Chúng sanh sống trong cõi đời này là do tình ái dục nhiễm mà sanh. Lục thân quyến thuộc: cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cháu; những sợi dây tình cảm này luôn luôn cột chặt chúng sanh lại với nhau mà đền trả vay mượn. Do tình ái lục dục vay mượn từ nhiều đời nhiều kiếp liên tục nên khó bề mà vượt thoát. Càng yêu thương nhiều thì càng thù hận cao, tình cha (mẹ) con, tình vợ chồng, thương yêu thì bao bọc che chở lo lắng cho nhau, nhưng khi thù hận thì thanh toán giết hại lẫn nhau. Vì tâm yêu hận chưa dứt nên khi chết chúng sanh mang theo những thứ nghiệp lực tình cảm yêu hận ấy mà sanh qua đời khác gặp nhau để đòi trả thanh toán lẫn nhau, và, cứ như vậy mà quay cuồng trong ngút ngàn vô tận. Cảnh cha giết con, con giết gha, vợ giết chồng, chồng giết vợ thường xảy ra hằng ngày trên thế giới nhiễu nhương này mà ta trông thấy; mọi việc không có gì là tự nhiên để phát sanh, mà, những thứ vay trả thanh toán nhau như vậy là do nơi tình ái yêu hận đã kết tụ từ nhiều đời trong vòng oan nghiệp chưa giải.
Hận thù thì gặp nhau để đòi nợ, trả nợ nhau trong hận thù. Yêu thương thì gặp nhau để đòi trả trong yêu thương. Hận thù tạo nghiệp ác thì đọa lạc nơi ba đường ác. Yêu thương triều mến, hiếu thuận từ hòa lại gặp nhau để đền trả trong cõi trời, cõi người; tự thân cũng quay cuồng trong lục đạo luân hồi đau khổ do ái tình chưa dứt.
Người niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương mà tình không dứt thì cơ hội vãng sanh rất khó. Niệm Phật cần có tín, hạnh, nguyện: liên hữu có thể có tín tâm vững chắc, hạnh tu chuyên cần; nhưng, khó là ở nguyện lực, hãy cố gắng để vượt qua. Nguyện lực có hai phần: một là nguyện sanh về nước Cực Lạc gặp Phật A Di Đà, điều này người tu niệm Phật lòng ai không muốn; nhưng, phần hai là nguyện dứt bỏ mọi thứ ở thế giới Ta Bà không luyến tiếc mà ra đi, điều này mới là khó. Vì chúng sanh đã bao phen gắn bó nhau trong vòng sống chết yêu thương thù hận, tình nghĩa vợ chồng, yêu thương con cháu, cha mẹ, anh em..những thứ tình ái này là sợi dây vô hình sẽ cột chặt chúng sanh trở lại nơi thế giới Ta Bà. Trong lúc lâm chung, nếu nguyện chúng ta không tha thiết, nghĩa là lòng mong cầu xả bỏ thân ngũ uẩn giả tạm, và, vứt hết những thứ tình ái lẩm cẩm ở cõi Ta Bà để ra đi không dứt khoát; thì lúc ấy những thứ tình yêu thương vợ chồng, con cháu, và lòng dục nhiễm mong muốn sanh trở lại cõi dục giới này sẽ hiện ra mà dẫn chúng sanh đi vào. Vậy là cơ hội vãng sanh của ta sẽ bị trắc trở. Điều này cho ta thấy, nếu như niệm Phật chưa đạt được “niệm Phật tam muội”, thì cố gắng làm sao phải dứt được chữ tình trong giờ phút lâm chung. Giờ phút lâm chung mà liên hữu cắt đứt được sợi dây tình cảm trong gia đình, tâm chí hướng về Phật cảnh thì vãng sanh là điều chắc chắn. Hãy gắng sức tinh tấn mà niệm Phật hằng ngày, không nên giải đãi biếng nhác mà luống đi một đời người. Hãy cẩn trọng!
