh Cực Lac…
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam mô A Di Đà Phật. Cháu đọc rất nhiều bài viết của chú và cháu thấy thật ý nghĩa. Mỗi lần cháu có vướng mắc gì thì cháu lại tìm được câu trả lời thỏa đáng từ những bài mà cháu đã đọc. Cảm ơn chú rất nhiều. Mong sao đạo Phật ngày càng thịnh vượng để hết thảy chúng sanh được an lạc
chào chú diệu âm.con là nguời mới niệm phật thì phải bắt đầu niệm từ dâu?
Cổ Đức nói ” Ăn chay, niệm Phật”.
Nam Mô A Di Đà Phật