Nếu bạn muốn hỏi vãng sanh có thật không? Thật đó, một tí gì cũng không phải giả. Trong đời tôi thấy tận mắt mười mấy người đứng vãng sanh, ngồi vãng sanh. Còn những người nghe nói vãng sanh thì không biết là bao nhiêu mà kể. Gần đây nhất, khoảng hai năm nay, không đến hai năm, lão cư sĩ Trần Quang Biệt là vị lâm trưởng nhiệm kỳ trước của Cư Sĩ Lâm Tân Gia Ba. Bạn hãy xem ông ta vãng sanh, đây là người chúng ta đã nhìn thấy tận mắt, các bạn đồng học trong chúng ta đều có đi hộ niệm cho ông. Lúc lão cư sĩ hơn tám mươi tuổi thì thân thể yếu dần rồi sanh bịnh. Nói thật ra, khi sanh bịnh thì ông mới hết lòng học Phật, khi ông chưa bịnh thì không có học Phật. Ông là một nhà kinh doanh ngân hàng, ngày ngày đều bận rộn công việc làm ăn, không có thì giờ đọc kinh và cũng không có thì giờ nghe kinh.
Sau khi mang bịnh thì không có cách nào khác phải ở nhà dưỡng bịnh, mỗi ngày nằm trên giường nhàn rỗi. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên gởi những băng video giảng kinh của chúng ta đến tận nhà cho ông. Mỗi ngày ông đều xem, càng xem càng thích thú. Ông mỗi ngày xem tám giờ đồng hồ, thời giờ còn lại thì niệm A Di Đà Phật. Trải qua thời gian 2 năm, không dài lắm, thì ông đã thành công. Một ngày nọ ông nói với cư sĩ Lý Mộc Nguyên rằng ông sẽ vãng sanh về Cực Lạc. Lý cư sĩ nói với ông rằng lúc bấy giờ ông không thể vãng sanh được. Lúc bấy giờ công việc ở Cư Sĩ Lâm còn chưa ổn định, chỉ cần ông còn sống thì sức ảnh hưởng của ông vẫn còn, cho nên hy vọng là ông ở lại để tiếp tục giúp đỡ. Ông Trần đồng ý và nói vậy thì ông sẽ đợi thêm hai năm nữa.
Hai năm sau đó, trong kỳ họp sau cùng, Cư Sĩ Lâm tổ chức bầu cử cho [ban chấp hành] nhiệm kỳ mới. Hôm đó ông ngồi xe lăn đến tham dự, tôi cũng có mặt trong buổi họp. Đây là lần cuối cùng ông đến Cư Sĩ Lâm. Sau khi ra về, tôi nghe người nhà của ông kể lại, có một hôm ông viết ‘mồng bảy tháng tám’ trên khoảng trống viền quanh tờ báo, ông viết hết mười mấy lần ‘mồng bảy tháng tám’. Người nhà ông không ai dám hỏi, cũng không ai biết là việc gì; đúng ngay ngày mồng bảy tháng tám hôm đó ông vãng sanh. Cách ba tháng trước, ba tháng trước ngày ông vãng sanh thì ông đã biết ngày giờ ra đi rõ rõ ràng ràng. Mồng bảy tháng tám, ba tháng trước đã viết ra hết mười mấy lần. Đây là ‘dự tri thời chí’ (biết trước ngày giờ vãng sanh)!
Từ lúc ông sanh bịnh bắt đầu nghe kinh niệm Phật cho đến khi ông vãng sanh là khoảng bốn năm. Sau khi ông vãng sanh, Cư Sĩ Lâm ở Tân Gia Ba xuất hiện ra một việc rất kỳ lạ. Sau khi việc này xảy ra có một hôm, cư sĩ Đỗ Mỹ Tuyền lại Niệm Phật Đường kiếm tôi; trước đó tôi không quen biết bà. Việc gì đã xảy ra? Rất nhiều oan gia chủ nợ của lão cư sĩ Trần Quang Biệt đến Cư Sĩ Lâm. Những người này không phải người còn sống, đều là quỷ, rất là nhiều. Số oan gia chủ nợ này trước đó vốn là ở nhà ông Trần, nhưng ông Trần mỗi ngày nghe kinh niệm Phật nên họ không dám phá khuấy ông. Nghe kinh niệm Phật có thần hộ pháp cho nên tuy là số oan gia chủ nợ này vây quanh kế bên nhưng không dám làm hại ông. Sau khi nhìn thấy ông Trần vãng sanh họ đều cảm động.
Cho nên họ đi theo pháp sư, chúng tôi phái pháp sư mỗi ngày lại trợ niệm cho ông, một nhóm bốn vị pháp sư luân phiên nhau. Số oan gia chủ nợ này đi theo mấy vị pháp sư này về đến Cư Sĩ Lâm. Họ nói thần hộ pháp ở Cư Sĩ Lâm không ngăn cản và nói rằng họ đến không có ý phá rối mà đến để xin quy y. Họ nói sau khi thấy ông Trần vãng sanh họ rất hoan hỷ nên đến để xin quy y. Lúc đó tôi đang ở Hương Cảng, hình như là thầy Toàn gọi điện thoại cho tôi và nói nhóm quỷ này xin quy y, tôi nói với thầy mau mau cho họ quy y.
Sau khi quy y họ muốn nghe kinh. Các pháp sư ở Cư Sĩ Lâm mới nói với họ rằng lầu bốn là Niệm Phật Đường, lầu năm là Giảng đường, mỗi ngày đều có pháp sư ở đó giảng kinh. Họ nói ‘ánh sáng’ ở lầu năm quá mạnh họ chịu không nổi. Sau khi thương lượng thì chúng tôi mở truyền hình ở lầu một và lầu hai. Họ yêu cầu nghe kinh Địa Tạng, cho nên chúng tôi vặn máy truyền hình suốt ngày 24 giờ để băng video cho họ nghe. Họ thích nghe kinh Địa Tạng và kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo. Họ thích nghe hai bộ kinh này nhất, sau khi nghe xong thì họ ra về. Đây là chuyện kỳ lạ đã xảy ra.
Sau đó mấy ngày, hình như là một tuần, thì cư sĩ Đỗ Mỹ Tuyền đến kiếm tôi để thuật lại chuyện quỷ nhập vào thân bà. Bà nói lúc đó bà mê ngất đi, sau khi hôn mê thì cái gì cũng không biết. Lúc tỉnh dậy người khác nói lại cho bà biết rằng bà đã bị ‘nhập’ hết hơn một giờ, một câu bà cũng không biết bà đã nói cái gì. Nhưng người nhà của bà không tin, nhất là em trai của bà, hắn nói chuyện này không đáng tin tí nào. Sau đó nghe nói hắn bị tám con quỷ đánh hết một trận, đánh xong còn xô hắn ta vô ống thoát nước ở bên đường. Hắn bị thương nặng phải nằm xe cứu thương vô bịnh viện cứu cấp. Hắn báo cảnh sát và nói là hắn bị bảy hoặc là tám người đánh bị thương. Kết cục khi cảnh sát đến để điều tra, hỏi thăm những người chung quanh, những người chung quanh này nói không phải, tự mình hắn đi lảo đảo rồi té xuống ống thoát nước, không có ai đánh hắn hết. Bảy tám con quỷ đánh hắn, kể từ đó hắn mới tin, cả nhà đều tin hết. Đỗ Mỹ Tuyền bị quỷ nhập, nhờ đó mà cả nhà được độ.
