Lúc bấy giờ, trong pháp hội Thủ Lăng Nghiêm, Ngài Đại Thế Chí Bồ Tát, cùng với năm mươi hai vị Bồ Tát đồng tu pháp môn Tịnh Độ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, mà bạch Phật rằng: “Con nhớ hằng hà sa kiếp trước, có đức Phật ra đời, danh hiệu là Vô Lượng Quang. Trong một kiếp có mười hai đức Như Lai kế nhau thành Phật, vị thành Phật sau cùng danh hiệu là Siêu Nhật Nguyệt Quang. Đức Phật kia chỉ dạy con pháp Niệm Phật Tam Muội. Ví như có hai người, một người chuyên nhớ, một người chuyên quên, hai người như thế, nếu có gặp nhau cũng như không gặp, dầu có thấy nhau cũng như không thấy. Nếu hai người đều tưởng nhớ nhau, cả hai người càng nhớ càng khắc sâu trong lòng. Như thế từ đời này cho đến đời khác, như hình với bóng, không cách xa nhau. Mười phương chư Phật, thương nhớ chúng sanh, như mẹ nhớ con. Nếu con bỏ trốn, tuy rằng tưởng nhớ chẳng có ích gì? Nếu con nhớ mẹ, như mẹ thường nhớ con thì mẹ con đời đời kiếp kiếp không xa cách nhau. Nếu tâm của chúng sanh, nhớ Phật niệm Phật, hiện tiền hay tương lai, nhất định sẽ được thấy Phật, cách Phật không xa, không cần dùng phương pháp nào khác, thì tự tâm được khai ngộ. Như người ướp hương, thì thân có mùi thơm, ấy gọi là Hương Quang Trang Nghiêm. Pháp tu nhân địa của con là chuyên tâm niệm Phật, chứng nhập pháp Vô Sanh Nhẫn. Nay ở cõi Ta Bà này, rộng độ những người niệm Phật, tiếp dẫn vãng sanh về Tịnh Độ. Phật hỏi về chứng đắc viên thông, con không lựa chọn, thu nhiếp lục căn, tịnh niệm tiếp nối, được vào Tam Ma Địa, đó là thù thắng nhất. ”
Trích từ kinh Thủ Lăng Nghiêm
Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương
Niệm Phật không nên niệm ào ào thật nhiều
Người niệm Phật hãy nên cung kính, chí thành, từng câu từng chữ trong tâm niệm cho rõ ràng, rành mạch, miệng niệm cho rõ ràng, rành mạch. Nếu làm được như thế, dẫu chẳng thể hoàn toàn không có vọng niệm, nhưng cũng chẳng đến nỗi quá đáng. Có lắm kẻ chỉ mong lẹ, mong nhiều, thuận miệng niệm ào ào, cho nên không có hiệu quả! Nếu có thể nhiếp tâm thì mới gọi là người niệm Phật thật sự.
Trích: Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng
Thư trả lời sư Hựu Chân và cư sĩ Giác Tam