Từ xưa cho tới nay, giáo lý đạo Phật vẫn là kho tàng tri thức giải thoát khổ đau cho nhân loại. Pháp Phật dạy như liều thuốc quí trị bệnh phiền não của chúng sanh. Người tìm đến với giáo lý ấy như đi vào trong rừng với vô số cây cỏ thuốc quý báu. Nếu chỉ ngắm nhìn thôi mà ra về thì không có thuốc để trị bệnh. Nếu chọn đúng thuốc mà uống mà chữa lành bệnh cho mình mới là người có trí tuệ. Phật dạy có nhiều pháp môn tu, một người tha thiết thoát ly sinh tử mà chọn pháp môn tu hành là điều vô cùng cần thiết. Pháp môn tu gắn liền với sinh mệnh giải thoát của chính mình thì cần thực hành siêng năng để đạt đến mục đích sau cùng. Người tu pháp môn niệm Phật cũng như thế, luôn tin tấn học tập và thực hành mới đạt được kết quả. Người niệm Phật như thế gọi là hành giả niệm Phật. Một hành giả niệm Phật trước hết cần xác định mục đích, phương pháp và kết quả của sự tu niệm mới phát huy hết năng lực của chính mình.
Mục đích niệm Phật là xa rời tham sân si thành tựu tuệ giác ngộ và được sanh Tây Phương Cực Lạc. Nếu không như vậy thì tu học cũng như ngoại đạo tu mà thôi. Ngoại đạo gồm ai? Ngoại đạo không chỉ người khác tôn giáo mà còn chỉ chung cho những ai tu niệm ngoài mục đích giải thoát khổ đau sinh tử. Các pháp môn đều cần chuyên tâm. Như học thuật các môn thế gian, cầu hội tụ khí thần, luyện khí công và luyện nhân điện đều cần sự nhất tâm để đạt được mục đích riêng của họ.
Chúng ta tu niệm Phật, tụng kinh hằng ngày cần giữ tâm an định hướng đến nhất tâm. Cho nên, nhất tâm từ giai đoạn đầu tiên cho đến lúc thành Phật. Niệm Phật là phương pháp thực tiển trong đời sống hằng ngày. Còn cầu sanh Tịnh độ là mục đích, vì đó là diệu dụng vốn có. Nếu xem niệm Phật là quên hết đời sống hiện thực, đợi chết để sanh về tịnh độ thì thật là đáng tiếc. Nhận thức Tịnh độ như thế là một sự sai lầm lớn. Chẳng khác nào đặt chiếc thuyền trên sa mạc rồi muốn thuyền chạy là điều vô lý.
Cảnh giới nhất tâm trong Tịnh độ là thể nhập với vũ trụ bao la. Tâm ấy bao gồm mọi hiện tượng tồn tại trong không gian và thời gian. Tâm ấy viên mãn, là cái thể của vạn vật, rộng lớn trùm khắp. Đó là cảnh giới của niệm Phật tam muội, tương ưng với pháp thân chư Phật. Kinh dạy: “Như Phật, chúng sanh đồng. Phải biết Phật cùng tâm thể tánh đều vô tận” [1]. Cái mà kinh Hoa Nghiêm nói là Tâm, Phật và chúng sanh cả ba đều không sai biệt. Hay nhà thiền nói, Tức tâm tức Phật[2] là cùng nói về phương diện bản thể của tâm.
Làm sao mà niệm Phật mau được nhất tâm? Trước hết, phải nhận thức được tâm và niệm. Nhà Phật thường nói rằng, một hơi thở vô và một hơi thở ra gọi là một niệm. “Vì một niệm như thế có 90 sát na, mỗi sát na có 900 lần sanh diệt. Trong Thành Thuật Luận giải thích rằng: Sát na là thời gian rất ngắn, có muôn pháp sanh diệt, rồi từ sát na này đến sát na kia, các pháp cứ tiếp tục sanh và diệt mãi, như vậy gọi là sát na sanh diệt.”[3] Cho nên niệm Phật nhất tâm, nhất tâm cho đến vô niệm. Vô niệm là thấy cái pháp đang sanh diệt. Chứng đắc niệm Phật tam muội là trực nhận cái tâm không sanh không diệt đó. Tâm đó gọi là Phật tâm. Tâm ấy tự tại trong sanh tử, chứ không phải cái tâm tạo nghiệp bị luân hồi. Khi chứng niệm Phật tam muội cầu sanh tịnh độ cũng được tự tại.