Trích Lợi Ích Của Sự Niệm Phật
H.T. Tịnh Không giảng
Một nhóm Diệu Âm cư sĩ dịch, 12-2003
Adi đà phật. Từ ngày con được cơ duyên học Phật Pháp, Nghe giảng Và niệm danh Hiêụ A Di đà phâtj, bao nhiêu may mắn và hạnh phúc đã đến với Con, càng làm cho con tin tưởng về Cõi cực lạc. Con xin cuí lạy đức Thế tôn, đức từ phụ Adi đà, đại từ Đại bi Quán thế âm bồ Tát cùng các vị Cư Sĩ đã hóa duyên cho Con đc biết đến Phật Pháp, cùng sư Thầy ở Trúc lâm tây thiên đã hóa Giải Nghiệp Chướng Cho Con, các ni sư chùa Ngòi đã cho Con Quy Y. A Di đà phật
Kính bạch Thầy:
Con đã nghe nhiều bài giảng của Thầy rất hay, con có một chuyện muốn nhờ thầy giúp, con đã có gia đình và hai con một gái một trai ,đứa con trai của con ko biết nghiệp nặng lắm hay sao, nó bị ho có đờm, vừa mới sinh đã bị bệnh rồi, tới hôm nay đã gần hai tuổi thì càng nặng thêm hay bị sốt còn bị co giật nữa ,nó ốm yếu lắm thầy ơi trời trở gió là bệnh liền,con nghe thầy giảng nhiều lắm, nghe thầy tin Phật pháp con đã mua cá phong sanh rất nhiều lần mà ko thấy kết quả như mong đợi ,mua cá lóc cá trê thả nước ngọt ,và hồi hướng cho con của con rất nhiều lần rồi nhưng ko hết bệnh,và con còn niệm Phật nữa nhưng ko hết, rất mong thầy chỉ cho con cách nào giúp con của con ko mang bệnh trong người, con xin đội ơn thầy, con vì hoàn cảnh chưa quy y được nhưng con rất tin Phật pháp và đã ăn trai trường ,con hay niệm Phật và trì chu đại bi ,và cũng thử niệm Phật trì chú vào ly nước cho con của con uống mà sao ko hết, con thấy buồn qúa, mong thầy giúp con với, con rất cần thầy ở gần bên giúp đỡ con,chồng con ko tin phật pháp hay sát sanh hại mạng và rất hung dữ,con sống ko được hạnh phúc nhưng con biết đó là nghiệp của con phải trả ,làm ăn càng ngày càng xa sút ,con đang nguyện vãng sanh tây phương Cực Lạc ,đang rất cố gắng sửa đổi tâm mình tốt hơn ,để được gần Phật nhiều hơn ,con năm nay 25 tuổi tên là Nguyễn Thị Thu là do con ko biết tạo email nên con mượn của e con ,con rất mong thầy hồi âm sớm cho con ,chỉ cho con cách chuyển nghiệp này và giúp cho con của con hết bệnh ,con xin đội ơn thầy ,cho con hỏi ăn chay uống sữa tươi được ko thầy?
A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật
Gửi bạn Mỹ Diệu,
Phật dạy: Con cái đến với chúng ta không ngoài 4 nhân duyên: Báo ơn, báo oán; Trả nợ, đòi nợ. Kế đó là đến nhân duyên vợ chồng: cũng là duyên, nợ, ân, oán từ tiền kiếp mà hội tụ.
TN sơ lược như vậy để bạn có một khái niệm về sự hình thành một gia đình: Tất cả chúng ta sở dĩ có mặt trong cõi đời này đều không thoát ra khỏi những duyên nợ, ân, oán ràng buộc nói trên. Chính vì thế cõi này Phật gọi là cõi Ta Bà, nghĩa là cõi Kham Nhẫn – Cõi mà chúng sanh mang theo tất cả những nghiệp duyên chưa được hoá giải của tiền kiếp, và cũng là cõi mà chúng sanh phải cam chịu tất cả những nỗi khổ đau, ràng buộc của cuộc đời, nay nhân duyên chín mùi, gặp lại nhau, kẻ từng là cha, mẹ, anh, em, con, cháu… của nhau; kẻ từng là cứu nhân, ân nhân; kẻ từng là oán thù, từng hiềm khích, đối kháng với nhau trong quá khứ… nay duyên chín mùi, nên thọ sanh trở lại để tiếp tục làm chồng, làm vợ, làm con cái, anh, em, cha mẹ… hoặc hoán đổi vị trí của nhau trong quá khứ, để tiếp tục những duyên nợ chưa hoá giải…
Quán chiếu sâu sắc lời Phật dạy thì đây là cái vòng sanh-tử-tử-sanh luẩn quẩn, với chất chứa đầy dẫy (phần lớn) là những oán nghiệp từ vô thỉ mà tạo nên – Phật gọi đó là vòng sanh tử luân hồi mãi mãi không ngưng nghỉ…
Chúng ta sẽ phải làm gì khi đối diện với cuộc sống ấy? Hoặc xuôi tay, chấp nhận số phận nghiệt ngã? Hoặc than trời, trách đất không thương, không gia hộ? Hoặc kêu khẩn Phật, Bồ tát, Thần linh cứu giúp? Tất cả những điều nói trên không phải là cách để chúng ta hoá giải tận gốc những chướng duyên, những bất thiện nghiệp từ vô thỉ, nay tạo thành một gia đình, trong đó là đầy dẫy những chuyện khổ đau, dằn vặt, mất mát cùng sự hành hạ của bệnh tật trên thân những người thân trong gia đình.
đứa con trai của con ko biết nghiệp nặng lắm hay sao, nó bị ho có đờm, vừa mới sinh đã bị bệnh rồi, tới hôm nay đã gần hai tuổi thì càng nặng thêm hay bị sốt còn bị co giật nữa , nó ốm yếu lắm thầy ơi trời trở gió là bệnh liền, con nghe thầy giảng nhiều lắm, nghe thầy tin Phật pháp con đã mua cá phong sanh rất nhiều lần mà ko thấy kết quả như mong đợi
Để bạn dễ hiểu về nguyên nhân con trai bạn mang bệnh nặng khi mới sanh, TN lấy một ví dụ nhỏ giúp bạn quán chiếu:
Có hai người cùng kinh doanh đều rất phát đạt. Người A, hàng tháng thu nhập, kiểm chi mọi chuyện và đã dư ra một khoản tiền lớn, anh ta liền bỏ một khoản tiền lớn vào sổ tiết kiệm; Người B, cuối tháng, cũng kiểm chi, số tiền lời cũng tương đương như người A, nhưng thay vì cho vào sổ tiết kiệm, anh ta bèn đem đi để tiêu sài hoang phí hết. Ngày, tháng qua đi. Cuối năm, cả hai người A và B đều làm một cuộc tổng kiểm kê tài chánh. Người A, vì hàng tháng biết chỉnh chu, tiết kiệm đúng mực, nên cuối năm đã dư ra một khoản vốn khá lớn; Người B, vì hàng tháng tiêu sài quá hoang phí nên cuối năm, anh ta đã lạm tiêu luôn cả vào vốn kinh doanh. Bước sang năm mới, người A, mặc dù chưa phải làm gì thêm, nhưng số vốn dư lại từ năm cũ đã giúp cho việc kinh doanh thêm phát triển và tiền lời ngày càng nhiều hơn; Ngược lại, người B, vì tiêu sài hoang phí, vì thâm thủng vào vốn năm cũ, nên bước sang năm mới, công việc kinh doanh đã gặp phải vô vàn khó khăn. Một mặt vì thiếu vốn; mặt khác phải lo bù lỗ. Vì thế một năm mới với người B báo hiệu đầy sóng gió…
Để quán chiếu nghiệp duyên của một người, chúng ta phải dùng triết lý nhân-quả của đạo Phật mới giải quyết tận gốc được. Bạn nhận ra điều gì cho ví dụ trên? Người B có thể dụ cho con trai bạn hiện giờ. Sự tiêu sài hoang phí tiền của dụ cho những phước báu đã tạo và đã sài hết. Rất có thể cháu đã có một quá khứ không năng tạo những thiện nghiệp, hoặc có, nhưng đã sài hết như người B, và thế vào đó là những bất thiện nghiệp tích tụ lại quá nhiều. Vì thế, khi thọ sanh trong kiếp này cháu phải mang theo những bất thiện nghiệp của quá khứ=giống như người B, phải lo đối phó với chuyện kinh doanh và thâm thủng tài chính. Đạo Phật gọi đó là: Nhân gặp duyên nên trổ Quả.
Cháu bé phải làm gì? Cháu chưa thể làm gì được, mà chính vợ chồng bạn phải sáng suốt để nhìn nhận, sáng suốt để hoá giải, và giúp chuyển bớt những nghiệp quá khứ mà con trai bạn hiện đang phải gánh theo.
Việc hai bạn năng phóng sanh là điều vô cùng tốt. Nhưng TN nhận thấy: động cơ phóng sanh của hai bạn chưa thực xuất phát từ sự giác ngộ cũng như tấm lòng từ-bi-hỉ-xả chân chánh . Tại sao vậy? Phóng sanh là bố thí vô uý, nghĩa là mang lại sự giải thoát, an lạc cho các chúng sanh khác. Nhưng rất có thể khi hai bạn phát tâm phóng sanh, trong tâm hai bạn chỉ canh cánh một ý nghĩ: Làm sao cho con trai mình mau hết bệnh? Nếu đúng như TN phỏng đoán thì hai bạn phải chuyển đổi ngay ý nghĩ này. Bởi đó là bố thí và làm việc thiện có mục đích. Mà mọi chuyện cho dù là chuyện đời, nếu làm mà có mục đích (có vụ lợi), kết quả sẽ hạn chế, và rất mong manh.