Thượng Tọa Thích Phước Nhơn
Pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh cõi Tây phương Cực Lạc, vốn là đại sự cắt đứt dòng sanh tử. Vì vậy bảo rằng chỉ cần xưng niệm danh hiệu Phật là có thể cắt đứt sanh tử. Do đó, ngày nay mới phát tâm niệm Phật.
Song, nếu không biết cội gốc của sanh tử, mà cứ niệm Phật mãi thì cuối cùng sẽ đi về đâu ? Nếu niệm Phật mà không đoạn được cội gốc của sanh tử thì làm sao cắt đứt dòng sanh tử ? Cội gốc của sanh tử là gì ? Cổ nhân nói : “Nghiệp bất trọng bất sanh Ta Bà. Ái bất đoạn bất sanh Tịnh Độ”. Thế nên, biết rõ ái dục là cội gốc của sanh tử. Khiến tất cả chúng sanh thọ khổ trong sanh tử đều do ái dục. Cội gốc ái dục này không phải chỉ hiện hữu trong một, hoặc hai, ba, bốn đời, mà nó đã tự có sẵn từ đời vô thủy cho đến ngày nay. Sanh sanh thế thế, xả thân thọ thân, đều do lưu chuyển theo ái dục.
Ngày nay, suy nghĩ nhìn lại, xem coi lúc nào có một niệm tạm rời cội gốc ái dục này đâu ! Hạt giống ái căn, bao kiếp tích luỹ sâu dày, nên khiến sanh tử không cùng tận. Hiện tại, vừa phát tâm niệm Phật, nếu chỉ vọng không cầu sanh Tây phương mà danh tự ái dục (tức cội gốc của sanh tử) lại không biết đến, thì khi nào mới có niệm đoạn được nó ? Không biết cội gốc của sanh tử, nên một bên niệm Phật, một bên cội gốc sanh tử lại càng tăng trưởng nhiều hơn. Cả hai việc niệm Phật và cội gốc sanh tử chẳng quan hệ với nhau. Dẫu niệm cách nào đi nữa, đến lúc lâm chung quý vị chỉ thấy sanh tử ái căn hiện tiền. Khi đó lại cho rằng Phật hoàn toàn không có thần lực, nên liền oán trách niệm Phật không linh nghiệm ; dẫu sau này có hối hận cũng không kịp.
Vì vậy, khuyên người niệm Phật thời nay, đầu tiên phải biết ái dục là cội gốc của sanh tử. Ngày nay dốc lòng niệm Phật, thì niệm niệm phải đoạn ái căn này. Trong cuộc sống hằng ngày, ở nhà niệm Phật ; mắt thấy vợ con cháu chắt, gia duyên tài sản, đều không nên đắm trước ái nhiễm, thì làm việc nào và niệm nào cũng đều vì sự sanh tử, và cảm giác như toàn thân đang đứng trong hầm lửa. Lúc chưa biết cách chân chánh niệm Phật, thì niệm ái dục trong tâm chưa có thể xả bỏ. Vì niệm không thiết tha và chẳng biết ái dục là chủ tể, nên chỉ niệm Phật ngoài da. Nếu như thế thì Phật chỉ nghe niệm, còn ái dục thì lại tăng thêm. Lúc cảnh tình của vợ con hiển hiện, phải xoay nhìn vào tâm. Một danh hiệu Phật có thể đối địch với ái dục, thì sẽ cắt đoạn được ái căn. Không cắt được ái dục thì làm sao đoạn được sanh tử. Do tập khí của duyên ái trong bao đời đã chín mùi mà nay chỉ mới bắt đầu niệm Phật, lại không thiết thật niệm Phật, thì không thể niệm Phật được đắc lực được. Nếu trước mắt không thể kềm chế được ái cảnh thì khi lâm chung quyết không thể tự làm chủ được. Do đó, khuyên người niệm Phật, việc trước nhất là phải biết vì sanh tử mà thiết tha niệm Phật, tức là phải có tâm thiết tha cắt đoạn sanh tử, và phải dùng niệm niệm mà đốn đoạn cội gốc sanh tử. Lúc niệm niệm đều dứt được sanh tử thì cần gì đợi đến ngày ba mươi tháng Chạp ! Đợi đến lúc đó thì đã trễ lắm rồi ! Thế nên, bảo rằng trước mắt luôn nghĩ đến sanh tử đại sự. Trước mắt liễu được sanh tử vốn không. Niệm niệm thiết thật, thì đao đao đều chặt đứt. Dụng tâm như thế, nếu không vượt khỏi sanh tử thì chư Phật bị đoạ vì tội vọng ngữ ! Do đó, người xuất gia kẻ tại gia, biết rõ tâm sanh tử tức là biết rõ thời tiết xuất ly sanh tử, sao còn diệu pháp nào khác nữa !