Bản tính vốn có của chúng ta là vô nhiễm. Nhưng do vô minh nên nhận cái giả cho là thật, nên gọi là vọng tâm. Vọng niệm và phiền não huân tập và biểu hiện tương tục trong từng sát na. Nó như dòng chảy đêm ngày cho đến kiếp này kiếp khác. Nó thành sức mạnh chi phối tâm chúng ta , như là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến và vô số phiền não khác từ tâm đó mà biến hóa ra. Cho nên nói một niệm có tám vạn bốn ngàn phiền não là nghĩa đó. Kinh dạy: “Chư Phật ba đời, quán đặc tính của pháp giới là do tâm tạo”[4]. An lạc giải thoát cũng từ tâm này, khổ đau sanh tử cũng từ tâm này. Phật hay chúng sanh đều từ tâm này mà ra. Muốn chấm dứt dòng luân hồi vô tận ấy là phải dừng lại vọng tâm và trở về chơn tâm. Trở về bản thể thanh tịnh sáng suốt ấy gọi là tu.
Muốn thành tựu giải thoát không ngoài tâm. Tu các pháp môn là thấy rõ, thấy sâu tính chất sanh diệt các pháp trong từng sát na. Như vậy, khi niệm Phật còn biết mình niệm được bao nhiêu hạt châu là phương tiện nhắc nhở trở về với tâm mình. Nếu còn biết đếm là chưa đủ định lực nhiếp phục vọng niệm trong từ sát na sanh diệt ấy. Thậm chí niệm Phật còn có cảm giác, suy lường cũng chưa phải nhất tâm. Do vậy, niệm Phật đến nhất tâm bất loạn là dứt vọng niệm.
Tuy nhiên, khi an trú câu niệm Phật trong tâm, dầu bao nhiêu vọng niệm không cần quan tâm đối phó. Cũng như người đi đường nhắm mục đích mà bước đi vững chải. Bao nhiêu người qua lại không bận tâm làm gì. Nhất hướng là giữ ý niệm mình đang niệm Phật. Còn người qua lại là dụ khách phiền não hiện khởi không chướng ngại người niệm Phật. Niệm Phật không ngại vọng tưởng sanh khởi, không hoài nghi và phải tự tin mình nhất định vãng sanh. Tâm tánh chúng ta vốn không nhiễm loạn nay chỉ trở về thôi. Chúng ta lấy câu niệm Phật để về với tâm Phật. Hằng ngày mọi thời mọi lúc câu niệm Phật nhuộm ở trong tâm.
Khi tâm không chạy theo pháp sanh diệt trong từng sát na thì gọi là tịch diệt. Tâm không chạy theo niệm sanh diệt gọi là nhất tâm. Tâm không sanh phiền não ô nhiễm gọi là tâm tịch diệt. Cho nên kinh Niết Bàn nói: “Sanh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc”[5]. Nghĩa là khi đã dứt cái tâm sanh diệt rồi thì có sự tịch diệt, sự yên lặng và an lac giải thoát. Lạc ở đây là giải thoát mọi phiền não, sự an lạc ấy có mặt tại đây. Niệm Phật như thế gọi là đắc pháp lạc hiện tiền. Đó là nghĩa thù thắng thứ nhất của pháp niệm Phật.
Niệm Phật tam muội thành tựu công đức không thể nghĩ bàn. Tam muội lực là tâm chánh định. Chánh định này tương ưng tất cả các tam muội của Phật. Kinh dạy:“ Ở một đức Phật mà niệm niệm nối nhau không gián đoạn, thì liền trong niệm ấy thấy được chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại.”[6]. Đó là cảnh giới cao tột của Tâm giải thoát. Một hành giả niệm Phật là phải tự tại với mọi hoàn cảnh để bảo trì sự chuyên tâm niệm Phật. Các tổ sư niệm Phật tin tấn theo năm tháng mới có sự chứng đắc niệm Phật tam muội. Huống gì người mới thực tập mà mong muốn mau chứng đắc liền là khó. Thiền môn quy củ mục đích giúp chúng ta an trú trong pháp môn tu. Cho nên, hành giả tu tập là hạ quyết tâm mới xả li tất cả mọi chướng ngại để duy trì niệm Phật tại tâm. Chứng đắc niệm Phật tam muội là thể nhập vào bản thể của vạn Pháp, đó cũng là cái thể sáng suốt của Phật A Di Đà.
Chúng ta tu là chuyển hóa, từ nhiễm sang tịnh, từ loạn đến nhất tâm, từ phiền não chấp trước đến giác ngộ giải thoát. Các tập khí vô minh từ vô lượng kiếp chồng chất cần có sự niệm Phật nhất tâm, định lực thành khối bất động. Năng lực ấy như ngọn lửa nóng mới đốt sạch cỏ rác phiền não trong tâm nhanh chóng. Sự tu học giải đải thì lâu dài mới có kết quả. Ví dụ như chúng ta cần đun một ấm nước. Nước chưa sôi mà rồi dập tắt lửa thì nước không sôi được. Nếu đốt lửa liên tục thì nước sẽ mau sôi. Cũng thế, niệm Phật liên tục trong mọi thời khắc thì mau đạt nhất tâm bất loạn.