Hai bạn nên nhận diện thấu đáo: Một người mắc một số nợ khá lớn, ngay một lúc, nếu tự mình thanh toán hết nợ, đã là chuyện khó. Nay người đó không tự mình giải quyết được số nợ, mà phải nhờ người khác trả giúp – điều này càng khó hơn và lại càng cần phải có nhiều thời gian hơn. Người không có khả năng trả nợ hiện giờ dụ cho con trai hai bạn (vì cháu còn quá nhỏ); người muốn trả nợ giúp cho con trai, chính là hai bạn. Nhưng nếu hai bạn trả nợ cho con trai theo tính đối phó, nghĩa là không dùng tâm trân thành để trả, chắc chắn „chủ nợ“ nghĩa là các oan gia trái chủ của con trai bạn sẽ không hoan hỉ và họ sẽ nhất quyết không buông tha. Do vậy, khi phóng sanh, các bạn chớ nên cầu cho con trai mau khỏi bệnh, mà hãy vì những chúng sanh được các bạn mua về để phóng sanh, hãy khai thị, chú nguyện, niệm Phật cho họ, cầu cho họ được giải thoát, được thoát kiếp súc sanh và vãng sanh Cực Lạc. Kế đó là hai bạn hồi hướng cho những oan gia trái chủ của con trai bạn, nguyện cho họ hàng ngày được thấy, được nghe pháp, nghe kinh, được cùng các bạn niệm Phật và nguyện cho những oan gia trái chủ này sớm buông được vạn duyên để vãng sanh Tịnh Độ. Thứ nữa, khi hồi hướng, hai bạn hãy nguyện cho con trai nương theo Phật pháp, hàng ngày cùng các oan gia trái chủ tu học, và cùng phát nguyện vãng sanh Tịnh Độ. Điều này hơi trìu tượng, bởi con trai mới sanh ra, nay lại nguyện cho cháu vãng sanh, thật phi lý? Hai bạn chớ nên hoài nghi rồi sanh lo ngại về chuyện này, trái lại phải âm thầm tín tâm và hoan hỉ thực hành. Khi hai bạn thực tâm hành các phước thiện: Bố thí, cúng dường, phóng sanh, niệm Phật… tự nơi tâm các bạn sẽ hiểu rõ tại sao mình làm như vậy.
con vì hoàn cảnh chưa quy y được nhưng con rất tin Phật pháp và đã ăn trai trường, con hay niệm Phật và trì chu đại bi, và cũng thử niệm Phật trì chú vào ly nước cho con của con uống mà sao ko hết, con thấy buồn qúa, mong thầy giúp con với, con rất cần thầy ở gần bên giúp đỡ con.
TN rất chia sẻ những âu lo trong bạn. Tuy nhiên TN thực lòng muốn bạn thức ngộ nên sẽ nói thẳng: Bạn chưa thực tin vào Phật pháp. Bởi nếu bạn thực tin điều trước tiên bạn sẽ phải lý giải được Nhân-Quả. Thứ đến, khi bạn làm những chuyện phước thiện sẽ không mang tính nôn nóng quá vậy. Việc ăn chay trường, trì chú Đại Bi, niệm Phật là điều rất tốt, nó sẽ là những nhân duyên củng cố niềm tin nơi bạn với Phật pháp. Nhưng những nhân duyên này phải được xây dựng trên nền tảng vững chắc: Tin sâu nhân-quả, quán chiếu đời vô thường, quán chiếu 8 nỗi khổ lớn của cuộc đời, trong đó có 4 nỗi khổ là: sanh, lão, bệnh, tử. Kế đến phải phải thực sự phát tâm: Tin sâu-Nguyện Thiết-Thực tâm hành. Đây chính là nền tảng giúp cho bạn lý giải rõ những chuyện vô thường xảy ra trong đời, từ đó tỉnh táo để dần dần tháo gỡ.
Niệm Phật và trì chú Đại Bi, quan trọng hơn cả là tâm bạn phải giữ thật thanh tịnh. Nếu bạn thực có lòng tin nơi Quán Thế Âm, bạn phải đặt hết niềm tin nơi Ngài. Đại Bi Tâm Chú rất màu nhiệm và công năng không thể nghĩ bàn. Bạn muốn trì chú vào ly tịnh thuỷ để hàng ngày cho con trai uống, tâm bạn phải thực sự thanh tịnh như chính ly nước bạn để trước mặt hay cầm trên tay vậy. Đồng thời bạn phải khởi tấm lòng từ để chuyển năng lượng từ bi của bản thân vào ly tịnh thuỷ. Muốn thế, khi trì chú bạn phải buông bỏ vạn duyên, phát tấm lòng từ: vì tất cả chúng sanh đang sống trong khổ nạn như con bạn mà hành phước thiện rồi hồi hướng cho họ; kế đó khi trì chú, tâm phải chuyên nhất, không để cho bất cứ một tạp niệm nào xen lẫn vào những câu chú. Bởi nếu một niệm xen lẫn vào câu chú, thì kể như một biến chú đó không có tác dụng. Để làm được điều này bạn phải nhập tâm chú Đại Bi, bởi nếu chưa nhập tâm, mà dùng mắt để đọc tụng, bạn sẽ luôn bị phân tâm, vì thế sẽ khó phát huy được công năng của chú.
TN nghĩ bệnh trên thân của con trai, hai bạn vẫn phải cùng các bác sĩ theo dõi và chữa trị, nếu cần thiết, bởi thuốc trị liệu sẽ giúp cho thân vật lý của cháu bé đỡ bị sự dày vò của tật bệnh. Về phần tâm linh, hai bạn phải ráng chuyển hoá ngay chính trong mối quan hệ chồng-vợ. Bởi sự xung đột, sân hận giữa bố mẹ sẽ tạo một không gian u ám và bức bối trong gia đình – luồng không gian này với các cháu nhỏ thật vô cùng bất lợi. Do vậy, muốn cứu được con trai, hai bạn phải thực biết hồi đầu, thực biết sám hối những chướng nghiệp bất thiện từ vô thỉ tới nay, và nguyện cùng dìu dắt nhau tu đạo, giúp cho cuộc sống gia đình được an lạc.
Theo thiện ý của TN, bạn nên thuyết phục chồng, hai bạn hàng ngày, phát tâm vì con trai mà trì Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện; kết hợp việc niệm Phật, phóng sanh, bố thí, cúng dường… rồi nhất tâm hồi hướng cho các oan gia trái chủ của con trai. Ngày qua ngày… những chướng nghiệp sẽ được hoá giải.
chồng con ko tin phật pháp hay sát sanh hại mạng và rất hung dữ,con sống ko được hạnh phúc nhưng con biết đó là nghiệp của con phải trả, làm ăn càng ngày càng xa sút ,con đang nguyện vãng sanh tây phương Cực Lạc, đang rất cố gắng sửa đổi tâm mình tốt hơn, để được gần Phật nhiều hơn
Mỗi người có một nghiệp riêng, đạo Phật gọi là biệt nghiệp. Khi vợ chồng, con cái tạo thành một gia đình thì lại có thêm cộng nghiệp, nghĩa là những nghiệp có chung từ vô thỉ kiếp. Do vậy tạm thời bạn chớ nên dùng Phật pháp để mong chuyển hoá chồng, khi chồng bạn tính tình còn quá hung tợn. Bởi làm vậy sẽ khiến chồng bạn thêm nổi sân, quay sang phản bác nhân-quả; chê bai, phỉ báng Phật pháp. Như thế nghiệp tội càng thêm chất chồng.
Bạn biết nhận ra nghiệp nhân, quả báo như vậy là tốt lắm rồi, nhưng nhận biết rồi phải hoan hỉ để trả nghiệp. Nghiệp mình tạo ra thì cũng chính mình có thể trả hoặc hoá giải. Sự đụng độ trong quan hệ chồng-vợ đều do cái Tôi và cái của Tôi của hai bạn quá lớn. Nay biết đó là nguyên nhân của sự xung đột, bạn hãy hạ thấp cái Tôi của bản thân xuống tới mức thấp nhất và cũng thường quán chiếu: chẳng có cái gì là của Tôi cả, ngoài cái nghiệp thức khi bạn xả báo thân phải mang theo.