ĐẠI SƯ HÁM SƠN
Trích : Đường Mây Trong Cõi Mộng
Thích Hằng Đạt & Nguyên Phong Phóng tác
Sông ái dài muôn dặm
Bể khổ rộng vô cùng,
Muốn khỏi đường sống chết,
Phải niệm Phật hồng danh.
A DI ĐÀ PHẬT !
cho Con xin lời khuyên làm sao để vứt bỏ tâm tình ái, vì con là người rất đa cảm nên con muốn tập quên từ từ để không phiền muôn mà chú tâm trên con đường phật pháp.
con cám ơn !
Duyên đã hết nên tình đã tận
Vấn vương chi luyến ái thế trần
Tôi yêu em em nào hay nào biết
Biết làm gì khi là bể khổ đời nhau
Vững tâm tu tập bạn nhé! A Di Đà Phật
Để kiêng săc dục thì Ấn Tổ có dạy như sau:
Chuyện sắc dục là bệnh chung của người cả cõi đời, chứ không riêng gì hạng trung hạ căn bị sắc mê hoặc. Dù là người thượng căn nếu chẳng luôn canh cánh giữ gìn, luôn nghĩ kinh sợ thì cũng khó khỏi bị mê hoặc. Thử xem từ xưa đến nay bao nhiêu hào kiệt lỗi lạc, kham làm thánh làm hiền, chỉ do chẳng phá được cửa ải này, đâm ra thành kẻ hạ ngu bất tiếu, lại còn bị vĩnh viễn đọa trong ác đạo, chẳng biết là bao nhiêu! Kinh Lăng Nghiêm nói: “Nếu chúng sanh thuộc sáu đường trong các thế giới tâm chẳng dâm sẽ chẳng bị sống – chết tiếp nối. Ông tu tam-muội vốn để thoát trần lao, dâm tâm không trừ, chẳng thể xuất trần được!” Người học đạo, vốn để thoát lìa sanh tử, nếu chẳng đau đáu dứt trừ bệnh này thì khó thể thoát lìa sanh tử.
Ngay như pháp môn Niệm Phật tuy có thể đới nghiệp vãng sanh, nhưng nếu tập khí dâm cố kết sẽ bị cách ngăn cùng Phật, khó thể cảm ứng đạo giao! Muốn tuyệt cái họa này, không gì bằng trông thấy hết thảy nữ nhân đều khởi thân tưởng, oán tưởng, bất tịnh tưởng:
1) Thân tưởng là thấy người già coi như mẹ, thấy người lớn hơn coi như chị, thấy người trẻ hơn coi như
em gái, thấy trẻ nhỏ coi như con. Dục tâm dẫu lừng lẫy chẳng dám khởi ý niệm bất chánh đối với mẹ, chị, em, con. Xem hết thảy nữ nhân đều là mẹ, chị, em, con của mình thì lý bèn chế ngự dục, dục không do đâu phát được!