Vậy thì tu niệm Phật khó không? Nếu muốn tu rồi thì rất dễ , càng tu thì càng bớt khổ nên nói là dễ tu. Vì tâm tánh chúng ta vốn là Phật, niệm Phật là con đường trở về tâm tánh ấy. Phật A Di Đà cũng là cái thể của tâm tánh sáng suốt. Chúng ta đi đứng nằm ngồi, mọi thời lúc cũng trong ánh sáng của Phật A Di Đà. Ánh sáng ấy không bao giờ gián đoạn với thời gian nên gọi là Vô Lượng Thọ. Nếu chúng ta có Tín, có Hành và có Nguyện hướng về Phật mà niệm thì ánh sáng chiếu soi tâm ta liên tục. Vì ánh sáng của Phật A Đi Đà là bản thể của Tâm trùm khắp vũ trụ nên gọi là Vô Lượng Quang. Ánh sáng A Di Đà luôn hiện hữu trong từng hơi thở, trong trời đất vũ trụ và trong chúng ta. Cho nên niệm Phật nhất tâm bất loạn chứng đắc tam muội là thể nhập vào năng lượng ánh sáng ấy. Trạng thái niệm Phật mà không còn niệm, không còn Phật để niệm. Bản chất tam muội ấy là không còn sai biệt giữa tâm và Phật. Nó xa rời có và không và không còn luận là Thiền hay là Tịnh.
Tâm Phật đang hiện hữu trong vũ trụ bao la. Cho nên khi niệm Phật là hòa nhập được năng lực gia trì của Phật. A Di Đà tu vô lượng công đức là chánh báo, Tây Phương Cực lạc là y báo của Phật. Cực Lạc trang nghiêm thù thắng là cõi nước của Phật giáo hóa mọi chúng sanh. Cũng như con người có thế giới này, Phật A Di Đà có thế giới Cực Lạc. Thế giới này là cực khổ nhiều, thế giới của Phật thanh tịnh an lạc nên gọi là Cực Lạc. Chính vì lẽ đó mới nói rằng tu niệm Phật là gồm hai năng lực, đó là tự lực và tha lực. Tự lực là công phu tu hành của chúng ta, tha lực là tất cả chư Phật hộ niệm “Nhất thiết chư Phật sở hộ niệm”[7]. Tu Tịnh độ ví như người chèo thuyền xuôi theo dòng nước thì rất nhanh. Đây là nghĩa thù thắng thứ hai của pháp môn niệm Phật.
Tóm lại, pháp môn niệm Phật là bao gồm mọi căn cơ trình độ con người. Ai tu cũng có phần lợi lạc hết, nhưng nếu nhận thức trọn vẹn phương pháp thì có kết quả rất to lớn. Nhưng dù tu bất cứ pháp môn nào cũng phải dựa trên ba môn Giới, Định và Tuệ làm nền tảng. Như lâu đài dù cao cho mấy cũng dựa trên mặt đất mới đứng vững. Vì niệm Phật là nhiếp thân, khẩu và ý đều thanh tịnh hợp nhất mới thành tựu. Giới, Định và Tuệ là lộ trình của tâm hướng tới mục đích chứng ngộ. Niệm Phật A Di Đà với Tín, Nguyện và Hạnh là hành trang chúng ta đi trên lộ trình đó. Một hành giả tu niệm Phật thành tựu thì được giải thoát tự tại và tùy nguyện vãng sanh. Đó là hai phương diện đặc thù vốn có trong pháp môn niệm Phật.