Việc Phát nguyện vãng sanh bạn phải cẩn thận, chớ nên vì quá chán trường, thất vọng với cuộc sống hiện tại mà phát nguyện vãng sanh mà đi vào chướng đạo. Cõi Tịnh Độ là cõi thanh tịnh-bình đẳng-giác và cũng là cõi tịch tịnh và không một gợn nhơ. Nếu tâm bạn còn chất chứa đầy phiền não, đầy thị phi, nhân-ngã, chắc chắn bạn không thể về Tịnh Độ, dẫu bạn có ngày đêm cầu nguyện. Muốn về cõi đó, ngay bây giờ, ngay lúc này, bạn hãy dũng mãnh lấy tất cả sự khổ đau của bản thân, của gia đình, chồng, con cái làm thầy, làm thuốc để tự học hỏi đạo, tự trị liệu, hoá giải những nỗi đau của chính mình.
Trong Kinh A Di Đà có câu: „Xá Lợi Phất! Chẳng thể dùng chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi đó“. Ẩn ý câu kinh này là: Chớ nên nghĩ: hàng ngày mình ăn chay, niệm Phật, rồi hàng ngày phát nguyện sanh Tịnh Độ là mình sẽ được về Tịnh Độ. Nếu chỉ đơn giản vậy thì mọi người đều đã làm Phật hết cả rồi. Sâu xa và quan trọng hơn cả là chúng ta nên khởi nghĩ: Muốn về Tịnh Độ chúng ta phải hàng ngày, hàng giờ, niệm niệm không ngừng chuyển hoá cái tâm uế trược: tham, sân, si, mạn, phân biệt, chấp trước hay còn gọi chung là tâm vô minh và phiền não. Tâm này chính là nhân của sanh tử luân hồi. Chuyển hoá được tâm này chính là chúng ta đang từng ngày, từng giờ xả ly cõi Ta Bà để hướng về Tịnh Độ. Làm được như vậy và làm thật rốt ráo=có tín-nguyện-hạnh. Và khi nhân duyên tròn đầy, nhờ Phật lực gia trì=được vãng sanh=đủ thiện căn, phước đức, nhân duyên.
Con cái, người thân trong gia đình lâm bệnh nan y đó là điều nhức nhối, tuy nhiên đó lại là nhân duyên tốt để bạn kịp thời thức tỉnh, nhằm mau chóng chuyển hoá những bất thiện nghiệp đang níu kéo cuộc sống hạnh phúc gia đình và có nguy cơ làm tan vỡ. TN hy vọng bạn sẽ biết đúc kết những gì đang xảy ra trong gia đình, rồi bình tĩnh, tự tin, sáng suốt để nhìn đời, hướng tâm tu đạo Phật. Chỉ có đạo Phật mới có thể giúp cho chúng ta phá mê, khai ngộ; lìa khổ, được vui.
Chúc bạn tinh tấn tu học.
TN
Kinh dạy: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Bồ Tát sợ gặp phải ác quả, nên đã đoạn sẵn ác nhân từ trước. Do vậy, tội chướng tiêu diệt, công đức viên mãn thẳng đến khi thành Phật mới thôi. Chúng sanh thường tạo ác nhân, muốn tránh ác quả, như ở trước mặt trời lại muốn không có bóng, cứ nhọc nhằn rảo chạy.
Thường thấy kẻ ngu vô tri vừa làm chút điều lành liền mong đại phước. Vừa gặp phải nghịch cảnh bèn bảo làm lành mắc họa, chẳng có nhân quả. Từ đó, cái tâm ban đầu lùi sụt, đâm ra báng bổ Phật pháp. Họ nào biết đến ý chỉ huyền áo “báo thông ba đời, chuyển biến do tâm”.
Hiện đời làm thiện, làm ác; hiện đời được phước, mắc họa thì gọi là “hiện báo”. Đời này làm thiện, làm ác, đời sau được phước, mắc họa, gọi là “sanh báo”. Đời này làm thiện, làm ác, đến đời thứ ba, hoặc đời thứ tư, hoặc mười, trăm, vạn đời sau, hoặc đến vô lượng vô biên kiếp sau mới hưởng phước, mắc họa, thì gọi là “hậu báo”. Hậu báo sớm, chậm bất định. Phàm những nghiệp đã tạo, tuyệt đối không có nghiệp nào lại chẳng có báo.
“Chuyển biến do tâm” là ví như có người đã tạo ác nghiệp, sẽ phải đọa mãi trong địa ngục, chịu khổ cả bao kiếp dài lâu. Về sau, kẻ ấy sanh lòng hổ thẹn lớn lao, phát đại Bồ Đề tâm, cải ác tu thiện, tụng kinh, niệm Phật, tự hành, dạy người hành, cầu sanh Tây Phương. Do đó, trong đời này, người ấy bị người khinh miệt hoặc mắc chút bệnh khổ, hoặc phải tạm chịu bần cùng, và gặp hết thảy chuyện chẳng như ý. Nghiệp vĩnh viễn đọa địa ngục chịu khổ bao kiếp dài lâu mình đã tạo trước đây liền bị tiêu diệt, lại còn có thể liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh. Đấy là điều Kim Cang đã nói: “Nếu có người thọ trì kinh này bị người khác khinh rẻ, người ấy do tội nghiệp đời trước đáng đọa ác đạo, nhưng vì đời này bị người đời khinh rẻ nên tội nghiệp đời trước liền bị tiêu diệt, sẽ đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề”. Đây chính là ý nghĩa “chuyển biến do tâm”.
Ấn Quang Đại Sư
Dạ chào thầy TN,
Con nghe thầy Thích Trí Huệ giảng nhiều lắm ,tu hành phải chịu thiệt thòi ,thì mới sớm trả hết nghiệp ,nhưng ko hiểu sao có lúc làm được có lúc ko làm được ,có lúc thấy mình gần Phật ,có lúc thấy xa vời vợi ,con rất cần có thiện tri thức khuyên răn dạy bảo ,ko lẽ vi dụ bây giờ chồng con chửi con đánh con ,nói lời khiến con đau lòng ,ko đối xử tốt với ôg bà cha mẹ của con ,ko cho con về quê thăm ôg bà cha mẹ của con ,viện lý do ko tiền ,con trai nhỏ yếu bệnh nhiều ko cho đi ,bây giờ con phải hoan hỷ trả nghiệp làm sao đây ,mấy cái tết rồi con ko được về ăn tết ,với nơi con sống từ nhỏ đến lớn ,con buồn lắm ,ko biết phải quán chiếu làm sao hoan hỷ trả nợ làm sao nữa ,con nghe mấy thấy giảng mua cá phóng sanh hồi hướng công đức cho con của mình sẽ hết bệnh ,nên con làm theo rất nhiều rồi , con ở nơi vùng xâu vùng xa ,nên làm việc thiện chưa được khi nào xuống saigon mới là được ,con niệm Phật trì chú trên giường ngủ ,có được ko thầy?
A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật
Gửi bạn Mỹ Diệu,
Thầy Trí Huệ dạy hoàn toàn chính xác.
Bạn hãy tập quán chiếu thế này: bạn, gia đình bạn vốn không có duyên lành với chồng bạn, nghĩa là từ trong quá khứ đã có những nhân ác với chồng bạn như hiện nay, vì thế, khi duyên hội đủ, bạn và người chồng bạn hiện giờ chỉ là hoán Nhân, đổi Quả (thay đổi vị trí đứng, cách đối xử với nhau) trong quá khứ. Nói trực diện hơn để bạn dễ hiểu: Khi có một ai đó thường xuyên chửi bới, đánh đập, nhục mạ, hành hạ mình, thậm chí là vô cớ=mình phải quán chiếu ngay đó là túc nghiệp hun đúc từ quá khứ – những nghiệp mà mình đã từng gây cho họ, nay gặp lại nhau, họ cũng làm vậy như mình đã từng gây cho họ. Nếu quán chiếu được vậy, bạn sẽ không sanh tâm sân hận, thù ghét họ, trái lại phải tự cảnh tỉnh mình: Mình đã có quá khứ quá sai lầm, nay mình phải hoan hỉ thay đổi. Điều này tương tự như bạn đang nợ người ta, nay tới hạn trả, nếu bạn hoan hỉ trả=chuyện nợ được thanh toán; ngược lại, bạn sẽ bị phiền hà với chủ nợ.
