Chúng sanh đời sau muốn tu hành phải hết lòng cúng dường phụng sự gần gũi người thiện tri thức của mình. Ở gần thì một lòng kính trọng, ở xa phải luôn nhớ những ý tốt lời lành. Trên đường tu thiện tri thức rất là quan trọng. Thiện tri thức có ba hạng:
- Giáo thọ thiện tri thức tức là bậc thầy dẫn dắt, giảng dạy chánh pháp cho ta.
- Đồng hạnh thiện tri thức là những người cùng một lý tưởng cùng pháp chí tu hành cùng mong cầu giải thoát giác ngộ.
- Ngoại hộ thiện tri thức là những người bảo hộ cho ta được yên ổn được có đủ điều kiện tốt để ta hành đạo.
Bậc thiện tri thức dùng Tứ Nhiếp Pháp để giáo hóa chúng sanh. Thế nào là Tứ Nhiếp Pháp? Tức là bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Bốn pháp này có thể dễ dàng hòa hợp với chúng sanh, làm cho chúng sanh đối với Phật Pháp phát tâm hứng thú, tin sâu nơi Phật pháp .
1. Bố-thí: Muốn cho người ta tin Phật Pháp thì mình cần phải bố thí vật và giáo lý, làm cho họ đối với mình phát sanh thiện cảm.
2. Ái ngữ: Lời nói không đi ngược lại với nhân tình, không đi ngược lại với Phật Pháp, lời mình nói ra thì nhân từ đạo đức.
3. Lợi hành: Lời nói, hành động và suy nghĩ tùy duyên tu hành khiến chúng sanh được lợi ích.
4. Ðồng sự: Ðối với những chúng sanh đáng được độ, thì làm công việc giống như họ để giáo dục họ.
Ðó là bốn pháp giúp mình gây thiện cảm và tín nhiệm đối với chúng sanh. Nếu lời nói mình nhất trí với hành động, vì lợi ích chung không vì riêng tư, lấy thân làm gương, gặp chuyện nghĩa thì dũng mãnh mà làm, như vậy chúng sanh tự nhiên sẽ tin ở lời nói của mình và cũng tin rằng Phật Pháp chính là con thuyền thoát khỏi biển sanh tử.
Trích Kinh Như Lai Viên Giác, Trực chỉ đề cương – Pháp Sư Thích Từ Thông
Khai Thị Quyển 3 – Hòa Thượng Tuyên Hóa
Các Phúc Đáp Gần Đây