Trích Hành Giả Niệm Phật
Thích Đức Trí
Chú thích:
1- Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Dạ Ma Cung, Tập 1, Tr.661.HT Thích Trí Tịnh dịch
2- Mã Tổ Ngữ Lục, quyển 1, Nguyễn Nam Trân biên dịch
3- Đoàn Trung Còn, Phật học từ điển, Tr. 726,727
4- Kệ trong kinh Hoa Nghiêm, Trích từ Kinh Nhật Tụng
5- Kinh Bát Chu Tam Muội, HT. Thích Minh Lễ dịch
6- Kinh A Di Đà, HT. Thích Trí Tịnh dịch
7- Sđd, Pháp thoại đầu-Tịch diệt, Tr. 13, Thích Nhất Hạnh
nam mô a di đà phật, kính bạch chư tôn đức tăng ni,thưa quý liên hữu, con là một chú tiểu nhỏ năm nay đã 19 tuổi,nhưng trên bước đường tu tập của con lại vướng phải một thói quen xấu thói quen bất thiện, con biết rằng nó là nguyên nhân dẫn dắt ta vào luân hồi sanh tử,con cũng đã cố gắng hết mình để vượt lên thử thách nhưng đã bao lần thất bại,hôm nay con xin mạnh dạn viết lên những dòng này cúi mong quý thầy cùng các liên hữu mở lòng từ bi khai thị cho con được biết con phải tu tập niệm phật như thế nào để thắng được nghiệp lực kia và để sớm được vãng sanh cực lạc ạ a di đà phật
chào chú, không biết là thói quen gì vậy chú phải nói rõ thì mới biết được chứ 😀
thì trong tham san si phai dính 1 cái, nếu ko dính 1 cái nào hết thì chú làm thánh ngay kiếp này sao, cố gắng tu hoài la vuot qua, cứ để tự nhiên là hết ah, muốn bỏ tật xấu ta nên làm việc nhiều vào, lao động nhiều vào là tốt
A di đà phật.
Con xin kính chào quý thầy trong “Đường Về Cõi Tịnh”.:)
Con 19t và đang là sinh viên,con bắt đầu tu pháp môn Tịnh Độ được 3 tháng rồi,nhưng con mới thực hiện thời khóa tu tập được mấy hôm thui…Và hiện giờ con đang rất bối rối,có lẽ là chán nản vì con nhận ra 1 SỰ THẬT là con không tha thiết nguyện về Tây Phương,mặc dù mỗi thời khóa niệm Phật con có hồi hướng nhưng k thực sự tha thiết.:(.Có lẽ nghiệp con quá nặng,đầu óc phàm phu ngu muội,và có lẽ con đang sống 1 cuộc sống chẳng mấy vất vả vì mọi chi tiêu ăn uống sinh hoạt là do cha mẹ cung cấp nên con không tha thiết.Con thấy lo vì niệm Phật là cầu vãng sanh nhưng con lại KHÔNG THA THIẾT VÀ BỊ THỐI CHUYỂN liên tục,và con sợ nghe pháp vì câu”niệm phật không cầu sanh tây phương thì yu học cũng giống tu ngoại mà thôi” luôn văng vẳng.:(.Con vẫn thực hiện thời khóa con đã định nhưng con thấy lo lắm,có phần chán nản nữa.:(và con không biết rằng nếu con cứ tu tập liệu dần dần con có phát khởi được sự tha thiết vãng sanh không ạ?
Con xin chân thành cảm ơn quý thầy nhiều.
A di đà phật
A di đà phật
A di đà phật.
A Đi Đà Phật. Chào bạn Hy Vọng,
Bạn là sinh viên 19t, HT sẽ thí dụ tâm lý như thế này cho bạn dễ hiểu nhe.
Nếu bạn có duyên quen một người con gái hay trai mà bạn phát xuất có cảm tình rất tự nhiên đối với người ấy, thì chắc chắn bạn sẽ ngày đêm mong nhớ gặp người đó đúng không? Nếu bạn không có duyên thì có thể cưỡng ép một đôi tình giữa hai bên không?
Muốn có tâm nguyện tha thiết vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc cũng thế. Khi bạn đủ nhơn duyên thì sự phát tâm sẽ rất tự nhiên (natural) tha thiết phát xuất từ đái lòng thôi. Việc cưỡng ép làm sao cho nguyện tha thiết thì chắc chắn không thể có.
Bạn còn trẻ nên tập trung vào sự việc học hành bình thường như các bạn khác, hiếu thảo với cha mẹ, hoà thuận với bà con cô bác, anh em trong gia đình, tốt với mọi người, v.v. Bạn cứ sống cho đạo đức, lo sự việc học hành trước đi và “thầm” nuôi giữ cái tâm nguyện vãng sanh mỗi ngày, rồi sau này khi đủ duyên cái nguyện ấy sẽ phát khởi mạnh mẽ tự nhiên thôi.
Bạn nên nhớ rằng, tuổi của bạn là tuổi đi học thành tài để sau này tri ơn trả hiếu cho cha mẹ khi tuổi già. Đó là đều mong uớc của tất cả cha mẹ. HT không biết lý do nào đã khiến bạn nghĩ đến sự cầu nguyện vãng sanh, nếu bạn vì cái khổ tâm chán nản nào đó mà mong cầu bỏ lại cha mẹ gia đình để Phật tiếp dẫn thì kết quả sẽ không bao giờ có tha thiết được.