Trong nhân gian có câu: Con là nợ, vợ là thù. Điều này mới chỉ nói lên một vế nhỏ. Thực tế thì chồng-vợ phần lớn đều là oán duyên của nhau, vì thế bạn hãy khởi tâm từ bi với chồng bạn. Khởi cách nào? Đừng chấp những lời sân hận của chồng. Khi chồng xử tệ bạc với mình hãy khởi ngay tâm thầm niệm: A Di Đà Phật! Lúc đầu sẽ thật khó, bởi cái Ta của bạn còn lớn quá, cái của Ta của bạn cũng còn quan trọng quá, vì thế hễ ai động đến cái Ta, cái của Ta, ngay lập tức Ta sẽ có phản ứng tức thì. Phản ứng này chính là tạo nghiệp, bởi khi họ chửi mình=họ tạo khẩu nghiệp; họ đánh mình=họ tạo thân nghiệp; họ có ý khinh chê, mạ luỵ mình và người thân mình=họ tạo ý nghiệp. Khi họ tạo 3 nghiệp, mình cũng tạo theo=mình và họ đồng tạo nghiệp. Oan oan tương báo không bao giờ dứt là lẽ đó. Muốn dứt, ngay bây giờ, họ chửi mình 10 câu, thay vì mình chửi lại 10 câu như mọi khi, nay bước khởi đầu, biết được chửi lại là tạo khẩu nghiệp, bạn chửi bớt đi 2 câu, thế vào đó bằng câu hồng danh A Di Đà Phật. Cứ vậy, dần dần giảm xuống 8-7-6-5-4-3-2-1 và cho tới khi có thể thay thế những câu chử lại, hay mắng nhiếc lại họ bằng hồng danh A Di Đà Phật, và lúc đó thay vì tạo nghiệp, bạn đã tạo được công đức.
Tại sao nói niệm Phật có công đức? Bởi niệm Phật là cách luyện tâm xa lìa phiền não (tham, sân, si, mạn, phân biệt, chấp trước), giúp tâm phiền não không dấy khởi. Khi tâm ấy tiêu trừ, tâm bạn được an lạc=bạn đang giữ được cả 3 giới: thân, khẩu, ý. Nói là 3 giới, nhưng nếu bạn thực hành được viên mãn thì 3 giới đó chính là mười điều thiện (còn gọi Thập Thiện Nghiệp):
Thân nghiệp gồm: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm
Khẩu nghiệp gồm: Không nói lời lưỡng thiệt, không nói thêu dệt, không nói đâm thọc, không nói ác khẩu.
Ý nghiệp gồm: Không tham, không sân, không si.
Như vậy muốn trả được và trả mau chóng, chính bạn ngay từ lúc này phải biết khởi tâm từ, phải biết buông xả và dũng mãnh hành thập thiện nghiệp.
Thực ra người luôn sống trong sân hận là người rất đáng thương, bởi họ có một tâm hồn rất yếu mềm, vì thế họ phải luôn tìm cách khoả lấp sự yếu mềm đó bằng một điều gì đó để chứng tỏ họ không hèn, yếu, không vô tích sự, nhưng vì họ không đủ lý trí, bình tĩnh, sáng suốt để chọn lựa giải pháp thiện lành cho mình, thế vào đó họ dùng tâm sân – tâm kết tụ từ những oán thù từ vô thỉ và tâm cống cao ngã mạn để hành xử. Vì thế họ không phân biệt được đâu là sai-đúng, thiện-ác, đâu là nhân-quả nữa.
Người như thế đáng thương hơn đáng trách.
Thương cách nào?
1. Hễ mỗi lần bị chửi, đánh, mắng, nhục mạ… bạn hãy ráng giữ tâm thật bình lặng (phải ngày ngày, giờ giờ luyện tập), và ngay lúc đó thầm niệm và niệm liên tục hồng danh A Di Đà Phật. Quan trọng: Bạn phải thầm niệm chứ không niệm to, bởi người đang nổi sân, không ưa Phật pháp mà nghe bạn niệm lớn, họ cho mình chống đối, thì mức độ sân càng dấy khởi mãnh liệt.
2. Mọi chuyện tu hành của bạn phải thật thầm lặng (không phải giấu kín) nghĩa là không khuyến tấn chồng tu theo cũng tuyệt nhiên không biểu diễn công khai hay nói về nhân quả, báo ứng hay Phật pháp nhiệm màu… vội. Bởi muốn cứu được chồng, bạn phải âm thầm và dũng mãnh tu đạo đã. Sự âm thầm và dũng mãnh thực tế chính là một biểu pháp rất hữu ích, giúp cho chồng bạn được thấy, nghe, cũng từ đó mà sẽ tự chuyển hoá.
3. Nghiệp vốn có nặng, nhẹ, sâu, dày, nhiều, ít. Nếu nghiệp nhẹ, một câu niệm Phật, một lần phóng sanh, có thể tiêu nghiệp. Ngược lại, phải cần có thời gian. Điều này tương tự như trả nợ, nhanh hay chậm phụ thuộc vào số lượng nợ và số „lời“ từ món nợ đẻ ra, nghĩa là nợ chồng lên nợ mà chưa trả. Vì thế bạn chớ vọng cầu, vội vã tìm mọi cách để trả nợ cho xong. Ngày nào bạn còn ở lại cõi này, ngày đó còn tạo nghiệp và phải trả nghiệp. Nghiệp ví như nợ – nợ đó nếu là tiền bạc, của cải thì trả hết là chủ nợ để mình yên. Nhưng nếu là ân oán tích tụ mà chủ nợ lại là kẻ cang cường, bất chấp luân lý, đạo đức, nhân-quả, thì bạn càng phải nhẫn hơn nữa. Nhẫn trong đạo Phật khác với nhẫn ngoài đời. Nhẫn ngoài đời là sự dồn nén, tích tụ những oan, nhục, thù hận cho qua ngày để sống và chờ tới lúc có cơ hội thanh toán một thể. Nhẫn trong đạo là chẳng chấp, chẳng phân biệt, luôn khởi lòng từ, và buông xả. Muốn làm được vậy, thường ngày bạn phải hành sám hối.
Chư Tổ dạy: tà đến thì chánh độ, mê đến thì ngộ độ, ngu đến thì trí độ, ác đến thì thiện độ, độ như thế gọi là chân độ.
Chữ „độ“ ở đây bạn nên hiểu đó là mình phải tự độ mình, chứ chớ nên khởi niệm tôi hoàn toàn không có lỗi, tôi vô tội; anh mới có lỗi, anh luôn gây tội…
nhưng ko hiểu sao có lúc làm được có lúc ko làm được , có lúc thấy mình gần Phật ,có lúc thấy xa vời vợi,con rất cần có thiện tri thức khuyên răn dạy bảo
Đây là điều bình thường, chẳng cứ riêng bạn, mà người nào cũng gặp phải, kể cả người tu xuất gia hay tại gia. Điều quan trọng là bạn phải kịp nhận ra tại sao mình lúc mê, lúc ngộ? Mê vì lúc ấy bạn đầy phiền não. Ngộ là lúc ít hoặc không có phiền não. Khoảng cách giữa mê-ngộ vốn trong một niệm. Đó chính là chân nghĩa câu mà chư Tổ đã dạy bên trên.
ko lẽ ví dụ bây giờ chồng con chửi con đánh con, nói lời khiến con đau lòng, ko đối xử tốt với ôg bà cha mẹ của con, ko cho con về quê thăm ôg bà cha mẹ của con, viện lý do ko tiền ,con trai nhỏ yếu bệnh nhiều ko cho đi
Sở dĩ bạn còn thấy đau đớn, nhức nhối khi nghe những lời trên, bởi cái Ta trong bạn còn lớn quá. Cái của Ta trong bạn cũng còn lớn quá, quan trọng quá. Vì thế khi ai đó đụng đến cái lớn của bạn, bạn không chấp nhận và bạn cho đó là thương tổn.
TN lấy VD nhỏ để bạn hiểu:
Có cái Ta lớn và thật? Bạn có thể khắng định bạn sẽ mãi trẻ đẹp, không già, không bệnh, không chết không? Chắc chắn là không. Vậy thì khi ai đó chửi, rủa bạn là đồ nọ, con kia, hay chết sớm đi… bạn có trở thành những đồ nọ, con kia không? Bạn có chết sớm không? Chắc chắn không. Bởi mỗi người đều có nghiệp và phước báu riêng biệt, người chưa hết nghiệp, chưa hết phước báu, dẫu muốn chết sớm cũng chả được. Vậy thì những lời chửi rủa đó chỉ là hư giả. Chấp sự hư giả đó=mê=phiền não.