2) Oán tưởng là phàm thấy gái đẹp bèn khởi tâm ái; do tâm ái đó bèn đọa ác đạo, chịu khổ bao kiếp chẳng thể thoát lìa. Như thế thì những gì gọi là mỹ lệ, kiều mị so ra còn độc hại hơn giặc cướp, cọp, sói, rắn độc, bò cạp độc, phê sương, trầm độc gấp trăm ngàn lần. Với những oan gia cực đại ấy vẫn cứ quyến luyến mơ tưởng, há chẳng phải là kẻ mê gấp bội ư?
3) Bất tịnh là vẻ đẹp lộng lẫy động lòng người chỉ là một lớp da mỏng bên ngoài. Nếu bóc lớp da ấy đi thì chẳng dám nhìn: xương, thịt, máu mủ, phân, tiểu, lông, tóc, đầm đìa, ròng ròng, trọn không có vật gì đáng cho người khác yêu mến được! Nhưng do lớp da mỏng bao bọc, nên lầm sanh ái luyến; bình đẹp đựng phân, người ta chẳng muốn nâng niu. Nay lớp da mỏng của mỹ nhân chẳng khác cái bình đẹp đẽ, những thứ được bọc trong đó còn gớm ghiếc hơn phân nữa! Há nên yêu mến lớp da bên ngoài, quên đi những thứ bẩn thỉu chứa bên trong da, lan man khởi vọng tưởng ư? Nếu chẳng khăng khăng kiêng sợ, đau đáu trừ khử tập khí ấy, sẽ chỉ thấy tư chất mỹ lệ khiến cho mũi tên ái lọt thấu xương chẳng thể nhổ được. Thường luôn như thế, lại muốn chết đi chẳng vào bụng người nữ sẽ chẳng thể được! Vào trong bụng người nữ còn tạm được, chứ vào trong bụng súc sanh cái biết làm sao đây? Thử suy nghĩ đến điều này, tâm thần kinh hãi.
Nhưng muốn thấy cảnh mà chẳng khởi nhiễm tâm thì phải trong lúc chưa thấy cảnh, thường khởi ba thứ tưởng này; khi thấy cảnh sẽ tự có thể chẳng bị cảnh chuyển. Nếu không, dẫu không thấy cảnh, ý vẫn vấn vương, rốt cục vẫn bị tập khí dâm dục ràng buộc. Vì thế, phải nỗ lực gột trừ các tập khí ác nghiệp thì mới có phần được tự do. Mỗi ngày ngoại trừ lúc làm việc ra, chuyên tâm niệm danh hiệu Phật. Sáng chiều đối trước Phật, cạn lòng thành, trọn lòng kính, khẩn thiết sám hối tội nghiệp từ vô thỉ đến nay. Hành như thế lâu ngày sẽ có lợi ích chẳng thể nghĩ bàn mà không hề hay biết. Kinh Pháp Hoa dạy: “Nếu có chúng sanh nhiều dâm dục, thường niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ Tát liền được lìa dục”, sân khuể, ngu si cũng thế. Do vậy, ta biết: Chí thành niệm thánh hiệu Di Đà, Quán Thế Âm thì ba Hoặc tham – sân – si sẽ tự tiêu trừ. Thêm nữa, cõi đời nay đang hoạn nạn, ngoại trừ việc niệm Phật ra, cần phải niệm thêm thánh hiệu Quán Thế Âm, trong âm thầm sẽ có sự xoay chuyển chẳng thể nghĩ bàn, ngõ hầu chẳng đến nỗi khi túc nghiệp hiện tiền, không cách gì đối phó. Lại nên thường đọc những sách dạy về kiêng dâm, nhân quả, báo ứng, xa lìa những bạn bè cuồng loạn, phóng đãng, hèn tệ thì trong tâm được chánh, sự dụ hoặc bên ngoài dứt tuyệt, sẽ tự có thể thành tựu tịnh nghiệp vậy! Hãy gắng lên!
Bạn hãy lắng tâm đọc nhiều lần hành theo ắt sẽ được như ý nguyện!
A Di Đà Phật!