Tha thiết nguyện vãng sanh từ cái giác ngộ mà có.
KINH PHÁP CÚ
http://loiphatday.org/kinh-phap-cu
Nam Mô A Đi Đà Phật.
Mến chào bạn Hy vọng,
Mình không phải là thầy, nhưng thấy có thể góp ý được với bạn nên hồi âm cho bạn.
Còn trẻ như bạn mà đã bắt đầu tu Tịnh Độ quả thật là điều rất quý. Rất nên như vậy vì vô thường không đợi một ai cả. Lúc này còn đang nói năng, có khi lúc sau đã qua một kiếp khác rồi. Cái chết không đợi mình trưởng thành, có công danh, sự nghiệp, trả hiếu cho cha mẹ rồi mới đến. Những việc liên hữu Huệ Tịnh khuyên bạn đều rất tốt, bạn nên cố gang làm tròn, nhưng vạn lần xin bạn đừng bao giờ bỏ đi cái tâm nguyện niệm Phật cầu vãng sanh và hãy cố gắng niệm Phật hàng ngày. Mình thấy rõ cái tâm “giác” của bạn rất mạnh mẽ, hãy gắng nuôi dưỡng nó nhé. Mỗi ngày bạn hãy chu toàn trách nhiệm của một người con, một người anh, em trong gia đình, một công dân trong xã hội, nhưng nhớ niệm Phật và đừng bao giờ, đừng vì bất cứ gì mà bỏ quên tâm nguyên cầu vãng sanh bạn nhé.
Bạn đừng lo lắng vì không phát ra được cái nguyện chân thực, tha thiết. Bạn hãy cầu Tam Bảo từ bi gia hộ cho bạn phát ra được tâm nguyện vãng sanh tha thiết và hãy tu niệm Phật mỗi ngày theo thời khóa đã định nhé. Ngài Pháp Nhiên có kể một câu chuyện về một vị sư tu Tịnh Độ nhưng lại không phát ra được tín tâm, ngài Pháp Nhiên đã khuyên vị sư đó hãy cầu Tam Bảo gia hộ và cuối cùng thì trong một lần làm việc, nhìn một sự việc đang diễn ra, vị sư đó chợt nhận ra cái năng lực vô biên, phi thường của Phật và tự nhiên tín tâm phát sinh dũng mãnh. Nên bạn đừng lo lắng nhé. Đúng như bạn nghĩ, bạn cứ niệm Phật hàng ngày đi, từ từ sẽ phát sanh được cái nguyện tha thiết, câu niệm Phật có công đức bất khả thuyết. Đừng nghi và đừng thối thất nhé. Tu niệm Phật mà đôi lúc thấy chán nản cũng là thường, cứ từ từ, biết cái chán nản đó cũng là vọng, không theo nó, chán thì chán, niệm Phật cứ niệm, dần dần sẽ không thấy chán nữa.
Như các vị đại sư đã dạy, sinh tử là việc hệ trọng nhất trong đời, cái chết đến bất kỳ lúc nào, hãy nhớ như thế để cố gắng tu niệm, nhất định bạn sẽ một đời thoát được luân hồi. Còn các việc thế gian khác bạn cũng hãy gắng làm tròn nhé.
Bạn có gì thắc mắc cứ chia sẻ trên DVCT nhé, mình và các bạn sen sẽ rất hoan hỷ góp ý với bạn.
Chúc bạn thường tinh tấn và an lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật.
A di đà phật.
“Đủ nhơn duyên thì sự phát tâm cũng rất tự nhiên (natural)”.Con hiểu rồi.Con cám ơn chú Huệ Tịnh.
Con cũng không rõ vì sao con lại đi sâu vào việc tu tập nữa,con thấy rất vui sướng khi học đạo và con muốn tu,học Phật cũng giúp con bình tĩnh hơn vì học đại học vất lắm chú ạ,stress liên tục,con bình tĩnh và lạc quan hơn nhờ niêm Phật, :)con có ước mong là mai sau con sẽ tu tại gia ở nhà nuôi ba mẹ.Chú cho con hỏi thêm là con lập thời khóa niệm Phật là 6000 niệm mỗi ngày,và thời gian con giành cho việc học không nhiều lắm,con biết như vầy là gượng ép nhưng con có sự lo là con tu không kịp,con xin chú khai thị cho con.
Con xin chân thành cảm ơn vì chú đã gửu phúc đáp trả lời giúp con ạ.
A di đà phật.
A di đà phật.
A di đà phật.