Có cái của Ta lớn và thật? Với những người thân của bạn (chồng, con, bố mẹ, ông bà, anh chị em…), bạn dám khẳng định họ sẽ ăn đời ở kiếp với bạn và mãi mãi không xa rời bạn? Chẳng thể nào. Vậy nếu ai đó bất kính, khinh rẻ, chửi rủa… họ, người thân của bạn có thật xấu, có thật trở thành thấp hèn như vậy không? Chắc chắn không. Trái lại, mỗi người cũng đều sống với nghiệp riêng, phước báu riêng rồi khi tận nghiệp, tận phước cũng sẽ phải ra đi. Nắm, chấp sự không thể=mê=phiền não. Khi bạn lý giải được chuyện đó bạn sẽ thấy chẳng có gì là quan trọng cả, chẳng có gì là mất mát hay chẳng mất mát cả, ngoài chuyện làm sao tu đạo cho sớm, giác ngộ sớm để bớt khổ, và sớm giải thoát. Giác được vậy là bạn đang thực hành chữ „độ“ mà Chư Tổ đã dạy trên.
Về phần con trai bạn, TN khuyên hai bạn nên cho cháu Quy Y Tam Bảo (Quy Y Phật, Pháp, Tăng thôi) để cháu kết duyên với Phật pháp. Những chuyện phước thiện, trong trao đổi trước TN đã nói cụ thể nên không nhắc lại nữa. Bạn phải có niềm tin nơi chánh pháp và ráng tinh tấn thực hành.
Dưới đây TN ghi cho bạn phương thức sám hối hàng ngày. Bạn ráng âm thầm hành trì theo và cũng âm thầm hồi hướng công đức cho chồng nhé. Nếu bạn nhất tâm hành, TN tin sẽ có ngày chồng bạn hồi đầu…
Chúc bạn thường an lạc.
TN
*******************************************************
SÁM HỐI:
Con đệ tử… (nếu bạn chưa Quy Y thì nói tên thật của mình) chí tâm sám hối, những tội từ vô thỉ sanh tử đến giờ, theo ác lưu chuyển, cùng chung các chúng sanh tạo nghiệp chướng tội, bởi tham sân si trói buộc, do thân khẩu ý tạo năm tội vô gián và 10 nghiệp ác, tự làm, bảo người khác làm, thấy kẻ khác làm sanh lòng vui mừng. Hoặc vật của Tháp, vật của Tăng, tự tại phí dụng. Đối với các người lành sanh lòng phỉ báng, thấy các bậc tu học Thanh Văn, Duyên Giác, Đại Thừa, con ưa sanh lòng mắng chửi, khiến cho các người tu hành tâm sanh buồn phiền. Thấy có kẻ nào hơn mình sanh lòng ganh ghét. Đối với pháp thí, tài thí, thường sanh keo kiết, bị vô minh che lấp, hoặc tâm tà kiến, không tu nhân lành, khiến ác tăng trưởng, ở chỗ các Phật mà khởi lên phỉ báng. Những tội như vậy Phật đều thấy biết. Con nay quy mạng đối trước Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Chúng, thảy đều trình bày tội lỗi, không dám che dấu, tội chưa làm con không dám gây tạo, những tội đã làm con đều xin sám hối, nghiệp chướng đã tạo đáng đọa Tam đồ và ở chỗ tám nạn. Con nguyện đời này có bao nghiệp chướng, đều được tiêu diệt. Đã có ác báo đời sau không thọ, cũng như quá khứ, vị lai, hiện tại, các đại Bồ tát tu bồ đề hạnh, đã có nghiệp chướng thảy đều sám hối. Nghiệp chướng của con nay cũng sám hối, hết thảy phát lồ không dám che dấu, tội đã làm nguyện được trừ diệt, tội ác vị lai không dám tạo nữa. (1 lạy)
Con đệ tử… hết lòng vui mừng tùy hỷ, quá khứ, vị lai, hiện tại tất cả chúng sanh, tu hành bố thí trì giới, tâm huệ đã có căn lành. Con nay thảy đều thâm sanh tùy hỷ, do làm phước tùy hỷ như vậy, cho nên chắc chắn sẽ thu hoạch được quả tôn trọng thù thắng vô-thượng vô-đẳng. Lại ở quá khứ vị lai hiện tại, tất cả chư Phật Bồ-tát, Thanh-văn Duyên-Giác, đã chứa nhóm vô-lượng công-đức. Con nay chí tâm thảy đều tùy theo mà vui mừng khen ngợi. (1 lạy).
Con đệ tử… Chí tâm khuyến thỉnh mười phương tất cả chư phật Thế Tôn, hiện được vô-Thượng Bồ-Đề, chưa chuyển Pháp-Luân. Con đều chí thành khuyến thỉnh chuyển đại pháp luân, an vui hữu tình. Mười phương tất cả chư Phật Thế Tôn, muốn xả báo thân vào cõi Niết Bàn. Con nay cúi đầu đảnh lễ, hết lòng khuyến thỉnh trụ ở đời lâu, độ thoát và an vui cho tất cả chúng sanh. (1 lạy)
Con đệ tử… hết lòng hồi hướng từ vô thỉ đến ngày nay, đối với ngôi Tam Bảo đã tu hành thành tựu các căn lành, cho đến bố thí cho tất cả chúng sanh một vắt cơm. Lại nữa đem hết công đức trì tụng bí mật, sám hối, khuyến thỉnh, tùy hỷ, các căn lành ấy thảy đều thu nhiếp đem bố thí cho tất cả chúng sanh, không tâm hối tiếc, là phần giải thoát căn lành đã nhiếp. Như chư Phật Thế Tôn đã thấy, đã biết, không thể tính lường vô ngại thanh tịnh. Những công đức căn lành đã có như vậy, thảy đem hồi thí tất cả chúng sanh, không trụ tâm tướng, không xả tướng tâm. Con cũng như vậy, công đức căn lành, thảy đều hồi thí tất cả chúng sanh, cùng các chúng sanh đồng chứng vô thượng Bồ Đề, được tất cả trí, nhơn căn lành này, lại còn xuất sanh vô lượng pháp lành, thảy đều hồi hướng vô thượng Bồ Đề. Lại như quá khứ, vị lai, hiện tại Chư Đại Bồ Tát, khi tu hành các căn lành công đức, thảy đều hồi hướng tất cả chủng trí. Vậy con đã có công đức căn lành, cũng đều hồi hướng vô thượng bồ đề, các căn lành ấy nguyện cùng tất cả chúng sanh đều thành chánh giác. Như các chư Phật ngồi nơi đạo tràng dưới cội bồ đề, không thể nghĩ bàn vô ngại thanh tịnh, an trụ nơi vô lậu pháp tạng Đà- La- Ni, Thủ Lăng Nghiêm Định, phá Ma Ba Tuần, vô lượng binh chúng, trong một sát na thảy đều thấu rõ, nơi khoảng nữa đêm được cam lồ pháp, chứng cam lồ nghĩa. Con và chúng sanh, nguyện đều đồng chứng, Diệu Giác như vậy, cũng như Chư Phật, thị hiện ứng hóa, đắc vô thượng Bồ Đề chuyển diệu pháp luân, độ các chúng sanh. (1 lạy)
Con đệ tử … Chí tâm phát nguyện, nguyện các chúng sanh hết thảy phát tâm vô thượng bồ đề, thường nhớ nghĩ công đức trí huệ của mười phương chư Phật. Lại nguyện tất cả chúng sanh phá dứt vô minh, được thấy Phật Tánh, cũng như các đại Bồ Tát, tất cả Thiên Long Bát Bộ, tăng ích oai quang, ủng hộ quốc độ và nơi đạo tràng, dẹp các oán ma, khiến con đã tu pháp yếu bí mật của chư Phật mau được thành tựu.