A Đi Đà Phật. Chào bạn Hy Vọng,
Đạo hữu Phước Huệ đã khuyên bạn nên nhớ cầu nguyện Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo gia hộ rất là quan trọng thù thắng lắm đó. Người tu hành không thể thiếu cầu sự oai thần lực gia bị cho đến khi thành Phật, nhất là khi còn ở địa vị phàm phu.
Cảm ơn bạn sen PH nhắc nhở đều này, thật là quý báu cho các bạn đồng tu.
HV: “con có ước mong là mai sau con sẽ tu tại gia ở nhà nuôi ba mẹ..Chú cho con hỏi thêm là con lập thời khóa niệm Phật là 6000 niệm mỗi ngày, và thời gian con giành cho việc học không nhiều lắm,con biết như vầy là gượng ép nhưng con có sự lo là con tu không kịp,….”
Xem ra bạn thật có căn tu hành và tâm hiếu thảo nữa đó nhé. Chú HT thì không dám khai thị cho bạn nhưng nếu đã hỏi thì chú chỉ có thể đề nghị cách thời khoá và tu tập phù hợp tuỳ theo hoàn cảnh của bạn. Bạn cảm thấy tin thì thử xem nếu không có lợi ích thì thôi tìm học hỏi phương tiện khác đừng cưỡng ép tuỳ duyên.
Trong bốn mươi tám nguyện của A Di Ðà Phật có một đại nguyện như sau: “Lúc tôi thành Phật, mười phương chúng sanh chí tâm tin ưa muốn sanh về cõi tôi, niệm danh hiệu của tôi mười tiếng mà nếu chẳng được sanh thì tôi chẳng làm Phật”. Ðấy là đức Phật sẵn có lời nguyện độ người, chỉ cốt người niệm Ngài mười niệm để biểu thị tấm lòng quy y.
1.2. Pháp môn Chuyên Trì thứ hai của cư sĩ Vương Long Thư
Mỗi sáng chắp tay, hướng về Tây đảnh lễ, niệm Nam Mô A Di Ðà Phật, Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát, Nam Mô Ðại Thế Chí Bồ Tát, Nam Mô Thanh Tịnh Ðại Hải Chúng Bồ Tát; mỗi danh hiệu mười lượt. Rồi lại đảnh lễ, niệm trọn bài kệ “Tán Phật Sám Tội Hồi Hướng Phát Nguyện” một lượt như sau:
Thập phương tam thế Phật,
A Di Ðà đệ nhất,
Cửu phẩm độ chúng sanh
Oai đức vô cùng cực
Ngã kim đại quy y,
Sám hối tam nghiệp tội
Phàm hữu chư phước thiện
Chí tâm dụng hồi hướng
Nguyện đồng niệm Phật nhân
Cảm ứng tùy thời hiện
Lâm chung Tây phương cảnh
Phân minh tại mục tiền
Kiến văn giai tinh tấn
Ðồng sanh Cực Lạc quốc
Kiến Phật liễu sanh tử
Như Phật độ nhất thiết
(Tạm dịch:
Mười phương tam thế Phật,
Phật Di Ðà bậc nhất,.
Chín phẩm độ chúng sanh,
Oai đức không cùng cực.
Con quy y sâu xa,
Sám hối tội ba nghiệp,
Có bao nhiêu phước thiện,
Dốc lòng hồi hướng cả.
Nguyện người cùng niệm Phật,
Tùy thời cảm ứng hiện.
Lúc chết, cảnh Tây Phương,
Hiện rành rành trước mắt,
Thấy, nghe đều tinh tấn,
Cùng sanh cõi Cực Lạc.
Gặp Phật hết sanh tử,
Như Phật độ tất cả).
Lại đảnh lễ, lui ra. Bài kệ này có oai lực lớn, diệt được hết thảy tội, tăng trưởng hết thảy phước. Phàm mỗi khi đảnh lễ, đốt hương lạy rất tốt. Mỗi ngày đều làm như thế, ắt sẽ sanh trong Trung Phẩm. Nếu dạy người khác niệm bài kệ này, sẽ được phước báo lớn.
Trong lúc niệm Phật, tâm nên tưởng thân mình đang ở Tịnh Ðộ, đối trước Phật chắp tay, cung kính niệm Phật. Lúc niệm Bồ Tát cũng giống như thế. Lúc lạy và đọc kệ, cũng tưởng mình đang ở cõi Tịnh Ðộ, đối trước Phật lễ bái và tụng kệ. Nếu khi nào đã có tượng Phật, Bồ Tát, chẳng cần phải làm như vậy; nhưng phải tưởng tượng Phật, Bồ Tát ấy như đức Phật và Bồ Tát [thật sự] hiện thân ở ngay tại đó, nhận sự lễ lạy của mình, nghe mình tụng niệm. Chuyên chí như vậy, phẩm vị vãng sanh ắt cao. Nếu càng tinh tấn hơn, mỗi ngày niệm Phật ba lượt, năm lượt, hoặc niệm ngàn tiếng, vạn tiếng, cho đến ngày đêm niệm Phật chẳng thiếu sót. Lại đem pháp môn Niệm Phật giáo hóa rộng rãi người đời, lại khiến họ khuyến hóa lẫn nhau, ắt sẽ Thượng Phẩm Thượng Sanh.