(1 lạy)
Nam Mô A Di Đà Phật
Con xin chào Thầy Thiện Nhân , Con lấy chồng và theo đạo Thiên Chúa . Cuộc sống của con tuy không vất vả nhưng thay đổi kiếp nhà quá nhiều . Chồng của con thì rất thương yêu con , Có một thời gian con làm chuyện có lỗi với chồng , Con rất là hối hận . Khoảng 5 năm trở lại đây con bị bệnh tim phải mổ và phải uống thuốc thường xuyên , rồi công việc làm ăn không được tốt, bị chị chồng lấy nhà , sau đó công ty cũng bị phía bên anh em con ép bán rẻ . Con thấy trong lòng rất buồn khổ , và hận lắm . Rồi tình cờ con nghe các Thầy giảng kinh , đọc những bài viết Đường về cõi tịnh . Con được Thầy trụ trì chùa cho con bài kinh ( Án Lam , Án sĩ Lâm , An ma ni bát di hồng , An chiết lệ , chủ lệ , chuẩn đề ta mà ha bộ lâm . Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát . ) . Con cố gắng đọc mỗi ngày và con thấy , tinh thần con phấn chấn hơn , bớt buồn đau , vui vẻ hơn , và bằng lòng với hiện tại ,
Con chỉ có một ước nguyện cầu xin chồng con cùng đạo thì hay biết mấy , Mỗi chủ nhật con đi nhà thờ cho chồng con vui . Vậy không biết con làm như vậy có tốt không? Thầy cho con hỏi nếu sau này con có mất , con nhờ ban hộ niệm người ta có đến không ? Con xin cám ơn Thầy
A Di Đà Phật
Gửi bạn Hồng Quyên,
TN xin chia sẻ những suy tư của bạn. Làm người mấy ai không phạm và không có lỗi lầm? Điều quan trọng là khi chúng ta có lỗi, và phạm lỗi, chính mình phải dũng cảm nhìn nhận để sửa lỗi và nguyện sẽ không tái diễn nữa, đó là chân thành sửa đổi lỗi lầm.
Có hai điều TN muốn chia sẻ và khuyên bạn, đó là tâm trạng: rất buồn khổ, và hận lắm của bạn.
1. Buồn và khổ: Phật nói đời chúng sanh gắn liền với 8 nỗi khổ lớn, trong đó có sanh, già, bệnh, chết là khổ; Cầu không toại ý là khổ; phải sống chung với người mình không ưa là khổ, yêu thương phải xa lìa là khổ và nỗi khổ thứ 8 là sự hành hạ và hoại diệt của thân hư giả là khổ.
Trong 8 nỗi khổ nói trên bạn đang bị 3 nỗi khổ lớn hành hạ đó là: mắc bệnh trên thân= khổ; cầu không toại ý=khổ và phải sống với người gây cho mình khốn đốn= khổ.
Nếu đem 3 nỗi khổ này để nhìn nhận theo góc độ người đời (theo con mắt thế gian) thì bạn sẽ không bao giờ lý giải nổi, bởi người thế gian chúng ta luôn xoay, hướng cái nhìn vào người khác, chứ ít khi chịu nhìn nhận chính mình. Vì thế, mọi hành vi, lời nói đều luôn thiên kiến: mình tốt-họ xấu; mình trong sạch-họ nhơ bẩn; mình cao-họ thấp; mình từ bi-họ chẳng từ bi… xuất phát từ những thiên kiến này nên chúng ta không còn cơ hội để tự giải toả những mối xung đột mà nguyên nhân vốn bắt nguồn từ chính chúng ta. Cũng vì thế, càng sống càng thấy cuộc đời thêm quay cuồng, ảo não. Nhưng trong đạo Phật, mọi sự đều có nhân duyên. Ví như ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, anh chị em, con cái, bạn bè… tất thảy những người này, nếu không có nhân duyên, nhất quyết chúng ta không thể gặp lại họ. Nhân là gì? Là sự tạo tác tất thảy những việc thiện-ác của chúng ta từ vô lượng kiếp tới nay. Duyên là gì? Là cầu nối để hình thành, giúp cái Nhân chúng ta đã tạo tác chín mùi và kết trái. Đạo Phật gọi đó là Quả. Nhân-Quả vốn luôn song hành, công bằng và không bao giờ sai lệch. Ví thử: bạn mượn, vay của ai đó 1 triệu đồng. Nhưng vì cuộc sống quá khó khăn, hay vì một lý do nào đó bạn khất lượt (xin nợ) hoặc không muốn trả lại (quịt nợ) số tiền đã vay cho người đã cho bạn mượn. Nếu bạn xin khất nợ, chuyện nợ-trả sẽ diễn ra trong trật tự, nếu ngày trả nợ bạn làm đúng bổn phận của mình. Nhưng nếu là bạn quịt nợ, tất sẽ có vấn đề lớn nảy sinh. Hầu như tất cả những mối xung đột về tranh, cướp, đoạt, chiếm của cải, tiền bạc, sinh mạng của nhau trong kiếp hiện tại đều có liên quan tới Nhân của quá khứ. Những gì đang xảy ra với bạn hiện giờ chính là những vấn nạn của quá khứ mà bạn đã từng gây ra cho những người đang chung sống và đang sống xung quanh bạn. Đây là sự thật, sự thật này đã được đức Phật nói rất nhiều trong các kinh nhân quả 3 đời; Tội phúc báo ứng; Kinh phân biệt thiện ác báo ứng; kinh nghiệp báo sai biệt….
Vấn đề của bạn cần đặt ra hiện nay là gì? Khi bị người khác cưỡng, chiếm đoạt, cướp đi những của cải do chính mình đời này làm ra, phản ứng của bạn sẽ ra sao? Nếu bạn có thể quán chiếu được nhân-quả báo ứng, bạn phải thực sự hoan hỉ chấp nhận những điều tưởng như nghịch lý này, thay vì bạn khởi tâm thù hận, hoặc khởi tâm tìm mọi cách để chiếm đoạt lại những gì bạn mất.. Bởi làm vậy, đồng nghĩa bạn đã tiếp tục tạo thêm nghiệp mới cho chính mình. Vì sao? Nếu chiếu theo luật nhân-quả: Mình không hại người, tất người không hại mình. Mình rắp tâm mưu, cướp, hại người=người sẽ làm những chuyện đó tương tự với mình. Vấn đề là thời gian, nghĩa là khi nhân duyên chín mùi mà thôi. Do vậy TN dùng hai từ hoan hỉ để trả nghiệp chính là muốn khuyên bạn: Mình chót nợ họ, nay đến lúc họ đòi lại, bạn hãy quán chiếu những thứ đó là của họ, thuộc về họ, nay họ đòi, mình vui vẻ trả=xong nợ. Ngược lại, nợ cũ, nợ mới sẽ thêm chất chồng, cũng tương tự, nếu ai đó chửi, mắng, nhục mạ, bêu xấu mình, mình hoan hỉ đón nhận, rồi nhìn nhận lại chính mình, sửa mình=trả xong nghiệp cũ; ngược lại, mình cũng làm như họ đã làm=cũ+mới thêm sâu dày. Làm được điều này khó hay dễ? Vô cùng khó – Khó bởi chúng ta luôn nghĩ: ta đúng-họ sai; ta thiện-họ ác; ta chánh nghĩa-họ phi nghĩa… tất cả những suy kiến này đạo Phật gọi là phân biệt, chấp trước, từ đó sanh ra điên đảo, vọng tưởng=phiền não và vô minh. Vô minh và phiền não từ đâu sanh? Từ tham, sân, si sanh khởi, trong đó si là gốc của tham và sân. Si là suy nghĩ, hành động xa rời nhân-quả, thiếu chân chánh, vì thế tạo nhân duyên cho cái tham, sân sanh khởi. Chúng ta cũng vì ham sống trong tham, sân, si mà trôi lăng trong vòng sanh tử luân hồi. Nhận biết được đó là tội gốc, bạn phải trừ diệt tận gốc, và ngay lúc này là lúc bạn phải dũng mãnh để trừ diệt cái nhân sanh tử luân hồi đó.