Nhận định:
Cách này chuyên vì người bận rộn quá mức, hoặc kẻ không biết chữ mà lập ra pháp Niệm Phật giản dị, cũng như để người mới học dễ hiểu mà chọn được một cách hành trì. Ngày ngày chí thành như thế, không ai là chẳng vãng sanh. Nếu lại hành thêm khóa tối, hoặc là cứ hễ rảnh là niệm, hoặc trong lúc làm việc vẫn niệm Phật không gián đoạn, lại còn rộng khuyên người khác, phẩm vị vãng sanh ắt sẽ cao.
http://niemphat.net/Luan/niemphatphapyeu/niemphatphapyeu4.htm
———————————————————————
Bạn cứ vào cái link trên mà tuỳ duyên sở thích lựa chọn cho mình một thời khoá tu tập hàng ngày vừa sức đừng ép quá sức mà kích động ảnh hưởng đời sống ở nhà là quan trọng nhất, để tránh sanh ra phiền não với cha mẹ khi bạn chưa đủ kinh nghiệm để ứng phó đời với đạo lẫn chung với nhau. Chú HT cũng sẽ đưa ra ý kiến cá nhân thôi nhe, ngoài thời khoá sáng tối bạn cố gắng tập hễ “nhớ Phật niệm Phật”. Bận tâm việc học hành, tiếp xúc gia đình cha mẹ, bạn bè, không niệm được thì không sao, nhưng hễ khi hết nói chuyện thì nhớ niệm thầm câu “A Di Đà Phật”. Cứ lập đi lập lại lâu ngày thành thói quen sẽ giúp bạn bớt stress. Khi rảnh ngoài thời học bài xong, phụ trợ cho cha mẹ công việc trong nhà thì tha vì đi ra ngoài chơi với bạn bè nhiều nên bớt giảm thời gian dành cho sự tham khảo Phật pháp giải luận để khai tâm Trí Tuệ thêm.
Lấy việc học kinh điển giải luận của các vị Tổ và chánh tư duy làm trợ duyên cho hạnh tu trì niệm Phật cho sáng suốt giúp bạn nhìn cuộc đời bằng đôi mắt Từ Bi và Trí Tuệ hơn. Nếu sự tu trì tại gia mà ảnh hưởng xấu cho việc học hành và đời sống gia đình cha mẹ bạn buồn phiền thì nên xem lại cách tu hành có đúng hay không. Bạn cũng biết nấu cơm thì thể ép gạo thành cơm thơm liền mà cần phải có những trợ duyên như nước, thời gian, v.v. rồi đúng duyên cơm sẽ chính đúng không? Việc tu hành thành tựu kết quả tốt đẹp cũng vậy.
Còn cách này nếu bạn thành tâm TIN vững chắc tập làm mỗi ngày thì càng tốt cứ thử trải nghiệm xem nhe.
Trước khi đi ngủ, bạn ngồi ngay thẳng trên giường xoay về hướng Tây chấp tay niệm thầm “Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật” hoặc “Nam Mô A Di Đà Phật” 10 lần rồi nằm xuống thầm niệm Phật đi vào giấc ngủ. Sáng thức dậy trước khi bước chân xuống giường cũng niệm 10 lần “Nam Mô Tây Phương…..” rồi đi xuống giường.
Vài dòng chia sẻ nếu bạn có thắc mắc gì thêm thì cứ tự nhiên hỏi các bạn sen đồng tu ở đây để được lợi ích trong sự hành trì tu tập. Chúc bạn tinh tấn niệm Phật, lòng Tin vững chắc, lập chí Nguyện tha thiết, đồng sanh về Cực Lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật.
A Đi Đà Phật.
Huệ Tịnh xin chia sẻ gửi cho các bạn đồng tu nào mới phát tâm chưa có duyên đọc qua quyển “Quy Nguyên Trực Chỉ” của Đại Sư Tông Bổn thì cũng nên xem qua một lần. Lợi ích trong quyển giải luận này thật là quý báu vô cùng. Nếu ai có duyên lành với quyển này xin nhớ giữ trọn cả đời và cố gắng giới thiệu chia sẻ cho kẻ khác để gieo duyên lành đồng sanh về Tây Phương Cực Lạc.