2. Sân hận:
Sân hận như đã nói gốc từ Si mà nên. Sân hận là nhân của ngạ quỷ. Nếu bạn không muốn khi mình chết đi phải đầu thai làm ngạ quỷ, TN khuyên bạn hãy mau trừ dẹp tâm sân hận. Phật dạy: Một niệm sân khởi lên thiêu trụi một rừng công đức. Công đức ở đâu mà có? Từ tâm giữ giới và trì giới. Giới của người Phật tử tại gia là: Không sát sanh; không trộm cắp; không tà dâm; không nói dối; không uống bia rượu. Năm giới này nếu bạn thường quán chiếu trong từng ý niệm – quán chiếu là sự cân nhắc, suy nghĩ và hành động một cách chân chánh=bạn đang giữ giới=bạn có công đức. Nhờ giữ giới, tâm bạn chẳng tham, chẳng sân, chẳng si=tự tánh hiện tiền (tâm an lạc còn gọi sanh định); nhờ tâm định mà trí tuệ luôn sáng suốt nên nhìn mọi việc đều thông tỏ, nhờ thông tỏ mà bạn luôn giữ được giới. Giới-Định-Huệ là một guồng quay cuộc sống nội tâm của chính bạn. Do vậy sự lo âu, buồn, khổ, sân hận thường trực trong bạn hiện giờ cho thấy bạn đang sống trong phiền não, vì thế muốn xa lìa phiền não bạn chỉ còn giải pháp: dũng mãnh dấn thân để tu đạo Phật.
Việc hàng ngày bạn trì Chú (chú bạn đang tụng là Ngũ Bộ Thần Chú – Chú này có công năng dẹp tan các oán ma, điên đảo, vọng tưởng, tham, sân ,si… nếu bạn nhất tâm hành trì và hành trì với tâm thanh tịnh) và đã giúp ích phần nào cho cuộc sống nội tâm của bạn, điều đó chứng tỏ sự mầu nhiệm của Phật pháp. Nhưng điều quan trọng bạn phải nhận ra: Kinh, Chú của Phật (gọi chung là Phật pháp) chỉ là phương tiện giúp chúng ta phá mê, khai ngộ, lìa khổ, được vui và chuyển hoá tâm phiền não, vô minh sang an lạc (còn gọi chuyển phàm thành Thánh). Muốn vậy bạn phải thực hiểu thấu nhân-quả 3 đời vốn không sai biệt và luôn lấy nhân-quả làm nền tảng cho việc tu học. Nghĩa là bạn thực tu, thực hành theo giáo lý Phật dạy=bạn sẽ dần thoát ra khỏi cuộc sống điên đảo, vọng tưởng và đầy phiền não mà bạn từng mắc phải.
Trong hoạ có phước. Trong phước có hoạ. Những mất mát hiện tiền bạn đang gánh trải=Hoạ. Nhưng nhờ hoạ đó mà bạn đã thức tỉnh để đến với đạo Phật=Phước. Nhưng nếu lúc này bạn chỉ muốn nương Phật pháp để tạm quên đi những khổ não hoặc nguôi ngoai những sân hận trong tâm, mà không lấy đó làm hành trang để thoát khỏi cuộc sống vô minh này=bạn biến phước chuyển sang hoạ.
Phước-Hoạ đều do mỗi chúng ta tự làm, tự chịu. TN xin ghi lại hai câu trong Cảm ứng Thiên để bạn thường suy ngẫm:
Họa phước vô môn, duy nhân tự chiêu
Thiện ác truy báo như ảnh tuỳ hình
Nghĩa:
Hoạ phước vốn không có cửa mà do mình tự làm tự gánh
Thiện-ác luôn theo đuổi như bóng với hình.
TN nguyện chúc bạn sớm vượt qua bể khổ.
TN
Chào Thầy Thiện Nhân .
Con cám ơn nhửng lời thầy khuyên . Con cám ơn thầy rất nhiều . Con chúc thầy luôn có nhiều sức khoẻ và may mắn .
Cám ơn lời giảng của Thầy Thiện Nhân. Mỗi ngày sau khi đi làm về, con đều liệt kê việc chưa tốt bản thân, để tối tụng kinh sám hối. Hôm nào, mừng quá,không lỗi gì, không phải tụng Thủy Sám, con tụng kinh Dược Sư, Phổ Môn,Diệu Pháp liên hoa, kinh Sanghata (trình tự). Tuy nhiên, con tụng chay không chuông mỏ và chưa biết nghi lễ khởi đầu và kết thúc buổi tụng như thế nào,mong Thầy chỉ dạy? Tính con hòa đồng và vui vẻ nên đôi khi ham vui quá thì tâm chạy như ngựa phi. Vậy phải làm thế nào “tĩnh” thưa Thầy?
Nam Mô A Di Đà Phật. con nay 13 tuổi và đang hành trì pháp môn Tịnh Độ bên cạnh đó con còn tụng kinh Vô Lượng Thọ, kinh Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện, vậy cho con hỏi có được đọc kinh trên bàn được không ?. xin hành giả nói rõ cho con được hiểu nếu con có sai sót. Nam Mô A Di Đà Phật.
Minh Hào thân mến,ở những cửa hàng bán đồ Phật Giáo có bán cái kệ tụng kinh(giá tụng kinh) đó,rất dễ mua,mà cũng ko đắt. Nếu có thể thì tốt nhất là Minh Hào nên có 1 kệ(giá)tụng kinh như thế.
Còn bây giờ chưa có kệ(giá )tụng kinh thì Hào tạm đặt quyển kinh trên bàn sạch,lúc tụng kinh thì chỉ để quyển Kinh trên bàn thôi,ko để những thứ linh tinh khác cùng trên bàn.Nhớ tư thế ngồi tụng kinh phải trang nghiêm.
Nam mô A Di Đà Phật
Nam mô a di đà phật
Con chào thầy. Con rất tin vào phật,hàng ngày đi trên đường hay những lúc nóng giận,bất an con hay niệm” Nam mô a di đà phật” xong con thấy trong tâm mình cũng nhẹ nhàng hơn. Con thì cũng hay đi chùa , đi phủ vào những ngày mùng 1 và ngày rằm. Nhưng đứng trước cửa phật. Lúc thì con rất vững tâm,có lúc thì con cứ hay bị lúng túng không biết khấn như thế nào cho đúng trình tự từ trên xuống dưới,xin thày chỉ cho con khi vào chùa mình phải khấn ntn cho đúng trình tự từ trên xuống vì trong chùa có rất nhiều tượng phật con ko biết. Con xin hỏi thêm thầy ạ. Mẹ con mất do bị tai nạn. Lúc đầu con cũng không biết để đọc kinh hằng ngày hồi hướng cho mẹ con. Khi mẹ con wa 49 ngày rùi thì con mới bắt đầu đọc, con đọc hết 3 thàng 10 ngày, và con đọc kinh a di đà và kinh địa tạng vương bồ tát. Trong khi đọc thì con có mơ thấy mẹ con về. Hôm mẹ con mất, tối hom đó trời mưa giông to, lúc con thấy mẹ con về cũng mưa giông to và như có cả mây khói, cứ mờ ảo. Con bước ra ngoài nhìn thì ko phải là nhà mà là đất mênh mông tối tăm, thấy mẹ con đứng ở ngõ con chạy ra ôm và khóc vì thương nhớ mẹ. Con nói từ khi mẹ mất ngày nào con cũng khóc, con đau lòng lắm. Mẹ con nói là tội nghiệp con gái của mẹ, con hỏi mẹ về hành trình của mẹ từ lúc mất đến giờ mẹ con nói là con cứ yên tâm mẹ sướng hơn lúc sống, và con thấy cổ mẹ con và 2 cách tay chỗ nào là thịt thì lạnh toát và nhất là mùi của mẹ con lúc sống như thế nào thì hôm đó con ngửi thấy cái mùi đó rất rõ thầy ạ. Lúc đó con tỉnh dậy khoảng 5h sáng, tỉnh dậy rồi mà con vẫn thấy cái mùi của mẹ như vẫn con đâu đây, thầy cho con hỏi như vậy có phải là con đã gặp mẹ con ko ạ…
Và thầy Cho con hỏi giờ mẹ con mất cũng hơn 5 tháng rồi, con có thể làm gì để cho chân linh của mẹ con được nhẹ nhàng hơn không thầy. Trong lòng con luôn day dứt lắm thầy ạ. Mong thầy giải đáp giúp con.
Cuộc sống của con trong công việc và gia đình nhà chồng, con thấy không được may mắn, nhiều lúc mọi thứ, con cứ như bị dồn vào mức đường cùng. Mảnh đất nhà chồng con ở thì không được đẹp… xin thầy chỉ giúp con nên đọc kinh gì và làm gì thì tốt hả thầy. Con cảm ơn thầy ạ.
Đường Về Cõi Tịnh: A Di Đà Phật! Mong bạn hoan hỉ gõ chữ đủ dấu và không viết tắt để tránh sự hiểu làm và các đạo hữu khác tiện trao đổi.