——————————————
Quy nguyên trực chỉ » 3. Hiếu dưỡng và báo ơn cha mẹ
http://rongmotamhon.net/mainpage/doc-sach-Quy-nguyen-truc-chi-11-271-online-2.html
Trong Liên Tông Bảo Giám có nói rằng: “Niệm Phật là pháp cốt yếu trong các pháp; hiếu dưỡng là hạnh đứng đầu trong trăm hạnh. Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu khác chi hạnh Phật? Muốn được đạo lớn như chư Phật, trước phải lo hiếu dưỡng song thân.”
Cho nên Trạch Thiền sư nói rằng: “Một chữ hiếu là cửa mọi đạo mầu.” Lời Phật lấy hiếu làm tông, kinh Phật lấy hiếu làm giới. Trong lời nói chẳng có điều ám muội, ngoài cửa miệng giữ gìn cho sáng suốt, thẳng suốt rõ ràng, mau khai tâm địa………..
Đạo hiếu của hàng xuất gia, lợi ích phổ cập lớn thay! Còn như nhân duyên chưa hòa, cha mẹ chẳng thuận, thì nên gắng hết sức giữ tròn đạo hiếu tại gia, khuyến khích cha mẹ tu trì để tạo mối nhân duyên xuất thế. Nếu có thể biết tục là chân, cũng là con đường thẳng lên cõi Phật.
Những mong noi theo nết cũ, trở lại làm trẻ thơ, đừng rời xa giường gối mẹ cha. Đáp đền ơn nuôi dưỡng sanh thành, cũng là đến Nhất thừa trọn vẹn. Nếu người tại gia thật sự giữ tròn được hạnh Bồ Tát, thì những bậc xuất gia cao quý cũng nên noi theo gương ấy. Chẳng nên chăm chăm giữ việc tu hành theo Phật mà chẳng hết lòng hiếu dưỡng mẹ cha. Như ai có hiểu và cảm nhận được lẽ này, nên xét kỹ lại mình cho tròn đạo hiếu.
Than ôi! Ngày tháng trôi qua thấm thoát, công ơn cha mẹ há dễ quên sao? Còn được thấy cha mẹ hiện tiền, khác nào như có Phật tại thế. Lấy sự báo hiếu mẹ cha làm đức, đó chính là niệm Phật thành công.
Nên biết, cha mẹ vui lòng thì chư Phật hoan hỷ, tâm này trong sạch thì cõi Phật thanh tịnh. Có thể nói là:
Đồng nội trải xa không đồi núi.
Nắng soi nước chiếu chẳng phân hai!
——————————————
Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát.
Nam Mô A Di Đà Phật.
A di đà phật.
Con cảm ơn chú Phước Huệ và Huệ Tịnh đã hồi âm và khai thị cho con,con ngộ ra đôi điều r ạ.
Con thực sự rất cảm ơn!
A di đà phật
A di đà phật
A di đà phật.
A Đi Đà Phật. Chú gửi cho bạn HV,
Hễ nhớ Phật niệm Phật
Đừng so đo tính toán
Hãy sống vì mọi người
Lâm chung Phật lai nghinh.
Nam Mô A Di Đà Phật.
A di đà phật.
“Cha mẹ là Phật tại gia
Sao tâm này mãi kiếm tìm ở xa???”.
Con cảm ơn chú Huệ Tịnh vì đã khuyên và nhắc nhở con về đạo hiếu.
Con sẽ cầu mong chư Phật gia hộ cho con để con luôn giữ được tâm kiên định là báo hiếu được cha mẹ và sau đó khi lâm chung Đức Phật sẽ lai nghinh,con sẽ đi cùng với Đức Phật.Ngoài đời nhiều cám dỗ quá,con rất sợ…con sợ vì nhung thứ đó mà con không báo hiếu được cha mẹ và con không thể vãng sanh.
A di đà phật.
“Tận thân tâm tìm tâm thanh tịnh
Tận thân tâm thân tâm thanh tịnh”.
A Di Đà Phật.
Nếu bạn HV sợ thì mỗi sáng thắp hương cung kính trước bàn thờ Phật mà cầu xin mười phương Tam Bảo gia bị cho tâm nguyện lòng thành của bạn đi. Phật chắc chắn sẽ chứng minh không để cho bạn mất đi tâm hiếu thảo đâu đừng có lo lắng. Bạn cũng nên cầu cho cha mẹ sớm phát tâm niệm Phật (nếu chưa) để đồng sanh về Cực Lạc mới là đại hiếu.
Nam Mộ A Di Đà Phật.